ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3349/QĐ-UBND | Quảng Bình, ngày 31 tháng 12 năm 2013 |
VỀ VIỆC PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN
2014 - 2015
CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG BÌNH
Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Luật Du lịch được Quốc hội nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam khóa XI, kỳ họp thứ 7 thông qua ngày 14 tháng 6 năm 2005 và có hiệu lực thi hành từ ngày 01 tháng 01 năm 2006;
Căn cứ Quyết định số 2473/QĐ-TTg ngày 30 tháng 12 năm 2012 của Thủ tướng Chính Phủ phê duyệt Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 tầm nhìn 2030;
Căn cứ Chỉ thị số 18/CT-TTg ngày 04 tháng 9 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường quản lý môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn cho khách du lịch;
Căn cứ Quy hoạch phát triển du lịch Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn 2025;
Căn cứ Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2011 - 2015;
Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2015 (có Kế hoạch kèm theo).
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký. Giao Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan tổ chức thực hiện Kế hoạch.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Thủ trưởng các sở, ban, ngành có liên quan; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| KT. CHỦ TỊCH |
PHÁT TRIỂN DU LỊCH TỈNH QUẢNG BÌNH GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
(kèm theo Quyết định số 3349/QĐ-UBND ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Quảng Bình)
I. ĐÁNH GIÁ KẾT QUẢ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2011 - 2013
1. Một số kết quả đạt được
Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình từ năm 2011 - 2013 đạt 3.208.000 lượt, tăng bình quân 11,2%/năm; trong đó có 86.700 lượt khách quốc tế, tăng bình quân 11,1%/năm. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 2.924 tỷ đồng, tăng bình quân 34,7%. Hệ số lưu trú bình quân đạt 1,1 ngày/lượt khách.
Ủy ban nhân dân tỉnh đã phê duyệt Quy hoạch tổng thể phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 theo Quyết định số 1928/QĐ-UBND ngày 12 tháng 8 năm 2011; nhiều quy hoạch phát triển du lịch quan trọng khác đang tiếp tục được Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét phê duyệt, làm cơ sở cho triển khai các dự án phát triển du lịch.
Tham gia các hoạt động đối ngoại thúc đẩy quan hệ quốc tế về du lịch với các nước trong khối ASEAN, Hàn Quốc, Nhật Bản. Hợp tác tuyên truyền quảng bá, trao đổi chia sẻ kinh nghiệm hoạt động du lịch với các tỉnh bạn theo “Con đường di sản miền Trung", hành lang kinh tế Đông - Tây và 10 tỉnh của 3 nước sử dụng đường 8 và đường 12.
Hoạt động quảng bá và xúc tiến du lịch đã có nhiều chuyển biến rõ nét theo hướng chuyên nghiệp, được tổ chức dưới nhiều hình thức phong phú. Các doanh nghiệp đã tham gia tích cực trong việc quảng bá sản phẩm của doanh nghiệp mình gắn với toàn ngành du lịch của tỉnh.
Hạ tầng du lịch bước đầu đã được quan tâm, đầu tư như: Hệ thống điện chiếu sáng Nhật Lệ - Quang Phú; hệ thống điện chiếu sáng đường du lịch Phong Nha (trục 32m); đường du lịch nối đường Hồ Chí Minh nhánh Tây - hang Tám Thanh niên xung phong; đường du lịch vào chân núi Thần Đinh; nhiều dự án đầu tư phát triển du lịch được đưa vào hoạt động như Khu nghỉ mát cao cấp Sun Spa Resort giai đoạn 2, Bảo Ninh Beach Resort, khách sạn Mường Thanh - Quảng Bình.
Nghiên cứu xây dựng các sản phẩm du lịch mới, như: Tuyến du lịch Rào Thương - Hang Én, tuyến du lịch Thung lũng Sinh Tồn - Hang Thủy Cung, khai thác thử nghiệm tuyến du lịch khám phá Sơn Đoòng - hang động lớn nhất thế giới, tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn...
Cho đến nay, Quảng Bình đã có 03 đơn vị kinh doanh lữ hành quốc tế và 15 đơn vị kinh doanh lữ hành nội địa. Toàn tỉnh có 241 cơ sở lưu trú du lịch với tổng số buồng: 3.493, tổng số giường: 6.750, trong đó có 2 khách sạn đạt tiêu chuẩn 4 sao, 3 khách sạn 3 sao, 18 khách sạn 2 sao và 17 khách sạn 1 sao. Hiện nay, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đang thẩm định và đề xuất công nhận 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 5 sao và 1 cơ sở lưu trú đạt tiêu chuẩn 4 sao.
2. Những tồn tại, hạn chế
Mặc dù có những chuyển biến tích cực trong hoạt động du lịch ở tỉnh trong những năm qua, tuy nhiên phát triển du lịch ở tỉnh vẫn chưa phát huy được tiềm năng thế mạnh của tỉnh, hoạt động du lịch vẫn còn nhiều tồn tại hạn chế cần sớm được khắc phục, cụ thể:
- Sản phẩm du lịch còn nghèo nàn, đơn điệu. Công suất sử dụng buồng còn thấp, thời gian lưu trú trung bình ngắn, theo đó hiệu quả kinh doanh chưa cao, mang nặng tính mùa vụ.
- Cơ sở vật chất kỹ thuật và hạ tầng du lịch tuy đã được chú trọng đầu tư nhưng thiếu đồng bộ, thiếu các khu vui chơi giải trí, trung tâm mua sắm, trạm dừng chân, khu vệ sinh đạt chuẩn, giao thông công cộng đến các điểm du lịch, trạm ATM tại các điểm du lịch... và một số dịch vụ khác; nhiều dự án đầu tư du lịch triển khai chậm hoặc không đầu tư làm ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển du lịch; chưa thống nhất biển chỉ dẫn đường vào các khu, điểm, cơ sở du lịch; chưa có điểm dừng chân cho du khách; nhà vệ sinh tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt tại các nhà hàng dịch vụ, nhà hàng nổi chưa được quan tâm.
