Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 317/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 31 tháng 01 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TĂNG CƯỜNG CÔNG TÁC BẢO VỆ MÔI TRƯỜNG GIAO THÔNG VẬN TẢI GIAI ĐOẠN 2013 - 2015”

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Nghị định số 51/2008/NĐ-CP ngày 22/4/2008 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải”;

Căn cứ Quyết định số 909/QĐ-TTg ngày 17/6/2010 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án “Kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các tỉnh, thành phố lớn”;

Căn cứ Quyết định số 49/2011/QĐ-TTg ngày 01/9/2011 của Thủ tướng Chính phủ quy định lộ trình áp dụng tiêu chuẩn khí thải đối với xe ô tô, xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới;

Căn cứ Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 -2015;

Căn cứ Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015;

Căn cứ Quyết định số 53/2012/QĐ-TTg ngày 22/11/2012 của Thủ tướng Chính phủ ban hành lộ trình áp dụng tỷ lệ phối trộn nhiên liệu sinh học với nhiên liệu truyền thống;

Căn cứ Quyết định số 199/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2011 của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Môi trường,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Tăng cường công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải giai đoạn 2013 - 2015” với các nội dung chính như sau:

1. Quan điểm

Nhằm đáp ứng những yêu cầu mới về công tác bảo vệ môi trường giao thông vận tải (GTVT), hướng tới phát triển GTVT bền vững, cần quán triệt các quan điểm cơ bản sau đây:

a) Bảo vệ môi trường là quyền, trách nhiệm, nghĩa vụ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân hoạt động trong lĩnh vực GTVT.

b) Coi trọng các giải pháp phòng ngừa, ngăn chặn ô nhiễm tại nguồn; tập trung xử lý các điểm gây ô nhiễm môi trường nghiêm trọng.

c) Ưu tiên giải quyết các vấn đề môi trường nhạy cảm, bức xúc của ngành GTVT; chú trọng bảo vệ môi trường đô thị, khu dân cư.

d) Ứng dụng khoa học công nghệ tiên tiến vào việc phòng ngừa, xử lý ô nhiễm môi trường trong hoạt động GTVT.

đ) Quan tâm phát triển, đầu tư trang thiết bị, phương tiện có hiệu suất cao, ít tiêu hao nhiên liệu; áp dụng các sáng kiến cải tiến kỹ thuật, các tiêu chuẩn và định mức kỹ thuật tiên tiến nhằm cải thiện hiệu suất sử dụng năng lượng trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; ứng dụng công nghệ mới, sử dụng năng lượng tái tạo thay thế nhiên liệu truyền thống trong GTVT.

e) Tiến hành đồng thời các hoạt động thích ứng và giảm nhẹ phát thải khí nhà kính trong lĩnh vực GTVT để ứng phó hiệu quả với biến đổi khí hậu và nước biển dâng.

2. Mục tiêu

2.1. Hoàn thành các nhiệm vụ trong giai đoạn 2013 - 2015 của các Đề án, Chương trình mục tiêu quốc gia và Kế hoạch hành động sau đây:

a) Đề án “Kiểm soát ô nhiễm môi trường trong hoạt động giao thông vận tải” được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 855/QĐ-TTg ngày 06/6/2011.

b) Chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1427/QĐ-TTg ngày 02/10/2012.

c) Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 - 2015 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1183/QĐ-TTg ngày 30/8/2012;

d) Kế hoạch hành động ứng phó với biến đổi khí hậu của Bộ Giao thông vận tải giai đoạn 2011 - 2015 được Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt tại Quyết định số 199/QĐ-BGTVT ngày 26/01/2011.

2.2. Thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

2.3. Hoàn thiện cơ sở pháp lý cho việc triển khai áp dụng tiêu chuẩn khí thải Euro 3, Euro 4 đối với xe ô tô và xe mô tô hai bánh sản xuất, lắp ráp và nhập khẩu mới.

