Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NINH

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3201/QĐ-UBND

Quảng Ninh, ngày 30 tháng 9 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT PHƯƠNG ÁN THÍ ĐIỂM QUẢN LÝ XE DU LỊCH TỰ LÁI HOẠT ĐỘNG QUA LẠI GIỮA THÀNH PHỐ MÓNG CÁI (VIỆT NAM) VÀ THÀNH PHỐ ĐÔNG HƯNG (TRUNG QUỐC) QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ MÓNG CÁI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NINH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13/11/2008;

Căn cứ Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ quy định về quản lý phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch;

Căn cứ Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan;

Căn cứ Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền;

Căn cứ ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ tại văn bản số 266/VPCP-HTQT của Văn phòng Chính phủ “V/v thí điểm hoạt động xe ô tô du lịch tự lái”;

Theo đề nghị của Sở Giao thông vận tải tại Tờ trình số 4507/TTr-SGTVT ngày 30/9/2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Phương án thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái (Phương án chi tiết kèm theo).

Điều 2. Trong thời gian thực hiện thí điểm, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm chủ trì phối hợp với các sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

Sau thời gian thực hiện thí điểm, Sở Giao thông vận tải thực hiện tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh để báo cáo Thủ tướng Chính phủ cho phép triển khai chính thức.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký đến hết ngày 11/01/2017.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở ngành: Giao thông vận tải, Du lịch, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh, Cục Hải quan tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái, Giám đốc Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ Hồng Gai và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Nơi nhận:
- Thủ tướng Chính phủ (báo cáo);
- Các bộ: CA, QP, TC, NG, GTVT, VHTT&DL (báo cáo);
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh (báo cáo);
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh (báo cáo);
- Như Điều 3;
- Sở Ngoại vụ;
- V0, V1, V2;
- DL1-2, GT1;
- Lưu: VT, DL1
LN.20-QĐ16.02

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Quang Tùng

 

PHƯƠNG ÁN

THÍ ĐIỂM QUẢN LÝ XE DU LỊCH TỰ LÁI HOẠT ĐỘNG QUA LẠI GIỮA THÀNH PHỐ MÓNG CÁI (VIỆT NAM) VÀ ĐÔNG HƯNG (TRUNG QUỐC) QUA CỬA KHẨU QUỐC TẾ MÓNG CÁI
(Kèm theo Quyết định số 3201/QĐ-UBND ngày 30/9/2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh)

1. Phạm vi hoạt động

a) Tại Việt Nam: Trong phạm vi thành phố Móng Cái nhưng không được vượt quá Trạm Kiểm soát liên hợp Km15, bến tàu Dân Tiến; xe không được hoạt động trên tuyến đường Quốc lộ 18C (đường vành đai biên giới) và các khu vực quân sự.

b) Tại Trung Quốc: Do phía bạn quy định.

2. Đơn vị thực hiện thí điểm (Sau đây gọi là đơn vị lữ hành)

a) Tại Việt Nam: Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Ninh chỉ định Công ty cổ phần du lịch và dịch vụ Hồng Gai thực hiện quản lý, khai thác thí điểm loại hình xe du lịch tự lái hoạt động qua lại giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) qua cửa khẩu quốc tế Móng Cái.

- Đơn vị được chỉ định ngoài việc khai thác dịch vụ, làm thủ tục cho các đoàn khách đi xe du lịch tự lái xuất cảnh du lịch còn phải nhận bàn giao danh sách đoàn khách từ đơn vị đối tác, quản lý du khách trong thời gian nhập cảnh du lịch.

b) Tại Trung Quốc: Do phía bạn quy định.

3. Trách nhiệm của Đơn vị lữ hành

3.1. Đối với các đoàn khách Việt Nam xuất cảnh du lịch sang Trung Quốc:

a) Dán lô gô trên các phương tiện thí điểm. Mẫu lô gô do đơn vị tự xây dựng, đăng ký với Sở Giao thông vận tải để đảm bảo tính thống nhất là cơ sở cho các lực lượng chức năng phối hợp kiểm soát.

b) Tổng hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải phương tiện tự lái qua lại biên giới Việt-Trung (sau đây gọi tắt là giấy phép vận tải) cho phương tiện.

c) Tổng hợp hồ sơ đề nghị thực hiện thủ tục hải quan tại cửa khẩu cho phương tiện.

d) Bàn giao cho đơn vị đối tác danh sách đoàn khách (sau khi đã xuất cảnh) để quản lý, tổ chức hướng dẫn cho du khách các nội dung cần thiết khi xuất cảnh du lịch bằng xe ô tô tự lái.

