Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3361/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 30 tháng 9 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT KẾ HOẠCH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Nghị định số 66/2008/NĐ-CP ngày 25 tháng 5 năm 2008 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Tư pháp tại Tờ trình số 746/TTr-STP ngày 11 tháng 9 năm 2009,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt “Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa” kèm theo Quyết định này.

Điều 2. Sở Tư pháp là cơ quan đầu mối, chủ trì, đôn đốc thực hiện kế hoạch đảm bảo chất lượng, hiệu quả.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp; Thủ trưởng các Sở, ban, ngành và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Chu Phạm Ngọc Hiển

 

KẾ HOẠCH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH THANH HÓA
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3361/QĐ-UBND ngày 30 tháng 9 năm 2009 của Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa)

Ngày 28 tháng 5 năm 2008, Chính phủ ban hành Nghị định số 66/2008/NĐ-CP về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Để chủ động triển khai có hiệu quả công tác này ở địa phương, Ủy ban nhân dân tỉnh Thanh Hóa ban hành kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp với các nội dung như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Nhằm thu hút sự quan tâm và nâng cao tính chủ động của các cơ quan nhà nước trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp. Đồng thời tạo ra một cơ chế phối hợp đồng bộ giữa cơ quan quản lý nhà nước ở các ngành, các cấp với các hiệp hội, hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp, doanh nghiệp, cơ quan, tổ chức, cá nhân khác trong hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

2. Nâng cao nhận thức, ý thức tuân thủ pháp luật, tháo gỡ vướng mắc pháp luật để doanh nghiệp hoạt động ổn định, hiệu quả phòng tránh được rủi ro trong kinh doanh, đảm bảo năng lực cạnh tranh trong quá trình hội nhập kinh tế - quốc tế. Từ đó, góp phần tạo nên sự ổn định và thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội;

3. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp được thực hiện đối với mọi loại hình doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác, tổ chức, cá nhân kinh doanh không phân biệt hình thức sở hữu, hình thức tổ chức, quy mô kinh doanh, lĩnh vực hoạt động;

4. Hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp phải căn cứ vào nhu cầu của từng đối tượng được hỗ trợ pháp lý, trên cơ sở phù hợp với chương trình xây dựng pháp luật của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các cơ quan nhà nước ở Trung ương; Hội đồng nhân dân (HĐND), Ủy ban nhân dân (UBND) tỉnh và phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và tổ chức, cá nhân kinh doanh trên địa bàn tỉnh Thanh Hóa (gọi chung là doanh nghiệp).

III. NỘI DUNG VÀ HÌNH THỨC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

1. Điều tra, khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp.

Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với Sở kế hoạch - đầu tư, Sở Lao động Thương binh - Xã hội, phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam - Chi nhánh Thanh Hóa và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tiến hành điều tra, khảo sát và tổng hợp đánh giá chính xác, khách quan về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trên cơ sở nội dung, tiêu chí điều tra khảo cụ thể như sau:

- Số lượng doanh nghiệp khảo sát khoảng 300 - 500 doanh nghiệp, bao gồm các doanh nghiệp khác nhau:

+ Về loại hình doanh nghiệp: doanh nghiệp Nhà nước, doanh nghiệp dân doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, Hợp tác xã, tổ hợp tác, cá nhân kinh doanh;

+ Về ngành nghề, lĩnh vực hoạt động: Khảo sát về nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp hoạt động ở tất cả các lĩnh vực: nông, lâm nghiệp và thủy sản; công nghiệp và xây dựng; sản xuất và kinh doanh; thương mại và dịch vụ;

+ Về quy mô, địa bàn hoạt động: Các doanh nghiệp lớn, vừa và nhỏ ở mọi địa bàn miền núi, vùng biển, đô thị, nông thôn, vùng sâu, vùng xa, các khu kinh tế và khu công nghiệp tập trung;

- Phương pháp điều tra khảo sát: Kết hợp trực tiếp điều tra, khảo sát với phương pháp phát và thu phiếu điều tra tổng hợp.

