Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3133/QĐ-UBND

Ninh thuận, ngày 15 tháng 12 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Nghị định số 86/2014/NĐ-CP ngày 10 tháng 9 năm 2014 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

Căn cứ Thông tư số 63/2014/TT-BGTVT ngày 07 tháng 11 năm 2014 của Bộ Giao thông vận tải Quy định về tổ chức, quản lý hoạt động kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và dịch vụ hỗ trợ vận tải đường bộ;

Căn cứ Quyết định số 1346/QĐ-UBND ngày 02 tháng 7 năm 2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh về phê duyệt Quy hoạch phát triển ngành Giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011 - 2020, định hướng đến năm 2030;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 1643/TTr- SGTVT ngày 18 tháng 11 năm 2016 về việc phê duyệt Kế hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch về phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Giao thông vận tải, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Giám đốc Công an tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Giao thông vận tải;
- Thường trực: Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, PCTUBND tỉnh Trần Quốc Nam;
- VPUB: CVP, PCVP (L.T.Dũng), NC;
- Lưu VT, KT. Nam.

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Quốc Nam

 

KẾ HOẠCH

PHÁT TRIỂN VẬN TẢI HÀNH KHÁCH BẰNG XE TAXI TRÊN ĐỊA BÀN NINH THUẬN ĐẾN NĂM 2020 VÀ ĐỊNH HƯỚNG ĐẾN NĂM 2030
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

I. Sự cần thiết ban hành Kế hoạch

Trong những năm trở lại đây cùng với sự phát triển của nền kinh tế - xã hội của cả nước nói chung và tỉnh Ninh Thuận nói riêng, được sự quan tâm chỉ đạo của các cấp từ Trung ương đến địa phương hoạt động kinh doanh vận tải hành khách đã có những bước chuyển biến đáng kể ở tất cả các loại hình: Kinh doanh vận tải hành khách theo tuyến cố định, xe buýt, xe taxi,...; chất lượng dịch vụ hành khách được nâng cao đã và đang đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân trên địa bàn tỉnh. Trong các loại hình kinh doanh vận tải nói trên, loại hình kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi được đánh giá có tốc độ phát triển nhanh. Trước năm 2004 trên địa bàn tỉnh chưa có đơn vị kinh doanh vận tải taxi; đến năm 2005 chỉ có 02 doanh nghiệp (Công ty kinh doanh xe taxi Mai Linh và Công ty Trách nhiệm hữu hạn Ngọc Hoa) hoạt động đầu tiên trên địa bàn tỉnh với số lượng khoảng 20 xe; tại thời điểm đó, xe taxi phục vụ chủ yếu cho những khách hàng có thu nhập cao. Đến nay (sau khoảng 11 năm), hoạt động xe taxi đã phát triển cả về số doanh nghiệp và số lượng xe hoạt động, hầu như năm nào các doanh nghiệp cũng tăng số lượng xe hoạt động. Tính đến ngày 31 tháng 5 năm 2016, tỉnh Ninh Thuận có 07 doanh nghiệp tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi với tổng số 168 xe; khối lượng vận chuyển đạt khoảng 98.196 lượt xe/396.792 lượt khách. Tốc độ tăng trưởng xe taxi trong thời gian qua tăng và không theo quy luật, có những khoảng thời gian tốc độ tăng trưởng lên đến trên 100% (từ năm 2013 -2015).

Nhằm đáp ứng nhu cầu sử dụng taxi của hành khách trong và ngoài tỉnh, các đơn vị taxi đã điều hành tốt hoạt động sản xuất kinh doanh của mình, đã không ngừng đổi mới, đầu tư thêm phương tiện, nâng cao chất lượng phục vụ hành khách, hầu hết các doanh nghiệp vận tải đều sử dụng phương tiện xe nhãn hiệu: Toyota (đặc biệt là xe Toyota Innova, Toyota Vios chiếm đa số trong tổng số xe taxi đang hoạt động); ngoài ra, còn một số xe của Hàn Quốc như (Kia Morning, huyndai i10,...) những dòng xe này chủ yếu sản xuất tại Việt Nam.

