Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 335/QĐ-BNN-KH

Hà Nội, ngày 01 tháng 3 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PTNT THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP VỀ NHỮNG GIẢI PHÁP CHỦ YẾU TẬP TRUNG KIỀM CHẾ LẠM PHÁT, ỔN ĐỊNH KINH TẾ VĨ MÔ, BẢO ĐẢM AN SINH XÃ HỘI

BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN

Căn cứ Nghị định số 01/2008/NĐ-CP ngày 03/01/2008, Nghị định số 75/2009/NĐ-CP ngày 10/9/2009 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;

Căn cứ Nghị quyết số 11/ NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế hoạch,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch hành động của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện Nghị quyết số 11/ NQ-CP ngày 24 tháng 02 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như điều 3;
- Văn phòng Chính phủ;
- Lãnh đạo Bộ NN&PTNT;
- Đảng ủy Bộ NN&PTNT;
- Công đoàn Ngành NN&PTNT;
- Website Bộ NN&PTNT;
- Lưu VT, KH.

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát

 

KẾ HOẠCH HÀNH ĐỘNG

CỦA BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 11/NQ-CP NGÀY 24 THÁNG 02 NĂM 2011 CỦA CHÍNH PHỦ
(Ban hành kèm theo Quyết định số: 335 /QĐ-BNN-KH ngày 01 tháng 3 năm 2011 của Bộ Nông nghiệp và PTNT)

Thực hiện Nghị quyết số 02/NQ-CP ngày 09 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về những giải pháp chủ yếu chỉ đạo, điều hành thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội và dự toán ngân sách Nhà nước năm 2011, Bộ Nông nghiệp và PTNT đã ban hành Chương trình hành động của Bộ tại Quyết định số 127/QĐ-BNN-KH ngày 21 tháng 01 năm 2011. Tuy nhiên, trước tình hình thế giới đang có nhiều diễn biến phức tạp như giá nguyên vật liệu, giá lương thực, thực phẩm có xu hướng tăng cao. Ở trong nước, thiên tai, thời tiết tác động bất lợi đến sản xuất và đời sống nhân dân; một số mặt hàng là đầu vào của sản xuất như điện, xăng dầu phải điều chỉnh giá theo cơ chế thị trường nên đã làm giá cả tăng cao, gây nguy cơ mất ổn định kinh tế vĩ mô của nước ta.

Trước tình hình cấp bách nói trên, ngày 24 tháng 02 năm 2011, Chính phủ đã có Nghị quyết số 11/NQ-CP về những giải pháp chủ yếu tập trung kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, bảo đảm an sinh xã hội.

Để thực hiện Nghị quyết 11/NQ-CP của Chính phủ, Bộ yêu cầu các đơn vị, địa phương tập trung chỉ đạo và thực hiện ngay các giải pháp sau đây:

1. Đẩy mạnh sản xuất, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước, ngăn ngừa đột biến giá lương thực, thực phẩm và tăng khối lượng hàng hoá xuất khẩu.

- Về Trồng trọt

Cục Trồng trọt chủ trì, phối hợp với các tỉnh miền Nam, nhất là các tỉnh vùng Đồng bằng sông Cửu Long tập trung thu hoạch nhanh gọn vụ lúa Đông Xuân; Chỉ đạo sát sao về thời vụ, cơ cấu giống vụ lúa Hè Thu, tạo điều kiện thuận lợi để mở rộng diện tích vụ Thu Đông nhằm tăng thêm 1 triệu tấn thóc, đảm bảo an ninh lương thực quốc gia và xuất khẩu trên 6,5 triệu tấn gạo; Đề xuất chính sách hỗ trợ kịp thời nông dân khắc phục hạn hán, xâm nhập mặn, xây dựng gia cố bờ bao, trạm bơm… phục vụ lúa Thu Đông.

Các tỉnh phía Bắc khẩn trương hoàn thành gieo cấy hết kế hoạch diện tích lúa Đông Xuân trong khung thời vụ tốt nhất; Đẩy mạnh chăm bón, phòng trừ sâu bệnh đảm bảo thắng lợi vụ Đông Xuân, đồng thời chuẩn bị đầy đủ điều kiện cho vụ Hè Thu và vụ Đông.

