ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3097/QĐ-UBND | Long An, ngày 04 tháng 09 năm 2013 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020, ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ văn bản số 4470/UBND-CN ngày 24/12/2010 của UBND tỉnh Long An về việc quy hoạch phát triển ngành thương mại tỉnh Long An;
Căn cứ Quyết định số 171/QĐ-UBND ngày 13/01/2012 của UBND tỉnh Long An về việc phê duyệt đề cương và dự toán kinh phí lập quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại tờ trình số 1260/TTr-SCT ngày 27 tháng 8 năm 2013,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Long An đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 với các nội dung chủ yếu như sau:
I. QUAN ĐIỂM, MỤC TIÊU PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI TỈNH LONG AN ĐẾN NĂM 2020
1. Quan điểm phát triển
- Phát triển thương mại tỉnh Long An phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội chung của tỉnh; quy hoạch phát triển thương mại cả nước; phát huy mọi nguồn lực và tiềm năng để thương mại trở thành ngành kinh tế quan trọng; đẩy mạnh xuất khẩu, tăng trưởng kinh tế bền vững.
- Phát triển ngành thương mại theo hướng chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa, đa dạng hóa các loại hình tổ chức thương mại, các phương thức giao dịch và dịch vụ hỗ trợ, vừa phát triển các loại hình dịch vụ chất lượng cao, vừa kế thừa, cải tạo các loại hình truyền thống.
- Khuyến khích và thu hút mọi nguồn lực của các thành phần kinh tế trong xã hội, kinh tế nước ngoài đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại và các loại hình dịch vụ phân phối hiện đại.
- Phát triển thương mại phù hợp với trình độ sản xuất của các ngành kinh tế coi trọng cả hiệu quả kinh tế và hiệu quả xã hội, gắn phát triển kinh tế với bảo vệ môi trường và đảm bảo an ninh quốc phòng.
- Quy hoạch phát triển thương mại trên địa bàn tỉnh cần đặc biệt chú trọng đến yêu cầu nâng cao năng lực và vai trò quản lý nhà nước đối với các hoạt động thương mại của địa phương, đảm bảo tuân thủ đúng quy định của pháp luật và tạo ra cơ hội cho các chủ thể kinh doanh phát triển linh hoạt, năng động.
2. Mục tiêu phát triển thương mại
- Xây dựng ngành thương mại phát triển bền vững theo hướng văn minh, hiện đại; tăng tỷ trọng trọng cơ cấu GDP của tỉnh. Phát huy vai trò của thương mại trong việc định hướng và thúc đẩy sản xuất phát triển, tổ chức tiêu thụ tốt sản phẩm cho nông nghiệp, nông dân; đáp ứng nhu cầu tiêu dùng của dân cư và tăng trưởng kinh tế.
- Đẩy mạnh xuất khẩu với tốc độ tăng trưởng cao và bền vững; mở rộng thị trường và đa dạng hóa ngành hàng xuất khẩu, phát triển các sản phẩm xuất khẩu có hàm lượng công nghệ cao và giá trị gia tăng lớn; tăng cường xuất khẩu dịch vụ.
- Tích cực thu hút vốn đầu tư từ các doanh nghiệp trong và ngoài nước để phát triển cơ sở hạ tầng thương mại theo hướng văn minh, hiện đại.
- Phát triển thị trường nội tỉnh trong mối quan hệ chặt chẽ với phát triển thị trường trong vùng và cả nước với thị trường nước ngoài; gắn hiệu quả kinh doanh thương mại với yêu cầu chuyển dịch cơ cấu kinh tế, chủ động hội nhập kinh tế quốc tế.
II. QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN THƯƠNG MẠI ĐẾN NĂM 2020
1. Định hướng phát triển
a) Định hướng phát triển không gian thương mại
- Thị trường đô thị
Phát triển nhanh hệ thống phân phối hiện đại gồm: các trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm, siêu thị, các cửa hàng tiện lợi (trước mắt, tập trung tại thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường, thị trấn Bến Lức, Đức Hòa...) thuộc nhiều loại hình phân phối với quy mô thích hợp từng bước tiến tới quy mô lớn.
Khuyến khích các doanh nghiệp phân phối phát triển hệ thống phân phối theo “chuỗi” (chuỗi trung tâm thương mại, chuỗi siêu thị, chuỗi các cửa hàng tiện lợi). Kết hợp hài hòa giữa loại hình thương mại truyền thống với thương mại hiện đại trên địa bàn đô thị. Tổ chức liên kết giữa doanh nghiệp trong tỉnh với các nhà phân phối của các tỉnh, thành phố khác (đặc biệt liên kết với các doanh nghiệp lớn của Thành phố Hồ Chí Minh) để tăng cường tiềm lực, mở rộng mạng lưới, đủ sức cạnh tranh trên thị trường.
Đẩy mạnh phát triển loại hình dịch vụ logicstics với sự hình thành các kho bán buôn, trung tâm phân phối hàng hóa có trang bị kỹ thuật, công nghệ hiện đại làm đầu mối phát luồng cho mạng lưới bán lẻ ở thành phố Tân An và các vùng phụ cận...
Nâng cấp cải tạo các chợ ở thành phố Tân An thành một số chợ trung tâm, sắp xếp lại các chợ phường, liên phường, từng bước chuyển hóa một số chợ thành siêu thị.
Từng bước phát triển thương mại điện tử, khuyến khích các giao dịch mua bán, thanh toán qua mạng; tích cực đầu tư kết cấu hạ tầng để thương mại điện tử trở thành phương thức giao dịch phổ biến trong trong thương mại - dịch vụ giai đoạn 2016 - 2020.