2. Xây dựng và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp.

Tổ chức xây dựng và hoàn thiện cơ sở dữ liệu pháp luật, đăng tải các văn bản quy phạm pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh. Trừ các văn bản quy phạm pháp luật thuộc danh mục bí mật của nhà nước.

- Văn phòng UBND tỉnh có trách nhiệm cập nhật, đăng tải kịp thời các văn bản quy phạm pháp luật; công bố các văn bản đã hết hiệu lực trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh dựa vào kết quả kiểm tra, rà soát văn bản quy phạm pháp luật của Sở Tư pháp;

- Khuyến khích các Sở, ban, ngành chuyên môn thuộc UBND tỉnh (gọi tắt là cơ quan chuyên môn) đăng tải các văn bản pháp luật, công văn hướng dẫn của ngành liên quan đến hoạt động doanh nghiệp trên các trang thông tin điện tử của ngành (nếu có) và trên các chuyên mục trong cổng thông tin điện tử UBND tỉnh;

- Doanh nghiệp được truy cập và sử dụng miễn phí các thông tin pháp lý các văn bản quy phạm pháp luật trên cổng thông tin điện tử UBND tỉnh;

3. Xây dựng và phát hành tài liệu giới thiệu, phổ biến các văn bản quy phạm pháp luật.

Biên soạn các tài liệu pháp luật giới thiệu, phổ biến cho doanh nghiệp các quy định pháp luật liên quan đến hoạt động doanh nghiệp do Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Chính phủ, các bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND tỉnh ban hành để cung cấp các kiến thức, kĩ năng, các quy định pháp luật cần thiết cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, doanh nghiệp và các tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý.

- Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh, thực hiện biên soạn, tổ chức phổ biến các tài liệu pháp luật cho các đối tượng bằng hình thức tổ chức Hội nghị giới thiệu văn bản pháp luật; trực tiếp cấp phát tài liệu pháp luật... Cụ thể:

+ Biên soạn, phổ biến các tài liệu pháp luật, các kiến thức về kĩ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, và các tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý;

+ Biên soạn các tài liệu pháp luật dưới dạng: sách hỏi đáp pháp luật, đề cương pháp luật, tờ gấp pháp luật... đơn giản, dễ hiểu và phối hợp với phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam, các hội, hiệp hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp tổ chức giới thiệu, phổ biến các tài liệu pháp luật đến các doanh nghiệp;

+ Phối hợp Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo Văn hóa và Đời sống để tổ chức giới thiệu các văn bản pháp luật cho doanh nghiệp trên các phương tiện thông tin, truyền thông;

- Các Sở, ban, ngành của tỉnh, Báo Thanh Hóa, Đài Phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Văn hóa và Đời sống chủ động phối hợp với Sở Tư pháp trong việc biên soạn, tổ chức, phát hành giới thiệu cho doanh nghiệp các văn bản quy phạm pháp pháp luật về các lĩnh vực liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của cơ quan mình.

4. Bồi dưỡng kĩ năng, kiến thức pháp luật.

4.1. Bồi dưỡng kĩ năng, kiến thức pháp luật cho cán bộ, công chức làm công tác pháp chế, công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

a) Hình thức triển khai: Tổ chức mở các Hội nghị, hội thảo, các lớp tập huấn để bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ, kiến thức pháp lý cho cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

b) Nội dung triển khai:

- Kiến thức về kĩ năng, nghiệp vụ hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, nghiệp vụ pháp chế liên quan đến hoạt động doanh nghiệp;

- Các văn bản quy phạm pháp luật của Quốc hội, Chính phủ, các Bộ, ngành Trung ương, HĐND, UBND tỉnh ban hành liên quan đến hoạt động doanh nghiệp.

c) Cơ quan thực hiện: Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các Sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh tổ chức triển khai.

4.2. Bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp và các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý.

a) Đối tượng.

- Các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, gồm: Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp...

- Các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý cho doanh nghiệp, gồm: Các Văn phòng Luật sư, Công ty Luật, các Trung tâm tư vấn pháp luật...

