Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3249/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 17 tháng 12 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ ban hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 34/2011/TTLT-BTTTT-BNG ngày 24/11/2011 của Bộ Thông tin và Truyền thông và Bộ Ngoại giao hướng dẫn việc phối hợp thi hành Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại, ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Thông tin và Truyền thông tại Tờ trình số 1086/TTr-STTTT ngày 11/9/2013 và của Giám đốc Sở Nội vụ tại Công văn số 2532/SNV-TCBC ngày 06/12/2013,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế phối hợp thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các sở, thủ trưởng các ban, ngành trực thuộc tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3 (để thi hành);
- Cục Thông tin đối ngoại – Bộ TTTT;
- Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy;
- Lưu: VT, NN, QP.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Xuân Thân

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP THỰC HIỆN QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH KHÁNH HÒA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3249/QĐ-UBND ngày 17/12/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định mối quan hệ phối hợp trong công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại và trong việc triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây gọi là Ủy ban nhân dân cấp huyện).

2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các cơ quan, đơn vị, cá nhân tham gia quản lý nhà nước và thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

Điều 2. Nguyên tắc phối hợp

1. Dựa trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ và quyền hạn của từng sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để chủ động thực hiện Quy chế phối hợp này.

2. Tuân thủ Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Việc phối hợp được tiến hành trên cơ sở yêu cầu của công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trong từng thời gian, địa bàn và lĩnh vực cụ thể.

4. Kịp thời, hiệu quả, tuân thủ chế độ bảo mật của mỗi cơ quan.

5. Đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, khách quan, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau trong quá trình phối hợp.

Điều 3. Nội dung phối hợp

Triển khai thực hiện những nội dung quy định tại Điều 4 Quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại ban hành kèm theo Quyết định số 79/2010/QĐ-TTg ngày 30/11/2010 của Thủ tướng Chính phủ.

Điều 4. Hình thức phối hợp

1. Trao đổi thông tin, báo cáo, thông qua văn bản và các phương tiện thông tin liên lạc.

2. Tổ chức cuộc họp, hội nghị, hội thảo để bàn bạc, thống nhất kế hoạch phối hợp.

3. Tổ chức các đoàn thanh tra, kiểm tra liên ngành, cử cán bộ tham gia vào các hoạt động thanh tra, kiểm tra và xử lý đối với các hành vi vi phạm pháp luật về thông tin đối ngoại.

4. Thông báo hoặc chuyển hồ sơ cho cơ quan có liên quan để xử lý các vi phạm về thông tin đối ngoại.

5. Cung cấp thông tin theo yêu cầu của cơ quan, đơn vị khác về những vấn đề có liên quan đến chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan, đơn vị mình.

6. Khảo sát, điều tra.

7. Định kỳ thực hiện sơ kết, tổng kết đánh giá hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm để đề ra kế hoạch hoạt động thông tin đối ngoại năm tiếp theo, đồng thời khen thưởng, kỷ luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh.

Chương 2.

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN, ĐƠN VỊ TRONG CÔNG TÁC QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ THÔNG TIN ĐỐI NGOẠI

Điều 5. Sở Thông tin và Truyền thông

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan thực hiện chức năng quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại.

2. Xây dựng, trình Ủy ban nhân dân tỉnh các văn bản chỉ đạo điều hành về thông tin đối ngoại và tổ chức thực hiện các văn bản đã ban hành theo thẩm quyền.

3. Phối hợp với Sở Ngoại vụ và các cơ quan liên quan thống nhất về chủ trương, nội dung cung cấp thông tin cho báo chí nước ngoài, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài và cộng đồng quốc tế theo quy định của pháp luật.

4. Hướng dẫn nội dung thông tin đối ngoại cho các cơ quan thông tấn, báo chí trong nước hoạt động trên địa bàn tỉnh.

5. Đôn đốc việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

6. Thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo và kiến nghị xử lý theo thẩm quyền các vi phạm pháp luật về thông tin đối ngoại.

7. Tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện kế hoạch thông tin đối ngoại của các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện.

8. Đề xuất thi đua khen thưởng, kỷ luật đối với các cơ quan, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại của tỉnh.