Hình thành các khu phố thương mại trên cơ sở khuyến khích thương nhân đầu tư phát triển các cửa hàng chuyên doanh, cửa hàng tiện lợi.
Định hướng tổ chức thương mại trên thị trường đô thị
+ Hình thành và phát triển các tổng công ty kinh doanh chuyên ngành, đa ngành với hệ thống phân phối hợp lý để liên kết các khâu trong quá trình lưu thông đáp ứng nhu cầu của thị trường trên địa bàn; khuyến khích thương nhân phát triển các công ty bán lẻ tổng hợp với hệ thống phân phối hiện đại như siêu thị, trung tâm thương mại, cửa hàng tiện lợi; phát triển các công ty kinh doanh bán buôn với hệ thống kho hàng, trung tâm phân phối theo phương thức hiện đại, cung cấp hàng hóa cho hệ thống bán lẻ trên địa bàn.
+ Quy hoạch và xây dựng hệ thống chợ với quy mô phù hợp trên từng địa bàn, hình thành các dãy phố xung quanh chợ.
+ Phát triển một số siêu thị chuyên doanh hoặc tổng hợp có quy mô phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn.
- Thị trường nông thôn
- Lấy thị trấn huyện và trung tâm cụm xã làm trung tâm, từ đó hình thành các cụm kinh tế thương mại - dịch vụ. Tại khu vực này phát triển các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp, cơ sở chế biến, dịch vụ sửa chữa, thương mại, ăn uống và các dịch vụ khác.
- Hệ thống chợ và cửa hàng mua bán truyền thống là kênh lưu thông hàng hóa chủ yếu của khu vực nông thôn trong suốt thời kỳ đến năm 2020.
Tập trung nâng cấp và xây mới các chợ ở trung tâm các huyện, hình thành các chợ đầu mối bán buôn nông sản, rau quả... xây mới chợ ở một số xã có nhu cầu nhưng chưa có chợ.
- Hình thành và phát triển Hợp tác xã thương mại - dịch vụ, tập trung thực hiện dịch vụ “đầu vào” cho sản xuất và tổ chức “đầu ra” tiêu thụ sản phẩm cho nông dân.
b) Định hướng phát triển các kênh lưu thông hàng hóa
- Tổ chức kênh lưu thông hàng nông sản, thực phẩm
+ Hướng tổ chức kênh này là Hợp tác xã thương mại - dịch vụ và các doanh nghiệp thương mại tổ chức thu mua sản phẩm của các hộ sản xuất, các trang trại theo hợp đồng kinh tế đồng thời tổ chức tiêu thụ hàng nông sản, thực phẩm thông qua hệ thống đại lý, cửa hàng độc lập, thương nhân ở các chợ và hệ thống siêu thị...
+ Phát triển hệ thống chợ nông thôn để tổ chức tiêu thụ tại chỗ đồng thời khởi đầu cho kênh tiêu thụ nông sản hàng hóa.
+ Thiết lập chợ đầu mối tại vùng sản xuất tập trung để thu gom nông sản thực phẩm, tổ chức nguồn hàng phát luồng cho các chợ trên địa bàn tỉnh.
- Kênh lưu thông hàng công nghiệp tiêu dùng
Hướng tổ chức kênh phân phối chung đối với hàng công nghiệp tiêu dùng là:
+ Hàng hóa sản xuất tại các doanh nghiệp sản xuất trong tỉnh được tiêu thụ qua mạng lưới phân phối, bán buôn, bán lẻ của chính doanh nghiệp sản xuất, hoặc qua hệ thống đại lý tiêu thụ, hoặc xuất khẩu;
+ Hàng hóa từ nguồn ngoài tỉnh mang về được các doanh nghiệp thương mại tổ chức tiêu thụ thông qua mạng lưới phân phối: Hệ thống đại lý, các cửa hàng độc lập, Trung tâm thương mại, các siêu thị...
- Tổ chức lưu thông các ngành hàng thuộc diện đặc thù
Các ngành hàng quan trọng mang tính đặc thù như: Xi măng, sắt thép, xăng dầu, phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm, hóa chất... là những mặt hàng kinh doanh có điều kiện phải tổ chức lưu thông theo quy hoạch chuyên ngành và quy định của nhà nước.
c) Định hướng phát triển kinh doanh xuất - nhập khẩu
Mở rộng và đa dạng hóa thị trường, giữ vững thị trường truyền thống. Tích cực mở rộng thị trường EU, Hoa Kỳ, Đông Bắc Á (Nhật Bản, Đài Loan, Hàn Quốc...).
Tăng cường các hoạt động đối ngoại tạo môi trường thuận lợi cho các doanh nghiệp khai thác thị trường xuất khẩu.
Thực hiện linh hoạt chính sách khuyến khích mở rộng thị trường phù hợp với những thay đổi về nhu cầu và luật pháp của nước nhập khẩu.
Tích cực đầu tư phát triển ngành hàng mới, mặt hàng mới; trong đó cần quan tâm xây dựng chiến lược đầu tư phát triển các ngành công nghệ cao như điện tử - tin học, cơ khí chế tạo, cơ khí chính xác và một số sản phẩm công nghiệp phụ trợ.
Cần xây dựng cơ chế phối hợp tạo điều kiện cho doanh nghiệp nhỏ thuộc các thành phần kinh tế được tham gia tổ chức nguồn hàng, xây dựng các đầu mối thu mua, thu gom hàng xuất khẩu;
d) Định hướng phát triển các thành phần kinh tế tham gia hoạt động thương mại trên địa bàn
- Các doanh nghiệp thương mại cổ phần có vốn nhà nước
+ Các doanh nghiệp thương mại có vốn nhà nước đủ năng lực kinh doanh được giữ lại cần có định hướng phát triển chủ yếu trong lĩnh vực tổ chức cung ứng những mặt hàng thiết yếu, khai thác và tiêu thụ nông sản, thủy sản với quy mô vừa và lớn.