Cục Bảo vệ Thực vật chỉ đạo các chi cục trong cả nước tăng cường công tác kiểm tra, dự báo dự tính sâu bệnh, kịp thời dập tắt dịch bệnh nhất là bệnh lùn sọc đen, vàng lùn, lùn xoắn lá.

Vụ Kế hoạch phối hợp với các Cục chỉ đạo hoàn thành kế hoạch mua dự trữ quốc gia năm 2011 đảm bảo có đủ thuốc dập dịch kịp thời, đồng thời theo Hiệp hội Lương thực, các Tổng công ty lương thực miền Nam và miền Bắc tiếp tục đẩy mạnh ký kết hợp đồng; Chuẩn bị đầy đủ kho tàng, vốn để thu mua lúa cho nông dân

Đồng thời với đẩy mạnh sản xuất lương thực, các địa phương tập trung chỉ đạo nông dân thâm canh, tăng năng suất, chất lượng các loại cây công nghiệp, rau, hoa quả để tận dụng cơ hội thuận lợi về thị trường và giá hiện nay nhằm tăng kim ngạch xuất khẩu, góp phần cân bằng cán cân xuất - nhập khẩu quốc gia.

- Về Chăn nuôi:

Cục Chăn nuôi chủ trì, phối hợp với các địa phương đảm bảo về giống, kỹ thuật, chủ động nguồn thức ăn và các điều kiện cần thiết để khôi phục và phát triển nhanh đàn gia súc, gia cầm;

Cục Thú y phối hợp với các tỉnh triển khai các phương án chủ động phòng chống dịch bệnh trên gia súc, gia cầm. Trước mắt chỉ đạo quyết liệt nhằm dập tắt dịch LMLM đang có nguy cơ lan rộng, dịch cúm gia cầm đang có nguy cơ tái phát đảm bảo cho chăn nuôi phát triển bền vững, phấn đấu đạt tốc độ tăng giá trị sản xuất 7,5 - 8,0% so với năm 2010.

- Về Thuỷ sản

Tổng cục Thủy sản chủ trì, phối hợp với các địa phương:

Đảm bảo các điều kiện nuôi thâm canh, an toàn dịch bệnh; Tập trung phát triển nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng, cá tra thâm canh theo các quy trình sản xuất tốt. Nâng cao năng lực các cơ sở sản xuất giống chất lượng cao, giống sạch bệnh, cung cấp đủ cho các vùng nuôi thủy sản của cả nước;

Tăng cường quản lý tàu, thuyền, hướng dẫn và hỗ trợ áp dụng khoa học kỹ thuật, tăng hiệu quả và tính bền vững trong hoạt động khai thác; đầu tư các khu neo đậu, cảng cá, bến cá gắn với hình thành các cụm dịch vụ hậu cần.

Chỉ đạo thu hoạch tốt vụ cá Bắc đang diễn ra và vụ cá Nam sắp tới, góp phần đạt mục tiêu giá trị sản xuất thủy sản tăng 7% so với năm 2010, tổng sản lượng thủy sản khoảng 5,3 triệu tấn (khai thác 2,3 triệu tấn, nuôi trồng 3 triệu tấn), phát triển nuôi trồng, khai thác và bảo vệ nguồn lợi thuỷ sản một cách hợp lý, bền vững.

- Về Lâm nghiệp

Tổng cục Lâm nghiệp chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

Tiếp tục chỉ đạo các đơn vị, địa phương gieo ươm giống cây, khảo sát, rà soát diện tích đất đảm bảo trồng rừng, đặc biệt trồng rừng phòng hộ, đặc dụng, thực hiện các chỉ tiêu, nhiệm vụ còn lại của Dự án trồng mới 5 triệu ha rừng

. Trong năm 2011, thực hiện trồng mới 200-250 nghìn ha, trồng 50 triệu cây phân tán.

