Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3486 /QĐ-UBND

Quảng Nam, ngày 31 tháng 10 năm 2012

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH QUẢN LÝ, SỬ DỤNG NGUỒN THU TỪ XỬ LÝ VI PHẠM PHÁP LUẬT TRONG LĨNH VỰC CHỐNG BUÔN LẬU, GIAN LẬN THƯƠNG MẠI, HÀNG GIẢ TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH QUẢNG NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NAM

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước số 01/2002/QH 11 ngày 16/12/2002;

Căn cứ Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/7/2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/4/2008;

Căn cứ Nghị định số 128/2008/NĐ-CP ngày 16/12/2008 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 07/2002 và Pháp lệnh sửa đổi, bổ sung một số điều của Pháp lệnh Xử lý vi phạm hành chính ngày 02/4/2008;

Căn cứ Quyết định số 3107/QĐ-BTC ngày 26/11/2010 của Bộ Tài chính về Ban hành Quy chế quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;

Căn cứ Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;

Căn cứ Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính về việc sửa đổi, bổ sung Thông tư số 59/2008/TT-BTC;

Căn cứ Thông tư số 12/2010/TT-BTC ngày 20/01/2010 của Bộ Tài chính hướng dẫn việc xử lý tang vật vi phạm hành chính là hàng hóa, vật phẩm dễ bị hư hỏng và quản lý số tiền thu được từ xử lý tang vật, phương tiện tịch thu sung quỹ Nhà nước do vi phạm hành chính;

Căn cứ Thông tư số 139/2011/TT-BTC ngày 10/10/2011 của Bộ Tài chính về sửa đổi, bổ sung Thông tư số 12/2010/TT-BTC;

Căn cứ Công văn: số 2762/BTC-PC ngày 02/3/2011 của Bộ Tài chính về việc thực hiện một số quy định về sử dụng nguồn thu từ xử lý các vụ buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả;

Theo đề nghị của Sở Tài chính Quảng Nam tại Tờ trình số 555/TTr- STC ngày 23/10/2012,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành Quy định quản lý, sử dụng nguồn thu từ xử lý vi phạm pháp luật trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, với các nội dung chính sau:

1. Phạm vi, đối tượng áp dụng mức khoán chi phí, trích kinh phí:

a) Các cơ quan nhà nước thuộc các ngành, các cấp có thẩm quyền ra quyết định hoặc cơ quan chủ trì tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả trên địa bàn tỉnh Quảng Nam, gồm: Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Bộ đội Biên phòng, Công an, Thuế, Hải quan, Cảnh sát biển; đội kiểm tra, kiểm soát Liên ngành của tỉnh, huyện, thành phố và các lực lượng khác (của Trung ương, tỉnh, huyện, thành phố, xã, phường, thị trấn) được Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định hiện hành của Pháp luật.

b) Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch các huyện, thành phố (gọi chung là cơ quan Tài chính): chủ trì xử lý tài sản tịch thu, các khoản thu bằng tiền sung công quỹ Nhà nước, tài sản được xác lập quyền sở hữu Nhà nước, định giá các tài sản để làm căn cứ ra quyết định xử phạt, tham gia các đoàn liên ngành kiểm tra, kiểm soát giá cả thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại… theo các văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính.

c) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Nam, Hội đồng bán đấu giá tài sản huyện, thành phố (đơn vị không thu phí bán đấu giá tài sản tịch thu theo Quyết định số 2980/QĐ-UBND ngày 17/9/2012 của UBND tỉnh).

2. Phạm vi, quy định mức khoán chi phí trực tiếp: Mức khoán chi phí cho cơ quan, đơn vị tại quy định này được xác định theo tỷ lệ % (phần trăm) trên số thu từ tiền xử phạt vi phạm hành chính, tiền bán hàng hóa, vật phẩm, gỗ, lâm sản, tang vật, phương tiện,… (nếu là tài nguyên tịch thu phải trừ khoản nộp tiền thuế tài nguyên trước khi trích khoán chi phí) bị tịch thu sung công quỹ Nhà nước (gọi chung là tài sản tịch thu) và các khoản thu khác.

Số tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu theo quy định phải nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính (các khoản do cơ quan Trung ương và cấp tỉnh thực hiện thu, nộp vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính; cấp huyện trở xuống nộp vào tài khoản tạm giữ của phòng Tài chính - Kế hoạch cấp huyện) mở tại Kho bạc Nhà nước. Mức khoán chi phí cho các công việc của các cơ quan, đơn vị trong quá trình thực hiện nhiệm vụ, cụ thể như sau:

a) Cơ quan Tài chính: 4 %.

b) Trung tâm Dịch vụ bán đấu giá tài sản tỉnh Quảng Nam, Hội đồng bán đấu giá tài sản huyện, thành phố (áp dụng đối với từng vụ việc tổ chức bán đấu giá tài sản tịch thu thành công và không thành công): 3 %.

c) Cơ quan Kiểm lâm (Chi cục Kiểm lâm, Hạt Kiểm lâm,…), Ban Quản lý rừng phòng hộ: 35 %.

