Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 34/2011/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 04 tháng 11 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU SÁNG KIẾN KỸ THUẬT TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Thi đua, Khen thưởng ngày 26/11/2003 và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, khen thưởng ngày 14/6/2005;

Căn cứ Luật Sở hữu trí tuệ ngày 29 tháng 11 năm 2005;

Căn cứ Nghị định số 42/2010/NĐ-CP ngày 15 tháng 4 năm 2010 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng và Luật sửa đổi bổ sung một số điều của Luật Thi đua, Khen thưởng;

Xét đề nghị của Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ và Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy định xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu sáng kiến kỹ thuật” trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ, Giám đốc Sở Nội vụ, Trưởng ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh; Thủ trưởng các ban, ngành, đoàn thể cấp tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã có trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Ban TĐKT TW (b/cáo);
- Website Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản, Bộ TP;
- TT Tỉnh ủy, HĐND tỉnh;
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn Đại biểu QH Hà Tỉnh;
- Như Điều 2;
- Sở Tư pháp;
- Ban Tổ chức Tỉnh ủy;
- Trung tâm Công báo Tin học tỉnh;
- Phòng Kiểm soát TTHC
- Văn phòng UBND tỉnh;
- Lưu: VT-TĐ.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Võ Kim Cự

 

QUY ĐỊNH

VỀ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN, ĐỀ TÀI NGHIÊN CỨU SÁNG KIẾN KỸ THUẬT
(Ban hành kèm theo Quyết định số 34/2011/QĐ-UBND ngày 04/11/2011 của UBND tỉnh Hà Tĩnh)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh.

1. Quy định này quy định điều kiện, trình tự thủ tục, thẩm quyền xét, công nhận sáng kiến, đề tài nghiên cứu cải tiến kỹ thuật (sau đây gọi tắt là sáng kiến) của tổ chức, cá nhân thuộc các sở, ban ngành, đoàn thể cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã, các doanh nghiệp, hợp tác xã, các đơn vị trong các khối thi đua (sau đây gọi tắt là cấp cơ sở) và của UBND tỉnh (sau đây gọi tắt là cấp tỉnh).

2. Các đề tài, dự án khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách Nhà nước không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy định này.

Điều 2. Đối tượng áp dụng.

Các tổ chức, cán bộ, công chức, viên chức trong các cơ quan hành chính nhà nước, đảng, đoàn thể, đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh quản lý và người lao động thuộc các thành phần kinh tế trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

1. Sáng kiến là giải pháp kỹ thuật, giải pháp quản lý, giải pháp tác nghiệp, hoặc giải pháp áp dụng tiến bộ kỹ thuật đảm bảo các điều kiện sau:

a) Là sáng kiến mới trong cơ quan, tổ chức;

b) Đã được áp dụng hoặc áp dụng thử, nhân rộng trên địa bàn tỉnh và mang lại lợi ích thiết thực.

2. Tác giả là người tạo ra sáng kiến bằng chính lao động sáng tạo của mình; đồng tác giả là nhiều tác giả cùng nhau tạo ra sáng kiến chung. Người đầu tư, hỗ trợ về kinh phí, vật chất, kỹ thuật trong quá trình tạo ra sáng kiến không được coi là tác giả.

Điều 4. Phân loại sáng kiến.

1. Sáng kiến cấp cơ sở là sáng kiến được áp dụng trong phạm vi huyện, thành phố, thị xã, sở, ban, ngành, đoàn thể, doanh nghiệp, hợp tác xã thuộc các thành phần kinh tế.

2. Sáng kiến cấp tỉnh là sáng kiến được áp dụng trong phạm vi toàn tỉnh trên lĩnh vực tác động của sáng kiến.

Chương II

QUY ĐỊNH VỀ XÉT, CÔNG NHẬN SÁNG KIẾN

Điều 5. Các tiêu chuẩn xét công nhận sáng kiến.

