Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ CÔNG THƯƠNG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
---------

Số: 3399/QĐ-BCT

Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN NGÀNH CÔNG NGHIỆP CHẾ BIẾN SỮA VIỆT NAM ĐẾN NĂM 2020, TẦM NHÌN ĐẾN NĂM 2025

BỘ TRƯỞNG BỘ CÔNG THƯƠNG

Căn cứ Nghị định số 189/2007/NĐ-CP ngày 27 tháng 12 năm 2007 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công Thương;
Căn cứ Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 7 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 11 năm 2008 của Chính phủ về sửa đổi, bổ sung một số điều, của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt, quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;
Xét đề nghị của Vụ trưởng Vụ Công nghiệp nhẹ,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch phát triển Ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2025 với các nội dung chủ yếu sau đây:

1. Quan điểm phát triển

a) Phát triển ngành công nghiệp sản xuất sữa trên cơ sở phát huy lợi thế so sánh của từng vùng, từng địa phương, phát huy hết năng lực chế biến sẵn có: Huy động tiềm lực của mọi thành phần kinh tế vào phát triển ngành gắn với phát triển vùng nguyên liệu. Bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm, nâng cao giá trị dinh dưỡng, tiết kiệm năng lượng và bảo vệ môi trường sinh thái.

b) Phát triển ngành trên cơ sở áp dụng công nghệ, thiết Bị tiên tiến, không ngừng đổi mới và cải tiến công nghệ để nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm, nghiên cứu sản xuất sản phẩm mới với chất lượng cao để đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu. Tập trung xây dựng thương hiệu quốc gia mạnh cho một số sản phẩm sữa Việt Nam để cạnh tranh hiệu quả trong hội nhập kinh tế quốc tế

c) Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư phát triển đàn bò sữa để tăng dần tỷ lệ tự túc nguyên liệu trong nước, giảm dần tỷ lệ sữa nguyên liệu nhập khẩu.

2. Mục tiêu phát triển

a) Mục tiêu tổng quát: Từng bước xây dựng ngành công nghiệp chế biến sữa Việt Nam phát triển bền vững theo hướng hiện đại, đồng bộ từ sản xuất nguyên liệu đến thành phẩm, có khả năng cạnh tranh để chủ động hội nhập với khu vực và thế giới, đáp ứng nhu cầu ngày càng tăng của xã hội và một phần xuất khẩu

b) Mục tiêu cụ thể:

- Năm 2015 cả nước sản xuất 1,9 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 21 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 660 triệu lít đáp ứng 35% nhu cầu Kim ngạch xuất khẩu đạt 90-100 triệu USD.

- Năm 2020 cả nước sản xuất 2,6 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 27 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1 tỷ lít đáp ứng 38% nhu cầu Kim ngạch xuất khẩu đạt 120- 130 triệu USD.

- Năm 2025 cả nước sản xuất 3,4 tỷ lít quy ra sữa tươi, tiêu thụ đạt trung bình 34 lít/người 1 năm. Sữa tươi sản xuất trong nước đạt 1,4 tỷ lít đáp ứng 40% nhu cầu. Kim ngạch xuất khẩu đạt 150-200 triệu USD.

3. Định hướng phát triển

a) Phát triển ngành theo hướng hiện đại, bền vững, sản xuất sạch hơn, xử lý chất thải triệt để, bảo đảm vệ sinh, an toàn thực phẩm.

b) Tiếp tục đầu tư mới và mở rộng các cơ sở sản xuất sẵn có nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và dành một phần xuất khẩu. Tập trung phát triển năng lực sản xuất sữa thanh trùng và tiệt trùng, sữa bột và sữa chua. Các nhà máy xây dựng mới phải áp dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại để sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn chất lượng cao, đa dạng về chủng loại và mẫu mã.

c) Phát triển công nghiệp chế biến sữa theo hướng tăng dần tỷ lệ sử dụng nguyên liệu sữa tươi trong nước và giảm dần tỷ lệ nguyên liệu sữa: bột nhập ngoại. Phát triển công nghiệp chế biến sữa gắn chặt với việc phát triển đàn bò sữa trong nước. Các cơ sở chế biến sữa phải có chương trình đầu tư cụ thể phát triển đàn bò sữa. Bố trí địa điểm xây dựng các nhà máy chế biến sữa gắn với các trung tâm tiêu thụ sản phẩm và vùng chăn nuôi bò sữa tập trung.

4. Quy hoạch phát triển sản phẩm và quy hoạch phân bố năng lực sản xuất theo vùng lãnh thổ

a) Quy hoạch sản phẩm (chi tiết xem phụ lục 1 kèm theo Quyết định này).

