ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 31/2007/QĐ-UBND | Đà Lạt, ngày 10 tháng 9 năm 2007 |
BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT LÀM GIẢM VẬT LIỆU CHÁY TRONG PHÒNG CHÁY RỪNG THÔNG Ở LÂM ĐỒNG.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG
Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Luật Bảo vệ và phát triển rừng ngày 03/12/2004;
Căn cứ Luật Phòng cháy và chữa cháy ngày 29/6/2001;
Căn cứ Nghị định số 09/2006/NĐ-CP ngày 16/01/2006 của Chính phủ quy định về phòng cháy và chữa cháy rừng;
Căn cứ Quyết định số 4110/QĐ/BNN-KHCN ngày 31/12/2006 của Bộ Trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về việc ban hành tiêu chuẩn ngành;
Xét đề nghị của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 1774/TT-SNN-KL ngày 29/8/2007,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 1572/QĐ-UBND ngày 20/10/1997 của UBND tỉnh Lâm Đồng về việc ban hành bản quy định về kỹ thuật đốt trước có điều khiển trong phòng cháy rừng thông ở Lâm Đồng.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và thành phố Đà Lạt; Chi cục Trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc Vườn Quốc gia Bidoup - Núi Bà; Giám đốc Vườn quốc gia Cát Tiên; Giám đốc các Lâm trường; Trưởng các Ban Quản lý rừng; Thủ trưởng các sở, ban, ngành và đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./-
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
VỀ KỸ THUẬT LÀM GIẢM VẬT LIỆU CHÁY TRONG PHÒNG CHÁY RỪNG THÔNG Ở LÂM ĐỒNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 31/2007/QĐ-UBND ngày10 tháng 9 năm 2007 của UBND tỉnh Lâm Đồng).
Điều 1. Đối tượng và phạm vi áp dụng
1. Quy định này được áp dụng đối với các dạng rừng thông thuần loại hoặc hỗn giao, có nguồn gốc từ trồng hay tái sinh tự nhiên, thuộc đối tượng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao vào mùa khô hàng năm.
Quy định này còn áp dụng tương tự đối với một số đối tượng rừng khác ngoài rừng thông có điều kiện tương ứng và xét thấy phù hợp, nhưng phải được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết từng trường hợp cụ thể.
2. Các đơn vị chủ rừng (tổ chức, hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao rừng, cho thuê rừng, giao đất để trồng rừng, cho thuê đất để trồng rừng, giao khoán đất rừng sản xuất, công nhận quyền sử dụng rừng, công nhận quyền sở hữu rừng sản xuất là rừng trồng; nhận chuyển nhượng rừng từ chủ rừng khác) trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng đều phải áp dụng biện pháp kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng theo quy định này.
1. Làm giảm vật liệu cháy trong phòng cháy rừng là biện pháp phát dọn mang vật liệu cháy ra khỏi rừng hoặc chủ động dùng lửa nhằm giảm thiểu chiều cao, khối lượng những vật liệu có thể cháy được dưới tán rừng ở những khu rừng có nguy cơ cháy cao; trên cơ sở có sự tính toán, điều khiển của con người sao cho vừa hạn chế nguy cơ và thiệt hại do cháy rừng vào thời kỳ cao điểm khô hanh, vừa không gây tác động xấu đến cảnh quan, môi sinh, môi trường và sinh trưởng, phát triển của cây rừng.
2. Vật liệu cháy tinh: là những vật liệu dễ bắt lửa trong điều kiện thời tiết khô hanh thông thường ở rừng như: lá khô, cỏ khô, quả thông khô, cây thân thảo, vật rụng khác chưa bị hoai mục, v.v... Các thành phần thực vật có thể cháy được có đường kính hoặc bề dày dưới 1cm và quả thông khô được gọi là những vật liệu cháy tinh.
Các thành phần thực vật có thể cháy được ngoài vật liệu cháy tinh kể trên, được coi là vật liệu cháy thô.
