Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG BÌNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 33/2019/QĐ-UBND

Quảng Bình, ngày 05 tháng 11 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật ngày 22 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 02 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm;

Căn cứ Nghị định số 77/2016/NĐ-CP ngày 01 tháng 7 năm 2016 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực mua bán hàng hóa quốc tế, hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp, phân bón, kinh doanh khí, kinh doanh thực phẩm thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương; Nghị định số 08/2018/NĐ-CP ngày 15 tháng 01 năm 2018 của Chính phủ về sửa đổi một số Nghị định liên quan đến điều kiện đầu tư kinh doanh thuộc phạm vi quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư số 45/2012/TT-BCT ngày 28 tháng 12 năm 2012 của Bộ Công Thương quy định về hoạt động kiểm tra chất lượng, an toàn thực phẩm trong quá trình sản xuất thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý nhà nước của Bộ Công Thương;

Căn cứ Thông tư liên tịch số 13/2014/TTLT-BYT-BNNPTNT-BCT ngày 09 tháng 4 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ trưởng Bộ Công Thương hướng dẫn việc phân công, phối hợp trong quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm;

Căn cứ Thông tư 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Công Thương tại Tờ trình số 1168/SCT-QLCN ngày 30 tháng 9 năm 2019.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 15 tháng 11 năm 2019 và thay thế Quyết định số 4043/QĐ-UBND ngày 20 tháng 12 năm 2016 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình về việc phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Công Thương; Thủ trưởng các sở, ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Bộ Công Thương;
- Cục Kiểm tra VBQPPL, Bộ Tư pháp;
- Vụ pháp chế Bộ Công Thương;
- TT Tỉnh ủy;
- TT HĐND tỉnh;
- UBMTTQ Việt Nam tỉnh;
- Văn phòng Đoàn ĐBQH tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- Sở Tư pháp;
- Báo QB, Đài PTTH QB;
- Trung tâm Tin học - Công báo tỉnh;
- Lưu: VT, CVCN.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Quang

 

QUY ĐỊNH

PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM THUỘC TRÁCH NHIỆM QUẢN LÝ CỦA NGÀNH CÔNG THƯƠNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG BÌNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 33/2019/QĐ-UBND ngày 05 tháng 11 m 2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

1. Quy định này quy định phân cấp quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm đối với tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn tỉnh Quảng Bình.

2. Các nội dung không quy định tại Quy định này thực hiện theo quy định của Luật An toàn thực phẩm số 55/2010/QH12 ngày 17 tháng 6 năm 2010 và các văn bản quy phạm pháp luật có liên quan.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

1. Sở Công Thương; Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố (sau đây viết tắt là Ủy ban nhân dân cấp huyện) và các tổ chức, cá nhân khác có liên quan.

2. Các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm quy định tại Khoản 8, 9, 10 Điều 36; Khoản 6 Điều 40 và Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP ngày 02 tháng 8 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật An toàn thực phẩm (sau đây viết tắt là Nghị định số 15/2018/NĐ-CP); Khoản 2, Điều 6 Thông tư số 43/2018/TT-BCT ngày 15 tháng 11 năm 2018 của Bộ Công Thương quy định về quản lý an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm của Bộ Công Thương.

Chương II

NỘI DUNG PHÂN CẤP QUẢN LÝ NHÀ NƯỚC VỀ AN TOÀN THỰC PHẨM

Điều 3. Sở Công Thương

1. Sở Công Thương thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các đối tượng sau:

a) Cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc lĩnh vực quản lý của ngành Công Thương do cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh theo quy định.

b) Cơ sở kinh doanh thực phẩm trong chợ, cửa hàng tiện ích, các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối và các loại hình kinh doanh khác thuộc lĩnh vực quản lý ngành Công Thương do cơ quan đăng ký kinh doanh thuộc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản).

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trong lĩnh vực Công Thương thuộc thành phần kinh tế hợp tác xã có Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp (gồm cả các cơ sở sản xuất, kinh doanh hợp tác xã trong chợ, trừ chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản).

