- 1 Luật phòng, chống thiên tai năm 2013
- 2 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 3 Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi 2020
- 4 Quyết định 936/QĐ-TTg năm 2018 về Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị định 114/2018/NĐ-CP về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước
- 6 Luật Tổ chức chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương sửa đổi 2019
- 7 Nghị định 66/2021/NĐ-CP hướng dẫn Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều sửa đổi
- 8 Quyết định 602/QĐ-UBND về Phương án Ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2022 tỉnh Lào Cai
- 9 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2022 về Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 10 Quyết định 1248/QĐ-UBND năm 2022 về Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh
ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3125/QĐ-UBND | Bình Định, ngày 22 tháng 8 năm 2023 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN ỨNG PHÓ THIÊN TAI CÔNG TRÌNH HỒ CHỨA NƯỚC ĐỊNH BÌNH NĂM 2023
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Tổ chức Chính phủ và Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 22/11/2019;
Căn cứ Luật Phòng, chống thiên tai ngày 19/6/2013; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều ngày 17/6/2021;
Căn cứ Nghị định số 66/2021/NĐ-CP ngày 06/7/2021 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai và Luật Đê điều;
Căn cứ Nghị định số 114/2018/NĐ-CP ngày 04/9/2018 của Chính phủ về quản lý an toàn đập, hồ chứa nước;
Căn cứ Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/7/2018 của Thủ tướng Chính phủ Ban hành Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh;
Căn cứ Quyết định số 1850/QĐ-CTUBND ngày 18/8/2010 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Định Bình;
Căn cứ Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 27/6/2018 của Chủ tịch UBND tỉnh ban hành Phương án phòng chống lũ lụt vùng hạ du hồ chứa nước Định Bình;
Căn cứ Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh về việc thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình hồ chứa nước Định Bình - huyện Vĩnh Thạnh năm 2023;
Theo đề nghị của Sở Nông nghiệp và PTNT tại Tờ trình số 288/TTr-SNN ngày 10/8/2023 và Báo cáo kết quả thẩm định số 236/BC-SNN ngày 09/8/2023.
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Phương án ứng phó thiên tai công trình hồ chứa nước Định Bình năm 2023.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT, Chủ tịch UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước, Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
ỨNG PHÓ THIÊN TAI CÔNG TRÌNH HỒ CHỨA NƯỚC ĐỊNH BÌNH NĂM 2023
(Kèm theo Quyết định số 3125/QĐ-UBND ngày 22/8/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh)
Phương án ứng phó thiên tai nhằm đảm bảo an toàn tuyệt đối cho người, tài sản của Nhà nước và Nhân dân, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do thiên tai gây ra; kịp thời di dời, sơ tán dân ở khu vực xung yếu, có nguy cơ cao ảnh hưởng của thiên tai đến nơi tạm cư an toàn, nhất là đối với các đối tượng dễ bị tổn thương. Bảo vệ an toàn tuyệt đối cho công trình, bảo vệ sản xuất và môi trường sinh thái.
Hồ chứa nước Định Bình có một số nhiệm vụ như sau:
- Chống lũ tiểu mãn, lũ sớm, lũ muộn tần suất 10%, giảm nhẹ lũ chính vụ;
- Cấp nước tưới cho nông nghiệp 27.660 ha;
- Cấp nước cho công nghiệp, nông thôn và dân sinh;
- Cấp nước cho nuôi trồng thủy sản;
- Kết hợp phát điện công suất N = 9,9 MW.
3. Quy định vận hành điều tiết trong thời gian mưa lũ để đảm bảo an toàn công trình
3.1. Nhiệm vụ trong mùa mưa lũ
- Trong vận hành điều tiết lũ, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình thực hiện đúng theo quy định tại Điều 6, 7, 8, 9, 12 và 15 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 936/QĐ-TTg ngày 30/7/2018 (sau đây gọi tắt là Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh) và Quy trình vận hành điều tiết hồ chứa nước Định Bình đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 1850/QĐ-CTUBND ngày 18/8/2010 (sau đây gọi tắt là Quy trình vận hành hồ chứa).