3. Các nhiệm vụ, giải pháp bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu trong giao thông vận tải giai đoạn 2013 - 2015

3.1. Các nhiệm vụ, giải pháp chung đối với các cơ quan, đơn vị

a) Rà soát, đề xuất xây dựng, ban hành bổ sung, sửa đổi các văn bản pháp lý, hệ thống tiêu chuẩn, quy chuẩn về môi trường trong lĩnh vực GTVT; cập nhật, xây dựng đề án gia nhập các công ước quốc tế, các chương trình, kế hoạch hành động quốc tế và khu vực liên quan đến hoạt động môi trường GTVT.

b) Tăng cường năng lực cho các tổ chức, cơ quan quản lý môi trường trong ngành GTVT, đặc biệt là năng lực quản lý nhà nước về giám sát, kiểm tra môi trường đối với các hoạt động GTVT.

c) Xây dựng cơ sở dữ liệu về môi trường để phục vụ công tác nghiên cứu, đánh giá, quản lý môi trường đối với các hoạt động phát triển GTVT.

d) Thúc đẩy phát triển giao thông vận tải công cộng tại các thành phố lớn.

đ) Lồng ghép nội dung tiết kiệm năng lượng trong các dự án quy hoạch phát triển GTVT; Thực hiện các biện pháp tiết kiệm năng lượng trong công tác lập dự án và thi công công trình GTVT.

e) Đẩy mạnh công tác tổ chức, quản lý bảo dưỡng sửa chữa phương tiện, thiết bị GTVT nhằm duy trì tình trạng kỹ thuật và hiệu quả sử dụng phương tiện, thiết bị.

g) Sử dụng năng lượng tái tạo, nhiên liệu sinh học, nhiên liệu thay thế nhiên liệu truyền thống (LPG, CNG, LNG, .v.v.) cho công trình GTVT và phương tiện, thiết bị giao thông cơ giới.

h) Thí điểm giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (chống ngập, sạt lở, sụt trượt) trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

i) Tăng cường hợp tác quốc tế trong: đào tạo, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường; tìm kiếm, huy động các nguồn tài trợ từ nước ngoài để triển khai các nhiệm vụ của Đề án; ứng dụng và chuyển giao công nghệ thân thiện môi trường, công nghệ các - bon thấp.

3.2. Vụ Môi trường

a) Chủ trì, phối hợp với cơ quan có liên quan đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và người lao động ngành GTVT.

b) Chủ trì tổng hợp, xây dựng và triển khai kế hoạch bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu để thực hiện các nhiệm vụ của Đề án.

c) Chủ trì, phối hợp Vụ Kế hoạch đầu tư đôn đốc, bảo đảm 100% chiến lược, quy hoạch và dự án trong lĩnh vực GTVT được phê duyệt báo cáo đánh giá môi trường chiến lược, báo cáo đánh giá tác động môi trường, đăng ký bản cam kết bảo vệ môi trường theo quy định.

d) Chủ trì đôn đốc, tổng hợp và định kỳ hàng năm báo cáo Bộ trưởng tình hình thực hiện Đề án.

3.3. Vụ Kế hoạch đầu tư

a) Chủ trì tổng hợp kế hoạch đầu tư phát triển để hỗ trợ thực hiện phát triển hệ thống đường sắt đô thị và các nhiệm vụ liên quan đến công tác môi trường khi xây dựng kế hoạch hàng năm.

b) Lồng ghép các giải pháp bảo vệ môi trường, ứng phó với biến đổi khí hậu trong quá trình điều chỉnh các chiến lược, quy hoạch phát triển và lập dự án đầu tư xây dựng công trình GTVT.

3.4. Vụ Khoa học công nghệ

Chủ trì tổng hợp, xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch khoa học công nghệ để thúc đẩy nghiên cứu, phát triển và ứng dụng công nghệ hỗ trợ thực hiện các nhiệm vụ: xây dựng và ban hành tiêu chuẩn, quy chuẩn; kiểm soát và giảm thiểu ô nhiễm môi trường.

3.5. Vụ Tổ chức cán bộ

Chủ trì xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch phát triển đội ngũ cán bộ làm công tác môi trường GTVT.

3.6. Vụ Vận tải

Chủ trì nghiên cứu lồng ghép chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư ứng dụng nhiên liệu, công nghệ thân thiện môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả trong chính sách phát triển vận tải hành khách công cộng, vận tải hàng hóa.

3.7. Tổng cục Đường bộ Việt Nam

a) Khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ ô nhiễm tiếng ồn và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động giao thông đường bộ gây ra tại các trục giao thông trọng yếu; đầu tư thí điểm kết cấu giảm ồn trên một số tuyến đường bộ.

b) Xây dựng mô hình tổ chức, quản lý rác thải do vận tải khách đường bộ và ứng dụng trên các tuyến vận tải khách công cộng.

3.8. Cục Hàng hải Việt Nam

a) Đánh giá mô hình thu gom, xử lý chất thải từ tàu biển tại cảng Cái Lân và xây dựng cơ chế, chính sách để triển khai mở rộng tại các cảng biển quốc tế. Phấn đấu đến năm 2015 ít nhất 30% cảng biển quốc tế có trang bị phương tiện tiếp nhận để thu gom, xử lý rác thải, nước thải lẫn dầu, dầu thải từ tàu biển.

b) Nghiên cứu, xây dựng đề án gia nhập các công ước quốc tế về bảo vệ môi trường trong lĩnh vực hàng hải: Công ước quốc tế về kiểm soát hệ thống chống hà độc hại của tàu năm 2001 (AFS 2001); Công ước quốc tế về kiểm soát và quản lý nước dằn, cặn nước dằn năm 2004 (BWM 2004).

c) Tổ chức xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các Phụ lục III, IV, V, VI của Công ước MARPOL 73/78 khi Việt Nam gia nhập.

3.9. Cục Đường sắt Việt Nam

a) Khảo sát, đánh giá, xây dựng bản đồ ô nhiễm tiếng ồn và giải pháp giảm thiểu ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động giao thông đường sắt gây ra; đầu tư thí điểm kết cấu giảm ồn trên một số tuyến đường sắt.

b) Xây dựng sổ tay tiết kiệm nhiên liệu trong ngành đường sắt.

3.10. Cục Đường thủy nội địa Việt Nam

Xây dựng quy trình thu gom, vận chuyển, xử lý chất thải do hoạt động vận tải thủy nội địa; tổ chức thí điểm trên một số cảng, cụm cảng đầu mối đường thủy nội địa.

3.11. Cục Hàng không Việt Nam

a) Hướng dẫn thực hiện quản lý chất thải từ tàu bay trong hoạt động hàng không dân dụng theo quy định pháp luật.

b) Đôn đốc việc xây dựng bản đồ tiếng ồn đối với các cảng hàng không, sân bay để đến năm 2015 hoàn thiện bản đồ tiếng ồn đối với 50% cảng hàng không, sân bay; đề xuất phương án giảm thiểu ảnh hưởng của ô nhiễm tiếng ồn do hoạt động vận tải hàng không.

c) Xây dựng thí điểm hệ thống xử lý nước thải tập trung tại cảng hàng không quốc tế Đà Nẵng.

d) Triển khai khảo sát, công bố khu vực xả nhiên liệu, thả hành lý, hàng hóa và các đồ vật khác từ tàu bay theo quy định tại Điều 88 Luật Hàng không dân dụng Việt Nam và biện pháp giảm thiểu tác động xấu đến môi trường cho khu vực này.

đ) Tối ưu hóa đường bay nhằm sử dụng nhiên liệu tiết kiệm và hiệu quả.

3.12. Cục Đăng kiểm Việt Nam

a) Nghiên cứu xây dựng các quy định về: mức tiêu thụ nhiên liệu đối với xe mô tô, xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới; dán nhãn năng lượng đối với ô tô dưới 7 chỗ ngồi; kiểm định xe máy điện.

b) Nghiên cứu xây dựng các quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về: khí thải mức Euro 3, 4 đối với xe mô tô, xe ô tô sản xuất lắp ráp và nhập khẩu mới; tiếng ồn và chấn động tàu biển; hệ thống chống hà tàu biển.

c) Thực hiện các bước chuẩn bị cần thiết để kiểm soát khí thải xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh.

3.13. Cục Y tế GTVT

Chỉ đạo, đôn đốc các đơn vị khám, chữa bệnh ngành GTVT tổ chức phân loại, thu gom chất thải rắn y tế theo quy định của Bộ Y tế, bảo đảm đến năm 2015: 50% số bệnh viện, phòng khám, trung tâm phục hồi chức năng thuộc ngành giao thông vận tải có hệ thống thu gom, xử lý chất thải lỏng y tế, 50% số bệnh viện ngành có hệ thống xử lý chất thải rắn y tế tiên tiến tại chỗ.