1. Sáng kiến được coi là mới đối với cơ quan, tổ chức phải đáp ứng các điều kiện:

a) Chưa công khai dưới hình thức sử dụng, mô tả bằng văn bản hay bất cứ hình thức nào mà căn cứ vào đó có thể thực hiện ngay được.

b) Chưa được đưa vào áp dụng, đưa vào kế hoạch áp dụng, phổ biến hoặc chuẩn bị các điều kiện để phổ biến.

c) Chưa được quy định thành tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm bắt buộc phải thực hiện.

d) Không trùng với nội dung của các sáng kiến đã được công bố.

2. Sáng kiến được coi là mang lại lợi ích thiết thực nếu việc áp dụng sáng kiến:

a) Mang lại hiệu quả trong quản lý Nhà nước;

b) Mang lại hiệu quả kinh tế: nâng cao năng suất lao động, nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ, hiệu quả kỹ thuật.

c) Mang lại lợi ích xã hội: nâng cao điều kiện an toàn lao động, cải tạo điều kiện sống, làm việc, môi trường, sức khỏe, v.v….

d) Có khả năng nhân rộng.

Điều 6. Phạm vi sáng kiến:

1. Giải pháp về đổi mới hoạt động quản lý Nhà nước; Chủ trương, cơ chế, chính sách được thể hiện qua văn bản lãnh đạo, văn bản quy phạm pháp luật được cấp có thẩm quyền quyết định tổ chức thực hiện tại địa phương, đơn vị.

2. Giải pháp tổ chức thực hiện các nội dung về cải cách hành chính như:

a) Đơn giản hóa thủ tục hành chính.

b) Sắp xếp tổ chức bộ máy, quản lý bố trí nhân lực, phương tiện làm việc;

c) Các giải pháp hiện đại hóa nền hành chính Nhà nước;

3. Giải pháp hạn chế tai nạn giao thông, giảm tội phạm, bảo đảm trật tự an toàn xã hội;

4. Giải pháp về đổi mới tổ chức sản xuất, đưa các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất và đời sống;

5. Giải pháp về bảo vệ, giảm thiểu ô nhiễm môi trường, công nghệ sinh học về sản xuất xanh, sạch, ít tiêu hao năng lượng, phòng chống cháy nổ, an toàn lao động;

6. Giải pháp nâng cao chất lượng dạy và học;

7. Giải pháp nâng cao chất lượng khám, chữa bệnh, an toàn vệ sinh thực phẩm;

8. Sáng kiến cải tiến kỹ thuật, quản lý, sản xuất trong các thành phần kinh tế;

9. Giải pháp tổ chức các phong trào thi đua của địa phương, đơn vị và của tỉnh;

10. Các đề tài nghiên cứu thuộc các lĩnh vực khác...

Điều 7. Xét công nhận “Sáng kiến”:

Việc xét công nhận “sáng kiến” phải thông qua Hội đồng xét sáng kiến như sau:

1. Hội đồng xét sáng kiến cấp cơ sở.

Hội đồng có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, Thư ký và các Ủy viên; cơ quan thường trực Hội đồng là cơ quan (hoặc bộ phận) thường trực Hội đồng TĐKT cùng cấp.

a) Chủ tịch Hội đồng là đại diện lãnh đạo sở, ban, ngành, đoàn thể, cấp tỉnh, UBND huyện, thành phố, thị xã, giám đốc doanh nghiệp, chủ nhiệm hợp tác xã;

b) Phó Chủ tịch Hội đồng là Phó Chủ tịch Hội đồng TĐKT cùng cấp;

c) Thư ký Hội đồng là chuyên viên làm công tác thi đua-Khen thưởng.

d) Các Ủy viên gồm: đại diện cấp ủy đảng, đoàn thể; bộ phận liên quan.

e) Thường trực Hội đồng xét sáng kiến cấp cơ sở là cán bộ theo dõi Thi đua- Khen thưởng.

Khi cần thiết Chủ tịch Hội đồng xét sáng kiến cấp cơ sở mời một số chuyên gia về lĩnh vực có sáng kiến làm tư vấn cho Hội đồng.