- Trong thời gian mưa lũ nhất là khi mực nước hồ lên cao, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình tổ chức thực hiện kiểm tra thường xuyên thân đập, cống lấy nước, tràn thoát lũ xử lý kịp thời các sự cố xảy ra, phân công trực, quan trắc công trình và báo cáo cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn cấp trên theo đúng quy định.
- Trong thời gian mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định theo dõi thường xuyên các bản tin dự báo thời tiết của Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia qua sóng phát thanh - truyền hình. Tính toán dự báo lưu lượng nước đến, dự báo các tình huống bất lợi nhất có khả năng xảy ra cho công trình trên cơ sở đó giúp cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình có quyết định cụ thể việc xử lý ứng cứu cho từng trường hợp.
- Trước khi vận hành tràn để điều tiết lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định căn cứ tình hình diễn biến mưa lũ và dự báo khí tượng thủy văn báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh để quyết định phương án điều tiết lũ (số cửa, độ mở, lưu lượng, thời gian mở, …).
3.2. Vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ
- Mực nước tương ứng với các cấp báo động lũ:
Sông | Trạm thủy văn | Báo động I (m) | Báo động II (m) | Báo động III (m) |
Kôn | Bình Nghi | 15,50 | 16,50 | 17,50 |
Kôn | Thạnh Hòa | 6,00 | 7,00 | 8,00 |
- Mực nước cao nhất trước lũ của hồ:
Thời gian | Từ ngày 01/9 đến ngày 30/9 | Từ ngày 01/10 đến ngày 31/10 | Từ ngày 01/11 đến ngày 15/11 | Từ ngày 16/11 đến ngày 15/12 |
Mực nước hồ (m) | 70,00 | 75,00 | 80,93 | 85,00 |
- Mực nước thấp nhất đón lũ của hồ:
Thời gian | Từ ngày 01/9 đến ngày 30/9 | Từ ngày 01/10 đến ngày 31/10 | Từ ngày 01/11 đến ngày 15/11 | Từ ngày 16/11 đến ngày 15/12 |
Mực nước hồ (m) | 65,00 | 65,00 | 75,00 | 82,00 |
- Vận hành hạ mực nước hồ để đón lũ: Khi Tổng cục Khí tượng Thủy văn dự báo có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác có khả năng gây mưa, lũ mà trong vòng 24 đến 48 giờ tới có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn hoặc xuất hiện lũ trên lưu vực sông Kôn, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh quyết định vận hành hồ như sau:
+ Trường hợp mực nước hồ lớn hơn mực nước đón lũ thấp nhất:
Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi đang dưới cao trình 16,20 m vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ để hạ dần mực nước hồ, nhưng không thấp hơn cao trình mực nước đón lũ thấp nhất của hồ.
Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi vượt cao trình 16,20 m và dưới cao trình 16,50 m (mức báo động II), vận hành điều tiết với lưu lượng xả tương đương lưu lượng đến hồ để duy trì mực nước hiện tại của hồ.
+ Trường hợp mực nước hồ nhỏ hơn mực nước đón lũ thấp nhất, căn cứ vào mực nước hiện tại của hồ, dự báo tình hình mưa, lũ trên lưu vực và yêu cầu giảm lũ cho hạ du, vận hành điều tiết để bảo đảm mực nước hồ không vượt mực nước đón lũ thấp nhất của hồ.
+ Trong quá trình vận hành theo quy định tại 02 trường hợp nêu trên, căn cứ các bản tin dự báo của Tổng cục Khí tượng Thủy văn nếu các hình thế thời tiết có khả năng gây mưa, lũ không còn khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn, vận hành điều tiết đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ của hồ.
- Vận hành giảm lũ cho hạ du:
+ Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi vượt cao trình 16,50 m (mức báo động II), vận hành điều tiết hồ với lưu lượng xả nhỏ hơn lưu lượng đến hồ để giảm lũ cho hạ du nhưng phải bảo đảm mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m).
