Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------

Số: 343/QĐ-UB-TC

Tp. Hồ Chí Minh, ngày 07 tháng 5 năm 1977

 

QUYẾT ĐỊNH

THÀNH LẬP BAN PHÁP CHẾ THAY PHÒNG PHÁP CHẾ TRỰC THUỘC ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHÔ HỒ CHÍ MINH

- Căn cứ vào Nghị định số 01/NĐ-74 ngày 12-9-1974 của Hội đồng Chánh phủ cách mạng lâm thời Cộng hoà miền Nam Việt Nam quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức chánh quyền cách mạng ở địa phương ;
- Xét yêu cầu tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa và sự cần thiết đẩy mạnh công tác pháp chế trong thành phố ;
- Theo đề nghị của ông Trưởng Ban tổ chức Chánh quyền Thành phố và của Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chánh phủ ;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1.- Nay thành lập Ban Pháp chế trực thuộc Ủy ban nhân dân Thành phố thay cho Phòng Pháp chế được thành lập theo quyết định số 302/QĐ-UB ngày 3-7-1976 của Ủy ban nhân dân Thành phố.

Ban Pháp chế là một cơ quan chuyên môn xây dựng pháp chế và tổ chức hướng dẫn thi hành pháp chế dưới sự chỉ đạo của Ùy ban nhân dân Thành phố và chịu sự chỉ đạo nghiệp vụ của Ủy ban Pháp chế của Hội đồng Chánh phủ.

Điều 2.- Ban Pháp chế có nhiệm vụ :

1.- Xây dựng pháp quy :

a/ Dựa trên cơ sở luật pháp hiện hành và căn cứ vào chương trình công tác của Ủy ban nhân dân Thành phố, lập chương trình xây dựng văn bản pháp quy của ủy ban nhân dân và Hội đồng nhân dân Thành phố và giúp Ủy ban theo dõi và đôn đốc thực hiện chương trình đó.

b/ Trực tiếp dự thảo các văn bản pháp quy mà Ủy ban nhân dân Thành phố giao cho.

c/ Giúp cho Ủy ban nhân dân Thành phố quản lý thống nhất việc ban hành các văn bản pháp quy trong phạm vi thành phố, cụ thể là xem xét về mặt pháp chế các dự thảo văn bản pháp quy do Ủy ban nhân dân Thành phố ký và ban hành, các văn bản đã được ban hành của các Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã và các sở chuyên môn ; đề nghị sửa đổi, bãi bỏ những văn bản không thích đáng hoặc đã mất hiệu lực; đề nghị hủy bỏ những văn bản trái với pháp luật Nhà nước.

d/ Được ủy nhiệm giải thích các pháp quy của Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dânThành phố. Giúp đỡ các sở chuyên môn và cơ quan chánh quyền cấp quận, huyện, phường, xã trong việc xây dựng và ban hành các văn bản pháp quy.

g/ Đặt kế hoạch thi hành pháp luật trong phạm vi thành phố và theo dõi việc thực hiện kế hoạch đó. Tổ chức sự phối hợp giữa các sở chuyên môn và các cơ quan pháp chế khác (Kiểm sát, Tòa án, Công an, Thanh tra, Trọng tài kinh tế, …) để đánh giá tình hình thi hành pháp luật, phân tích hiệu lực của pháp luật và đề nghị Ủy ban nhân dân những biện pháp thúc đẩy việc tuân theo pháp luật.

h/ Hệ thống hóa pháp luật của Ủy ban nhân dân Thành phố và hướng dẫn các sở chuyên môn, các quận, huyện hệ thống hóa pháp luật trong phạm vi mình phụ trách.

2.- Tuyên truyền, phổ biến pháp luật và theo dõi việc thi hành pháp luật :

a/ Nghiên cứu kế hoạch tuyên truyền, phổ biến pháp luật hiện hành và mới ban hành. Theo dõi và đôn đốc các sở chuyên môn, các quận, huyện thực hiện kế hoạch đó và hướng dẫn các cơ sở thi hành tốt pháp luật.

b/ Giúp Ủy ban quản lý thống nhất việc xuất bản pháp luật ở thành phố.

c/ Thường xuyên theo dõi việc thi hành pháp luật ở thành phố, kịp thời phát hiện những trường hợp lệch lạc hoặc chồng chéo nhau trong các văn bản ban hành và đề nghị Ủy ban có biện pháp uốn nắn hoặc sửa đổi cho phù hợp với yêu cầu thực tế.

d/ Tập hợp và phân loại những văn bản pháp quy đã ban hành để lưu trữ và phục vụ cho việc nghiên cứu và xuất bản những tập luật pháp hiện hành. Xây dựng tủ sách pháp luật và làm công tác thông tin pháp chế ở thành phố.

3.- Công tác hành chính tư pháp :

a/ Ban Pháp chế quản lý thống nhất công tác hành chính tư pháp thuộc phạm vi chức năng của Ủy ban nhân dân Thành phố :

- Công tác bào chữa trước tòa án

- Công tác giám định tư pháp

- Công tác công chứng

- Công tác chấp hành án.

b/ Phụ trách Phòng Bào chữa viên của Thành phố và Phòng Công chứng.

4.- Công tác xây dựng ngành pháp chế :

a/ Giúp đỡ các sở chuyên môn xây dựng tổ chức pháp chế và hướng dẫn về mặt nghiệp vụ cho các tổ chức đó.

b/ Hướng dẫn Ủy ban nhân dân quận, huyện, phường, xã xây dựng tổ chức pháp chế và chỉ đạo nghiệp vụ cho tổ chức đó.

5.- Công tác đào tạo cán bộ pháp chế :

Để đáp ứng yêu cầu công tác pháp chế, Ban Pháp chế tổ chức đào tạo và bồi dưỡng cán bộ pháp chế cho các ngành và các cấp trong thành phố.

Điều 3.- Để đảm bảo thực hiện đầy đủ các nhiệm vụ trên, Ban Pháp chế thành phố có những quyền hạn như sau :

1/ Yêu cầu được cung cấp những văn bản pháp quy mà các sở, quận, huyện ban hành để theo dõi, lưu trữ và xuất bản khi cần thiết.

2/ Báo cáo và kiến nghị với Ủy ban nhân dân Thành phố biện pháp xử lý các trường hợp vi phạm pháp luật trong thành phố và các trường hợp lệch lạc chồng chéo trong các văn bản đã ban hành.

3/ Được Ủy ban nhân dân Thành phố ủy nhiệm chủ trì các hoạt động pháp chế ở thành phố (như xây dựng pháp luật, hướng dẫn giải thích pháp luật, tuyên truyền phổ biến pháp luật, đánh giá tình hình thi hành pháp luật, kiến nghị các biện pháp pháp chế ở thành phố, bồi dưỡng cán bộ pháp chế, tổ chức công tác pháp chế ở thành phố).

Điều 4.- Ban Pháp chế Thành phố đặt dưới quyền điều khiển của 1 Trưởng Ban và 2 Phó Trưởng ban giúp việc. Bộ máy tổ chức gồm các phòng như sau :

- Văn phòng,

- Phòng Xây dựng văn bản pháp quy,

- Phòng Tuyên truyền phổ biến pháp luật,

- Phòng Tổ chức cán bộ và đào tạo,

- Phòng bào chữa viên,

- Phòng công chứng.

Biên chế của Ban Pháp chế do ông Trưởng ban pháp chế xây dựng và trình Ủy ban xét duyệt.

Điều 5.- Các ông Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân Thành phố, Trưởng Ban tổ chức chánh quyền và Trưởng Ban Pháp chế chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Vũ Đình Liệu