Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HÀ NỘI
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/1999/QĐ-UB

Hà Nội, ngày 06 tháng 5 năm 1999

 

QUYẾT ĐỊNH

"VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, PHÓ TRƯỞNG THÔN Ở CÁC XÃ THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI"

UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân;

- Căn cứ Pháp lệnh về nhiệm vụ, quyền hạn cụ thể của HĐND và UBND ở mỗi cấp;

- Căn cứ Nghị định số 29/1998/NĐ-CP ngày 11/5/1998 của Chính phủ về việc ban hành Quy chế thực hiện dân chủ ở xã;

- Xét đề nghị của Trưởng ban Tổ chức chính quyền thành phố.

QUYẾT ĐỊNH

Điều I:Ban hành kèm theo Quyết định này bản quy định nhiệm vụ, quyền hạn của trưởng thôn, phó trưởng thôn ở các xã thuộc Thành phố Hà Nội gồm có 5 chương 21 điều.

Điều II:Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Những quy định trước đây của Thành phố trái với quy định trong Quyết định này đều bãi bỏ.

Điều III:Đối với thị trấn, các khu dân cư kinh doanh, dịch vụ tập trung và các khu tập thể cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn xã thực hiện theo Quy chế tổ chức và hoạt động của tổ dân phố.

Điều IV:Chánh Văn phòng Uỷ ban nhân dân thành phố, Trưởng ban tổ chức chính quyền thành phố, Thủ trưởng các Sở, Ban, Ngành của thành phố, Chủ tịch UBND huyện, xã, trưởng thôn, phó trưởng thôn thuộc Thành phố Hà Nội chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

TM/ UỶ BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HÀ NỘI
K/T. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Đinh Hạnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA TRƯỞNG THÔN, PHÓ TRƯỞNG THÔN Ở CÁC XÃ THUỘC THÀNH PHỐ HÀ NỘI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/1999/QĐ-UB ngày 06 tháng 5 năm 1999 của UBND thành phố Hà Nội)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1:Thôn, làng (sau đây gọi chung là thôn) không phải là một cấp chính quyền, nhưng là nơi sinh sống của cộng đồng dân cư, nơi thực hiện dân chủ trực tiếp và rộng rãi nhằm giải quyết các công việc trong nội bộ cộng đồng dân cư, đảm bảo đoàn kết, giữ gìn trật tự an toàn xã hội và vệ sinh môi trường; xây dựng cuộc sống mới; tương trợ giúp đỡ lẫn nhau trong sản xuất và đời sống; giữ gìn, phát huy truyền thống tốt đẹp và thuần phong mỹ tục của cộng đồng nhằm thực hiện tốt các chủ trưoưng của Đảng và pháp luật của Nhà nước, thực hiện tốt quyền, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.

Điều 2:Thôn do UBND huyện quyết định thành lập sau khi có nghị quyết của HĐND xã và đề nghị của UBND xã.

Điều 3:

1. Mỗi thôn có trưởng thôn và phó trưởng thôn. Trưởng thôn là người đại diện cho cộng đồng dân cư và UBND xã, chịu sự quản lý và chỉ đạo trực tiếp của UBND xã.

2. Thôn có trên 1500 người thì cứ thêm 500 người được thêm một phó trưởng thôn nhưng tối đa không quá 3 phó trưởng thôn. Phó trưởng thôn là người giúp việc cho trưởng thôn, được trưởng thôn phân công một số công việc và uỷ quyền thực hiện nhiệm vụ khi vắng mặt.

3. Trưởng thôn, Phó trưởng thôn do nhân dân trong thôn bầu và Chủ tịch UBND xã ra quyết định công nhận.

Điều 4:Trưởng thôn và Phó trưởng thôn là người:

- Có tinh thần tận tuỵ phục vụ nhân dân, trung thực gắn bó với nhân dân, được nhân dân tín nhiệm, gương mẫu về đạo đức, lối sống:

- Có trình độ hiểu biết về quan điểm, đường lối của Đảng, chính sách và pháp luật của Nhà nước.

- Có trình độ văn hoá cấp II trở lên;

- Tuổi: Từ đủ 18 đến 60 tuổi đối với nam, từ đủ 18 đến 55 tuổi đối với nữ;

- Có sức khoẻ để làm việc.