+ Khi mực nước hồ đạt đến mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m), vận hành điều tiết hồ với lưu lượng xả tương đương lưu lượng đến hồ; đồng thời, sẵn sàng chuyển sang chế độ vận hành đảm bảo an toàn công trình theo quy định của Quy trình vận hành hồ chứa và phải báo cáo ngay tới Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh.
- Vận hành đưa mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ:
+ Khi mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi xuống dưới cao trình 15,50 m (mức báo động I) và mực nước tại Trạm thủy văn Thạnh Hòa xuống dưới cao trình 7,00 m (mức báo động II) và mực nước hồ cao hơn mực nước cao nhất trước lũ, căn cứ vào dự báo tình hình mưa, lũ trên lưu vực, yêu cầu giảm lũ cho hạ du và mực nước hiện tại của hồ, Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh quyết định vận hành điều tiết với lưu lượng xả lớn hơn lưu lượng đến hồ để đưa dần mực nước hồ về mực nước cao nhất trước lũ.
+ Trong quá trình vận hành nếu mực nước tại Trạm thủy văn Bình Nghi đạt cao trình 16,20 m hoặc mực nước tại Trạm thủy văn Thạnh Hòa đạt cao trình 7,00 m (mức báo động II), vận hành điều tiết để duy trì mực nước hiện tại của hồ.
- Vận hành điều tiết lũ đảm bảo an toàn công trình: Trước khi vận hành điều tiết lũ đảm bảo an toàn công trình và giảm nhẹ thiệt hại vùng hạ du phải căn cứ diễn biến tình hình thủy văn, hiện trạng các công trình đầu mối và đặc điểm vùng hạ du hồ để quyết định phương án điều tiết lũ (về số cửa, độ mở, lưu lượng, thời gian mở…). Các trường hợp mưa lũ lớn cần vận hành điều tiết lũ được quy định như sau:
+ Khi mực nước hồ đạt đến cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m) và đang lên, đồng thời dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phải vận hành các cửa tràn xả mặt và các cửa tràn xả đáy (ưu tiên vận hành các cửa tràn xả mặt) để điều tiết lũ, giữ mực nước hồ không vượt quá cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m).
+ Khi mực nước hồ đạt cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m) và đang lên trong điều kiện 01 cửa tràn xả đáy đã mở hết và 06 cửa tràn xả mặt chưa mở hết thì Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định tiếp tục vận hành điều tiết các cửa tràn xả mặt theo độ mở cửa nhất định để mực nước hồ không vượt cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m).
+ Khi 06 cửa tràn xả mặt và 01 cửa tràn xả đáy đã mở, mực nước trong hồ cho phép đạt cao trình mực nước dâng gia cường (MNDGC 93,27 m). Sau khi có lệnh của Trưởng ban Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh khi mực nước hồ đạt mực nước dâng gia cường (MNDGC 93,27 m) và đang lên thì tiếp tục mở thêm các cửa tràn xả đáy để mực nước hồ không vượt mực nước dâng gia cường (MNDGC 93,27 m).
Trước khi vận hành tràn điều tiết lũ, báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh về việc điều tiết lũ của công trình; đồng thời thông báo Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, chính quyền địa phương, UBND các huyện, thị xã biết để phổ biến cho Nhân dân vùng hạ du, chủ động triển khai các biện pháp phòng chống, đảm bảo an toàn về người và tài sản.
+ Khi mực nước hồ đạt cao trình mực nước dâng gia cường (MNDGC 93,27 m) và đang lên, dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa to, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, UBND tỉnh quyết định phương án vận hành tiếp các cửa tràn xả đáy để điều tiết lũ, giữ mực nước hồ không vượt quá cao trình mực nước lũ thiết kế (MNLKT 94,80 m).
+ Khi mực nước hồ đạt cao trình mực nước lũ thiết kế (MNLKT 94,80 m) và đang lên, dự báo ở thượng nguồn vẫn còn mưa to, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, UBND tỉnh quyết định phương án xả lũ khẩn cấp, đảm bảo an toàn hồ chứa (mở hết các cửa xả đáy).