- Đội ngũ nhân lực du lịch thiếu và yếu. Tỷ lệ lao động được đào tạo chuyên ngành du lịch còn quá thấp và cơ cấu bất hợp lý.
- Công tác tuyên truyền quảng bá, xúc tiến du lịch mặc dù đã có bước chuyển biến tích cực nhưng còn manh mún, tính chuyên nghiệp chưa cao và thiếu một chiến lược lâu dài, chưa cung cấp đầy đủ các thông tin cần thiết về hoạt động du lịch.
- Vấn đề ô nhiễm môi trường du lịch tại các khu du lịch, điểm du lịch hiện nay đáng báo động; chưa có giải pháp để dứt điểm tình trạng việc quản lý, sử dụng kém hiệu quả tài nguyên du lịch, nạn ăn xin, hát rong, chèo kéo khách du lịch; đặc biệt chưa quyết liệt trong công tác quản lý, kiểm tra, giải quyết tình trạng bán hàng không niêm yết giá, tăng giá, chặt chém tại các khách sạn, nhà hàng, quán ăn,…
- Công tác quản lý Nhà nước về du lịch còn những vấn đề bất cập; tổ chức bộ máy biên chế của cơ quan quản lý Nhà nước về du lịch cấp tỉnh, huyện và thành phố chưa đáp ứng yêu cầu phát triển và hội nhập.
II. KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH GIAI ĐOẠN 2014 - 2015
1. Mục tiêu phát triển du lịch đến năm 2015
a) Mục tiêu tổng quát
Đến năm 2015, du lịch Quảng Bình từng bước trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của tỉnh, góp phần to lớn vào tăng trưởng kinh tế - xã hội và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tăng dần tỷ trọng du lịch - dịch vụ trong GDP; tạo ra nhiều việc làm, tăng thu nhập cho người lao động và cộng đồng dân cư, tăng nguồn thu cho ngân sách; tạo tiền đề cho các ngành nghề khác phát triển.
Phát triển du lịch theo hướng bền vững, giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc, bảo tồn sinh thái môi trường, đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội. Đẩy mạnh công tác xã hội hóa du lịch, nâng cao nhận thức của cộng đồng dân cư và huy động các nguồn lực cho đầu tư phát triển du lịch.
Nâng cao chất lượng và đa dạng hóa sản phẩm, dịch vụ du lịch; tạo dựng các sản phẩm du lịch đặc sắc có tính cạnh tranh cao và hấp dẫn khách du lịch. Nâng cao vị thế của du lịch Quảng Bình trong cả nước và quốc tế; dần dần xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến hấp dẫn, độc đáo và mến khách.
b) Mục tiêu cụ thể
- Mục tiêu kinh tế
+ Năm 2014: Tổng lượng khách du lịch đến Quảng Bình đạt 1.300.000 lượt, tăng 10,8% so với năm 2013; trong đó có 40.000 lượt khách quốc tế, tăng 11,6% so với năm 2013. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.300 tỷ đồng, tăng 10,8% so với năm 2013. Hệ số lưu trú đạt, 1,11 ngày/lượt khách.
+ Năm 2015: Tổng lượt khách du lịch đến Quảng Bình đạt 1.500.000 lượt, tăng 10,7%; trong đó có 45.000 lượt khách quốc tế, tăng 11,4%. Doanh thu từ hoạt động du lịch đạt 1.400 tỷ đồng, tăng 10,7%. Hệ số lưu trú 1,12 ngày/lượt khách.
- Mục tiêu xã hội
Phát triển du lịch nhằm tạo thêm việc làm cho xã hội, góp phần giảm nghèo, xây dựng nông thôn mới; bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa, các di tích lịch sử, di tích cách mạng, các danh lam thắng cảnh của tỉnh. Phát triển du lịch nhằm góp phần phát triển thể chất, nâng cao dân trí và đời sống văn hóa tinh thần cho nhân dân, tăng cường tinh thần đoàn kết, hữu nghị.
- Mục tiêu môi trường
Phát triển du lịch “xanh”, gắn hoạt động du lịch với giữ gìn và phát huy các giá trị tài nguyên và bảo vệ môi trường. Khẳng định môi trường du lịch là các yếu tố hấp dẫn du lịch, đảm bảo chất lượng và giá trị thụ hưởng du lịch, thương hiệu du lịch. Các dự án về du lịch phải tuân thủ theo quy định của pháp luật về môi trường, gắn với phát triển bền vững. Du lịch Quảng Bình phải đạt tiêu chí của "Điểm đến an toàn và thân thiện".
2. Nhiệm vụ và giải pháp
2.1. Đẩy mạnh hoạt động tuyên tuyền, quảng bá và xúc tiến du lịch trong và ngoài nước
- Tổ chức các hội nghị, tham gia hội chợ, triển lãm xúc tiến, quảng bá du lịch tại các TP lớn trong nước như Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh; nghiên cứu mở rộng hoạt động xúc tiến, quảng bá du lịch tại một số thị trường tiềm năng và có điều kiện hợp tác ở các nước như Đông Bắc Thái Lan, Tây Úc...
