Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ Y TẾ
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 3271/2005/QĐ-BYT

Hà Nội, ngày 08 tháng 09 năm 2005 

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ LÀM VIỆC CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH BỘ Y TẾ

BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ

Căn cứ Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Y tế;
Căn cứ Quyết định số 136/2001/QĐ-TTg ngày 17/9/2001 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010;
Căn cứ Kế hoạch số 2548/KH-BYT ngày 19/4/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính ngành Y tế đến năm 2010;
Căn cứ Quyết định số 1734/QĐ-BYT ngày 19/5/2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế về việc thành lập Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế;
Theo đề nghị của ông Chánh Văn phòng và Vụ trưởng Vụ Pháp chế Bộ Y tế,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế làm việc của Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký, ban hành.

Điều 3. Các ông, bà: thành viên Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế, Thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ, Giám đốc Sở Y tế các tỉnh thành phố chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

BỘ TRƯỞNG



 
Trần Thị Trung Chiến

QUY CHẾ LÀM VIỆC

CỦA BAN CHỈ ĐẠO CẢI CÁCH HÀNH CHÍNH BỘ Y TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3271/QĐ-BYT, ngày 08 tháng 9 năm 2005 của Bộ trưởng Bộ Y tế)

Chương 1:

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế (sau đây gọi tắt là Ban Chỉ đạo) được thành lập theo Quyết định số 1734/QĐ-BYT ngày 19 tháng 5 năm 2004 của Bộ trưởng Bộ Y tế. Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ:

1.Chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính trong các đơn vị trực thuộc Bộ Y tế đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

2. Phối hợp với các bộ, ngành, địa phương chỉ đạo thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính ngành y tế theo kế hoạch đã đề ra.

Điều 2. Nguyên tắc phân công trách nhiệm

1. Trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về việc chỉ đạo thực hiện các nhiệm vụ cải cách hành chính của ngành y tế.

2. Phó trưởng Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạovề các nhiệm vụ được phân công, trong đó tập trung chỉ đạo các đơn vị của Bộ Y tế xây dựng, triển khai, giám sát thực hiện Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính ngành y tế.

3. Các thành viên Ban Chỉ đạo chịu trách nhiệm trước Trưởng Ban Chỉ đạo về các nhiệm vụ được phân công và tham gia vào các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo.

Điều 3. Đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo

1. Đơn vị thường trực đặt tại Văn phòng Bộ, Ban chủ nhiệm Tiểu dự án “Hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính Ngành y tế” thuộc dự án thành phần PMC của Chương trình Hợp tác Y tế Việt Nam-Thụy Điển theo Quyết định số 2223/QĐ-BYT ngày 29 tháng 6 năm 2004 và Quyết định số 3582/QĐ-BYT ngày 12 tháng 10 năm 2004 có trách nhiệm giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

2. Ban Chỉ đạo giao cho Đơn vị thường trực làm đầu mối để thành lập các nhóm chuyên gia cộng tác trong hoặc ngoài nước, xây dựng nhóm nghiên cứu chuyên đề về cải cách hành chính để giúp việc cho Ban Chỉ đạo.

Chương 2:

PHÂN CÔNG TRÁCH NHIỆM

Điều 4. Bộ trưởng, Trưởng Ban Chỉ đạo

1. Lãnh đạo, chỉ đạo chung việc triển khai thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2001-2010 và Kế hoạch cải cách hành chính của ngành y tế giai đoạn đến năm 2010 và những năm tiếp theo.Điều hành hoạt động của Ban Chỉ đạo, phân công nhiệm vụ cho mỗi thành viên Ban Chỉ đạo. Chủ trì và kết luận các cuộc họp của Ban Chỉ đạo.

2. Quyết định những vấn đề thuộc phạm vi chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Ban Chỉ đạo.

3. Báo cáo định kỳ hoặc đột xuất Thủ tướng Chính phủ và Ban Chỉ đạo cải cách hành chính của Chính phủ về kết quả thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính trong ngành y tế.

4. Thực hiện các nhiệm vụ khác được giao theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Cải cách hành chính Chính phủ.

Điều 5. Thứ trưởng, Phó Trưởng Ban Chỉ đạo

1. Giúp Trưởng Ban trực tiếp chỉ đạo, điều phối các hoạt động chung của Ban Chỉ đạo nhằm triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch cải cách hành chính của Bộ Y tế.

2. Thay mặt Trưởng Ban xử lý công việc thường kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo. Triệu tập và chủ trì các cuộc họp định kỳ và đột xuất của Ban Chỉ đạo,tham dự các cuộc họp với Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Chính phủ khi Trưởng Ban vắng mặt và uỷ quyền.

3. Chỉ đạo hoạt động của Đơn vị thường trực giúp việc cho Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế.

4. Báo cáo Trưởng Ban Chỉ đạo các công việc đã được giải quyết, đề xuất xin ý kiến chỉ đạo, xử lý những vấn đề mới phát sinh.