2. Hội đồng xét sáng kiến cấp tỉnh:

Hội đồng có Chủ tịch, Phó Chủ tịch, các Ủy viên và Thư ký. Cơ quan thường trực Hội đồng sáng kiến tỉnh là Sở Khoa học và Công nghệ. Các thành viên khác của Hội đồng xét sáng kiến tỉnh do Chủ tịch UBND tỉnh quyết định.

Điều 9. Nhiệm vụ của Hội đồng xét sáng kiến các cấp.

Hội đồng xét sáng kiến các cấp là tổ chức tư vấn, có nhiệm vụ giúp Chủ tịch UBND cùng cấp và Thủ trưởng cơ quan đơn vị xét, công nhận sáng kiến cùng cấp.

Hội đồng xét sáng kiến làm việc theo chế độ tập thể, quyết nghị theo đa số. Phiên họp Hội đồng phải có 2/3 số thành viên Hội đồng tham dự; quyết nghị phải có trên 50% số thành viên Hội đồng tán thành.

Tại mỗi phiên họp Hội đồng xét sáng kiến, cơ quan thường trực gửi bản báo cáo sáng kiến đến các thành viên Hội đồng và chuyên gia phản biện (nếu có) để nghiên cứu trước phiên họp ít nhất là 3 ngày.

Điều 10. Hồ sơ và quy trình xét công nhận sáng kiến cấp cơ sở.

1. Cá nhân nộp bản Báo cáo sáng kiến tại Bộ phận thường trực Hội đồng thi đua, khen thưởng của cơ quan, đơn vị công tác. Nội dung ghi rõ:

a) Họ tên, địa chỉ công tác, chức vụ, nhiệm vụ công tác được giao;

b) Tên sáng kiến và lĩnh vực áp dụng;

c) Nội dung của sáng kiến;

d) Những vấn đề mới của sáng kiến;

e) Những lợi ích mang lại của việc áp dụng sáng kiến (khối lượng, chất lượng, năng suất, hiệu quả) được thủ trưởng cơ quan, đơn vị công nhận.

g) Khả năng phổ biến và nhân rộng.

2. Quy trình xét sáng kiến:

a) Thường trực Hội đồng trình bày tóm tắt các sáng kiến.

b) Thành viên Hội đồng, chuyên gia (nếu có) nhận xét, đánh giá, phản biện.

c) Chủ tịch Hội đồng nhận xét, đánh giá chung.

d) Các thành viên Hội đồng bỏ phiếu công nhận sáng kiến.

e) Thư ký kiểm phiếu, lập và thông qua biên bản kiểm phiếu.

Biên bản cuộc họp được gửi cho Chủ tịch UBND cùng cấp, thủ trưởng cơ quan đơn vị để quyết định công nhận sáng kiến. Những sáng kiến không đủ điều kiện công nhận sáng kiến, Thư ký Hội đồng có văn bản trả lời tác giả, nêu rõ lý do không được công nhận sáng kiến.

Điều 11. Hồ sơ và quy trình xét công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

1. Hội đồng xét sáng kiến cấp tỉnh chỉ xét các sáng kiến đã được Hội đồng cấp cơ sở công nhận và có khả năng nhân rộng trong các địa phương, đơn vị khác;

2. Hồ sơ xét sáng kiến gồm:

- Tờ trình đề nghị tặng danh hiệu “Chiến sỹ thi đua cấp tỉnh” của địa phương, đơn vị;

- Bản báo cáo sáng kiến của cá nhân, có xác nhận của Thủ trưởng cơ quan trình khen thưởng;

Hồ sơ nộp tại Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh cùng với hồ sơ đề nghị khen thưởng hàng năm theo quy định tại Quyết định số 27/2011/QĐ-UBND ngày 6 tháng 9 năm 2011 của UBND tỉnh về việc Ban hành Quy chế thi đua-Khen thưởng.

