Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3117 /QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 09 tháng 10 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Xây dựng ngày 26/11/2003 và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Xây dựng;

Căn cứ Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng;

Căn cứ Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 15/08/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình;

Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại Tờ trình số 141/TTr-SXD ngày 15/8/2014;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Bộ Xây dựng;
- TTTU, TT HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- CPVP;
- Lưu: VT, KTN, KTTH, NC, TH.
(E:\Dropbox\Ba2014\QĐ\092914 - Ban hanh Quy đinh quan ly chat luong CTXD.doc)

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Văn Thu

 

QUY ĐỊNH

MỘT SỐ NỘI DUNG VỀ QUẢN LÝ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3117/QĐ-UBND ngày 09 / 10 /2014 của UBND tỉnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

2. Các nội dung khác không được quy định tại văn bản này thì thực hiện theo quy định tại Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ngày 06/02/2013 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Nghị định số 15/2013/NĐ-CP); Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 của Bộ Xây dựng quy định chi tiết một số nội dung về quản lý chất lượng công trình xây dựng (Thông tư số 10/2013/TT-BXD); Thông tư số 13/2013/TT-BXD ngày 25/07/2013 của Bộ Xây dựng quy định thẩm tra, thẩm định và phê duyệt thiết kế xây dựng công trình (Thông tư số 13/2013/TT-BXD); Thông tư số 09/2014/TT-BXD ngày 10/7/2014 của Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung một số điều tại các Thông tư hướng dẫn Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Các cơ quan chuyên môn về xây dựng; chủ đầu tư xây dựng công trình; các tổ chức, cá nhân tham gia khảo sát, thiết kế, thẩm tra thiết kế, thi công xây dựng công trình và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện: UBND các huyện, thành phố thuộc tỉnh.

2. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng: Sở Xây dựng, Sở Giao thông Vận tải, Sở Công Thương, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và các phòng chuyên môn thuộc UBND cấp huyện được UBND cấp huyện giao quản lý nhà nước về xây dựng đối với các công trình được phân cấp.

Chương II

PHÂN CÔNG, PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG

Điều 4. Ủy ban nhân dân tỉnh thống nhất quản lý nhà nước về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh. Sở Xây dựng là cơ quan đầu mối giúp UBND tỉnh thực hiện.

Điều 5. Sở Xây dựng

1. Xây dựng, trình UBND tỉnh ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn.

2. Hướng dẫn UBND cấp huyện, các tổ chức và cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh thực hiện các quy định của pháp luật và của UBND tỉnh về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

3. Thanh tra, kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và thanh tra, kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình và quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh; xử lý và kiến nghị xử lý các vi phạm về chất lượng công trình xây dựng.

4. Thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình sau: Nhà chung cư từ cấp III trở lên, nhà ở riêng lẻ từ 07 tầng trở lên; công trình công cộng từ cấp III trở lên; nhà máy xi măng cấp II, cấp III; công trình hạ tầng kỹ thuật từ cấp III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở lên đối với công trình sử dụng vốn khác, riêng các công trình xử lý chất thải rắn độc hại không phân biệt cấp; trừ những công trình đã phân cấp, ủy quyền theo Quy định này và các công trình do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Xây dựng thẩm tra theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

5. Công bố trên trang thông tin điện tử Sở Xây dựng, Bộ Xây dựng về thông tin năng lực của các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật và tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng. Tổ chức kiểm tra theo kế hoạch hoặc đột xuất về năng lực hoạt động thực tế của tổ chức, cá nhân để bổ sung thêm năng lực hoặc loại khỏi danh sách những đơn vị không đảm bảo theo đăng ký.

6. Phối hợp với các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành: Kiểm tra việc tuân thủ quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng chuyên ngành; Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng trên địa bàn huyện; Tổ chức giám định chất lượng công trình xây dựng khi có yêu cầu và tổ chức giám định nguyên nhân sự cố theo quy định; Tổng hợp, báo cáo Bộ Xây dựng, UBND tỉnh về sự cố công trình xây dựng.

7. Tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh định kỳ, đột xuất về tình hình chất lượng công trình xây dựng và công tác thẩm tra thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh; giúp UBND tỉnh tổng hợp tình hình chất lượng và quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn để báo cáo Bộ Xây dựng định kỳ hàng năm.