Đến nay, tỉnh đã công bố các điểm đỗ xe taxi trên các địa bàn với 05 điểm (theo Quyết định số 5064/QĐ-UBND ngày 15 tháng 10 năm 2002 và văn bản số 2758/UBND-NC ngày 06 tháng 9 năm 2006 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc chấp thuận bổ sung điểm đỗ xe taxi trên địa bàn thành phố Phan Rang - Tháp Chàm) gồm: Khu vực trước vườn hoa Bệnh viện tỉnh (cũ), khu vực trước nhà ga tàu lửa Tháp Chàm; vỉa hè đường Đoàn Thị Điểm giáp Nhà Văn hóa tỉnh, vỉa hè đường Hồ Xuân Hương giáp Nhà Văn hóa tỉnh, khu vực chợ Thanh Sơn thuộc đường Trần Nhân Tông; còn các điểm đỗ xe khác do doanh nghiệp tự đầu tư hoặc thuê lại để làm điểm dừng, đỗ đón khách như: Bệnh viện, bến xe Trung tâm, khu thương mại - Siêu thị, khách sạn, resort và đường ven biển,... Do tất cả các điểm đỗ xe taxi hiện nay chưa quy định rõ số lượng xe taxi được phép đậu, đỗ nên đa phần bị lấn chiếm làm nơi kinh doanh, dẫn đến tình trạng không còn chỗ cho các xe taxi đậu, đỗ theo đúng các địa điểm đã được cấp phép; cơ quan chức năng không có cơ sở để xác định số lượng taxi được đỗ tại các điểm, số lượng xe taxi đỗ sai để xử lý, làm giảm hiệu quả công tác quản lý nhà nước đối với hoạt động vận tải bằng xe taxi.

Để hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi được quản lý tốt và đáp ứng được nhu cầu đi lại của nhân dân, đặc biệt tại khu vực đô thị, việc xây dựng Kế hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030 là rất cần thiết.

II. Mục đích, yêu cầu

1. Mục đích:

- Phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận phù hợp với quy định, lộ trình của quy hoạch phát triển ngành giao thông vận tải tỉnh Ninh Thuận giai đoạn 2011- 2020 và định hướng đến năm 2030 và điều kiện thực tế của mạng lưới giao thông vận tải hiện có; đảm bảo phù hợp với các quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch phát triển giao thông vận tải, định hướng phát triển đô thị của tỉnh; phù hợp với định hướng phát triển vận tải hành khách công cộng trên địa bàn tỉnh; đảm bảo tính hợp lý và đầy đủ về cơ cấu phương tiện đi lại trong đô thị giữa các loại hình vận tải, tạo thành hệ thống vận tải thống nhất;

- Phấn đấu nâng tỷ lệ người dân sử dụng phương tiện giao thông bằng xe taxi để góp phần đáp ứng nhu cầu đi lại, bảo đảm an toàn giao thông, ngăn ngừa, khắc phục ùn tắc và tai nạn giao thông;

- Cung cấp dịch vụ thuận lợi, phương tiện giao thông công cộng đạt tiêu chuẩn chất lượng tốt, văn minh, hiện đại để nhân dân và khách du lịch có thêm phương tiện đi lại thuận lợi.

2. Yêu cầu:

- Xây dựng môi trường kinh doanh lành mạnh, bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia, nâng cao chất lượng dịch vụ vận tải hành khách, kinh doanh có hiệu quả, tuân thủ đúng các quy định của pháp luật;

- Quản lý, xây dựng lộ trình phát triển quy mô số lượng doanh nghiệp và số lượng phương tiện cho từng năm đảm bảo đáp ứng nhu cầu đi lại của nhân dân, nhu cầu kinh doanh vận tải hành khách của doanh nghiệp.

