ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3152/2004/QĐ-UB | Đông Hà, ngày 09 tháng 11 năm 2004 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010.
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG TRỊ
- Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
- Căn cứ Quyết định số 2599/QĐ - UB ngày 25/8/2004 của UBND tỉnh Quảng Trị Về việc thành lập Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010;
- Xét đề nghị của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010,
QUYẾT ĐỊNH
Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo thực hiện Chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010".
Điều 2: Quyết định này có hiệu từ ngày ký.
Chánh Văn phòng UBND tỉnh, các thành viên Ban chỉ đạo, Thủ trưởng các sở, ban, ngành, đơn vị có liên quan và Chủ tịch UBND các huyện, thị xã chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | TM/ UBND TỈNH QUẢNG TRỊ |
QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG
CỦA BAN CHỈ ĐẠO THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH PHÁT TRIỂN CÔNG NGHIỆP - TIỂU THỦ CÔNG NGHIỆP ĐẾN NĂM 2010.
Ban hành kèm theo Quyết định số: 3152 /QĐ-UB ngày 09 tháng 11 năm 2004 của UBND tỉnh Quảng Trị.
Chương 1
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Chức năng:
Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - TTCN đến năm 2010 (sau đây gọi tắt là Ban chỉ đạo PTCN) có chức năng giúp UBND tỉnh chỉ đạo thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TU, ngày 05/01/2004 của Tỉnh uỷ Quảng Trị về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 và Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết hội nghị lần thứ 13 Ban chấp hành Tỉnh Đảng bộ (Khoá XIII) về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 của UBND tỉnh ban hành kèm theo Quyết định số 972/QĐ-UB ngày 13/4/2004.
Ban chỉ đạo PTCN chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh và chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh về kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010.
Điều 2. Nhiệm vụ:
1- Chỉ đạo các ngành, các địa phương, đơn vị xây dựng kế hoạch phát triển công nghiệp từ 2005 đến 2010 và cụ thể hoá từng năm. Trên cơ sở phương án quy hoạch, kế hoạch được phê duyệt hướng dẫn, chỉ đạo, đôn đốc, kiểm tra việc tổ chức thực hiện. Tập trung chỉ đạo thực hiện các dự án công nghiệp trọng điểm có tác động chuyển dịch kinh tế của tỉnh.
2- Tham mưu giúp UBND tỉnh trong việc nghiên cứu ban hành các cơ chế, chính sách, tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách thúc đẩy sản xuất công nghiệp đạt hiệu quả cao nhất. Tiến hành quảng bá, xúc tiến đầu tư và tìm mọi giải pháp huy động các nguồn lực đầu tư phát triển công nghiệp.
3- Tổ chức tuyên truyền, hướng dẫn các thành phần kinh tế phát triển sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp. Thực hiện sơ, tổng kết, rút kinh nghiệm, xem xét đề nghị khen thưởng những đơn vị cá nhân có thành tích trong thực hiện Nghị quyết số 13 - NQ/TU, ngày 05/01/2004 của Tỉnh uỷ Quảng Trị về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010.
Chương 2
NHỮNG QUY ĐỊNH CỤ THỂ
Điều 3. Phân công nhiệm vụ:
I - Nhiệm vụ của các thành viên của Ban chỉ đạo PTCN:
1-Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm lãnh đạo các công tác và hoạt động chung của Ban chỉ đạo PTCN, tổ chức và phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chủ trì các cuộc họp của Ban chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện những công tác lớn, các lĩnh vực trọng tâm; sơ kết, tổng kết rút kinh nghiệm trong việc thực hiện chương trình phát triển công nghiệp -tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010.
