ỦY BAN NHÂN DÂN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 336/QĐ-UBND | Khánh Hòa, ngày 30 tháng 01 năm 2019 |
QUYẾT ĐỊNH
BAN HÀNH QUY CHẾ TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU CÔNG ĐỨC TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA THÁP BÀ PONAGAR
ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA
Căn cứ Luật tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;
Căn cứ Luật di sản văn hóa ngày 29/6/2001 và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa ngày 18/6/2009;
Căn cứ Luật tín ngưỡng, tôn giáo ngày 18/11/2016;
Căn cứ Nghị định 98/2010/NĐ-CP ngày 21/9/2010 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật di sản văn hóa và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật di sản văn hóa;
Căn cứ Nghị định số 162/2017/NĐ-CP ngày 30/12/2017 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành Luật tín ngưỡng, tôn giáo;
Căn cứ Thông tư số 18/2012/TT-BVHTTDL ngày 28/12/2012 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết một số quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích;
Xét đề nghị của Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa tại công văn số 98/S VHTT-KHTC ngày 15/01/2019,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này bản Quy chế tiếp nhận, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức tại Khu Di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký ban hành và thay thế Quyết định số 2868/QĐ-UBND ngày 26/10/2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa.
Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Văn hóa và Thể thao; Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa và Thủ trưởng các đơn vị liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
| TM. ỦY BAN NHÂN DÂN |
QUY CHẾ
TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU CÔNG ĐỨC TẠI KHU DI TÍCH LỊCH SỬ VĂN HÓA THÁP BÀ PONAGAR
(Ban hành kèm theo Quyết định số 336/QĐ-UBND ngày 30/01/2019 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)
Chương I
QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Nguồn thu công đức tại Khu di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar (gọi tắt là nguồn thu công đức) là khoản tiền hoặc hiện vật do các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước tự nguyện đóng góp.
Điều 2. Nguồn công đức là khoản thu không chịu thuế.
Chương II
TIẾP NHẬN, QUẢN LÝ VÀ SỬ DỤNG NGUỒN THU CÔNG ĐỨC
Điều 3. Tổ chức tiếp nhận, quản lý nguồn thu công đức.
1. Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa là đơn vị tổ chức tiếp nhận, quản lý nguồn thu công đức tại nơi tiếp đón khách hành hương và các thùng công đức đặt trong Khu di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.
2. Thùng công đức phải được khóa và dán niêm phong. Niêm phong phải có chữ ký của các thành viên trong Hội đồng giám sát. Thành phần Hội đồng giám sát do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa quyết định.
3. Thùng công đức được mở định kỳ mỗi tháng một đến hai lần. Trong những ngày diễn ra Lễ hội Tháp Bà Ponagar, Tết Nguyên Đán hoặc trong trường hợp mở đột xuất, việc mở thùng công đức do Giám đốc Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa quyết định để đảm bảo quản lý kịp thời. Khi mở thùng công đức phải có sự giám sát, chứng kiến của các thành viên Hội đồng giám sát.
4. Nguồn thu công đức phải nộp đầy đủ, kịp thời vào tài khoản tiền gửi của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa; lãi tiền gửi (nếu có) được bổ sung vào nguồn công đức để quản lý, sử dụng theo quy định.
5. Nguồn thu công đức được quản lý, sử dụng theo quy định hiện hành. Trong năm sử dụng không hết, được chuyển sang năm sau để tiếp tục sử dụng, không được sử dụng cho các mục đích khác không được quy định tại Quyết định này.
6. Hàng năm, quyết toán thu, chi nguồn công đức phải được công khai theo đúng quy định về công khai tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập.
Điều 4. Nguồn thu công đức được sử dụng chi các nội dung
1. Các nội dung chi phục vụ tại khu di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar như sau:
a) Tu bổ, phục hồi, phục chế hiện vật, mua sắm tài sản. Trường hợp có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên được Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa phê duyệt đầu tư;
b) Tổ chức lễ hội Tháp Bà Ponagar và các hoạt động vào dịp Tết Nguyên Đán hàng năm, tổ chức các hoạt động nghệ thuật truyền thống;
c) Chi phục vụ nhu cầu tín ngưỡng của nhân dân;
d) Công tác tiếp nhận, quản lý nguồn thu công đức;
đ) Thực hiện các nội dung công việc do tổ chức, cá nhân đóng góp đã thỏa thuận với Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.
