Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2002/QĐ-BTCCBCP

Hà Nội, ngày 24 tháng 06 năm 2002

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT BẢN ĐIỀU LỆ CỦA HỘI Y HỌC LAO ĐỘNG VIỆT NAM

BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ

Căn cứ Sắc lệnh số 102/SL-L004 ngày 20/5/1957 quy định về quyền lập Hội,

Căn cứ Nghị định 181/CP ngày 9/11/1994 của Chính phủ về việc quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ,

Căn cứ Quyết định số 158/QĐ-TTg ngày 02/03/1999 của Thủ tướng Chính phủ về việc ủy nhiệm Bộ trưởng, Trưởng ban Ban Tổ chức - Cán bộ Chính phủ cho phép thành lập Hội,

Xét đề nghị của Chủ tịch Hội Y học lao động Việt Nam và của Vụ trưởng Vụ tổ chức phi chính phủ;

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt bản Điều lệ Hội Y học lao động Việt Nam đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc nhiệm kỳ I thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2002.

Điều 2. Chủ tịch Hội Y học lao động Việt Nam, Vụ trưởng Vụ Tổ chức phi chính phủ chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2,
- Lưu VT, TCPCP.

KT. BỘ TRƯỞNG, TRƯỞNG BAN
BAN TỔ CHỨC - CÁN BỘ CHÍNH PHỦ
PHÓ TRƯỞNG BAN




Đặng Quốc Tiến

 

ĐIỀU LỆ

HỘI Y HỌC LAO ĐỘNG VIỆT NAM

Chương 1.

TÊN HỘI - TÔN CHỈ - MỤC ĐÍCH

Điều 1. Hội lấy tên là Hội Y học lao động Việt Nam.

Tên tiếng Anh: "Vietnam Association of Occupational Health"

Tên viết tắt tiếng Anh: VINAOH

Điều 2. Hội Y học lao động Việt Nam là một tổ chức tự nguyện của những người làm công tác y học lao động, vệ sinh an toàn lao động đoàn kết phấn đấu góp phần vào việc bảo vệ và tăng cường sức khỏe của người lao động, xây dựng nền y học lao động Việt Nam xã hội chủ nghĩa.

Điều 3. Hội Y học lao động Việt Nam hoạt động theo Luật pháp của nước CHXHCN Việt Nam, có tư cách pháp nhân trước pháp luật về việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của cá nhân và tổ chức của Hội trong hoạt động nghiên cứu, giảng dạy, ứng dụng và phổ biến khoa học Y học lao động.

Hội Y học lao động Việt Nam chịu sự quản lý của Nhà nước của Bộ Y tế và là thành viên của Tổng hội Y dược học Việt Nam.

Điều 4. Hội Y học lao động Việt Nam hoạt động trên phạm vi cả nước, trụ sở đặt tại Hà Nội, Thủ đô nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Hội có tư cách pháp nhân, có con dấu riêng và có tài khoản riêng tại Ngân hàng Nhà nước.

Hội Y học lao động Việt Nam được tham gia các hội chuyên ngành về Y học lao động trong khu vực và quốc tế theo quy định của pháp luật.

Chương 2.

NHIỆM VỤ CỦA HỘI

Điều 5. Hội Y học lao động Việt Nam có nhiệm vụ:

1. Động viên và giúp đỡ hội viên y học lao động cùng nhau nâng cao không ngừng trình độ chuyên môn, đẩy mạnh công tác nghiên cứu khoa học và nghiệp vụ, góp phần bảo vệ sức khỏe người lao động và xây dựng nền y học lao động Việt Nam tiến bộ, hiện đại.

2. Tham gia ý kiến vào việc xây dựng những chủ trương chính sách phát triển ngành y học lao động và toàn ngành Y tế.

3. Trao đổi kinh nghiệm với các tổ chức khoa học kỹ thuật trong nước và ngoài nước về chuyên ngành y học lao động theo pháp luật của Nhà nước quy định.

4. Bảo vệ các quyền lợi chính đáng của hội viên theo đúng các quy định của Nhà nước.

5. Làm nhiệm vụ tư vấn, phản biện các vấn đề về có liên quan đến sức khỏe người lao động với các cơ quan chức năng của Nhà nước.

Chương 3.