3.2. Đối với các đoàn khách Trung Quốc nhập cảnh vào Việt Nam du lịch:

a) Tiếp nhận bàn giao từ đơn vị đối tác danh sách các đoàn khách (sau khi đã xuất cảnh);

b) Cung cấp cho các cơ quan chức năng tại cửa khẩu các thông tin về phương tiện, đoàn khách nhập cảnh;

c) Tổ chức hướng dẫn, quản lý du khách trong thời gian nhập cảnh du lịch bằng xe ô tô tự lái;

d) Bố trí nhân viên thông thạo tiếng Trung Quốc ngồi trên xe đầu tiên để dẫn đường cho đoàn xe du lịch của Trung Quốc trong quá trình tham gia giao thông tại Móng Cái. Phương tiện đi đầu đoàn phải có lôgô hoặc cờ có biểu tượng của đơn vị lữ hành.

đ) Hỗ trợ phiên dịch cho các cơ quan hữu quan trong các trường hợp cần thiết.

3.3. Đơn vị lữ hành phải ký hợp đồng trọn gói theo chương trình du lịch với đối tác trong việc tổ chức cho đoàn khách du lịch sử dụng ô tô du lịch tự lái xuất cảnh và nhập cảnh Việt Nam. Chịu trách nhiệm quản lý khách từ khi đoàn nhập cảnh cho tới khi đoàn xuất cảnh và ngược lại.

4. Loại phương tiện, thời gian, hồ sơ và tổ chức quản lý đoàn xe ô tô tự lái nhập cảnh du lịch

a) Loại phương tiện: Ô tô con trọng tải từ 09 chỗ ngồi trở xuống thuộc sở hữu của cá nhân, doanh nghiệp đi tham quan du lịch;

b) Thời gian xe nhập cảnh, lưu hành: Không quá 3 ngày/1 lần cấp phép. Trường hợp bất khả kháng do phương tiện hỏng, tai nạn giao thông thì cấp gia hạn thêm tối đa 01 ngày;

c) Quy mô, nguyên tắc cấp phép xe tự lái xuất (nhập) cảnh du lịch:

- Quy mô: Số lượng tối thiểu 5 xe và không quá 20 xe cho mỗi đoàn.

- Tổng số xe nhập cảnh lưu hành ở mỗi bên không quá 100 xe/ngày; khi các xe ở các đoàn nhập cảnh du lịch lần trước đã xuất cảnh thì được cấp phép bổ sung cho đoàn khác nhập cảnh nhưng phải đảm bảo đảm bảo tổng số không quá 100 xe lưu hành/ngày ở mỗi bên.

5. Quy trình thực hiện đối với phương tiện

5.1. Phương tiện phải được cấp Giấy phép vận tải khi nhập cảnh, xuất cảnh du lịch, thực hiện theo quy trình:

a) Đơn vị lữ hành lập danh sách phương tiện, tổng hợp hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép vận tải cho phương tiện. Thành phần hồ sơ theo quy định tại Khoản 3, 4 Điều 3; Điểm b, c Khoản 1 Điều 4 Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04/11/2013 của Chính phủ, bao gồm:

- Đơn đề nghị cấp giấy phép vận tải.

- Danh sách xe kèm theo giấy đăng ký xe (bản sao chụp).

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường (bản sao chụp).

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự đối với người thứ ba còn giá trị trên lãnh thổ Việt Nam và Trung Quốc (bản sao chụp).

- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe mình điều khiển do nước mình cấp.

b) Gửi hồ sơ về Trạm quản lý vận tải quá cảnh đường bộ Việt Trung (cơ quan thuộc Sở Giao thông vận tải Quảng Ninh quản lý vận tải tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái, sau đây gọi tắt là “Trạm quản lý vận tải cửa khẩu”), đề nghị cấp Giấy phép vận tải cho các xe tự lái xuất cảnh du lịch.

c) Giấy phép vận tải thực hiện theo mẫu quy định tại Phụ lục 1 kèm theo.

d) Trạm quản lý vận tải cửa khẩu thực hiện:

- Trao đổi số lượng giấy phép vận tải với Trạm quản lý vận tải cửa khẩu đối lưu của Ty giao thông vận tải Quảng Tây - Trung Quốc để phục vụ công tác cấp giấy phép, quản lý song phương và phối hợp quản lý hoạt động xe tự lái sau khi xuất cảnh du lịch;

- Tiếp nhận, kiểm tra hồ sơ (do đơn vị lữ hành nộp), thực hiện cấp Giấy phép vận tải cho xe tự lái xuất cảnh du lịch;

- Phối hợp đơn vị lữ hành và các lực lượng chức năng quản lý các xe du lịch tự lái nhập cảnh du lịch.

