Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐỒNG NAI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2017/QĐ-UBND

Đồng Nai, ngày 13 tháng 9 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐỒNG NAI

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22/6/2015;

Căn cứ Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật ngày 25/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật;

Căn cứ Nghị định số 66/2016/NĐ-CP ngày 01/7/2016 của Chính phủ quy định điều kiện đầu tư kinh doanh về bảo vệ và kiểm dịch thực vật; giống cây trồng; nuôi động vật rừng thông thường; chăn nuôi; thủy sản; thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định việc kiểm tra cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp và kiểm tra, chứng nhận cơ sở sản xuất, kinh doanh nông lâm thủy sản đủ điều kiện an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư số 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT quy định về điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm và phương thức quản lý đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ;

Căn cứ Thông tư số 21/2015/TT-BNNPTNT ngày 08/6/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về quản lý thuốc bảo vệ thực vật;

Căn cứ Thông tư số 35/2015/TT-BNNPTNT ngày 14/10/2015 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn quy định về kiểm dịch thực vật nội địa;

Căn cứ Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2248/TTr-SNN ngày 14/6/2017 về việc đề nghị ban hành Quy định về quản lý Nhà nước trong lĩnh vực thuốc bảo vệ và kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định quản lý Nhà nước trong lĩnh vực bảo vệ thực vật và kiểm dịch thực vật trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 30 tháng 9 năm 2017.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa và các tổ chức, cá nhân liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Võ Văn Chánh

 

QUY ĐỊNH

QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC TRONG LĨNH VỰC BẢO VỆ THỰC VẬT VÀ KIỂM DỊCH THỰC VẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐỒNG NAI
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2017/QĐ-UBND ngày 13 tháng 9 năm 2017 của Ủy ban nhân dân tỉnh Đồng Nai)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này áp dụng trong các lĩnh vực buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật; hoạt động phòng, chống sinh vật gây hại thực vật; công bố dịch hại thực vật, xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn tỉnh Đồng Nai.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Tổ chức, cá nhân có hoạt động liên quan đến việc buôn bán, sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, hoạt động phòng chống sinh vật gây hại thực vật, công bố dịch hại thực vật, xây dựng các vùng không nhiễm sinh vật gây hại.

Điều 3. Nguyên tắc chung

1. Phát hiện sớm, kết luận nhanh chóng, chính xác; xử lý triệt để, ngăn chặn kịp thời sự xâm nhập, lan rộng của đối tượng phải kiểm soát, sinh vật gây hại lạ.

2. Phòng, chống sinh vật gây hại thực hiện theo phương châm phòng là chính; áp dụng biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại theo hướng bền vững, trong đó ưu tiên biện pháp sinh học, sử dụng giống cây trồng chống chịu, biện pháp kỹ thuật canh tác, thực hành nông nghiệp tốt.

3. Sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải thực hiện nguyên tắc bốn đúng bao gồm đúng thuốc, đúng lúc, đúng liều lượng và nồng độ, đúng cách; tuân thủ thời gian cách ly; bảo đảm hiệu quả, an toàn cho người, an toàn thực phẩm và môi trường, bảo vệ hệ sinh thái.

Chương II

SỬ DỤNG THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 4. Trách nhiệm của chủ thực vật trong phòng chống sinh vật gây hại thực vật

1. Theo dõi, phát hiện kịp thời sinh vật gây hại; khi phát hiện sinh vật gây hại lạ hoặc sinh vật gây hại có nguy cơ gây thiệt hại nghiêm trọng phải báo ngay với Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc Trạm Trồng trọt và Bảo vệ thực vật.

2. Thường xuyên thực hiện các biện pháp quản lý tổng hợp sinh vật gây hại bao gồm: Sử dụng giống cây trồng chống chịu, vệ sinh đồng ruộng; bố trí thời vụ, sử dụng phân bón, mật độ hợp lý và các biện pháp khác thân thiện với môi trường nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho cây trồng sinh trưởng, phát triển, tăng sức đề kháng, hạn chế sự phát sinh, phát triển của sinh vật gây hại, bảo vệ và phát triển sinh vật có ích.

3. Các tổ chức, cá nhân tham gia dự án cánh đồng lớn theo Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 của UBND tỉnh Đồng Nai ban hành Quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai; Quyết định số 31/2015/QĐ-UBND ngày 09/10/2015 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc điều chỉnh, sửa đổi nội dung quy định về chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai được ban hành tại Quyết định số 58/2014/QĐ-UBND ngày 24/11/2014 của UBND tỉnh; Quyết định số 50/2016/QĐ-UBND ngày 06/9/2016 của UBND tỉnh Đồng Nai về việc sửa đổi, bổ sung, bãi bỏ một số điều quy định chính sách hỗ trợ, khuyến khích phát triển hợp tác, liên kết sản xuất gắn với tiêu thụ nông sản, xây dựng cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh Đồng Nai ngoài việc thực hiện Khoản 1 và Khoản 2 Điều này, phải chủ động áp dụng thực hành nông nghiệp tốt (GAP) hoặc các tiêu chuẩn tương đương.