3. Khối lượng vật liệu cháy được hiểu là khối lượng vật liệu cháy tinh, được cân ở trạng thái độ ẩm thông thường khi dự báo cháy rừng đang ở cấp II.
4. Rừng thông non trong giai đoạn chăm sóc: là rừng thông trồng (hoặc tái sinh tự nhiên) dưới 5 tuổi.
5. Rừng thông non trong giai đoạn nuôi dưỡng: là rừng thông trồng hoặc tái sinh tự nhiên từ 5 tuổi đến khi rừng đạt tuổi trung niên (sau giai đoạn chăm sóc).
6. Rừng thông lớn: là rừng thông thuần loại hay hỗn giao, rừng tự nhiên hay rừng trồng đạt độ tuổi từ trung niên trở lên.
7. Luỗng cành: là biện pháp chặt tỉa để loại bỏ những cành thấp của tán cây nhằm tạo điều kiện cho cây phát triển cân đối, nâng cao chất lượng gỗ ở đoạn thân chính, giảm thiểu nguy cơ gây hại của sâu bệnh và lửa rừng.
Điều 3. Phối hợp làm giảm vật liệu cháy với các công trình chăm sóc, nuôi dưỡng, quản lý bảo vệ rừng
Đối với các loại rừng trồng, rừng non tái sinh có đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng, thì nội dung công việc làm giảm vật liệu cháy theo quy định này phải được đưa vào thiết kế và dự toán chăm sóc, nuôi dưỡng rừng hàng năm và được coi là yêu cầu bắt buộc đối với hồ sơ thiết kế chăm sóc, nuôi dưỡng rừng thông.
Những đối tượng rừng thông không có đầu tư chăm sóc, nuôi dưỡng thì mới thiết kế riêng việc làm giảm vật liệu cháy và đưa vào dự toán đầu tư từ nguồn kinh phí phòng cháy chữa cháy rừng của năm đó.
NHỮNG QUY ĐỊNH AN TOÀN CHO CÂY RỪNG VÀ MÔI TRƯỜNG KHI TIẾN HÀNH XỬ LÝ VẬT LIỆU CHÁY
Điều 4. Giới hạn thời điểm tiến hành làm giảm vật liệu cháy
Làm giảm vật liệu cháy chỉ tiến hành vào thời điểm chuyển tiếp vào cuối mùa mưa và đầu mùa khô hàng năm, khi dự báo cháy rừng ở cấp II (độ ẩm vật liệu cháy từ 30% đến 40%). Thời điểm thích hợp và an toàn cho việc làm giảm vật liệu cháy là từ cuối mùa mưa đến 15 tháng 01 hàng năm.
Tuỳ thuộc điều kiện tiểu khí hậu từng vùng và diễn biến thời tiết từng năm, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, quyết định việc điều chỉnh, gia hạn thời gian thực hiện biện pháp làm giảm vật liệu cháy cụ thể cho từng vùng, theo từng năm và báo cáo, chịu trách nhiệm trước Chủ tịch UBND tỉnh.
Trong thời gian cho phép thực hiện biện pháp làm giảm vật liệu cháy, chỉ được đốt dọn vào thời điểm thích hợp trong ngày, khi độ ẩm không khí trên 60% và tốc độ gió dưới 10km/giờ.
Từ thời điểm dự báo cháy rừng chuyển sang cấp II, chỉ được phép đốt dọn từ 16 giờ hôm trước đến 10 giờ hôm sau. Tuyệt đối không được đốt dọn khi dự báo cháy rừng từ cấp III trở lên.
Điều 5. Giới hạn diện tích, đối tượng rừng đưa vào kế hoạch làm giảm vật liệu cháy
1. Rừng đưa vào kế hoạch làm giảm vật liệu cháy hàng năm thuộc đối tượng có nguy cơ xảy ra cháy rừng cao, lượng vật liệu cháy tích tụ nhiều. Cụ thể: rừng thông non (trong giai đoạn chăm sóc và nuôi dưỡng) có khối lượng vật liệu cháy tinh vượt trên 0,3 kg/m² (3 tấn/ha); rừng thông lớn có khối lượng vật liệu cháy tinh vượt trên 0,5kg/m² (5 tấn/ha).