- Tổ chức cho các hãng lữ hành và đơn vị truyền thông, báo chí trong nước đến Quảng Bình khảo sát điểm đến, sản phẩm và dịch vụ du lịch Quảng Bình;
- Chỉnh sửa, bổ sung hoàn thiện và tái bản bản đồ du lịch Quảng Bình và bản đồ du lịch TP.Đồng Hới; xây dựng cuốn Cẩm nang du lịch Quảng Bình, xây dựng tờ gấp cung cấp giới thiệu thông tin để cung cấp, phục vụ du khách (thông qua bán, cung cấp miễn phí tại các điểm khách sạn, nhà hàng, quầy bán sách báo, ga tàu, trên máy bay,...).
- Đẩy mạnh tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Bình trên các loại hình báo chí trong nước, qua mạng internet, phương tiện giao thông...:
+ Xây dựng phóng sự giới thiệu tiềm năng, tài nguyên và sản phẩm du lịch Quảng Bình phát trên Đài PTTH Quảng Bình và Đài Trung ương, Đài địa phương một số tỉnh bạn;
+ Xây dựng Videoclip thực sự ấn tượng, chất lượng để giới thiệu, quảng bá về du lịch Quảng Bình, phục vụ cho các đợt hội nghị xúc tiến và quảng cáo trên các phương tiện giao thông như máy bay, xe khách, tàu hỏa…
+ Xây dựng các bài viết quảng bá du lịch Quảng Bình trên các tạp chí, ấn phẩm lớn trong nước và trên các trang mạng xã hội, trên một số trang mạng lớn về du lịch trên thế giới;
+ Đẩy mạnh hiệu quả quảng bá, giới thiệu tiềm năng, sản phẩm du lịch của tỉnh, cung cấp các thông tin cần thiết cho du khách trên các trang thông tin điện tử của tỉnh (như: Cổng thông tin điện tử của tỉnh, Cổng thông tin xúc tiến du lịch tỉnh, Trang web Vườn QG Phong Nha - Kẻ Bàng, v.v...);
+ Xuất bản tờ Thông tin Du lịch Quảng Bình (6 số/năm);
- Tổ chức tốt các hoạt động, các sự kiện lớn trong tỉnh để thu hút du khách như: Kỷ niệm 410 năm hình thành tỉnh, Tuần lễ văn hóa - du lịch Đồng Hới, tháng du lịch bằng máy bay trực thăng, tổ chức các lễ hội, hội chợ; đăng cai các giải đấu Quốc gia, khu vực v.v...
- Tổ chức cuộc thi sáng tác lôgô và slogan du lịch Quảng Bình.
- Xây dựng các biển quảng cáo, pano lớn để quảng bá du lịch tại các vị trí quan trọng như ga tàu, sân bay, trung tâm thành phố... Trong năm 2014 đưa cụm thông tin đối ngoại tại khu Cửa khẩu quốc tế Cha Lo vào khai thác phục vụ yêu cầu thông tin đối ngoại và quảng bá du lịch của tỉnh.
2.2. Đào tạo, tập huấn nâng cao chất lượng nhân lực phục vụ du lịch
Hàng năm, tổ chức các lớp tập huấn nghiệp vụ thuyết minh viên, hướng dẫn viên và nghiệp vụ du lịch khác cho đội ngũ cán bộ, nhân viên làm việc tại các đơn vị kinh doanh du lịch, dịch vụ phục vụ khách du lịch; các lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch. Cụ thể:
- Năm 2014:
+ Tổ chức 02 lớp cho nhân viên phục vụ tại các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
+ Tổ chức 01 lớp cho quản lý nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
+ Tổ chức 02 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các nhân viên phục vụ tại các khách sạn.
+ Tổ chức 01 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ khuân vác phục vụ khách du lịch trên các tuyến du lịch mạo hiểm.
+ Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch.
+ Tổ chức 02 lớp tập huấn Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2011 Quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch.
- Năm 2015:
+ Tổ chức 03 lớp cho nhân viên phục vụ tại các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
+ Tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho các nhân viên lễ tân, bàn, buồng, bếp phục vụ tại các khách sạn.
+ Tổ chức 04 lớp tập huấn cho người lái thuyền và nhân viên phục vụ trên thuyền du lịch.
+ Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch.
+ Tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ khuân vác phục vụ khách du lịch trên tuyến du lịch mạo hiểm.
+ Tổ chức 01 lớp bồi dưỡng nâng cao nhận thức cũng như các kiến thức du lịch cộng đồng cho người dân ở tại các khu, điểm du lịch.
+ Tổ chức 02 lớp tập huấn Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2011 Quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ôtô vận chuyển khách du lịch.
2.3. Quy hoạch các khu, điểm du lịch
Xây dựng các quy hoạch đáp ứng yêu cầu đầu tư xây dựng mới các khu du lịch, điểm du lịch, trạm dừng chân, gồm:
+ Quy hoạch chi tiết Khu du lịch tâm linh Chùa Non - núi Thần Đinh.
+ Quy hoạch chi tiết Làng văn hóa - Sinh thái Rào Đá (huyện Quảng Ninh).
+ Quy hoạch Khu dịch vụ tại xã Quảng Đông, Quảng Trạch.
+ Quy hoạch chi tiết các trạm dừng chân trên tuyến đường 12A và tuyến đường Hồ Chí Minh nhánh Đông.
+ Quy hoạch tuyến du lịch sinh thái tâm linh Đồng Hới - Long Đại - Tam Lu (xã Trường Sơn - huyện Quảng Ninh).
2.4. Đầu tư hạ tầng du lịch, các dịch vụ liên quan
- Khảo sát và kêu gọi đầu tư điểm dừng chân trên tuyến đường 12A và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông phía Nam thành phố Đồng Hới.