Điều 6. Sở Ngoại vụ

1. Phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông quản lý hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

2. Triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại, theo dõi, nghiên cứu, tổng hợp dư luận báo chí trong nước phục vụ thông tin đối ngoại của tỉnh. Chủ động đối thoại, tiếp xúc, thông báo với các cơ quan đại diện, tổ chức nước ngoài đến thăm và làm việc tại tỉnh về một số vụ việc, giúp họ hiểu rõ thực chất tình hình, tranh thủ sự đồng tình ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

3. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông và các cơ quan liên quan chuẩn bị nội dung cho lãnh đạo tỉnh trả lời phỏng vấn theo đề nghị của phóng viên nước ngoài những vấn đề liên quan đến hoạt động đối ngoại của tỉnh; tham mưu cho UBND tỉnh về phát ngôn quan điểm, lập trường chính thức của tỉnh về vấn đề đối ngoại.

4. Chủ trì, phối hợp với đơn vị có liên quan đề xuất với Ủy ban nhân dân tỉnh cho phép các đoàn phóng viên nước ngoài vào hoạt động tại tỉnh; hướng dẫn và quản lý hoạt động của các đoàn phóng viên nước ngoài trong quá trình hoạt động tại địa phương theo đúng Nghị định số 88/2012/NĐ-CP ngày 23/10/2012 của Chính phủ về hoạt động thông tin, báo chí của báo chí nước ngoài, cơ quan đại diện nước ngoài, tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

5. Phối hợp với các sở, ngành, địa phương liên quan hướng dẫn báo chí trong nước đưa tin về hoạt động đối ngoại của lãnh đạo tỉnh và phối hợp hướng dẫn đưa tin về tình hình quốc tế, tin trong nước liên quan đến hoạt động đối ngoại của tỉnh.

6. Tổ chức tập huấn, bồi dưỡng nghiệp vụ, ngoại ngữ cho các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động thông tin đối ngoại.

7. Cung cấp thông tin cho Cổng Thông tin điện tử tỉnh về tình hình quản lý hoạt động của các khoản viện trợ thuộc các chương trình hoặc dự án nhân đạo, phát triển và viện trợ khẩn cấp của các tổ chức phi chính phủ nước ngoài giúp địa phương theo quy định của pháp luật.

8. Chủ trì thực hiện công tác thông tin đối ngoại với người Việt Nam ở nước ngoài; phối hợp các hoạt động thông tin đối ngoại với công tác về người Việt Nam ở nước ngoài.

9. Chủ trì thực hiện công tác thông tin đối ngoại đối với các cơ quan đại diện ngoại giao nước ngoài tại Việt Nam và cơ quan ngoại giao Việt Nam ở nước ngoài.

Điều 7. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai các hoạt động thông tin đối ngoại thông qua hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể thao và du lịch. Tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, con người Khánh Hòa tại các khu, điểm du lịch của tỉnh, tại các hội thảo, hội chợ xúc tiến du lịch trong và ngoài nước và qua các ấn phẩm về du lịch.

2. Xây dựng các chương trình văn hóa, nghệ thuật đặc sắc của địa phương Khánh Hòa đưa ra nước ngoài biển diễn tại các nước có mối quan hệ hợp tác, thông qua các hoạt động tham gia hội chợ, triển lãm quốc tế về thương mại, du lịch,… để giới thiệu và thu hút sự quan tâm của nhân dân các nước đối với tỉnh Khánh Hòa.

3. Chỉ đạo các đơn vị kinh doanh du lịch, ban quản lý các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh thực hiện thông tin quảng bá, tuyên truyền về lịch sử, văn hóa, danh lam, thắng cảnh, con người Khánh Hòa, về biển đảo Khánh Hòa, đặc biệt là 02 quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và những chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước nói chung và của tỉnh Khánh Hòa nói riêng thông qua hoạt động hướng dẫn du lịch và bằng các hình thức thích hợp.

Điều 8. Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan biên soạn và phát hành các tài liệu chính thức giới thiệu về tiềm năng thu hút đầu tư của tỉnh bằng tiếng nước ngoài (Anh, Pháp, Nga, …).

2. Hàng quý, cung cấp thông tin cho Cổng Thông tin điện tử tỉnh về tình hình thu hút đầu tư trong và ngoài nước, nguồn vốn ODA, FDI.

3. Thông tin thường xuyên trên trang thông tin điện tử của ngành về những thành tựu của đất nước, những tiềm năng, lợi thế của tỉnh, chú trọng thông tin cho đối tượng người Việt Nam ở nước ngoài và người nước ngoài đang có nhu cầu tìm hiểu thị trường và có ý định đầu tư vào Việt Nam.

Điều 9. Sở Tài chính

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan, đơn vị có liên quan thẩm định dự toán ngân sách hàng năm bố trí cho việc thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại, trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định.

2. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn các cơ quan, đơn vị có liên quan xây dựng định mức, dự toán kinh phí cho các hoạt động thông tin đối ngoại; quản lý, sử dụng, thanh quyết toán kinh phí theo đúng quy định hiện hành của Nhà nước.

Điều 10. Công an tỉnh

1. Chủ trì, phối hợp với Sở Thông tin và Truyền thông hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, tổ chức, cá nhân có liên quan chấp hành các quy định của pháp luật về bảo vệ bí mật Nhà nước trong hoạt động thông tin đối ngoại.

2. Tham gia việc xây dựng, bổ sung, sửa đổi quy chế quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại trên địa bàn tỉnh.

3. Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại, chủ động phát hiện, đề xuất biện pháp và phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan trong công tác đấu tranh phản bác các thông tin sai, xuyên tạc, chống phá Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và tỉnh Khánh Hòa.

4. Thực hiện tốt chức năng Văn phòng thường trực Ban chỉ đạo Nhân quyền tỉnh trong hoạt động thông tin đối ngoại.

Điều 11. Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh

1. Chủ động phối hợp với các cơ quan báo chí trong tỉnh xây dựng chuyên trang, chuyên mục về chủ quyền biên giới và lãnh thổ quốc gia.

2. Theo dõi, tổng hợp diễn biến thông tin đối ngoại, kịp thời đề xuất chủ trương, biện pháp phản bác các thông tin, luận điệu sai trái làm ảnh hưởng đến uy tín, hình ảnh của tỉnh.

Điều 12. Báo Khánh Hòa, Đài Phát thanh – Truyền hình Khánh Hòa và trang thông tin điện tử của các sở, ngành, địa phương trong tỉnh

1. Tăng cường số lượng và chất lượng tin, bài, chuyên mục, chuyên đề, các hình thức khác trong việc tuyên truyền về đường lối, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, nhất là về đường lối đối ngoại của nước ta, về vấn đề hợp tác, hội nhập, về chủ quyền biên giới, lãnh thổ quốc gia, quảng bá hình ảnh vùng đất, lịch sử, văn hóa, du lịch, con người Khánh Hòa.

2. Kiên quyết đấu tranh phản bác các quan điểm sai trái, các thông tin xuyên tạc, bóp méo, sai sự thật một cách kịp thời, hiệu quả, đồng thời tuyên truyền nâng cao nhận thức cho cán bộ, đảng viên, nhân dân và bạn bè quốc tế hiểu rõ quan điểm của Đảng và Nhà nước về vấn đề Biển Đông, không để ảnh hưởng đến mối quan hệ ngoại giao, giữ vững ổn định, hòa bình trong khu vực và của đất nước.

Điều 13. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Tổ chức thực hiện các hoạt động thông tin đối ngoại đã được Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt; chủ động xây dựng hoạt động thông tin đối ngoại hàng năm của địa phương.

2. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mình, chịu trách nhiệm quản lý hoạt động thông tin đối ngoại tại địa phương, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn và Ủy ban nhân dân cấp xã trực tiếp thực hiện quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại; phối hợp với Sở Ngoại vụ trong việc quản lý hoạt động của phóng viên nước ngoài trên địa bàn.

3. Thực hiện thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, kiến nghị và xử lý theo thẩm quyền đối với hành vi vi phạm pháp luật về hoạt động thông tin đối ngoại trên địa bàn quản lý.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 14. Điều khoản thi hành

1. Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai tổ chức thực hiện Quy chế; thường xuyên theo dõi, kiểm tra, đôn đốc và tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh theo định kỳ hoặc đột xuất về tình hình thực hiện Quy chế.

2. Giám đốc các sở, Thủ trưởng các ban, ngành có liên quan, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm triển khai thực hiện Quy chế này và báo cáo tình hình quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại cho Sở Thông tin và Truyền thông trước ngày 20/11 hàng năm để tổng hợp, báo cáo Bộ Thông tin và Truyền thông, Ủy ban nhân dân tỉnh.

Tháng 7 hàng năm, các sở, ban, ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện xây dựng kế hoạch công tác quản lý nhà nước về thông tin đối ngoại của năm sau theo nhiệm vụ được giao, kèm dự trù kinh phí gửi về Sở Thông tin và Truyền thông tổng hợp trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt.

3. Trong quá trình tổ chức thực hiện Quy chế, nếu phát hiện có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan, đơn vị phản ánh về Sở Thông tin và Truyền thông để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.