- Sản xuất sữa thanh, tiệt trùng:

Năm 2010 sản xuất sữa thanh, tiệt trùng đạt 480 triệu lít; năm 2015 đạt 780 triệu lít; năm 2020 đạt 1.150 triệu lít; năm 2025 đạt 1.500 triệu lít.

- Sản xuất sữa đặc có đường:

Năm 2010 sản xuất sữa đặc có đường đạt 377 triệu hộp ; năm 2015 đạt 400 triệu hộp năm 2020 đạt 410 triệu hộp và năm 2025 đạt 420 triệu hộp.

- Sản xuất sữa chua:

Năm 2010 sản xuất sữa chua đạt 86 triệu lít; năm 2015 đạt 120 triệu lít; năm 2020 đạt 160 triệu lít và năm 2025 đạt 210 triệu lít.

- Sản xuất sữa bột:

Năm 2010 sản xuất sữa bột đạt 47 ngàn tấn; năm 2015 đạt 80 ngàn tấn, năm 2020 đạt 120 ngàn tấn và năm 2025 đạt 170 ngàn tấn.

b) Quy hoạch theo vùng lãnh thổ

Quy hoạch phân bố năng lực sản xuất các loại sản phẩm trên toàn quốc được xác định theo 6 vùng lãnh thổ (phụ lục 2 kèm theo Quyết định này).

Bố trí năng lực sản xuất các loại sản phẩm theo vùng lãnh thổ tạo ra sự phát triển cân đối giữa các vùng theo nhu câu sản phẩm sữa và khả năng phát triển đàn bò sữa, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của Nhà nước theo từng giai đoạn.

5. Nhu cầu vốn đầu tư

- Tổng nhu cầu vốn đầu tư toàn ngành giai đoạn 2011 -2015 ước tính 4.240 tỷ đồng; giai đoạn 2016-2020: 5.230 tỷ đồng và giai đoạn 2021-2025: 6.060 tỷ đồng (chi tiết xem phụ lục 3 kèm theo Quyết định này).

Nguồn vốn đầu tư được huy động từ mọi thành phần kinh tế trong xã hội, vốn vay các ngân hàng trong và ngoài nước, vốn huy động từ nguồn phát hành cổ phiếu, trái phiếu doanh nghiệp, vốn vay ưu đãi của Nhà nước.

6. Hệ thống các giải pháp và chính sách thực hiện quy hoạch

a) Về thị trường

- Tăng cường kiểm tra chất lượng nguyên liệu và sản phẩm sữa sản xuất trong nước, nhập khẩu và lưu thông trên thị trường trong nước, để chống hàng lậu hàng kém chất lượng, không bảo đảm chất lượng theo tiêu chuẩn vệ sinh an toàn thực phẩm. Công khai kết quả kiểm tra chất lượng các sản phẩm sữa và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.

- Tổ chức thường niên hội chợ triển lãm trong nước để các doanh nghiệp tham gia giới thiệu, quảng bá sản phẩm. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia hội chợ, giới thiệu quảng bá sản phẩm ở nước ngoài theo chương trình xúc tiến thương mại quốc gia để mở rộng thị trường xuất khẩu.

- Xây dựng chương trình sữa học đường quốc gia để học sinh ngẫu giáo và tiểu học có thể tiếp cận, sử dụng sữa, góp phần nâng cao thể lực, trí tuệ cho thế hệ trẻ.

- Tăng cường tuyên truyền để người dân hiểu rõ chất lượng các loại sữa, hướng dẫn người tiêu dùng đánh giá đúng chất lượng, công dụng sữa, lựa chọn sản phẩm để sử dụng.

- Các doanh nghiệp xây dựng chiến lược kinh doanh, phát triển thị trường. Xây dựng và phát triển rộng khắp hệ thống đạt lý và tiêu thụ sản phẩm, phát huy vai trò của các chi nhánh nhằm tăng tính chủ động trong kinh doanh.

- Các doanh nghiệp chủ động phát hiện những hành vi gian lận và cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường, kết hợp với các cơ quan quản lý nhà nước để xây dựng các biện pháp ngăn chặn.

b) Xây dựng thương hiệu sản phẩm

- Các doanh nghiệp cần xây dựng kế hoạch, chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm của mình dựa trên cơ sở truyền thống, thói quen tiêu dùng của người Việt Nam.