- Triển khai hệ thống cung ứng nước sạch và đầu tư xây dựng nhà vệ sinh đạt tiêu chuẩn tại tất cả các khu du lịch, điểm du lịch; phối hợp với một số trạm xăng dầu lớn trên tuyến đường 12A, đường Quốc lộ 1A, đường Hồ Chí Minh để nâng cấp nhà vệ sinh đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Xây dựng các biển chỉ dẫn vào các khu, điểm du lịch, cơ sở lưu trú và đường Hồ Chí Minh nhánh Đông phía Nam TP.Đồng Hới.
- Từng bước xây dựng chợ Đồng Hới thành chợ du lịch, đáp ứng yêu cầu vệ sinh, văn minh, lịch sự, không lừa đảo chặt chém, ép giá... Trước mắt khẩn trương hoàn thành việc cải tạo và nâng cấp chợ Đồng Hới có khu vực bán hải sản riêng.
- Nâng cấp một số tuyến đường thiết yếu phục vụ du lịch như đoạn đường Hải Thành - Nhật Lệ.
- Khảo sát, quy hoạch và xây dựng đề án tổ chức khu chợ đêm tại TP.Đồng Hới.
- Kêu gọi, xúc tiến xây dựng mới, nâng cấp mở rộng các cơ sở lưu trú, khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp trên địa bàn TP Đồng Hới;
- Xúc tiến kêu gọi đầu tư xây dựng Trung tâm Thương mại Đồng Hới; xây dựng các khu vui chơi, giải trí, ẩm thực, khu ăn đêm...; kêu gọi đầu tư tuyến xe buýt Đồng Hới - Phong Nha.
- Đầu tư hoàn thiện đường giao thông vào Khu mộ Đại tướng Võ Nguyên Giáp; xây dựng các hạng mục cần thiết như nhà vệ sinh, hệ thống cung cấp nước sạch, nhà đón tiếp... để phục vụ du khách, nhân dân đến thắp hương Đại tướng.
- Đẩy nhanh dự án Khu Lăng mộ Nhà thờ lễ Thành Hầu Nguyễn Hữu Cảnh.
2.5. Phát triển, mở rộng các sản phẩm du lịch
- Tiếp tục nâng cao hiệu quả khai thác các sản phẩm du lịch thế mạnh hiện có như du lịch tham quan hang động: Phong Nha, Tiên Sơn, Thiên Đường… đảm bảo tính ổn định, bền vững và ngày càng phát triển.
- Đa dạng hóa sản phẩm du lịch, khắc phục dần tình trạng thời vụ của hoạt động du lịch như hiện nay, thông qua:
+ Phát triển, mở rộng các loại hình du lịch sinh thái, du lịch mạo hiểm, khám phá hang động hướng đến đối tượng khách du lịch có khả năng chi trả cao, du khách nước ngoài; nghiên cứu phối hợp với các công ty dịch vụ bay để mở dịch vụ bay du lịch tại Quảng Bình. Trong năm 2014 đưa tuyến du lịch khám phá hang Sơn Đoòng và tuyến du lịch khám phá hệ thống hang động Tú Làn vào khai thác chính thức và nghiên cứu mở một số tuyến khám phá mới. Việc mở các tuyến du lịch này phải gắn với việc tạo công ăn việc làm và sự tham gia của người dân địa phương.
+ Nghiên cứu, khảo sát đầu tư, nâng cấp, tôn tạo và công nhận, mở các tuyến, điểm tham quan, du lịch mới; tổ chức quản lý, khai thác có hiệu quả các loại hình tiềm năng của tỉnh như: Du lịch tâm linh, du lịch văn hóa - lịch sử, du lịch sinh thái, khám phá, du lịch nghỉ dưỡng - chữa bệnh...
+ Chú trọng khách với mục đích nghỉ dưỡng biển, nghỉ cuối tuần, lễ hội tâm linh, du lịch kết hợp công vụ…
Đây là xu hướng chuyển dịch mới của du khách đến với tỉnh ta trong vài năm trở lại đây, chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu từ dịch vụ du lịch. Từ năm 2014, cần đặc biệt quan tâm đến đối tượng du khách là đồng bào cả nước đến thắp hương tại Khu mộ Đại tướng tại Vũng Chùa kết hợp tham quan du lịch Quảng Bình. Đối với đối tượng khách này, để đảm bảo tính bền vững, lâu dài, cần chú trọng chỉ đạo sâu sát các khâu dịch vụ đi kèm như: Chất lượng, giá cả, uy tín,… không để xảy ra tình trạng chèo kéo, chặt chém, ép giá…
+ Phát triển các sản phẩm du lịch nghỉ dưỡng biển hướng tới thị trường các tỉnh phía Bắc cũng như Lào và Đông Bắc Thái Lan.
- Tăng cường liên kết phát triển sản phẩm giữa các địa phương trong vùng và các địa phương lân cận cũng như với các Quốc gia khác trên hành lang kinh tế Đông Tây.
- Kêu gọi đầu tư các khách sạn, khu nghỉ dưỡng cao cấp tại TP.Đồng Hới. Trong năm 2014 phấn đấu đưa Dự án khu nghỉ dưỡng suối nước khoáng nóng Bang vào hoạt động phục vụ du khách.
2.6. Tăng cường công tác quản lý Nhà nước về du lịch và các dịch vụ liên quan phục vụ du lịch
- Tham mưu, ban hành các văn bản: Tham mưu cho Tỉnh ủy, Hội đồng nhân dân tỉnh ban hành Nghị quyết chuyên đề về phát triển du lịch Quảng Bình; ban hành chính sách ưu tiên đầu tư phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về giá tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, chợ... đặc biệt là những tháng cao điểm đông khách du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý bảo đảm vệ sinh an toàn thực phẩm, phòng cháy chữa cháy, an ninh trật tự, an toàn xã hội tại các khu, điểm du lịch, các nhà hàng, cơ sở lưu trú du lịch...
