Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 353/1997/QĐ-NHNN2

Hà Nội , ngày 22 tháng 10 năm 1997

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH "QUY CHẾ CHUYỂN TIỀN ĐIỆN TỬ"

THỐNG ĐỐC NGÂN HÀNG NHÀ NƯỚC

Căn cứ Pháp lệnh Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, Pháp lệnh Ngân hàng, Hợp tác xã tín dụng và công ty tài chính ngày 23-5-1990;
Căn cứ Nghị định số 15/CP ngày 2-3-1993 của Chính phủ về nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ, cơ quan ngang Bộ;
Căn cứ Quyết định số 196/TTg ngày 1-4-1997 của Thủ tướng Chính phủ về việc sử dụng các dữ liệu thông tin trên vật mang tin để làm chứng từ kế toán và thanh toán của các Ngân hàng và Tổ chức tín dụng.
Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Kế toán - Tài chính Ngân hàng Nhà nước,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo Quyết định này "Quy chế chuyển tiền điện tử".

Điều 2: Quyết định này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký. Các quy định trước đây trái với Quyết định này đều hết hiệu lực thi hành.

Điều 3: Chánh văn phòng Thống đốc, Thủ trưởng các đơn vị thuộc Ngân hàng Nhà nước Trung ương, Giám đốc Chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố, Tổng Giám đốc (giám đốc) các Tổ chức tín dụng, Tổng Giám đốc Kho bạc Nhà nước chịu trách nhiệm thi hành quyết định này.

 

 

Lê Đức Thuý

(Đã Ký)

 

QUY CHẾ

CHUYỂN TIỀN ĐIỆN TỬ
(Ban hành kèm theo Quyết định số 353/1997/QĐ-NHNN2 ngày 22 tháng 10 năm 1997 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước)

Chương 1:

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1: Chuyển tiền điện tử trong quy chế này được hiểu là toàn bộ quá trình xử lý một khoản chuyển tiền qua mạng máy vi tính kể từ khi nhận được một Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh đến khi hoàn tất việc thanh toán cho người thụ hưởng (đối với chuyển tiền Có) hoặc thu nợ từ người nhận lệnh (đối với chuyển tiền Nợ).

Điều 2: Trong quy chế này các thuật ngữ dưới đây được hiểu như sau:

1. Các bên tham gia trong chuyển tiền điện tử:

- Người phát lệnh: là tổ chức hoặc cá nhân gửi Lệnh chuyển tiền đến Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước để thực hiện việc chuyển tiền điện tử. - Người nhận lệnh: là tổ chức hoặc cá nhân được thụ hưởng khoản tiền (nếu là Lệnh chuyển Có) hoặc là tổ chức hay cá nhân phải trả tiền (nếu là Lệnh chuyển Nợ có uỷ quyền) - còn gọi là người trả tiền.

- Ngân hàng A: Là Ngân hàng trực tiếp nhận Lệnh chuyển tiền từ người phát lệnh để thực hiện Lệnh chuyển tiền đó.

- Ngân hàng B: là Ngân hàng B (được xác định trên Lệnh chuyển tiền) sẽ trả tiền cho Người thụ hưởng (nếu là Lệnh chuyển Có) hoặc sẽ thu nợ từ người nhận lệnh (nếu là Lệnh chuyển Nợ).

- Ngân hàng trung gian: là Ngân hàng làm trung gian chuyển tiền giữa Ngân hàng A và Ngân hàng B. Tuỳ từng khoản chuyển tiền điện tử mà có thể có một hoặc một số Ngân hàng trung gian tham gia thực hiện. - Ngân hàng gửi lệnh: là Ngân hàng A hoặc là Ngân hàng trung gian phát Lệnh chuyển tiền tới một Ngân hàng tiếp theo để thực hiện Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh.

- Ngân hàng nhận lệnh: là Ngân hàng trung gian hoặc Ngân hàng B nhận được Lệnh chuyển tiền từ Ngân hàng gửi lệnh truyền đến để thực hiện Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh.

2. Các thuật ngữ khác:

- Lệnh chuyển tiền: là một chỉ định của người phát lệnh đối với Ngân hàng A dưới dạng chứng từ kế toán nhằm thực hiện việc chuyển tiền điện tử. Lệnh chuyển tiền có thể quy định thời điểm thực hiện, ngoài ra không kèm theo điều kiện thanh toán nào khác. Lệnh chuyển tiền có thể là Lệnh chuyển Nợ hoặc Lệnh chuyển Có.

- Lệnh chuyển Nợ là Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh nhằm ghi Nợ tài khoản của người nhận mở tại Ngân hàng B một số tiền xác định và để ghi Có cho Tài khoản của người phát lệnh tại Ngân hàng A về số tiền đó.

- Lệnh chuyển Có là Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh nhằm ghi Nợ Tài khoản của người phát lệnh tại Ngân hàng A một số tiền xác định để ghi Có cho Tài khoản của người nhận lệnh (người thụ hưởng) tại Ngân hàng B về số tiền đó.

- Lệnh chuyển tiền giá trị cao là Lệnh chuyển tiền mà có số tiền bằng hoặc lớn hơn mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước theo từng thời kỳ.

- Lệnh chuyển tiền giá trị thấp là Lệnh chuyển tiền mà có số tiền dưới mức quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

- Bức điện: là hình thức thể hiện nội dung của Lệnh chuyển tiền hay thông báo về chuyển tiền điện tử và được truyền qua mạng máy tính giữa các Ngân hàng, thay cho việc chuyển chứng từ hoặc thông báo liên quan đến chuyển tiền điện tử.

- Xác nhận bức điện: là thủ tục đã được quy định trước giữa các Ngân hàng nhằm xác định rằng Lệnh chuyển tiền hoặc thông báo đã được chuyển tới đúng Ngân hàng B và thông tin không bị thay đổi trên đường truyền.

- Thực hiện Lệnh chuyển tiền: là quá trình thực hiện hoàn tất một Lệnh chuyển tiền từ Ngân hàng A đến Ngân hàng B bao gồm việc thực hiện các bút toán của các Ngân hàng có liên quan dến Lệnh chuyển tiền. - Thời gian thực hiện: gồm thời gian thực hiện quy định và thời gian thực hiện thực tế.