2. Trách nhiệm của Sở Công Thương:

a) Dự thảo, trình Ủy ban nhân dân tỉnh phê duyệt chương trình, kế hoạch, đề án, dự án về công tác quản lý chất lượng an toàn thực phẩm do ngành Công Thương quản lý.

b) Cấp và thu hồi Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quy định này.

c) Cấp giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm cho chủ cơ sở và người trực tiếp sản xuất, kinh doanh thực phẩm các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quy định này.

d) Tổ chức tiếp nhận và quản lý Hồ sơ bản tự công bố sản phẩm đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quy định này theo danh mục sản phẩm tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP .

đ) Quản lý an toàn thực phẩm đối với các cơ sở thuộc thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm quy định tại Khoản 1, Điều 3 Quy định này.

e) Chủ trì thanh tra, kiểm tra, hậu kiểm về an toàn thực phẩm theo quy định phân cấp; phối hợp thanh tra, kiểm tra liên ngành an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

f) Tổ chức tuyên truyền giáo dục, vận động việc thực hiện các quy định của pháp luật về bảo đảm an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh; hướng dẫn về chuyên môn nghiệp vụ cho các địa phương về lĩnh vực an toàn thực phẩm do ngành Công Thương quản lý.

g) Tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng quy chuẩn kỹ thuật địa phương (nếu có) về an toàn thực phẩm đối với các sản phẩm thực phẩm đặc thù do ngành Công Thương quản lý.

h) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất cho Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm lĩnh vực Công Thương trên địa bàn.

Điều 4. Ủy ban nhân dân cấp huyện

1. Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các đối tượng sau:

a) Cơ sở sản xuất thực phẩm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ cơ sở sản xuất thực phẩm thuộc loại hình kinh tế hợp tác xã).

b) Cơ sở kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương; cơ sở kinh doanh thực phẩm trong các chợ, cửa hàng tiện ích, các cơ sở thuộc hệ thống dự trữ, phân phối và các loại hình kinh doanh khác thuộc ngành Công Thương do Ủy ban nhân dân cấp huyện cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh (trừ chợ đầu mối, chợ đấu giá nông sản, cơ sở kinh doanh thực phẩm loại hình kinh tế hợp tác xã).

c) Cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ thuộc thẩm quyền quản lý của ngành Công Thương không thuộc đối tượng phải đăng ký kinh doanh theo quy định.

2. Trách nhiệm của Ủy ban nhân dân cấp huyện:

a) Thực hiện quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn đối với các đối tượng được phân cấp quản lý theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này. Phối hợp với Sở Công Thương trong việc quản lý nhà nước lĩnh vực an toàn thực phẩm thuộc trách nhiệm quản lý của ngành Công Thương trên địa bàn.

b) Tổ chức tiếp nhận và quản lý Hồ sơ bản tự công bố sản phẩm đối với các đối tượng quy định tại Khoản 1, Điều 4 Quy định này theo danh mục sản phẩm tại Phụ lục IV Nghị định số 15/2018/NĐ-CP .

c) Kiểm tra, giám sát việc chấp hành các quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm đối với các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý tại Quy định này và xử lý vi phạm về an toàn thực phẩm theo quy định.

d) Thực hiện chế độ báo cáo định kỳ và đột xuất tình hình quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn theo phân cấp quản lý tại Quyết định này về Sở Công Thương để tổng hợp, báo cáo Bộ Công Thương và Ủy ban nhân dân tỉnh theo quy định.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 5. Quy định chuyển tiếp

Đối với các Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm; Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy và Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm; Giấy xác nhận kiến thức an toàn thực phẩm được cấp trước ngày Quyết định này có hiệu lực thì được tiếp tục sử dụng đến khi Giấy phép hết thời hạn.

Điều 6. Tổ chức thực hiện

1. Sở Công Thương có trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, đôn đốc, giám sát việc thực hiện Quy định này. Định kỳ hàng năm báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tình hình thực hiện công tác quản lý nhà nước về an toàn thực phẩm trên địa bàn tỉnh.

2. Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện, tuyên truyền, phổ biến Quy định này đến các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh thực phẩm theo phân cấp quản lý; chịu trách nhiệm trước pháp luật và Ủy ban nhân dân tỉnh về việc thực hiện quy định. Trong quá trình thực hiện, nếu có khó khăn, vướng mắc báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh thông qua Sở Công Thương để bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.