Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3373/QĐ-UBND

Thành phố Hồ Chí Minh, ngày 09 tháng 07 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

Ban hành KẾ hoẠch thỰc hiỆn QuyẾt đỊnh sỐ 200/QĐ-TTg cỦa ThỦ tưỚng Chính phỦ vỀ viỆc “Phê duyỆt ĐỀ án kiỆn toàn, đào tẠo nâng cao năng lỰc đỘi ngũ cán bỘ thỰc hiỆn công tác gia đình các cẤp đẾn năm 2020” trên đỊa bàn Thành phỐ HỒ Chí Minh

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao tại Tờ trình số 2881/TTr-SVHTT-VHGĐ ngày 01 tháng 07 năm 2015,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Kế hoạch thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc “Phê duyệt Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020” trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Giám đốc Sở Văn hóa và Thể thao, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 3;
- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;
- Thường trực Thành ủy;
- Thường trực HĐNDTP;
- TTUB: CT, các PCT;
- Ủy ban MTTQ Việt Nam TP;
- Các Sở, ban, ngành, Đoàn thể TP;
- VPUB: Các PVP;
- Phòng VX, THKH;
- Lưu: VT, (VX/Ng.T)

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Hứa Ngọc Thuận

 

KẾ HOẠCH

thỰc hiỆn QuyẾt đỊnh sỐ 200/QĐ-TTg cỦa ThỦ tưỚng Chính phỦ vỀ viỆc “Phê duyỆt ĐỀ án kiỆn toàn, đào tẠo nâng cao năng lỰc đỘi ngũ cán bỘ thỰc hiỆn công tác gia đình các cẤp đẾn năm 2020” trên đỊa bàn Thành phỐ HỒ Chí Minh
(Ban hành theo Quyết định số 3373/QĐ-UBND ngày 09 tháng 07 năm 2015 của Chủ tịch Ủy ban nhân dân Thành phố)

Từ năm 2008 cho đến nay, Ủy ban nhân dân Thành phố đã ban hành các văn bản quy phạm pháp luật về quản lý tổ chức bộ máy thực hiện công tác gia đình trên địa bàn Thành phố; trên cơ sở đó Ủy ban nhân dân các cấp đã bố trí cán bộ thực hiện công tác gia đình cho đến năm 2010 đã đủ. Hàng năm đội ngũ này có biến động nhất định, ở phường - xã, thị trấn thay đổi nhiều nhất. Đến cuối năm 2014, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở cả 3 cấp có tổng số 374 người (nữ: 165 người, tỷ lệ 44,11%) trong biên chế Sở Văn hóa và Thể thao (01 lãnh đạo Sở, 01 cán bộ cấp phòng, 02 chuyên viên), Phòng Văn hóa và Thông tin quận - huyện (24 cán bộ cấp phòng, 24 chuyên viên), trong số các chức danh cán bộ của Ủy ban nhân dân phường - xã, thị trấn (139 công chức văn hóa xã hội đảm nhiệm công tác gia đình (43,16%), 107 cán bộ không chuyên trách văn hóa thông tin - thể dục - thể thao - gia đình (33,22%), 76 cán bộ kiêm nhiệm (23,6%) công tác gia đình với những công tác khác như bình đẳng giới, trẻ em, dân số, thống kê), về trình độ chuyên môn nghiệp vụ: có 35 người chưa qua đào tạo chuyên môn nghiệp vụ (9,35%), dưới đại học 123 người (32,88%), đại học có 215 người (57,48%), trên đại học 01 người (0,26%); về chuyên ngành đào tạo: có 57 người thuộc chuyên ngành văn hóa, thể thao, du lịch (17,7%), 205 người thuộc chuyên ngành khoa học xã hội (63,66%), 60 người thuộc chuyên ngành khác (18,63%); thời gian đảm nhiệm công tác gia đình 01 năm có 160 người, 02 năm có 51 người, trên 4 năm có 111 người.

Năm 2014, 100% quận - huyện và phường -xã, thị trấn đã thành lập Ban Chỉ đạo công tác gia đình (BCĐCTGĐ). Thành viên Ban chỉ đạo và Tổ giúp việc có trên 5.300 người có nhiệm vụ tham mưu cho Ủy ban nhân dân cùng cấp chỉ đạo công tác gia đình, phối hợp triển khai thực hiện công tác gia đình ở các cấp và trên toàn địa bàn Thành phố. Trước năm 2014, 322 phường - xã, thị trấn đều có Ban Chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình. Hàng năm, thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình phường - xã, thị trấn được tập huấn về công tác phòng, chống bạo lực gia đình. Do vậy, Ban chỉ đạo công tác gia đình phường - xã, thị trấn khi thành lập đã duy trì hầu hết thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống bạo lực gia đình trước đây.

Lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên công tác gia đình ở phường - xã, thị trấn hình thành trong nhiều năm qua. Đến cuối năm 2014, ở 322 phường - xã, thị trấn có: 1313 Nhóm phòng, chống bạo lực gia đình (gần 4.000 tình nguyện viên viên), 1.438 Địa chỉ tin cậy ở cộng đồng (trên 1.500 tình nguyện viên), gần 2.000 cộng tác viên ở khu phố, ấp thực hiện công tác thu thập thông tin số liệu về gia đình, phòng, chống bạo lực gia đình. Năm vừa qua, một vài quận - huyện đã tiến hành tập huấn kiến thức quản lý nhà nước công tác gia đình cho thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình.

Qua các năm, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp thành phố, quận - huyện được tham gia các lớp bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện công tác gia đình của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và của Thành phố tổ chức; cán bộ thực hiện công tác gia đình cấp phường - xã, lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên được tham gia các lớp bồi dưỡng nghiệp vụ công tác gia đình do Thành phố và quận, huyện tổ chức.

Trong bối cảnh triển khai thực hiện Chiến lược phát triển gia đình Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn Thành phố, đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình, theo dõi công tác gia đình là rất quan trọng, cần bố trí đủ, có chất lượng đảm đương tốt vị trí việc làm; mạng lưới cộng tác viên, tình nguyện viên tham gia vào công tác gia đình ở cơ sở hình thành đều khắp, được nâng cao năng lực, có chế độ bồi dưỡng để tham gia công tác gia đình ở cơ sở.

Căn cứ Nghị định số 24/2014/NĐ-CP ngày 04 tháng 4 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và Nghị định số 37/2014/NĐCP ngày 05 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ quy định tổ chức các cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh;

Thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020"; Ủy ban nhân dân Thành phố ban hành Kế hoạch thực hiện Quyết định số 200/QĐ-TTg ngày 25 tháng 01 năm 2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc "Phê duyệt Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020" trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (sau đây viết tắt là Kế hoạch) cụ thể như sau:

I. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

Kiện toàn tổ chức bộ máy, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh nhằm thực hiện hiệu quả Chiến lược phát triển gia đình đến năm 2020, tầm nhìn 2030 trên địa bàn Thành phố.

2. Mục tiêu cụ thể

a) Kiện toàn tổ chức, bộ máy quản lý nhà nước về gia đình các cấp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở:

- Đến cuối năm 2015:

+ Duy trì đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình ở 3 cấp đảm bảo thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình, nhiệm vụ cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình;

+ Duy trì Ban Chỉ đạo công tác gia đình các cấp. Phát triển mạng lưới cán bộ, công chức theo dõi công tác gia đình ở các ngành, đoàn thể liên quan khác ở các cấp;

+ Nghiên cứu hình thành chế độ chính sách cho cộng tác viên gia đình trình Hội đồng nhân dân Thành phố;

- Đến năm 2020:

+ Nghiên cứu trình Hội đồng nhân dân Thành phố bố trí chức danh cán bộ không chuyên trách công tác gia đình ở phường - xã, thị trấn trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh và chế độ chính sách cho cộng tác viên gia đình vào năm 2016.

+ Tiếp tục duy trì, củng cố đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình, theo dõi công tác gia đình; hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên gia đình ở cơ sở; thực hiện chế độ, chính sách cho đội ngũ cộng tác viên gia đình.

+ Triển khai thực hiện mô hình cơ quan tham mưu công tác gia đình ở các cấp bảo đảm đáp ứng được yêu cầu quản lý nhà nước về gia đình trong tình hình mới sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

b) Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở:

- Đến năm 2016: 50% cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực thực hiện công tác gia đình;

- Đến năm 2020: 100% đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp, các ngành và mạng lưới cộng tác viên cơ sở được nâng cao năng lực thực hiện công tác gia đình thông qua việc tham gia các chương trình đào tạo, đào tạo lại, bồi dưỡng định kỳ.

II. NHIỆM VỤ VÀ GIẢI PHÁP

1. Duy trì, mở rộng đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp các ngành, cụ thể:

a) Kiện toàn kịp thời thành viên Ban chỉ đạo công tác gia đình các cấp nếu có thay đổi và thực hiện rà soát định kỳ hàng năm theo quy định chung. Đảm bảo đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở các cấp, không để vị trí việc làm nào không có cán bộ gián đoạn quá 30 ngày.

b) Hình thành đội ngũ cán bộ theo dõi công tác gia đình (không là thành viên Ban Chỉ đạo công tác gia đình) ở các ngành, đoàn thể khác có liên quan đến công tác gia đình.

c) Duy trì lực lượng cộng tác viên, tình nguyện viên đã có. Nghiên cứu đề xuất phát triển hoàn thiện mạng lưới cộng tác viên gia đình trên toàn địa bàn Thành phố và chế độ kinh phí bồi dưỡng, chính sách khác (nếu có) cho cộng tác viên gia đình.

2. Đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở:

a) Rà soát thực trạng, đánh giá nhu cầu và định hướng đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở;

b) Tham gia với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch trong các công tác xây dựng chương trình đào tạo, chương trình bồi dưỡng cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở;

c) Thực hiện chuẩn hóa kiến thức quản lý nhà nước về gia đình cho đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình ở 3 cấp (thành phố, quận - huyện, phường - xã) tại các trường thuộc ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch và các trường đại học thuộc khối khoa học xã hội;

d) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở theo kế hoạch chung toàn quốc và theo yêu cầu địa phương;

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN CÁC DỰ ÁN Ở THÀNH PHỐ

1. Dự án 1: Kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp và xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở.

Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

Cơ quan phối hợp: Sở Nội vụ, Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Thời gian thực hiện: 2015, 2016.

Các hoạt động cụ thể:

- Thực hiện rà soát, đánh giá chất lượng, nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực của cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp;

- Hướng dẫn việc bảo đảm nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình ở địa phương và xây dựng mạng lưới cộng tác viên cơ sở.

2. Dự án 2: Đào tạo, bồi dưỡng nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ, công chức thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên cơ sở.

Cơ quan chủ trì: Sở Văn hóa và Thể thao.

Cơ quan phối hợp: Sở Giáo dục và Đào tạo, các sở, ban, ngành, đoàn thể Thành phố liên quan, các cơ sở đào tạo thuộc khối khoa học xã hội trên địa bàn Thành phố, Ủy ban nhân dân quận, huyện.

Thời gian thực hiện: Từ năm 2015 đến năm 2020.

Các hoạt động cụ thể:

- Xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn về công tác gia đình cấp thành phố, báo cáo viên công tác gia đình cấp quận - huyện;

- Tổ chức bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức công tác gia đình cấp thành phố, cấp quận - huyện theo chương trình quy định của Trung ương;

- Tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên công tác gia đình cấp phường - xã và mạng lưới cộng tác viên cơ sở;

- Thực hiện đào tạo, bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng về công tác gia đình cho đội ngũ cán bộ truyền thông, tư vấn trong lĩnh vực gia đình.

IV. KINH PHÍ THỰC HIỆN

1. Căn cứ nội dung công việc cụ thể theo Kế hoạch các cơ quan được giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh có trách nhiệm lập dự toán kinh phí thực hiện Đề án và tổng hợp cùng với dự toán chi ngân sách của cơ quan gửi cơ quan tài chính đồng cấp tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

2. Khuyến khích vận động nguồn lực tham gia thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố từ các cơ quan, tổ chức, cá nhân trong nước và quốc tế.

V. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Sở Văn hóa và Thể thao:

- Chủ trì, phối hợp các sở, ban, ngành Thành phố có liên quan xây dựng các dự án thành phần, kế hoạch thực hiện và hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án;

- Tổng hợp kế hoạch hằng năm và dự toán kinh phí ngân sách trình Ủy ban nhân dân Thành phố phê duyệt thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố;

- Với tư cách Cơ quan Thường trực Ban Chỉ đạo công tác gia đình chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành liên quan thực hiện kiểm tra, thanh tra, giám sát việc triển khai thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố; tham mưu công tác sơ kết, tổng kết Đề án;

- Tổng hợp thông tin kết quả thực hiện Đề án trên địa bàn Thành phố định kỳ trình Ủy ban nhân dân Thành phố báo cáo Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2. Sở Nội vụ:

Chủ trì, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao và các sở, ngành liên quan xây dựng các văn bản hướng dẫn kiện toàn tổ chức, bộ máy thực hiện công tác gia đình các cấp và mạng lưới cộng tác viên gia đình cơ sở.

3. Sở Giáo dục và Đào tạo:

Phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao xây dựng đội ngũ giảng viên nguồn của Thành phố và triển khai, thực hiện các hoạt động bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ công tác gia đình.

4. Sở Tài chính:

Hàng năm, căn cứ nội dung công việc cụ thể theo Kế hoạch và dự toán chi ngân sách của các cơ quan được giao nhiệm vụ thực hiện Đề án gửi đến, cơ quan tài chính tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

5. Các sở, ban, ngành Thành phố có liên quan:

Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, phối hợp với Sở Văn hóa và Thể thao hướng dẫn, chỉ đạo theo ngành và theo lĩnh vực chuyên môn các nội dung của công tác gia đình; xây dựng kế hoạch và lồng ghép các nguồn lực, các chương trình, dự án hiện hành có liên quan đến công tác gia đình nhằm thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án.

6. Ủy ban nhân dân các quận, huyện:

- Xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai, thực hiện Đề án theo phân cấp quản lý;

- Căn cứ tình hình thực tế tại địa phương, tăng cường nhân lực thực hiện nhiệm vụ quản lý nhà nước về gia đình tại địa phương, ưu tiên xây dựng và phát triển mạng lưới cộng tác viên về gia đình ở cơ sở;

- Bảo đảm ngân sách địa phương thực hiện có hiệu quả các mục tiêu của Đề án;

- Tổ chức kiểm tra, thanh tra, giám sát việc tổ chức thực hiện Đề án tại địa bàn quản lý;

- Định kỳ hằng năm gửi báo cáo kết quả thực hiện Đề án cho Sở Văn hóa và Thể thao để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân Thành phố.

VI. CÔNG TÁC KẾ HOẠCH, THÔNG TIN BÁO CÁO

1. Công tác kế hoạch

a) Các sở, ban, ngành Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện đề ra kế hoạch của địa phương, đơn vị triển khai thực hiện Đề án kiện toàn, đào tạo nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ thực hiện công tác gia đình các cấp đến năm 2020 trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh. Cụ thể:

- Năm 2015, bổ sung hoạt động, lồng ghép nội dung nhằm thực hiện các mục tiêu Đề án trong các công tác có liên quan, trong kế hoạch hoạt động công tác gia đình năm 2015.

- Xây dựng kế hoạch thực hiện các nhiệm vụ Đề án giai đoạn 2016 đến 2020 và dự toán kinh phí đáp ứng cho việc thực hiện kế hoạch 5 năm theo phân kỳ hàng năm.

b) Hàng năm, các địa phương, đơn vị lập kế hoạch thực hiện Đề án và dự toán kinh phí trình cấp có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

c) Thời gian gửi kế hoạch:

- Kế hoạch năm 2015 gửi trước ngày 30 tháng 7 năm 2015;

- Kế hoạch giai đoạn 2016 - 2020 gửi trước ngày 30 tháng 8 năm 2015.

- Kế hoạch các năm sau đó gửi trước ngày 30 tháng 01 hàng năm.

2. Thông tin báo cáo:

- Báo cáo tình hình thực hiện Kế hoạch định kỳ 6 tháng (trước ngày 15 tháng 5) và 1 năm (trước ngày 15 tháng 10) cho Sở Văn hóa và Thể thao (Cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo công tác gia đình).

Giao Sở Văn hóa và Thể thao có trách nhiệm hướng dẫn, đôn đốc các sở, ngành, Thành phố và Ủy ban nhân dân quận, huyện thực hiện tốt công tác kế hoạch, thông tin, báo cáo. Định kỳ thực hiện tổng hợp thông tin, lập báo cáo trình Ủy ban nhân dân Thành phố và Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch theo quy định.

- Thực hiện các hoạt động sơ kết, tổng kết các giai đoạn của Đề án theo hướng dẫn của Trung ương./.