+ Thời gian thực hiện quy định: là thời gian quy định theo chế độ cho việc thực hiện một Lệnh chuyển tiền, bắt đầu từ khi Ngân hàng A nhận được Lệnh chuyển tiền đến khi Ngân hàng B thực hiện xong Lệnh chuyển tiền đó.

+ Thời gian thực hiện thực tế: là thời gian thực tế được sử dụng để thực hiện Lệnh chuyển tiền.

- Chấp nhận Lệnh chuyển tiền: một Lệnh chuyển tiền được coi là chấp nhận trong các trường hợp sau:

+ Khi Ngân hàng nhận lệnh (trừ Ngân hàng B) chấp nhận Lệnh chuyển tiền để thực hiện, chuyển tiếp hoặc trong phạm vi thời gian chấp nhận quy định Ngân hàng nhận lệnh không tra soát hoặc trả lại Ngân hàng gửi lệnh.

+ Ngân hàng B chấp nhận Lệnh chuyển tiền khi đã hạch toán vào tài khoản của người nhận lệnh hoặc đã thông báo cho người nhận lệnh mà không kèm theo một thông báo từ chối, hoặc trong phạm vi thời gian chấp nhận quy định Ngân hàng B không thông báo từ chối hoặc tra soát lại Ngân hàng gửi Lệnh chuyển tiền.

Điều 3: Phạm vi chuyển tiền điện tử theo Quy chế này bao gồm: các chuyển tiền Có và chuyển tiền Nợ có uỷ quyền bằng tiền đồng hoặc bằng ngoại tệ giữa các đơn vị trong cùng một hệ thống Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước, hoặc giữa các hệ thống ngân hàng và Kho bạc Nhà nước trong nước với nhau. Việc chuyển tiền bằng ngoại tệ phải thực hiện đúng các quy định về quản lý ngoại hối của Nhà nước và Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

- Các khoản thanh toán bù trừ điện tử, thanh toán với nước ngoài qua mạng S.W.I.F.T, các hình thức thanh toán điện tử khác có quy định riêng, không thuộc phạm vi điều chỉnh của Quy chế này.

Điều 4: Đối tượng tham gia chuyển tiền điện tử là các Ngân hàng, Kho bạc Nhà nước có đủ điều kiện và tiêu chuẩn theo Quyết định số 83/QĐ-NH2 ngày 09-4-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước ban hành "Quy chế Ngân hàng thành viên tham gia thanh toán điện tử Liên Ngân hàng" và được Ngân hàng Nhà nước Việt Nam chấp thuận bằng văn bản.

- Riêng việc chuyển tiền điện tử giữa các đơn vị trong một hệ thống Ngân hàng phải bảo đảm điều kiện và tiêu chuẩn do Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng đó quy định.

Chương 2:

CÁC QUY ĐỊNH CỤ THỂ VỀ CHUYỂN TIỀN ĐIỆN TỬ

Điều 5: Lệnh chuyển tiền:

1. Lệnh chuyển tiền phải do người phát lệnh lập trên mẫu thống nhất do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

2. Việc lập, xử lý, kiểm soát, luân chuyển và bảo quản Lệnh chuyển tiền và Lệnh huỷ phải thực hiện theo đúng chế độ chứng từ kế toán của Ngân hàng và Ngân hàng Nhà nước quy định.

3. Các Ngân hàng phải hoàn toàn chịu trách nhiệm về tính chính xác, trung thực của số liệu, nội dung của Lệnh chuyển tiền và việc xử lý chuyển tiền điện tử do mình thực hiện.

Điều 6: Một Lệnh chuyển tiền được thể hiện dưới dạng chứng từ giấy hoặc chứng từ điện tử. Vì vậy phải được quản lý, theo dõi, kiểm soát chặt chẽ để tránh việc sử dụng nhầm lẫn, tham ô, lợi dụng dẫn đến thanh toán nhiều lần cho một Lệnh chuyển tiền, gây sai sót.

1. Khi một Lệnh chuyển tiền được chuyển đổi từ chứng từ bằng giấy sang chứng từ điện tử thì chứng điện tử sẽ có giá trị để chuyển tiền, chứng từ bằng giấy chỉ có giá trị lưu giữ để theo dõi và tra soát, không có hiệu lực để thanh toán.

2. Khi một Lệnh chuyển tiền chuyển đổi từ chứng từ điện tử thành chứng từ bằng giấy thì chứng từ bằng giấy này có giá trị để chuyển tiền, chứng từ điện tử chỉ có giá trị lưu giữ để theo dõi và tra soát, không có hiệu lực để thanh toán.

3. Việc chuyển đổi Lệnh chuyển tiền từ chứng từ bằng giấy sang chứng từ điện tử hoặc ngược lại thực hiện theo đúng quy chế về lập, sử dụng, kiểm soát, xử lý, bảo quản và lưu trữ chứng từ điện tử do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

Điều 7: Thực hiện và hoàn tất một Lệnh chuyển tiền:

1. Lệnh chuyển Có chỉ được thực hiện khi:

a. Ngân hàng A nhận được Lệnh chuyển tiền hợp lệ do người phát lệnh nộp vào và người phát lệnh đã trả đủ số tiền trên Lệnh chuyển tiền đó cho Ngân hàng A.

b. Ngân hàng nhận lệnh chỉ chấp nhận đối với Lệnh chuyển tiền chuyển tới hợp lệ và đã được Ngân hàng gửi lệnh thanh toán đủ số tiền theo Lệnh chuyển tiền đó.

2. Lệnh chuyển Nợ chỉ được thực hiện khi:

a. Ngân hàng A chỉ nhận Lệnh chuyển tiền hợp lệ do người phát lệnh nộp vào kèm theo hợp đồng chấp nhận chuyển tiền Nợ (chuyển tiền Nợ có uỷ quyền) của người nhận lệnh và người nhận lệnh nhất thiết phải có tài khoản tiền gửi tại Ngân hàng B.

b. Ngân hàng nhận lệnh chỉ chuyển tiền đối với Lệnh chuyển Nợ hợp lệ nhận được từ Ngân hàng gửi lệnh.