2. Diện tích rừng đưa vào thiết kế làm giảm vật liệu cháy hàng năm trong một tiểu khu không vượt quá một phần hai tổng diện tích rừng, đất rừng của tiểu khu rừng đó và không được làm giảm vật liệu cháy tạo diện tích liền vùng quá 50 ha đối với khu rừng có độ dốc dưới 25º, quá 20 ha đối với khu rừng có độ dốc trên 25º. Trong trường hợp có những khu rừng trồng tập trung có diện tích lớn hơn 50 ha ở nơi có độ dốc dưới 25º, hoặc lớn hơn 20 ha đối với khu rừng có độ dốc trên 25º cần xử lý vật liệu cháy trong năm, thì phải tiến hành đốt theo đám hoặc thành băng xen kẽ, với phần diện tích chừa chiếm từ 10 đến 20% tổng diện tích khu rừng.
3. Chu kỳ làm giảm vật liệu cháy trên một diện tích rừng trung bình là 2 năm. ở những nơi thực bì dày rậm, nguy cơ cao khi xảy ra cháy rừng thì có thể tiến hành làm giảm vật liệu cháy hàng năm, nhưng không được thực hiện liên tiếp trong 3 năm (trừ rừng trồng trong giai đoạn chăm sóc, công việc làm giảm vật liệu cháy phải được tiến hành hàng năm).
4. Ở có cây tái sinh triển vọng thành rừng mọc từng đám (đạt mật độ trên 500 cây/ha), có diện tích từ 0,1 ha trở lên xen kẽ trong rừng thông lớn, phải áp dụng biện pháp làm giảm vật liệu cháy riêng như đối với rừng non tái sinh tự nhiên (không áp dụng biện pháp chung như rừng thông lớn).
Điều 6. Tiêu chí đánh giá hiệu quả và mức an toàn cho cây rừng khi tiến hành làm giảm vật liệu cháy
Rừng thông làm giảm vật liệu cháy phải đảm bảo các tiêu chí sau đây mới được coi đạt yêu cầu an toàn:
1. Tốc độ lan tràn của lửa khi đốt dọn phải nhỏ hơn 5 mét/phút.
2. Lửa cháy sém, nếu có thì không được làm héo úa quá 1/2 chiều cao tán cây rừng. Riêng đối với việc làm giảm vật liệu cháy ở vùng rừng xung yếu bảo vệ cảnh quan không được làm héo úa quá 1/4 chiều cao tán cây rừng, kể cả những cây tái sinh triển vọng.
3. Khối lượng vật liệu cháy tinh còn lại sau khi đốt, dọn phải nhỏ hơn 2 tấn/ha (0,2 kg/m²) đối với rừng non, nhỏ hơn 3 tấn/ha (0,3 kg/m²) đối với rừng thông lớn mới được coi là đạt mức an toàn. Trường hợp khối lượng vật liệu cháy lớn, không thể giảm ngay sau một lần đốt dọn, thì phải chia ra nhiều lần đốt, sao cho lần đốt sau cùng khối lượng vật liệu cháy còn lại đạt mức an toàn như nêu trên.
LẬP KẾ HOẠCH VÀ THIẾT KẾ LÀM GIẢM VẬT LIỆU CHÁY
Điều 7. Lập kế hoạch, phương án giảm vật liệu cháy
Kế hoạch chung về phòng cháy chữa cháy rừng cũng như kế hoạch làm giảm vật liệu cháy hàng năm phải được lập từ tháng 8 năm trước. Hàng năm, từng chủ rừng phải lập phương án phòng cháy chữa cháy rừng và thiết kế làm giảm vật liệu cháy ở địa bàn đơn vị mình, trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt để thực hiện; việc xây dựng và thẩm định phương án phòng cháy chữa cháy rừng phải được thực hiện trước tháng 10 hàng năm.
