UỶ BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3093/QĐ-UB | Hà Nội, ngày 21 tháng 9 năm 1996 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ RÁC THẢI CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
UBND THÀNH PHỐ HÀ NỘI
- Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;
- Căn cứ Luật Bảo vệ môi trường ngày 27-12-1993;
- Căn cứ Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995;
- Căn cứ Nghị định số 49/CP ngày 26-7-1995 của Chính phủ;
- Căn cứ Nghị quyết số 54/NQ-HĐ ngày 13 tháng 7 năm 1996 của Hội đồng nhân dân thành phố khoá XI, kỳ họp thứ 6;
- Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông công chính Hà Nội tại Tờ trình số 1393/TT ngày 8-8-1996.
QUYẾT ĐỊNH
Điều1: Ban hành Quy định quản lý rác thải của thành phố Hà Nội.
Điều 2: Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Riêng việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận chuyển, đổ rác và phế thải được áp dụng từ ngày 1-10-1996.
Các quy định trước đây của UBND thành phố về quản lý rác thải trái với quy định ban hành kèm theo Quyết định này đều không còn hiệu lực thi hành.
Điều 3: Chánh văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố; Giám đốc các Sở: Giao thông công chính, Công an thành phố, Tài chính vật giá, Địa chính, KHCNMT, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các cấp và thủ trưởng các Sở, ngành liên quan, giám đốc các Cty, Xí nghiệp Môi trường đô thị, Công ty thoát nước, các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sống, làm việc, sinh hoạt, học tập tại Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện quyết định này.
| TM/UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI |
QUY ĐỊNH
QUẢN LÝ RÁC THẢI CỦA THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3093 ngày 21 tháng 9 năm 1996 của UBND thành phố Hà Nội)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1: Quy định này nhằm giải quyết các loại rác:
1. Rác sinh hoạt hàng ngày
2. Rác loại ra trong quá trình sản xuất kinh doanh, dịch vụ
3. Phế thải trong quá trình cải tạo, xây dựng và phá dỡ công trình.
Điều 2: Phí vệ sinh là khoản đóng góp bắt buộc. Mọi tổ chức và cá nhân đóng trên địa bàn Hà Nội có nghĩa vụ chấp hành theo quy định.
Điều 3: Mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân (kể cả tổ chức cá nhân người nước ngoài) sống, làm việc, sinh hoạt, học tập trên địa bàn thành phố Hà Nội có nghĩa vụ thực hiện đúng những Điều trong bản quy định này)
Chương II
QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 4: Quy hoạch, kế hoạch trong việc giải quyết rác
1. Văn phòng kiến trúc sư trởng và Sở Địa chính Hà Nội chịu trách nhiệm về quy hoạch các trạm trung chuyển rác, bãi chôn lấp chất thải và nhà máy xử lý rác của thành phố.
2. Hàng năm Uỷ ban Kế hoạch thành phố, Sở Giao thông công chính Hà Nội, UBND các cấp và Cty Môi trường đô thị Hà Nội lên kế hoạch về toàn bộ khối lượng rác phải thu dọn và dự trù tổng kinh phí cho công tác quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác, trình UBND thành phố xét duyệt vào kỳ kế hoạch của năm.
Điều 5: Trách nhiệm của cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức trong việc thải rác:
1. Có trách nhiệm nộp phí vệ sinh hàng tháng theo quy định của UBND thành phố.
2. Mọi cá nhân sinh hoạt trên địa bàn thành phố Hà Nội có nhu cầu thải rác, phải bỏ rác vào thùng rác công cộng.
3. Mỗi hộ gia đình phải có dụng cụ chứa rác hợp vệ sinh, đổ rác vào xe chuyên dùng của Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị đến lấy rác, hoặc đổ vào dụng cụ chứa rác chuyên dùng công cộng.
4. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ trên địa bàn thành phố phải có nơi chứa rác hợp vệ sinh không gây ô nhiễm môi trường và phải ký hợp đồng với Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị vận chuyển rác bằng xe chuyên dùng đến bãi chôn lấp phế thải của thành phố để xử lý.