2- Giám đốc Sở Công nghiệp- Phó Trưởng Ban thường trực giúp Trưởng Ban chỉ đạo điều hành công việc thường xuyên của Ban chỉ đạo, phối hợp với các thành viên liên quan tổ chức giám sát tiến độ, báo cáo kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010. Thay Trưởng Ban điều hành công tác của Ban chỉ đạo khi được Trưởng Ban uỷ quyền và trực tiếp đôn đốc việc thực hiện các dự án đầu tư thuộc lĩnh vực quản lý của Sở Công nghiệp.
3- Giám đốc Sở Xây dựng - Phó trưởng Ban chịu trách nhiệm giúp Trưởng Ban chỉ đạo phát triển công nghiệp sản xuất vật liệu xây dựng, tham mưu công tác quy hoạch các khu, cụm công nghiệp (kể các các cụm, điểm công nghiệp huyện, thị xã), vị trí đặt các nhà máy công nghiệp trọng điểm.
4- Giám đốc Sở kế hoạch và Đầu tư-Thành viên chịu trách nhiệm chủ trì phối hợp với các thành viên về thẩm định các dự án đầu tư phát triển công nghiệp. Tham gia cùng Sở Tài chính, Sở Công nghiệp về giải quyết vốn chuẩn bị đầu tư, vốn khuyến công. Giúp Trưởng Ban chỉ đạo thực hiện công tác quảng bá, xúc tiến đầu tư và thực hiện các chính sách khuyến khích ưu đãi đầu tư trên địa bàn.
5- Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường- Thành viên chịu trách nhiệm phối hợp với các ban, ngành, địa phương giải quyết các vấn đề về sử dụng đất phục vụ phát triển sản xuất công nghiệp. Giải quyết các vấn đề về môi trường đối với các dự án sản xuất công nghiệp. Điều tra, khảo sát và tham mưu để sử dụng tài nguyên khoáng sản hợp lý.
6- Trưởng Ban quản lý các cụm công nghiệp- Thành viên chịu trách nhiệm phối hợp với các thành viên BCĐ để phát triển các khu, cụm công nghiệp của tỉnh. Thực hiện việc đẩy nhanh xây dựng kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp Nam Đông Hà, Quán Ngang, …nghiên cứu tham mưu hình thành một số khu và cụm công nghiệp khác.
7- Chủ tịch Liên minh HTX và doanh nghiệp ngoài quốc doanh- Thành viên chịu trách nhiệm phối hợp các huyện, thị xã triển khai hướng dẫn, vận động, trợ giúp các hợp tác xã, doanh nghiệp ngoài quốc doanh thực hiện quy hoạch, kế hoạch phát triển sản xuất công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và làng nghề trên địa bàn tỉnh.
8- Phó Giám đốc Sở Tài chính- Thành viên chịu trách nhiệm phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Công nghiệp giải quyết các vấn đề liên quan đến tài chính nhằm thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010; giúp Trưởng Ban chỉ đạo trong lĩnh vực tìm kiếm, huy động các nguồn vốn đầu tư.
9- Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội -Thành viên chịu trách nhiệm tham mưu công tác quy hoạch, đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu lao động, thực hiện công tác an toàn lao động và các chính sách liên quan đến người lao động phục vụ phát triển công nghiệp.
10- Phó Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ-Thành viên chịu trách nhiệm về triển khai thực hiện nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ mới vào sản xuất công nghiệp, quản lý chất lượng, giúp đỡ các cơ sở sản xuất xây dựng thương hiệu sản phẩm. Tham mưu bố trí vốn sự nghiệp khoa học cho các đề tài về công nghiệp.
11- Phó Giám đốc Sở Công nghiệp, Giám đốc Trung tâm khuyến công-Thành viên chịu trách nhiệm làm tổ trưởng tổ giúp việc và trực tiếp phụ trách công tác khuyến công.
12- Phó Văn phòng UBND tỉnh-Thành viên chịu trách nhiệm tổng hợp chung, khâu nối và phối hợp các ngành, các địa phương trong việc thực hiện chương trình, phản ánh kịp thời với UBND tỉnh thực trạng tình hình và đề xuất UBND tỉnh có những chỉ đạo phù hợp giúp Ban chỉ đạo hoàn thành nhiệm vụ.
13- Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng nhà nước tỉnh-Thành viên chịu trách nhiệm chỉ đạo các tổ chức tín dụng tạo điều kiện thuận lợi cho các chủ dự án tiếp cận thuận lợi và khai thác được các nguồn tín dụng để triển khai dự án, đồng thời giúp các chủ dự án có phương án tín dụng phù hợp, tiện lợi và hiệu quả nhất.
14- Phó Văn phòng Tỉnh uỷ-Thành viên có trách nhiệm thông báo những ý kiến chỉ đạo của Thường vụ Tỉnh uỷ với Ban chỉ đạo và thông tin kịp thời những kết quả đạt được cũng như những khó khăn vướng mắc trong quá trình tổ chức thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 cho Thường vụ Tỉnh uỷ.
15- Chủ tịch UBND thị xã Đông Hà-Thành viên chịu trách nhiệm chỉ đạo phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp thị xã Đông Hà, chỉ đạo các ngành, các cấp thuộc thị xã tạo điều kiện thuận lợi để xây dựng các khu, cụm công nghiệp tập trung và cho việc thực hiện các dự án công nghiệp đầu tư tại Đông Hà.
16- Phó giám đốc Sở Nông nghiệp - PTNT-Thành viên chịu trách nhiệm chỉ đạo phát triển các vùng nguyên liệu tập trung đảm bảo cho phát triển công nghiệp chế biến theo quy hoạch được duyệt; phối hợp với các thành viên của Ban chỉ đạo đẩy mạnh phát triển tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề ở nông thôn.
17- Trưởng Ban quản lý Khu Thương mại Lao Bảo-Thành viên chịu trách nhiệm tham mưu xây dựng hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng, tích cực thu hút và hỗ trợ các dự án công nghiệp đầu tư vào Khu Thương mại Lao Bảo.
II - Các nhiệm vụ khác:
Ngoài các nhiệm vụ được phân công cụ thể trên, căn cứ vào từng thời điểm và tính chất công việc, Trưởng Ban chỉ đạo sẽ phân công các thành viên phụ trách theo dõi từng dự án, huyện, thị xã. Khi có sự thay đổi các thành viên thì thành viên kế nhiệm sẽ đảm nhận nhiệm vụ của thành viên đó. Trong trường hợp chưa có thành viên thay thế thì Trưởng ban có thể phân công các thành viên khác tạm thời thực hiện để hoàn thành công việc của Ban.
Điều 4. Tổ giúp việc:
Giúp việc cho Ban chỉ đạo PTCN có tổ giúp việc gồm cán bộ của các ngành tham gia thành viên Ban chỉ đạo, do Trưởng Ban quyết định thành lập. Tổ giúp việc có trách nhiệm xây dựng nhiệm vụ, quyền hạn của tổ để Trưởng Ban chỉ đạo ban hành. Các thành viên tổ giúp việc hoạt động kiêm nhiệm và được sử dụng các tài liệu của các cơ quan đơn vị mình công tác để giúp các thành viên chỉ đạo trong lĩnh vực được phân công.
Điều 5. Chế độ làm việc:
1- Chương trình công tác:
Tổ giúp việc có nhiệm vụ chuẩn bị chương trình công tác hàng năm, từng quý của Ban chỉ đạo PTCN trình Trưởng Ban chỉ đạo xem xét, thông qua trong cuộc họp toàn thể Ban chỉ đạo để thống nhất thực hiện.