HỘI VIÊN

Điều 6. Hội viên.

a. Hội viên chính thức:

Là bác sỹ, y sỹ, dược sỹ, kỹ thuật viên y dược và các cán bộ khoa học kỹ thuật đã và đang hoạt động trong lĩnh vực y học lao động, an toàn vệ sinh lao động làm đơn tự nguyện xin gia nhập Hội, đóng hội phí đầy đủ được công nhận là hội viên chính thức của Hội.

b. Hội viên danh dự:

Công dân và các tổ chức pháp nhân của Việt Nam có nhiều công lao, đóng góp cho sự nghiệp bảo vệ sức khỏe cho người lao động, nghiên cứu khoa học kỹ thuật trong lĩnh vực y học lao động, an toàn vệ sinh lao động được mời làm hội viên danh dự.

c. Hội viên khác:

Công dân, các tổ chức pháp nhân của Việt Nam có nguyện vọng đóng góp cho sự nghiệp xây dựng, phát triển của Hội Y học lao động Việt Nam được mời làm hội viên tán trợ hoặc hội viên tổ chức.

Điều 7. Nhiệm vụ và quyền lợi của hội viên.

1. Hội viên có nhiệm vụ:

Tôn trọng điều lệ Hội, nghiêm chỉnh chấp hành các chỉ thị, nghị quyết của Ban chấp hành Hội. Tuyên truyền phát triển hội viên, vận động quần chúng hưởng ứng mọi hoạt động của Hội.

Chăm lo xây dựng đoàn kết trong nội bộ trong chuyên ngành y học lao động, đoàn kết với các chuyên ngành y học khác để cùng nhau xây dựng nền y dược học và y tế của Nhà nước.

Tích cực học tập chính trị, văn hóa, chuyên môn, phổ biến kinh nghiệm phòng bệnh, phát hiện và điều trị bệnh nghề nghiệp góp phần xây dựng nền y dược học khoa học dân tộc, đại chúng, xã hội chủ nghĩa.

Phát huy tinh thần tự lực cánh sinh, tự hào dân tộc, tính sáng tạo, sẵn sàng cống hiến tất cả khả năng, kiến thức và kinh nghiệm chuyên môn của mình để phục vụ người lao động. Đấu tranh chống những tư tưởng và hành động có hại đến uy tín của Hội, đến nhiệm vụ của Hội.

Hoạt động chuyên môn phải theo đúng chủ trương đường lối y học và y tế của Đảng và pháp luật của Nhà nước.

Tham gia sinh hoạt Hội và đóng hội phí.

2. Hội viên có quyền lợi:

Thảo luận và biểu quyết mọi công việc của Hội, bầu và ứng cử vào Ban chấp hành các cấp Hội.

Được bồi dưỡng về tư tưởng, chính trị và chuyên môn; được khuyến khích phát huy khả năng về mọi mặt để phục vụ nhân dân.

Được trình bày các đề tài nghiên cứu khoa học của mình trong các buổi sinh hoạt khoa học kỹ thuật của Hội để các bạn đồng nghiệp giúp đỡ bổ sung cho đề tài của mình thêm hoàn chỉnh.

Được Hội nhận xét về các công trình của mình khi cần thiết chọn lọc để đề nghị chính quyền khen thưởng, được công nhận và bảo vệ quyền tác giả, sáng tác, v.v.

Được giới thiệu đăng các công trình của mình vào các tạp chí, nội san của Hội và Tổng hội Y dược học.

Được hưởng mọi quyền lợi khác do Hội quy định, được Hội bảo vệ các quyền lợi chính đáng của mình nếu xét thấy bị xúc phạm.

Viết đơn xin ra Hội.

3. Hội viên danh dự và hội viên khác có nhiệm vụ và quyền lợi như hội viên chính thức, nhưng không được biểu quyết, ứng cử, đề cử vào cơ quan lãnh đạo hội.

Chương 4.

TỔ CHỨC CỦA HỘI

Điều 8. Hội tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tự nguyện, tự quản, tự trang trải tài chính.

Tổ chức của Hội gồm:

- Ở trung ương: Hội Y học lao động Việt Nam.

- Ở các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương (sau đây gọi chung là tỉnh): Hội Y học lao động tỉnh.

- Ở cơ sở có chi hội (hoặc chi hội chuyên ngành) nếu cơ sở có từ 5 hội viên trở lên có thể thành lập chi hội.

Việc thành lập Hội Y học lao động tỉnh do UBND Tỉnh quyết định. Các Hội Y học lao động tỉnh hoạt động theo điều lệ của mình, tự nguyện gia nhập Hội Y học lao động Việt Nam và tuân thủ theo điều lệ của Hội YHLĐ Việt Nam, chịu sự hướng dẫn về chuyên môn, nghiệp vụ của Ban chấp hành Trung ương Hội.

Điều 9. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Y học lao động Việt Nam.

Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Y học lao động Việt Nam là cơ quan có thẩm quyền cao nhất của Hội. Đại hội được tổ chức 5 năm một lần.