- Các trường hợp vận hành công trình khi hồ chứa có sự cố, thực hiện theo Quy trình vận hành hồ chứa, một số quy định cụ thể như sau:
+ Khi công trình đầu mối của hồ chứa (đập chính, tràn xả lũ, cống lấy nước…) có dấu hiệu xảy ra sự cố, mất an toàn công trình, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phải báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh trình UBND tỉnh quyết định xả lũ, hạ thấp mực nước hồ, đồng thời đề xuất các phương án xử lý và biện pháp thực hiện.
+ Khi các cửa tràn xả lũ, cống lấy nước có sự cố không vận hành được, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định phải triển khai ngay các biện pháp xử lý sự cố công trình, đồng thời báo cáo ngay cho Sở Nông nghiệp và PTNT, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh trình UBND tỉnh quyết định biện pháp khẩn cấp xả lũ, hạ nhanh mực nước hồ, đảm bảo an toàn công trình và lập phương án khắc phục.
Căn cứ vào tình hình mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định sẽ lập kế hoạch tích nước hồ và báo cáo Sở Nông nghiệp và PTNT biết để chỉ đạo.
3.3. Chế độ quan trắc và báo cáo
a) Chế độ quan trắc:
- Trong điều kiện thời tiết bình thường, thực hiện việc quan trắc, dự báo theo Điểm c Khoản 1 Điều 33 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn
- Hà Thanh cụ thể như sau:
+ Tổ chức quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua tràn, ít nhất 04 lần vào các thời điểm: 01 giờ, 07 giờ, 13 giờ và 19 giờ.
+ Thực hiện bản tin dự báo 01 lần vào lúc 09 giờ. Nội dung bản tin dự báo bao gồm: lưu lượng đến hồ, mực nước hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới.
- Khi có bão khẩn cấp, áp thấp nhiệt đới gần bờ hoặc các hình thế thời tiết khác gây mưa lũ, có khả năng ảnh hưởng trực tiếp đến lưu vực sông Kôn, thực hiện chế độ quan trắc, dự báo và duy trì cho đến khi kết thúc đợt lũ theo Điểm c Khoản 2 Điều 33 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh cụ thể như sau:
+ Tổ chức quan trắc, tính toán mực nước hồ, lưu lượng đến hồ, lưu lượng xả qua đập tràn, qua nhà máy ít nhất 15 phút một lần.
+ Thực hiện bản tin dự báo lũ về hồ định kỳ 03 giờ 01 lần. Nội dung bản tin dự báo gồm mực nước hồ, lưu lượng đến hồ thời điểm hiện tại và các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới, trong đó, dự báo thời gian xuất hiện đỉnh lũ; dự kiến tổng lưu lượng xả tại các thời điểm 06 giờ, 12 giờ, 18 giờ và 24 giờ tới.
b) Chế độ báo cáo:
- Trong điều kiện thời tiết bình thường, khi chưa xuất hiện hình thế thời tiết có khả năng gây mưa lũ, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cung cấp ngay bản tin dự báo kèm theo số liệu quan trắc, tính toán quy định tại Điểm c Khoản 1 Điều 33 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Khi có bão mạnh khẩn cấp, áp thấp gần bờ hoặc có các hình thế thời tiết khác gây mưa, lũ có khả năng ảnh hưởng đến các địa phương trên lưu vực sông Kôn, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cung cấp ngay bản tin dự báo kèm theo số liệu quan trắc, tính toán quy định tại Điểm c Khoản 2 Điều 33 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh cho Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, Trung tâm Dự báo khí tượng thủy văn quốc gia, Đài Khí tượng thủy văn khu vực Nam Trung bộ, Đài Khí tượng thủy văn Bình Định, Sở Nông nghiệp và PTNT.
3.4. Quy định cấp báo động và hình thức thông tin, báo động trong mùa mưa lũ
- Quy định cấp báo động trong điều kiện công trình làm việc bình thường:
+ Báo động cấp I: Khi mực nước hồ đạt cao trình ngưỡng tràn xả mặt (80,93 m) và các cửa tràn chưa vận hành điều tiết lũ.