2- Chế độ hội họp:
Ban chỉ đạo PTCN mỗi quý họp 1 lần (trước ngày 15 của tháng đầu quý) để đánh giá kết quả thực hiện chương trình, giải quyết các vướng mắc theo đề nghị của các thành viên và tổ giúp việc Ban chỉ đạo. Trường hợp cần phải họp đột xuất, thì Trưởng Ban chỉ đạo quyết định triệu tập. Khi thành viên của Ban chỉ đạo không thể tham dự phiên họp được thì thủ trưởng cơ quan thành viên BCĐ có trách nhiệm cử cán bộ lãnh đạo khác tham gia.
3- Công tác sơ kết, tổng kết:
Hàng năm Ban chỉ đạo tổ chức tổng kết năm hoạt động của Ban vào tháng 12; sáu tháng đầu năm tổ chức sơ kết vào cuối tháng 6 hoặc đầu tháng 7.
4- Chế độ kiểm tra cơ sở:
Ban chỉ đạo hoặc Ban chỉ đạo phân công tổ giúp việc thực hiện công tác kiểm tra các cơ sở, các công trình dự án, các khu, cụm công nghiệp, làng nghề, hoạt động công nghiệp của các địa phương, đơn vị về tình hình thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010. (Địa điểm và nội dung kiểm tra do tổ giúp việc Ban chỉ đạo đề xuất, chuẩn bị).
5- Chế độ báo cáo:
Các thành viên Ban chỉ đạo (thông qua chuyên viên giúp việc) hàng tháng báo cáo tình hình thực hiện và những đề xuất phát triển công nghiệp cho Ban chỉ đạo PTCN.
Ban chỉ đạo PTCN có trách nhiệm định kỳ hàng quý báo cáo kết quả thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 với Thường vụ Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
Điều 6. Mối quan hệ công tác:
1- Ban chỉ đạo PTCN chịu sự lãnh đạo trực tiếp của UBND tỉnh và Chủ tịch UBND tỉnh. Ban chỉ đạo PTCN tỉnh có nhiệm vụ chỉ đạo các hoạt động Ban chỉ đạo thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 cấp huyện.
2- Ban chỉ đạo PTCN thường xuyên theo dõi đôn đốc việc thực hiện các chương trình, kế hoạch, cơ chế chính sách của các ngành, các địa phương và tham gia ý kiến để các ngành, địa phương thực hiện các mục tiêu của chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 đề ra. Ban chỉ đạo có trách nhiệm tập hợp các đề xuất của các Ban chỉ đạo cấp huyện báo cáo với TT Tỉnh uỷ và UBND tỉnh.
Điều 7. Kinh phí hoạt động:
Kinh phí hoạt động của Ban chỉ đạo PTCN được ngân sách tỉnh cấp (theo dự toán hàng năm do Ban chỉ đạo lập, Sở Tài chính thẩm định và trình UBND tỉnh quyết định) trong dự toán chi thường xuyên của Sở Công nghiệp. Việc cấp và quyết toán nguồn kinh phí theo quy định của Nhà nước.
Chương 3
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 8. Điều khoản thi hành:
Ban chỉ đạo PTCN thực hiện chương trình phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 của tỉnh có trách nhiệm thực hiện đúng quy định tại quy chế này. Trong quá trình thực hiện có điều gì vướng mắc cần sửa đổi, bổ sung, Ban chỉ đạo PTCN báo cáo Chủ tịch UBND tỉnh xem xét quyết định./.
- 1 Quyết định 2148/2005/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010
- 2 Quyết định 972/2004/QĐ-UB về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết về phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010 do tỉnh Quảng Trị ban hành
- 3 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 4 Quyết định 45/2002/QĐ-UB Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2001-2005 do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 1 Quyết định 2148/2005/QĐ-UBND Ban hành Kế hoạch Đào tạo nguồn nhân lực phát triển công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp đến năm 2010
- 2 Quyết định 45/2002/QĐ-UB Quy chế hoạt động của Ban chỉ đạo Chương trình phát triển Công nghiệp - Tiểu thủ công nghiệp và ngành nghề nông thôn giai đoạn 2001-2005 do tỉnh Quảng Bình ban hành