Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

UỶ BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH DƯƠNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 35/2011/QĐ-UBND

Thủ Dầu Một, ngày 05 tháng 9 năm 2011

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ BẰNG Ô TÔ TRONG CÁC ĐÔ THỊ CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/3/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân và Uỷ ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Giao thông đường bộ ngày 13 tháng 11 năm 2008;

Căn cứ Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng ô tô;

Căn cứ Thông tư số 14/2010/TT-BGTVT ngày 24/6/2010 của Bộ Giao thông vận tải quy định về tổ chức và quản lý hoạt động vận tải bằng ô tô;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Giao thông Vận tải tại Tờ Trình số 1034/TTr-GTVT ngày 23 tháng 8 năm 2011,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy định về hoạt động vận tải đường bộ bằng ô tô trong các đô thị của tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Giao Sở Giao thông Vận tải chịu trách nhiệm triển khai, hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện Quyết định này.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Thủ trưởng các đơn vị và các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

Quyết định này có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ký./.

 

 

TM.ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Văn Nam

 

QUY ĐỊNH

VỀ HOẠT ĐỘNG VẬN TẢI ĐƯỜNG BỘ BẰNG Ô TÔ TRONG CÁC ĐÔ THỊ CỦA TỈNH BÌNH DƯƠNG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 35/2011/QĐ-UBND ngày 05 tháng 9 năm 2011 của Ủy ban nhân dân tỉnh Bình Dương)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về hoạt động vận tải hành khách; hoạt động vận tải hàng hóa; hoạt động vận tải phục vụ vệ sinh môi trường bằng xe ô tô trong các tuyến đường nội ô của các đô thị tỉnh Bình Dương.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với các tổ chức, cá nhân có hoạt động hoặc có liên quan đến hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa, hoạt động vận tải phục vụ vệ sinh môi trường bằng xe ô tô trong các tuyến đường nội ô của các đô thị tỉnh Bình Dương.

Điều 3. Giải thích từ ngữ

Trong quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Đô thị là Thị xã thuộc tỉnh, thị trấn thuộc huyện, được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền ra quyết định thành lập.

2. Đường đô thị (hay đường phố): là đường bộ nằm trong phạm vi nội thành, nội thị, được giới hạn bởi chỉ giới đường đỏ theo quy hoạch được cấp có thẩm quyền phê duyệt.

3. Đơn vị vận tải trong quy định này được hiểu là doanh nghiệp, hợp tác xã, hộ kinh doanh tham gia kinh doanh vận tải bằng ô tô và đơn vị thực hiện dịch vụ vệ sinh môi trường.

4. Điểm dừng xe buýt: là những vị trí xe buýt phải dừng để đón, trả hành khách theo quy định của cơ quan có thẩm quyền.

5. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt là nơi bắt đầu, kết thúc của một hành trình xe chạy trên một tuyến.

6. Hành trình chạy xe được xác định cụ thể điểm đi, điểm đến và các điểm dừng, đỗ xe theo tuyến đường nhất định.

7. Lịch trình chạy xe là thời gian được xác định cho một hành trình chạy xe từ khi xe xuất phát đến khi kết thúc.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 4. Hoạt động vận tải hành khách bằng xe buýt

1. Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt:

a) Điểm đầu, điểm cuối của tuyến xe buýt phải bảo đảm đủ diện tích cho xe buýt quay trở đầu xe, đỗ xe chờ, bảo đảm trật tự an toàn giao thông;

b) Tại điểm đầu, điểm cuối tuyến phải có bảng thông tin về tuyến: tên tuyến, số hiệu tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại của cơ quan quản lý, doanh nghiệp, hợp tác xã;

c) Có nhà chờ và các công trình phụ trợ khác.

2. Điểm dừng xe buýt:

a) Phạm vi dừng xe buýt đón trả hành khách phải được sơn bằng vạch sơn phản quang;

b) Tại vị trí mỗi điểm dừng phải có biển báo hiệu điểm dừng xe buýt theo quy định; Trên biển báo hiệu phải ghi số hiệu, tên tuyến (điểm đầu – điểm cuối), lộ trình của tuyến xe buýt dừng tại vị trí đó;

c) Tại các vị trí điểm dừng xe buýt : trong đô thị nếu có bề rộng hè đường từ 4m trở lên, ngoài đô thị nếu có bề rộng lề đường từ 1,5 m trở lên phải xây dựng nhà chờ xe buýt;

d) Tại các điểm dừng có phục vụ người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải xây dựng lối lên xuống và các hạng mục công trình phụ trợ thuận tiện cho người khuyết tật sử dụng.