+ Báo động cấp II: Khi mực nước hồ đạt cao trình ngưỡng tràn xả mặt (80,93 m) đến dưới cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m), đồng thời các cửa xả đáy đóng kín, các cửa tràn xả mặt đang vận hành điều tiết lũ.
+ Báo động cấp III: Khi mực nước hồ xấp xỉ đạt cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m), đang mưa hoặc dự báo sẽ có mưa, đồng thời các cửa tràn xả mặt và cửa xả đáy đang vận hành điều tiết lũ.
+ Cấp báo động đặc biệt: Khi mực nước hồ vượt cao trình mực nước dâng bình thường (MNDBT 91,93 m) đồng thời các cửa tràn đang vận hành điều tiết lũ.
- Hình thức thông tin, báo động trong mùa mưa lũ như sau:
+ Việc thông tin về tình hình công trình, cũng như vận hành điều tiết lũ của công trình và cấp báo động: (i) Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình sẽ thông báo trực tiếp (gọi hoặc nhắn tin) cho UBND huyện Vĩnh Thạnh biết để thông báo rộng rãi cho Nhân dân vùng hạ lưu sau hồ, trong khi chờ nhận được thông báo bằng văn bản của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định; đồng thời thường xuyên báo cáo cho Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình và UBND huyện Vĩnh Thạnh biết để chỉ đạo, (ii) Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định sẽ thông báo trực tiếp (gọi hoặc nhắn tin) cho UBND huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn biết để thông báo rộng rãi cho Nhân dân vùng hạ lưu sau hồ, trong khi chờ nhận được thông báo bằng văn bản của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.
+ Để kịp thời thông tin cho Nhân dân vùng hạ lưu biết kế hoạch và tình hình điều tiết lũ hồ chứa, Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định thường xuyên cung cấp để Đài Phát thanh và Truyền hình Bình Định đưa tin.
4. Phương án sơ tán, bảo vệ người, tài sản, bảo vệ sản xuất
Tuân thủ theo phương án Phòng chống lũ lụt vùng hạ du hồ chứa nước Định Bình đã được Chủ tịch UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định số 2171/QĐ-UBND ngày 27/6/2018.
5. Bảo đảm an ninh trật tự, giao thông, thông tin liên lạc
Trước lũ mùa mưa lũ hàng năm, công trình hồ chứa nước Định Bình được UBND tỉnh phê duyệt thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình, trong đó:
- Về đảm bảo an ninh trật tự, giao thông trên địa bàn giao cho UBND các huyện Vĩnh Thạnh, Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn đảm nhiệm, trong đó Công an các huyện, thị xã là lực lượng chủ lực, nòng cốt trong công tác bảo đảm an ninh trật tự khi di dời người dân và tài sản của Nhân dân; xây dựng kế hoạch, chuẩn bị lực lượng, phương tiện sẵn sàng huy động tham gia sơ tán, di dời Nhân dân, tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ tại các khu vực lũ lụt khi có lệnh.
- Về thông tin liên lạc giao cho Đội Viễn thông huyện Vĩnh Thạnh đảm nhiệm, thường xuyên kiểm tra và kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo duy trì thông tin liên lạc, phục vụ tốt công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
- Nguồn điện thắp sáng và vận hành công trình giao cho Trạm điện 35KV huyện Vĩnh Thạnh, Điện lực Phú Phong bảo đảm nguồn điện liên tục phục vụ cho cơ quan, đơn vị chỉ đạo, cảnh báo, dự báo thông tin liên lạc…, đồng thời bảo vệ các công trình điện (trạm biến thế, thiết bị điện…) và có phương án cắt điện những khu vực bị ngập khi sự cố hồ chứa xảy ra.
6. Phối hợp chỉ đạo, chỉ huy phòng tránh, ứng phó thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
6.1. Thành lập Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình
Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình hồ chứa nước Định Bình - huyện Vĩnh Thạnh năm 2023 được thành lập theo Quyết định số 2704/QĐ-UBND ngày 21/7/2023 của Chủ tịch UBND tỉnh, trong đó:
- Trưởng ban: Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT.
- Phó Trưởng ban: Chủ tịch UBND huyện Vĩnh Thạnh.
- Ủy viên thường trực: Giám đốc Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định.