+ Tổ chức doanh nghiệp thương mại nhà nước theo mô hình mạng liên kết trong đó doanh nghiệp nhà nước là hạt nhân và có nhiều đầu mối thuộc các thành phần kinh tế khác, ở các khu vực thị trường trọng điểm cả trong và ngoài tỉnh.
+ Các doanh nghiệp có vốn nhà nước liên kết để hình thành các tổng công ty, các tập đoàn kinh tế lớn kinh doanh đa ngành nghề, đa lĩnh vực đủ năng lực hướng dẫn và chi phối thị trường; là lực lượng tiên phong đưa chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước vào cuộc sống.
- Thương mại thuộc các thành phần kinh tế khác
Đối với các thành phần kinh tế khác nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các doanh nghiệp mở rộng quy mô kinh doanh, phát triển ngành nghề; đồng thời ưu tiên phát triển hệ thống Hợp tác xã thương mại - dịch vụ nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu thụ nông sản, sản phẩm tiểu thủ công nghiệp góp phần đảm bảo an sinh xã hội.
đ) Định hướng phát triển kết cấu hạ tầng thương mại
Tập trung hình thành và xây dựng một số hạng mục chủ yếu tại các Trung tâm thương mại lớn (thành phố Tân An, thị xã Kiến Tường, huyện Đức Hòa, huyện Bến Lức) và một số khu thương mại - dịch vụ; ở các địa bàn trọng điểm hình thành các tụ điểm thương mại đa quy mô, đa loại hình, có thể đáp ứng được nhiều hình thức hoạt động thương mại. Khuyến khích thương nhân đầu tự phát triển trung tâm thương mại và siêu thị tại các địa bàn trọng điểm, trước hết cần hình thành tại thành phố Tân An và các thị trấn lớn.
Thực hiện chủ trương xã hội hóa trong việc đầu tư xây dựng cơ sở vật chất thương mại. Đối với hệ thống chợ ở những nơi đặc biệt khó khăn nhà nước đầu tư từ nguồn vốn ngân sách; đối với những chợ có khả năng sinh lợi nhà nước khuyến khích thương nhân đầu tư thông qua các hình thức đấu thầu, giao thầu...
Đầu tư hệ thống kho tàng, bến bãi và cung cấp các loại hình dịch vụ tại các trung tâm logistics để đáp ứng nhu cầu cung cấp nguyên vật liệu cho sản xuất và tổ chức phân phối, tiêu thụ sản phẩm.
e) Định hướng phát triển thương mại biên giới
Nhà nước tạo môi trường kinh doanh thuận lợi cho các nhà đầu tư, doanh nghiệp trao đổi hàng hóa tại cửa khẩu. Phối hợp với các cơ quan phía Campuchia tổ chức hội chợ đường biên để giới thiệu, quảng bá sản phẩm, hàng hóa.
Khuyến khích các doanh nghiệp của tỉnh đầu tư, trồng trọt tại các tỉnh biên giới nhập khẩu nông sản về tỉnh làm nguyên liệu sản xuất hàng hóa xuất khẩu. Khuyến khích doanh nghiệp đầu tư xây dựng các trung tâm trung chuyển hàng hóa, các kho thương mại chuyên ngành tại cửa khẩu biên giới, trong đó cần tập trung ưu tiên tại cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp.
Tỉnh sẽ nghiên cứu chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư sâu vào thị trường nội địa Campuchia để mở rộng kinh doanh và phát triển bền vững, v.v...
g) Các chỉ tiêu chủ yếu phát triển ngành thương mại
- Tổng mức và cơ cấu lưu chuyển bán lẻ hàng hóa xã hội.
Trên cơ sở thực trạng tổng mức và cơ cấu lưu chuyển bán lẻ hàng hóa xã hội của tỉnh giai đoạn 2001 - 2010, căn cứ vào mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội và phát triển thương mại của tỉnh, dự báo tổng mức lưu chuyển bán lẻ hàng hóa thị trường tỉnh Long An theo phương án chọn như sau:
Theo phương án chọn, năm 2010 tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tỉnh Long An là 17.773,84 tỷ đồng; dự kiến năm 2015 đạt 52.500 tỷ đồng và năm 2020 là 102.400 tỷ đồng. Tốc độ tăng bình quân hàng năm của tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ giai đoạn 2011 - 2015 là 24,18%, giai đoạn 2016 - 2020 là 14,30% và cả thời kỳ 2011 - 2020 là 19,15%/năm.
- Tổng mức bản lẻ hàng hóa bình quân đầu người đạt 12,31 triệu đồng trong năm 2010, tăng lên 35 triệu đồng vào năm 2015 và 64 triệu đồng vào năm 2020.
Trong phương án được chọn, tốc độ tăng trưởng bình quân được tính toán dựa trên việc tham khảo tốc độ tăng bình quân giai đoạn 2006 - 2010 và cân đối chung với sự phát triển của các ngành kinh tế khác trong quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh thời kỳ đến 2020. Mặt khác, cùng với sự biến đổi nhanh chóng của thị trường thế giới, nhất là khi Việt Nam đã hội nhập đầy đủ với khu vực và thế giới, thì phương án chọn thể hiện tính tích cực và có tính khả thi cao.