3. Nhà chờ xe buýt:

a) Mẫu nhà chờ theo quy định thống nhất của Sở Giao thông vận tải;

b) Trong nhà chờ xe buýt phải niêm yết tối thiểu các thông tin: số hiệu tuyến, tên tuyến, lộ trình tuyến, tần suất xe chạy, thời gian hoạt động trong ngày của tuyến, số điện thoại cơ quan, đơn vị trực tiếp quản lý, bản đồ hoặc sơ đồ mạng lưới tuyến;

c) Đối với những nhà chờ có phục vụ người khuyết tật tiếp cận sử dụng phải xây dựng lối lên xuống và các hạng mục công trình phụ trợ thuận tiện cho người khuyết tật.

4. Quy định chung cho điểm dừng xe buýt:

a) Khoảng cách tối đa giữa hai điểm dừng đón, trả khách liền kề trong nội thị là 700 mét, ngoài nội thị là 3000 mét;

b) Chỗ điểm dừng xe buýt của hướng giao thông đối diện phải bố trí lệch với chỗ dừng xe buýt của hướng giao thông ngược lại ít nhất là 10 mét;

c) Điểm dừng, nhà chờ xe buýt phải bố trí cách mép giao lộ tối thiểu là 50 mét;

5. Quản lý đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt.

a) Hệ thống điểm đầu, điểm cuối, điểm dừng, biển báo, nhà chờ xe buýt, điểm trung chuyển, đường dành riêng được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn, quy chuẩn hiện hành;

b) Nguồn vốn đầu tư xây dựng, duy tu kết cấu hạ tầng phục vụ vận tải hành khách bằng xe buýt do nhà nước đầu tư hoặc xã hội hoá;

c) Trung tâm Quản lý và Điều hành vận tải khách công cộng có trách nhiệm quản lý khai thác cơ sở hạ tầng xe buýt.

6. Hoạt động của xe buýt trong đô thị.

a) Thời gian xe buýt hoạt động trong ngày của từng tuyến được quy định trong biểu đồ chạy xe và được Sở Giao thông Vận tải phê duyệt;

b) Căn cứ vào biểu đồ chạy xe các xe buýt phải chạy đúng tuyến, đúng lịch trình và đón trả khách đúng nơi quy định.

7. Quy định đối với phương tiện.

a) Tiêu chuẩn xe buýt:

Xe buýt tham gia hoạt động trên tuyến phải đủ điều kiện theo quy định tại Nghị định số 91/2009/NĐ-CP ngày 21 tháng 10 năm 2009 của Chính phủ, quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô và tiêu chuẩn ngành hiện hành 22 TCN 302-06.

b) Đặc điểm nhận dạng xe buýt:

Bên ngoài xe: Có mầu sơn đặc trưng được đăng ký với Sở Giao thông Vận tải, có số hiệu, điểm đầu, điểm cuối của tuyến trên kính xe phía trước và kính xe phía sau (số hiệu ở góc trên bên phải kính trước, góc trên bên trái kính sau của người lái xe), phía ngoài hai bên thành xe phải niêm yết lộ trình cơ bản của tuyến, tại cửa lên, xuống xe niêm yết giá vé, số điện thoại của đơn vị khai thác tuyến. Các thông tin được niêm yết phải đảm bảo đọc được từ phía ngoài xe;

Bên trong xe phải bố trí ở vị trí dễ nhìn thấy các nội dung sơ đồ tuyến, giá vé, nội quy phục vụ và số điện thoại “đường dây nóng”;

Việc trang trí, quảng cáo hai bên thành xe được thực hiện theo đúng quy định hiện hành.

Điều 5. Hoạt động vận tải hành khách theo tuyến cố định

1. Thực hiện đúng quy định tại Điều 53, Điều 67, Điều 68 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

2. Chạy đúng hành trình, lịch trình đã được công bố.

3. Không được dừng đón, trả khách trong khu vực đô thị tại những nơi không phải là bến xe hoặc các điểm đón, trả khách đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt cho xe ô tô chạy theo tuyến cố định đó.

4. Có biện pháp giữ gìn vệ sinh trong xe, không để hành khách vứt rác xuống lòng lề đường.

Điều 6. Hoạt động vận tải hành khách theo hợp đồng

1. Thực hiện đúng quy định tại Điều 53, Điều 67, Điều 68 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

2. Xe vận chuyển khách theo hợp đồng, khi dừng đón và trả khách phải đảm bảo an toàn giao thông trong đô thị.

3. Hành khách tập trung tại các điểm đỗ phải giữ gìn an ninh trật tự xã hội và giữ vệ sinh chung.

Điều 7. Hoạt động vận tải hành khách, hàng hóa bằng taxi

1. Điểm đỗ

a) Điểm đỗ xe taxi trên địa bàn tỉnh Bình Dương gồm có hai loại:

- Điểm đỗ xe taxi do doanh nghiệp tổ chức, quản lý và được sự chấp thuận của Sở Giao thông Vận tải;

- Điểm đỗ xe taxi công cộng do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã tổ chức và quản lý sau khi thống nhất với Sở Giao thông Vận tải.

b) Yêu cầu đối với điểm đỗ xe taxi phải đảm bảo an toàn và trật tự giao thông trong đô thị, không làm cản trở việc lưu thông của người và phương tiện tham gia giao thông, bảo đảm yêu cầu về phòng, chống cháy nổ và vệ sinh môi trường.