Điều 6. Chánh Văn phòng, Uỷ viên Thường trực Ban Chỉ đạo

1. Giúp việc Lãnh đạo Ban Chỉ đạo cải cách hành chính Bộ Y tế nhằm triển khai thực hiện chương trình, kế hoạch công tác của Ban Chỉ đạo gồm:

a) Điều phối, xử lý công việc thường xuyên và đột xuất của Ban Chỉ đạo theo sự phân công của Trưởng Ban và Phó trưởng Ban Chỉ đạo;

b) Chuẩn bị nội dung, tổ chức các cuộc họp của Ban Chỉ đạo với các Bộ, ngành, địa phương về công tác cải cách hành chính trong ngành y tế;

c) Dự thảo các văn bản, các báo cáo sơ kết, tổng kết định kỳ, thông báo kết luận và ý kiến chỉ đạo của Trưởng Ban Chỉ đạo về công tác cải cách hành chính trong ngành y tế.

2. Chủ trì và làm đầu mối phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và thực hiện Đề án cải cách thủ tục hành chính trong ngành y tế.

3. Trực tiếp điều hành hoạt động của Đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Điều 7. Vụ trưởng Vụ Tổ chức- Cán bộ, Uỷ viên Ban Chỉ đạo

1. Chủ trì và phối hợp với các cơ quan có liên quan xây dựng kế hoạch và triển khai hoạt độngnội dung cải cách tổ chức bộ máy và nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức của ngành y tế gồm:

a) Xây dựng trình Lãnh đạo Bộ duyệt và chỉ đạo triển khai thực hiện khi được phê duyệt Quy hoạch hệ thống tổ chức ngành y tế. Xây dựng đề án về sắp xếp hệ thống tổ chức y tế trung ương và địa phương theo Nghị định số 49/2003/NĐ-CP ngày 15/5/2003 của Chính phủ;

b) Xây dựng chức năng, nhiệm vụ, mối quan hệ công tác và làm rõ thẩm quyền của mỗi đơn vị, của từng cấp, từng tổ chức trong ngành y tế;

c) Xây dựng Đề án phân cấp quản lý nhà nước về y tế giữa Bộ Y tế với Chính quyền địa phương để trình Bộ Nội vụ phê duyệt. Phân cấp quản lý về tổ chức-cán bộ và nhiệm vụ chuyên môn giữa Bộ Y tế với các đơn vị trực thuộc Bộ. Phân công các vụ, cục thuộc Bộ Y tế theo dõi, quản lý về chuyên môn nghiệp vụ đối với Hội nghề nghiệp thuộc lĩnh vực vụ, cục phụ trách;

d) Xây dựng đề án cải cách nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chứcvà đổi mới công tác quản lý, sử dụng, đánh giá chất lượng cán bộ công chức viên chức y tế;

đ) Phối hợp với Vụ chủ trì là Vụ Khoa học-Đào tạo và các đơn vị có liên quan thuộc cơ quan Bộ xây dựng Quy hoạch, Kế hoạch đào tạo nguồn nhân lực y tế; xây dựng Đề án đổi mới, cải cách chương trình và phương thức đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công chức viên chức y tế; xây dựng Kế hoạch đào tạo nhân tài ngành y tế;

e) Chủ trì, phối hợp với Vụ Pháp chế và Công đoàn Y tế Việt Nam xây dựng Đề án tuyên truyền giáo dục nâng cao y đức của cán bộ y tế nhất là cán bộ làm việc trong các cơ sở khám chữa bệnh và xây dựng chính sách đãi ngộ, khen thưởng và kỷ luật hợp lý đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành y tế.

2. Tham gia đầy đủ các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo giao.

Điều 8.Vụ trưởng Vụ Pháp chế, Uỷ viên Ban Chỉ đạo

1. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng và hoàn thiện Đề án cải cách thể chế trong quản lý nhà nước về y tế gồm:

a) Xây dựng và triển khai Kế hoạch tổng thể các văn bản quy phạm pháp luật cần ban hành, sửa đổi, bổ sung đến năm 2010 và nhu cầu đến năm 2020;

b) Cải cách và giám sát quy trình xây dựng và ban hành văn bản quy phạm pháp luật về y tế;

c) Xây dựng và triển khai kế hoạch tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến, giáo dục và tổ chức thực thi pháp luật về y tế.

2. Tham mưu, đề xuất Lãnh đạo Ban Chỉ đạo các vấn đề mới nảy sinh liên quan đến đổi mới và cải cách thể chế trong quản lý nhà nước về y tế, trừ vấn đề cải cách thủ tục hành chính.