Nhiệm vụ chính của Đại hội:

1. Thông qua báo cáo tình hình công tác hội và báo cáo kiểm điểm nhiệm kỳ của Ban chấp hành Trung ương.

2. Quyết định phương hướng nhiệm vụ, mục tiêu, biện pháp công tác của Hội nhằm phục vụ phát triển Hội.

3. Phê duyệt quyết toán tài chính và thông qua kế hoạch tài khóa mới.

4. Kiến nghị sửa đổi, bổ sung điều lệ hoặc các quy định mới của Hội nếu xét thấy cần thiết.

5. Bầu Ban chấp hành Trung ương Hội.

Điều 10. Ban Chấp hành Trung ương Hội.

1. Ban Chấp hành trung ương Hội là cơ quan lãnh đạo của Hội giữa hai kỳ Đại hội. Số lượng ủy viên Ban chấp hành do Đại hội quyết định.

2. Ban Chấp hành Trung ương Hội họp thường kỳ 1 năm một lần và có thể họp bất thường khi có quá 1/2 số ủy viên Ban Chấp hành hoặc Ban Thường vụ yêu cầu.

3. Nhiệm vụ và quyền hạn của Ban chấp hành Trung ương Hội.

Điều hành hoạt động của Hội theo nghị quyết và phương hướng nhiệm vụ Đại hội đã thông qua.

Quyết định chương trình, kế hoạch và chỉ đạo thực hiện công tác hàng năm và thông báo kết quả hoạt động của Ban chấp hành cho các cấp Hội.

Phê duyệt kế hoạch và quyết toán tài chính hàng năm.

Xây dựng quy chế hoạt động của Hội.

Quy định tổ chức và hoạt động của các Ban chuyên môn, Văn phòng Hội; quy định các nguyên tắc, chế độ, sử dụng và quản lý tài sản, tài chính của Hội.

Bầu bổ sung và bãi miễn ủy viên Ban chấp hành. Số lượng ủy viên được bầu bổ sung hoặc bãi miễn không quá 1/3 tổng số ủy viên Ban chấp hành đã được Đại hội bầu ra.

Chuẩn bị nội dung, chương trình và tài liệu trình Đại hội

Quyết định triệu tập đại hội nhiệm kỳ hoặc đại hội bất thường, hội nghị đại biểu hàng năm (nếu cần).

Thành lập các tổ chức thuộc Hội theo quy định của pháp luật.

Điều 11. Ban Thường vụ.

1. Ban thường vụ do Ban chấp hành bầu, gồm Chủ tịch, các Phó Chủ tịch, Tổng thư ký và một số ủy viên. Số lượng Ban thường vụ do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.

2. Ban Thường vụ thay mặt Ban Chấp hành Trung ương Hội điều hành hoạt động của Hội giữa hai kỳ họp và phải báo cáo kiểm điểm công tác trong các kỳ họp của Ban chấp hành Trung ương Hội.

3. Ban Thường vụ 6 tháng họp một lần.

Điều 12. Chủ tịch và Phó Chủ tịch.

1. Chủ tịch Hội có quyền hạn và trách nhiệm:

Đại diện pháp nhân của Hội trước pháp luật.

Tổ chức triển khai và thực hiện các nghị quyết của Đại hội, của Hội nghị đại biểu và các quy định của Ban Chấp hành Trung ương Hội và Ban Thường vụ.

Triệu tập và chủ trì các cuộc họp của Ban chấp hành Trung ương Hội và Ban thường vụ.

Ký quyết định bổ nhiệm, bãi miễn và trực tiếp chỉ đạo Tổng Thư ký, Phó Tổng thư ký.

Phê duyệt nhân sự Văn phòng Hội và các tổ chức khác do hội thành lập.

Chịu trách nhiệm trước Ban chấp hành Trung ương Hội và toàn thể hội viên về các hoạt động của Hội.

2. Các Phó Chủ tịch là người giúp việc Chủ tịch, được Chủ tịch phân công giải quyết từng vấn đề cụ thể và có thể được ủy quyền điều hành công việc của Ban chấp hành Trung ương Hội khi Chủ tịch vắng mặt. Giúp việc Chủ tịch có một Phó Chủ tịch thường trực, và một số Phó Chủ tịch về chuyên môn nghiệp vụ.

3. Tổng Thư ký là người điều hành mọi hoạt động của Văn phòng.

Điều 13. Văn phòng Trung ương Hội, các Ban và các tổ chức trực thuộc.

1. Các tổ chức của Hội hoạt động trong lĩnh vực nghiên cứu, đào tạo, dịch vụ khoa học kỹ thuật, được tổ chức và hoạt động theo pháp luật hiện hành, tuân thủ các quy chế của Hội ban hành, thực hiện nghĩa vụ thuế đối với Nhà nước và nghĩa vụ đóng góp cho quỹ của Trung ương Hội.

