Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3298 /QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 26 tháng 6 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 445/QĐ-TTg ngày 07 tháng 4 năm 2010 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Kế hoạch thực hiện Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

Căn cứ Quyết định số 4061/QĐ-BTP ngày 14 tháng 10 năm 2011 của Bộ Tư pháp phê duyệt Đề án tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016;

Xét đề nghị của Sở Tư pháp - Cơ quan Thường trực Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố tại Tờ trình số 2630/TTr-STP ngày 13 tháng 6 năm 2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Căn cứ vào Kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân từ năm 2012 đến năm 2016 trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh của Ủy ban nhân dân thành phố, các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện xây dựng kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương mình.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận, huyện, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 4;
- Bộ Tư pháp;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐND. TP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam
 và các Đoàn thể thành phố
- Tòa án nhân dân thành phố;
- Viện kiểm sát nhân dân TP;
- Văn phòng Ban chỉ đạo thành phố
 về phòng chống tham nhũng;
- VP Đoàn ĐBQH và HĐND. TP;
- Các Báo, Đài thành phố;
- VPUB: Các PVP;
- Các Phòng CV, PCNC (2b);
- Lưu:VT, (NC-K) H.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Minh Trí

 

KẾ HOẠCH

TUYÊN TRUYỀN, PHỔ BIẾN PHÁP LUẬT VỀ PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG, CÔNG ƯỚC CỦA LIÊN HỢP QUỐC VỀ CHỐNG THAM NHŨNG TRONG CÁN BỘ, CÔNG CHỨC, VIÊN CHỨC VÀ NHÂN DÂN TỪ NĂM 2012 ĐẾN NĂM 2016 TRÊN ĐỊA BÀN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3298 /QĐ-UBND ngày 26 tháng 6 năm 2012 của Ủy ban nhân dân thành phố)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Tuyên truyền, phổ biến, pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng nhằm nâng cao nhận thức, trách nhiệm và ý thức chấp hành pháp luật về phòng, chống tham nhũng trong cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tạo sự đồng thuận trong xã hội, góp phần nâng cao hiệu quả của công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng.

2. Gắn việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng với việc triển khai thực hiện Chiến lược quốc gia về phòng, chống tham nhũng đến năm 2020, Chương trình cải cách thủ tục hành chính; Chương trình thực hành tiết kiệm, chống lãng phí; việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh...

3. Đảm bảo việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng được thực hiện thường xuyên, có trọng tâm, trọng điểm, phù hợp và hiệu quả. Đa dạng hóa các hình thức phổ biến pháp luật, phù hợp từng đối tượng và nội dung phổ biến. Phát huy sức mạnh của phương tiện thông tin đại chúng để đẩy mạnh và nâng cao chất lượng công tác phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

4. Khi triển khai thực hiện, các cơ quan, đơn vị, địa phương phải đảm bảo sự phối hợp thống nhất, chặt chẽ nhằm tạo sự đồng bộ và hiệu quả trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

II. NỘI DUNG THỰC HIỆN

1. Nội dung tuyên truyền, phổ biến pháp luật:

a) Văn bản quy phạm pháp luật về phòng, chống tham nhũng: Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành như: Nghị định 47/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng về vai trò, trách nhiệm của xã hội trong phòng, chống tham nhũng; Nghị định số 158/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 10 năm 2007 của Chính phủ quy định danh mục các vị trí công tác và thời hạn định kỳ chuyển đổi vị trí công tác đối với cán bộ, công chức, viên chức; Nghị định số 68/2011/NĐ-CP ngày 08 tháng 8 năm 2011 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 37/2007/NĐ-CP ngày 09 tháng 3 năm 2007 của Chính phủ về minh bạch tài sản, thu nhập...

b) Những nội dung cơ bản của Công ước của Liên hợp quốc về phòng, chống tham nhũng.

c) Những nội dung cơ bản của Chiến lược quốc gia phòng, chống tham nhũng đến năm 2020.

d) Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm chống lãng phí, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...