2. Quy hoạch phát triển hệ thống hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh
a) Định hướng phát triển Trung tâm thương mại
Tại thành phố Tân An phát triển 01 trung tâm thương mại cấp tỉnh; trong đó cần lựa chọn phát triển các hạng mục công trình phù hợp với quy mô trung tâm thương mại hạng 3. Trung tâm thương mại của tỉnh vừa làm nhiệm vụ bán buôn, phát luồng vừa tổ chức bán lẻ và đáp ứng các nhu cầu dịch vụ khác trên địa bàn. Trung tâm thương mại là hạt nhân thúc đẩy các liên kết kinh tế và thương mại trong tỉnh, trong các vùng kinh tế, trong cả nước và với nước ngoài.
Dự kiến tập trung phát triển hệ thống trung tâm thương mại, trước hết tại thành phố Tân An và một số thị trấn trung tâm các huyện. Từ nay đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh quy hoạch phát triển 01 trung tâm thương mại tại phường 2, thành phố Tân An; giai đoạn sau 2020 sẽ phát triển một số trung tâm thương mại phù hợp với điều kiện kinh tế-xã hội ở một số thị xã, thị trấn huyện lỵ.
Định hướng đến 2030: Dự kiến đến năm 2020 sau khi hoàn chỉnh trung tâm thương mại thành phố Tân An, xem xét hiệu quả và nhu cầu của thị trường sẽ phát triển thêm một số trung tâm thương mại tại thị xã Kiến Tường, thị trấn huyện Đức Hòa, Bến Lức.
b) Trung tâm mua sắm
Từ nay đến năm 2020 phát triển 01 trung tâm mua sắm hạng 3 tại thành phố Tân An (Địa điểm dự kiến cặp đường tránh, thuộc phường 4-6 thành phố Tân An).
Sau năm 2020 sẽ phát triển thêm một số trung tâm mua sắm ở các địa bàn có điều kiện kinh tế phát triển.
c) Quy hoạch các trung tâm logistics
Từ nay đến 2020 quy hoạch mới 04 trung tâm dịch vụ logistics tại các địa chỉ sau:
- Khu vực Cảng Long An, huyện Cần Giuộc.
- Khu vực gần điểm giao của đường Vành đai 4 với đường cao tốc Thành phố Hồ Chí Minh - Trung Lương, huyện Bến Lức.
- Trung tâm dịch vụ logistics tại khu Kinh tế cửa khẩu Long An (cửa khẩu quốc tế Bình Hiệp).
- Trung tâm dịch vụ logistics tại cửa khẩu quốc gia Mỹ Quý Tây.
d) Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị
- Căn cứ vào quy hoạch đô thị và công nghiệp, khu dân cư của tỉnh, đồng thời tham khảo quy hoạch hệ thống trung tâm thương mại, siêu thị cả nước theo Quyết định số 6184/QĐ-BCT ngày 19/10/2012 của Bộ Công Thương phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030; dự kiến trong kỳ quy hoạch đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh phát triển mới 6 siêu thị tại các địa phương sau: Thị xã Kiến Tường và các thị trấn Đức Hoà, Hậu Nghĩa, Bến Lức, Cần Đước, Cần Giuộc.
- Định hướng sau năm 2020 sẽ phát triển siêu thị ở các thị trấn còn lại.
đ) Quy hoạch phát triển mạng lưới chợ
- Chợ đô thị:
+ Hạn chế xây dựng thêm chợ mới ở khu vực nội thị.
+ Nâng cấp, cải tạo các chợ trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn có quy mô lớn (diện tích đất >10.000 m2) có cơ sở vật chất kỹ thuật khang trang và hiện đại.
+ Sắp xếp lại các chợ dân sinh ở các phường, liên phường (diện tích đất > 3.000 m2) thành chợ bán lẻ tổng hợp.
+ Phát triển một số chợ chuyên doanh bán các mặt hàng như: Điện máy, vải sợi, quần áo, vàng bạc đá quý...
- Chợ nông thôn:
+ Cải tạo, di dời, xây mới để đảm bảo có đủ chợ dân sinh quy mô hạng III ở các xã, đáp ứng nhu cầu mua bán và tiêu thụ hàng hóa của nông dân.
+ Cải tạo, nâng cấp chợ ở các thị trấn thành chợ trung tâm huyện hoặc trung tâm cụm xã (quy mô hạng II, diện tích đất từ 5.000-10.000 m2). Lấy chợ làm hạt nhân, tổ chức quanh khu vực ảnh hưởng của chợ các loại hình thương mại, dịch vụ khác để hình thành các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở các địa bàn.
e) Định hướng phát triển thương mại điện tử
- Trong những năm tới, tỉnh cần tiếp tục đầu tư phát triển thương mại điện tử phù hợp với chương trình xây dựng cơ sở hạ tầng thương mại điện tử quốc gia của nhà nước. Thường xuyên cập nhật thông tin và cung cấp thông tin, cơ hội giao thương để hỗ trợ doanh nghiệp tham gia Sàn giao dịch có cơ hội mở rộng thị trường và đối tác đầu tư;
- Trước mắt cần đẩy mạnh khâu xúc tiến hoạt động kinh doanh, dưới hình thức mở trang web quảng cáo trên mạng, tìm kiếm thông tin về thị trường và bán hàng trên mạng, tiến hành các giao dịch trước khi ký kết hợp đồng và sử dụng cho các mục đích quản trị trong doanh nghiệp;
- Khi cơ sở hạ tầng và điều kiện pháp lý cho phép thì tiến tới ký kết hợp đồng và thực hiện thanh toán qua mạng;
- Xây dựng bộ phận chuyên trách về thương mại điện tử của tỉnh;
- Tổ chức thu thập, chọn lọc và hình thành kho dữ liệu thông tin và tổ chức cung cấp thông tin về hàng hóa, thị trường, giá cả... cho doanh nghiệp; đẩy mạnh hoạt động thương mại của tỉnh với thị trường ngoài tỉnh, ngoài nước.