Điều 8. Thiết kế làm giảm vật liệu cháy
1. Thiết kế làm giảm vật liệu cháy phải thực hiện đầy đủ các nội dung sau:
a) Xác định trước đối tượng rừng dự kiến làm giảm vật liệu cháy: tên lô, khoảnh, tiểu khu, diện tích, trạng thái rừng, năm trồng (đối với rừng trồng), cấp thực bì, đặc điểm địa hình, địa vật, lịch sử cháy rừng; các tác động chăm sóc, nuôi dưỡng, làm giảm vật liệu cháy trước đó. Vùng rừng được thiết kế làm giảm vật liệu cháy đó phải thể hiện trên bản đồ có lưới chiếu tỷ lệ 1/10.000.
b) Thiết kế làm giảm vật liệu cháy: Số lần, thời gian làm giảm vật liệu cháy; biện pháp phát luổng, gom dọn vật liệu cháy; vị trí và kích thước đường ranh ngăn lửa cháy lan, ...
c) Nhu cầu về người theo ca, kíp trực trong thời gian đốt; dụng cụ, phương tiện.
d) Dự toán kinh phí.
2. Phân chia lô và trạng thái rừng làm giảm vật liệu cháy:
Khu rừng dự kiến làm giảm vật liệu cháy phải được thiết kế thành từng lô, mỗi lô có diện tích trung bình khoảng 10 ha (đối với rừng trồng thì áp dụng theo lô thiết kế trồng rừng). Nếu trong lô có nhiều kiểu trạng thái rừng thì phải chia thành phân lô để xác định biện pháp xử lý thích hợp.
Tuỳ theo yêu cầu về kỹ thuật và biện pháp tác động, đối tượng rừng thông đưa vào làm giảm vật liệu cháy được chia thành các loại cụ thể sau:
a) Rừng non trong giai đoạn chăm sóc.
b) Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 m chưa qua nuôi dưỡng.
c) Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao dưới 8 m mới qua nuôi dưỡng (trong vòng 2 năm trước đó).
d) Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 m trở lên chưa qua nuôi dưỡng.
đ) Rừng non trong giai đoạn nuôi dưỡng có chiều cao từ 8 m trở lên mới qua nuôi dưỡng (trong vòng 2 năm trước đó).
e) Rừng xung yếu bảo vệ cảnh quan.
g) Rừng lớn.
QUY ĐỊNH VỀ KỸ THUẬT LÀM GIẢM VẬT LIỆU CHÁY
Điều 9. Kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy với rừng thông non trong giai đoạn chăm sóc
Phát sát gốc (chiều cao gốc phát không quá 10 cm) dọn sạch vật liệu cháy gom ra băng trống giữa hàng hoặc gom thành từng đống nhỏ để đốt.
Cách đốt dọn vật liệu cháy: sau khi vật liệu cháy gom đống vừa héo thì tiến hành đốt ngay, vật liệu cháy có khả năng bắt lửa đến đâu thì đốt đến đó, không đợi khô hoàn toàn rồi mới đốt (chia làm nhiều lần đốt). Châm lửa đốt từ đỉnh đống gom xuống hoặc đốt từ hướng ngược chiều gió. Thời gian đốt an toàn nhất là từ 16 giờ hôm trước đến 08 giờ sáng hôm sau.
Có thể kết hợp biện pháp vùi cây con hoặc che, đậy cây con (cây dưới 2 tuổi) khi đốt dọn vật liệu cháy trên rừng trồng.
Xung quanh lô, phân lô nếu không có sẵn đường ranh cản lửa tự nhiên hoặc nhân tạo như khe tụ thuỷ, sông suối, đường băng trắng, băng xanh, ... thì trước khi đốt dọn vật liệu cháy phải làm đường ranh cản lửa phòng cháy lan. Tuỳ đặc điểm địa hình, thực bì và trạng thái rừng, đường ranh có bề rộng từ 3 mét đến 6 mét.
