Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 31/2003/QĐ-UB

Mỹ Tho, ngày 12 tháng 5 năm 2003

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TƯ VẤN THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân (sửa đổi) được Quốc hội nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam Khóa IX, kỳ họp thứ V thông qua ngày 21/6/1994.

- Căn cứ Nghị định số 52/1999/NĐ-CP ngày 08/7/1999 và Nghị định số 12/2000/NĐ-CP ngày 05/5/2000 của Chính phủ; Nghị định số 07/2003/NĐ-CP ngày 30/01/2003 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quy chế quản lý đầu tư và xây dựng ban hành kèm theo Nghị định 52/1999/NĐ-CP và 12/2000/NĐ-CP.

- Căn cứ Thông tư số 70/2000/TT.BTC ngày 17/7/2000 của Bộ Tài Chính hướng dẫn quyết toán vốn đầu tư.

- Theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài chánh - Vật giá.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nay ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế hoạt động của Tổ Tư vấn thẩm tra quyết toán vốn đầu tư tỉnh Tiền Giang”.

Điều 2: Quyết định có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.

Điều 3: Các Ông (Bà) Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tài Chánh - Vật giá, Giám đốc Sở kế hoạch - Đầu tư, Giám đốc Sở Xây dựng và Thủ trưởng các đơn vị liên quan căn cứ quyết định thi hành.

 



 

Nơi nhận;
- CT và các PCT
- Các sở, ban, ngành tỉnh
- UBND các H, TP, TX
- LĐ&CVVP (đ/c Tùng)
- Lưu.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG
CHỦ TỊCH




Nguyễn Hữu Chí

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG CỦA TỔ TƯ VẤN THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ TỈNH TIỀN GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2003/QĐ-UB ngày 12/5/2003 của Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Tổ Tư vấn thẩm tra quyết toán vốn đầu tư tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là tổ Tư vấn) gồm các thành viên của các đơn vị có chức năng quản lý vốn đầu tư và xây dựng liên quan đến dự án.

Thường trực tổ Tư vấn được đặt tại Văn phòng Sở Tài Chánh - Vật giá.

Điều 2. Tổ Tư vấn có nhiệm vụ giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thẩm tra quyết toán vốn đầu tư các dự án do Ủy ban nhân dân tỉnh quyết định đầu tư theo đúng quy định của Nhà nước, cụ thể như sau:

- Hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc chủ đầu tư thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư đầy đủ, đúng nội dung và đảm bảo thời gian theo quy định.

- Hướng dẫn, chỉ đạo chủ đầu tư giải quyết các vướng mắc phát sinh trong quá trình quyết toán vốn đầu tư.

- Tổ chức thẩm tra báo cáo quyết toán vốn đầu tư các dự án hoàn thành theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước trước khi trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

- Yêu cầu chủ đầu tư cung cấp tài liệu có liên quan đến việc quyết toán vốn đầu tư của dự án.

- Hướng dẫn, đôn đốc, tạo điều kiện pháp lý để chủ đầu tư thu hồi số vốn đã thanh toán cho các nhà thầu lớn hơn so với quyết toán được duyệt.

Điều 3: Tổ Tư vấn thẩm tra quyết toán vốn đầu tư được trưng dụng chuyên viên các ngành có liên quan như: Sở Tài Chánh - Vật giá, Sở Xây dựng, Kho bạc Nhà nước, Sở Giao thông - Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công nghiệp, v.v.. để giúp việc (gọi tắt là tổ chuyên viên). Tổ chuyên viên có nhiệm vụ đối chiếu, thẩm tra số liệu quyết toán vốn, thống nhất các vấn đề có liên quan đến dự án trước khi tổ chức họp Tổ Tư vấn.

Chương II

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN CÓ LIÊN QUAN TRONG THẨM TRA QUYẾT TOÁN VỐN ĐẦU TƯ

Điều 4: Sở Tài Chánh - Vật giá là cơ quan chủ trì thẩm tra quyết toán vốn đầu tư và có trách nhiệm:

a) Thẩm tra tính pháp lý của dự án:

+ Thẩm tra, đối chiếu danh mục, nội dung các văn bản pháp lý của dự án đảm bảo phù hợp quy định hiện hành của Nhà nước.