Triển khai quyết liệt các biện pháp bảo vệ rừng, phòng chống cháy rừng, chống phá rừng trái pháp luật; Tiếp tục thực hiện việc công tác giao đất, khoán rừng cho các hộ gia đình, các cộng đồng và tổ chức quản lý bảo vệ; khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình có khả năng đầu tư phát triển mạnh rừng sản xuất theo hướng thâm canh và hiệu quả; tạo điều kiện thu hút đầu tư trồng rừng sản xuất và chế biến lâm sản, phát triển du lịch sinh thái.

- Về công nghiệp chế biến nông lâm thủy sản và ngành nghề nông thôn

Cục Chế biến, Thương mại nông lâm sản và Nghề muối chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

Tiếp tục chỉ đạo ổn định và phát triển chế biến NLTS phục vụ nhu cầu trong nước và xuất khẩu, đảm bảo tốc độ tăng GTSX chế biến NLTS đạt 8% - 10%.

Tập trung triển khai thực hiện hiệu quả Nghị quyết 48/NQ-CP ngày 23/9/2009 và Quyết định 63/QĐ-TTg ngày 15/10/2010 về cơ chế, chính sách giảm tổn thất sau thu hoạch đối với nông, thuỷ sản trên cơ sở đó đẩy mạnh công nghiệp chế biến, tăng tỷ trọng nông, thủy sản được bảo quản, chế biến công nghiệp, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm và nâng cao giá trị gia tăng của sản phẩm.

Tiếp tục thực hiện Chương trình Bảo tồn và phát triển làng nghề truyền thống trong Chương trình mục tiêu Quốc gia về xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2010- 2020.

- Về Thủy lợi

Tổng cục Thủy lợi chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương:

Tập trung đánh giá đúng tình hình triển khai các biện pháp kịp thời đối phó với hạn hán, xâm nhập mặn, lũ lụt.

Chỉ đạo áp dụng các biện pháp nâng cao hiệu quả công trình thủy lợi, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

2. Thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên và sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển hợp lý, hiệu quả

a. Tiết kiệm chi thường xuyên

Vụ Tài chính chủ trì, phối hợp với các đơn vị rà soát, sắp xếp lại các nhiệm vụ chi để tiết kiệm thêm 10% chi thường xuyên của 9 tháng còn lại trong dự toán năm 2011 (không bao gồm tiền lương và các khoản có tính chất lương, chi chế độ chính sách cho con người và tiết kiệm 10% chi thường xuyên để tạo nguồn cải cách tiền lương theo kế hoạch đầu năm).

Vụ Tài chính xác định cụ thể số tiết kiệm, báo cáo Bộ Tài chính để tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 20 tháng 3/2011. Số tiết kiệm thêm 10% giao Vụ Tài chính quản lý, từ quý III năm 2011 sẽ xem xét, bố trí cho các nhiệm vụ cấp bách phát sinh ngoài dự toán hoặc chuyển về ngân sách Trung ương theo hướng dẫn của Bộ Tài chính.

Không bố trí kinh phí cho những việc chưa thực sự cấp bách, tạm dừng trang bị mới xe ô tô, điều hòa nhiệt độ, thiết bị văn phòng và cắt giảm tối đa chi phí điện, nước, điện thoại, văn phòng phẩm. Tiết giảm tối đa chi phí hội nghị, hội thảo, tổng kết, sơ kết, đi công tác trong và ngoài nước. Không bổ sung ngân sách ngoài dự toán, trừ các trường hợp thực hiện theo chính sách, chế độ, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai dịch bệnh do Thủ tướng Chính phủ quyết định.

Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện tiết kiệm chi thường xuyên theo theo tinh thần Nghị quyết số 11/NQ-CP .

Giao Vụ Tài chính, Thanh tra Bộ tăng cường công tác thanh kiểm tra, phát hiện kịp thời và xử lý theo quy định và công khai các trường hợp vi phạm.