- Các ủy viên: Chủ tịch UBND huyện Tây Sơn, Phó Chủ tịch UBND huyện Tuy Phước, Phó Chủ tịch UBND thị xã An Nhơn, Trưởng Công an huyện Vĩnh Thạnh, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng phòng Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện Vĩnh Thạnh, Trưởng phòng Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh, Giám đốc Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Vĩnh Thạnh, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hảo, Chủ tịch UBND xã Vĩnh Hiệp, Đội trưởng Đội Viễn thông huyện Vĩnh Thạnh, Tổ trưởng Trạm điện 35KV huyện Vĩnh Thạnh, Giám đốc Điện lực Phú Phong, Giám đốc Công ty Cổ phần Thủy điện Định Bình, Giám đốc Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình.
6.2. Phân công trách nhiệm Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình như sau
- Sở Nông nghiệp và PTNT: Chỉ đạo, giám sát, kiểm tra việc thực hiện vận hành điều tiết lũ hồ chứa đảm bảo an toàn công trình và vùng hạ lưu; xem xét các báo cáo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình, báo cáo UBND tỉnh quyết định phương án vận hành điều tiết lũ, xả lũ khẩn cấp, chỉ đạo ứng cứu công trình trong các trường hợp khẩn cấp.
- UBND huyện Vĩnh Thạnh: Chỉ đạo Chủ tịch UBND các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp và các đơn vị Công an, Ban Chỉ huy quân sự huyện, Phòng Nông nghiệp và PTNT huyện, Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện, Trạm Viễn thông, Trạm điện 35KV huyện, Điện lực Phú Phong, Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện có biện pháp đảm bảo an ninh trật tự, thông tin liên lạc, điện vận hành công trình để ứng phó với thiên tai. Trong trường hợp bão mạnh, mưa lũ lớn bất thường, chỉ đạo các đơn vị liên quan cập nhật và đưa tin về cơn bão, thông tin chỉ đạo của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, huyện về phòng chống bão lụt; chỉ đạo huy động khẩn cấp nhân lực, vật lực tại chỗ để ứng cứu và tổ chức phương án di dời dân; thông báo kịp thời tình hình vận hành điều tiết lũ công trình cho UBND các xã và Nhân dân vùng hạ lưu biết để chủ động phòng tránh.
- UBND các huyện Tây Sơn, Tuy Phước và thị xã An Nhơn sau khi nhận được thông báo về việc điều tiết lũ của Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh thực hiện trách nhiệm và thông báo kịp thời theo quy định của Quy trình vận hành hồ chứa, Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh tình hình vận hành điều tiết lũ công trình cho Nhân dân trên địa bàn biết phòng tránh; chủ trì, phối hợp với các cơ quan đơn vị thực hiện các biện pháp đảm bảo an toàn công trình, bảo vệ tính mạng và tài sản của Nhân dân trên địa bàn khi hồ chứa điều tiết lũ và khi xảy ra trường hợp khẩn cấp.
- Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định:
+ Tổ chức lực lượng trực ban liên tục 24/24 giờ tại công trình để quan trắc, vận hành công trình, trực tiếp chỉ đạo Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình thực hiện công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn.
+ Thực hiện việc quan trắc, cảnh báo, dự báo theo chế độ quy định tại Điều 33 và cung cấp số liệu, thông tin cho các cơ quan, đơn vị quy định tại Điều 34; tổ chức thực hiện nhiệm vụ quy định tại Điều 6, 7, 8, 9, 12, 13, 15, 31, 32, 33 và Điều 34 của Quy trình vận hành liên hồ chứa trên lưu vực sông Kôn - Hà Thanh.
+ Kiểm tra thường xuyên tình hình hoạt động công trình để chủ động kịp thời xử lý sự cố ngay từ giờ đầu; tập kết vật tư, vật liệu dự phòng và chuẩn bị đầy đủ kinh phí để chi trả khi cần huy động nhân lực, vật liệu tham gia ứng cứu công trình.