Có biện pháp xử lý kiên quyết đối với các cơ sở dịch vụ vi phạm về giá (không niêm yết giá, không bán theo giá niêm yết,...) và vi phạm về an toàn vệ sinh thực phẩm.
- Xây dựng tiêu chí đánh giá cơ sở dịch vụ phục vụ du lịch (nhà hàng, quán ăn, điểm bán hàng...) đạt chuẩn; tổ chức cho các cơ sở dịch vụ đăng ký, cam kết đạt chuẩn; khảo sát và cấp giấy chứng nhận cho các cơ sở dịch vụ đạt chuẩn; công bố công khai các điểm dịch vụ phục vụ du lịch đạt chuẩn, tin cậy và khuyến cáo những điểm không nên đến trên Cổng thông tin điện tử, chuyên trang chuyên mục về du lịch của tỉnh và tại các khách sạn để du khách biết.
- Nghiên cứu mô hình tổ chức khai thác du lịch tại động Phong Nha và Tiên Sơn theo hình thức xã hội hóa để thu hút nguồn lực đầu tư và khai thác có hiệu quả.
- Nghiên cứu thành lập Trung tâm Hỗ trợ du khách trực thuộc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc bổ sung chức năng nhiệm vụ về hỗ trợ du khách cho Trung tâm Xúc tiến du lịch tỉnh; kiện toàn đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở cấp tỉnh, huyện và thành phố.
- Tổ chức điều tra nguồn nhân lực du lịch, mức chi tiêu của khách, đầu tư du lịch; điều tra tổng thể hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh.
III. KINH PHÍ THỰC HIỆN KẾ HOẠCH
- Kinh phí thực hiện Kế hoạch được huy động từ các nguồn: Ngân sách Trung ương, ngân sách địa phương, nguồn lồng ghép từ các chương trình dự án khác, đóng góp của các doanh nghiệp và các nguồn huy động hợp pháp khác.
- Hàng năm, cùng thời điểm xây dựng kế hoạch ngân sách Nhà nước, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch lập dự toán kinh phí thực hiện Kế hoạch đối với các nhiệm vụ được giao chủ trì gửi Sở Tài chính tổng hợp để trình cấp có thẩm quyền xem xét quyết định.
- Các sở, ban, ngành liên quan lồng ghép kế hoạch thực hiện nhiệm vụ chuyên ngành với Kế hoạch này theo chức năng được phân công tại Mục IV. Tổ chức thực hiện để bố trí kinh phí phù hợp.
1. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch
- Là cơ quan chủ trì chính trong việc tổ chức thực hiện Kế hoạch, có nhiệm vụ chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đơn vị và địa phương trong tỉnh tổ chức triển khai thực hiện các mục tiêu, nhiệm vụ của Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2015; giúp Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh (Ban Chỉ đạo) theo dõi, đôn đốc các nội dung công việc khác thuộc Kế hoạch đã được phân công cho các ngành, đơn vị, địa phương thực hiện; định kỳ 3 tháng báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Ban Chỉ đạo; đề xuất báo cáo những vấn đề phát sinh;
- Trên cơ sở các nội dung của Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2015 và các quy định hiện hành, hàng năm xây dựng kế hoạch triển khai cụ thể, lập dự toán kinh phí chi tiết đối với những nội dung do ngân sách địa phương đảm bảo, báo cáo Ban Chỉ đạo thông qua trước khi tổ chức triển khai thực hiện.
2. Sở Xây dựng
Phối hợp với các sở, ban ngành và các địa phương trong việc chỉ đạo lập quy hoạch đô thị, quy hoạch xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển du lịch. Quy hoạch xây dựng trong đầu tư phát triển du lịch hàng năm, quản lý chất lượng công trình xây dựng trong các dự án phát triển du lịch. Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch điểm dừng chân và thiết kế nhà vệ sinh đạt chuẩn tại các điểm dừng chân, khu du lịch, điểm du lịch.
3. Sở Kế hoạch và Đầu tư
- Tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xây dựng và ban hành chính sách ưu tiên đầu tư phát triển du lịch; bố trí hợp lý ngân sách phát triển du lịch từ nguồn hỗ trợ Trung ương cho các dự án đầu tư hạ tầng du lịch; bố trí đủ vốn đối ứng cho các dự án đầu tư du lịch.
- Chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan rà soát, thống kê, ban hành danh mục các dự án ưu tiên kêu gọi đầu tư cho lĩnh vực du lịch; thực hiện tốt giải pháp đổi mới, xây dựng cơ chế thu hút đầu tư trong du lịch; tiếp tục thực hiện cải cách đơn giản hóa thủ tục hành chính trong phê duyệt, cấp phép đầu tư cho các dự án du lịch.
- Chủ trì phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Công Thương tổ chức hội nghị, hội thảo xúc tiến đầu tư tại thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh..., tham mưu cho Ban Chỉ đạo Phát triển du lịch tỉnh phối hợp với cơ quan của Bộ Kế hoạch - Đầu tư, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Bộ Công Thương tham gia hội chợ quảng bá, xúc tiến đầu tư tại nước ngoài.
4. Sở Tài chính
- Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành trong việc tham mưu bố trí kinh phí cho chương trình phát triển du lịch;
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các sở, ban, ngành trong việc tổ chức, rà soát, thanh tra, kiểm tra việc chấp hành các quy định của Nhà nước về giá cả dịch vụ du lịch; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh bổ sung, ban hành quy định về các mức phí, lệ phí, bảng giá dịch vụ áp dụng tại các khu, điểm du lịch trên địa bàn tỉnh.