Chương II

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN, NHIỆM KỲ CỦA TRƯỞNG THÔN, PHÓ TRƯỞNG THÔN

Điều 5:Nhiệm vụ và quyền hạn của trưởng thôn

1. Hướng dẫn, đôn đốc, tổ chức, vận động nhân dân trong thôn thực hiện chủ trương của Đảng, chính sách Pháp luật của Nhà nước, Nghị quyết của HĐND, các quyết định, chỉ thị của UBND xã, thực hiện quyền, nghĩa vụ công dân và các công việc được UBND xã uỷ nhiệm;

2. Phối hợp với ban công tác Mặt trận ở thôn chủ trì cuộc họp của thôn; tổ chức thực hiện các quyết định của cộng đồng dân cư;

3. Phối hợp với các tổ chức kinh tế, mặt trận tổ quốc, các đoàn thể, các hội quần chúng hướng dẫn nhân dân phát triển kinh tế, cải thiện đời sống, giữ gìn trật tư an toàn xã hội, xây dựng kết cấu hạ tầng ở thôn;

4. Phối hợp với ban công tác mặt trận ở thôn hướng dẫn hoạt động hoà giải, bảo vệ an ninh, bảo vệ sản xuất, kiến thiết trong thôn;

5. Phát hiện, lập biên bản ban đầu và báo cáo kịp thời với UBND xã những hành vi vi phạm pháp luật, xâm phạm lợi ích và quyền tự do dân chủ của nhân dân;

6. Định kỳ sáu tháng báo cáo kết quả công tác trước hội nghị thôn; hàng tháng báo cáo kết quả công tác với Chủ tịch UBND xã; báo cáo kết quả công tác khi kết thúc nhiệm kỳ.

7. Đăng ký tạm trú, tạm vắng theo hướng dẫn của công an xã; tham gia với UBND xã quản lý giáo dục và nhận xét sự tiến bộ của những người phạm tội đang trong thời gian chưa được xoá án, người đang trong thời gian bị quản chế, người đang bị án treo, án cảnh cáo.

8. Lắng nghe, tổng hợp ý kiến, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phản ánh với chính quyền xã để giải quyết kịp thời.

9. Quản lý các loại văn bản, hồ sơ tài liệu, sổ sách được giao và bàn giao đầy đủ các loại văn bản, hồ sơ, tài liệu, sổ sách đó cho trưởng thôn mới khi thôi làm trưởng thôn. Biên bản bàn giao phải có xác nhận của UBND xã.

10.a- Được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ, quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, được mời dự kỳ họp HĐND, UBND xã khi bàn những vấn đề có liên quan đến thôn.

b- Được chính quyền xã thông báo tình hình chung của xã, được nhận các loại văn bản, tài liệu về chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước, văn bản của các cơ quan Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của trưởng thôn, được cấp giấy bút làm việc.

c- Được chính quyền xã tham khảo ý kiến, thông báo kết luận khi giải quyết những vụ việc phát sinh trong thôn.

d- Được hưởng tiền phụ cấp hàng tháng theo quy định của Thành phố.

Điều 6:Nhiệm vụ và quyền hạn của Phó trưởng thôn

- Thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn do trưởng thôn phân công, chịu trách nhiệm trước trưởng thôn về kết quả công tác được phân công.

- Được tham dự các lớp tập huấn, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ quản lý nhà nước, quản lý kinh tế, được cấp giấy, bút làm việc.

- Được hưởng tiền phụ cấp hàng tháng theo quy định của thành phố.

Điều 7:Trưởng thôn, Phó trưởng thôn chịu sự lãnh đạo của cấp uỷ Đảng ở địa phương, chịu sự quản lý và chỉ đạo của UBND xã và giám sát của nhân dân trong thôn, có trách nhiệm phối hợp với ban công tác Mặt trận ở thôn, các chi hội đoàn thể, đại biểu HĐND xã để thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được giao.

Điều 8:Nhiệm kỳ của trưởng thôn, phó trưởng thôn là 3 năm.

Điều 9:Khen thưởng - kỷ luật

Trưởng thôn, phó trưởng thôn có thành tích suất sắc tong việc thực hiện nhiệm vụ thì được xét khen thưởng theo quy định chung của nhà nước, nếu vi phạm các quy định của pháp luật chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì tuỳ theo tính chất, mức độ vi phạm mà phải chịu một trong các hình thức kỷ luật sau: Khiển trách, cảnh cáo, bãi nhiệm, đồng thời phải bồi thường các thiệt hại về tài sản theo quy định của pháp luật.

Chủ tịch UBND xã quyết định các hình thức kỷ luật đối với trưởng thôn, phó trưởng thôn.

Chương III

HỘI NGHỊ THÔN

Điều 10:Hội nghị thôn được tổ chức 6 tháng một lần hoặc bất thường theo yêu cầu của UBND xã hoạc có quá nửa số hộ yêu cầu, gồm toàn thể đại diện hộ gia đình do trưởng thôn phối hợp với Ban công tác mặt trận, các tổ chức đoàn thể triệu tập và chủ trì nhằm:

1. Bàn biện pháp thực hiện Nghị quyết của HĐND xã, các quyết định của UBND xã, nghĩa vụ công dân và nhiệm vụ cấp trên giao.