3. Lệnh chuyển tiền chỉ hoàn tất khi:

a. Lệnh chuyển Có được coi là hoàn tất khi Ngân hàng B đã thanh toán đầy đủ cho người nhận hoặc đã bị Ngân hàng B trả lại Ngân hàng A vì bất cứ lý do gì.

b. Lệnh chuyển Nợ được coi là hoàn tất khi người nhận lệnh đã thanh toán đủ số tiền trên Lệnh chuyển Nợ và số tiền phạt chậm trả (nếu có) hoặc bị Ngân hàng B trả lại Ngân hàng A vì bất kỳ lý do gì.

c. Một Lệnh chuyển tiền (chuyển Nợ hoặc chuyển Có) được coi là hoàn tất nếu bị huỷ bởi một Lệnh huỷ hợp lệ.

Điều 8: Các Ngân hàng gửi lệnh, Ngân hàng nhận lệnh phải kiểm tra tính hợp lệ của Lệnh chuyển tiền. Trường hợp có nghi ngờ hoặc phát hiện sai sót, mâu thuẫn trong Lệnh chuyển tiền, Ngân hàng nhận lệnh phải thực hiện như quy định tại Điều 15 của Quy chế này. Đối với các Lệnh chuyển tiền giá trị cao, Ngân hàng nhận lệnh phải tra soát lại và điện yêu cầu Ngân hàng gửi lệnh xác nhận lại trước khi chấp nhận Lệnh chuyển tiền.

Điều 9: Việc xử lý và hạch toán Lệnh chuyển tiền:

1. Các Ngân hàng phải xử lý và hạch toán Lệnh chuyển tiền một cách trung thực, đầy đủ, kịp thời, chính xác và rõ ràng. Ngân hàng nào để xảy ra sai sót, nhầm lẫn hoặc gây chậm trễ thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho bên bị thiệt hại.

2. Ngân hàng gửi lệnh phải hạch toán trước khi truyền Lệnh chuyển tiền tới Ngân hàng tiếp theo. Ngân hàng nhận được Lệnh chuyển tiền phải kiểm tra kỹ, nếu đã chính xác thì chấp nhận và hạch toán ngay Lệnh chuyển tiền đó để xử lý tiếp.

3. Đối với các Lệnh chuyển Nợ có uỷ quyền, Ngân hàng A ghi Có vào tài khoản chuyển tiền phải trả và chỉ khi các khoản chuyển Nợ này đã được Ngân hàng B chấp nhận thì Ngân hàng A mới được ghi Có vào tài khoản của người phát lệnh (người thụ hưởng).

4. Việc điều chỉnh sai lầm trong hạch toán chuyển tiền điện tử chỉ được thực hiện khi đã được kiểm soát và có đủ căn cứ để xử lý và phải theo đúng các quy định về sửa sai kế toán hiện hành; nghiêm cấm việc tự động sửa chữa số liệu kế toán đã hạch toán dưới mọi hình thức hoặc sửa chữa một cách tuỳ tiện. Ngân hàng nào, người nào điều chỉnh sai quy định dẫn đến mất tài sản thì phải bồi thường thiệt hại.

Điều 10: Lệnh chuyển tiền giá trị cao và Lệnh chuyển tiền khẩn được xử lý như sau:

1. Các Ngân hàng phải có trách nhiệm ưu tiên xử lý Lệnh chuyển tiền giá trị cao hoặc khẩn và phải hoàn tất trong khoảng thời gian quy định từ lúc Ngân hàng nhận được Lệnh chuyển tiền đến khi xử lý xong và truyền cho Ngân hàng tiếp theo. Nếu có nhiều Lệnh chuyển tiền giá trị cao và khẩn cùng lúc thì trật tự ưu tiên sẽ được xếp theo thứ tự thời gian nhận, Lệnh chuyển tiền nào đến trước được ưu tiên xử lý trước.

2. Tất cả các Lệnh chuyển tiền giá trị cao hoặc khẩn, các Ngân hàng phải thực hiện xử lý ngay không được truyền thành đợt và không để chờ thực hiện qua thanh toán bù trừ.

Điều 11: Phương thức truyền dữ liệu trong chuyển tiền điện tử:

1. Lệnh chuyển tiền do người phát lệnh lập và nộp vào Ngân hàng A có thể là chứng từ bằng giấy hoặc chứng từ điện tử. Ngân hàng A có trách nhiệm chuyển đổi các chứng từ bằng giấy sang chứng từ điện tử theo Điều 6 của Quy chế này và theo chế độ chứng từ điện tử do Ngân hàng Nhà nước ban hành.

2. Các Lệnh chuyển tiền trước khi truyền qua mạng máy tính hoặc viễn thông, đều phải được mã hoá và thực hiện các biện pháp bảo mật để đảm bảo tính xác thực, đúng đắn của chứng từ điện tử.

3. Việc truyền hoặc nhận Lệnh chuyển tiền giá trị cao giữa các Ngân hàng phải được đảm bảo bằng phương tiện truyền thường trực và trực tuyến (online).

4. Sau khi thực hiện Lệnh chuyển tiền, Ngân hàng B phải gửi giấy báo hoặc thông báo điện tử cho người nhận trên cơ sở Lệnh chuyển tiền do Ngân hàng A hoặc Ngân hàng trung gian truyền tới.

Điều 12: Các thiết bị và chương trình máy tính sử dụng trong chuyển tiền điện tử:

1. Đối với các thiết bị và chương trình máy tính phục vụ cho hoạt động chuyển tiền điện tử, các Ngân hàng phải có quy chế bảo quản và sử dụng nghiêm ngặt. Nghiêm cấm những người không có trách nhiệm được thâm nhập, khai thác, sử dụng hoặc sửa chữa cơ sở dữ liệu, thiết bị và chương trình chuyển tiền điện tử.

2. Các Ngân hàng tham gia chuyển tiền điện tử phải có hệ thống máy dự phòng cho hệ thống chuyển tiền điện tử và phải thường xuyên lưu trữ dữ liệu dự phòng để tránh rủi ro mất cơ sở dữ liệu hoặc gây ách tắc trong việc truyền, nhận thông tin.