- UBND các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp có nhiệm vụ:
+ Thông báo kịp thời cho Nhân dân trong vùng hạ lưu hồ khi hồ điều tiết lũ; có kế hoạch đảm bảo phương tiện, lương thực, vật dụng, thuốc men cần thiết cho người dân khi phải di dời đến nơi khác để tránh lụt bão.
+ Thực hiện tốt công tác di dời dân khi có chỉ đạo của cấp trên, công tác vệ sinh trong và sau bão lũ.
+ Lập, phê duyệt lực lượng Đội xung kích và phổ biến những quy định cần thiết cho các thành viên; trang bị đầy đủ dụng cụ, thiết bị và sẵn sàng ứng phó khi có yêu cầu.
+ Tuyên truyền cho Nhân dân biết những quy định về hiệu lệnh còi báo động khi công trình vận hành điều tiết lũ.
- Ban Chỉ huy Quân sự huyện Vĩnh Thạnh: Chỉ đạo xây dựng lực lượng Đội xung kích ở 02 xã Vĩnh Hảo và Vĩnh Hiệp; thành lập từng Trung đội, Tiểu đội có phương án cụ thể với tư thế sẵn sàng ứng cứu khi có sự cố xảy ra. Phối hợp cùng với địa phương thực hiện tốt công tác di dời dân đến nơi an toàn, trong đó xây dựng phương án sơ tán dân.
- Công an huyện Vĩnh Thạnh: Chỉ đạo lực lượng Công an giữ gìn an ninh trật tự khi công trình vận hành điều tiết lũ và khi công trình xảy ra sự cố; phối hợp cùng với cơ quan Quân sự huyện, địa phương thực hiện tốt công tác di dời dân đến nơi an toàn.
- Tổ Viễn thông huyện Vĩnh Thạnh: Thường xuyên kiểm tra và kịp thời khắc phục sự cố, đảm bảo duy trì thông tin liên lạc; kịp thời chuyển tải thông tin chỉ đạo, điều hành của UBND tỉnh đến các địa phương, cơ quan, đơn vị phục vụ tốt công tác phòng chống thiên tai.
- Phòng Nông nghiệp và PTNT và Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh: Phối hợp chặt chẽ với Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình kiểm tra hệ thống bờ đập, đê sông, kênh mương; nắm chắc tình hình thiệt hại báo cáo Trưởng ban Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS huyện để chỉ đạo khắc phục nhanh hậu quả sau bão, lụt; triển khai các phương án bảo đảm sản xuất.
- Trạm điện 35KV huyện Vĩnh Thạnh và Điện lực Phú Phong: Đảm bảo cung cấp điện duy trì hoạt động bình thường của lưới điện phục vụ cho việc vận hành công trình; đảm bảo an toàn cho đường dây, trạm điện, nhà máy, xử lý kịp thời khi có sự cố về điện.
- Trung tâm Văn hóa - Thông tin - Thể thao huyện Vĩnh Thạnh: Tăng cường công tác truyền tin, thông báo chính xác, kịp thời các thông tin dự báo, cảnh báo về thời tiết mưa, lũ, bão; phổ biến cho Nhân dân những kiến thức cơ bản về phòng, chống, giảm nhẹ thiên tai. Khi dự báo có bão mạnh xảy ra cập nhật kịp thời và đưa tin về cơn bão, thông báo cho người dân chằng, chống nhà cửa, chặt cây, tỉa cành có nguy cơ đổ ngã ở các khu dân cư, cơ sở công cộng; khẩn trương thu hoạch nông lâm thủy sản, bảo vệ lương thực, vật nuôi.
- Công ty Cổ phần Thủy điện Định Bình: Phân công lực lượng công nhân khoảng 10 đến 15 người phối hợp Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình trực bảo vệ và phòng chống thiên tai tại công trình, sẵn sàng chấp hành lệnh điều động tham gia ứng cứu công trình khi có yêu cầu; phối hợp Trạm điện 35KV huyện Vĩnh Thạnh đảm bảo duy trì hoạt động bình thường của lưới điện phục vụ công tác phòng chống thiên tai; đảm bảo an toàn cho đường dây, trạm điện, nhà máy, xử lý kịp thời khi có sự cố về điện.