Trường hợp, đối với tài sản tịch thu do cơ quan Công an, Quản lý thị trường, Hải quan, Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,... phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ chuyển giao hồ sơ vụ việc, tài sản (gỗ, lâm sản, tang vật, phương tiện, vật phẩm,…) cho cơ quan Kiểm lâm ra quyết định tịch thu hoặc trình cấp có thẩm quyền ra quyết định tịch thu, xử lý thì tỷ lệ trích 35% nêu trên được phân phối như sau:

- Cơ quan phát hiện, điều tra, trực tiếp bắt giữ được thanh toán: 32 %.

- Cơ quan Kiểm lâm: 3 %.

d) Cơ quan Quản lý thị trường: 23 %.

đ) Cơ quan Công an: 23 %.

e) Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển: 40 %.

g) Cơ quan Hải quan: 20 %.

h) Cơ quan Thuế:  20 %

k) Các cơ quan khác trực tiếp bắt giữ xử lý: 20 %.

Mức khoán chi phí cho các cơ quan, đơn vị được xác định theo tỷ lệ phần trăm (%) nêu trên, nhưng tổng mức khoán tối đa không quá 200 triệu đồng/01 vụ việc. Riêng, đối với những vụ việc do cơ quan Bộ đội Biên phòng, Cảnh sát biển,… phát hiện, điều tra, xử phạt, bắt giữ tài sản thì mức khoán chi phí tối đa không quá 500 triệu đồng/01 vụ việc.

Đội kiểm tra, kiểm soát liên ngành tỉnh, huyện, thành phố được khoán chi phí theo mức của cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý và kinh phí được trích khoán chi phí thông qua cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

3. Nội dung chi phí đối với tiền khoán: Mức khoán chi phí cho các cơ quan, đơn vị tại Điều 2 nhằm đảm bảo kịp thời các khoản chi phí trong quá trình phát hiện, điều tra, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; thực hiện theo quy định tại Khoản 1, Mục II, Thông tư số 59/2008/TT-BTC ngày 04/7/2008 và Khoản 2, Điều 1, Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính.

4. Nội dung chi phí ngoài mức khoán: Sau khi trừ tỷ lệ % (phần trăm) mức khoán chi phí tại Điều 2 cho cơ quan, đơn vị có liên quan; số tiền thu còn lại được trích kinh phí chi cho cơ quan, đơn vị chủ trì ra quyết định hoặc cơ quan, đơn vị trực tiếp tham mưu cấp có thẩm quyền ra quyết định xử lý vi phạm hành chính, vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả và được quản lý, sử dụng theo Khoản 3, Điều 1, Thông tư số 51/2010/TT-BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính như sau:

a) Đối với vụ chống hàng giả cơ quan chủ trì được sử dụng 100% tổng số tiền đã thu, nộp.

b) Đối với vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại cơ quan chủ trì được sử dụng 50% tổng số tiền đã thu, nộp.

Đối với các vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả việc phát hiện, điều tra, xử lý có sự tham gia của hai lực lượng trở lên (kể cả đối với lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng) chuyển hồ sơ vụ việc, tài sản cho cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý ra quyết định xử phạt, tịch thu tài sản hoặc tham mưu cấp thẩm quyền quyết định xử phạt, tịch thu tài sản; sau khi trừ mức khoán chi phí cho cơ quan, đơn vị có liên quan tại Điều 2. Số tiền: phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu còn lại được trích kinh phí chi cho cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý; thủ trưởng cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý có trách nhiệm căn cứ vào tính chất phức tạp của vụ việc và mức độ tham gia của từng cơ quan, đơn vị và ra quyết định phân chia kinh phí được sử dụng 100% đối với vụ hàng giả, 50% đối với kinh phí được sử dụng chống buôn lậu, gian lận thương mại; số kinh phí phân chia để quản lý, sử dụng tại khoản 1, Điều này phải đảm bảo công khai, dân chủ.

c) Số kinh phí trích theo điểm a, điểm b, khoản 1, Điều này được coi là 100% và được quản lý, sử dụng theo điểm a, điểm b, Khoản 3, Thông tư số 51/2010/TT- BTC ngày 14/4/2010 của Bộ Tài chính.

Số thu từ tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu và các khoản thu khác còn lại sau khi khoán chi phí tại Điều 2 và trích kinh phí cho cơ quan, đơn vị chủ trì xử lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả để quản lý, sử dụng tại Điều này; nộp vào ngân sách Nhà nước theo quy định.