2. Hoạt động của xe taxi trong đô thị

a) Thực hiện đúng quy định tại Điều 53, Điều 67, Điều 68 Luật Giao thông đường bộ năm 2008;

b) Người lái xe taxi khách, xe taxi tải đón, trả hành khách, hàng hoá theo thoả thuận giữa hành khách, chủ hàng và người lái xe; phải chấp hành các quy định về bảo đảm trật tự an toàn giao thông trong đô thị;

c) Trong thời gian chờ đón khách, nhận hàng hóa phải dừng xe tại các vị trí dừng xe theo quy định.

Điều 8. Hoạt động vận tải hàng hóa bằng các loại xe ô tô khác

1. Thực hiện đúng quy định tại Điều 53, Điều 67, Điều 72 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

2. Hoạt động đúng thời gian, tuyến đường được quy định của Ủy ban nhân dân huyện, thị xã cho từng loại phương tiện.

3. Khi dừng xe để xếp, dỡ hàng hóa phải đúng vị trí được phép, dừng xe và phải đảm bảo an toàn giao thông trong đô thị.

4. Thời gian hoạt động: phương tiện vận tải hàng hóa chỉ được phép lưu thông trong các tuyến đường nội ô của đô thị do Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã quy định.

Điều 9. Hoạt động vận tải phục vụ vệ sinh môi trường và xe ô tô chở chất phế thải

1. Thực hiện đúng quy định tại Điều 53, Điều 72 Luật Giao thông đường bộ năm 2008.

2. Các phương tiện vận tải phục vụ vệ sinh môi trường phải là các loại xe chuyên dùng.

3. Thời gian hoạt động trong đô thị từ 18 giờ đến 05 giờ sáng. Ngoài ra để đảm bảo mỹ quan đô thị Uỷ ban nhân dân huyện, thị xã cho phép một số xe hoạt động vận chuyển vào ban ngày từ 06 giờ đến 17 giờ.

4. Rác thải, chất phế thải trên xe:

a) Phải được che phủ kín, không để rơi, vãi rác, nước thải xuống đường;

b) Trường hợp để rơi rãi rác, nước thải xuống đường thì người điều khiển phương tiện vận tải phải có trách nhiệm thu dọn sạch ngay.

Chương III

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 10. Sở Giao thông Vận tải

1. Sở Giao thông Vận tải phối hợp với Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã và cơ quan liên quan, tổ chức khảo sát, xác định các vị trí cho phép dừng, đỗ xe trong khu vực đô thị cho tất cả các loại xe trên các tuyến đường đô thị.

2. Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện việc quản lý cơ sở hạ tầng xe buýt.

3. Chỉ đạo thanh tra, kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.

Điều 11. Công an tỉnh

Kiểm tra, xử lý các vi phạm về trật tự an toàn giao thông đối với hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị theo các quy định của pháp luật về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giao thông đường bộ.

Điều 12. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã

1. Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã chủ trì, phối hợp với Sở Giao thông Vận tải:

- Tổ chức khảo sát và xác định các vị trí cho phép dừng; đỗ xe trong khu vực đô thị cho tất cả các loại xe trên các tuyến đường nội ô thuộc huyện, thị xã quản lý;

- Quy định thời gian hoạt động và được phép lưu thông của các phương tiện vận tải hàng hóa trên các tuyến đường nội ô thuộc huyện, thị xã quản lý.

2. Tổ chức giao thông, thường xuyên kiểm tra, bổ sung biển báo hiệu giao thông đường bộ theo quy định đối với các tuyến đường nội ô thuộc huyện, thị xã quản lý.

3. Quy định vị trí tập kết rác thải tập trung đảm bảo thuận lợi cho việc bốc rác thải lên xe, bảo đảm vệ sinh môi trường, mỹ quan đô thị và trật tự an toàn giao thông trong đô thị.

4. Chỉ đạo các Phòng, Ban nghiệp vụ phối hợp các ngành liên quan kiểm tra và xử lý các vi phạm trong hoạt động vận tải đường bộ trong đô thị.

Chương IV

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 13. Điều khoản thi hành

1. Ngoài việc chấp hành quy định này, các đối tượng có liên quan còn phải chấp hành Luật Giao thông đường bộ và các quy định khác của pháp luật về đảm bảo trật tự an toàn giao thông đường bộ, vệ sinh môi trường và trật tự an toàn xã hội.

2. Thủ trưởng các Sở, ngành, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân các huyện, thị xã trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc quy định này.

3. Trong quá trình thực hiện, nếu có vấn đề cần điều chỉnh, phản ảnh về Sở Giao thông Vận tải để tổng hợp báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.