III. CÁC CHƯƠNG TRÌNH, DỰ ÁN ƯU TIÊN ĐẦU TƯ
Từ nay đến 2020, tỉnh chú trọng tạo lập môi trường đầu tư thông thoáng và huy động tối đa khả năng đầu tư từ các nguồn vốn khác nhau cho các công trình thương mại với ưu tiên đầu tư hợp lý. Trước hết cần ưu tiên triển khai đầu tư các chương trình dự án sau:
- Thứ nhất: Thành phố Tân An cần lập quy hoạch chi tiết dự án đầu tư: Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm tại thành phố Tân An. Phối hợp với Sở Công Thương, Sở Tài nguyên và Môi trường chọn địa điểm, chuẩn bị quỹ đất sạch để lập dự án mời gọi đầu tư các hạng mục công trình trong các Trung tâm thương mại;
- Thứ hai: Ban Chỉ đạo phát triển chợ phối hợp với các huyện rà soát nhu cầu đối với những xã có nhu cầu xây chợ, lập dự án đầu tư mới và nâng cấp chợ. Căn cứ Nghị định số 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 của Chính phủ và Quyết định số 23/QĐ-TTg ngày 06/01/2010 của Thủ tướng Chính phủ để lập kế hoạch huy động vốn đầu tư phát triển chợ;
- Thứ ba: Thị xã Kiến Tường, các huyện Bến Lức, Đức Hòa, Cần Đước, Cần Giuộc lập dự án đầu tư siêu thị trình UBND tỉnh phê duyệt;
- Thứ tư: Triển khai “Kế hoạch triển khai chương trình hành động thực hiện Chiến lược phát triển xuất khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030”.
- Thứ năm: Lập đề án nâng cao năng lực cạnh tranh cho các doanh nghiệp kinh doanh thương mại trên địa bàn tỉnh.
IV. NHU CẦU VỐN ĐẤT VÀ VỐN ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN HẠ TẦNG THƯƠNG MẠI
1. Dự kiến nhu cầu vốn đầu tư phát triển thương mại
- Tổng vốn đầu tư phát triển ngành thương mại Long An giai đoạn 2011-2020 khoảng 89.923 tỷ đồng (theo giá 2010):
+ Giai đoạn 2011-2015: 27.112 tỷ đồng (bình quân 5.422 tỷ đồng/năm);
+ Giai đoạn 2016-2020: 62.811 tỷ đồng (bình quân 12.562 tỷ đồng/năm).
Cơ cấu nguồn vốn dự kiến giai đoạn 2011-2020
- Dự kiến nguồn ngân sách hỗ trợ 2% = 1.789 tỷ đồng (bình quân 180-190 tỷ đồng/năm);
- Nguồn vốn khác (vốn tín dụng, vốn doanh nghiệp, vốn FDI, vốn trong dân,...) khoảng 98% bằng 88.134 tỷ đồng (bình quân 8.814 tỷ đồng/năm).
2. Nhu cầu đất và vốn đầu tư xây dựng cho các công trình hạ tầng thương mại thời kỳ 2011-2020
Dự kiến trong thời kỳ 2011-2020 nhu cầu đất để xây dựng các công trình thương mại chủ yếu khoảng 89,5 ha; trong đó xây dựng Trung tâm thương mại, Trung tâm mua sắm tại thành phố Tân An: 11 ha; 6 siêu thị: 3,5 ha; hệ thống chợ: 35 ha. Vốn đầu tư cho cơ sở hạ tầng chủ yếu của ngành thương mại là 1.941,10 tỷ đồng gồm; Trung tâm thương mại, trung tâm mua sắm: 450 tỷ đồng, Siêu thị: 340 tỷ đồng, hệ thống chợ: 751,10 tỷ đồng, Trung tâm logistics: 400 tỷ đồng.
Nhu cầu vốn đầu tư cho hạ tầng thương mại chủ yếu giai đoạn 2011- 2015: 925,10 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020: 1.016 tỷ đồng.
3. Nguồn vốn và cơ cấu vốn đầu tư hạ tầng thương mại 2011-2020
Dự kiến nguồn vốn huy động để đầu tư kết cấu hạ tầng thương mại trong giai đoạn 2011-2020 khoảng 1.941,10 tỷ đồng bao gồm:
- Nguồn vốn ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng thương mại khoảng 10% với tổng vốn đầu tư là 194,11 tỷ đồng;
- Vốn huy động từ thương nhân khoảng 30% với số tiền là 582,33 tỷ đồng;
- Nguồn vốn từ các nhà đầu tư trong và ngoài tỉnh (kể cả đầu tư nước ngoài) khoảng 60% với số tiền khoảng 1.164,66 tỷ đồng.
V. CÁC GIẢI PHÁP CHỦ YẾU THỰC HIỆN QUY HOẠCH
1. Chính sách và giải pháp phát triển thương mại
1.1. Chính sách và cơ chế khuyến khích phát triển xuất khẩu
- Nhà nước có kế hoạch đầu tư cho những khu công nghiệp sản xuất, chế biến, chế tạo hàng tiêu dùng và hàng xuất khẩu, xây dựng và phát triển các ngành công nghiệp phụ trợ phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu.
- Thực hiện các quy hoạch, chương trình, dự án phát triển vùng sản xuất hàng xuất khẩu tập trung, các làng nghề, các mặt hàng xuất khẩu chủ lực với sản lượng lớn, chất lượng cao, từ đó quyết định hướng đầu tư phù hợp.