5. Sở Tài nguyên và Môi trường
- Chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tăng cường quản lý Nhà nước về môi trường tại các khu, điểm du lịch, cơ sở kinh doanh du lịch, dịch vụ, các dự án đầu tư du lịch. Tổ chức hướng dẫn, kiểm tra giám sát công tác bảo vệ môi trường tại các khu, điểm du lịch, các làng nghề đảm bảo sự phát triển du lịch một cách bền vững.
- Căn cứ vào các quy hoạch phát triển du lịch đã được phê duyệt, phối hợp với các sở, ban ngành, Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố triển khai thực hiện việc giao đất, cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất một cách thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư vào lĩnh vực phát triển du lịch.
6. Sở Giao thông - vận tải
- Triển khai các dự án giao thông ưu tiên phát triển du lịch, công bố các tuyến xe buýt đến khu, điểm du lịch; trước mắt tích cực tham mưu, xúc tiến mở tuyến xe buýt Đồng Hới - Phong Nha để phục vụ khách tham quan hang động. Thúc đẩy triển khai dự án xe ô tô điện 4 bánh hoạt động kinh doanh vận tải hành khách du lịch thí điểm trên một số tuyến nội thành thành phố Đồng Hới.
- Phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy hoạch điểm đặt biển chỉ dẫn đến các khu, điểm du lịch, hoàn chỉnh quy hoạch chi tiết điểm dừng chân, đấu nối đường du lịch vào các đường tỉnh và quốc lộ.
- Chỉ đạo các doanh nghiệp, chủ phương tiện vận chuyển khách du lịch thực hiện tốt Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT quy định về việc vận chuyển khách du lịch bằng xe ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch.
7. Sở Công Thương
- Chủ trì và phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các sở, ban ngành và các địa phương trong xây dựng phát triển các mặt hàng lưu niệm mang đặc thù địa phương; tổ chức các hội chợ, hội thảo, các lễ hội thương mại - du lịch nhằm giới thiệu, quảng bá các thương hiệu, sản phẩm của các doanh nghiệp cũng như các địa phương trong tỉnh tới nhân dân và du khách trong và ngoài nước.
- Tổ chức và bố trí tập trung khu ẩm thực, chợ đêm; phối hợp Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch xây dựng mô hình, điểm dịch vụ, quầy hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch, tập huấn nghiệp vụ du lịch cho các nhà hàng, điểm bán hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch.
- Tăng cường công tác quản lý về giá, niêm yết giá và bán đúng giá niêm yết. Tổ chức thanh tra, kiểm tra định kỳ, đột xuất về giá tại các khu, điểm du lịch, khách sạn, nhà hàng, quán ăn, chợ... đặc biệt là những tháng cao điểm đông khách du lịch.
8. Sở Y tế
Chủ trì và phối hợp với các ban, ngành chức năng tăng cường kiểm tra vệ sinh an toàn thực phẩm tại các cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng ăn uống công cộng; kiểm tra sức khỏe định kỳ đối với cán bộ, nhân viên hoạt động trong lĩnh vực du lịch, đặc biệt tại cơ sở lưu trú du lịch, nhà hàng và cơ sở dịch vụ bán hàng tươi sống phục vụ khách du lịch.
9. Sở Nội vụ
Tham mưu kiện toàn, sắp xếp, bổ sung tăng cường đội ngũ cán bộ quản lý Nhà nước về du lịch ở tỉnh, các huyện, thành phố đáp ứng yêu cầu của công tác quản lý và xu hướng phát triển trong thời gian tới.
10. Công an tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh
- Phối hợp với các sở, ban, ngành và chính quyền địa phương đảm bảo an ninh trật tự và an toàn xã hội trong các hoạt động tại các khu, điểm du lịch. Đảm bảo an toàn cho du khách và tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh. Giải quyết thủ tục xuất nhập cảnh nhanh gọn cho các đoàn và khách du lịch đường bộ qua Cửa khẩu quốc tế Cha Lo.
- Tham gia thẩm định các dự án đầu tư du lịch có liên quan đến an ninh, quốc phòng; tăng cường công tác bảo vệ an ninh, quốc phòng gắn với phát triển du lịch.
- Tăng cường công tác kiểm tra định kỳ và đột xuất về công tác phòng cháy chữa cháy tại các cơ sở lưu trú, khu, điểm du lịch.
11. Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố
- Căn cứ kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và điều kiện thực tế của địa phương để tổ chức thực hiện có hiệu quả Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh giai đoạn 2014 - 2015.
- Chỉ đạo các xã, phường, địa phương tăng cường công tác tuyên truyền, phổ biến sâu rộng, nâng cao nhận thức của các tầng lớp nhân dân, vận động nhân dân tự giác, tích cực tham gia xây dựng phong trào ứng xử văn minh, giữ gìn trật tự trị an, vệ sinh môi trường tại các khu, điểm du lịch, đặc biệt là tại các khu vực tập trung đông khách du lịch như khu vực các tuyến phố trung tâm TP Đồng Hới, chợ Đồng Hới, khu vực bãi biển Nhật Lệ - Quang Phú - Bảo Ninh, khu vực Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng (xã Sơn Trạch - Bố Trạch),...
12. Sở Thông tin - Truyền thông, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Quảng Bình, Website tỉnh
- Xây dựng chuyên trang, chuyên mục, phóng sự, bài viết tuyên truyền nâng cao nhận thức, ý thức trách nhiệm của các tầng lớp nhân dân, cộng đồng dân cư về chủ trương phát triển du lịch của tỉnh, hướng đến xây dựng Quảng Bình trở thành điểm đến "hấp dẫn, an toàn, vệ sinh, văn minh, lịch sự" đối với du khách trong nước và quốc tế.