- Đối với các thương hiệu sản phẩm sữa Việt đã nổi tiếng, có uy tín trong nước, cần có chiến lược phát triển lâu dài trên cơ sở mở rộng sản xuất để giữ vững và phát triển thị phần, nâng cao chất lượng sản phẩm, không ngừng cải tiến mẫu mã, đa dạng sản phẩm, củng cố và phát triển hệ thống tiêu thụ sản phẩm bảo đảm tin cậy, thuận lợi, uy tín với khách hàng.

- Nhà nước tăng cường giám sát bảo hộ thương hiệu, nhãn mác, kiểu dáng, mẫu mã sản phẩm, đấu tranh chống hàng lậu, hàng kém chất lượng để bảo đảm quyền lợi cho doanh nghiệp và người tiêu dùng.

- Hàng năm Bộ Công Thương tổ chức bình chọn và công bố danh hiệu thương hiệu Việt theo tiêu chí thống nhất để khuyến khích doanh nghiệp nâng cao chất lượng sản phẩm và xây dựng thương hiệu.

c) Về đầu tư

- Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mở rộng sản xuất kết hợp đổi mới công nghệ, thiết bị, áp dụng các giải pháp tiết kiệm năng lượng.

- Kiểm soát chặt chẽ các dự án đầu tư mới để hạn chế việc sử dụng thiết bị có công nghệ lạc hậu không đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, không cấp phép đầu tư cho các dự án không đầu tư hệ thống xử lý nước thải công nghiệp thoả mãn các quy định về bảo vệ môi trường.

d) Giải pháp về quản lý ngành

- Ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn kỹ thuật đối với các sản phẩm sữa theo thông lệ quốc tế để làm cơ sở giám sát, kiểm tra.

- Tăng cường kiểm tra chặt chẽ về chất lượng, vệ sinh an toàn thực phẩm, môi trường đối với các cơ sở sản xuất trong nước. Bắt buộc các doanh nghiệp phải công bố, đăng ký chất lượng sản phẩm. Kiểm tra, thẩm định chất lượng sản phẩm xuất, nhập khẩu theo tiêu chuẩn Việt Nam, phù hợp với luật pháp quốc tế.

- Khuyến khích các thành phần kinh tế tham gia xây dựng các phòng kiểm nghiệm chất lượng sữa để làm đối trọng với các phòng kiểm nghiệm của các nhà máy chế biến sữa, tăng sự lựa chọn cho người chăn nuôi.

- Hoàn thiện các văn bản pháp luật để quản lý giá sữa, đảm bảo hài hoà lợi ích của nhà sản xuất, phân phối và tiêu dùng.

- Hoàn thiện cơ chế giám sát và quản lý chặt chẽ từ phía cơ quan quản lý về các hành vi cạnh tranh không lành mạnh trên thị trường sữa, đặc biệt là hành vi quảng cáo gây ngộ nhận cho người tiêu dùng.

- Tăng cường vai trò của Hiệp hội sữa Việt Nam trong quản lý ngành để bảo vệ quyền lợi hợp pháp của doanh nghiệp và người tiêu dùng.

đ) Giải pháp về nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ

- Nhà nước khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư nghiên cứu khoa học và áp dụng công nghệ tiên tiến vào sản xuất mua công nghệ, thiết bị tiên tiến của các nước phát triển, nhận chuyển giao công nghệ của các công ty hàng đầu thế giới. Chi phí nghiên cứu khoa học được tính vào giá thành sản phẩm.

- Khuyến khích các doanh nghiệp thông qua liên doanh, liên kết thực hiện chuyển giao công nghệ để sản xuất thiết bị trong nước đáp ứng được yêu cầu kỹ thuật hiện đại. Khuyến khích sử dụng thiết bị chế tạo trong nước tương đương chất lượng thiết bị nhập khẩu cho các dự án đầu tư.

- Nhà nước khuyến khích các hoạt động nghiên cứu chuyển giao công nghệ sản xuất bao bì chất lượng cao, chất hỗ trợ chế biến, phụ gia, vi chất đảm bảo chất lượng và vệ sinh an toàn thực phẩm ứng dụng trong ngành sữa.

- Tăng cường năng lực nghiên cứu cho một số Viện nghiên cứu để có khả năng tập trung nghiên cứu các vấn đề khoa học công nghệ về chế biến và bảo quản sữa, vệ sinh an toàn thực phẩm.

e) Giải pháp về phát triển sản xuất nguyên liệu cho ngành

- Xây dựng vùng chuyên canh tập trung nuôi bò sữa do các doanh nghiệp đầu tư hoặc thực hiện mô hình: Doanh nghiệp lớn chủ đạo về con giống, dịch vụ kỹ thuật và tiêu thụ sản phẩm, hộ chăn nuôi gia đình tập trung nuôi bò sữa và khai thác sữa.