- Đổi mới chính sách tín dụng hỗ trợ xuất khẩu nhằm hỗ trợ tốt hơn cho doanh nghiệp, đồng thời đáp ứng yêu cầu hội nhập.
- Xây dựng hệ thống thông tin doanh nghiệp, mở rộng khả năng thu thập và xử lý thông tin thị trường trong nước và thế giới để cung cấp cho các doanh nghiệp, giúp doanh nghiệp mở rộng hợp tác quốc tế, thâm nhập sản phẩm vào thị trường mới.
- Thực hiện tốt các nội dung cơ bản của hoạt động xúc tiến thương mại như: tư vấn cho doanh nghiệp về thị trường; tìm kiếm bạn hàng; tổ chức hội chợ triển lãm, giới thiệu, quảng cáo hàng hóa; liên kết với các Trung tâm thương mại ở nước ngoài, giúp các doanh nghiệp lập văn phòng đại diện, chi nhánh hoặc thành lập công ty/cửa hàng giới thiệu sản phẩm ở nước ngoài.
- Hỗ trợ cho doanh nghiệp về nâng cao khả năng cạnh tranh của hàng hóa xuất khẩu.
- Sắp xếp lại doanh nghiệp, ngành nghề; nâng cao khả năng tiếp cận các nguồn vốn; hỗ trợ tín dụng, tài chính đối với các nhà sản xuất thuộc những ngành công nghiệp mới cần bảo hộ.
1.2. Chính sách khuyến khích phát triển các loại hình thương mại truyền thống và hiện đại
- Tích cực thúc đẩy phát triển các phương thức dịch vụ và hình thức tổ chức kinh doanh theo dạng chuỗi, nhượng quyền kinh doanh, đại lý, vận tải liên vận đa phương thức, thương mại điện tử... vv. Khuyến khích áp dụng các phương thức lưu thông hiện đại và thay đổi các phương thức truyền thống. Khuyến khích các doanh nghiệp thương mại phát triển liên minh mua bán hàng hóa, nỗ lực nâng cao chất lượng dịch vụ và hiệu quả kinh doanh nhờ mở rộng quy mô.
- Thúc đẩy các doanh nghiệp thương mại thực thi chiến lược phát triển thương hiệu, lựa chọn các doanh nghiệp thương mại có năng lực cạnh tranh để hình thành các doanh nghiệp thương mại có ưu thế, có thương hiệu dịch vụ nổi tiếng và đa dạng chủ thể đầu tư.
Sở Công Thương phối hợp với các cơ quan hữu quan khác của địa phương hỗ trợ, hướng dẫn các doanh nghiệp thương mại áp dụng công nghệ thông tin phù hợp với nhu cầu thực tế và trình độ phát triển của doanh nghiệp.
Khi thực hiện việc điều chỉnh chuyển đổi mục đích sử dụng đất, Sở Công thương cần đề xuất với cơ quan có thẩm quyền dành ưu tiên cho các dự án của doanh nghiệp thương mại phù hợp với quy hoạch.
- Khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ trở thành các doanh nghiệp chủ yếu hướng dẫn nông dân tham gia vào các hệ thống thị trường nông sản.
2. Nhóm giải pháp và chính sách huy động vốn đầu tư
2.1. Giải pháp và chính sách đầu tư
a) Đầu tư xây dựng mới chợ
- Nguồn vốn đầu tư phát triển chợ được huy động từ các nguồn:
+ Ngân sách nhà nước (Trung ương và tỉnh) hỗ trợ đầu tư cơ sở hạ tầng đối với các chợ theo quy định của nghị định 114/2009/NĐ-CP ngày 23/12/2009 và quyết định 23/QĐ-TTg ngày 6/1/2010.
+ Các nguồn vốn khác đầu tư xây dựng chợ được huy động từ:
- Thương nhân đầu tư xây dựng, kinh doanh chợ.
- Vốn huy động từ các hộ tham gia kinh doanh trong chợ thông qua hình thức bán, cho thuê mặt bằng kinh doanh trong chợ có thời hạn; vốn góp cổ phần hợp tác đầu tư xây dựng kinh doanh chợ.
b) Đầu tư cải tạo và nâng cấp hệ thống chợ
- Nguồn thu từ việc cho thuê mặt bằng kinh doanh, các khoản phí, lệ phí và các hoạt động dịch vụ trong chợ;
- Nguồn huy động từ các doanh nghiệp, cá nhân kinh doanh trong chợ và các hộ kinh doanh cùng góp vốn với nhà nước để cải tạo, nâng cấp chợ theo quy hoạch, kế hoạch;
- Đối với những chợ dân sinh ở vùng đặc biệt khó khăn các khoản thu không đủ bù đắp chi phí quản lý chợ, ngân sách Nhà nước sẽ xem xét hỗ trợ kinh phí tu bổ, sửa chữa, nâng cấp chợ.
c) Đầu tư phát triển các công trình thương mại hiện đại
- Đề nghị ngân sách nhà nước đầu tư mặt bằng, kết cấu hạ tầng kỹ thuật. Doanh nghiệp thuộc các thành phần kinh tế đầu tư xây dựng các công trình thương mại và tổ chức kinh doanh, khai thác theo quy định của luật đầu tư;
- Đối với các siêu thị độc lập Nhà nước tạo điều kiện thuận lợi hỗ trợ chủ đầu tư thực hiện theo quy định của Luật đầu tư và các quy định khác của pháp luật.
d) Giải pháp thu hút vốn nước ngoài: Các công trình hiện đại có nhu cầu vốn lớn có thể mời gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư;
2.2. Chính sách ưu đãi nhằm thu hút vốn đầu tư
Để tăng cường khả năng huy động các nguồn vốn xã hội vào đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh, ngoài các chính sách ưu đãi chung áp dụng đối với các chủ đầu tư xây dựng chợ thuộc các thành phần kinh tế được hưởng theo quy định tại điều 27 và điều 28 Luật Đầu tư, tỉnh có thể ban hành các chính sách ưu đãi riêng (không trái với quy định của pháp luật) để khuyến khích các tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế trong và ngoài nước tham gia đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng thương mại trên địa bàn tỉnh theo quy hoạch.