3. Trình tự xét sáng kiến:

- Ban Thi đua khen thưởng tổng hợp danh sách sáng kiến, chuyển đến Sở Khoa học và Công nghệ (cơ quan thường trực Hội đồng xét sáng kiến);

- Cơ quan thường trực tham mưu cho Hội đồng thực hiện quy trình xét sáng kiến theo quy định tại mục 2, Điều 10 Quy định này.

Điều 12. Công nhận sáng kiến.

1. Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, giám đốc sở, thủ trưởng các cơ quan, đơn vị công nhận sáng kiến cấp cơ sở cho các đối tượng thuộc thẩm quyền quản lý;

2. Chủ tịch UBND tỉnh công nhận sáng kiến cấp tỉnh.

Điều 13. Thông tin, áp dụng sáng kiến.

Đối với những sáng kiến có khả năng áp dụng trong tỉnh thì tác giả và thủ trưởng đơn vị có sáng kiến có trách nhiệm cung cấp nội dung; Sở Khoa học và Công nghệ; Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh có trách nhiệm thông tin và phổ biến để các đơn vị trong tỉnh học tập, áp dụng.

Điều 14. Kinh phí hoạt động của Hội đồng xét sáng kiến:

Kinh phí phục vụ cho hoạt động của Hội đồng xét sáng kiến các cấp được sử dụng trong nguồn kinh phí “Quỹ thi đua-Khen thưởng” của địa phương, cơ quan, đơn vị theo quy định tại Điểm c, Mục 1, Điều 4, Thông tư số 71/2011/TT-BTC ngày 24-5-2011 của Bộ Tài chính về Hướng dẫn việc trích lập, quản lý và sử dụng Quỹ thi đua khen thưởng.

Điều 15. Chế độ thù lao cho các thành viên Hội đồng:

- Đối với các thành viên Hội đồng xét sáng kiến cấp tỉnh thực hiện theo Thông tư 44/2007/TT-BTC-BKHCN ngày 07/5/2007 của liên bộ giữa Bộ Tài chính và Bộ Khoa học và Công nghệ.

- Chế độ thù lao cho các thành viên Hội đồng xét sáng kiến cấp cơ sở bằng 50% chế độ cho Hội đồng cấp tỉnh. Chế độ của chuyên gia, tư vấn thực hiện theo hợp đồng thuê khoán.

Chương III

KHEN THƯỞNG, KỶ LUẬT

Điều 16. Khen thưởng

Sáng kiến được áp dụng vào thực tiễn, tùy theo mức độ, phạm vi và quy mô áp dụng sẽ được khen và thưởng bằng tiền hoặc hiện vật theo quy định.

Điều 17. Kỷ luật

Cá nhân, tổ chức có hành vi gian lận trong việc báo cáo sai sự thật về sáng kiến, hoặc lấy sáng kiến của người khác làm của mình nhằm mục đích vụ lợi thành tích để khen thưởng, tùy theo mức độ, phạm vi ảnh hưởng sẽ bị xử lý kỷ luật theo quy định.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 18. Giám đốc sở, thủ trưởng các ban, ngành đoàn thể, Chủ tịch UBND huyện, thành phố, thị xã, thủ trưởng các đơn vị trong các khối thi đua có trách nhiệm tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức và người lao động thi đua lao động sáng tạo để đạt thành tích cao nhất trong thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao và tổ chức xét công nhận sáng kiến theo đúng quy định.

Điều 19. Sở Nội vụ (Ban Thi đua-Khen thưởng tỉnh):

1. Thiết kế “Mẫu” giấy chứng nhận sáng kiến cấp tỉnh, cấp cơ sở trình UBND tỉnh phê duyệt để thống nhất thực hiện trong toàn tỉnh.

2. Kiểm tra đôn đốc thực hiện Quy định này.

Điều 20. Trong quá trình triển khai thực hiện quy định này nếu có gì khó khăn, vướng mắc các địa phương, đơn vị phản ánh về Sở Nội vụ (Ban Thi đua - Khen thưởng tỉnh) để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết./.