III. Nội dung Kế hoạch

a) Phát triển số lượng xe taxi, số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh:

- Phát triển số lượng xe taxi đến năm 2020 là 1.000 xe, tối đa không quá 15 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (chi tiết theo Phụ lục 1);

- Phát triển số lượng xe taxi đến năm 2030 là 2.000 xe, tối đa không quá 28 doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi (chi tiết theo Phụ lục 2);

Việc phát triển số lượng xe taxi, số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi theo từng năm, trên từng địa bàn phải đảm bảo không vượt quá số lượng xe taxi, số lượng doanh nghiệp kinh doanh vận tải xe taxi quy định tại Phụ lục 1, Phụ lục 2.

b) Phát triển hệ thống điểm dừng, đỗ xe taxi:

- Phát triển hệ thống các điểm đỗ xe taxi trên địa bàn tỉnh là 98 điểm (chi tiết theo Phụ lục 3); trong đó, ưu tiên bố trí các điểm đỗ xe taxi tại các Trung tâm hội nghị, Trung tâm thương mại của các huyện, thành phố, khu vực quảng trường, khu đô thị, khu công nghiệp, khu liên cơ quan, các bệnh viện, siêu thị, trung tâm thương mại, bến xe, các khu du lịch, khu vui chơi giải trí, …;

- Bố trí điểm đỗ xe taxi trên cơ sở chiều rộng của từng tuyến đường, phương án điểm đỗ xe taxi cho từng khu vực có thể phân thành các nhóm điểm đỗ như sau:

+ Những tuyến đường có chiều rộng trên 14 m: Bố trí vị trí xe taxi đỗ hai bên, chéo góc (30-60) độ hoặc song song với vỉa hè, với quy mô một điểm (hai bên) từ 10 - 15 xe taxi;

+ Các tuyến đường có chiều rộng từ 09 đến 14 m, có thể bố trí taxi chỉ đỗ một bên, chéo góc (30-60) độ hoặc song song so với vỉa hè, với quy mô từ 6 - 10 xe taxi tại một điểm;

+ Các tuyến đường hẹp có chiều rộng từ 07 đến 09 m, bố trí đỗ song song so với vỉa hè một bên, với quy mô từ 3 - 5 xe taxi.

c) Quản lý chất lượng hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi:

- Việc kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi phải bảo đảm số lượng phương tiện thuộc quyền sử dụng hợp pháp, đảm bảo chất lượng và niên hạn sử dụng phương tiện theo quy định và phù hợp với hình thức kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

- Thông tin công khai về chất lượng dịch vụ xe taxi trên địa bàn tỉnh và thiết lập hệ thống thông tin phản hồi; ban hành quy trình quản lý chất lượng dịch vụ và an toàn giao thông trong hoạt động kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

d) Định hướng khuyến khích sử dụng nhiên liệu xanh và phương tiện cho người khuyết tật: Ưu tiên xét chọn cấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng xe taxi dùng năng lượng mặt trời, điện và nhiên liệu sạch (LPG, CNG, LNG,...); taxi có khoang tách riêng giữa hành khách và lái xe để bảo vệ sự an toàn của lái xe; đầu tư xe taxi có trang thiết bị hỗ trợ hành khách là người khuyết tật; sử dụng xe taxi mới.

III. Tổ chức thực hiện

1. Sở Giao thông vận tải:

- Hướng dẫn các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi tổ chức thực hiện theo đúng Kế hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020, định hướng đến năm 2030;

- Tham mưu ban hành các quy định về vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh; cụ thể hóa các văn bản pháp quy, tạo môi trường pháp lý bình đẳng cho các thành phần kinh tế tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

- Công khai, minh bạch các đơn vị tham gia kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi trên trang website của Sở Giao thông vận tải, gồm: Tên, đại diện hợp pháp của đơn vị, cán bộ phụ trách điều hành, màu sơn đăng ký, số điện thoại kinh doanh của đơn vị, điện thoại đường dây nóng của Sở Giao thông vận tải để hành khách, đơn vị kinh doanh vận tải có thể truy cập và có ý kiến phản ảnh trực tiếp đối với Sở Giao thông vận tải về tình hình hoạt động của xe taxi trên địa bàn;

- Căn cứ Kế hoạch này và tình hình thực tế, nhu cầu đi lại của hành khách, Sở Giao thông vận tải tham mưu điều chỉnh số lượng xe taxi phù hợp, đáp ứng nhu cầu kinh doanh của doanh nghiệp vận tải hành khách bằng xe taxi; tham mưu điều chỉnh, phê duyệt hệ thống các điểm dừng, đỗ xe taxi đảm bảo phù hợp với tình hình thực tế.

- Chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan ưu tiên xét chọn cấp phép hoạt động đối với các doanh nghiệp kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi sử dụng xe taxi dùng năng lượng mặt trời, điện và nhiên liệu sạch (LPG, CNG, LNG,...); taxi có khoang tách riêng giữa hành khách và lái xe để bảo vệ sự an toàn của lái xe; đầu tư xe taxi có trang thiết bị hỗ trợ hành khách là người khuyết tật; sử dụng xe taxi mới;

- Chủ trì, phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố rà soát, xác định các điểm đỗ xe taxi hợp lý, tạo điều kiện để phương tiện đậu đỗ đúng quy định, đảm bảo mỹ quan đô thị;

- Phối hợp với Hiệp hội vận tải ô tô Ninh Thuận (đang trong giai đoạn hoàn tất thủ tục, hồ sơ để thành lập Hiệp hội vận tải ô tô Ninh Thuận) tổ chức, giám sát tập huấn cấp Giấy chứng nhận tập huấn cho đội ngũ lái xe taxi. Định kỳ tổ chức các khóa bồi dưỡng nghiệp vụ, nâng cao trình độ chuyên môn, trình độ nhận thức pháp luật và các kỹ năng giao tiếp khách hàng cho đội ngũ lái xe taxi;

- Thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong hoạt động kinh doanh vận chuyển hành khách bằng xe taxi, tuyệt đối hạn chế tối đa hiện tượng taxi không đăng ký, hoạt động không phép.

2. Sở Kế hoạch và Đầu tư:

- Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính và các cơ quan chức năng chủ động đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay thu hút đầu tư trong lĩnh vực kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

- Công bố thông tin về thành lập, giải thể, phá sản đơn vị kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi trên trang website của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

3. Sở Tài chính:

- Phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan xây dựng, đề xuất, giải quyết liên quan đến cơ chế chính sách tài chính của các đơn vị kinh doanh vận tải bằng xe taxi;

- Phối hợp Sở Giao thông vận tải tiếp nhận, rà soát văn bản kê khai giá cước theo đúng quy định, tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm trong thực hiện việc kê khai giá cước của các đơn vị doanh vận tải hành khách bằng xe taxi.

4. Sở Khoa học và Công nghệ:

- Chỉ đạo Thanh tra Sở, Chi cục Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng chủ trì thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về đồng hồ đo Taximet gắn trên taxi để tính tiền trong dịch vụ vận chuyển;

- Phối hợp với các sở, ngành liên quan tổ chức nghiên cứu phương pháp phòng, chống gian lận trong tính cước taxi.

5. Công an tỉnh:

- Chủ trì, phối hợp cùng các cơ quan chức năng thực hiện hướng dẫn, kiểm tra và xử lý vi phạm theo Luật giao thông đường bộ và các quy định pháp luật về vận tải khách bằng ô tô nhằm đảm bảo trật tự an toàn giao thông và tạo môi trường cạnh tranh lành mạnh, bình đẳng giữa các loại hình vận tải;

- Chỉ đạo Phòng Cảnh sát giao thông, các bộ phận liên quan làm thủ tục cấp đăng ký, biển số cho xe taxi theo văn bản chấp thuận doanh nghiệp bổ sung, đăng ký mới phương tiện hoạt động vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh.

6. Hiệp hội vận tải ô tô Ninh Thuận:

- Tổ chức tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và đôn đốc các doanh nghiệp, hợp tác xã vận tải thực hiện đúng các quy định của pháp luật về tổ chức, hoạt động, kinh doanh vận tải hành khách bằng xe taxi;

- Phối hợp với Sở Giao thông vận tải để tổ chức tập huấn, cấp chứng nhận tập huấn cho người điều hành vận tải, lái xe taxi theo quy định;

- Phối hợp với các cơ quan chức năng chủ động đề xuất các chính sách ưu đãi, hỗ trợ vốn vay, thuê đất phục vụ kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi.

7. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố:

- Căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ được giao theo quy định của pháp luật tăng cường kiểm tra, giám sát, đôn đốc các doanh nghiệp vận tải taxi trên địa bàn thực hiện nghiêm các quy định của pháp luật về đảm bảo an toàn giao thông, an ninh trật tự, các quy định về điều kiện kinh doanh vận tải và các nghĩa vụ tài chính của doanh nghiệp đối với nhà nước theo quy định; theo thẩm quyền xử lý nghiêm các doanh nghiệp vi phạm;

- Quy hoạch sử dụng đất tại các địa phương, nhất là các trung tâm đô thị để tạo quỹ đất, bố trí đất xây dựng bến, bãi đỗ xe công cộng, cho đơn vị vận tải taxi thuê đất xây dựng văn phòng, xưởng sửa chữa, bãi đỗ xe giao ca phù hợp với kế hoạch được duyệt;

- Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chức năng bố trí điểm dừng, đỗ xe taxi công cộng trên các tuyến đường tại khu vực trung tâm các huyện, thành phố, thị trấn và khu kinh tế, công nghiệp, du lịch,... có đủ điều kiện, tiêu chuẩn theo quy định của nhà nước về quản lý và bảo vệ kết cấu hạ tầng giao thông đường bộ, quản lý đô thị để kẻ vạch, cắm biển dừng đỗ cho xe taxi thuận lợi trong việc đón, trả khách;

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan chức năng bảo vệ cơ sở hạ tầng về bến xe, bãi đỗ xe, điểm đỗ xe công cộng trên địa bàn mà địa phương quản lý;

- Trên cơ sở quy hoạch các điểm đỗ xe taxi đã được phê duyệt, nhu cầu phát triển xe taxi trên địa bàn, các huyện, thành phố phối hợp với Sở Giao thông vận tải khảo sát, nghiên cứu bố trí kẻ vạch sơn, cắm biển theo đúng quy định, đảm bảo mỹ quan đô thị;

- Căn cứ tình hình và nhu cầu đi lại thực tế tại địa phương, các địa phương nghiên cứu, thống nhất với Sở Giao thông vận tải để đề xuất điều chỉnh, bổ sung vào Kế hoạch này. Văn bản đề nghị gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh và Sở Giao thông vận tải trước ngày 30 tháng 11 hàng năm để tổng hợp điều chỉnh, bổ sung.

8. Các Sở: Xây dựng; Tài nguyên và Môi trường; Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn phối hợp với Sở Giao thông vận tải thực hiện triển khai có hiệu quả Kế hoạch này.

9. Đối với Doanh nghiệp kinh doanh vận tải khách bằng xe taxi:

- Thực hiện nghiêm túc quy định của pháp luật về điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô;

- Quản lý chặt chẽ hoạt động của các phương tiện, lái xe của doanh nghiệp mình; thực hiện đúng các quy định về kê khai, niêm yết giá cước, tiêu chuẩn chất lượng dịch vụ vận tải; tuân thủ các quy định về màu sơn, gắn thiết bị giám sát hành trình, logo taxi, đèn báo taxi, số điện thoại, ...;

- Kiên quyết đình chỉ, cho thôi việc đối với những lái xe có hành vi sử dụng chất ma túy, uống rượu bia khi điều khiển phương tiện, vi phạm về trật tự an toàn giao thông;

- Đầu tư các phương tiện xe taxi sử dụng xăng không chì, nhiên liệu sạch (LPG, CNG, LNG…), thực hiện nghiêm quy định về kiểm định định kỳ và kẹp chì đồng hồ tính tiền cước xe taxi theo quy định;

- Xây dựng quy chế xử lý kỷ luật cũng như chế độ khen thưởng nhằm khuyến khích đội ngũ lái xe taxi học tập, rèn luyện nâng cao trình độ chuyên môn, đạo đức nghề nghiệp;

- Thực hiện đúng việc Đăng ký chất lượng dịch vụ vận tải, công khai các chỉ tiêu về chất lượng dịch vụ và thiết lập hệ thống thông tin phản hồi giữa cơ quan quản lý Nhà nước, doanh nghiệp và người dân;

- Xây dựng quy chế quản lý phương tiện, quản lý lao động; thường xuyên tổ chức đào tạo bồi dưỡng và đào tạo lại những đội ngũ lái xe đủ tiêu chuẩn, nâng cao trình độ giao tiếp, trình độ ngoại ngữ theo yêu cầu;

- Tổ chức khám sức khỏe cho lái xe khi tuyển dụng, khám sức khỏe định kỳ cho lái xe và chỉ được sử dụng lái xe có đủ sức khỏe theo quy định của Bộ Y tế; không tuyển dụng, sử dụng lái xe có sử dụng chất ma túy.