- Các ban quản lý chợ, các nhà hàng ăn uống, dịch vụ công cộng phải có nhà vệ sinh phục vụ khách, quản lý rác thải, vệ sinh hè phố trước cửa chợ và cửa hàng của mình.
5. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi tiến hành cải tạo, hoặc phá dỡ công trình trên địa bàn thành phố Hà Nội phải thực hiện:
a. Đăng ký với Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị hoặc UBND phường, thị trấn (chậm nhất 2 ngày trước khi khởi công) về biện pháp giải quyết phế thải của công trình theo biểu mẫu số 1 phụ lục 1 vụ quyết định số 1430/QĐ-UB ngày 25-4-1996 của UBND thành phố Hà Nội.
b. Tự vận chuyển phế thải của công trình ra bãi chứa phế thải của thành phố không được để phế thải rơi vãi dọc đường và phải chịu chi phí xử lý tại bãi.
c. Ký hợp đồng vận chuyển, xử lý phế thải của công trình với công ty, xí nghiệp môi trường đô thị hoặc các đơn vị được phép vận chuyển.
Nghiêm cấm mọi tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thải rác, đổ rác không đúng nơi quy định.
Điều 6: Trách nhiệm của Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị thành phố và quận, huyện.
1. Quản lý, thu gom, vận chuyển và xử lý rác của thành phố và quận, huyện theo kế hoạch đã được UBND thành phố xét duyệt và quy trình công nghệ "Thu gom rác" đã được cơ quan chủ quản xét duyệt.
2. Nhận bản đăng ký và giám sát về mặt chuyên môn biện pháp giải quyết phế thải xây dựng và ký hợp đồng dịch vụ, thu dọn rác và phế thải xây dựng đối với các tổ chức, cá nhân.
3. Thông báo bằng văn bản đến chính quyền địa phương (quận, huyện, phường, xã) và các ngành có liên quan về các nội dung sau:
a. Địa điểm bãi đổ phế thải của thành phố.
b. Thời gian thu gom rác trong ngày của khu vực địa phương, đường phố, ngõ xóm.
c. Địa điểm đặt dụng cụ chứa rác công cộng.
1. Công ty Môi trường đô thị quản lý bãi chứa phế thải của thành phố theo quy định hiện hành.
2. Thu phí vệ sinh theo quy định hiện hành của UBND thành phố.
Điều 7: Trách nhiệm của UBND các cấp và các cơ quan quản lý Nhà nước.
1. Sở Giao thông công chính phối hợp với UBND các cấp và các ngành: Sở Văn hoá thông tin, Công an thành phố, Sở Khoa học công nghệ và môi trường, Sở Xây dựng, Sở Tài chính vật giá và các ngành liên quan khác, các tổ chức xã hội, đoàn thể tổ chức tuyên truyền rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, trong các cụm dân cư trên địa bàn thành phố về nội dung và các Điều khoản cụ thể trong bản quy định này để tổ chức, cá nhân biết và tự giác chấp hành.
2. UBND phường, thị trấn có trách nhiệm chỉ đạo việc quản lý rác trên địa bàn, phổ biến, tuyên truyền, vận động, kiểm tra, xử lý các hành vi vi phạm của các cá nhân, hộ gia đình và các tổ chức đóng trên địa bàn.
3. Sở Giao thông công chính chịu trách nhiệm lập kế hoạch hướng dẫn triển khai và chủ trì cùng UBND quận, huyện kiểm tra việc quản lý rác thải trên địa bàn thành phố.
4. UBND các cấp, công an quận, huyện, phường, xã, thị trấn, thanh tra GTCC được xử phạt vi phạm hành chính theo Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính hiện hành.
Chương III
HÀNH VI VI PHẠM - HÌNH THỨC XỬ PHẠT, MỨC XỬ PHẠT, THẨM QUYỀN XỬ LÝ VI PHẠM HÀNH CHÍNH - KHIẾU NẠI, TỐ CÁO
Điều 8: Các hành vi sau đây sẽ bị coi là những hành vi vi phạm hành chính.
1. Vứt rác, đổ rác sinh hoạt hàng ngày ra hè đường phố, vào hệ thống thoát nước công cộng của thành phố và các nơi công cộng khác không đúng quy định.