+ Thẩm tra tính pháp lý của các hợp đồng kinh tế do chủ đầu tư ký với các nhà thầu (tư vấn, xây lắp, cung ứng vật tư thiết bị).

b) Thẩm tra số vốn đầu tư thực hiện hàng năm:

+ Thẩm tra từng nguồn vốn tham gia đầu tư thực hiện dự án hàng năm so với cơ cấu nguồn vốn đã xác định trong quyết định đầu tư và theo kế hoạch đầu tư năm.

+ Phân tích, so sánh cơ cấu vốn đầu tư thực hiện (xây lắp, thiết bị, chi phí khác) với cơ cấu vốn đầu tư đã được ghi trong quyết định đầu tư và tổng dự toán được duyệt.

c) Thẩm tra giá trị khối lượng xây lắp hoàn thành (dự án thực hiện theo phương thức chỉ định thầu):

+ Thẩm tra giá trị khối lượng xây lắp của dự án đề nghị quyết toán so với giá trị khối lượng xây lắp của dự toán được duyệt, xác định nguyên nhân tăng giảm.

+ Thẩm tra lại việc áp dụng định mức, đơn giá dự toán của Nhà nước đối với công tác xây lắp trong từng thời kỳ.

d) Thẩm tra giá trị khối lượng thiết bị hoàn thành (dự án thực hiện theo phương thức chỉ định thầu:

+ Thẩm tra sự phù hợp về danh mục, chủng loại, số lượng, tiêu chuẩn kỹ thuật, giá cả của thiết bị so với quyết định đầu tư, hợp đồng kinh tế.

+ Thẩm tra giá mua, gia công, chế tạo thiết bị.

+ Thẩm tra các khoản chi phí có liên quan đến thiết bị: vận chuyển, bảo quản, lưu kho, lưu bãi.

e) Thẩm tra giá trị xây lắp, thiết bị đề nghị quyết toán so với giá trúng thầu và dự toán dự thầu; giá trị xây lắp, thiết bị phát sinh ngoài gói thầu, nguyên nhân tăng giảm (đối với dự án, phần công việc thực hiện theo phương thức đấu thầu)

f) Thẩm tra các khoản chi phí khác.

g) Thẩm tra giá trị thiệt hại không tính vào giá trị tài sản.

h) Thẩm tra việc xác định giá trị tài sản bàn giao đưa vào sử dụng cho đơn vị khai thác sử dụng.

i) Thẩm tra tình hình công nợ, vật tư, thiết bị tồn đọng.

k) Thẩm tra các hồ sơ quyết toán vốn đầu tư dự án quy hoạch và chi phí chuẩn bị đầu tư, chi phí chuẩn bị thực hiện dự án.

Điều 5: Trách nhiệm của chủ đầu tư:

- Đối chiếu xác nhận số vốn đã thanh toán, cho vay.

- Lập báo cáo quyết toán vốn đầu tư trình người có thẩm quyền phê duyệt chậm nhất là 6 tháng sau khi dự án đầu tư hoàn thành đưa vào khai thác, sử dụng (đối với dự án nhóm B, C).

Đối với các dự án có những hạng mục công trình có thể đưa vào khai thác, sử dụng độc lập thì sau khi hoàn thành giao cho chủ đầu tư, chậm nhất là 3 tháng chủ đầu tư phải hoàn thành báo cáo quyết toán trình người có thẩm quyền phê duyệt.

Sau khi toàn bộ dự án hoàn thành thì chủ đầu tư phải tổng quyết toán toàn bộ dự án và phân bổ chi phí khác chi từng hạng mục theo quy định.

- Chịu trách nhiệm trực tiếp về tính chính xác đối với số liệu, tính pháp lý đối với tài liệu trong báo cáo quyết toán vốn đầu tư.

- Cung cấp đầy đủ tài liệu liên quan đến quyết toán vốn đầu tư theo yêu cầu của cơ quan thẩm tra quyết toán.

- Thu hồi đầy đủ số vốn đã thanh toán cho các nhà thầu lớn hơn so với quyết toán được duyệt.

Điều 6: Trách nhiệm của Sở Xây dựng và các sở có xây dựng chuyên ngành (được giao nhiệm vụ thẩm định thiết kế kỹ thuật và dự toán): Thẩm tra khối lượng xây lắp hoàn thành:

+ Thẩm tra khối lượng xây lắp của dự án đề nghị quyết toán so với khối lượng xây lắp của dự toán được duyệt, xác định nguyên nhân tăng, giảm.

+ Thẩm tra việc áp dụng định mức, đơn giá dự toán của Nhà nước đối với công tác xây lắp trong từng thời kỳ.