8. Lưu trữ hồ sơ thẩm tra và thiết kế cơ sở, hồ sơ cấp phép xây dựng.

Điều 6. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (Sở Giao thông Vận tải, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Sở Công Thương).

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan kiểm tra thường xuyên, định kỳ theo kế hoạch và kiểm tra đột xuất công tác quản lý chất lượng của tổ chức, cá nhân tham gia xây dựng công trình chuyên ngành và chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh.

2. Tổ chức thẩm tra thiết kế xây dựng theo chuyên ngành.

a) Sở Giao thông Vận tải thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các công trình: Cầu, hầm, đường bộ từ cấp III trở lên đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước và từ cấp II trở lên đối với công trình sử dụng vốn khác; công trình đường sắt, sân bay, bến, ụ nâng tàu, cảng bến đường thủy, hệ thống cáp treo vận chuyển người không phân biệt cấp; trừ những công trình đã phân cấp, ủy quyền theo Quy định này và các công trình do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Giao thông Vận tải thẩm tra theo quy định tại khoản 2 Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

b) Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng đối với các công trình: Hồ chứa nước, đập ngăn nước, tràn xả lũ, cống lấy nước, cống xả nước, kênh, đường ống kín dẫn nước, đường hầm thủy công, đê, kè, trạm bơm và công trình thủy lợi khác không phân biệt cấp; trừ những công trình đã phân cấp, ủy quyền theo Quy định này và các công trình do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thẩm tra theo quy định tại khoản 3 Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

c) Sở Công Thương thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình cấp III, cấp II thuộc các loại: Đường dây tải điện và trạm biến áp, nhà máy thủy điện, nhà máy nhiệt điện, nhà máy luyện kim, nhà máy sản xuất Alumin; công trình cấp IV, cấp III, cấp II thuộc các loại: Nhà máy lọc hóa dầu, chế biến khí, các công trình nhà kho và tuyến đường ống (dẫn xăng, dầu, khí hóa lỏng), nhà máy sản xuất và kho chứa hóa chất nguy hiểm, nhà máy sản xuất và kho chứa vật liệu nổ công nghiệp; trừ những công trình đã phân cấp, ủy quyền theo Quy định này và các công trình do cơ quan chuyên môn về xây dựng thuộc Bộ Công Thương thẩm tra theo quy định tại khoản 4 Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Xây dựng kiểm tra công tác nghiệm thu, bàn giao đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại khoản 2 Điều này.

4. Phối hợp với Sở Xây dựng thực hiện các công việc nêu tại khoản 6 Điều 5 Quy định này.

5. Tổng hợp báo cáo định kỳ hàng năm về tình hình chất lượng công trình xây dựng và công tác thẩm tra thiết kế các công trình xây dựng chuyên ngành trên địa bàn tỉnh về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

6. Lưu trữ hồ sơ thẩm tra, hồ sơ thiết kế cơ sở công trình xây dựng chuyên ngành theo quy định.

Điều 7. Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

1. Tổ chức thực hiện các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình trên địa bàn Khu Kinh tế mở Chu Lai, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

2. Thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình và kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng đối với các công trình trên địa bàn Khu Kinh tế mở Chu Lai, Đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc.

3. Phối hợp với Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành và Bộ Xây dựng tổ chức kiểm tra, thanh tra việc thực hiện quản lý chất lượng xây dựng, giám định chất lượng và giám định sự cố công trình xây dựng trên địa bàn quản lý.

4. Tổng hợp và báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng công trình xây dựng đối với các công trình trên địa bàn về Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Xây dựng.

5. Lưu trữ hồ sơ thiết kế, bản vẽ hoàn công, hồ sơ quản lý chất lượng công trình xây dựng do đơn vị quản lý.

Điều 8. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện quản lý chất lượng các công trình xây dựng trên địa bàn huyện do UBND cấp huyện cấp phép, các công trình nhà ở riêng lẻ của hộ gia đình, cá nhân và các công trình được phân cấp, ủy quyền theo Quy định này.

2. Thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng các công trình sau

a) Đối với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn

- Công trình cấp IV do UBND cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư có giá trị tổng dự toán nhỏ hơn 1,0 tỷ đồng;

- Công trình cấp IV không sử dụng vốn ngân sách Nhà nước được đầu tư trên địa bàn các huyện, thành phố (trừ các công trình đã phân cấp, giao nhiệm vụ cho Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc và Ban Quản lý Khu kinh tế mở Chu Lai) có giá trị tổng dự toán nhỏ hơn 1,0 tỷ đồng;

- Công trình thuộc Chương trình kiên cố hóa kênh mương loại III được thực hiện theo các Quyết định số 39/2007/QĐ-UBND ngày 13/9/2007 và số 30/2011/QĐ-UBND ngày 27/9/2011 của UBND tỉnh;

- Công trình đặc thù theo quy định tại Nghị định số 71/2005/NĐ-CP ngày 06/6/2005 của Chính phủ về quản lý đầu tư xây dựng công trình đặc thù được giao cho cấp huyện, cấp xã quyết định đầu tư.

b) Đối với công trình giao thông: Công trình đường bộ cấp III, có tổng mức đầu tư thấp hơn 03 tỷ đồng; trừ công trình đường bộ cấp III có hạng mục cầu có chiều dài nhịp từ 25m trở lên.

c) Đối với công trình thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới

- Công trình được áp dụng cơ chế đầu tư đặc thù theo Quyết định số 498/QĐ-TTg ngày 21/3/2013 của Thủ tướng Chính phủ có tổng mức đầu tư thấp hơn 03 tỷ đồng, đã được UBND tỉnh ban hành thiết kế mẫu, thiết kế điển hình; gồm: Xây dựng Nhà văn hóa - khu thể thao thôn; Giao thông nông thôn, cống thoát nước đường giao thông nông thôn; Kiên cố hóa kênh mương loại III; Đường giao thông nội đồng.

- Công trình xây dựng cơ sở hạ tầng thuộc các tiêu chí nông thôn mới còn lại có tổng mức đầu tư thấp hơn 03 tỷ đồng; gồm: Xây dựng Trụ sở xã, Xây dựng Trường học đạt chuẩn, Xây dựng Trạm y tế xã, Xây dựng Nhà văn hóa - khu thể thao xã, Công trình thoát nước thải dân cư, Xây dựng hạ tầng các khu sản xuất tập trung, Xây dựng công trình cấp nước sinh hoạt.

3. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa vào sử dụng các công trình sau

a) Đối với công trình nông nghiệp và phát triển nông thôn: Các công trình theo quy định tại điểm a khoản 2 Điều này.

b) Đối với công trình giao thông: Công trình cầu, đường bộ cấp III (theo phân cấp tại Thông tư số 10/2013/TT-BXD ngày 25/7/2013 của Bộ Xây dựng) do UBND các huyện, thành phố quyết định đầu tư hoặc làm chủ đầu tư.

c) Đối với công trình thuộc Chương trình nông thôn mới: Các công trình theo quy định tại điểm c khoản 2 Điều này.

4. Hướng dẫn UBND cấp xã, các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn thực hiện các quy định về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

5. Phối hợp với Sở Xây dựng và Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành kiểm tra công trình xây dựng trên địa bàn khi được yêu cầu.

6. Báo cáo sự cố và giải quyết sự cố công trình xây dựng trên địa bàn theo quy định.

7. Tổng hợp tình hình, báo cáo định kỳ về tình hình chất lượng công trình xây dựng và công tác thẩm tra thiết kế trên địa bàn về Sở Xây dựng, Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành (báo cáo định kỳ vào các ngày 15/6 và 15/11 hằng năm).

8. Lưu trữ hồ sơ cấp phép xây dựng, hồ sơ thẩm tra thiết kế theo quy định.

Chương III

NỘI DUNG QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ CHẤT LƯỢNG CÔNG TRÌNH XÂY DỰNG CỦA CƠ QUAN CHUYÊN MÔN VỀ XÂY DỰNG

Điều 9. Thẩm tra thiết kế công trình của cơ quan chuyên môn về xây dựng

1. Đối với các công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước được quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP , nội dung thẩm tra thiết kế như sau:

a) Điều kiện năng lực hoạt động xây dựng của các tổ chức, cá nhân thực hiện khảo sát, thiết kế so với yêu cầu của Hợp đồng và quy định của pháp luật: Kiểm tra điều kiện năng lực của tổ chức khảo sát, thiết kế; kiểm tra điều kiện năng lực của chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm đồ án thiết kế, chủ trì thiết kế;

b) Sự phù hợp của thiết kế với các Quy chuẩn kỹ thuật, các Tiêu chuẩn chủ yếu áp dụng cho công trình;

c) Mức độ đảm bảo an toàn chịu lực của các kết cấu chịu lực của công trình và các yêu cầu về an toàn khác, bao gồm: Sự phù hợp của giải pháp thiết kế nền - móng với đặc điểm địa chất công trình, kết cấu công trình và an toàn đối với các công trình lân cận; sự phù hợp của giải pháp kết cấu với thiết kế công trình, với kết quả khảo sát xây dựng và với công năng của công trình.