3. Tham gia đầy đủ các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo giao.

Điều 9. Vụ trưởng Vụ Kế hoạch- Tài chính, Uỷ viên Ban Chỉ đạo

1. Chủ trì và phối hợp với các đơn vị có liên quan xây dựng Đề án đổi mới và hoàn thiện các chính sách tài chính y tế gồm:

a) Xây dựng và đề xuất các giải pháp bảo đảm nguồn ngân sách chi cho ngành y tế đạt hiệu quả cao;

b) Xây dựng và tổ chức thực hiện Đề án xã hội hoá công tác bảo vệ, chăm sóc và nâng cao sức khoẻ nhân dân nhằm triển khai Nghị quyết của Chính phủ số 05/2005/NQ-CP ngày 18 tháng 4 năm 2005 về đẩy mạnh xã hội hoá các hoạt động giáo dục, y tế, văn hoá và thể dục thể thao, trong đó đảm bảo thu hút nguồn lực trong nước và nước ngoài tham gia đầu tư vào các dịch vụ y tế, kể cả kỹ thuật cao;

c) Tổng hợp, báo cáo Lãnh đạo Bộ về nhu cầu kinh phí từ nguồn ngân sách nhà nước cấp năm 2006 và 2006-2010 cho Chương trình cải cách hành chính của ngành y tế.

2. Tham gia đầy đủ các buổi họp định kỳ hoặc đột xuất và thực hiện các nhiệm vụ khác do Trưởng, Phó Ban Chỉ đạo giao.

Điều 10. Các thành viên khác của Ban Chỉ đạo có trách nhiệm

1. Thực hiện nhiệm vụ theo sự phân công của Trưởng Ban, Phó trưởng Ban Chỉ đạo, và chịu trách nhiệm trước Ban Chỉ đạo về việc xây dựng và triển khai thực hiện Đề án đổi mới, cải cách về lĩnh vực công tác, chuyên môn do đơn vị phụ trách.

2. Tham dự đầy đủ các cuộc họp Ban Chỉ đạo định kỳ hoặc đột xuất do Lãnh đạo Ban Chỉ đạo tổ chức.

3. Đóng góp ý kiến vào các vấn đề mà Lãnh đạo Ban Chỉ đạo yêu cầu đúng thời hạn.

4. Thành viên Ban Chỉ đạo có nhiệm vụ đôn đốc, theo dõi, giám sát tiến độ triển khai, báo cáo kết quả thực hiện nội dung cải cách hành chính trong các đơn vị và lĩnh vực được phân công.

Điều 11. Nhiệm vụ của Đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo gồm:

1. Làm đầu mối phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng các kế hoạch và triển khai cải cách hành chính của ngành y tế. Dự thảo cácbáo cáo đánh giá tổng thể hoặc chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo Cải cách Chính phủ để trình Ban Chỉ đạo.

2. Theo dõi, giám sát việc thực hiện Chương trình tổng thể cải cách hành chính của nhà nước và Kế hoạch tổng thể cải cách hành chính của ngành y tế đến năm 2010 để đề xuất, báo cáo Ban Chỉ đạo.

3. Làm đầu mối giúp Ban Chỉ đạo xin ý kiến các bộ, ngành, địa phương về các vấn đề cụ thể của ngành y tế. Giúp Ban Chỉ đạo mời các chuyên gia quản lý, nhà khoa học trong và ngoài nước về cải cách hành chính làm cộng tác viên, xây dựng các nhóm nghiên cứu chuyên đề theo yêu cầu của Ban Chỉ đạo.

4. Tổ chức triển khai và báo cáo hoạt động của Tiểu dự án “ Hỗ trợ thực hiện cải cách hành chính Ngành y tế” do Chương trình Hợp tác y tế Việt Nam- Thụy Điển tài trợ với Lãnh đạo Ban Chỉ đạo.

Chương 3:

CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC VÀ QUAN HỆ CÔNG TÁC

Điều 12. Ban Chỉ đạo làm việc theo chế độ làm việc kiêm nhiệm; họp định kỳ mỗi Quý một lần vào ngày thứ sáu của tuần cuối cùng, tháng cuối của mỗi quý; họp đột xuất theo yêu cầu của Trưởng Ban hoặc Phó Trưởng Ban.

Điều 13. Đơn vị thường trực giúp việc đặt tại Văn phòng Bộ Y tế thực hiện chế độ làm việc thường trực, dự trù và thực hiện kinh phí, mua sắm các phương tiện làm việc theo kế hoạch đã được phê duyệt cho Ban Chỉ đạo và Đơn vị thường trực giúp việc Ban Chỉ đạo.

Điều 14. Ban Chỉ đạo làm việc với các bộ, ngành, địa phương để xin ý kiến tham gia các vấn đề cụ thể về cải cách hành chính có liên quan đến các bộ, ngành, địa phương. Yêu cầu các đơn vị trực thuộc Bộ, các Sở Y tế cung cấp thông tin, tài liệu, phối hợp nghiên cứu để thực hiện các nhiệm vụ của Ban chỉ đạo.

Điều 15. Ban Chỉ đạo xây dựng cơ chế phối hợp, hợp tác với các cơ quan, tổ chức, các chuyên gia quản lý, các nhà khoa học để nghiên cứu các vấn đề về cải cách hành chính ngành y tế.

 

 

TRƯỞNG BAN CHỈ ĐẠO
BỘ TRƯỞNG BỘ Y TẾ
 



Trần Thị Trung Chiến