3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực
- Công tác đào tạo cần tiến hành có trọng tâm, trọng điểm, có tính kế thừa và đảm bảo thường xuyên, liên tục.
- Cần xây dựng hoàn chỉnh hệ thống tiêu chuẩn các chức danh trên cơ sở có khung điều chỉnh những điều cần thiết cho phù hợp từng giai đoạn, trong đó chú ý những tiêu chuẩn về kỹ năng đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế.
- Khuyến khích và có chính sách ưu tiên đối với các địa phương, các doanh nghiệp trong việc đào tạo nguồn nhân lực.
- Có chính sách ưu đãi, hỗ trợ các sinh viên, học sinh giỏi tạo điều kiện để họ theo học các ngành nghề có nhu cầu sử dụng đồng thời ký thỏa thuận hợp đồng để họ yên tâm trở về phục vụ tại địa phương khi hoàn thành chương trình đào tạo.
- Yêu cầu phát triển trung tâm thương mại, siêu thị đòi hỏi phải có đội ngũ quản lý chuyên nghiệp, vì vậy phải phát triển lực lượng này thông qua tăng cường đào tạo, phổ biến cho cán bộ quản lý trung tâm thương mại, siêu thị về kiến thức và kỹ năng kinh doanh, kiến thức về pháp luật.
- Bên cạnh việc đào tạo, bồi dưỡng, cần tăng cường hoạt động thông tin để nâng cao kiến thức, hiểu biết mọi mặt (kinh tế, chính trị, văn hóa, khoa học kỹ thuật,...) cho nhân dân.
- Triển khai các chương trình đào tạo nguồn nhân lực của tỉnh. Bồi dưỡng cán bộ quản lý nhà nước; ngoài các tiêu chuẩn chung của cán bộ công chức, các cán bộ, công chức trong ngành phải hiểu biết pháp luật chuyên ngành và cập nhật các kiến thức có liên quan đến hội nhập kinh tế quốc tế;
- Hàng năm Sở Công Thương cần phối hợp với các trường nghiệp vụ mở các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ ngoại thương nhằm đáp ứng yêu cầu kinh doanh và hội nhập.
- Nhà nước quan tâm việc tuyên truyền, phổ biến chủ trương, chính sách, pháp luật đến các doanh nghiệp, thương nhân thông qua hội nghị, hội thảo, tập huấn... tạo điều kiện cho người kinh doanh thực hiện tốt quy định của pháp luật; bảo đảm quyền và nghĩa vụ của thương nhân, tạo môi trường kinh doanh công khai, minh bạch.
4. Giải pháp về tăng cường hợp tác quốc tế và các địa phương trong nước
Đẩy mạnh liên kết giữa thị trường Long An với thị trường các tỉnh khác và với thị trường nước ngoài trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh là một trong những giải pháp quan trọng để ổn định thị trường một cách vững chắc trong bối cảnh nền kinh tế còn nhiều biến động.
Thực hiện tốt việc liên kết, hợp tác sẽ vừa tạo khả năng cho Long An nâng cao trình độ phát triển các quan hệ thị trường, vừa thu được những lợi ích kinh tế ổn định và bền vững.
4.1. Giải pháp thúc đẩy liên kết giữa Long An với các thị trường ngoài nước có tính chiến lược
- Đối với thị trường ngoài nước có tính chiến lược của Long An (thị trường xuất nhập khẩu Châu Á, ASEAN, EU, Hoa Kỳ), cần chủ động trong việc tạo lập các mối liên kết song phương với nhiều cấp độ và hình thức khác nhau;
- Khi phê duyệt các dự án đầu tư, cần chú trọng tới cấp độ công nghệ và xuất xứ công nghệ theo hướng sản phẩm tạo ra phải đạt tiêu chuẩn chất lượng phù hợp với thị trường xuất khẩu và được hưởng ưu đãi mậu dịch do xuất xứ công nghệ mang lại;
- Có chính sách khuyến khích các hoạt động môi giới, trợ giúp tiếp cận thâm nhập thị trường mới;
- Khuyến khích khu vực doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp của tỉnh xây dựng và phát triển hệ thống phân phối hiện đại, từ đó tăng cường khả năng mở rộng thị trường cho các sản phẩm hàng hóa có lợi thế của tỉnh;
- Giải pháp thúc đẩy và nâng cao hiệu quả liên kết giữa thị trường Long An với thị trường các địa phương trong nước;
- Phát triển các mối liên kết giữa thương nhân Long An với các doanh nghiệp sản xuất của các tỉnh theo từng ngành sản phẩm chủ lực để đẩy mạnh quá trình tập trung hóa nguồn lực và mạng lưới kinh doanh hình thành các chuỗi cung ứng? phân phối chuyên doanh.
- Tổ chức nghiên cứu thị trường và hoạt động xúc tiến thương mại với các thị trường trọng điểm (đặc biệt là thị trường thành phố Hồ Chí Minh), thị trường các tỉnh lân cận để xác định lợi thế so sánh và khả năng giao lưu thương mại nhằm điều chỉnh phù hợp cơ cấu sản xuất và thương mại của tỉnh.