Trên đây là Kế hoạch phát triển vận tải hành khách bằng xe taxi trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030. Trong quá trình triển khai thực hiện, trường hợp gặp khó khăn, vướng mắc, yêu cầu các cơ quan đơn vị kịp thời thông tin cho Sở Giao thông vận tải để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh./.

 

PHỤ LỤC 1

BẢNG DỰ BÁO SỐ LƯỢNG XE TAXI TRÊN TỪNG ĐỊA BÀN TRONG TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

STT

Đơn vị

Năm 2020

Năm 2030

Số phương tiện

Số lượng Doanh nghiệp

Số phương tiện

Số lượng Doanh nghiệp

 

Toàn tỉnh

1.000

15

2.000

≤28

1

Thành phố Phan Rang - Tháp Chàm

770

≤9

1.350

≤15

2

Huyện Ninh Sơn

50

≤1

100

≤2

3

Huyện Bác Ái

0

0

50

≤1

4

Huyện Ninh Phước

30

≤1

100

≤2

5

Huyện Thuận Nam

100

≤2

200

≤4

6

Huyện Thuận Bắc

20

≤1

50

≤1

7

Huyện Ninh Hải

30

≤1

150

≤3

 

PHỤ LỤC 2

BẢNG DỰ BÁO SỐ LƯỢNG DOANH NGHIỆP VÀ PHƯƠNG TIỆN THEO TỪNG NĂM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

Số lượng doanh nghiệp và phương tiện theo từng năm

Năm

2016

2017

2018

2019

2020

Số doanh nghiệp

7

9

12

14

15

Số đầu xe

200

400

600

840

1.000

 

Số lượng doanh nghiệp và phương tiện theo từng năm

Năm

2021

2022

2023

2024

2025

Số doanh nghiệp

16

17

18

19

20

Số đầu xe

1.100

1.200

1.300

1.400

1.500

Năm

2026

2027

2028

2029

2030

Số doanh nghiệp

21

22

23

24

28

Số đầu xe

1.600

1.700

1.800

1.900

2.000

 

PHỤ LỤC 3

BẢNG DỰ KIẾN QUY HOẠCH CÔNG BỐ CÁC ĐIỂM ĐỖ XE TAXI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3133/QĐ-UBND ngày 15 tháng 12 năm 2016 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh)

TT

Huyện, thành phố

Quy hoạch điểm đỗ xe taxi

1

Thành phố Phan Rang Tháp Chàm

 

 

Có 28 điểm đỗ, phân bố đều trong phạm vi của thành phố.

2

Thị trấn Khánh Hải, huyện Ninh Hải

 

 

Có 20 điểm đỗ, phân bố đều tại các Resort, Trung tâm Chợ, Bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khối cơ quan, khu công nghiệp,...

3

Thị trấn Phước Dân, huyện Ninh Phước

 

 

Có 10 điểm: phân bố đều tại khu Trung tâm Thương mại Chợ, Bệnh viện. Khu vui chơi giải trí, khối cơ quan hành chính,...

4

Thị trấn Tân Sơn, Huyện Ninh Sơn

 

 

Có 10 điểm: phân bố đều tại khu Trung tâm Thương mại Chợ, Bệnh viện. Khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, Bến xe khách, khối cơ quan hành chính,...

5

Huyện Thuận Bắc

 

 

Có 10 điểm: phân bố đều tại khu Trung tâm Thương mại Chợ, Bệnh viện, khu vui chơi giải trí, khu công nghiệp, khối cơ quan hành chính...

6

Huyện Thuận Nam

 

 

Có 10 điểm: phân bố đều tại khu Trung tâm Thương mại Chợ, Bệnh viện, khu vui chơi giải trí, cảng biển, khu công nghiệp, khối cơ quan hành chính,...

7

Huyện Bác Ái

 

 

Có 10 điểm: phân bố đều tại khu Trung tâm Thương mại Chợ, Bệnh viện, khu du lịch dã ngoại, khối cơ quan hành chính,...