2. Đổ rác, phế thải trong quá trình sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và xây dựng không đúng nơi quy định (vỉa hè, lòng đường giao thông đô thị, hệ thống thoát nước công cộng, sông, hồ, hệ thống đê điều, đường làng, ngõ xóm v.v...)
3. Vận chuyển rác và phế thải không có che chắn làm rơi vãi mất vệ sinh đường phố.
4. Các Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị và cá nhân thu gom, vận chuyển rác không đúng quy trình công nghệ, để rác lưu cữu lâu ngày làm mất vệ sinh đường phố và các nơi công cộng khác khi đã được giao kế hoạch thu dọn.
5. Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân khi cải tạo, xây dựng hoặc phá dỡ công trình không đăng ký với Công ty, Xí nghiệp Môi trường đô thị hoặc UBND phường, thị trấn về biện pháp giải quyết phế thải xây dựng của công trình.
6. Các tổ chức, cá nhân hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ không có nơi chứa rác hợp vệ sinh và không ký hợp đồng vận chuyển xử lý rác theo quy định tại Khoản 3 Điều 5 của bản quy định này.
Điều 9: Hình thức xử phạt vi phạm hành chính
1. Đối với mỗi vi phạm hành chính, tổ chức, cá nhân phải chịu hình thức:
- Phạt tiền và buộc thu dọn hoặc chịu toàn bộ kinh phí thuê thu dọn để trả lại hiện trạng ban đầu.
- Tịch thu phương tiện được sử dụng để vi phạm hành chính.
- Các đơn vị kinh doanh, dịch vụ ăn uống nếu vi phạm nhiều lần, sẽ bị thu hồi đăng ký kinh doanh.
Điều 10: Mức xử phạt hành chính:
Được căn cứ theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính ngày 6-7-1995 (sau đây gọi tắt là pháp lệnh).
Nghị định 49/CP ngày 26-7-1995 của Chính phủ
1. Vi phạm Điều 8 - Khoản 1:
a. Phạt tiền 10.000 đ khi vứt rác sinh hoạt ra hè, đường phố và các nơi công cộng khác không đúng quy định.
b. Phạt tiền 30.000 đ khi đổ rác sinh hoạt ra hè, đường phố và các nơi công cộng khác không đúng quy định.
Cả hai hành vi a và b sau khi phạt tiền đều buộc thu dọn hoặc chịu toàn bộ chi phí thuê thu dọn để trả lại hiện trạng ban đầu.
2. Vi phạm Điều 8 - Khoản 2:
c. Phạt tiền 200.000đ khi đổ phế thải hoặc rác sản xuất ra đường làng, ngõ xóm và các nơi công cộng khác.
d. Phạt tiền 500.000đ khi đổ phế thải của công trình hoặc rác sản xuất ra lòng đường, vỉa hè giao thông đô thị.
e. Phạt tiền 2.000.000đ khi đổ phế thải hoặc rác sản xuất làm ách tắc giao thông đô thị.
f. Phạt tiền 3.000.000đ khi đổ phế thải hoặc rác sản xuất vào hệ thống thoát nước công cộng của thành phố (sông, mương, hồ, ao, cống ngầm, cống ngang).
g. Phạt tiền 5.000.000đ và tịch thu phương tiện khi đổ phế thải hoặc rác sản xuất xuống sông Hồng, sông Đuống và hệ thống đê điều qua thành phố.
Cả 5 hành vi a, b, c, d, e sau khi phạt tiền đều buộc thu dọn hoặc chịu toàn bộ phí thuê thu dọn để trả lại hiện trạng ban đầu.
3.Vi phạm Điều 8 - Khoản 3:
h. Phạt tiền 100.000đ khi vận chuyển rác hoặc phế thải rơi vãi làm mất vệ sinh đường phố và buộc thu dọn hoặc chịu toàn bộ chi phí thuê thu dọn để trả lại hiện trạng ban đầu.
4.Vi phạm Điều 8 - Khoản 4:
i. Phạt tiền 100.000đ khi thu gom, vận chuyển, không đúng quy trình công nghệ.
j. Phạt tiền 300.000đ để rác lưu cữu làm mất vệ sinh khi đã được giao kế hoạch thu dọn và buộc thu dọn ngay.