- Mở chuyên trang, chuyên mục quảng bá, giới thiệu tiềm năng du lịch của tỉnh và cung cấp thông tin cho du khách trên QBTV, Website tỉnh...
- Sở Thông tin và Truyền thông chủ trì xây dựng phương án phát huy tối đa hiệu quả của cụm thông tin đối ngoại tại khu Cửa khẩu quốc tế Cha Lo sau khi công trình hoàn thành đưa vào khai thác phục vụ yêu cầu thông tin đối ngoại và quảng bá du lịch của tỉnh.
13. Doanh nghiệp, Hiệp hội Du lịch
- Hiệp hội Du lịch tỉnh tăng cường vai trò trong trao đổi, cung cấp thông tin, phối hợp quản lý môi trường du lịch đảm bảo an ninh, an toàn, chống chèo kéo, ép giá khách du lịch; phát động phong trào các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ du lịch tham gia phối hợp trong công tác giữ gìn an ninh trật tự, bảo đảm an toàn cho khách du lịch.
- Các doanh nghiệp chủ động xây dựng và thực hiện các chương trình liên kết phát triển du lịch, liên kết phát triển sản phẩm; tích cực tham gia các chương trình xúc tiến, quảng bá và đào tạo nguồn nhân lực do tỉnh tổ chức.
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH THUỘC KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NĂM 2014
(kèm theo Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2015)
TT | Các hoạt động | Thời gian thực hiện | Phối hợp thực hiện |
I | Các nhiệm vụ do Sở VHTTDL chủ trì |
|
|
1 | Phối hợp, chỉ đạo tổ chức Đại hội nhiệm kỳ Hiệp hội Du lịch tỉnh Quảng Bình | Quý I | Hiệp hội Du lịch |
2 | Phối hợp với Tạp chí Hữu nghị tổ chức Hội thảo “Cơ hội hợp tác quốc tế phát triển kinh tế du lịch tỉnh Quảng Bình” | Quý II | Tạp chí Hữu Nghị |
3 | Phối hợp tổ chức Tháng khám phá du lịch bằng máy bay trực thăng | Quý II | Công ty bay trực thăng Việt Nam |
4 | Tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại nước ngoài | Quý III | Các doanh nghiệp tham gia tự đóng góp kinh phí |
5 | Tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại Nam Trung Bộ và Tây Nguyên | Tháng II | Các doanh nghiệp tham gia tự đóng góp kinh phí |
6 | Nghiên cứu mô hình khai thác du lịch cộng đồng tại Hòa Bình và Lào Cai | Quý IV | Tổ chức Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh phía Bắc |
7 | Tổ chức Hội nghị kết nối hoạt động du lịch và khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình (mời các doanh nghiệp lữ hành trong nước và tại Thái Lan, Lào tham dự) | Quý III | Các doanh nghiệp hỗ trợ lưu trú |
8 | Phối hợp với Đài PTTH Quảng Bình xây dựng chuyên đề: Điểm đến du lịch Quảng Bình | Cả năm (1 số/tuần) | Đài PTTH QB |
9 | Điều tra nguồn nhân lực du lịch, mức chi tiêu của khách, đầu tư du lịch | Quý II, III |
|
10 | Tổ chức khảo sát và mở lớp tập huấn cho người quản lý và nhân viên phục vụ tại các nhà hàng tiến hành công nhận đạt chuẩn phục vụ khách du lịch (1 đợt khảo sát và 3 lớp tập huấn) | Quý I | Sở Công Thương |
11 | Tập huấn Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT | Quý III |
|
12 | Tổ chức các lớp tập huấn cho nhân viên lái thuyền và phục vụ trên thuyền du lịch tại Trung tâm Du lịch Phong Nha - Kẻ Bàng theo quy định tại Thông tư số 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL (4 lớp) | Quý I, II |
|
13 | Tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên tại các quày hàng lưu niệm bán cho khách du lịch | Quý II |
|
14 | Tập huấn nghiệp vụ du lịch cho nhân viên phục vụ trong các cơ sở lưu trú (2 lớp) | Quý I |
|
15 | Hội nghị tổng kết hoạt động du lịch năm 2014, triển khai kế hoạch 2015 | Quý IV |
|
16 | Đón tiếp các đoàn Farmtrip | Cả năm |
|
17 | Mời Đài Truyền hình Việt Nam làm clip ngắn về du lịch Quảng Bình (15 phút) và phát trên một số kênh truyền hình VTV | Quý II |
|
18 | Tổ chức cuộc thi sáng tác lôgô và slogan du lịch Quảng Bình. | Quý II đến IV |
|
19 | Tham gia ngày Hội Du lịch TP Hồ Chí Minh | Quý II | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
20 | Tham gia hội chợ du lịch 2014 tại TP. Hà Nội | Quý II | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
21 | Tái bản bản đồ du lịch Quảng Bình | Quý II | Các dự án hỗ trợ phát triển du lịch |
II | Đầu tư hạ tầng |
|
|
1 | Khảo sát quy hoạch 2 điểm dừng chân | Quý I | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải |
2 | Hỗ trợ đầu tư ngoài hàng rào điểm dừng chân (điện + nước + đường) | Quý II - IV | Sở Kế hoạch - Đầu tư |
3 | Lập quy hoạch cụ thể 03 khu du lịch | Quý I - III | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch |
4 | Quy hoạch, thiết kế nhà vệ sinh đạt chuẩn | Quý I, II | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Xây dựng
|
5 | Khảo sát, quy hoạch, thiết kế và lắp đặt biển chỉ dẫn | Cả năm | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải |
CÁC HOẠT ĐỘNG CHÍNH THUỘC KẾ HOẠCH PHÁT TRIỂN DU LỊCH NĂM 2015
