Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ CẦN THƠ
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3307/QĐ-UBND

Cần Thơ, ngày 28 tháng 10 năm 2016

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “BẢO VỆ VÀ PHÁT HUY NGHỆ THUẬT ĐỜN CA TÀI TỬ NAM BỘ TẠI THÀNH PHỐ CẦN THƠ, GIAI ĐOẠN 2016 - 2020”

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ CẦN THƠ

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Di sản văn hóa số 28/2001/QH10 ngày 29 tháng 6 năm 2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Di sản văn hóa số 32/2009/QH12 ngày 18 tháng 6 năm 2009;

Căn cứ Quyết định số 5079/QĐ-BVHTTDL ngày 27 tháng 12 năm 2012 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc công bố danh mục di sản văn hóa phi vật thể quốc gia;

Căn cứ Giấy chứng nhận ngày 05 tháng 12 năm 2013 của UNESCO về việc công nhận nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ là di sản văn hóa phi vật thể đại diện của nhân loại;

Căn cứ Công văn số 1098/BVHTTDL-DSVH ngày 08 tháng 4 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc xây dựng Đề án Bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ và Công văn số 3635/BVHTTDL-DSVH ngày 13 tháng 10 năm 2014 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc triển khai Chương trình hành động quốc gia bảo vệ Nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tại Tờ trình số 3144/TTr-SVHTTDL ngày 25 tháng 7 năm 2016,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020” (sau đây gọi tắt là Đề án), với các nội dung chủ yếu sau:

1. Tên Đề án: “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020”.

2. Cơ quan lập Đề án: Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

3. Mục tiêu của Đề án:

a) Mục tiêu tổng quát:

- Phấn đấu đưa di sản văn hóa Đờn ca tài tử Nam Bộ đi vào cuộc sống hàng ngày bằng nhiều hình thức phong phú, gắn kết với hoạt động của gia đình, trường học, cộng đồng dân cư và khu vực dịch vụ - du lịch;

- Chú trọng nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của mọi tầng lớp nhân dân trong bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử;

- Nâng cao chất lượng toàn diện các hoạt động Đờn ca tài tử trên địa bàn thành phố.

b) Mục tiêu cụ thể đến năm 2020:

- Củng cố và xây dựng các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm Đờn ca tài tử từ thành phố đến ấp, khu vực;

- Thực hiện số hóa, tư liệu hóa các bài ca, bản đờn và tài liệu khác có liên quan;

- Đổi mới phương thức tổ chức các cuộc liên hoan, hội thi Đờn ca tài tử theo phương châm “Vừa bảo vệ, gìn giữ bản sắc - Vừa phát huy, hòa nhập vào hoạt động nghệ thuật hiện đại”;

- Đổi mới phương thức mở lớp đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn (trao truyền nghề), lớp bồi dưỡng ngắn hạn và dài hạn;

- Đẩy mạnh nghiên cứu khoa học, tổ chức hội thảo, tọa đàm, giao lưu nghệ thuật Đờn ca tài tử;

- Ban hành các quy định, chính sách khuyến khích xã hội hóa đối với hoạt động Đờn ca tài tử.

4. Nhiệm vụ của Đề án:

a) Nâng cao chất lượng nghệ thuật, sáng tạo, nâng cao đẳng cấp nghề nghiệp đối với các nghệ nhân nhằm đảm bảo hài hòa giữa các yếu tố truyền thống và hiện đại;

b) Đổi mới phương thức đào tạo, bồi dưỡng, hướng dẫn (trao truyền nghề), gắn kết việc học Đờn ca tài tử với sinh hoạt cộng đồng, trường học, trường nghề;

c) Xây dựng mới hoặc nâng cấp cơ sở vật chất, trang bị kỹ thuật cho việc thực hành Đờn ca tài tử tại các thiết chế văn hóa và Trung tâm học tập cộng đồng;

d) Nghiên cứu ứng dụng công nghệ thông tin và sử dụng nhiều hình thức tuyên truyền, quảng bá, phổ biến nghệ thuật Đờn ca tài tử trong hoạt động bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử;

đ) Thường xuyên tổ chức các cuộc giao lưu, trao đổi nghệ thuật với các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương trong cả nước nhằm tiến tới trao đổi văn hóa với các nước trong khối ASEAN bằng nghệ thuật Đờn ca tài tử khi có điều kiện.

5. Một số giải pháp thực hiện:

a) Ban hành các chính sách nhằm bảo vệ và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử;

b) Xây dựng các mô hình biểu diễn nghệ thuật Đờn ca tài tử mới;

c) Đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giới thiệu, phổ biến nghệ thuật Đờn ca tài tử đến mọi tầng lớp nhân dân;

d) Tổ chức hội thảo, tọa đàm, định kỳ tiến hành sơ kết, tổng kết quá trình triển khai thực hiện Đề án;

đ) Đào tạo, nâng cao chất lượng và số lượng nguồn nhân lực kế thừa và phát huy giá trị nghệ thuật Đờn ca tài tử;

e) Đẩy mạnh xã hội hóa hoạt động Đờn ca tài tử;

g) Đưa hoạt động Đờn ca tài tử trở thành một ngành cung ứng dịch vụ.

6. Những nội dung trọng tâm thực hiện đến năm 2020:

a) Ban hành chính sách, chế độ đãi ngộ, tôn vinh và tạo điều kiện, môi trường thuận lợi cho các Câu lạc bộ, Đội, Nhóm tham gia biểu diễn Đờn ca tài tử;

b) Tăng cường công tác kiểm kê, sưu tầm các bản Đờn ca tài tử ở các địa phương;

c) Sáng tác bản đờn mới, viết lời ca mới;

d) Xây dựng các mô hình mới;

đ) Nghiên cứu khoa học, biên soạn, in ấn phẩm thực hiện đĩa CD, DVD về Đờn ca tài tử;

e) Mở các lớp tập huấn trao truyền nghề;

g) Hỗ trợ các quận, huyện xây dựng chương trình, mô hình mẫu về đờn ca tài tử.

(Đính kèm Đề án “Bảo vệ và phát huy nghệ thuật Đờn ca tài tử Nam Bộ tại thành phố Cần Thơ, giai đoạn 2016 - 2020” của Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

7. Tổng nguồn kinh phí dự kiến thực hiện Đề án là 5.700.000.000 đồng (Năm tỷ bảy trăm triệu đồng). Trong đó, Ngân sách thành phố là 3.635.000.000 đồng (Ba tỷ sáu trăm ba mươi lăm triệu đồng), phần còn lại vận động xã hội hóa. Căn cứ vào tình hình thực tế, thành phố sẽ cân đối, bố trí nguồn kinh phí thực hiện theo khả năng Ngân sách; đồng thời, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch có trách nhiệm vận động các nguồn tài trợ và các nguồn thu hợp pháp khác để triển khai thực hiện Đề án.

Điều 2. Giao Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các Sở, Ban ngành thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện và cơ quan, đơn vị có liên quan tổ chức triển khai thực hiện; đồng thời, hướng dẫn, kiểm tra, đôn đốc các đơn vị trong quá trình triển khai thực hiện Đề án nêu trên.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, các Giám đốc Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo; Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học và Nghệ thuật thành phố, Bí thư Đoàn Thanh niên Cộng sản Hồ Chí Minh thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân quận, huyện và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Lê Văn Tâm