đ) Thời gian giải quyết thủ tục: Trong ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ hợp lệ.

5.2. Xe ô tô du lịch tự lái khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phải thực hiện thủ tục hải quan tại cửa khẩu theo quy định của Luật Hải quan, Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/1/2015 của Chính phủ và Thông tư số 42/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ trưởng Bộ Tài chính. Quy trình thực hiện gồm:

a) Đơn vị lữ hành thực hiện khai báo tờ khai trên tờ khai hải quan để đề nghị cấp thủ tục hải quan cho xe ô tô du lịch tự lái nhập, xuất cảnh du lịch;

b) Thủ tục hải quan bao gồm các thủ tục đối với ô tô không nhằm mục đích thương mại khi xuất cảnh, nhập cảnh theo Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và biện pháp thi hành Luật Hải quan về thủ tục hải quan, kiểm tra, giám sát, kiểm soát hải quan.

c) Hồ sơ thủ tục hải quan thực hiện trên cơ sở vận dụng theo Điều 78 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 22/01/2015 của Chính phủ. Chi tiết theo Phụ lục 2 kèm theo.

d) Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái thực hiện kiểm tra, giám sát hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh theo trình tự quy định tại Điều 77 Nghị định số 08/2015/NĐ-CP ngày 21/01/2015 của Chính phủ.

đ) Mẫu tờ khai, hướng dẫn thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải đường bộ xuất cảnh, nhập cảnh theo quy định tại Chương III và mẫu số 1, 2 phụ lục 5 Thông tư số 42/2015/TT-BTC ngày 27/3/2015 của Bộ Tài chính “quy định về thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải xuất cảnh, nhập cảnh, quá cảnh”.

5.3. Xe ô tô du lịch tự lái khi xuất cảnh, nhập cảnh qua cửa khẩu phải thực hiện thủ tục theo quy định tại Điều 9 Nghị định số 112/2014/NĐ-CP ngày 21/11/2014 của Chính phủ quy định về quản lý cửa khẩu biên giới đất liền.

6. Quy trình thực hiện đối với du khách

Thực hiện theo các quy định hiện hành về xuất nhập cảnh đối với khách du lịch.

7. Trách nhiệm của người điều khiển phương tiện

a) Có giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển, hộ chiếu, thị thực (trừ trường hợp được miễn thị thực) hoặc các giấy tờ tương đương, phù hợp với thời gian nhập cảnh, du lịch;

b) Nắm được các quy tắc, điều kiện giao thông, phạm vi hoạt động và hệ thống biển báo ở nước sở tại (trong thời gian nhập cảnh).

c) Chấp hành đúng quy định của pháp luật về giao thông đường bộ của nước sở tại;

d) Khi xe lưu hành phải mang theo các giấy tờ sau:

- Hộ chiếu còn giá trị sử dụng ít nhất 06 tháng kể từ ngày nhập cảnh hoặc các giấy tờ xuất nhập cảnh hợp pháp khác có giá trị thay thay hộ chiếu, còn hiệu lực;

- Giấy phép lái xe phù hợp với loại xe điều khiển;

- Giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường đối với xe cơ giới (đối với xe ô tô);

- Giấy đăng ký xe do cơ quan có thẩm quyền của quốc gia đăng ký xe cấp và còn hiệu lực;

- Giấy chứng nhận bảo hiểm trách nhiệm dân sự của chủ xe cơ giới có giá trị tại Việt Nam;

- Chứng từ tạm nhập phương tiện.