- Nghiên cứu đưa ra các điều kiện ưu đãi cho các địa phương có mối quan hệ liên kết thương mại với Long An. Các điều kiện ưu đãi có thể áp dụng như bán hàng trả chậm, ưu tiên sử dụng đất và địa điểm kinh doanh...
- Trong giai đoạn trước mắt, cần đẩy mạnh mối liên kết giữa Long An với các tỉnh trong Vùng đồng bằng sông Cửu Long trong việc đẩy mạnh cung ứng, tiêu thụ hàng nông sản, rau quả và thủy sản với số lượng lớn.
5. Giải pháp đổi mới và tăng cường năng lực quản lý nhà nước về thương mại
- Xây dựng và triển khai thực hiện chiến lược và quy hoạch, chương trình, kế hoạch phát triển thương mại của tỉnh.
- Xây dựng và phát triển các hệ thống thị trường hàng hóa trên địa bàn.
- Phối hợp liên ngành để tăng hiệu lực quản lý nhà nước trong nền kinh tế thị trường.
- Đẩy mạnh việc thực hiện cải cách hành chính, nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước về thương mại trên địa bàn; từng bước tách dần chức năng quản lý hành chính với chức năng cung cấp dịch vụ công; phân định và làm rõ các quy chế phối hợp giữa các sở, ban, ngành, các cấp chính quyền đảm bảo tính thống nhất theo mục tiêu phát triển ngành thương mại của tỉnh và tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh bình đẳng cho các doanh nghiệp thương mại; thực hiện tốt việc phân cấp quản lý thương mại đi đối với công tác kiểm tra, thanh tra, giám sát, hậu kiểm đối với các doanh nghiệp theo quy định của pháp luật.
- Tăng cường công tác quản lý thị trường chống gian lận thương mại đảm bảo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng.
- Tổ chức mạng lưới thông tin và công tác dự báo thị trường là biện pháp quan trọng để giúp hoạt động thương mại có hiệu quả. Không ngừng nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ của đội ngũ lao động thương mại.
- Tích cực bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng và khuyến khích tiêu dùng hàng sản xuất trong nước.
6. Giải pháp về chính sách phát triển khoa học công nghệ
Tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại vừa và nhỏ tiến hành đổi mới công nghệ, phương thức kinh doanh, đầu tư cơ sở hạ tầng.
- Thực hiện tốt các chính sách của Nhà nước về hỗ trợ các doanh nghiệp đổi mới khoa học công nghệ. Căn cứ vào các chính sách hỗ trợ có liên quan, đưa ra giải pháp hỗ trợ có hiệu quả nhằm đổi mới công nghệ cho các doanh nghiệp;
- Tích cực nghiên cứu thị trường, đầu tư công nghệ chế biến sản phẩm mới, đổi mới công nghệ trong chế biến hàng xuất khẩu nhằm tăng giá trị hàng xuất khẩu và tăng hiệu quả kinh tế;
- Vận dụng các chính sách tài chính nhằm hỗ trợ các doanh nghiệp thương mại tiến hành điều chỉnh cơ cấu, mở rộng quy mô kinh doanh và phát triển các phương thức phân phối hiện đại. Nhà nước cần hỗ trợ về đất đai, khuyến khích phát triển các doanh nghiệp kinh doanh theo dạng chuỗi, xây dựng mạng lưới từ thành thị đến nông thôn, chỉ đạo các doanh nghiệp đẩy mạnh áp dụng công nghệ thông tin; tổ chức bán hàng trên mạng; thay thế các nghiệp vụ mua bán thủ công bằng việc áp dụng kỹ thuật quản lý theo mạng, nâng cao hiệu suất quản lý, hạ thấp chi phí lưu thông, đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin khuyến khích các doanh nghiệp phát triển thương mại điện tử.
Điều 2. Sở Công Thương có trách nhiệm tổ chức công bố công khai quy hoạch này; chủ trì, phối hợp với các sở, ngành chức năng liên quan và UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An triển khai thực hiện quy hoạch theo đúng quy định.
Các sở: Kế hoạch và Đầu tư, Xây dựng, Tài chính, Giao thông Vận tải, Tài nguyên và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Lao động - Thương binh và Xã hội, Thông tin và Truyền thông, UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn được giao có trách nhiệm phối hợp với Sở Công Thương để triển khai thực hiện các nội dung nêu tại
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Thủ trưởng các sở, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Kiến Tường, thành phố Tân An và Thủ trưởng các đơn vị có liên quan thi hành quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
- 1 Quyết định 1374/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 709/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3 Quyết định 1284/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025
- 4 Quyết định 6184/QĐ-BCT năm 2012 phê duyệt "Quy hoạch phát triển mạng lưới siêu thị, trung tâm thương mại cả nước đến 2020 và tầm nhìn đến 2030" do Bộ trưởng Bộ Công thương ban hành
- 5 Quyết định 23/QĐ-TTg năm 2010 phê duyệt Đề án “Phát triển thương mại nông thôn giai đoạn 2010 – 2015 và định hướng đến năm 2020" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Nghị định 114/2009/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 02/2003/NĐ-CP về phát triển và quản lý chợ
- 7 Luật Đầu tư 2005
- 8 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Quyết định 1374/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Lạng Sơn đến năm 2025, tầm nhìn đến năm 2030
- 2 Quyết định 709/QĐ-UBND năm 2015 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Ninh Bình đến năm 2020, định hướng đến năm 2025
- 3 Quyết định 1284/QĐ-UBND năm 2014 phê duyệt Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2020 và định hướng đến năm 2025