Điều 7: Trách nhiệm của Sở kế hoạch - Đầu tư

- Xác định nguồn vốn của dự án đầu tư; đề xuất bố trí tiếp vốn đối với các dự án còn thiếu nguồn.

- Theodoix và hướng dẫn Chủ đầu tư điều chỉnh các thủ tục về lập dự án đầu tư, bào cáo đầu tư, v.v.. đối với hồ sơ còn vướng mắc trong quyết toán.

Chương III

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 8: Nhận hồ sơ quyết toán vốn đầu tư:

Hàng tuần, Sở Tài Chánh - Vật giá (Phòng Đầu tư) nhận hồ sơ quyết toán vốn đầu tư vào các ngày thứ hai, sáng thứ tư và ngày thứ sáu.

Khi giao nhận hồ sơ quyết toán vốn đầu tư của các dự án hoàn thành có phiếu giao nhận, ghi cụ thể các nội dung cần thiết. Trường hợp hồ sơ gửi còn thiếu trên 3 tài liệu thì Sở Tài Chánh - Vật giá sẽ không nhận; các tài liệu còn thiếu được bổ sung trong vòng 5 ngày. Sau 5 ngày, nếu đơn vị không nộp bổ sung đầy đủ hồ sơ quyết toán thì Sở Tài Chánh - Vật giá sẽ không chịu trách nhiệm về nhận các hồ sơ này.

Điều 9: Về họp tổ chuyên viên

Trong quá trình thẩm tra số liệu quyết toán vốn đầu tư, đối với các hồ sơ quyết toán phức tạp, Sở Tài Chánh - Vật giá chủ trì tổ chức họp tổ chuyên viên để thống nhất về số liệu và các vấn đề nghiệp vụ có liên quan giữa các ngành để báo cáo trong cuộc họp Tổ Tư vấn.

Đối với các hồ sơ quyết toán không phức tạp, Sở Tài Chánh - Vật giá trực tiếp thẩm tra và báo cáo trong cuộc họp Tổ Tư vấn.

Điều 10: Hàng tháng, Tổ Tư vấn tổ chức họp thông qua số liệu thẩm tra quyết toán vốn đầu tư 2 lần vào tuần đầu của tháng và tuần thứ 3 của tháng. Trường hợp cần thiết, Tổ Tư vấn có thể tổ chức họp thêm để giải quyết các công việc có liên quan đến yêu cầu quyết toán vốn đầu tư.

Điều 11: Thời gian thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư.

- Thời gian thẩm tra quyết toán vốn đầu tư không quá 02 tháng đối với dự án nhóm B và 01 tháng đối với dự án nhóm C sau khi nhận đủ hồ sơ báo cáo quyết toán vốn đầu tư hợp lệ theo quy định.

- Thời gian phê duyệt quyết toán vốn đầu tư không quá 15 ngày sau khi nhận được đề nghị của Chủ đầu tư.

Điều 12: Quản lý và sử dụng phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán.

Sở Tài Chánh - Vật giá là cơ quan chủ trì thẩm tra, quyết toán vốn đầu tư, có trách nhiệm thông báo số thu về chi phí quyết toán để chủ đầu tư thực hiện thanh toán; đồng thời quản lý việc sử dụng chi phí thẩm tra, phê duyệt quyết toán vốn đầu tư theo đúng quy định và định kỳ báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 13: Chế độ báo cáo

Sở Tài Chánh - Vật giá tham mưu, giúp Ủy ban nhân dân tỉnh tổng hợp các báo cáo sau:

- Báo cáo thực hiện vốn đầu tư hàng năm: Gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc năm.

- Báo cáo tình hình thẩm tra, phê duyệt quyết toán dự án đầu tư hoàn thành:

+ Báo cáo quý: Gửi Bộ Tài chính vào tuần đầu của tháng đầu quý sau.

+ Báo cáo năm: Gửi Bộ Tài chính, Tổng cục Thống kê chậm nhất 30 ngày sau khi kết thúc năm.

Điều 14: Kiểm tra xử lý vi phạm.

Các cơ quan quản lý nhà nước về đầu tư (Sở Tài Chánh - Vật giá, Sở Kế hoạch - Đầu tư, Sở Xây dựng, Sở có xây dựng chuyên ngành) có kế hoạch kiểm tra tình hình thực hiện công tác quyết toán vốn đầu tư để kịp thời uốn nắn và xử lý vi phạm.

Điều 15: Hiệu lực thi hành.

Quy chế này có hiệu lực thi hành sau 15 ngày kể từ ngày ký.