Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH TIỀN GIANG

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3372/QĐ-UBND

Tiền Giang, ngày 25 tháng 10 năm 2019

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2020 - 2024

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH TIỀN GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 03 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa ngày 12 tháng 6 năm 2017;

Căn cứ Nghị định số 38/2018/NĐ-CP ngày 11 tháng 3 năm 2018 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Căn cứ Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa;

Theo đề nghị của Giám đốc sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2020-2024.

Điều 2. Giao Giám đốc sở Tư pháp chủ trì, phối hợp với các sở, ngành có liên quan, Hiệp hội doanh nghiệp tổ chức triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Đoàn Đại biểu quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở Tư pháp, Thủ trưởng các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang, Trưởng ban Ban Quản lý các Khu công nghiệp, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố, thị xã căn cứ quyết định thi hành.

Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Tư pháp (để báo cáo);
- TT. HĐND tỉnh;
- CT, các PCT UBND tỉnh;
- VPĐĐBQH, HĐND&UBND: CVP, các PVP, P.KT-TC, TT.TT&CB;
- Lưu: VT, NCPC(S).

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Dũng

 

CHƯƠNG TRÌNH

HỖ TRỢ PHÁP LÝ CHO DOANH NGHIỆP NHỎ VÀ VỪA TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH TIỀN GIANG GIAI ĐOẠN 2020-2024
(Phê duyệt kèm theo Quyết định số 3372/QĐ-UBND ngày 25 tháng 10 năm 2019 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang)

Thực hiện Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24/6/2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa, Ủy ban nhân dân tỉnh Tiền Giang phê duyệt Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh, như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Chương trình hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa nhằm triển khai đồng bộ các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, tạo chuyển biến căn bản về nhận thức pháp lý, ý thức pháp luật và thói quen tuân thủ pháp luật của doanh nghiệp; tạo lập các điều kiện cần thiết phục vụ hoạt động thực thi pháp luật để giúp doanh nghiệp kinh doanh có hiệu quả; phòng chống rủi ro pháp lý và tăng cường năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp; góp phần nâng cao công tác quản lý nhà nước bằng pháp luật đối với doanh nghiệp.

2. Khắc phục cơ bản tình trạng doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc tiếp cận với thông tin pháp luật. Đáp ứng cơ bản yêu cầu bồi dưỡng kiến thức pháp luật kinh doanh cho người quản lý doanh nghiệp. Bảo đảm 100% doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh được hỗ trợ pháp lý.

3. Tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp nhỏ và vừa được tiếp cận, sử dụng thông tin đăng tải trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh, được giải đáp pháp luật, cung cấp văn bản quy phạm pháp luật, văn bản quản lý của Nhà nước.

4. Xác định chức năng, nhiệm vụ của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành trong công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đồng thời nâng cao năng lực của các cơ quan, tổ chức thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

II. ĐỐI TƯỢNG ĐƯỢC HỖ TRỢ PHÁP LÝ

Doanh nghiệp nhỏ và vừa trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (gọi tắt là doanh nghiệp).

III. HÌNH THỨC VÀ NỘI DUNG HỖ TRỢ

1. Xây dựng, cập nhật và khai thác cơ sở dữ liệu pháp luật phục vụ hoạt động của doanh nghiệp

a) Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân có trách nhiệm:

- Xây dựng chuyên mục hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh.

- Cập nhật và đăng tải lên Cổng thông tin điện tử của tỉnh các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan; các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chung về pháp luật.

Thời hạn đăng tải các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp là 15 ngày kể từ ngày văn bản được ký ban hành.

Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày tự cập nhật, Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm gửi các văn bản nêu trên về Bộ Tư pháp để cập nhật trên Trang thông tin điện tử hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

- Cập nhật và đăng Công báo tỉnh, Cổng thông tin điện từ của tỉnh các văn bản quy phạm pháp luật, các văn bản hướng dẫn do trung ương, địa phương ban hành liên quan đến doanh nghiệp.

- Công bố trên Cổng thông tin điện tử của tỉnh các thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thông tin về chỉ dẫn kinh doanh, thông tin về tín dụng thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp.

b) Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Cập nhật và đăng tải lên cơ sở dữ liệu quốc gia về pháp luật các văn bản quy phạm pháp luật do Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành liên quan đến doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Thời hạn cập nhật và đăng tải là 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản.

- Cập nhật và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của cơ quan các văn bản quy phạm pháp luật do trung ương, địa phương ban hành và các văn bản hướng dẫn có liên quan đến doanh nghiệp.

c) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan và Ủy ban nhân dân cấp huyện:

Có trách nhiệm cập nhật và đăng tải lên Trang thông tin điện tử của cơ quan mình các văn bản quy phạm pháp luật và các văn bản hướng dẫn do trung ương và địa phương ban hành có liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp.

2. Hoạt động cung cấp thông tin pháp luật

- Doanh nghiệp được cung cấp các thông tin pháp luật trong nước, pháp luật nước ngoài, cảnh báo rủi ro pháp lý và các chính sách của ngành, lĩnh vực liên quan đến doanh nghiệp (nếu có).

Khi có nhu cầu cung cấp thông tin pháp luật, doanh nghiệp gửi yêu cầu cung cấp thông tin đến cơ quan đầu mối với các nội dung chính: Tên doanh nghiệp; ngành nghề kinh doanh; địa chỉ; tên người đại diện, số chứng minh nhân dân; thông tin cần được cung cấp, trong đó nêu rõ tên văn bản (nếu xác định được), mục đích yêu cầu cung cấp thông tin.

Việc gửi yêu cầu cung cấp thông tin có thể thực hiện bằng văn bản giấy, qua Trang thông tin điện tử hoặc gọi điện thoại trực tiếp đến Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh.

- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh là cơ quan đầu mối tiếp nhận và cung cấp thông tin pháp luật theo yêu cầu của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu, Hiệp hội doanh nghiệp chuyển yêu cầu cung cấp thông tin pháp luật của doanh nghiệp đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có liên quan đến thông tin được yêu cầu cung cấp.

Trong thời hạn 5 ngày làm việc, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện chuyển kết quả đến cơ quan đầu mối để cơ quan đầu mối chuyển cho doanh nghiệp.

- Trường hợp doanh nghiệp gửi yêu cầu trực tiếp đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành hoặc Ủy ban nhân dân cấp huyện thì trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải cung cấp thông tin cho doanh nghiệp.

3. Hoạt động bồi dưỡng kiến thức pháp luật

a) Sở Tư pháp có trách nhiệm:

- Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh, Ban Quản lý các khu công nghiệp xây dựng và triển khai kế hoạch bồi dưỡng kiến thức pháp luật cho doanh nghiệp, người làm công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp và mạng lưới tư vấn viên pháp luật.

- Phối hợp với Đài phát thanh - Truyền hình tỉnh, Báo Ấp bắc xây dựng chuyên mục pháp luật giới thiệu văn bản pháp luật của tỉnh liên quan đến hoạt động của doanh nghiệp để tuyên truyền, giới thiệu cho các doanh nghiệp các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước.

b) Doanh nghiệp chủ động phối hợp với Liên đoàn Lao động tỉnh, Hội đồng phối hợp công tác phổ biến giáo dục pháp luật; các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan tổ chức thực hiện phổ biến pháp luật trong doanh nghiệp về những quy định pháp luật liên quan trực tiếp đến người lao động, người sử dụng lao động, các hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.

4. Hoạt động tư vấn pháp luật

a) Đối thoại doanh nghiệp:

Sở Kế hoạch và Đầu tư có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức các cuộc gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp để nắm bắt tâm tư, nguyện vọng, ý kiến, đề xuất, phản ánh của cộng đồng doanh nghiệp trong quá trình hoạt động sản xuất kinh doanh. Tăng cường củng cố mối quan hệ mật thiết giữa các cơ quan chức năng với cộng đồng doanh nghiệp; phát huy và mở rộng tinh thần phục vụ của cán bộ, công chức đối với cộng đồng doanh nghiệp.

Cơ quan được phân công chủ trì tổ chức đối thoại doanh nghiệp có trách nhiệm xây dựng chương trình, kế hoạch tổ chức đối thoại; chuẩn bị nội dung đối thoại đảm bảo ngắn gọn, dễ hiểu. Phát hành phiếu lấy ý kiến đến các doanh nghiệp để nắm tình hình, các đề xuất, kiến nghị của các doanh nghiệp trước khi tổ chức đối thoại để phản ánh đúng các vấn đề doanh nghiệp quan tâm.

Trước buổi đối thoại, tổng hợp các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp và mời các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan họp để phân công tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời các kiến nghị của doanh nghiệp.

Theo dõi việc giải quyết các kiến nghị khó khăn, vướng mắc của doanh nghiệp của các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh tại buổi đối thoại gần nhất.

b) Giải quyết các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp:

- Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh là cơ quan đầu mối tiếp nhận các vướng mắc pháp lý của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu, cơ quan đầu mối có trách nhiệm chuyển yêu cầu đến cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời cho doanh nghiệp.

Trong thời hạn 05 ngày làm việc (hoặc 20 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực), kể từ ngày tiếp nhận yêu cầu do cơ quan đầu mối chuyển đến, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời vướng mắc cho doanh nghiệp.