đ) Tình hình thực hiện pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

2. Hình thức, biện pháp phổ biến, giáo dục pháp luật:

2.1. Tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật:

a) Nội dung:

- Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2005; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Phòng, chống tham nhũng năm 2007 và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

- Các văn bản quy phạm pháp luật khác có liên quan đến công tác phòng, chống tham nhũng: Luật Khiếu nại, Luật Tố cáo, Luật Thanh tra, Luật Thực hành tiết kiệm, chống lãng phí, Luật Cán bộ, công chức, Luật Viên chức...

b) Đối tượng tập huấn:

- Báo cáo viên pháp luật thành phố, báo cáo viên pháp luật quận, huyện;

- Cán bộ, công chức đang công tác tại các sở, ngành;

- Thanh tra quận, huyện, Thanh tra sở-ngành.

c) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Thanh tra thành phố, Văn phòng Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng.

- Thời gian: định kỳ hàng năm (2012 - 2016).

2.2. Biên soạn, phát hành các tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật:

a) Nội dung:

- Luật Phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng.

b) Hình thức:

- Tờ gấp tìm hiểu một số nội dung về Luật phòng, chống tham nhũng và các văn bản hướng dẫn thi hành;

- Tài liệu hỏi đáp pháp luật về phòng, chống tham nhũng, tài liệu tìm hiểu Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng;

- Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

c) Đối tượng cấp phát tài liệu:

- Cán bộ, công chức, viên chức đang công tác tại các sở, ngành, quận, huyện, xã, phường, thị trấn.

- Nhân dân tại khu phố, tổ dân phố, ấp nhân dân;

d) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan phối hợp: Thanh tra thành phố, Văn phòng Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Thời gian thực hiện: năm 2013.

2.3. Tổ chức hội thảo:

a) Nội dung:

Hội thảo đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp về chuyên đề pháp luật phòng, chống tham nhũng nhằm trao đổi, thảo luận, kiến nghị, đề xuất các vấn đề về pháp lý phục vụ công tác phòng, chống tham nhũng trong các lĩnh vực.

b) Đối tượng:

- Đại diện một số sở, ngành, quận, huyện;

- Đại diện một số doanh nghiệp trên địa bàn thành phố;

- Các Báo, Đài.

c) Tổ chức thực hiện:

- Chủ trì: Thanh tra thành phố.

- Thời gian thực hiện: năm 2013.

2.4. Triển khai thực hiện “Ngày pháp luật” với các chuyên đề về pháp luật phòng, chống tham nhũng tại cơ quan, đơn vị, địa phương:

- Cơ quan chủ trì: Sở Tư pháp.

- Cơ quan thực hiện: Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thông tin đại chúng, Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam thành phố và các thành viên của Mặt trận Tổ quốc, các loại hình doanh nghiệp, các trường Đại học, Cao đẳng, Trung cấp chuyên nghiệp, các trường Trung học phổ thông, Trung học cơ sở… trên địa bàn thành phố.

- Thời gian thực hiện: Định kỳ hàng năm (2012 - 2016).

2.5. Tuyên truyền, phổ biến trên các phương tiện thông tin đại chúng:

a) Nội dung: đưa tin, sự kiện, tổ chức tọa đàm, xây dựng tiểu phẩm, phóng sự... nhằm phổ biến các quy định pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng; biểu dương những việc làm tích cực, những nhân tố mới trong công tác phòng, chống tham nhũng; lên án, đấu tranh với các hành vi tham nhũng.

b) Hình thức:

- Tuyên truyền thông qua báo in, báo điện tử;

- Tuyên truyền trên Đài Truyền hình thành phố, Đài Tiếng nói nhân dân thành phố và các phương tiện thông tin đại chúng khác;

- Tuyên truyền trên trang thông tin điện tử của các cơ quan, đơn vị, địa phương.

c) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Thông tin và Truyền thông.