- Tạo quĩ hỗ trợ phát triển vùng nguyên liệu từ nguồn vốn huy động, tài trợ của các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước.

- Các doanh nghiệp, hộ chăn nuôi bò sữa tập trung được hưởng các chính sách ưu đãi đã nêu trong Quyết định số 10/2008/QĐ-TTg ngày 16/01/2008 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt chiến lược phát triển chăn nuôi đến năm 2020 và Quyết định số 2194/QĐ-TTg ngày 25/12/2009 về phê duyệt Đề án phát triển giống cây nông, lâm nghiệp, giống vật nuôi và giống thuỷ sản đến năm 2020.

g) Giải pháp về đào tạo nguồn nhân lực

- Các doanh nghiệp lập chương trình và kế hoạch đào tạo, đào tạo lại đội ngũ cán bộ và thợ lành nghề. Việc đào tạo phải tiến hành theo phương châm vừa phát triển chiều rộng nhằm đáp ứng yêu câu trước mắt, đồng thời cũng phải có kế hoạch đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên sâu, các cán bộ nghiên cứu khoa học đầu ngành để chuẩn bị cho phát triển ngành trong tương Lai. Kết hợp cả đào tạo trong nước và ngoài nước; cả chính quy và tại chức; cả ngắn hạn và dài hạn.

- Tăng cường năng lực đào tạo cho các trường đại học, cao đẳng và dạy nghề để đào tạo cán bộ khoa học, quản lý giỏi và công nhân kỹ thuật lành nghề, đáp ứng nhu cầu lao động ngày càng cao của ngành công nghiệp sữa.

h) Giải pháp về tài chính và tin dụng

- Nhà nước có giải pháp khấu trừ thuế VAT đầu vào cho các doanh nghiệp, tổ chức thu mua sữa tươi trực tiếp của các hộ nông dân nhằm khuyến khích các doanh nghiệp mua sữa nguyên liệu trong nước để chế biến (hiện tại yêu cầu phải có hoá đơn tài chính mà nông dân không có).

- Tín dụng đầu tư phát triển nhà nước cho vay đầu tư dự án phát triển giống bò sữa; xây dựng mới, mở rộng cơ sở chăn nuôi bò sữa, cơ sở thu gom, chế biến sữa công nghiệp.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Bộ Công Thương chủ trì, phối hợp với các Bộ, ngành liên quan và Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương chỉ đạo phát triển ngành theo Quy hoạch này.

2. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn chỉ đạo các địa phương phối hợp với các doanh nghiệp xây dựng quy hoạch và tổ chức thực hiện phát triển chăn nuôi bò sữa tập trung trên địa bàn.

3. Các Bộ, Ngành: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Khoa học và Công nghệ, Tài nguyên và Môi trường, Y tế, Văn hoá, Thông tin và Truyền thông, Giáo dục và Đào tạo theo chức năng của mình, chủ trì và phối hợp với Bộ Công Thương:

- Ban hành tiêu chuẩn chất lượng, quy chuẩn sản xuất đối với các sản phẩm sữa và phối hợp với các địa phương tổ chức kiểm tra chất lượng sản phẩm, đảm bảo tiêu chuẩn về an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và pháp luật về quyền sở hữu công nghiệp, cạnh tranh bình đẳng, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.

- điều chỉnh mức thuế nhập khẩu nguyên liệu, thành phẩm sữa để khuyến khích phát triển trong nước.

- Kiến nghị Chính phủ thành lập Chương trình quốc gia sữa học đường.

4. Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cụ thể hoá Quy hoạch phát triển Ngành Sữa Việt Nam trên địa bàn tỉnh, thành phố; tham gia với các Bộ, ngành kiểm tra, giám sát việc triển khai thực hiện Quy hoạch này để đảm bảo tính đồng bộ, thống nhất với Quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

5. Hiệp hội sữa Việt Nam phối hợp với Bộ Công Thương, các địa phương tổ chức tuyên truyền, phổ biến Quy hoạch; hướng dẫn các doanh nghiệp trong Hiệp hội chấp hành Quy hoạch và các quy định khác của pháp luật.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.