Tiến hành luỗng cành ở tầng thấp (luỗng sát gốc cành) và phát dọn thực bì (chiều cao gốc phát không quá 15cm). Gom vật liệu cháy (qua luỗng cành và phát dọn) mang ra băng trống giữa hàng hoặc gom thành từng đống nhỏ để đốt.
Cách đốt dọn vật liệu cháy được thực hiện như quy định tại điều 9 trên đây.
Cành nhánh và thực bì đã luỗng, phát trong quá trình nuôi dưỡng được gom ra băng trống giữa hàng hoặc gom thành từng đống nhỏ để đốt.
Cách đốt dọn vật liệu cháy thực hiện như quy định tại điều 9 trên đây.
Tiến hành luỗng cành nhánh (luỗng sát gốc cành). Ngoài ra nếu chiều cao thực bì trên 0,3 mét thì phải phát hạ thấp độ cao xuống còn dưới 0,3 mét gom ra băng chừa hoặc chỗ trống trong lô trước khi đốt dọn vật liệu cháy.
Cách đốt dọn vật liệu cháy: Chia lô rừng thành từng ô nhỏ, diện tích mỗi ô dưới 2 ha. Khi thực bì vừa đủ bén lửa thì tiến hành đốt dọn ngay, không đợi thực bì khô hoàn toàn mới đốt. Đốt ngược chiều gió, khởi đầu đốt ở những ô cuối gió, đốt xong ô này mới đến ô kế tiếp, cứ lần lượt như thế cho đến hết.
ở nơi địa hình dốc thì đốt dọn vật liệu cháy từ trên đỉnh dốc xuống, hoặc theo chiều ngang theo đường đồng mức (ngược hướng gió), không được đốt dưới dốc lên.
Trước khi đốt dọn vật liệu cháy phải kiểm tra kết quả phát dọn của quá trình nuôi dưỡng, nếu thực bì còn cao trên 0,5 mét thì phải phát hạ thấp độ cao xuống còn dưới 0,5 mét.
Cách đốt dọn vật liệu cháy thực hiện như quy định tại điều 12 trên đây.
Điều 14. Kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy khu vực rừng xung yếu bảo vệ cảnh quan
Tiến hành cắt sát gốc cỏ, cây bụi (chiều cao gốc cắt dưới 10cm), chừa lại những cây mục đích và cây thân gỗ lá rộng dưới tán. Gom hết vật liệu cháy mang ra chỗ trống và nơi khuất tầm nhìn ở các tuyến giao thông. Tập trung vật liệu cháy thành từng đống nhỏ trong trạng thái chưa khô hoàn toàn để đốt đưới sự kiểm soát nghiêm ngặt của tổ thi công đốt dọn.
Cắt dọn thực bì đến đâu, gom đốt ngay đến đó (đốt trong ngày hoặc ngay ngày hôm sau). Tuyệt đối không để vật liệu cháy khô hoàn toàn mới đốt, không để cháy lan hoặc ngọn lửa làm héo úa tán cây rừng như quy định tại khoản 2 điều 6 trên đây.
Sau khi đốt dọn vật liệu cháy dùng cào, cuốc lấp tàn tro, hạn chế các vệt đen loang lổ trong rừng.
Điều 15. Kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy đối vối rừng thông lớn (từ độ tuổi trung niên trở lên)
Việc làm giảm vật liệu cháy đối với rừng thông lớn phải được xem xét, cân nhắc trên cơ sở đảm bảo những yêu cầu về bảo vệ môi trường, cảnh quan và cây con tái sinh như quy định điều 5 và điều 6 trên đây.
Kỹ thuật làm giảm vật liệu cháy thực hiện như điều 13 quy định này.
TỔ CHỨC THI CÔNG LÀM GIẢM VẬT LIỆU CHÁY
Điều 16. Tổ chức lực lượng, trang bị dụng cụ
Mỗi tổ thi công làm giảm vật liệu cháy phải có ít nhất 5 người, tổ trưởng là người am hiểu kỹ thuật và có kinh nghiệm trong việc đốt dọn, xử lý vật liệu cháy.