Điều 13: Quy định thời gian thực hiện và thời điểm khống chế nhận chứng từ:

1. Trường hợp Lệnh chuyển tiền không ấn định thời điểm thực hiện: a. Trên cơ sở khả năng thực hiện chuyển tiền điện tử của mình các Ngân hàng quy định thời gian thực hiện một Lệnh chuyển tiền cho phù hợp nhưng không được gây chậm trễ và phải đảm bảo tính an toàn của Lệnh chuyển tiền.

b. Thời điểm khống chế nhận Lệnh chuyển tiền của các Ngân hàng thương mại do Tổng Giám đốc, Giám đốc hệ thống Ngân hàng đó quy định. Riêng đối với các chuyển tiền qua Ngân hàng Nhà nước, các Ngân hàng phải tính đến thời điểm khống chế của Ngân hàng Nhà nước để thực hiện cho phù hợp.

c. Lệnh chuyển tiền hợp lệ nộp trước thời điểm quy định, các Ngân hàng phải thực hiện truyền ngay trong ngày. Nếu nộp sau thời điểm này, Lệnh thanh toán sẽ được thực hiện (kể cả hạch toán) vào ngày làm việc tiếp theo.

2. Trường hợp Lệnh chuyển tiền có quy định thời điểm thực hiện (vào ngày giờ nhất định sau ngày gửi Lệnh chuyển tiền) thì Ngân hàng A thực hiện đúng thời điểm đã quy định. Nếu ngày ấn định trùng vào ngày nghỉ thì thực hiện vào ngày làm việc tiếp theo.

3. Nếu Lệnh chuyển Có giá trị cao hoặc khẩn nộp vào Ngân hàng A sau thời điểm đã quy định tại khoản 1 Điều 13 thì chuyển sang thực hiện trong khoảng thời gian xác định của đầu ngày làm việc tiếp theo. Mức độ khẩn và thời gian thực hiện cụ thể do Ngân hàng A và người phát lệnh thoả thuận.

4. Thời gian thực hiện đối với trường hợp người phát lệnh nộp chứng từ bằng giấy là dài hơn và thời điểm khống chế đối với nộp chứng từ bằng giấy sớm hơn so với trường hợp người phát lệnh nộp chứng từ điện tử.

Điều 14: Thời gian chấp nhận quy định đối với Ngân hàng nhận lệnh khi thanh toán khác hệ thống Ngân hàng phải trong phạm vi thời gian quy định sau (trừ trường hợp có nguyên nhân bất khả kháng):

1. Đối với chuyển tiền bình thường: tối đa 2 giờ kể từ thời điểm nhận được Lệnh chuyển tiền từ Ngân hàng gửi lệnh hoặc 1 giờ kể từ thời điểm nhận được điện trả lời tra soát khi Ngân hàng nhận lệnh có tra soát Ngân hàng gửi lệnh.

2. Đối với chuyển tiền giá trị cao: tối đa 1 giờ kể từ khi nhận được điện xác nhận Lệnh chuyển tiền từ Ngân hàng gửi lệnh.

3. Đối với chuyển tiền giá trị thấp nhưng khẩn: tối đa 1 giờ kể từ khi nhận được Lệnh chuyển tiền từ Ngân hàng gửi lệnh.

Điều 15: Sai sót và xử lý sai sót:

Khi phát hiện Lệnh thanh toán nhận được có sai sót, các Ngân hàng nhận lệnh phải điện tra soát ngay cho Ngân hàng gửi lệnh và chỉ thực hiện Lệnh chuyển tiền khi nhận được điện trả lời và đã kiểm tra đảm bảo chuyển tiền đã chuẩn xác. Nghiêm cấm Ngân hàng nhận lệnh sửa chữa các yếu tố của Lệnh chuyển tiền.

Nguyên tắc xử lý sai sót được thực hiện như sau:

1. Tại Ngân hàng A:

a. Trường hợp chứng từ của người phát lệnh lập sai thì trả lại cho người phát lệnh và yêu cầu người phát lệnh lập lại.

b. Trường hợp bộ phận kế toán lập chứng từ (trên giấy hoặc trên các phương tiện tin học băng từ, đĩa từ, file dữ liệu truyền qua mạng) ban đầu sai thì khi phát hiện, bộ phận kế toán phải lập Lệnh huỷ để huỷ Lệnh chuyển tiền đã lập sai và lập lại Lệnh chuyển tiền khác để thay thế.

c. Trường hợp chứng từ bằng giấy kế toán lập đúng, nhưng do khâu chuyển đổi từ chứng giấy sang chứng từ điện tử sai (khâu nhập các dữ liệu), thì sai ở yếu tố nào thì điều chỉnh ở yếu tố đó bằng một điện xác nhận lại hoặc trả lời tra soát.

d. Nếu bức điện sai các yếu tố bảo mật trên đường truyền hoặc bức điện bị hỏng do lỗi đường truyền thông thì phải gửi lại bức điện đúng khác.

2. Tại Ngân hàng B:

a. Trường hợp phát hiện sai lầm khi chưa thực hiện Lệnh chuyển tiền, Ngân hàng phải tra soát lại Ngân hàng gửi lệnh và chờ điện xác nhận hoặc Lệnh huỷ để xử lý tiếp.

b. Trường hợp phát hiện sai lầm sau khi đã thực hiện Lệnh chuyển tiền thì Ngân hàng B phải có biện pháp ngăn chặn thiệt hại có thể xảy ra; đồng thời phải tra soát Ngân hàng gửi lệnh.

3. Tại Ngân hàng trung gian (nếu có liên quan):

a. Trường hợp nhận được chuyển tiền đến, phát hiện có sai sót khi chưa thực hiện Lệnh chuyển tiền, Ngân hàng trung gian nhận phải tra soát lại Ngân hàng gửi lệnh và chờ xác nhận đúng hoặc Lệnh huỷ để xử lý tiếp.

b. Trường hợp phát hiện sai sót sau khi đã truyền tiếp Lệnh chuyển tiền thì phải lập tức thông báo cho Ngân hàng nhận lệnh tiếp theo ngừng thực hiện Lệnh chuyển tiền đó; đồng thời tra soát và thông báo lại cho Ngân hàng gửi lệnh biết sự việc.