- Các đối tượng trong doanh nghiệp, gồm:

+ Chủ sở hữu, thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

+ Người quản lý trong doanh nghiệp: người làm công tác tổ chức - nhân sự, Kế hoạch, kinh doanh; tài chính - kế toán; người làm công tác pháp chế trong doanh nghiệp.

b) Hình thức triển khai: Tổ chức các hội nghị bồi dưỡng kiến thức pháp luật; giao lưu trực tuyến giữa cơ quan nhà nước với doanh nghiệp, các tổ chức đại diện của doanh nghiệp và các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý; tổ chức các hội thi tìm hiểu pháp luật; tổ chức hội thảo, đối thoại doanh nghiệp, diễn đàn doanh nghiệp theo các chuyên đề cụ thể.

c) Nội dung triển khai:

Trên cơ sở phân nhóm đối tượng để triển khai nội dung pháp luật liên quan thiết thực đến từng đối tượng. Cụ thể như sau:

c.1) Nội dung bồi dưỡng cho các đối tượng trong doanh nghiệp:

+ Đối với chủ sở hữu, thành viên Hội đồng quản trị, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp; người làm công tác kế hoạch - kinh doanh thì bồi dưỡng các nội dung pháp luật về quản trị doanh nghiệp; hợp đồng kinh tế, thương mại; giải quyết tranh chấp trong kinh doanh; pháp luật lao động; pháp luật về đầu tư, ưu đãi đầu tư; pháp luật về tài chính - kế toán; hội nhập kinh tế, quốc tế...

+ Đối với người làm công tác tổ chức, quản lý nhân sự trong doanh nghiệp thì bồi dưỡng các nội dung pháp luật, như: Bộ luật Lao động và các văn bản hướng dẫn thi hành; pháp luật về công đoàn, đình công, giải quyết tranh chấp trong lao động, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, các chính sách của nhà nước đối với người lao động về nhà ở, đào tạo sử dụng lao động...

+ Đối với người làm công tác tài chính - kế toán, nội dung bồi dưỡng là các văn bản, kiến thức pháp luật về tài chính kế toán, tín dụng, ngân hàng, thuế...

+ Đối với cán bộ pháp chế trong doanh nghiệp: bồi dưỡng kĩ năng, nghiệp vụ làm công tác pháp chế; tư vấn ký kết hợp đồng, tham gia tố tụng; soạn thảo, kiểm tra rà soát các văn bản liên quan đến hoạt động doanh nghiệp...

c.2) Nội dung bồi dưỡng cho các tổ chức đại diện của doanh nghiệp, các tổ chức cung cấp dịch vụ pháp lý là toàn bộ các nội dung bồi dưỡng cho các đối tượng trong doanh nghiệp và một số nội dung triển khai cho cán bộ công chức làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp (điểm c.1, phần 4.2).

d) Cơ quan thực hiện.

Sở Tư pháp chủ trì phối hợp với các sở, ban, ngành hữu quan của tỉnh, phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam - chi nhánh Thanh Hóa và các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tổ chức thực hiện.

5. Giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp

Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan chuyên môn thuộc HĐND, UBND tỉnh giải đáp pháp luật.

5.1. Phạm vi giải đáp pháp luật cho doanh nghiệp.

Doanh nghiệp có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền giải đáp pháp luật về những nội dung pháp luật mà doanh nghiệp hiểu chưa rõ, chưa thống nhất. Việc giải đáp pháp luật không áp dụng đối với các trường hợp cụ thể liên quan đến hoạt động doanh nghiệp

5.2. Trình tự, thủ tục yêu cầu giải đáp pháp luật.

Doanh nghiệp có văn bản nêu rõ nội dung pháp luật cần yêu cầu giải đáp gửi đến cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thuộc nội dung quy định pháp luật mà doanh nghiệp đang vướng mắc để yêu cầu giải đáp pháp luật và cung cấp đầy đủ các thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật. Nếu nội dung pháp luật có phạm vi liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì doanh nghiệp gửi yêu cầu giải đáp pháp luật đến một trong các cơ quan quản lý nhà nước về lĩnh vực thuộc nội dung pháp luật đó.