Giao Văn phòng Bộ xây dựng và hướng dẫn chương trình tiết kiệm điện, phấn đấu tiết kiệm sử dụng điện 10% theo tinh thần Nghị quyết số 02/NQ-CP của Chính phủ và kiểm tra tình hình tiết kiệm điện, nước, điện thoại khối cơ quan Bộ. Tổng cục Thuỷ lợi chỉ đạo các địa phương đẩy mạnh thực hiện Chương trình nâng cao hiệu quả quản lý thuỷ nông nhằm tưới tiêu hợp lý, tiết kiệm điện nước và chi phí.

b. Về sử dụng nguồn vốn đầu tư là ngân sách nhà nước và trái phiếu Chính phủ

Vụ Kế hoạch chủ trì, phối hợp với các Tổng cục, Cục tiến hành rà soát lại kế hoạch phân bổ vốn năm 2011 để báo cáo Bộ Kế hoạch và Đầu tư tổng hợp báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước 15 tháng 3 năm 2011 theo hướng:

- Đảm bảo sử dụng ngân sách nhà nước theo đúng mục tiêu và các quy định hiện hành. Không bố trí vốn cho các công trình, dự án không đúng đối tượng, không đủ thủ tục đầu tư, không hiệu quả.

- Chưa khởi công các công trình, dự án mới trừ các dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, các dự án trọng điểm quốc gia và các dự án được đầu tư từ nguồn vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA).

- Rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại để điều chuyển vốn đẩy nhanh tiến độ các công trình, dự án quan trọng, cấp bách, có hiệu quả và có khả năng hoàn thành trong năm 2011.

Yêu cầu các Tổng cục, Cục không xây dựng kế hoạch ứng trước vốn năm 2012 cho các dự án, trừ những dự án phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai cấp bách, đồng thời chỉ đạo đảm bảo hoàn thành kế hoạch vốn 2011 nhằm thực hiện chỉ đạo không kéo dài thời gian thực hiện các khoản vốn đầu tư kế hoạch năm 2011 của Chính phủ.

Các Tổng cục, Cục Quản lý xây dựng công trình, Thanh tra Bộ tăng cường công tác kiểm tra, giám sát hiệu quả sử dụng vốn đầu tư phát triển, vốn trái phiếu Chính phủ.

Ban Đổi mới và Quản lý doanh nghiệp chỉ đạo các Tổng công ty nhà nước tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hoá, tái cơ cấu, kiểm soát chặt chẽ chi phí sản xuất, đổi mới quản trị doanh nghiệp để nâng cao hiệu quả sản xuất kinh doanh; Đồng thời rà soát, cắt giảm, sắp xếp lại các dự án đầu tư, tập trung vào lĩnh vực sản xuất, kinh doanh chính, loại bỏ các dự án đầu tư kém hiệu quả, đầu tư dàn trải, kể cả các dự án đầu tư ra nước ngoài, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trong tháng 4 năm 2011, đồng gửi Bộ Kế hoạch và Đầu tư để tổng hợp, báo cáo Chính phủ trong phiên họp thường kỳ tháng 5 năm 2011.

3. Đảm bảo an sinh xã hội vùng nông thôn, tăng thu nhập, cải thiện mức sống và điều kiện sống dân cư nông thôn

Cục Kinh tế hợp tác và Phát triển nông thôn, Tổng cục Thủy lợi, Tổng cục Lâm nghiệp theo chức năng, nhiệm vụ được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị, doanh nghiệp, địa phương:

Tập trung chỉ đạo triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia về xây dựng nông thôn mới; chỉ đạo lập Đề án xây dựng nông thôn mới, trước hết tập trung vào các xã đã đăng ký; chú trọng công tác tập huấn đào tạo đội ngũ cán bộ chỉ đạo và vận hành chương trình; tổ chức tuyên truyền sâu rộng giúp cho cư dân nông thôn hiểu và tự giác tham gia tích cực vào công cuộc xây dựng nông thôn mới.

Tiếp tục đẩy nhanh tiến độ thực hiện các nhiệm vụ trong Chương trình MTQG về giảm nghèo, Chương trình 135 giai đoạn II, tập trung triển khai các đề án hỗ trợ huyện nghèo theo Nghị quyết 30a của Chính phủ; tổ chức tổng kết, đánh giá tình hình thực hiện các chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2006-2010 (Chương trình trồng mới 5 triệu ha rừng; Chương trình nước sạch và vệ sinh môi trường nông thôn) làm căn cứ cho việc xây dựng và triển khai các Chương trình MTQG giai đoạn 2011-2015.

Tiếp tục hỗ trợ kinh phí phát triển sản xuất và chuyển đổi cơ cấu kinh tế cho 1.788 xã và 2.701 thôn, bản đặc biệt khó khăn vùng đồng bào dân tộc và miền núi; hỗ trợ bồi dưỡng về kiến thức và kỹ năng áp dụng kỹ thuật và công nghệ mới để đạt năng suất cao, tăng thu nhập, thoát nghèo bền vững.

Năm 2011, phấn đấu tỉ lệ dân số nông thôn được sử dụng nước sinh hoạt hợp vệ sinh đạt 86%, tỷ lệ hộ dân nông thôn có hố xí hợp vệ sinh đạt 63%, 4% số xã đạt chuẩn nông thôn mới.

Tập trung nguồn lực cho chương trình bố trí dân cư cho các vùng thiên tai, vùng đặc biệt khó khăn, vùng biên giới, hải đảo, vùng xung yếu, rất xung yếu, vùng bảo vệ nghiêm ngặt của rừng phòng hộ và đặc dụng và bố trí, sắp xếp ổn định dân di cư tự do; đẩy nhanh công tác lập, thẩm định, phê duyệt các dự án về công tác di dân, tái định cư của Dự án thủy điện Sơn La, công tác thu hồi đất, giao đất và hướng dẫn nhân dân sớm ổn định đời sống, tổ chức lại sản xuất.

Phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, xây dựng chính sách phát triển kinh tế-xã hội đặc thù cho các vùng dân tộc, miền núi, vùng biên giới, hải đảo giai đoạn 2011-2015.

4. Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền

Các cơ quan tuyên truyền, báo chí của ngành đẩy mạnh công tác tuyên truyền, đưa tin kịp thời, đầy đủ để nhân dân hiểu, nhận thức đúng nội dung và ý nghĩa của Nghị quyết này. Không đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất, kinh doanh và đời sống của nhân dân.

Văn phòng Bộ chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị chủ động cung cấp thông tin kịp thời cho các cơ quan truyền thông như Báo, Đài phát thanh, truyền hình phục vụ công tác thông tin tuyên truyền.

Đẩy mạnh truyền thông về các lĩnh vực chuyên môn, nâng cao nhận thức của nhân dân để chủ động thực hiện các giải pháp thúc đẩy sản xuất, kinh doanh, góp phần kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô và bảo đảm an sinh xã hội.

5. Tổ chức thực hiện

Căn cứ vào Kế hoạch hành động này, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, tổ chức trực thuộc Bộ Nông nghiệp và PTNT, Giám đốc Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, Chủ tịch Hội đồng quản trị, Tổng giám đốc các Tổng công ty, Giám đốc các doanh nghiệp thuộc Bộ theo chức năng và nhiệm vụ chủ động tổ chức triển khai các nhiệm vụ được phân công, đảm bảo thực hiện hiệu quả Nghị Quyết số 11 NQ-CP.

Định kỳ hàng tháng, các đơn vị tiến hành kiểm điểm báo cáo Bộ kết quả thực hiện. Giao Văn phòng Bộ, Vụ Kế hoạch theo dõi và tổng hợp báo cáo kết quả thực hiện của các đơn vị tại cuộc họp giao ban thường kỳ tháng của lãnh đạo Bộ.

Đề nghị Công đoàn Ngành Nông nghiệp và PTNT Việt Nam chỉ đạo các tổ chức công đoàn cơ sở làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền, vận động để nông dân, người lao động, cán bộ công chức trong ngành nhận thức đúng, tham gia tích cực, tạo sự đồng thuận cao trong việc triển khai thực hiện Nghị quyết. Các hội, hiệp hội ngành nghề tổ chức để cộng đồng doanh nghiệp tích cực thực hiện các chủ trương, cơ chế, chính sách của Đảng và Nhà nước, các nội dung của Nghị quyết./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Cao Đức Phát