Điều 16: Huỷ Lệnh chuyển tiền:

1. Về nguyên tắc, người phát lệnh có quyền yêu cầu huỷ một Lệnh chuyển tiền trong các trường hợp sau:

a. Đối với Lệnh chuyển Nợ: chỉ được huỷ khi người phát lệnh đã trả lại số tiền được hưởng cho Ngân hàng A.

b. Đối với Lệnh chuyển Có: chỉ được huỷ khi chưa ghi Có vào tài khoản người nhận hoặc đã ghi Có vào Tài khoản người nhận nhưng Ngân hàng B đã thu hồi được tiền.

2. Các Ngân hàng chỉ được huỷ Lệnh chuyển tiền do bản thân Ngân hàng lập sai và:

a. Lệnh chuyển Nợ chỉ được huỷ khi Ngân hàng A chưa trả tiền cho người phát lệnh theo Lệnh sai hoặc đã trả nhưng thu hồi lại được.

b. Lệnh chuyển Có chỉ được huỷ khi Ngân hàng B chưa trả tiền cho người nhận theo lệnh sai hoặc đã trả nhưng thu hồi lại được.

3. Các Ngân hàng khi xử lý và thực hiện Lệnh huỷ phải thực hiện theo đúng các quy định như đối với Lệnh chuyển tiền khẩn.

Điều 17: Thiếu khả năng thanh toán:

1. Trường hợp khách hàng thiếu khả năng thanh toán.

a. Đối với Lệnh chuyển Có: Ngân hàng A phải báo cho người phát lệnh nộp đủ tiền vào để thực hiện Lệnh chuyển tiền. Nếu sau thời gian quy định (theo thoả thuận giữa Ngân hàng A và người phát lệnh), người phát lệnh vẫn không nộp đủ tiền, để thanh toán, Ngân hàng A được quyền trả lại Lệnh chuyển tiền cho người phát lệnh.

b. Đối với khoản chuyển Nợ có uỷ quyền: Ngân hàng B thông báo cho người nhận nộp đủ tiền để thực hiện Lệnh chuyển Nợ và thông báo cho Ngân hàng gửi lệnh biết. Nếu sau thời gian quy định (theo thoả thuận giữa Ngân hàng B và người nhận), người nhận vẫn không đủ tiền để thanh toán thì Ngân hàng B truyền trả lại Lệnh chuyển tiền cho Ngân hàng gửi lệnh và nói rõ lý do.

2. Trường hợp Ngân hàng không đủ tiền để thực hiện Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh: các Ngân hàng phải tự lo đủ vốn để thực hiện Lệnh chuyển tiền theo đúng cam kết đảm bảo khả năng thanh toán. Nếu Ngân hàng nào vi phạm quy định này sẽ bị xử lý theo các quy định tại chương IV của Quy chế Ngân hàng thành viên tham gia thanh toán điện tử liên Ngân hàng ban hành kèm theo Quyết định số 83/QĐ-NH2 ngày 09-4-1996 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Điều 18: Sự cố kỹ thuật trong chuyển tiền điện tử:

1. Trong trường hợp có sự cố về kỹ thuật, các Ngân hàng có trách nhiệm bằng mọi phương tiện chuyển thông tin cho Ngân hàng tiếp theo nhưng vẫn phải đảm bảo tuyệt đối an toàn tài sản và bảo mật chứng từ. Trường hợp bất khả kháng (thiên tai địch hoạ, sự cố kỹ thuật lớn do khách quan,...) các Ngân hàng gửi lệnh được kéo dài thời hạn thực hiện tối đa bằng thời gian xảy ra sự kiện bất khả kháng.

2. Trường hợp không thực hiện được việc truyền dữ liệu vì bất kỳ lý do nào, nếu có điều kiện thực hiện trao đổi trực tiếp với Ngân hàng tiếp theo, Ngân hàng bị sự cố gửi đĩa từ, băng từ có Lệnh chuyển tiền cho Ngân hàng tiếp theo theo quy định hiện hành.

Điều 19: Kiểm tra đối chiếu trong thanh toán chuyển tiền điện tử:

1. Kiểm tra đối chiếu giữa người phát lệnh và Ngân hàng A:

a. Khi nhận được Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ bằng chứng từ điện tử, Ngân hàng A phải kiểm tra, kiểm soát kỹ các yếu tố của chứng từ điện tử đặc biệt là ký hiệu mật, chữ ký điện tử và các mã khoá bảo mật trên chứng từ điện tử đảm bảo tính hợp lệ của chứng từ. Nếu người phát lệnh nộp chứng từ bằng giấy, Ngân hàng A phải kiểm tra tính hợp lệ của chứng từ, nếu phát hiện có sai sót trên chứng từ, Ngân hàng A phải trả lại chứng từ cho người phát lệnh.

b. Đối với Lệnh chuyển Có, Ngân hàng A còn phải kiểm tra khả năng thanh toán của người phát lệnh khi thực hiện các Lệnh chuyển Có. Đối với Lệnh chuyển Nợ, Ngân hàng A phải kiểm tra hợp đồng chấp nhận chuyển Nợ; nếu không thoả mãn các yêu cầu này thì phải trả lại Lệnh chuyển tiền.

c. Khi Ngân hàng A thông báo đã thực hiện Lệnh chuyển tiền, người phát lệnh phải kiểm tra lại giữa thông báo của Ngân hàng và Lệnh chuyển tiền của mình lập có đúng không. Nếu có sai lầm phải báo ngay cho Ngân hàng A biết. Mặt khác thường xuyên đôn đốc khách hàng đối chiếu số liệu trên Tài khoản tiền gửi thanh toán cũng như đối chiếu các lệnh chuyển tiền đã thực hiện trong kỳ để có sự xác nhận về tính chính xác của số liệu trên tài khoản tiền gửi thanh toán.

2. Kiểm tra đối chiếu thanh toán giữa người nhận lệnh và Ngân hàng B:

a. Khi nhận được Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ, Ngân hàng B phải thông báo cho người nhận biết.

b. Phải thường xuyên thông báo và đối chiếu số liệu trên tài khoản tiền gửi cũng như các Lệnh chuyển tiền đã nhận được của người nhận lệnh.

3. Đối với thanh toán giữa các Ngân hàng khác hệ thống.

a- Tại Ngân hàng gửi lệnh:

- Ngân hàng gửi lệnh phải có trách nhiệm xác nhận hoặc trả lời tra soát theo yêu cầu của Ngân hàng nhận lệnh.

- Cuối ngày, Ngân hàng gửi lệnh phải thông báo các Lệnh chuyển tiền và Lệnh huỷ (nếu có) đã gửi đi trong ngày theo từng Ngân hàng nhận lệnh, sau đó chuyển tới Ngân hàng nhận lệnh để đối chiếu và chỉ khi nhận được thông báo không có sai sót của tất cả các Ngân hàng nhận lệnh mới được kết thúc việc đối chiếu chuyển tiền điện tử.

- Trường hợp Ngân hàng gửi lệnh đã truyền Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ nhưng Ngân hàng nhận lệnh chưa nhận được thì phải kiểm tra xác nhận lại chính xác và Ngân hàng A tiến hành truyền lại Lệnh chuyển tiền. Trên Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ này phải ghi rõ là chuyển lần thứ mấy để tránh thực hiện nhiều lần.

- Trường hợp phát hiện có Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ bị giả mạo hoặc bị sửa chữa, thì phải phối hợp với Ngân hàng nhận lệnh để xử lý Lệnh chuyển tiền và Lệnh huỷ giả mạo này đồng thời tiến hành các biện pháp để thu hồi tài sản đã bị thất thoát. Rà soát lại quy trình chuyển tiền điện tử, tìm nguyên nhân và xử lý kịp thời các trường hợp này. Mặt khác thay đổi các biện pháp xử lý và bảo mật để đảm bảo an toàn tài sản.

- Nếu phát hiện sai sót thì xử lý theo Điều 15 của Quy chế này.

- Thường xuyên đối chiếu số liệu với các Ngân hàng nhận lệnh về các Lệnh chuyển tiền đã thực hiện.

b. Tại Ngân hàng nhận lệnh:

- Kiểm tra lại ký hiệu mật, chữ ký điện tử, các mã khoá bảo mật chuyển tiền điện tử và các yếu tố trên Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ nhận từ Ngân hàng gửi lệnh. Nếu phát hiện có sai sót hoặc nghi có sai sót thì phải điện tra soát ngay Ngân hàng gửi lệnh.

- Đối với những khoản chuyển tiền giá trị cao, Ngân hàng nhận lệnh phải yêu cầu Ngân hàng gửi lệnh xác nhận lại.

- Cuối ngày, khi nhận được thông báo các Lệnh chuyển tiền và Lệnh huỷ (nếu có) đã gửi trong ngày của Ngân hàng gửi lệnh, Ngân hàng nhận lệnh phải đối chiếu thông báo này với các Lệnh chuyển tiền và Lệnh huỷ (nếu có) đã nhận được trong ngày từ Ngân hàng gửi lệnh để kiểm tra lại. Nếu khớp đúng thì thông báo lại cho Ngân hàng gửi lệnh biết. Nếu sai phải phối hợp với Ngân hàng gửi lệnh để xác minh và xử lý.

- Trường hợp phát hiện có Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ giả mạo hoặc bị sửa chữa, thì phải phối hợp với Ngân hàng gửi lệnh để xử lý Lệnh chuyển tiền giả mạo, tiến hành các biện pháp để thu hồi tài sản nếu bị thất thoát và tìm nguyên nhân. Đồng thời thay đổi lại các biện pháp bảo mật đảm bảo an toàn tài sản.

- Nếu phát hiện có sai sót trên Lệnh chuyển tiền thì xử lý theo điều 15 của Quy chế này.

- Thường xuyên đối chiếu tài khoản thanh toán với Ngân hàng gửi lệnh về các Lệnh chuyển tiền đã thực hiện.

4. Việc kiểm soát, đối chiếu và thành toán trong từng hệ thống Ngân hàng do Tổng Giám đốc, Giám đốc hệ thống Ngân hàng đó quy định.

5. Việc cấp phát, sử dụng và bảo quản ký hiệu mật, chữ ký điện tử và các khoá bảo mật trong chuyển tiền điện tử phải đảm bảo an toàn tài sản.

a. Việc cấp phát, sử dụng và bảo quản ký hiệu mật, chữ ký điện tử và các khoá bảo mật trong chuyển tiền điện tử giữa Ngân hàng thương mại và Ngân hàng Nhà nước do Ngân hàng Nhà nước quy định.

b. Việc cấp phát, sử dụng và bảo quản ký hiệu mật, chữ ký điện tử và các khoá bảo mật trong chuyển tiền điện tử giữa các đơn vị trong cùng hệ thống Ngân hàng do Tổng giám đốc, Giám đốc hệ thống Ngân hàng quy định.

c. Đối với hai Ngân hàng khác hệ thống có quan hệ trong thanh toán chuyển tiền điện tử thì phải có thoả ước giữa hai Ngân hàng về việc cấp phát, sử dụng và bảo quản ký hiệu mật, chữ ký điện tử và khoá bảo mật trong chuyển tiền điện tử.

d. Trong mọi trường hợp thay đổi nhân viên giao dịch, phải thay đổi lại ký hiệu mật, chữ ký điện tử và các khoá bảo mật mà người thay đổi đã quản lý và sử dụng. Việc cấp phát, sử dụng và bảo quản ký hiện mật, chữ ký điện tử, mã khoá bảo mật phải đảm bảo hết sức chặt chẽ.

e. Người được giao quản lý, sử dụng ký hiệu mật, chữ ký điện tử, mã khoá bảo mật phải đảm bảo bí mật và hoàn toàn chịu trách nhiệm trước pháp luật nếu để lộ ra, kẻ gian lợi dụng gây thiệt hại tài sản.

Điều 20: Các Ngân hàng làm dịch vụ chuyển tiền điện tử được phép thu phí dịch vụ thanh toán theo đúng quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước. Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng quy định mức thu phí dịch vụ thanh toán trong phạm vi khung quy định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.

Chương 3:

QUYỀN VÀ NGHĨA VỤ CỦA CÁC BÊN THAM GIA CHUYỂN TIỀN ĐIỆN TỬ

Điều 21: Quyền và nghĩa vụ của người phát lệnh:

1. Người phát lệnh có quyền:

- Yêu cầu Ngân hàng A (Ngân hàng phục vụ mình) xác nhận đã nhận được Lệnh chuyển tiền do mình nộp vào và cung cấp các thông tin liên quan đến việc thực hiện Lệnh chuyển tiền đó.

- Yêu cầu Ngân hàng A huỷ Lệnh chuyển tiền theo quy định tại Điều 16.

- Đòi lại tiền trong trường hợp chuyển Có mà tiền không đến đúng người nhận đã chỉ định trong Lệnh chuyển tiền.

- Khiếu nại trực tiếp Ngân hàng gây ra sai sót, chậm trễ trong quá trình thực hiện Lệnh chuyển tiền với mức đòi bồi thường giới hạn trong phạm vi số tiền phải chuyển và tiền phạt chậm trả theo chế độ quy định hiện hành.

- Yêu cầu người nhận lệnh bồi thường do lỗi chậm trễ thanh toán những khoản chuyển Nợ có uỷ quyền hợp lệ. Mức đòi bồi thường giới hạn trong phạm vi số tiền phải thanh toán và tiền phạt chậm trả theo chế độ quy định hiện hành.

2. Người phát lệnh có nghĩa vụ:

- Phải có đủ tiền ở Ngân hàng A để thực hiện Lệnh chuyển Có.

- Tuân thủ các quy định của Ngân hàng về việc lập và gửi một Lệnh chuyển tiền qua hệ thống chuyển tiền điện tử của Ngân hàng và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của số liệu và nội dung trên Lệnh chuyển tiền đó.

- Trường hợp người phát lệnh vi phạm quy định về việc lập, gửi Lệnh chuyển tiền hay ghi số liệu và nội dung trên Lệnh chuyển tiền sai, dẫn đến thanh toán chậm trễ, mất tiền và các tổn thất vật chất khác thì người phát lệnh phải chịu mọi thiệt hại.

- Trong trường hợp giữa thông báo của Ngân hàng và Lệnh chuyển tiền của người phát lệnh lập có sai lầm, nhưng trong thời gian 3 ngày kể từ khi Ngân hàng phát lệnh thực hiện Lệnh chuyển tiền, người phát lệnh không phát hiện ra hoặc có phát hiện nhưng không báo cho Ngân hàng A thì sẽ không được hưởng khoản tiền phạt chậm trả do lỗi của Ngân hàng A gây ra.

- Trả đủ phí dịch vụ chuyển tiền điện tử cho Ngân hàng A.

Điều 22: Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng phát lệnh

1. Ngân hàng A có quyền:

- Yêu cầu người phát lệnh lập và nộp Lệnh chuyển tiền hoặc Lệnh huỷ theo đúng quy định, bảo đảm tính hợp lệ của chứng từ để ngăn ngừa mọi hành vi tham ô, lợi dụng gây thiệt hại cho Ngân hàng và khách hàng.

- Trả lại Lệnh chuyển tiền cho người phát lệnh nếu sau một thời gian quy định trên tài khoản của người phát lệnh không đủ tiền để thực hiện Lệnh chuyển Có theo quy định tại khoản 1 Điều 17 Quy chế này.

- Có thể yêu cầu Ngân hàng nhận lệnh xác nhận đã nhận được Lệnh chuyển tiền do mình chuyển tới và các thông tin về Lệnh chuyển tiền đó.

- Được thu phí dịch vụ chuyển tiền điện tử của người phát lệnh trong phạm vi mức quy định.

2. Ngân hàng A có nghĩa vụ:

- Chuyển đổi Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ bằng giấy do người phát lệnh nộp vào sang chứng từ điện tử và thực hiện lưu trữ Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ bằng giấy và phải theo dõi chặt chẽ để tránh thực hiện truyền nhiều lần.

- Duy trì khả năng thanh toán của mình trong thanh toán Liên Ngân hàng để thực hiện các Lệnh chuyển Có và có trách nhiệm thực hiện theo quy định tại khoản 2 Điều 17 Quy chế này.

- Thực hiện các Lệnh chuyển tiền hợp lệ trong thời gian thực hiện quy định theo yêu cầu của người phát lệnh, trừ trường hợp xẩy ra sự kiện bất khả kháng.

- Phải thông báo cho người phát lệnh về việc đã thực hiện Lệnh chuyển tiền. Trả lời yêu cầu cung cấp thông tin về lệnh chuyển tiền của người phát lệnh.

- Có trách nhiệm xác nhận và trả lời tra soát về Lệnh chuyển tiền theo yêu cầu của Ngân hàng nhận lệnh.

- Thường xuyên đối chiếu số dư tài khoản với người phát lệnh và với Ngân hàng nhận lệnh tiếp theo về các Lệnh chuyển tiền đã được thực hiện.

- Trường hợp nhận các lệnh chuyển nợ, Ngân hàng A phải xác định có hợp đồng chấp nhận chuyển Nợ mới được thực hiện. Trong thời gian các khoản chuyển Nợ chưa được Ngân hàng B chấp nhận thì Ngân hàng A chưa được ghi có vào tài khoản của người phát lệnh (người thụ hưởng).

- Huỷ Lệnh chuyển tiền theo yêu cầu của người phát lệnh hoặc huỷ các Lệnh chuyển tiền sai bằng Lệnh huỷ hợp lệ, và thay thế bằng Lệnh chuyển tiền đúng khác.

- Hoàn trả tiền cho người phát lệnh (trong trường hợp chuyển Có) khi số tiền ghi trong Lệnh chuyển tiền được Ngân hàng B trả lại vì bất kỳ lý do gì.

- Bồi thường thiệt hại vì những lỗi do mình gây ra cho các bên liên quan. Mức bồi thường giới hạn trong số tiền phải chuyển và số tiền phạt chậm trả theo quy định hiện hành.

Điều 23: Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng trung gian

Đối với các chuyển tiền điện tử thực hiện qua các Ngân hàng trung gian, các Ngân hàng trung gian có quyền và nghĩa vụ:

1. Ngân hàng trung gian có quyền:

- Từ chối chuyển tiếp Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ không hợp lệ (sai mã NH, ký hiệu mật, số tiền bằng chữ - bằng số không khớp, sai địa chỉ chuyển).

- Từ chối Lệnh chuyển Có của Ngân hàng gửi lệnh trong trường hợp Ngân hàng này không có đủ khả năng thanh toán.