Trường hợp doanh nghiệp chưa đồng ý với giải đáp pháp luật của cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh thì có quyền đề nghị UBND tỉnh giải đáp (nếu văn bản pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành) hoặc các Bộ liên quan giải đáp pháp luật (nếu nội dung văn bản pháp luật do các cơ quan trung ương ban hành).

5.3. Trách nhiệm giải đáp pháp luật của cơ quan có thẩm quyền.

Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh có trách nhiệm thông tin rộng rãi về trách nhiệm, hình thức giải đáp pháp luật, cung cấp địa chỉ, nơi tiếp nhận giải đáp pháp luật để các doanh nghiệp dễ dàng, thuận tiện thực hiện quyền của mình khi có nhu cầu cần giải đáp pháp luật.

Cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhận được yêu cầu giải đáp pháp luật của doanh nghiệp có trách nhiệm trả lời hoặc phối hợp với các cơ quan chuyên môn khác trả lời (nếu thấy cần thiết phải phối hợp trong trường hợp yêu cầu giải đáp pháp luật có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước về nhiều lĩnh vực) trong thời hạn và bằng hình thức như sau:

a) Thời hạn giải đáp. Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày doanh nghiệp cung cấp đầy đủ thông tin có liên quan đến yêu cầu giải đáp pháp luật cơ quan nhận được yêu cầu giải đáp pháp luật phải trả lời doanh nghiệp. Trường hợp yêu cầu giải đáp pháp luật có nội dung phức tạp hoặc liên quan đến phạm vi quản lý nhà nước của nhiều ngành, nhiều lĩnh vực thì thời hạn trả lời là 30 ngày làm việc.

Trong trường hợp không giải đáp pháp luật thì cơ quan được yêu cầu giải đáp phải nêu rõ lý do.

b) Hình thức giải đáp: Việc giải đáp pháp luật được thực hiện bằng các hình thức: Giải đáp bằng văn bản; giải đáp trực tiếp hoặc thông qua điện thoại; giải đáp thông qua mạng điện tử: giải đáp trực tuyến qua mạng điện tử, thư điện tử... các hình thức khác theo quy định của pháp luật hiện hành.

6. Tiếp nhận kiến nghị của doanh nghiệp vê hoàn thiện hệ thống pháp luật.

- Doanh nghiệp, hội, hiệp hội, câu lạc bộ và các tổ chức khác là đại diện của doanh nghiệp có quyền kiến nghị UBND tỉnh (thông qua Sở Tư pháp) bổ sung, hoàn thiện các quy định pháp luật do HĐND, UBND tỉnh ban hành để xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp lý thống nhất, đồng bộ thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động. Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm tổ chức tiếp nhận và xử lý kiến nghị như sau:

- Sở Tư pháp có trách nhiệm:

+ Làm cơ quan đầu mối, giúp UBND tỉnh tiếp nhận, tổng hợp các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện hệ thống pháp luật;

+ Chủ trì phối hợp với các cơ quan hữu quan tham mưu cho UBND tỉnh: quyết định hoặc trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc ban hành mới các quy định pháp luật thuộc thẩm quyền của UBND, HĐND; đề nghị các cơ quan trung ương xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về các quy định pháp luật liên quan đến phạm vi quản lý của các bộ, ngành;

+ Giúp UBND tỉnh tổng hợp kết quả tiếp nhận, xử lý các kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật trong phạm vi quản lý của tỉnh, hằng năm báo cáo Bộ Tư pháp;

- Các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh nhận được kiến nghị của doanh nghiệp về hoàn thiện các quy định pháp luật có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp chuyển kiến nghị đến cơ quan có thẩm quyền để xử lý.

