Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA-TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP
******

VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 35-QĐ/LB

Hà Nội, ngày 22 tháng 05 năm 1970

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUẢN LÝ VÀ BẢO VỆ CÁC DI TÍCH KHẢO CỔ NẰM TRONG KHU RỪNG CÚC-PHƯƠNG

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP

Căn cứ Nghị định số 519-TTg ngày 29-10-1957 của Thủ tướng Chính phủ về bảo tồn di tích lịch sử;
Căn cứ Quyết định số 72-TTg ngày 07-07-1962 của Thủ tướng Chính phủ về việc quản lý và xây dựng khu rừng Cúc-phương;
Xét cần thiết phải tổ chức việc quản lý và bảo vệ các di tích khảo cổ nằm trong khu rừng Cúc-phương;
Sau khi đã thống nhất ý kiến với Ủy ban Khoa học xã hội.

QUYẾT ĐỊNH :

Điều 1. – Nay đặt các di tích khảo cổ đã phát hiện và sẽ phát hiện nằm trong khu rừng Cúc-phương thuộc quyền quản lý và bảo vệ của ngành văn hóa với sự cộng tác tích cực của ngành lâm nghiệp.

Điều 2. – Các di tích nói ở điều 1 nếu thuộc phạm vi đất đai của tỉnh nào (Ninh-bình, Thanh-hóa hay Hòa-bình) thì sẽ do ty văn hóa tỉnh ấy đăng ký và cùng với Giám đốc khu rừng Cúc-phương tổ chức việc quản lý theo sự phân công như sau:

- Ty văn hóa chịu trách nhiệm lập hồ sơ và đăng ký các di tích khảo cổ. Ty văn hóa cùng với Giám đốc khu rừng Cúc-phương tổ chức việc bảo vệ các khu di tích, bảo quản và phát huy tác dụng của những hiện vật khảo cổ sưu tầm được.

- Giám đốc khu rừng Cúc-phương chịu trách nhiệm thực hiện các kế hoạch bảo vệ và phát huy tác dụng các khu di tích; bảo quản và trưng bày những hiện vật khảo cổ nói ở điều 3 đoạn 2 dưới đây dưới sự giúp đỡ về mặt nghiệp vụ của ty văn hóa và các cơ quan khoa học có liên quan.

Điều 3. – Các hiện vật thu thập được trong các cuộc khai quật khảo cổ cũng như những hiện vật khảo cổ sưu tầm được trong phạm vi khu rừng Cúc-phương đều do ty văn hóa sở quan đăng ký và bảo quản.

Bộ Văn hóa sau khi đã trao đổi với Tổng cục Lâm nghiệp, quyết định về những hiện vật cần giao cho Giám đốc khu rừng Cúc-phương giữ để dùng vào việc trưng bày phục vụ khách tham quan.

Điều 4. – Theo thể lệ hiện hành, những đơn xin phép điều tra khảo cổ hoặc khai quật các di tích khảo cổ nằm trong khu rừng Cúc-phương đều do Bộ Văn hóa xét và quyết định sau khi thống nhất ý kiến với Tổng cục Lâm nghiệp.

Điều 5. – Các cuộc điều tra và khai quật khảo cổ trong khu rừng Cúc-phương phải tiến hành theo các thể thức và điều kiện quy định trong quyết định cho phép của Bộ Văn hóa và dưới sự giám sát của ty văn hóa sở quản và Giám đốc khu rừng Cúc-phương.

Điều 6. – Các khoản chi tiêu về công tác quản lý và bảo vệ các di tích khảo cổ trong khu rừng Cúc-phương đều do ngân sách của khu rừng Cúc-phương đài thọ.

Hàng năm, Giám đốc khu rừng Cúc-phương sẽ căn cứ vào tình hình cụ thể của các di tích khảo cổ nằm trong phạm vi khu rừng Cúc-phương lập các kế hoạch, dự trù kinh phí và vật tư về công tác quản lý di tích, có sự tham gia ý kiến của ty văn hóa sở quan về mặt chuyên môn nghiệp vụ.

Điều 7. – Đối với những chủ trương xây dựng và khai thác khu rừng Cúc-phương có liên quan đến công tác quản lý và bảo vệ các di tích khảo cổ, Tổng cục Lâm nghiệp sẽ trao đổi với Bộ Văn hóa và Ủy ban Khoa học xã hội trước khi quyết định.

Điều 8. – Các ông Chánh Văn phòng Bộ Văn hóa, Chánh Văn phòng Tổng cục Lâm nghiệp, Vụ trưởng Vụ bảo tồn bảo tàng, Trưởng ty văn hóa Hòa-bình, Thanh-hóa, Ninh-bình và Giám đốc khu rừng Cúc-phương chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

TỔNG CỤC TRƯỞNG TỔNG CỤC LÂM NGHIỆP




Nguyễn Tạo

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA




Hoàng Minh Giám