2. Các nội dung chi khác gồm:
a) Tu bổ, phục hồi di tích, phục chế hiện vật tại các di tích lịch sử, văn hóa trong tỉnh. Dự án tu bổ và kinh phí hỗ trợ tu bổ di tích do Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa quyết định đầu tư;
b) Hỗ trợ tổ chức lễ hội truyền thống hàng năm, các hoạt động tuyên truyền để bảo tồn phát huy giá trị di tích; chi cúng lễ tại các di tích trong tỉnh;
c) Xây dựng bia, biển các di tích, danh thắng theo chỉ tiêu nhiệm vụ giao hàng năm;
d) Chi thanh toán tiền điện, nước, nhiên liệu, thuê nhân công bảo quản, chăm sóc tại các di tích được xếp hạng do Trung tâm Bảo tồn di tích Khánh Hòa trực tiếp quản lý.
Điều 5. Quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích
a) Tuân thủ các quy định của pháp luật về di sản văn hóa, về xây dựng và các quy định pháp luật khác có liên quan.
b) Thực hiện đầy đủ các thủ tục, trình tự bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích theo quyết định của cấp có thẩm quyền.
Chương III
TỔ CHỨC THỰC HIỆN
Điều 6. Trách nhiệm của Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa.
Trung tâm Bảo tồn di tích tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm thu, nộp, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức theo quy định hiện hành; định kỳ hàng năm báo cáo tình hình thu, chi cho cơ quan chủ quản, cơ quan tài chính cùng cấp, đồng thời thực hiện công khai tài chính nguồn thu công đức tại khu di tích lịch sử văn hóa Tháp Bà Ponagar.
Điều 7. Trách nhiệm các ngành.
1. Sở Văn hóa và Thể thao tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm chỉ đạo đơn vị thực hiện việc thu, quản lý và sử dụng nguồn thu công đức theo đúng quy định; kiểm tra số thu, xét duyệt quyết toán chi từ nguồn thu công đức theo đúng quy định hiện hành; thành lập Hội đồng giám sát để giám sát các hoạt động liên quan đến nguồn thu công đức theo đúng quy định.
2. Sở Tài chính tỉnh Khánh Hòa có trách nhiệm hướng dẫn đơn vị thực hiện; thẩm tra quyết toán chi từ nguồn thu công đức theo đúng quy định hiện hành./.
- 1 Nghị định 162/2017/NĐ-CP về hướng dẫn Luật tín ngưỡng, tôn giáo
- 2 Nghị quyết 18/2017/NQ-HĐND quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thăm quan Khu di tích lịch sử đặc biệt Nhà tù Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu
- 3 Nghị quyết 25/2016/NQ-HĐND quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar và danh lam thắng cảnh Hòn Chồng tỉnh Khánh Hòa
- 4 Luật tín ngưỡng, tôn giáo 2016
- 5 Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2025
- 6 Luật tổ chức chính quyền địa phương 2015
- 7 Thông tư 18/2012/TT-BVHTTDL quy định về bảo quản, tu bổ, phục hồi di tích do Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành
- 8 Nghị định 98/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật di sản văn hóa và Luật di sản văn hóa sửa đổi
- 9 Luật di sản văn hóa sửa đổi 2009
- 10 Luật di sản văn hóa 2001
- 1 Kế hoạch 171/KH-UBND năm 2016 thực hiện Quy hoạch tổng thể bảo tồn, tôn tạo và phát huy giá trị Khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng, Thanh Hóa, giai đoạn 2016-2020 và đến năm 2025
- 2 Nghị quyết 25/2016/NQ-HĐND quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí tham quan khu di tích lịch sử - văn hóa Tháp Bà Ponagar và danh lam thắng cảnh Hòn Chồng tỉnh Khánh Hòa
- 3 Nghị quyết 18/2017/NQ-HĐND quy định mức thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thăm quan Khu di tích lịch sử đặc biệt Nhà tù Côn Đảo tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu