Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH KHÁNH HÒA
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3378/QĐ-UBND

Khánh Hòa, ngày 11 tháng 12 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH CHƯƠNG TRÌNH TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 31/NQ-CP NGÀY 13/5/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10/4/2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH KHÁNH HÒA

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;

Căn cứ Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Ngoại vụ tại Công văn số 746/SNgV-TTĐN&HNQT ngày 16 tháng 9 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Chương trình triển khai của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

Điều 2. Giao Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối, chịu trách nhiệm theo dõi, đôn đốc, hướng dẫn và tổng hợp, báo cáo tình hình, kết quả triển khai thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp, trường cao đẳng thuộc tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị liên quan có trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Duy Bắc

 

CHƯƠNG TRÌNH

TRIỂN KHAI NGHỊ QUYẾT SỐ 31/NQ-CP NGÀY 13/5/2014 CỦA CHÍNH PHỦ VỀ VIỆC THỰC HIỆN NGHỊ QUYẾT SỐ 22-NQ/TW NGÀY 10/4/2013 CỦA BỘ CHÍNH TRỊ BAN CHẤP HÀNH TRUNG ƯƠNG ĐẢNG CỘNG SẢN VIỆT NAM VỀ HỘI NHẬP QUỐC TẾ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 3378/QĐ-UBND ngày 11 tháng 12 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Khánh Hòa)

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU, NGUYÊN TẮC

1. Mục đích

a) Nhằm triển khai thực hiện Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13 tháng 5 năm 2014 của Chính phủ về việc ban hành Chương trình hành động của Chính phủ thực hiện Nghị quyết số 22-NQ/TW ngày 10 tháng 4 năm 2013 của Bộ Chính trị Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam về hội nhập quốc tế.

b) Nâng cao nhận thức của các ngành, các cấp và cán bộ, đảng viên, nhân dân về mục tiêu, quan điểm, đường lối chỉ đạo của Đảng, chính sách pháp luật của Nhà nước về hội nhập quốc tế, tạo sự đồng thuận, quyết tâm chính trị cao.

c) Xác định nhiệm vụ của các cơ quan, đơn vị ở địa phương trong công tác hội nhập quốc tế nhằm thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội bền vững, nâng cao đời sống nhân dân, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội trên địa bàn tỉnh.

2. Yêu cầu

a) Hội nhập quốc tế phải được triển khai trên cả ba phương diện đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân; cùng với ý thức, trách nhiệm và sự tham gia của các tổ chức chính trị xã hội, cơ quan nhà nước, tổ chức xã hội và các tầng lớp nhân dân.

b) Việc triển khai có sự xác định nhiệm vụ, công việc, lộ trình cụ thể, thời gian thực hiện và trách nhiệm của các cấp, các ngành, đơn vị.

c) Trên cơ sở nội dung Quyết định này, các cơ quan, đơn vị và địa phương chủ động nghiên cứu, xây dựng và tổ chức triển khai kế hoạch hội nhập quốc tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình cho phù hợp với tình hình, điều kiện thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương.

3. Nguyên tắc

Triển khai công tác hội nhập quốc tế phải đảm bảo các nguyên tắc sau:

- Sự lãnh đạo toàn diện của Đảng, sự quản lý, điều hành thống nhất của Nhà nước.

- Đặt mục tiêu giữ vững an ninh chính trị và đảm bảo trật tự an toàn xã hội lên hàng đầu.

- Bảo tồn và phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

- Góp phần thiết thực cho công cuộc phát triển kinh tế - xã hội bền vững.

II. MỤC TIÊU

1. Mục tiêu chung

- Mở rộng quan hệ với các địa phương, tổ chức, cá nhân nước ngoài để xây dựng mối quan hệ hữu nghị, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của bạn bè quốc tế nhằm xây dựng môi trường hòa bình, ổn định trong khu vực và quốc tế, góp phần nâng cao vị thế, hình ảnh của Việt Nam trên trường quốc tế.

- Góp phần giữ vững độc lập, toàn vẹn lãnh thổ Việt Nam.

- Khai thác hiệu quả các nguồn lực, sự ủng hộ, giúp đỡ của các Chính phủ, tổ chức, cá nhân nước ngoài vào phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Khánh Hòa.

2. Mục tiêu cụ thể

- Mở rộng quan hệ hữu nghị với các nước, các tổ chức quốc tế, các địa phương nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ, các chuyên gia, các cá nhân có uy tín,... qua đó tuyên truyền, giới thiệu hình ảnh quê hương, con người Khánh Hòa đến bạn bè thế giới.

- Tạo sự đồng thuận, tranh thủ sự ủng hộ, giúp đỡ của các nước trong khu vực, các quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam nói chung và quần đảo Trường Sa của Khánh Hòa, Việt Nam nói riêng.

- Nâng cao trình độ, chất lượng đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và góp phần đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính phù hợp với yêu cầu hội nhập quốc tế.

- Thu hút các tổ chức giáo dục quốc tế có uy tín, chất lượng vào hoạt động tại Khánh Hòa. Tiếp cận, chọn lọc và tiếp thu các nội dung, phương pháp giảng dạy, cơ chế quản lý giáo dục quốc tế tiên tiến nhằm đổi mới và nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo ở địa phương.

- Nâng cao khả năng nghiên cứu khoa học ứng dụng; tiếp cận các phát minh khoa học, các công nghệ kỹ thuật tiên tiến phục vụ thiết thực cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh trên các lĩnh vực.

- Thu hút các nhà đầu tư nước ngoài, các doanh nghiệp nước ngoài vào đầu tư, khai thác tiềm năng kinh tế của địa phương. Trong đó, ưu tiên cho phát triển kinh tế biển bền vững.

- Bảo vệ, tôn vinh và phát huy những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc; đồng thời, tiếp thu những giá trị tinh hoa văn hóa của nhân loại đáp ứng nhu cầu văn hóa, tinh thần của các tầng lớp nhân dân.

- Khai thác hiệu quả các nguồn lực từ cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài, các tổ chức phi chính phủ nước ngoài góp phần hỗ trợ cho công tác an sinh xã hội, chăm sóc sức khỏe cộng đồng, đào tạo nghề, xóa đói giảm nghèo,... trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

III. NỘI DUNG GIẢI PHÁP

1. Thông tin, tuyên truyền

a) Đẩy mạnh công tác phổ biến, quán triệt, tuyên truyền để nâng cao nhận thức của các sở, ban, ngành, địa phương, các tổ chức, đoàn thể, doanh nghiệp và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh:

- Chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước và Chính phủ về hội nhập quốc tế.

- Các cơ hội, thách thức, thuận lợi và khó khăn của hội nhập quốc tế trên các lĩnh vực chính trị, quốc phòng, kinh tế, thương mại, văn hóa,...

b) Tăng cường quảng bá hình ảnh quê hương, con người Khánh Hòa ra thế giới. Tuyên truyền chủ trương “Chủ động, tích cực hội nhập quốc tế” của Đảng, Nhà nước và Chính phủ đến các đối tác, cộng đồng quốc tế và cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài.

c) Tiếp tục triển khai Chiến lược phát triển thông tin đối ngoại giai đoạn 2011-2020 trên địa bàn tỉnh.

2. Nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước, năng lực hội nhập quốc tế

a) Kiện toàn Ban Chỉ đạo về hội nhập quốc tế của tỉnh, xây dựng quy chế, kế hoạch hoạt động, xác định rõ trách nhiệm, nhiệm vụ cụ thể của các cấp, các ngành, đơn vị, doanh nghiệp trong việc triển khai thực hiện.

b) Xây dựng kế hoạch chiến lược tổng thể về hội nhập quốc tế của tỉnh đến năm 2020, tầm nhìn 2030, trong đó xác định nội dung, lĩnh vực, điều kiện lợi thế của tỉnh để phát huy, tập trung, tranh thủ các điều kiện quốc tế thuận lợi để thu hút đầu tư, đảm bảo lợi ích quốc gia, phù hợp với tỉnh.

c) Rà soát, điều chỉnh, sửa đổi, bãi bỏ các quy định không phù hợp, ban hành các quy định mới của địa phương đáp ứng các yêu cầu hội nhập quốc tế.

d) Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tập trung trước mắt ở một số lĩnh vực như đất đai, xây dựng, lao động, đầu tư, xuất nhập khẩu, tạo hành lang pháp lý thông thoáng, cải thiện môi trường đầu tư, tạo điều kiện thuận lợi để thu hút các nguồn vốn ngoài nước, nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp, khai thác bền vững và phát huy tối đa tiềm năng, lợi thế của tỉnh cũng như liên kết vùng trong phát triển.

e) Quản lý đúng quy định hoạt động thông tin, báo chí kịp thời ngăn chặn, phản bác các luận điểm sai trái, xuyên tạc của các thế lực thù địch, cơ hội.

g) Chủ động, thông tin kịp thời về những vấn đề trong nước và quốc tế được dư luận quan tâm như quan hệ Việt Nam - Trung Quốc, tình hình biển Đông, quần đảo Trường Sa bảo vệ chủ quyền biên giới, biển đảo.

h) Kịp thời hỗ trợ, giải quyết đúng quy định những khó khăn, vướng mắc phát sinh của nhà đầu tư nước ngoài, những vụ việc lãnh sự công dân nước ngoài sinh sống, làm việc trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

i) Phối hợp chặt chẽ giữa đối ngoại Đảng, đối ngoại Nhà nước và đối ngoại Nhân dân, lồng ghép triển khai công tác ngoại giao an ninh quốc phòng, ngoại giao kinh tế, ngoại giao văn hoá để việc hội nhập quốc tế theo đúng yêu cầu, nguyên tắc, mục tiêu đã đề ra.

k) Tranh thủ sự hỗ trợ của Bộ Ngoại giao và các cơ quan có liên quan để tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức, trình độ, chuyên môn để nâng cao nhận thức và năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức cũng như các doanh nghiệp, nghiệp đoàn trên địa bàn tỉnh về hội nhập quốc tế.

m) Tổ chức đào tạo, bồi dưỡng nâng cao kiến thức, trình độ, chuyên môn cho cán bộ, công chức, viên chức; đổi mới cơ chế, quy định tuyển dụng thu hút nhân tài, khai thác nguồn lực trí thức, chuyên gia trong nước và nước ngoài.

3. Hội nhập kinh tế quốc tế

a) Tiếp tục thực hiện các chủ trương, công tác hội nhập quốc tế của Trung ương và địa phương:

- Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về một số chủ trương để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững sau khi Việt Nam gia nhập Tổ chức Thương mại thế giới (WTO).

- Quyết định số 82/2007/QĐ-UBND ngày 19 tháng 12 năm 2007 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Chương trình hành động triển khai thực hiện Nghị quyết 16/2007/NQ-CP của Chính phủ về một số chủ trương, chính sách lớn để nền kinh tế phát triển nhanh và bền vững khi Việt Nam là thành viên của WTO.

b) Xây dựng và triển khai:

- Kế hoạch hội nhập kinh tế quốc tế đến năm 2020 của tỉnh.

- Chương trình hành động thực hiện Chiến lược tham gia các thỏa thuận thương mại tự do (FTA) đến năm 2020 trên địa bàn tỉnh.

- Chương trình ngoại giao kinh tế.

- Chương trình xúc tiến đầu tư, du lịch và thương mại.

c) Tăng cường công tác xúc tiến đầu tư, thương mại và du lịch, thu hút đầu tư nước ngoài, đồng thời tranh thủ khai thác nguồn vốn, trình độ, công nghệ cao của nước ngoài để hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho các doanh nghiệp trong nước trong sản xuất kinh doanh.

d) Tổ chức định kỳ các chương trình gặp gỡ, đối thoại với nhà đầu tư, doanh nghiệp để cùng tham gia xây dựng, hoàn thiện môi trường kinh doanh.

e) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, nâng cao nhận thức và ý thức về hội nhập quốc tế, các chính sách thu hút đầu tư, phổ biến kiến thức về AFTA, BTA, WTO, FTA và các lộ trình thực hiện cam kết của nước ta khi gia nhập WTO trong lĩnh vực tài chính, kinh tế, kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội, văn hóa, giáo dục, an ninh quốc phòng cho cán bộ, công chức, viên chức và các tầng lớp nhân dân trên địa bàn tỉnh.

g) Thiết lập kênh thông tin với các Tham tán thương mại Việt Nam tại các nước trên thế giới và khu vực trong việc mở rộng thị trường xuất nhập khẩu, tăng cường các hoạt động xúc tiến thương mại, đầu tư, phù hợp với điều kiện, định hướng và trình độ phát triển của tỉnh Khánh Hòa.

h) Tạo điều kiện về cơ chế, chính sách, thủ tục, nguồn vốn giúp các doanh nghiệp, một số ngành kinh tế đặc thù, chủ lực của địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh, đầu tư đổi mới trang thiết bị, mở rộng sản xuất, tiếp cận thị trường tiêu thụ sản phẩm.

4. Hội nhập quốc tế về chính trị

a) Rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết triển khai các nội dung đã thỏa thuận, qua đó khai thác hiệu quả mối quan hệ hợp tác hữu nghị với các địa phương nước ngoài đã thiết lập như các tỉnh: Champasak, Attapư (Lào), Prymorie (Nga), Morbihan (Pháp); các thành phố: Ulsan (Hàn Quốc), Saint Peterburgs (Nga),...

b) Nghiên cứu, tìm hiểu, thiết lập quan hệ hợp tác, hữu nghị với các địa phương của các quốc gia trên thế giới: Mỹ, Nga, Trung Quốc, Nhật Bản,...; khuyến khích các đơn vị, địa phương chủ động mở rộng quan hệ, hợp tác với các đơn vị, địa phương nước ngoài trên nguyên tắc bình đẳng, vì hòa bình và cùng có lợi.

c) Tích cực tham gia, triển khai các hoạt động của Trung ương trong đấu tranh bảo vệ chủ quyền biển đảo và phát triển kinh tế biển ở quần đảo Trường Sa.

d) Phối hợp tổ chức an toàn, thành công các sự kiện chính trị, ngoại giao quốc tế do Trung ương tổ chức tại Khánh Hòa.

e) Tăng cường công tác thông tin đối ngoại, làm cho bạn bè thế giới, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài có thông tin chính xác, hiểu đúng và đồng thuận các chủ trương của Đảng, chính sách của Nhà nước, Chính phủ trong công cuộc đấu tranh, bảo vệ và xây dựng phát triển đất nước.

g) Xây dựng kế hoạch và triển khai hiệu quả công tác người Việt Nam ở nước ngoài, trong đó cần quan tâm, thăm hỏi, tạo điều kiện cho người Việt Nam sống ở nước ngoài khi trở về sống, làm việc tại Khánh Hòa.

h) Nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước về đối ngoại, nhất là công tác lãnh sự, thông tin đối ngoại, hoạt động phi chính phủ nước ngoài,... tạo điều kiện cho phóng viên nước ngoài, tổ chức phi chính phủ nước ngoài đến hoạt động tại Khánh Hòa.

5. Về hội nhập quốc tế trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh

Tích cực tham gia, triển khai công tác hội nhập quốc tế về an ninh, quốc phòng trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa theo chỉ đạo, hướng dẫn và kế hoạch của Chính phủ, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an:

- Chủ động triển khai công tác quản lý, phòng chống và kiên quyết đấu tranh làm thất bại mọi âm mưu, hoạt động của các thế lực thù địch, xâm phạm chủ quyền, an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội của đất nước.

- Phối hợp với các cơ quan chức năng nước ngoài, quốc tế trong đấu tranh phòng chống tội phạm xuyên quốc gia, ngăn ngừa, giảm thiểu các mối đe dọa an ninh phi truyền thống.

- Mở rộng quan hệ giao lưu, trao đổi với các cơ quan, đơn vị lực lượng vũ trang, quân sự các nước.

6. Hội nhập quốc tế trong lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục - đào tạo, khoa học - công nghệ và các lĩnh vực khác

a) Tiếp tục triển khai thực hiện Quyết định số 1194/QĐ-UBND ngày 11 tháng 5 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh về việc ban hành Kế hoạch triển khai, thực hiện Quyết định số 208/QĐ-TTg ngày 14 tháng 02 năm 2011 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt “Chiến lược ngoại giao văn hóa đến năm 2020” trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa.

b) Nghiên cứu, xây dựng các đề án, chương trình, kế hoạch cụ thể cho từng lĩnh vực để làm cơ sở cho việc triển khai thực hiện, kiểm tra, đánh giá, tổng kết, hội nhập quốc tế về khoa học và công nghệ; lao động - thương binh và xã hội; giáo dục và đào tạo; y tế, nông nghiệp và phát triển nông thôn; thông tin và truyền thông; giao thông vận tải; tài chính, nội vụ, tư pháp...

c) Nghiên cứu, tranh thủ lồng ghép các hoạt động hội nhập quốc tế vào quá trình xây dựng và triển khai các chiến lược, kế hoạch, đề án về phát triển văn hóa - xã hội, khoa học - công nghệ, giáo dục - đào tạo, lao động, y tế, thể thao..., nhằm tranh thủ sự hợp tác, hỗ trợ quốc tế, tiếp thu kiến thức, tinh hoa văn hóa nhân loại, quảng bá hình ảnh đất nước và con người Khánh Hòa, Việt Nam với bạn bè quốc tế, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho đất nước.

d) Nâng cao hiệu quả công tác giáo dục chính trị tư tưởng, văn hóa nhằm hạn chế các tác động tiêu cực của hội nhập quốc tế về xã hội, văn hóa, tư tưởng, đạo đức, lối sống.

IV. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Giám đốc các sở; Thủ trưởng các ban, ngành, tổ chức, đoàn thể; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, doanh nghiệp, trường cao đẳng thuộc tỉnh thực hiện:

a) Căn cứ Quyết định này khẩn trương xây dựng kế hoạch, chương trình, đề án,... về hội nhập quốc tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình theo lĩnh vực quản lý, tính chất hoạt động và tình hình thực tế của cơ quan, đơn vị, địa phương mình (hoàn thành trước ngày 01 tháng 01 năm 2015) để triển khai thực hiện; đồng thời gửi Sở Ngoại vụ tổng hợp, theo dõi chung.

b) Định kỳ trước ngày 15 tháng 12 hàng năm, gửi báo cáo đánh giá, tổng kết tình hình triển khai thực hiện hội nhập quốc tế về Sở Ngoại vụ tổng hợp.

2. Sở Ngoại vụ là cơ quan đầu mối, theo dõi, đôn đốc các cơ quan, đơn vị, địa phương xây dựng, triển khai công tác hội nhập quốc tế./.