Điều 5. Trách nhiệm của chủ thực vật khi sử dụng thuốc bảo vệ thực vật

1. Chỉ sử dụng thuốc bảo vệ thực vật khi đã áp dụng các biện pháp quy định tại Điều 4 Quy định này nhưng mật độ sinh vật gây hại vẫn gia tăng có nguy cơ gây thiệt hại đến năng suất, chất lượng cây trồng. Việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật phải được chủ thực vật ghi chép đầy đủ các nội dung, có lưu giữ hóa đơn mua hàng.

2. Không được tự ý cộng nhiều loại thuốc bảo vệ thực vật trong một bình phun khi chưa có khuyến cáo của cơ quan chuyên ngành về bảo vệ thực vật hoặc hướng dẫn trên nhãn thuốc; sau khi sử dụng phải thu gom vỏ bao bì thuốc bảo vệ thực vật để vào địa điểm quy định.

3. Phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về việc sử dụng tùy tiện, không đảm bảo thời gian cách ly, sử dụng không đúng kỹ thuật được khuyến cáo để lại dư lượng thuốc bảo vệ thực vật trong nông sản vượt mức cho phép; sử dụng thuốc cấm, thuốc ngoài danh mục, thuốc không rõ nguồn gốc, xuất xứ, gây ảnh hưởng xấu đến sức khỏe của người, vật nuôi và môi trường; khắc phục hậu quả hoặc bồi thường thiệt hại theo quy định của pháp luật do không thực hiện hoặc thực hiện không đúng các biện pháp phòng, chống sinh vật gây hại.

Điều 6. Trách nhiệm của các cơ quan quản lý Nhà nước

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì, phối hợp với các địa phương tổ chức thông tin, tuyên truyền, bồi dưỡng, tập huấn về công tác bảo vệ thực vật và sử dụng thuốc bảo vệ thực vật đối với chủ thực vật; tăng cường việc thanh tra, kiểm tra, giám sát việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật của chủ thực vật; xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình sử dụng thuốc bảo thực vật sai quy định.

2. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chủ trì, phối hợp cơ quan chuyên môn cấp tỉnh và chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã:

a) Xây dựng chương trình, dự án, vùng sản xuất trồng trọt áp dụng các quy trình, các kinh nghiệm truyền thống, thành tựu khoa học công nghệ trong trồng trọt và bảo vệ thực vật; mở rộng việc sản xuất theo quy trình VietGAP, trước mắt ưu tiên tập trung trên những cây trồng tham gia dự án cánh đồng lớn nhằm giảm thiểu việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật hóa học, thúc đẩy sản xuất bền vững;

b) Triển khai Thông tư Liên tịch số 05/2016/TTLT-BNNPTNT-BTNMT ngày 16/5/2016 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường về hướng dẫn việc thu gom, vận chuyển và xử lý bao gói thuốc bảo vệ thực vật sau sử dụng;

c) Tổ chức ký cam kết an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất ban đầu nhỏ lẻ theo quy định tại Thông tư 51/2014/TT-BNNPTNT ngày 27/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT;

d) Chủ động thanh tra, kiểm tra việc sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, xử phạt nghiêm các trường hợp cố tình sử dụng thuốc bảo vệ thực vật sai quy định.

Chương III

BUÔN BÁN THUỐC BẢO VỆ THỰC VẬT

Điều 7. Trách nhiệm của chủ cơ sở và người trực tiếp bán thuốc bảo vệ thực vật

1. Khi bán hàng phải đeo thẻ bán hàng do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp; hướng dẫn cụ thể, chính xác, đúng quy định cho người mua và người sử dụng thuốc bảo vệ thực vật.

2. Hàng năm bắt buộc tham gia lớp tập huấn cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn và kiểm tra kết quả do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tổ chức.

Điều 8. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Hàng năm tổ chức các lớp tuyên truyền, tập huấn, bồi dưỡng cập nhật văn bản quy phạm pháp luật, nâng cao trình độ chuyên môn, cấp và quản lý thẻ bán hàng cho chủ cơ sở và người bán hàng.

2. Phối hợp các ngành chức năng tăng cường thanh tra, kiểm tra việc kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật theo quy định.

Điều 9. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

Đẩy mạnh việc kiểm tra, đánh giá, phân loại và xử lý nghiêm những sai phạm của các cơ sở buôn bán thuốc bảo vệ thực vật theo quy định tại Thông tư số 45/2014/TT-BNNPTNT ngày 03/12/2014 của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Đảm bảo tỷ lệ cơ sở được xếp loại B, loại C đến cuối năm 2017 ở mức không quá 10% và 5%, lần lượt không quá 7% và 3% vào cuối năm 2018, duy trì không quá 5% loại B và không có loại C từ năm 2019 trở đi.