2. Thảo luận và quyết định các công việc của nội bộ cộng đồng dân cư về sản xuất, xây dựng kết cấu hạ tầng, giải quyết việc làm, xoá đói giảm nghèo, đoàn kết tương trợ, giúp đỡ nhau trong sản xuất và đời sống, những vấn đề về văn hoá, xã hội, vệ sinh môi trường, an ninh trật tự, an toàn xã hội phù hợp pháp luật của Nhà nước.

3. Thảo luận, góp ý kiến về báo cáo kết quả công tác và tự phê bình, kiểm điểm của trưởng thôn, của Chủ tịch HĐND và Chủ tịch UBND xã.

4. Bầu, cho thôi, bãi nhiệm chức trưởng thôn và phó trưởng thôn, xây dựng hương ước, quy ước, cử các ban, nhóm tự quản, uỷ viên thanh tra nhân dân.

- Trường hợp bầu lần đầu, bãi nhiệm trưởng thôn thì Chủ tịch UBND xã triệu tập và chủ trì hội nghị Nghị quyết của Hội nghị có giá trị khi có ít nhất quá nửa đại diện hộ của thôn tán thành và không trái với pháp luật.

Điều 11:Trường hợp đặc biệt không tổ chức được cuộc họp để bàn các nội dung quy định tại khoản 1, 2 điều 10 thì phát phiếu kèm theo các bản dự thảo nội dung lấy ý kiến hộ gia đình. Trưởng thôn phối hợp với Ban công tác Mặt trận và các đoàn thể xây dựng, thống nhất nội dung phiếu hỏi ý kiến, các bản dự thảo, in phát, thu hồi phiếu và tổng hợp ý kiến.

Kết quả phiếu hỏi ý kiến có giá trị nếu có quá nửa đại diện hộ gia đình của thôn đồng ý và không trái với pháp luật

Điều 12:Trên cơ sở pháp luật của Nhà nước, thôn xây dựng hương ước, quy ước về công việc thuộc nội bộ cộng đồng dân cư, kế thừa và phát huy thuần phong mỹ tục của cộng đồng, nhằm bài trừ hủ tục mê tín dị đoan, tệ nạn xã hội, xây dựng nông thôn mới giàu đẹp, văn minh. Hương ước, quy ước do dân xây dựng, chủ tịch HĐND xã đề nghị và chủ tịch UBND huyện phê duyệt hương ước, quy ước đó.

Điều 13:Thôn có thể thành lập các tổ hoà giải, tổ an ninh, tổ bảo vệ sản xuất, ban kiến thiết, các tổ chức này do nhân dân bầu, trưởng thôn phối hợp với ban công tác mặt trận quản lý và chỉ đạo.

Chương IV

QUY TRÌNH BẦU TRƯỞNG THÔN PHÓ TRƯƠNG THÔN

Điều 14:Dự kiến giới thiệu người để nhân dân bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn: được thực hiện theo các hình thức:

1. UBND xã căn cứ vào tiêu chuẩn trưởng thôn, phó trưởng thôn dự kiến lựa chọn người có khả năng đảm nhiêm trưởng thôn, phó trưởng thôn báo cáo cấp uỷ duyệt sau đó giới thiệu ra hội nghị thôn.

2. Đại diện hộ gia đình dự họp hội nghị giới thiệu người đủ tiêu chuẩn để bầu vào từng chức danh trưởng thôn, phó trưởng thôn.

Điều 15:Bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn:

1. Danh sách người được giới thiệu để bầu trưởng thôn và phó trưởng thôn được đọc lại cho mọi người nghe, sau đó người chủ trì hội nghị chuẩn bị để nhân dân bầu theo một trong các hình thức sau do nhân dân dự họp biểu quyết và quyết định:

+ Biểu quyết công khai từng người trong danh sách bầu trưởng thôn và danh sách bầu phó trưởng thôn.

+ Bỏ phiếu kín.

2. Người chủ trì hội nghị dự kiến để nhân dân biểu quyết những người trong ban kiểm phiếu, gồm có ba hoặc năm người. Ban kiểm phiếu cử một người làm trưởng ban.

Ban kiểm phiếu có nhiệm vụ: tổng hợp kết quả biểu quyết của từng người trong danh sách bầu (nếu biểu quyết công khai), phát phiếu theo mẫu thống nhất (nếu bỏ phiếu kín), kiểm phiếu, tổng hợp kết quả bầu và lập biên bản ghi kết quả bầu.

3. Bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn:

+ Trường hợp biểu quyết: Trưởng ban kiểm phiếu đọc tên từng người theo thứ tự xếp vần a, b, c... để biểu quyết từng người trong danh sách bầu trưởng thôn và danh sách bầu phó trưởng thôn.

+ Trường hợp bỏ phiếu kín: Đại diện hộ dự họp ghi tên người định bầu vào phiếu do Ban kiểm phiếu phát, sau đó bỏ vào hòm phiếu.

Điều 16:Những phiếu sau đây là không hợp lệ (trường hợp bỏ phiếu kín):

1. Phiếu ghi tên số người được bầu quá số lượng từng chức danh được bầu;

2. Phiếu để trắng;

3. Phiếu ghi tên người ngoài danh sách;

4. Phiếu không theo mẫu quy định do ban kiểm phiếu phát ra.

Điều 17:Lập biên bản ghi kết quả bầu:

Biên bản ghi kết quả bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn phải có đủ các nội dung sau:

- Tổng số dân của thôn;

- Tổng số hộ của thôn;

- Tổng số đại diện hộ dự họp;

- Danh sách người được giới thiệu để bầu trưởng thôn và bầu phó trưởng thôn;

- Số phiếu phát ra (nếu bỏ phiếu kín);

- Số phiếu thu vào (nếu bỏ phiếu kín);

- Số phiếu hợp lệ (nếu bỏ phiếu kín);

- Số phiếu không hợp lệ (nếu bỏ phiếu kín)

- Số phiếu bầu (hoặc đại diện hộ đồng ý bầu) cho mỗi người;

- Người được bầu làm trưởng thôn:

- Những người được bầu làm phó trưởng thôn.

- Chữ ký của trưởng ban kiểm phiếu, người chủ trì hội nghị, hai đại diện chứng kiến kiểm phiếu.

Người được bầu làm trưởng thôn, phó thôn là người được quá nửa tổng số hộ và nhiều hơn đại diện hộ của thôn đồng ý bầu. Trong trường hợp nhiều người được số hộ đồng ý bầu bằng nhau thì người nhiều tuổi hơn là người trúng cử.

Kết quả bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn được thông báo ngay trong hội nghị thôn.Trường hợp không có ai đủ số phiếu hoặc sự đồng ý của đại diện hộ để được công nhận làm trưởng thôn, phó trưởng thôn thì phải tổ chức bầu lại theo danh sách người được giới thiệu và quy trình bầu ở trên; nếu bầu thiếu phó trưởng thôn thì phải bầu thêm; việc tổ chức bầu lại, bầu thêm được tiến hành đến lần thứ ba (kể cả bầu lầm đầu); nếu qua ba lần bầu không được thì chủ tịch UBND xã chỉ định tạm thời người làm trưởng thôn, phó trưởng thôn trong thời hạn 6 tháng cho đến lần họp hội nghị thôn tiếp theo sẽ tiếp tục bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn.

Điều 18:Công nhận kết quả bầu trưởng thôn:

- Trong thời gian bảy ngày kể từ ngày nhận được biên bản kết quả bầu trưởng thôn, phó trưởng thôn, Chủ tịch UBND xã kiểm tra và ra quyết định công nhận kết quả bầu. Sau khi có quyết định công nhận của UBND xã thì trưởng thôn, phó trưởng thôn mới được bầu chính thức nhận nhiệm vụ; trưởng thôn nhiệm kỳ trước bàn giao công tác cho trưởng thôn mới, biên bản bàn giao có xác nhận của UBND xã.

- Trường hợp kiểm tra phát hiện những sai sót hay vi phạm làm sai lệch kết quả bầu mà người được bầu không đủ số phiếu hoặc đại diện hộ đồng ý theo quy định, hoặc người được bầu vi phạm pháp luật thì Chủ tịch UBND xã không công nhận kết quả bầu, thông báo cho nhân dân biết, đồng thời yêu cầu tổ chức bầu lại.

Chương V

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 19:Ban tổ chức chính quyền thành phố, các Sở, Ban, Ngành của Thành phố, UBND huyện có trách nhiệm chỉ đạo, hướng dẫn, theo dõi thực hiện bản Quy định này.

Điều 20:Đề nghị Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc Thành phố, các đoàn thể ở Thành phố chỉ đạo hướng dẫn tổ chức cấp dưới phối hợp với các cơ quan Nhà nước cùng cấp thực hiện bản Quy định này.

Điều 21:UBND xã, trưởng thôn, phó trưởng thôn có trách nhiệm thi hành bản Quy định này, trong quá trình thực hiện nếu có những vướng vướng mắc, kiến nghị gửi về UBND huyện để tổng hợp báo cáo UBND Thành phố xem xét, giải quyết.