5. Vi phạm Điều 8 khoản 5 và khoản 6 phạt tiền 200.000đ.
6. Người chưa đến tuổi thành niên vi phạm các điều quy định về vứt rác, đổ rác, bị xử lý vi phạm hành chính nếu không có tiền nộp phạt thì cha mẹ hoặc người giám hộ của người đó phải nộp thay.
7. Tổ chức, cá nhân được kho bạc Nhà nước thành phố uỷ quyền sẽ thu tiền phạt tại chỗ theo hướng dẫn của kho bạc nhà nước thành phố.
Điều 11: Thẩm quyền và nguyên tắc phân định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính.
Thực hiện theo pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính do Uỷ ban thường vụ Quốc hội thông qua ngày 6-7-1995.
Các tổ chức sau được xử lý vi phạm hành chính về rác tại thành phố Hà Nội:
1. Thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính của UBND phường, thị trấn, quận, huyện, thị xã thực hiện theo điều 26 và 27 của Pháp lệnh.
2. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan cảnh sát được thực hiện theo điều 29 của pháp lệnh.
3. Thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính của cơ quan Thanh tra giao thông công chính thực hiện theo điều 34 của pháp lệnh.
4. Nguyên tắc phân định thẩm quyền xử lý vi phạm hành chính thực hiện theo điều 37 của pháp lệnh.
Điều 12: Cưỡng chế thi hành quyết định xử phạt vi phạm hành chính và xử lý vi phạm hành chính, thực hiện theo điều 55 và điều 92 của pháp lệnh.
Điều 13: Tiền phạt thu được sử dụng cho công tác tổ chức thực hiện quản lý rác thải của thành phố, theo sự hướng dẫn của Sở Tài chính vật giá Hà Nội.
Điều 14: Khiếu nại - tố cáo
1. Tổ chức, cá nhân khiếu nại quyết định xử phạt vi phạm hành chính thực hiện theo Điều 88 của pháp lệnh.
2. Tổ chức, cá nhân tố cáo về hành vi vi phạm pháp luật thực hiện theo Điều 90 và 91 của Pháp lệnh.
Chương IV
ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH
Điều 15: Bản quy định quản lý rác thải của thành phố Hà Nội có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Riêng việc xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực vận chuyển, đổ rác và phế thải được áp dụng từ ngày 1 tháng 10 năm 1996.
Điều 16: Các quy định trước đây của Uỷ ban nhân dân thành phố về quản lý rác thải trái với quy định này đều không còn hiệu lực thi hành.
Điều 17: Chánh Văn phòng UBND thành phố, giám đốc các sở: Giao thông công chính, Công an thành phố, Tài chính và vật giá Địa chính, Khoa học công nghệ Môi trường, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Chủ tịch UBND các cấp, và thủ trưởng các Sở, ngành liên quan; giám đốc các Công ty, xí nghiệp Môi trường đô thị, Công ty thoát nước; các tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sống, làm việc, sinh hoạt, học tập tại Hà Nội chịu trách nhiệm thực hiện quy định này.
- 1 Quyết định 11/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 1 Quyết định 26/2013/QĐ-UBND ban hành Quy định công tác tổ chức quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam
- 2 Nghị định 49-CP năm 1995 quy định xử phạt hành chính về hành vi vi phạm trật tự an toàn giao thông đường bộ và trật tự an toàn giao thông đô thị
- 3 Pháp lệnh xử lý vi phạm hành chính năm 1995
- 4 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân 1994
- 5 Luật Bảo vệ môi trường 1993
- 1 Quyết định 11/2010/QĐ-UBND ban hành Quy định quản lý chất thải rắn thông thường trên địa bàn thành phố Hà Nội do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 2 Quyết định 3948/QĐ-UBND năm 2010 công bố Danh mục văn bản quy phạm pháp luật do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội, Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Tây (cũ) ban hành đã hết hiệu lực thi hành do có văn bản thay thế do Ủy ban nhân dân thành phố Hà Nội ban hành
- 3 Quyết định 26/2013/QĐ-UBND ban hành Quy định công tác tổ chức quản lý thu gom, vận chuyển và xử lý rác thải sinh hoạt trên địa bàn tỉnh Hà Nam