2. Đối với các công trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung, công trình được đầu tư theo hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác công - tư (PPP) và những công trình đầu tư bằng những nguồn vốn hỗn hợp khác theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP , nội dung thẩm tra thiết kế như sau:

a) Bao gồm nội dung quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều này;

b) Sự phù hợp của thiết kế so với thiết kế cơ sở hoặc nhiệm vụ thiết kế đã được phê duyệt (trong trường hợp thiết kế một bước);

c) Sự hợp lý của thiết kế để đảm bảo tiết kiệm chi phí trong xây dựng công trình: Kiểm tra việc áp dụng đơn giá, định mức của dự toán; đánh giá giải pháp thiết kế về tiết kiệm chi phí xây dựng.

3. Trước khi phê duyệt thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công, Chủ đầu tư phải gửi hồ sơ thiết kế kỹ thuật, thiết kế bản vẽ thi công của các công trình được quy định tại Điều 4 của Quy định này (đối với mọi nguồn vốn, mọi hình thức đầu tư) đến các Cơ quan chuyên môn về xây dựng (sau đây gọi là Cơ quan thẩm tra) để thẩm tra thiết kế.

a) Trường hợp cơ quan thẩm tra trực tiếp thẩm tra thiết kế có trách nhiệm tổng hợp, lập thông báo kết quả thẩm tra thiết kế theo quy định tại Phụ lục 2 Thông tư số 13/2013/TT-BXD và đóng dấu vào các bản vẽ thiết kế đã được thẩm tra.

b) Trường hợp cơ quan thẩm tra chỉ định tổ chức tư vấn, cá nhân thẩm tra thiết kế.

- Đối với các công trình không sử dụng vốn ngân sách nhà nước:

Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan thẩm tra thông báo bằng văn bản và chuyển trả hồ sơ trình thẩm tra để chủ đầu tư lựa chọn các tổ chức có chức năng tư vấn thẩm tra thiết kế đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng hoặc Sở Xây dựng và có đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của pháp luật để ký hợp đồng tư vấn thẩm tra. Chủ đầu tư báo cáo kết quả thẩm tra với cơ quan thẩm tra để quản lý.

- Đối với các công trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước, công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung, công trình được đầu tư theo hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác công - tư (PPP) và những công trình đầu tư bằng những nguồn vốn hỗn hợp khác:

Trong thời gian 05 ngày làm việc, cơ quan thẩm tra lựa chọn tổ chức có chức năng tư vấn thẩm tra thiết kế đã được công bố công khai trên trang thông tin điện tử của Bộ Xây dựng và có đủ điều kiện năng lực thẩm tra thiết kế phù hợp với loại và cấp công trình theo quy định của pháp luật để chỉ định thẩm tra một phần hoặc toàn bộ các nội dung thẩm tra theo quy định và thông báo bằng văn bản đến chủ đầu tư và tổ chức tư vấn để ký hợp đồng thẩm tra. Chủ đầu tư báo cáo kết quả thẩm tra với cơ quan thẩm tra để tổng hợp.

c) Cơ quan thẩm tra có thông báo về kết quả thẩm tra của tổ chức tư vấn bằng văn bản theo quy định tại Phụ lục 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD để chủ đầu tư thực hiện các bước tiếp theo.

4. Thẩm tra thiết kế khi sửa chữa, cải tạo công trình và thay đổi thiết kế xây dựng công trình

a) Đối với công trình sửa chữa, cải tạo nếu phải lập dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc Báo cáo kinh tế - kỹ thuật xây dựng và có các nội dung thay đổi nêu tại mục b khoản này thì phải thực hiện theo quy định của Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

b) Thẩm tra lại khi thay đổi thiết kế xây dựng công trình

Thiết kế xây dựng khi điều chỉnh thiết kế do thay đổi về: Địa chất công trình, tải trọng thiết kế, giải pháp kết cấu, vật liệu chính của kết cấu chịu lực chính, biện pháp tổ chức thi công làm ảnh hưởng tới an toàn chịu lực của công trình thì phải tổ chức thẩm tra, thẩm định và phê duyệt lại thiết kế hạng mục thay đổi hoặc toàn bộ công trình (nếu thay đổi làm ảnh hưởng đến an toàn công trình) theo các quy định tại Quy định này và pháp luật có liên quan.

5. Thời gian thẩm tra thiết kế xây dựng

a) Trong thời gian 07 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ trình thẩm tra thiết kế, cơ quan thẩm tra phải có trách nhiệm kiểm tra hồ sơ và có văn bản thông báo đến chủ đầu tư để bổ sung hoàn thiện hồ sơ (nếu hồ sơ chưa đầy đủ hoặc không đúng quy định).

b) Thời gian thẩm tra được tính từ khi cơ quan thẩm tra nhận đủ hồ sơ theo quy định. Trong quá trình thẩm tra nếu có vấn đề vướng mắc cần làm rõ cơ quan thẩm tra có văn bản yêu cầu Chủ đầu tư giải trình bằng văn bản.

c) Đối với công trình cấp đặc biệt, cấp I: Thời gian thẩm tra không quá 40 ngày làm việc.

d) Đối với các công trình còn lại (trừ công trình quy định tại các điểm c và đ khoản này): Thời gian thẩm tra không quá 30 ngày làm việc.

đ) Đối với công trình thiết kế một bước (Báo cáo kinh tế - kỹ thuật) và nhà ở riêng lẻ: Thời gian thẩm tra không quá 20 ngày làm việc.

6. Phí và chi phí thẩm tra: Khi nhận văn bản thông báo kết quả thẩm tra, chủ đầu tư phải nộp phí hoặc chi phí thẩm tra tại cơ quan thẩm tra theo quy định bằng tiền mặt hoặc chuyển khoản. Cơ quan thẩm tra thu phí hoặc chi phí thẩm tra theo quy định tại Thông tư số 75/2014/TT-BTC ngày 12/06/2014 của Bộ Tài Chính (quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thẩm tra thiết kế công trình xây dựng), giá trị phí hoặc chi phí thẩm tra được xác định trong nội dung văn bản thông báo kết quả thẩm tra.

7. Hồ sơ trình thẩm tra thiết kế xây dựng công trình

a) Tờ trình thẩm tra thiết kế xây dựng công trình theo quy định;

b) Bản chính hoặc bản sao có dấu của chủ đầu tư các tài liệu: Quyết định phê duyệt dự án đầu tư xây dựng công trình hoặc văn bản chấp thuận chủ trương đầu tư xây dựng công trình; Hồ sơ thiết kế cơ sở được phê duyệt cùng dự án đầu tư xây dựng (đối với công trình lập dự án) hoặc nhiệm vụ thiết kế được phê duyệt (đối với công trình lập Báo cáo kinh tế -kỹ thuật); văn bản thẩm duyệt phòng cháy chữa cháy, báo cáo đánh giá tác động môi trường (nếu có);

c) Bản chính: Báo cáo tổng hợp của chủ đầu tư về các nội dung đã được quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 20 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP ; kinh nghiệm của chủ nhiệm thiết kế, khảo sát và các chủ trì thiết kế kèm theo có xác nhận ký và đóng dấu của chủ đầu tư;

d) Bản chính hoặc bản sao có chứng thực các tài liệu về: Hồ sơ năng lực của nhà thầu khảo sát, nhà thầu thiết kế xây dựng (gồm: Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; các hợp đồng mà đơn vị thiết kế hoặc khảo sát đã làm qua; chứng chỉ hành nghề của các cá nhân là chủ trì khảo sát, chủ trì thiết kế, kỹ sư định giá; hoặc chủ nhiệm khảo sát, chủ nhiệm thiết kế);

đ) Bản chính: Hồ sơ thiết kế kỹ thuật đối với công trình thiết kế 3 bước; hồ sơ thiết kế bản vẽ thi công đối với công trình thiết kế 1 bước hoặc 2 bước (gồm thuyết minh thiết kế, các bản vẽ thiết kế theo quy định tại khoản 3 và khoản 4 Điều 7 Thông tư số 13/2013/TT-BXD và các văn bản cho phép điều chỉnh thiết kế nếu có); Thiết kế biện pháp thi công đối với những công trình hoặc bộ phận kết cấu (nếu có); Hồ sơ khảo sát xây dựng bước thiết kế kỹ thuật hoặc thiết kế bản vẽ thi công đã được nghiệm thu; Hợp đồng tư vấn khảo sát, thiết kế; Nhiệm vụ khảo sát - thiết kế được duyệt; đối với công trình cải tạo phải có hồ sơ khảo sát đánh giá hiện trạng và kiểm định chất lượng công trình;

e) Riêng đối với các công trình sử dụng toàn bộ hoặc một phần vốn ngân sách nhà nước, công trình sử dụng vốn có nguồn gốc từ ngân sách nhà nước; công trình đầu tư bằng vốn xây dựng cơ bản tập trung, công trình được đầu tư theo hình thức: xây dựng - chuyển giao (BT), xây dựng - kinh doanh - chuyển giao (BOT), xây dựng - chuyển giao - kinh doanh (BTO), hợp tác công - tư (PPP): Bản chính dự toán xây dựng công trình; Báo giá của các loại vật tư, thiết bị đặc thù được tính trong dự toán; File dự toán công trình.

Điều 10. Kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng của cơ quan chuyên môn về xây dựng.

1. Cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm thông báo cho chủ đầu tư kế hoạch kiểm tra công trình, bao gồm:

a) Kế hoạch, nội dung và hồ sơ, tài liệu cần được kiểm tra tại một số giai đoạn chuyển bước thi công quan trọng của công trình. Số lần kiểm tra phụ thuộc vào quy mô và tính chất kỹ thuật của công trình nhưng tối đa không quá 4 lần đối với công trình cấp đặc biệt, không quá 3 lần đối với công trình cấp I và không quá 2 lần đối với các công trình còn lại, trừ trường hợp công trình có sự cố về chất lượng trong quá trình thi công xây dựng hoặc trong các trường hợp khác do chủ đầu tư đề nghị;

b) Kế hoạch, nội dung và hồ sơ, tài liệu cần được kiểm tra trước khi chủ đầu tư tổ chức nghiệm thu đưa hạng mục công trình, công trình xây dựng vào sử dụng.

2. Cơ quan chuyên môn về xây dựng tiến hành kiểm tra công trình lần cuối sau khi nhận được báo cáo hoàn thành thi công xây dựng của chủ đầu tư theo mẫu quy định tại Phụ lục 3 Thông tư số 10/2013/TT-BXD. Nội dung kiểm tra phải được lập thành biên bản, chủ yếu tập trung vào sự tuân thủ các quy định của pháp luật nhằm đảm bảo an toàn của công trình, đảm bảo công năng và an toàn vận hành của công trình theo thiết kế; cụ thể:

a) Kiểm tra hiện trạng các bộ phận công trình bằng trực quan và kiểm tra các số liệu quan trắc, đo đạc;

b) Kiểm tra sự tuân thủ quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình trên cơ sở kiểm tra hồ sơ hoàn thành công trình xây dựng được lập theo quy định tại Phụ lục 5 Thông tư số 10/2013/TT-BXD và trao đổi với các bên có liên quan trong quá trình kiểm tra;

c) Kiểm tra sự tuân thủ các quy định khác của pháp luật về xây dựng có liên quan.

3. Trong quá trình kiểm tra, cơ quan chuyên môn về xây dựng có thể yêu cầu chủ đầu tư và các nhà thầu giải trình, làm rõ về các nội dung kiểm tra hoặc chỉ định tổ chức tư vấn thực hiện việc kiểm định các bộ phận, hạng mục công trình có biểu hiện không đảm bảo chất lượng hoặc thiếu cơ sở đảm bảo chất lượng công trình theo yêu cầu của thiết kế.

4. Cơ quan chuyên môn về xây dựng phải thông báo kết quả kiểm tra cho chủ đầu tư trong thời hạn quy định tại điểm d khoản 3 Điều 32 Nghị định số 15/2013/NĐ-CP. Thông báo kết quả kiểm tra được lập theo mẫu quy định tại Phụ lục 4 Thông tư số 10/2013/TT-BXD .

5. Cơ quan chuyên môn về xây dựng được quyền yêu cầu các đơn vị sự nghiệp hoặc tổ chức, cá nhân có năng lực phù hợp tham gia thực hiện việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng.

6. Chi phí cho việc kiểm tra công tác nghiệm thu đưa công trình vào sử dụng được lập dự toán và tính trong tổng mức đầu tư xây dựng công trình.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 11. Xử lý và chuyển tiếp

1. Về kiểm tra công tác nghiệm thu đối với các công trình thuộc đối tượng phải được kiểm tra trước khi đưa công trình vào sử dụng theo quy định tại Điều 24 Thông tư số 10/2013/TT-BXD , như sau:

a) Đối với công trình được nghiệm thu hoàn thành công trình đưa vào sử dụng trước ngày Nghị định số 15/2013/NĐ-CP có hiệu lực, việc nghiệm thu công trình được thực hiện theo quy định tại Nghị định số 209/2004/NĐ-CP ngày 16/12/2004 của Chính phủ về quản lý chất lượng công trình xây dựng.

b) Đối với công trình được nghiệm thu hoàn thành sau ngày 15/4/2013, việc nghiệm thu công trình phải thực hiện theo quy định của Nghị định số 15/2013/NĐ-CP và Quy định này.

2. Về thẩm tra thiết kế xây dựng công trình thuộc đối tượng quy định tại Điều 5 Thông tư số 13/2013/TT-BXD thực hiện như sau:

a) Đối với các dự án, công trình hạng mục công trình đã ký hợp đồng thẩm tra và tổ chức thẩm tra trước ngày 15/4/2013, nhưng chưa phê duyệt thiết kế, Chủ đầu tư có trách nhiệm rà soát, bổ sung các nội dung cần được thẩm tra theo quy định tại khoản 1 và khoản 2, Điều 4 Thông tư số 13/2013/TT-BXD để tiếp tục thẩm tra.

Trước khi phê duyệt thiết kế, Chủ đầu tư gửi kết quả thẩm tra đến các cơ quan chuyên môn về xây dựng theo quy định tại Điều 3 của Quy định này. Đối với công trình sử dụng vốn ngân sách nhà nước, trong 07 ngày làm việc Cơ quan chuyên môn về xây dựng có ý kiến bằng văn bản để Chủ đầu tư có cơ sở thực hiện trước khi phê duyệt.

b) Đối với các dự án, công trình, hạng mục công trình đã được phê duyệt thiết kế từ ngày 15/4/2013 đến ngày 30/9/2013 (ngày Thông tư số 13/2013/TT-BXD có hiệu lực), Chủ đầu tư gửi kết quả thẩm tra và quyết định phê duyệt thiết kế đến các cơ quan chuyên môn về xây dựng theo phân cấp tại Điều 5, Điều 6, Điều 7 và Điều 8 của Quy định này để quản lý.

Điều 12. Điều khoản thi hành

1. Giám đốc các Sở; Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan liên quan; các tổ chức, cá nhân hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này và các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng công trình.

2. Các cơ quan chuyên môn về xây dựng có trách nhiệm tổ chức niêm yết công khai và trình công bố thủ tục hành chính về quy trình thẩm tra thiết kế công trình theo chuyên ngành quản lý theo đúng quy định hiện hành.

3. Sở Xây dựng có trách nhiệm tổng hợp kết quả công tác thẩm tra thiết kế xây dựng trên địa bàn tỉnh báo cáo Bộ Xây dựng theo quy định tại khoản 2 Điều 10 Thông tư số 13/2013/TT-BXD .

4. Các Sở quản lý công trình xây dựng chuyên ngành, Ban Quản lý Khu Kinh tế mở Chu Lai, Ban Quản lý Phát triển đô thị mới Điện Nam - Điện Ngọc, UBND các huyện, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Sở Xây dựng về việc thực hiện công tác thẩm tra thiết kế xây dựng công trình do mình thực hiện theo định kỳ vào các ngày 15/6 và 15/11 hàng năm để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh và Bộ Xây dựng.

5. Bãi bỏ Công văn số 1777/UBND-KTN ngày 16/5/2014 của UBND tỉnh về việc phân cấp, giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng trên địa bàn tỉnh và Công văn số 2707/UBND-KTN ngày 15/7/2014 của UBND tỉnh về việc phân cấp, giao nhiệm vụ thực hiện công tác quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Quảng Nam.

6. Trong quá trình thực hiện, nếu có vướng mắc các tổ chức, cá nhân gửi ý kiến bằng văn bản về Sở Xây dựng để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh xem xét, điều chỉnh cho phù hợp./.