7. Tổ chức xây dựng và thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp

Căn cứ vào nhu cầu hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp trong từng thời kỳ tại các vùng, ngành, lĩnh vực, yêu cầu hội nhập kinh tế, quốc tế; chương trình xây dựng pháp luật của các cơ quan trung ương và tỉnh;

- Sở Tư pháp có trách nhiệm:

+ Chủ trì, phối hợp với các cơ quan chuyên môn tiếp tục xây dựng các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp của tỉnh;

+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp đề xuất các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi tỉnh gửi Bộ Tư pháp tổng hợp vào chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành;

+ Phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh chỉ đạo tổ chức thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý, chương trình hỗ trợ pháp lý liên ngành ở địa phương.

- Các cơ quan chuyên môn có trách nhiệm phối hợp với Sở Tư pháp xây dựng và trình UBND tỉnh phê duyệt và chỉ đạo thực hiện các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp liên quan đến phạm vi, lĩnh vực quản lý của mình trong phạm vi tỉnh;

- Khuyến khích các tổ chức đại diện cho doanh nghiệp, Hội Luật gia, Văn phòng Luật sư và các tổ chức khác có chức năng cung cấp dịch vụ pháp lý tham gia các chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN.

1. Trách nhiệm của Sở Tư pháp

- Sở Tư pháp có trách nhiệm làm đầu mối, chủ trì phối hợp với các cơ quan chuyên môn, các hội, hiệp hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp tham mưu cho UBND tỉnh triển khai Kế hoạch đảm bảo chất lượng hiệu quả;

- Chủ trì, biên soạn tài liệu, tổ chức các hội thảo, hội thi, hội nghị, các lớp bồi dưỡng kỹ năng nghiệp vụ, pháp luật cho cán bộ làm công tác pháp chế, cán bộ làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, các tổ chức thực hiện dịch vụ pháp lý, tổ chức đại diện cho doanh nghiệp;

- Theo dõi, hướng dẫn, kiểm tra việc triển khai thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Tổng hợp kết quả công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh định kỳ hàng năm báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.

2. Trách nhiệm của Sở Tài chính.

- Phối hợp với Sở Tư pháp dự trù kinh phí để triển khai Kế hoạch hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trình UBND tỉnh quyết định;

- Phối hợp với các cơ quan hữu quan hướng dẫn việc huy động, quản lý, sử dụng kinh phí của các tổ chức, cá nhân tài trợ cho hoạt động hỗ trợ pháp lý của doanh nghiệp (nếu có);

3. Trách nhiệm của Đài phát thanh truyền hình tỉnh, Báo Thanh Hóa, Báo văn hóa và Đời sống.

Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình các cơ quan báo chí chủ động phối hợp với Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành của tỉnh nghiên cứu, xây dựng chuyên mục riêng về tuyên truyền, phổ biến pháp luật cho doanh nghiệp cũng như để thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

4. Trách nhiệm của Sở Nội vụ.

Phối hợp với các Sở, ban, ngành của tỉnh xây dựng và kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế và hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp đảm bảo đủ số lượng cũng như chất lượng làm đầu mối của cơ quan để tổ chức thực hiện và phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

5. Trách nhiệm của các sở, ban, ngành có liên quan.

- Chủ động thực hiện và phối hợp Sở Tư pháp, các Sở, ban, ngành của tỉnh thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Phối hợp với Sở Nội vụ xây dựng và kiện toàn đội ngũ làm công tác pháp chế công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp;

- Báo cáo kết quả thực hiện hỗ trợ pháp lý doanh nghiệp trong phạm vi quản lý ngành cho Sở Tư pháp theo định kỳ hàng năm trước ngày 31 tháng 10 hoặc đột xuất (nếu có yêu cầu) để tổng hợp báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tư pháp.

6. Chỉ nhánh phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp và doanh nghiệp.

Đề nghị Chi nhánh Phòng thương mại và công nghiệp Việt Nam tại Thanh Hóa; các hội, hiệp hội, câu lạc bộ của doanh nghiệp và doanh nghiệp có trách nhiệm tổ chức thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của tổ chức mình, phối hợp với Sở Tư pháp và các cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh để đề xuất và tham gia thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp./.