8. Tổ chức thực hiện

a) Sở Giao thông vận tải:

Thường trực triển khai thí điểm quản lý xe du lịch tự lái hoạt động qua lại song phương giữa Móng Cái (Việt Nam) và Đông Hưng (Trung Quốc) tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái;

Chỉ đạo Trạm quản lý vận tải quá cảnh đường bộ Việt Trung (cơ quan quản lý vận tải tại cửa khẩu):

- Trao đổi với Trạm quản lý vận tải quá cảnh đường bộ Việt Trung thuộc Ty Giao thông vận tải Quảng Tây (Trung Quốc) về số lượng Giấy phép vận tải phương tiện tự lái qua lại biên giới Việt-Trung (Phụ lục 1 kèm theo) để phục vụ công tác cấp phép;

- Tiếp nhận hồ sơ, giải quyết cấp giấy phép, thực hiện quản lý các phương tiện xuất, nhập cảnh du lịch theo quy định tại Mục 5.1.

- Là cơ quan chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan trong xử lý các tình huống phát sinh khi tổ chức thí điểm xe du lịch tự lái; phối hợp với các cơ quan chức năng Trung Quốc giải quyết các tình huống phát sinh đối với hoạt động xe ô tô tự lái Việt Nam sang Đông Hưng (Trung Quốc).

b) Công an Tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Công an xử lý nghiêm các hành vi vi phạm về trật tự, an toàn giao thông cũng như các quy định khác về an ninh, trật tự có liên quan đến việc tổ chức triển khai thực hiện Phương án thí điểm.

c) Cục Hải quan tỉnh: Chỉ đạo lực lượng Hải quan tại cửa khẩu quốc tế Móng Cái thực hiện thủ tục hải quan tại cửa khẩu đối với các xe du lịch tự lái xuất, nhập cảnh theo quy định tại Mục 5.2.

d) Bộ chỉ huy bộ đội biên phòng tỉnh:

- Chỉ đạo Đồn Biên phòng cửa khẩu quốc tế Móng Cái chủ trì thực hiện thủ tục biên phòng và công tác kiểm tra, kiểm soát, giám sát đối với người, xe ô tô du lịch tự lái xuất nhập cảnh qua cửa khẩu;

- Chỉ đạo các Đồn Biên phòng chủ trì phối hợp với các lực lượng chức năng đảm bảo an ninh trật tự trong hoạt động của xe ô tô du lịch tự lái tại khu vực biên giới; phối hợp xử lý tình hình, vụ việc phát sinh liên quan đến hoạt động xe ô tô du lịch tự lái theo chức năng, nhiệm vụ quy định.

đ) Sở Du lịch:

- Thực hiện công tác quản lý Nhà nước về du lịch đối với việc thí điểm xe du lịch tự lái;

- Hướng dẫn đơn vị lữ hành trong việc thực hiện các nội dung có liên quan; trao đổi với cơ quan quản lý nhà nước về du lịch phía Trung Quốc tạo thuận lợi cho việc triển khai thí điểm xe du lịch tự lái.

e) Sở Y tế: Chỉ đạo lực lượng kiểm dịch làm việc tại cửa khẩu thực hiện kiểm tra, giám sát công tác kiểm dịch khi xuất, nhập cảnh du lịch.

f) Ủy ban nhân dân thành phố Móng Cái:

Bố trí mặt bằng, khu vực để tập kết, làm thủ tục cho xe du lịch tự lái; địa điểm cụ thể do đơn vị lữ hành đề xuất.

Trao đổi, phối hợp với chính quyền thành phố Đông Hưng (tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) tạo thuận lợi cho việc triển khai thí điểm xe du lịch tự lái.

Chỉ đạo các lực lượng chức năng trực thuộc thực hiện quản lý nhà nước đối với công tác quản lý du khách trong thời gian nhập cảnh, tham quan du lịch theo quy định.

9. Trong quá trình tổ chức thực hiện, nếu phát sinh những vấn đề mới, chưa phù hợp với thực tiễn và yêu cầu quản lý, Sở Giao thông vận tải có trách nhiệm tổng hợp đề xuất báo cáo Ủy ban nhân dân Tỉnh xem xét, điều chỉnh, bổ sung.

 

PHỤ LỤC 1

MẪU GIẤY PHÉP VẬN TẢI

GHI CHÚ

- Phương tiện du lịch tự lái giữa thành phố Móng Cái (Việt Nam) và thành phố Đông Hưng (Trung Quốc) phải có giấy phép vận tải phương tiện tự lái qua lại biên giới Việt - Trung, xe được phép đi ở khu vực hai bên đã nhất trí.