2. Văn phòng Trung ương Hội có nhiệm vụ điều phối các hoạt động của Hội, của các Ban và các tổ chức khác của Hội dưới sự chỉ đạo của Ban Thường vụ.

Tùy theo nhu cầu công tác Hội thành lập các ban chuyên môn:

- Ban Tổ chức cán bộ và hợp tác quốc tế.

- Ban Khoa học kỹ thuật.

- Ban Truyền thông và xuất bản báo chí.

- Ban Tư vấn và phản biện.

- Ban Tài chính.

Hội còn có thể có một số tổ chức dịch vụ để làm kinh tế gây quỹ cho Hội và phải tuân theo các quy định của Nhà nước.

Hội có tập san riêng, việc xuất bản tập san theo đúng luật của Nhà nước.

Điều 14. Ban kiểm tra.

Ban kiểm tra trung ương Hội do đại hội bầu, số lượng ủy viên Ban kiểm tra do Ban chấp hành quyết định.

Nhiệm vụ của Ban kiểm tra:

Kiểm tra việc thực hiện điều lệ và Nghị quyết của Đại hội, Nghị quyết của Ban chấp hành, Ban Thường vụ.

Kiểm tra việc thực hiện quy chế và các hoạt động kinh tế, tài chính của Hội.

Xem xét, giải quyết các đơn thư khiếu nại tố cáo có liên quan đến hội viên.

Điều 15. Hội YHLĐ tỉnh.

Hội Y học lao động tỉnh là thành viên của Hội Y học lao động Việt Nam. Hội Y học lao động tỉnh phải có từ 30 hội viên trở lên mới đủ điều kiện thành lập hội.

Chương 5.

KHEN THƯỞNG VÀ KỶ LUẬT

Điều 16. Khen thưởng.

Những tổ chức Hội và Hội viên có thành tích xuất sắc trong công tác Hội sẽ được Hội xét khen thưởng hoặc có thể đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền khen thưởng.

Điều 17. Kỷ luật

1. Những tổ chức và hội viên vi phạm những điều sau đây:

Làm tổn hại uy tín của Hội Y học lao động Việt Nam, chống lại tôn chỉ và mục đích của Hội, làm trái điều lệ của Hội thì tùy theo lỗi nặng nhẹ mà phê bình, cảnh cáo đến khai trừ ra khỏi Hội.

Trong thời gian 2 năm chi hội thành viên không có báo cáo hoạt động lên Hội thì không còn là thành viên của Hội nữa.

Những hội viên bị kỷ luật của chính quyền, xét không còn đủ tiêu chuẩn của hội viên thì xóa tên trong danh sách hội viên.

2. Đơn vị và hội viên thuộc cấp hội nào, cấp hội ấy quyết định kỷ luật hoặc đề nghị cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định kỷ luật (theo quy định của pháp luật) và báo cáo lên Ban chấp hành Trung ương Hội Y học lao động Việt Nam.

Chương 6.

TÀI SẢN VÀ TÀI CHÍNH CỦA HỘI

Điều 18. Tài sản và tài chính của hội.

1. Tài sản và tài chính của Hội Y học lao động Việt Nam bao gồm:

Hội phí của hội viên (do Ban Chấp hành Trung ương Hội Y học lao động Việt Nam quy định).

Thu nhập do các hoạt động của Hội được Nhà nước cho phép.

Tài trợ bằng tiền hoặc hiện vật của các cơ sở, đoàn thể và cá nhân trong và ngoài nước.

2. Tài sản và tài chính của Hội được quản lý và sử dụng theo quy định của Ban Chấp hành Trung ương Hội và sự hướng dẫn của cơ quan tài chính Nhà nước.

Khi Hội giải thể thì toàn bộ tài sản của Hội được giao lại cho Nhà nước.

Điều 19. Giải thể hội.

Hội tự nguyện giải thể khi có Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc hoặc khi có quyết định giải thể của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Chương 8.

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 20. Sửa đổi và ban hành điều lệ.

Việc sửa đổi hoặc bổ sung Điều lệ phải được Đại hội đại biểu toàn quốc nhất trí kiến nghị và được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt mới có giá trị thực hiện.

Điều 21. Hiệu lực thi hành

Bản Điều lệ này gồm 7 chương và 21 điều đã được Đại hội Đại biểu toàn quốc Hội Y học lao động Việt Nam thông qua ngày 25 tháng 4 năm 2002 và có hiệu lực thi hành kể từ ngày được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt.