Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 312-CP

Hà Nội, ngày 01 tháng 10 năm 1980

 

QUYẾT ĐỊNH

SỐ 312-CP CỦA HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ NGÀY 1-10-1980 VỀ TĂNG CƯỜNG QUẢN LÝ THỊ TRƯỜNG

HỘI ĐỒNG CHÍNH PHỦ

Để đầy mạnh công cuộc cải tạo xã hội chủ nghĩa và xây dựng chủ nghĩa xã hội, phục vụ phát triển sản xuất, cải tiến phân phối lưu thông, ổn định và củng cố tài chính, giữ vững và từng bước cải thiện đời sống nhân dân.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Nhà nước tăng cường quản lý thị trường bằng các biện pháp sau đây:

1. Mở rộng kinh doanh của thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã trên các lĩnh vực thu mua, bán buôn, bán lẻ và dịch vụ, bằng các phương thức kinh doanh trong kế hoạch Nhà nước và ngoài kế hoạch Nhà nước, theo giá chỉ đạo và giá thoả thuận. Thương nghiệp quốc doanh phải nắm hầu hết khâu bán buôn, chi phối phần lớn khâu bán lẻ, mở rộng các dịch vụ để đáp ứng ngày càng tốt hơn các yêu cầu của đời sống nhân dân và ngày càng làm chủ thị trường.

2. Xét và cấp đăng ký kinh doanh công thương nghiệp; thi hành chế độ mở tài khoản ở ngân hàng đối với các cơ sở công thương nghiệp tư doanh.

3. Thi hành điều lệ thuế công thương nghiệp để quản lý thị trường, cải tạo công thương nghiệp tư doanh.

4. Thi hành chế độ quản lý và kiểm soát giá cả, chế độ niêm yết giá, chống đầu cơ phá rối thị trường.

5. Tiếp tục cải tạo công thương nghiệp tư doanh bằng các hình thức thích hợp theo chính sách của Đảng và Nhà nước; sử dụng những người buôn bán lương thiện, có nghiệp vụ, kỹ thuật làm đại lý bán lẻ, làm uỷ thác thu mua, hoặc làm hợp đồng trong mạng lưới thương nghiệp quốc doanh và thương nghiệp hợp tác xã.

6. Quy hoạch, sắp xếp hợp lý và quản lý các chợ ở nông thôn không để phát triển một cách tự phát.

Quy hoạch, sắp xếp hợp lý và quản lý các chợ ở các thành phố, thị xã, thị trấn; quy định các địa điểm buôn bán và sắp xếp người buôn bán vào các địa điểm thích hợp, thuận tiện; nghiêm cấm việc chiếm dụng đường phố, vỉa hè làm nơi buôn bán, gây cản trở giao thông, làm mất trật tự và vệ sinh công cộng.

Tổ chức các cửa hàng quốc doanh và các đại lý mua bán đồ cũ; quản lý chặt chẽ những nơi mua bán này.

7. Phát hiện và trừng trị nghiêm khắc bọn đầu cơ, buôn lậu, phá rối thị trường.

Điều 2: Những người đang buôn bán những mặt hàng ghi trong bản danh mục mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý ban hành kèm theo quyết định này, phải chuyển hướng kinh doanh và được khuyến khích chuyển sang sản xuất, kinh doanh những mặt hàng được Nhà nước cho phép.

Mọi việc mua bán, vận chuyển những mặt hàng ghi trong danh mục này phải theo đúng quy định của các Bộ được giao nhiệm vụ thống nhất quản lý. Người vận chuyển (không phân biệt xí nghiệp, cơ quan Nhà nước hay tư nhân) phải mang theo những chứng từ cần thiết theo quy định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.

Điều 3: Những hành vi sau đây là vi phạm chính sách quản lý thị trường:

- Đầu cơ tích trữ hàng hoá; phao tin đồn nhảm, gây hoang mang trong nhân dân để đầu cơ tích trữ hàng hoá;

- Buôn bán những mặt hàng Nhà nước thống nhất quản lý;

- Nâng giá mua để tranh mua nông sản với Nhà nước ở những vùng Nhà nước thống nhất thu mua; nâng giá bán hàng và giá dịch vụ quá giá Nhà nước quy định, vi phạm chế độ niêm yết giá của Nhà nước, bán quá giá niêm yết, gây hỗn loạn thị trường;

- Buôn bán và làm giả tem, phiếu, sổ mua hàng của Nhà nước; lợi dụng hoặc giả mạo giấy tờ, khai man hoặc sử dụng tem phiếu trái phép để mua hàng của Nhà nước;

- Làm hàng giả;

- Vi phạm điều lệ hải quan, điều lệ thống nhất quản lý kinh doanh ngoại hối, vàng, bạc, bạch kim, kim cương, đá quý, đồ cổ...; vi phạm điều lệ thuế công thương nghiệp, thuế hàng hoá, thuế sát sinh, điều lệ đăng ký kinh doanh công thương nghiệp...

Các hành vi vi phạm nói trên đều bị xử lý theo pháp luật hiện hành và tuỳ theo lỗi nặng, nhẹ mà xử phạt theo một hoặc nhiều hình thức sau đây:

- Cảnh cáo;

- Phạt tiền;

- Tịch thu hoặc trưng mua hàng hoá là tang vật phạm pháp;

- Thu hồi giấy phép kinh doanh có thời hạn hoặc không thời hạn;

- Truy tố trước toà án.

Điều 4: Những người có công trong việc quản lý thị trường, chống đầu cơ, buôn lậu, được Nhà nước khen thưởng. Ngoài các hình thức khen thưởng về tinh thần, còn được thưởng vật chất như sau:

- Người phát hiện các ổ buôn lậu, đầu cơ tích trữ được thưởng từ 5 đến 10% trị giá hàng hoá tịch thu (hoặc tiền phạt, tiền thuế).

- Người trực tiếp truy bắt kẻ phạm pháp được thưởng từ 10 đến 15% trị giá hàng hoá tịch thu (hoặc tiền phạt, tiền thuế).

Những người lợi dụng chức trách tiếp tay, bao che cho bọn gian thương đầu cơ, buôn lậu, hoặc thông đồng với bọn lấy cắp tài sản Nhà nước, bán hàng cho bọn gian thương và những người tham ô tiền thuế và hàng hoá tịch thu đều bị nghiêm trị theo pháp luật.

Điều 5: Uỷ ban Nhân dân các cấp có nhiệm vụ chỉ đạo việc quản lý thị trường theo một kế hoạch thống nhất trong từng thời gian và trên từng địa bàn.

Cấp tỉnh và cấp huyện cần lập ban quản lý thị trường để giúp Uỷ ban Nhân dân thực hiện nhiệm vụ nói trên; thành phần ban này gồm thủ trưởng các ngành liên quan (thương nghiệp, lương thực và thực phẩm, vật giá, tài chính, công an) và do một phó chủ tịch Uỷ ban Nhân dân làm trưởng ban.

Ban quản lý thị trường tổ chức các đội kiểm soát và quản lý thị trường để kiểm tra, đôn đốc và thi hành các biện pháp quản lý thị trường. Nhiệm vụ, quyền hạn và quy chế hoạt động của đội kiểm soát và quản lý thị trường do một văn bản liên Bộ Nội thương - Tài chính - Nội vụ quy định.

Điều 6: Các đồng chí Bộ trưởng và Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh , thành phố chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Những quy định trước đây trái với quyết định này đều bãi bỏ.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày công bố.

 

Tố Hữu

(Đã ký)

 

DANH MỤC

MẶT HÀNG NHÀ NƯỚC THỐNG NHẤT QUẢN LÝ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 312-CP ngày 1-10-1980 của Hội đồng Chính phủ về tăng cường quản lý thị trường)

1. Ngoại hối, vàng, bạc, bạch kim, kim cương, đá quý.

2. Nhiên liệu: xăng, dầu, dầu mỡ công nghiệp, than mỏ, hơi đốt.

3. Nguyên liệu (không kể phế liệu, phế phẩm): kim loại đen, kim loại mầu, xi măng, phân bón hoá học, thuốc trừ sâu, các loại hoá chất cơ bản, chất nổ, vật liệu chính về điện, sợi tổng hợp, phẩm nhuộm hoá học, nhựa hoá học.

4. Các loại máy và phụ tùng chính do Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu.

5. Các hàng công nghiệp tiêu dùng chủ yếu do Nhà nước sản xuất hoặc nhập khẩu (sẽ có hướng dẫn cụ thể).

6. Lương thực: theo Nghị quyết số 9-CP ngày 9/1/1980 của Hội đồng Chính phủ.

7. Muối (sẽ có hướng dẫn cụ thể), rượu, thuốc lá, thuốc phiện.

8. Các nông sản do Nhà nước thống nhất thu mua ở vùng sản xuất tập trung chuyên canh.

9. Thịt lợn, trâu, bò, hải sản: theo các quy định hiện hành.

10. Các loại lâm sản: hoa hồi, quế, cánh kiến, sơn ta ở các vùng sản xuất tập trung, gỗ (trừ gỗ vườn).

11. Các loại dược phẩm do Nhà nước sản xuất và nhập khẩu (theo danh mục do Bộ Y tế ban hành), các dược liệu ở vùng sản xuất tập trung do Nhà nước thống nhất thu mua.

Để thực hiện bảng danh mục này, các Bộ quản lý mặt hàng nào có trách nhiệm hướng dẫn thi hành về mặt hàng ấy.