Chương IV

CÔNG BỐ DỊCH HẠI THỰC VẬT

Điều 10. Điều kiện, trình tự, thủ tục công bố dịch hại thực vật, công bố hết dịch hại thực vật và kinh phí chống dịch hại thực vật

Thực hiện theo Điều 4 và Điều 7 của Nghị định số 116/2014/NĐ-CP ngày 04/12/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Bảo vệ và kiểm dịch thực vật.

Điều 11. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt mức hỗ trợ chống dịch hại thực vật từ ngân sách địa phương đối với những nội dung hỗ trợ chưa có quy định về định mức, tiêu chuẩn.

2. Xây dựng và chỉ đạo thực hiện kế hoạch khống chế, dập tắt dịch hại; chuẩn bị phương tiện, trang thiết bị để tổ chức chống dịch.

3. Thông báo kịp thời về tình hình dịch hại; khuyến cáo sử dụng những loại thuốc bảo vệ thực vật có chất lượng tốt, bảo đảm an toàn, hiệu quả.

4. Thanh tra, kiểm tra trong quá trình chống dịch, đánh giá hiệu quả chống dịch báo cáo cấp có thẩm quyền.

Điều 12. Trách nhiệm của tổ chức, cá nhân có liên quan ở nơi công bố dịch

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp xã huy động nguồn lực để tổ chức triển khai các biện pháp chống dịch hại; thanh tra, kiểm tra các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật và chủ thực vật trong quá trình chống dịch.

2. Hợp tác xã dịch vụ nông nghiệp và tổ chức, cá nhân hoạt động dịch vụ bảo vệ thực vật tổ chức các đợt phun thuốc bảo vệ thực vật theo hướng dẫn của cơ quan chuyên môn có thẩm quyền.

3. Các tổ chức, cá nhân kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật

a) Phải có bảng niêm yết giá bán thuốc bảo vệ thực vật, không được tự ý nâng giá, đầu cơ nhằm mục đích trục lợi trong thời gian công bố dịch hại thực vật;

b) Phải ưu tiên bán các loại thuốc bảo vệ thực vật do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn khuyến cáo.

4. Chủ thực vật phải thực hiện đúng các biện pháp chống dịch theo yêu cầu của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã. 

Chương V

XÂY DỰNG CÁC VÙNG KHÔNG NHIỄM SINH VẬT GÂY HẠI ĐỐI VỚI NÔNG SẢN THỰC VẬT XUẤT KHẨU

Điều 13. Trách nhiệm của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn

1. Tham mưu trình Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và tổ chức thực hiện quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên địa bàn tỉnh.

2. Trình cấp có thẩm quyền ban hành quy trình quản lý những sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của các Quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực vật của tỉnh Đồng Nai.

3. Tuyên truyền các thông tin liên quan đến quy định kiểm dịch thực vật; tập huấn, hướng dẫn các tổ chức, cá nhân sản xuất nông sản thực vật xuất khẩu áp dụng các tiêu chuẩn, biện pháp kỹ thuật nhằm tạo ra hàng hóa xuất khẩu đáp ứng yêu cầu kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

4. Hướng dẫn, kiểm tra, giám sát việc quy hoạch vùng không nhiễm sinh vật gây hại và việc áp dụng các biện pháp duy trì vùng không nhiễm dịch hại đã thiết lập.

Điều 14. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa

1. Chỉ đạo triển khai quy hoạch và xây dựng vùng không nhiễm sinh vật gây hại trên các cây trồng có tiềm năng xuất khẩu tại địa phương, đáp ứng quy định kiểm dịch thực vật của nước nhập khẩu.

2. Vận dụng các chính sách, quy định hiện hành để hỗ trợ người sản xuất hình thành nên các vùng sản xuất hàng hóa phục vụ xuất khẩu nhằm đảm bảo không nhiễm một số sinh vật gây hại là đối tượng kiểm dịch của các Quốc gia, vùng lãnh thổ nhập khẩu nông sản thực vật từ tỉnh Đồng Nai.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 15. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với các cơ quan liên quan tổ chức triển khai, hướng dẫn, kiểm tra và đôn đốc việc thực hiện Quy định này.

2. Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã Long Khánh, thành phố Biên Hòa trong phạm vi quyền hạn và trách nhiệm của mình tổ chức thực hiện Quy định này.

3. Ngoài việc thực hiện các quy định tại Quy định này, các tổ chức, cá nhân có liên quan còn phải thực hiện quy định của Luật Bảo vệ và Kiểm dịch thực vật và các văn bản pháp luật khác có liên quan.

Điều 16. Giải quyết phát sinh, vướng mắc

Trong quá trình thực hiện Quy định này, nếu có phát sinh, vướng mắc, tổ chức, cá nhân có ý kiến bằng văn bản gửi về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn) để xem xét sửa đổi, bổ sung cho phù hợp./.