(kèm theo Kế hoạch phát triển du lịch tỉnh Quảng Bình giai đoạn 2014 - 2015)
TT | Các hoạt động | Thời gian thực hiện | Phối hợp thực hiện |
I | Các nhiệm vụ do Sở VHTTDL chủ trì |
|
|
1 | Xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh Nam Bộ | Quý I | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
2 | Tổ chức 04 lớp tập huấn nâng cao nghiệp vụ du lịch cho nhân viên bàn, buồng, bếp phục vụ tại khách sạn | Quý I, II |
|
3 | Tổ chức 02 lớp cho nhân viên phục vụ tại các nhà hàng đạt chuẩn phục vụ khách du lịch | Quý I, IV |
|
4 | Tổ chức 03 lớp tập huấn Thông tư liên tịch số 05/2011/TTLT/BVHTTDL-BGTVT ngày 26 tháng 01 năm 2011 quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô | Quý I, IV |
|
5 | Tổ chức 04 lớp tập huấn cho người lái thuyền và nhân viên phục vụ trên thuyền du lịch | Quý I, IV |
|
6 | Tổ chức 02 lớp bồi dưỡng nghiệp vụ thuyết minh viên du lịch | Quý II |
|
7 | Phối hợp với Đài Truyền hình Việt Nam xây dựng và phát hành 2 tập phim tuyên truyền, quảng bá du lịch Quảng Bình | Quý II |
|
8 | Tổ chức điều tra tổng thể hoạt động kinh doanh du lịch của tỉnh | Quý II, III |
|
9 | Tổ chức 01 hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch ở nước ngoài | Quý III | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
10 | Tham dự hội chợ triển lãm, xúc tiến du lịch tại TP.Hà Nội, TP.Hồ Chí Minh, 2 hội chợ tại khu vực Bắc miền Trung và Đà Nẵng | Quý III | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
11 | Tổ chức 02 lớp tập huấn nghiệp vụ du lịch cho đội ngũ khuân vác phục vụ khách du lịch tại các tuyến du lịch mạo hiểm. | Quý III |
|
12 | Tổ chức 01 Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch tại các tỉnh phía Bắc | Quý IV | Doanh nghiệp hỗ trợ phòng ngủ cho khách mời |
13 | Tổ chức 01 Hội nghị xúc tiến, quảng bá du lịch Quảng Bình tại các tỉnh Nam Trung Bộ và Tây Nguyên. | Quý IV | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
14 | Tổ chức đoàn Farmtrip khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình | Quý IV |
|
15 | Đón tiếp đoàn Farmtrip đến khảo sát điểm đến du lịch Quảng Bình | Cả năm | DN tham gia tự đóng góp kinh phí |
16 | Xuất bản tờ Thông tin du lịch (6 số/năm) | Cả năm |
|
17 | Xây dựng Chương trình phát triển du lịch Quảng Bình giai đoạn 2016 - 2020 | Quý II, III |
|
II | ĐẦU TƯ HẠ TẦNG |
|
|
1 | Hoàn thiện các dự án du lịch | Cả năm |
|
2 | Quy hoạch trạm dừng chân trên QL 1A | Quý III | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải |
3 | Tăng dày biển chỉ dẫn | Quý I | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Giao thông vận tải |
4 | Đầu tư hạ tầng vật chất kỹ thuật Khu dịch vụ du lịch tại Quảng Đông | Quý I - II | Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Kế hoạch - Đầu tư |
- 1 Quyết định 99/QĐ-UBND năm 2016 về công nhận điểm du lịch địa phương Di tích lịch sử quốc gia Chùa Hoằng Phúc do tỉnh Quảng Bình ban hành
- 2 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3 Kế hoạch 6120/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường liệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 4 Quyết định 1240/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 5 Chỉ thị 18/CT-TTg năm 2013 tăng cường công tác quản lý môi trường du lịch, bảo đảm an ninh, an toàn cho khách du lịch do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 6 Thông tư liên tịch 22/2012/TTLT-BGTVT-BVHTTDL quy định về bảo đảm an toàn giao thông trong hoạt động vận tải khách du lịch bằng phương tiện thủy nội địa do Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải - Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 7 Quyết định 2473/QĐ-TTg năm 2011 phê duyệt "Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030" do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 8 Thông tư liên tịch 05/2011/TTLT-BVHTTDL-BGTVT quy định về vận chuyển khách du lịch bằng ô tô và cấp biển hiệu cho xe ô tô vận chuyển khách du lịch do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch - Bộ Giao thông vận tải ban hành
- 9 Luật du lịch 2005
- 10 Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban Nhân dân 2003
- 1 Kế hoạch 6120/KH-UBND năm 2015 thực hiện Chỉ thị 14/CT-TTg về tăng cường liệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch trên địa bàn tỉnh Đắk Lắk
- 2 Chỉ thị 05/CT-UBND năm 2015 về tăng cường hiệu lực quản lý nhà nước, tập trung khắc phục yếu kém, thúc đẩy phát triển du lịch do tỉnh Hưng Yên ban hành
- 3 Quyết định 1240/QĐ-UBND năm 2015 ban hành Kế hoạch thực hiện Nghị quyết 92/NQ-CP năm 2014 về giải pháp đẩy mạnh phát triển du lịch trong thời kỳ mới trên địa bàn tỉnh Bắc Kạn
- 4 Quyết định 99/QĐ-UBND năm 2016 về công nhận điểm du lịch địa phương Di tích lịch sử quốc gia Chùa Hoằng Phúc do tỉnh Quảng Bình ban hành