Điều 4. Các Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

BỘ TRƯỞNG




Vũ Huy Hoàng

 

PHỤ LỤC 1

QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN SẢN XUẤT CÁC SẢN PHẨM SỮA
(Ban hành kèm theo quyết định số 3399/QĐ-BCT, Ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

 

Chỉ tiêu

Đơn vị

2010

2015

2020

2025

1

Sữa thanh, tiệt trùng

Triệu lít

480

780

1150

1500

2

Sữa đặc có đường (sữa hộp)

Triệu hộp

377

400

410

420

3

Sữa chua

Triệu lít

86

120

160

210

4

Sữa bột các loại

1000 tấn

47

80

120

170

5

Tấn

6

8

10

13

6

Pho mát

Tấn

72

84

97

107

7

Kem các loại

1000 tấn

13

20

27

38

8

Các sản phẩm sữa khác (bột dinh dưỡng)

1000 tấn

22

44

65

83

 

Tổng số quy sữa tươi

Triệu lít

1300

1900

2600

3400

 

Dân số

Triệu người

86,70

91,13

95,30

99,18

 

Bình quân đầu người

Lít/người

15

21

27

34

 

Tăng trưởng bình quân

 

2006-2010

2011-2015

2016-2020

2021-2025

 

Sữa thanh, tiệt trùng

%/năm

18,4

10,0

8,0

6,0

 

Sữa đặc có đường (sữa hộp)

%/năm

0,7

1,0

0,8

0,5

 

Sữa chua

%/năm

7,2

7,0

6,0

5,0

 

Sữa bột các loại

%/năm

-1,3

11,0

8,5

7,0

 

%/năm

-0,3

5,0

5,0

5,0

 

Pho mát

%/năm

-2,1

3,0

3,0

2,0

 

Kem các loại

%/năm

8,8

8,0

7,0

7,0

 

Các sản phẩm sữa khác (bột dinh dưỡng)

%/năm

67,3

15,0

8,0

5,0

 

Tổng số quy sữa tươi

%/năm

5,3

7,8

6,7

5,5

 

Bình quân đầu người.

%/năm

1,1

1,0

0,9

0,8

 

PHỤ LỤC 2

QUY HOẠCH PHÂN BỐ CÔNG SUẤT CHẾ BIẾN CÁC SẢN PHẨM SỮA THEO 6 VÙNG LÃNH THỔ
(Ban hành kèm theo quyết định số 3399/QĐ-BCT, Ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Vùng

2010

2015

2020

2025

Công suất sản xuất sữa thanh, tiệt trùng phân theo vùng, triệu lít/năm

Trung du miền núi phía Bắc

69

98

98

128

Đồng bằng sông Hồng

237

288

378

619

Duyên hải miền Trung

86

86

136

186

Tây nguyên

 

 

 

50

Đồng Nam Bộ

367

567

767

817

Đồng bằng sông Cửu Long

19

19

69

119

Tổng cộng

778

1.059

1.449

1.920

Công suất sản xuất sữa chua phân theo vùng, triệu lít/năm

Trung du miền núi phía Bắc

2,0

2

2

2

Đồng bằng sông Hồng

60,0

60

60

105

Duyên hải miền Trung

19,2

19

19

19

Đồng Nam Bộ

59,0

59

109

159

Đồng bằng sông Cửu Long

10,6

11

11

11

Tổng cộng

150,8

151

201

296

Công suất sản xuất sữa bột phân theo vùng, ngàn tấn/năm

Đồng bằng sông Hồng

12,6

13

13

60

Đồng Nam Bộ

88,9

89

134

149

Tổng cộng

101,5

102

147

209

Tổng công suất sản xuất sữa quy sữa tươi phân theo vùng, triệu lít/năm

Trung du miền núi phía Bắc

71

100

100

130

Đồng bằng sông Hồng

452

503

593

1.225

Duyên hải miền Trung

176

176

226

276

Tây nguyên

 

 

 

50

Đồng Nam Bộ

1.644

1.844

2.422

2.624

Đồng bằng sông Cửu Long

113

113

163

213

Tổng cộng

2.456

2.736

3.504

4.518

 

PHỤ LỤC 3

NHU CẦU ĐẦU TƯ PHÁT TRIỂN NGÀNH
(Ban hành kèm theo quyết định số 3399/QĐ-BCT, Ngày 28 tháng 6 năm 2010 của Bộ trưởng Bộ Công Thương)

Đơn vị: Tỷ đồng

TT

Hạng mục

2010-2015

2016-2020

2021-2025

1

Vốn cho công nghiệp chế biến

1.190

1.280

1.500

2

Vốn cho phát triển nguyên liệu

2.150

3.130

3.490

3

Vốn cho phát triển công nghiệp hỗ trợ

720

630

850

4

Vốn xây dựng trạm thu mua sữa

180

190

220

 

TỔNG TOÀN NGÀNH

4.240

5.230

6.060