- Giấy phép này viết bằng tiếng Việt và tiếng Trung. Xe ô tô phải mang theo giấy phép này và phải chịu sự kiểm tra, kiểm soát của cơ quan có thẩm quyền.

- Giấy phép này chỉ dành riêng cho phương tiện du lịch tự lái, không thay cho giấy phép vận tải đường bộ trong nước của mỗi nước và không được chuyển nhượng cho người thứ ba sử dụng.

- Phương tiện du lịch tự lái hoạt động trên lãnh thổ hai nước Việt - Trung phải tuân theo pháp quy, luật pháp quốc gia và quy tắc giao thông của nước bên kia.

 

PHỤ LỤC 2

THỦ TỤC HẢI QUAN CỦA XE Ô TÔ DU LỊCH TỰ LÁI
(Vận dụng quy định theo Điều 78 Nghị định 08/2015/NĐ-CP):

1. Hồ sơ hải quan đối với ô tô nhập cảnh (ô tô nước ngoài tạm nhập, ô tô Việt Nam tái nhập) theo hiệp định song phương giữa Việt Nam với các nước có chung biên giới, người khai hải quan nộp và xuất trình các giấy tờ sau:

a) Giấy phép vận tải: Xuất trình bản chính;

b) Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô nước ngoài tạm nhập: Xuất trình bản chính;

c) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất: Xuất trình 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập có xác nhận tạm xuất của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm xuất: Nộp 01 bản chính.

2. Hồ sơ hải quan đối với ô tô nước ngoài có tay lái ở bên phải quy định tại Nghị định số 80/2009/NĐ-CP ngày 01 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ và phương tiện cơ giới do người nước ngoài đưa vào Việt Nam du lịch quy định tại Nghị định số 152/2013/NĐ-CP ngày 04 tháng 11 năm 2013 của Chính phủ:

a) Giấy phép vận tải: Xuất trình bản chính;

b) Giấy đăng ký phương tiện: Xuất trình bản chính;

c) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất: Xuất trình bản chính.

3. Hồ sơ hải quan đối với ô tô xuất cảnh (ô tô Việt Nam tạm xuất, ô tô nước ngoài tái xuất), người khai hải quan nộp hoặc xuất trình các giấy tờ sau:

a) Giấy phép vận tải: Xuất trình bản chính;

b) Giấy đăng ký phương tiện đối với ô tô Việt Nam tạm xuất: Xuất trình bản chính;

c) Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm xuất - tái nhập: Xuất trình 01 bản chính; hoặc Tờ khai phương tiện vận tải đường bộ tạm nhập - tái xuất có xác nhận tạm nhập của Chi cục Hải quan cửa khẩu làm thủ tục tạm nhập: Nộp 01 bản chính.

4. Cơ quan hải quan thực hiện thủ tục kiểm tra, giám sát hải quan theo quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 77 Nghị định 08/2015/NĐ-CP.

 

PHỤ LỤC 3

THỦ TỤC KIỂM TRA, GIÁM SÁT HẢI QUAN ĐỐI VỚI Ô TÔ XUẤT CẢNH, NHẬP CẢNH
(Theo Điều 77 Nghị định 08/2015/NĐ-CP)

1. Thủ tục hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh

a) Cơ quan hải quan tiếp nhận hồ sơ hải quan.

b) Cơ quan hải quan thực hiện quản lý rủi ro để kiểm tra hồ sơ, kiểm tra thực tế, xác nhận tạm nhập, tái xuất hoặc tạm xuất, tái nhập đối với ô tô nhập cảnh, xuất cảnh.

2. Giám sát hải quan đối với ô tô xuất cảnh, nhập cảnh

a) Trong địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan hải quan chủ trì và sử dụng phương tiện kỹ thuật để giám sát ô tô nhập cảnh, xuất cảnh.

b) Ngoài địa bàn hoạt động hải quan, cơ quan công an chủ trì, phối hợp các Bộ, ngành liên quan tổ chức kiểm tra, giám sát ô tô nhập cảnh, xuất cảnh.

3. Trường hợp thực hiện kiểm tra một cửa, một lần dùng thực hiện theo quy định thủ tục hải quan một cửa, một điểm dừng; hoặc chế độ một cửa quốc gia.

4. Bộ trưởng Bộ Tài chính ban hành mẫu tờ khai hải quan, hướng dẫn thủ tục hải quan đối với phương tiện vận tải đường bộ xuất cảnh, nhập cảnh.