7. Nguồn nhân lực ứng phó thiên tai
- Lực lượng thường trực tại công trình của Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình hiện có 14 người, trong đó có 04 kỹ sư thủy lợi, 01 kỹ sư điện, 02 cao đẳng thủy lợi và 07 công nhân quản lý vận hành đập. Khi có mưa lũ lớn, sẽ tăng cường cán bộ, nhân viên ở các phòng chức năng của Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định cùng tham gia phòng chống thiên tai.
- Lực lượng Đội xung kích của các xã Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp (UBND các xã phê duyệt) sẵn sàng ứng phó khi được huy động. Khi mưa lũ lớn, công trình có nguy cơ xảy ra sự cố, Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình phối hợp với UBND huyện Vĩnh Thạnh chỉ đạo các cơ quan Quân sự huyện, Công an huyện, UBND các xã: Vĩnh Hảo, Vĩnh Hiệp và các ngành liên quan của huyện Vĩnh Thạnh huy động lực lượng để ứng cứu kịp thời khi tình huống xấu nhất xảy ra. Trong trường hợp khẩn cấp báo cáo UBND tỉnh huy động lực lượng hỗ trợ.
8. Dự trữ vật tư, phương tiện, trang thiết bị và nhu yếu phẩm
8.1. Vật tư, vật liệu
- Đá hộc : 85,0 m3; - Đá dăm (1x2)cm: 11,0 m3;
- Cát vàng : 22,0 m3; - Bao ni lông : 1.100,0 cái;
- Rọ thép :100,0 cái; - Vải địa kỹ thuật : 500,0 m2;
- Dầu diezen : 200,0 lít.
Tất cả các vật tư, vật liệu đã tập kết tại chân công trình, ngoài ra tùy theo tình hình diễn biến công trình Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình có kế hoạch điều động cụ thể.
8.2. Phương tiện
Trước mùa mưa lũ, Xí nghiệp Thủy lợi Định Bình phối hợp Phòng Kinh tế và Hạ tầng huyện Vĩnh Thạnh rà soát và thống nhất danh sách các cá nhân, đơn vị có phương tiện, xe máy, vật tư và trang thiết bị để phục vụ công tác Phòng chống thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn công trình.
8.3. Trang thiết bị và nhu yếu phẩm
Đầu mùa mưa lũ hàng năm, Công ty thành lập Tổ kiểm tra đảm bảo an toàn công trình thủy lợi trước mùa mưa lũ để đánh giá hiện trạng công trình, khắc phục hư hỏng và vận hành chạy thử các thiết bị cơ khí, điện...; trang bị dụng cụ bảo hộ lao động cũng như có kế hoạch triển khai mua và dự trữ các nhu yếu phẩm cần thiết cho công trình như mì tôm, đèn pin, đèn bão, áo phao, … để phục vụ công tác phòng chống thiên tai.
9. Giao Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT chỉ đạo Công ty TNHH Khai thác công trình thủy lợi Bình Định thực hiện các nhiệm vụ sau:
- Tổ chức triển khai thực hiện các nội dung Phương án ứng phó thiên tai cho công trình hồ chứa nước Định Bình năm 2023.
- Huy động và bố trí nhân lực, vật tư, phương tiện để thực hiện nhiệm vụ ứng phó kịp thời, đảm bảo an toàn công trình khi gặp sự cố và cắt giảm một phần đỉnh lũ cho hạ lưu.
- Thực hiện quy chế trực ban, chế độ thông tin, báo cáo Ban Chỉ huy Phòng chống thiên tai - Tìm kiếm cứu nạn và PTDS tỉnh, Ban Chỉ huy PCTT - TKCN cấp trên theo quy định của pháp luật./.
- 1 Quyết định 602/QĐ-UBND về Phương án Ứng phó với thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai năm 2022 tỉnh Lào Cai
- 2 Quyết định 604/QĐ-UBND năm 2022 về Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Tuyên Quang
- 3 Quyết định 1248/QĐ-UBND năm 2022 về Phương án ứng phó thiên tai theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh Quảng Ninh