- Cơ quan phối hợp: Các sở, ban, ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện, xã, phường, thị trấn, các đơn vị vũ trang nhân dân, cơ quan thông tin đại chúng và các tổ chức đoàn thể trên địa bàn thành phố.

- Thời gian thực hiện: Từ năm 2012 đến 2016.

2.6. Tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng”:

a) Nội dung:

Các đội thi xây dựng tiểu phẩm có nội dung phổ biến quy định của pháp luật về phòng, chống tham nhũng; biểu dương những cá nhân tích cực, nhân tố mới trong công tác phòng, chống tham nhũng hoặc lên án những hành vi tham nhũng.

b) Đối tượng dự thi: các sở, ban, ngành, đoàn thể thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và các Trung tâm văn hóa quận, huyện trên địa bàn thành phố.

c) Hình thức:

Các đội dự thi xây dựng tiểu phẩm và Ban Tổ chức sẽ ghi hình và chọn ra 01 - 03 tiểu phẩm xuất sắc nhất gửi về dự thi ở cấp Trung ương. Ngoài ra, các tiểu phẩm xuất sắc tại Hội thi sẽ được sử dụng vào hoạt động phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

d) Tổ chức thực hiện:

- Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

- Cơ quan phối hợp: Sở Tư pháp, Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh.

- Thời gian thực hiện: năm 2013.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Phân công trách nhiệm:

a) Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố:

- Hướng dẫn, chỉ đạo, tổ chức việc triển khai thực hiện Kế hoạch này trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh.

- Tăng cường sự phối hợp giữa các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc triển khai thực hiện Kế hoạch, đa dạng hóa các hình thức phổ biến, giáo dục pháp luật nhằm nâng cao hiệu quả của công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng.

- Thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện các nội dung của Kế hoạch. Báo cáo Ủy ban nhân dân thành phố biểu dương, khen thưởng những cá nhân, tổ chức có thành tích trong công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và kiến nghị biện pháp xử lý đối với những cơ quan, tổ chức, cá nhân không thực hiện nhiệm vụ được giao.

b) Sở Tư pháp:

- Thực hiện nhiệm vụ thường trực của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố, có trách nhiệm tham mưu, giúp Hội đồng ban hành các văn bản chỉ đạo, hướng dẫn, tổ chức và kiểm tra việc triển khai thực hiện Kế hoạch.

- Chủ trì tổ chức bồi dưỡng, tập huấn kiến thức pháp luật; biên soạn, phát hành các loại tài liệu phổ biến, giáo dục pháp luật và triển khai “Ngày pháp luật” với các chuyên đề về pháp luật phòng, chống tham nhũng trên địa bàn thành phố.

- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng”; phối hợp với các cơ quan, tổ chức liên quan xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện có hiệu quả các nội dung phổ biến, giáo dục pháp luật trong kế hoạch này.

- Hàng năm, tổng hợp báo cáo tình hình thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng về Ủy ban nhân dân thành phố.

c) Thanh tra thành phố:

- Chỉ đạo, hướng dẫn Thanh tra quận - huyện, sở - ngành phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng, Công ước quốc tế về chống tham nhũng cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân trên địa bàn thành phố.

- Chủ trì tổ chức hội thảo đối thoại giữa cơ quan quản lý nhà nước với doanh nghiệp về chuyên đề pháp luật phòng, chống tham nhũng.

- Phối hợp với Sở Tư pháp tổ chức tập huấn, biên soạn tài liệu pháp luật về phòng, chống tham nhũng cho cán bộ, công chức và nhân dân.

d) Văn phòng Ban chỉ đạo thành phố về phòng, chống tham nhũng:

Phối hợp với Sở Tư pháp, Thanh tra thành phố và các cơ quan, đơn vị có liên quan triển khai thực hiện có hiệu quả các nội dung của kế hoạch này.