Nếu các yêu cầu gửi trực tiếp đến các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện thì các cơ quan có trách nhiệm tiếp nhận và trong thời hạn 08 ngày làm việc (hoặc 20 ngày làm việc nếu thuộc trường hợp phức tạp liên quan đến nhiều ngành, nhiều lĩnh vực) kể từ ngày tiếp nhận, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện có trách nhiệm tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh trả lời vướng mắc của doanh nghiệp.

Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được văn bản tham mưu của cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành và Ủy ban nhân dân cấp huyện, Ủy ban nhân dân tỉnh có văn bản trả lời cho doanh nghiệp.

Trường hợp không trả lời các vướng mắc pháp lý thì cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện phải có văn bản nêu rõ lý do.

- Việc trả lời vướng mắc pháp lý không áp dụng đối với các yêu cầu về vụ việc cụ thể liên quan đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp. Các trường hợp này, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh thông báo cho doanh nghiệp để sử dụng mạng lưới tư vấn viên pháp luật theo đúng quy định.

c) Hoạt động tư vấn pháp luật khác:

Doanh nghiệp có thể đến trực tiếp hoặc gửi câu hỏi bằng văn bản, gửi Mail qua mạng điện tử hoặc gọi điện thoại đến Hiệp hội doanh nghiệp, cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Ủy ban nhân dân cấp huyện để được tư vấn pháp luật.

Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành tỉnh, Ủy ban nhân dân cấp huyện thực hiện các hoạt động tư vấn pháp luật khác phải phù hợp với quy định pháp luật trên cơ sở nhu cầu của doanh nghiệp nhỏ và vừa trong phạm vi, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của cơ quan mình.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH

1. Phạm vi và thời gian thực hiện Chương trình

a) Chương trình hỗ trợ pháp lý được triển khai trên toàn tỉnh, trong đó cần tập trung triển khai cho các doanh nghiệp do phụ nữ làm chủ tại huyện Tân Phú Đông và Tân Phước.

b) Thời gian triển khai thực hiện Chương trình là từ năm 2020 đến năm 2024.

2. Kinh phí thực hiện Chương trình

a) Kinh phí thực hiện hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp từ nguồn ngân sách nhà nước; từ nguồn kinh phí tài trợ, hỗ trợ của các doanh nghiệp.

b) Các cơ quan thực hiện hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp trong phạm vi, nhiệm vụ được giao có trách nhiệm lập dự toán ngân sách trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

3. Phân công trách nhiệm

a) Sở Tư pháp chủ trì, phối hợp các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành có liên quan:

- Phổ biến, tuyên truyền nội dung Nghị định số 55/2019/NĐ-CP ngày 24 tháng 6 năm 2019 của Chính phủ về hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp nhỏ và vừa đến các sở, ban, ngành và các doanh nghiệp.

- Xây dựng, kiện toàn, củng cố đội ngũ cán bộ pháp chế để thực hiện công tác hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp.

b) Sở Tài chính có trách nhiệm hướng dẫn về dự toán, quyết toán và sử dụng kinh phí thực hiện Chương trình.

c) Các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình chủ động tổ chức thực hiện hoặc phối hợp thực hiện các hoạt động hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp theo quy định; gửi các các bản án, quyết định của tòa án; phán quyết, quyết định của trọng tài thương mại; quyết định xử lý vụ việc cạnh tranh; quyết định xử lý vi phạm hành chính liên quan đến doanh nghiệp được phép công khai, có hiệu lực thi hành mà Ủy ban nhân dân tỉnh là một bên có liên quan; các văn bản trả lời của Ủy ban nhân dân tỉnh đối với các vướng mắc pháp lý cho doanh nghiệp trong quá trình áp dụng chung về pháp luật; các thông tin về kế hoạch, chương trình, dự án, hoạt động hỗ trợ doanh nghiệp; thông tin về chỉ dẫn kinh doanh, thông tin về tín dụng thị trường, sản phẩm, công nghệ, ươm tạo doanh nghiệp và các thông tin khác theo nhu cầu của doanh nghiệp về Văn phòng Đoàn Đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân tỉnh để gửi cho Bộ Tư pháp và cập nhật, đăng tải lên Cổng thông tin điện tử tỉnh theo quy định tại Điều 6, Điều 7, Điều 8 Nghị định số 55/2019/NĐ-CP của Chính phủ.

Định kỳ hàng năm báo cáo kết quả thực hiện về Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) trước ngày 20/11 để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh và Bộ Tư pháp.

Trong quá trình triển khai thực hiện Chương trình, nếu có khó khăn, vướng mắc, các cơ quan quản lý nhà nước chuyên ngành, Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh phản ánh về Sở Tư pháp để tổng hợp, báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét./.