Ngoài những dụng cụ lao động thông thường, mỗi tổ phải được trang bị những dụng cụ cần thiết để sẵn sàng chữa cháy, đề phòng cháy lan như: dao phát, bình bơm nước đeo vai, ...
Trước khi quyết định dùng lửa đốt dọn theo kỹ thuật quy định từ điều 9 đến điều 15 trên đây, tổ trưởng phải khoanh một khu vực khoảng 50m² để đốt thử nghiệm. Nếu kết quả thử nghiệm đạt yêu cầu an toàn như tiêu chí quy định ở điều 6 trên đây, thì cho phép tiến hành đốt dọn vật liệu cháy. Nếu kết quả đốt thử nghiệm không đạt yêu cầu thì phải chờ lúc thời tiết thích hợp hoặc điều chỉnh kế hoạch, biện pháp làm giảm vật liệu cháy cho phù hợp.
Tổ trưởng là người trực tiếp chỉ huy việc làm giảm vật liệu cháy, tiến hành đốt thử nghiệm và chịu trách nhiệm kết quả thử nghiệm.
Điều 18. Xử lý các vấn đề phát sinh khi tiến hành làm giảm vật liệu cháy
1. Trong quá trình đốt dọn vật liệu cháy, tổ trưởng phải thường xuyên theo dõi diễn biến kết quả đốt dọn vật liệu cháy. Nếu kết quả đốt dọn vật liệu cháy không đảm bảo yêu cầu an toàn quy định ở điều 6 trên đây, như đang đốt dọn có gió to thổi bùng ngọn lửa hoặc vật liệu cháy trở nên khô nỏ, có nguy cơ bộc phát thành đám cháy rừng, thì phải ngưng việc đốt dọn và huy động lực lượng dập tắt ngay.
2. Tất cả các tàn lửa trên hiện trường đốt dọn vật liệu cháy phải được dập tắt hoàn toàn trước khi tổ lao động ra về, nhằm ngăn ngừa tình trạng cháy lan sang các hiện trường khác hoặc chuyển thành đám cháy rừng.
Điều 19. Nghiệm thu đánh giá kết quả làm giảm vật liệu cháy
1. Việc nghiệm thu, đánh giá kết quả làm giảm vật liệu cháy phải dựa trên phương án và hồ sơ thiết kế được duyệt. Diện tích rừng đã thi công làm giảm vật liệu cháy phải đúng kỹ thuật nêu tại chương IV; đúng đối tượng và đạt tiêu chí an toàn phòng cháy rừng nêu tại Điều 5, Điều 6 quy định này mới được nghiệm thu đạt.
2. Trong thời gian từ 10 đến 20 ngày sau khi hoàn thành các công trình làm giảm vật liệu cháy, đơn vị chủ rừng có trách nhiệm phối hợp với bên thi công và Hạt Kiểm lâm sở tại tiến hành kiểm tra, đánh giá kết quả và nghiệm thu cơ sở. Kết quả được ghi thành biên bản, làm cơ sở cho việc xử lý các vấn đề phát sinh và lập thủ tục quyết toán công trình sau này.
Giao Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Sở Tài chính và các ngành, đơn vị có liên quan xây dựng định mức, đơn giá làm giảm vật liệu cháy theo bản quy định này để triển khai thực hiện.
Các địa phương, các sở, ngành và các chủ rừng trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng có trách nhiệm thực hiện nghiêm túc bản quy định này. Tổ chức, cá nhân nào vi phạm các quy định về phòng cháy rừng và bản quy định này, tuỳ theo mức độ sẽ bị xử lý theo quy định của pháp luật. Tổ chức, cá nhân nào thực hiện tốt bản quy định này, có thành tích trong phòng cháy rừng sẽ được khen thưởng theo quy định.
Trong quá trình thực hiện, nếu có những vấn đề phát sinh, hoặc có khó khăn, vướng mắc, các đơn vị báo cáo bằng văn bản gửi UBND tỉnh và Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn xem xét, giải quyết hoặc bổ sung, điều chỉnh cho phù hợp./-