Riêng, tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán gỗ, lâm sản, tang vật, phương tiện, vật phẩm,… trong lĩnh vực quản lý, bảo vệ rừng; sau khi trừ mức khoán chi phí, trích kinh phí sử dụng tại điểm b, khoản 1, Điều này; còn lại nộp ngân sách của từng cấp do UBND (tỉnh hoặc huyện, thành phố) quyết định chi cho công tác quản lý, bảo vệ rừng theo chủ trương của UBND tỉnh.

5. Quản lý, sử dụng, hạch toán, kế toán và thanh quyết toán mức khoán chi phí, trích kinh phí:

a) Căn cứ số thu từ tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu đã nộp vào tài khoản tạm giữ của cơ quan Tài chính chưa xử lý, theo đề nghị của cơ quan, đơn vị xử phạt, bắt giữ, tịch thu; chậm nhất trong vòng 30 ngày cơ quan Tài chính các cấp có trách nhiệm xem xét, thanh toán kịp thời cho các cơ quan, đơn vị theo mức khoán và trích kinh phí theo Quy định này.

b) Các cơ quan, đơn vị được khoán chi phí, trích kinh phí thực hiện:

- Quản lý, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả, đúng mục đích và tự cân đối cho từng vụ việc có số thu và các vụ việc không có số thu hoặc số thu thấp.

- Hạch toán thu, chi đầy đủ nguồn chi phí chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả như các nguồn kinh phí khác được ngân sách cấp, lồng ghép chi phí này với nguồn kinh phí ngân sách cấp chi thường xuyên và kinh phí khác để hoàn thành tốt nhiệm vụ.

- Cuối năm cơ quan, đơn vị không sử dụng hết nguồn được trích, thì được chuyển sang năm sau để phục vụ công tác quản lý, xử lý chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả.

- Trường hợp, đặc biệt về xử lý vi phạm hành chính trong hoạt động chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả nhưng không có nguồn thu hoặc thu không đủ bù đắp chi phí (như tang vật, phương tiện bị tịch thu nhưng không tổ chức bán đấu giá mà trình UBND cấp tỉnh, huyện thành phố quyết định điều chuyển tài sản theo phân cấp cho cơ quan, đơn vị có tiêu chuẩn, định mức, quản lý, sử dụng tài sản phục vụ công tác). Cơ quan Tài chính kiểm tra chứng từ và các nguồn kinh phí trình UBND cùng cấp xem xét giải quyết cụ thể riêng.

c) Hồ sơ, chứng từ gốc thanh toán các chi phí từ mức khoán, trích kinh phí này được bảo quản, lưu trữ tại các cơ quan, đơn vị theo chế độ Nhà nước quy định.

d) Hằng năm, cơ quan, đơn vị được thanh toán chi phí có trách nhiệm quyết toán sử dụng nguồn này cùng với quyết toán sử dụng kinh phí của cơ quan, đơn vị với cơ quan Tài chính theo niên độ ngân sách Nhà nước quy định.

đ) Cơ quan có thẩm quyền quyết định xử lý vi phạm hành chính, tịch thu tài sản thuộc Trung ương, cấp tỉnh, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố tổng hợp tình hình quản lý, kết quả xử lý, sử dụng số thu được từ tiền phạt vi phạm hành chính, tiền bán tài sản tịch thu (theo Mẩu biểu của Bộ Tài chính quy định) về Sở Tài chính chậm nhất trước ngày 31/01 năm sau.

Điều 2. Quyết định này được áp dụng cho cả các vụ việc hiện nay đã nộp tiền vào tài khoản tạm giữ của Sở Tài chính, Phòng Tài chính - Kế hoạch huyện, thành phố mở tại Kho bạc Nhà nước, nhưng chưa xử lý. Trong quá trình thực hiện, nếu có phát sinh vướng mắc thì báo cáo, kiến nghị về Sở Tài chính để hướng dẫn và tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh, Bộ Tài chính để sửa đổi, bổ sung cho phù hợp.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc các Sở, ngành: Tài chính, Kế hoạch và Đầu tư, Tư pháp, Tài nguyên và Môi trường, Công thương, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Công an tỉnh, Kho bạc Nhà nước tỉnh, Cục Thuế, Cục Hải quan, Bộ Chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh, Kiểm lâm, Quản lý thị trường, Cảnh sát biển, các đội kiểm soát liên ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành phố và thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký và thay thế các Quyết định: số 4516/QĐ-UBND ngày 30/12/2008, số 2203/QĐ-UBND ngày 07/7/2011, số 2236/QĐ-UBND ngày 10/7/2012 của UBND tỉnh./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
KT.CHỦ TỊCH

PHÓ CHỦ TỊCH




Nguyễn Ngọc Quang