Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 319/QĐ-BGTVT

Hà Nội, ngày 25 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÂN CẤP BỔ NHIỆM VÀ XẾP LƯƠNG THEO CHỨC DANH NGHỀ NGHIỆP ĐỐI VỚI VIÊN CHỨC TRONG CÁC ĐƠN VỊ SỰ NGHIỆP CÔNG LẬP THUỘC BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

BỘ TRƯỞNG BỘ GIAO THÔNG VẬN TẢI

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 107/2012/NĐ-CP ngày 20 tháng 12 năm 2012 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Giao thông vận tải;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức và các văn bản hướng dẫn thi hành;

Căn cứ Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 17/2013/NĐ-CP ngày 19 tháng 12 năm 2013 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang; Nghị định số 117/2016/NĐ-CP ngày 21 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 204/2004/NĐ-CP ngày 14 tháng 12 năm 2004 của Chính phủ về chế độ tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức và lực lượng vũ trang;

Căn cứ Thông tư số 12/2012/TT-BNV ngày 18 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Nội vụ quy định về chức danh nghề nghiệp và thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quyết định này áp dụng đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải mà không phải là bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, y sĩ, viên chức làm công tác giảng dạy trong các cơ sở giáo dục đại học công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải.

Điều 2. Bộ trưởng phân cấp thẩm quyền bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải như sau:

1. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải:

a) Đề nghị Bộ Nội vụ bổ nhiệm vào chức danh nghề nghiệp hạng I đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ Giao thông vận tải.

b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm, quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức thuộc diện Bộ quản lý.

c) Phê duyệt phương án bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Bộ từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp hạng II theo các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

2. Bộ trưởng phân cấp cho Tổng cục trưởng Tổng cục Đường bộ Việt Nam, Cục trưởng Cục trực thuộc Bộ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức trực thuộc Bộ:

a) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp hạng II theo các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức do cơ quan có thẩm quyền ban hành sau khi phương án bổ nhiệm được Bộ trưởng phê duyệt.

Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào chức danh nghề nghiệp hạng II sau khi viên chức trúng tuyển kỳ thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp do cơ quan có thẩm quyền tổ chức.

b) Phê duyệt phương án bổ nhiệm, quyết định hoặc phân cấp quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý từ ngạch viên chức hiện giữ sang các chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV theo các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Quyết định hoặc phân cấp quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức trong đơn vị sự nghiệp công lập thuộc phạm vi quản lý vào chức danh nghề nghiệp hạng III, hạng IV sau khi viên chức được tuyển dụng theo quy định của pháp luật.

c) Giải quyết theo thẩm quyền những vướng mắc trong quá trình bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương.

3. Người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ theo quy định tại Điểm a Khoản 2 Điều 9 Luật Viên chức phê duyệt phương án bổ nhiệm, quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương đối với viên chức vào chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở xuống thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

4. Ngay sau khi phê duyệt phương án bổ nhiệm, quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương theo phân cấp, Tổng cục trưởng, Cục trưởng Cục trực thuộc Bộ, người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ trực thuộc Bộ có trách nhiệm báo cáo kết quả bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp về Bộ theo quy định; người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ báo cáo cơ quan cấp trên trực tiếp theo quy định.

Điều 3. Các cơ quan, đơn vị thực hiện việc bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức phải bảo đảm tuân thủ các quy định về mã số, tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, bổ nhiệm và xếp lương theo chức danh nghề nghiệp đối với viên chức do cơ quan có thẩm quyền ban hành.

Điều 4. Cơ quan có thẩm quyền quản lý, sử dụng viên chức có trách nhiệm tạo điều kiện để viên chức bổ sung những tiêu chuẩn còn thiếu của chức danh nghề nghiệp theo quy định sau khi được bổ nhiệm từ ngạch viên chức hiện giữ sang chức danh nghề nghiệp tương ứng.

Điều 5. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, các Vụ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị trực thuộc Bộ và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Các Bộ, cơ quan ngang Bộ;
- Các Thứ trưởng;
- Đảng ủy Bộ GTVT;
- Công đoàn Cơ quan Bộ;
- Tổng cục, các Cục trực thuộc Bộ;
- Các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Bộ;
- Lưu: VT, TCCB (LA).

BỘ TRƯỞNG




Trương Quang Nghĩa