3.14. Cục Quản lý xây dựng và Chất lượng công trình giao thông

a) Chủ trì, phối hợp với Vụ Môi trường và các địa phương có liên quan giám sát, kiểm tra việc thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong quá trình triển khai các dự án xây dựng công trình do Bộ GTVT quản lý.

b) Chủ trì xây dựng định mức, đơn giá đối với các hạng mục công trình yêu cầu các biện pháp thi công mới để giảm thiểu các tác động tiêu cực đến môi trường.

c) Phối hợp với Vụ Khoa học công nghệ xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn thi công, nghiệm thu các hạng mục công trình nhằm thích ứng với biến đổi khí hậu, nước biển dâng.

d) Phối hợp với các cơ quan có liên quan triển khai các giải pháp thích ứng với biến đổi khí hậu (chống ngập, sạt lở, sụt trượt) trong đầu tư xây dựng công trình giao thông đường bộ, đường sắt.

3.15. Các Sở GTVT

a) Sử dụng LPG, CNG trong vận tải hành khách công cộng bằng xe buýt.

b) Đôn đốc để đến năm 2015 ít nhất 80% bến xe khách loại 1 được trang bị công cụ, thiết bị và tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt.

c) Đôn đốc các doanh nghiệp vận tải khách công cộng tổ chức quản lý rác thải theo quy định.

3.16. Viện Chiến lược và Phát triển GTVT

Nghiên cứu xây dựng trình Bộ Kế hoạch hành động của Bộ GTVT ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2016 - 2020.

3.17. Viện Khoa học và Công nghệ GTVT

Chủ trì, phối hợp với Tổng cục Đường bộ Việt Nam thực hiện đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường bộ Việt Nam.

3.18. Trường Đại học Hàng hải

Chủ trì, phối hợp với Cục Hàng hải Việt Nam thực hiện đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho ngành hàng hải Việt Nam.

3.19. Trường Đại học GTVT TP. Hồ Chí Minh

a) Chủ trì, phối hợp với Cục Đường thủy nội địa Việt Nam thực hiện đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường thủy nội địa Việt Nam.

b) Thí điểm sử dụng nhiên liệu diesel sinh học và đề xuất giải pháp nhân rộng cho phương tiện thủy nội địa.

3.20. Trường Đại học Công nghệ GTVT

Phối hợp với các cơ quan, đơn vị tiếp tục tổ chức tuyên truyền, nâng cao nhận thức về lái xe thân thiện môi trường góp phần giảm phát thải khí nhà kính và chất gây ô nhiễm không khí.

3.21. Đường sắt Việt Nam

a) Chủ động thiết kế, lắp đặt hệ thống thiết bị vệ sinh tự hoại trên các toa xe đường sắt. Phấn đấu đến năm 2015 ít nhất 25% số toa xe khách đường sắt đóng mới được trang bị công cụ, thiết bị và tổ chức thu gom, xử lý rác thải, nước thải sinh hoạt.

b) Chủ trì, phối hợp với Cục Đường sắt Việt Nam thực hiện đánh giá tác động và xây dựng giải pháp ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng cho giao thông đường sắt Việt Nam.

c) Thí điểm ứng dụng năng lượng tái tạo, sử dụng nhiên liệu diesel sinh học và đề xuất giải pháp nhân rộng trong đường sắt Việt Nam.

3.22. Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam

Chủ động trang bị phương tiện thu gom chất thải từ tàu biển cho các cảng biển quốc tế.

3.23. Các cơ sở công nghiệp GTVT

a) Thiết lập, triển khai hệ thống quản lý môi trường và thực hiện các biện pháp quản lý, xử lý chất thải phù hợp với từng loại hình hoạt động theo quy định của pháp luật.

b) Chủ động đầu tư, xây dựng hệ thống kiểm soát các chất ô nhiễm từ hoạt động công nghiệp giao thông vận tải.

3.24. Trung tâm Công nghệ thông tin, Báo GTVT

Duy trì, thường xuyên cập nhật và nâng cao chất lượng thông tin về công tác bảo vệ môi trường, sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, ứng phó với biến đổi khí hậu trên trang thông tin điện tử của Bộ GTVT và Báo GTVT.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ; Vụ trưởng các Vụ; Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam; Cục trưởng các Cục thuộc Bộ; Viện trưởng các Viện thuộc Bộ; Giám đốc các Sở GTVT; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Các Thứ trưởng Bộ GTVT;
- Các TCT, công ty thuộc Bộ;
- Các Ban quản lý dự án;
- Các Trường thuộc Bộ;
- Trung tâm CNTT, Báo GTVT;
- Lưu VT, MT (10 bản).

BỘ TRƯỞNG




Đinh La Thăng