đ) Sở Thông tin và Truyền thông:

- Chủ trì thực hiện việc tuyên truyền, phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng.

- Chỉ đạo các cơ quan thông tin đại chúng dành thời lượng thích hợp xây dựng chuyên trang, chuyên mục phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tổ chức tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho đội ngũ phóng viên, biên tập viên chuyên viết về công tác phòng, chống tham nhũng.

e) Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

- Chủ trì, phối hợp với Sở Tư pháp, Hội Sân khấu thành phố Hồ Chí Minh tổ chức cuộc thi “Tiểu phẩm tuyên truyền pháp luật phòng, chống tham nhũng” và phát hành đĩa tiểu phẩm để làm tài liệu tuyên truyền.

- Tổ chức phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng thông qua các thiết chế văn hóa cơ sở như: hoạt động biểu diễn nghệ thuật, văn nghệ quần chúng, tổ chức cổ động trực quan bằng pano, áp-phích, tổ chức tuyên truyền tiểu phẩm bằng phát hành đĩa cho cơ sở và biểu diễn phục vụ.

g) Sở Giáo dục và Đào tạo:

Lồng ghép phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng trong các trường đại học, cao đẳng, trung cấp, trung học phổ thông và các cơ sở giáo dục khác trên địa bàn thành phố theo Đề án đưa nội dung phòng, chống tham nhũng vào chương trình giáo dục, đào tạo, bồi dưỡng (được phê duyệt tại Quyết định số 137/2009/QĐ-TTg ngày 02 tháng 12 năm 2009 của Thủ tướng Chính phủ).

h) Sở Ngoại vụ:

Phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan, đơn vị, địa phương phổ biến Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng và các điều ước quốc tế có liên quan cho cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân.

i) Sở Nội vụ:

Lồng ghép nội dung bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo, bồi dưỡng cho cán bộ, công chức, viên chức hàng năm.

k) Sở Tài chính:

Hướng dẫn các cơ quan, đơn vị, địa phương trong việc lập, sử dụng và quyết toán kinh phí thực hiện phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng; bố trí kinh phí thực hiện kế hoạch này theo quy định của pháp luật về ngân sách nhà nước.

l) Các cơ quan thông tin đại chúng:

Xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc phổ biến pháp luật về phòng, chống tham nhũng trên các phương tiện thông tin đại chúng; bố trí thời lượng hợp lý, xây dựng chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền pháp luật về phòng, chống tham nhũng; đa dạng hóa các nội dung và hình thức phổ biến pháp luật trên phương tiện thông tin đại chúng.

m) Các sở, ban, ngành khác và Ủy ban nhân dân quận, huyện:

- Căn cứ vào Kế hoạch này, xây dựng kế hoạch phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng và Công ước của Liên hợp quốc về chống tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Đổi mới, đa dạng hóa nội dung, hình thức phổ biến pháp luật; phối hợp với các cơ quan, đơn vị có liên quan và cơ quan Báo, Đài để triển khai thực hiện có hiệu quả Kế hoạch này.

- Bố trí kinh phí để thực hiện công tác phổ biến, giáo dục pháp luật về phòng, chống tham nhũng ở cơ quan, đơn vị, địa phương.

- Báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân thành phố thông qua Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố trước ngày 20 tháng 12 hàng năm.

2. Kinh phí thực hiện:

a) Kinh phí thực hiện Kế hoạch do ngân sách nhà nước cấp và các nguồn kinh phí huy động, tài trợ hợp pháp khác (nếu có).

b) Kinh phí thực hiện Kế hoạch ở địa phương được trích từ nguồn kinh phí bảo đảm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật ở địa phương.

c) Đối với các sở, ban, ngành thành phố, kinh phí thực hiện Kế hoạch được trích từ kinh phí hoạt động của cơ quan, đơn vị và kinh phí hoạt động của Hội đồng phối hợp công tác phổ biến, giáo dục pháp luật thành phố./.