- Yêu cầu Ngân hàng nhận lệnh xác nhận đã nhận được Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ do mình truyền tới và các thông tin về Lệnh chuyển tiền hay Lệnh huỷ đó.

- Được thu phí dịch vụ thanh toán của Ngân hàng gửi lệnh trong chuyển tiền điện tử Liên Ngân hàng trong phạm vi mức Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quy định.

2. Ngân hàng trung gian có nghĩa vụ:

- Xác nhận các bức điện chuyển đến theo chế độ quy định. Trả lời yêu cầu thông tin về Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ của Ngân hàng gửi lệnh.

- Thực hiện các thủ tục theo quy định để truyền tiếp Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ cho Ngân hàng nhận lệnh tiếp theo - trừ những trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng.

- Tra soát Ngân hàng gửi lệnh nếu có nghi ngờ hoặc phát hiện có sai lầm trên Lệnh chuyển tiền, Lệnh huỷ theo quy định tại Điều 15 Quy chế này.

- Huỷ các bức điện theo yêu cầu bằng Lệnh huỷ của Ngân hàng gửi lệnh theo quy định tại điều 16 trên đây.

- Hoàn trả số tiền ghi trong Lệnh chuyển tiền trong trường hợp số tiền đó không được chuyển đến Ngân hàng B hoặc khi số tiền ghi trong Lệnh chuyển tiền được Ngân hàng B trả lại vì bất kỳ lý do gì.

- Bồi thường thiệt hại vì những lỗi do mình gây ra cho các bên liên quan. Mức bồi thường giới hạn trong số tiền phải chuyển và tiền phạt chậm trả theo quy định hiện hành.

- Đối chiếu số dư tài khoản với Ngân hàng gửi lệnh và với Ngân hàng nhận lệnh tiếp theo về các lệnh thanh toán đã thực hiện.

Điều 24: Quyền và nghĩa vụ của Ngân hàng B

1. Ngân hàng B có quyền:

- Từ chối thực hiện Lệnh chuyển tiền không hợp lệ, sai địa chỉ hoặc các khoản chuyển Nợ không có hợp đồng chấp nhận chuyển Nợ.

- Từ chối Lệnh chuyển Có của Ngân hàng gửi lệnh nếu Ngân hàng này không có đủ khả năng thanh toán cho Lệnh chuyển tiền đó. Từ chối các Lệnh huỷ khoản chuyển Có mà không có khả năng thu hồi lại được tiền từ người nhận.

- Áp dụng các biện pháp phạt theo quy định đối với người nhận khi trên tài khoản của người này không đủ tiền thanh toán các khoản chuyển Nợ hợp lệ.

2. Ngân hàng B có nghĩa vụ:

- Kiểm tra tính hợp lệ của Lệnh chuyển tiền, xác định chính xác người nhận (họ, tên và số tài khoản...) trước khi thực hiện Lệnh chuyển tiền. Đối với Lệnh chuyển Nợ, phải xác định xem có được uỷ quyền hay không; nếu không phải Lệnh chuyển Nợ có uỷ quyền thì báo ngay cho người nhận để quyết định chấp nhận hay không chấp nhận thanh toán; đồng thời thông báo cho Ngân hàng A.

- Xác nhận các Lệnh chuyển tiền đến, trả lời yêu cầu thông tin về Lệnh chuyển tiền của Ngân hàng gửi lệnh.

- Tra soát Ngân hàng gửi lệnh trong trường hợp có nghi ngờ, phát hiện sai sót hoặc mâu thuẫn trong các Lệnh chuyển tiền đến.

- Hoàn tất Lệnh chuyển tiền trong thời gian thực hiện quy định, trừ trường hợp xảy ra sự kiện bất khả kháng. Thực hiện huỷ Lệnh chuyển tiền theo Lệnh huỷ của Ngân hàng gửi lệnh (Ngân hàng A hoặc Ngân hàng trung gian) theo quy định tại Điều 16 Quy chế này.

- Duy trì khả năng thanh toán của Ngân hàng mình đối với các khoản chuyển Nợ theo đúng khoản 2 Điều 17 trên đây.

- Thông báo cho người nhận biết về Lệnh chuyển tiền đến và kết quả xử lý hoặc thực hiện Lệnh chuyển tiền. Chịu trách nhiệm thanh toán với người nhận lệnh kể từ khi chấp nhận Lệnh chuyển tiền.

- Chuyển trả Ngân hàng A số tiền ghi trên Lệnh chuyển Có nếu không có người nhận như Lệnh chuyển tiền đã chỉ định, hoặc nhận được Lệnh huỷ các Lệnh chuyển Có đã chấp nhận.

- Đối chiếu tài khoản với người nhận và Ngân hàng gửi lệnh về các Lệnh chuyển tiền đã thực hiện.

- Bồi thường thiệt hại vì những lỗi do mình gây ra trong chuyển tiền điện tử cho các bên liên quan. Mức bồi thường giới hạn trong phạm vi số tiền phải chuyển và tiền phạt chậm trả theo quy định hiện hành.

Điều 25: Quyền và nghĩa vụ của người nhận:

1. Người nhận có quyền:

- Yêu cầu Ngân hàng B tra soát những vấn đề nghi ngờ, không rõ, có sai sót trong Lệnh chuyển tiền.

- Từ chối nhận một Lệnh chuyển Nợ không được uỷ quyền trước và yêu cầu Ngân hàng B thực hiện quyết định của mình. Có quyền khiếu nại Ngân hàng B về việc chấp nhận Lệnh chuyển Nợ không được uỷ quyền. Thời gian khiếu nại tối đa là 3 tháng kể từ ngày nhận được sao kê tài khoản từ Ngân hàng phục vụ mình.

- Khiếu nại trực tiếp Ngân hàng gây ra sai sót, chậm trễ trong quá trình thực hiện Lệnh chuyển tiền với mức đòi bồi thường giới hạn trong phạm vi số tiền phải chuyển và tiền phạt chậm trả theo quy định hiện hành.

- Yêu cầu Ngân hàng B ghi Có ngay trong thời gian quy định.

- Từ chối nhận tiền (đối với chuyển tiền Có) nếu không muốn nhận.

2. Người nhận có nghĩa vụ:

- Đối với trường hợp trực tiếp nhận tiền tại Ngân hàng B (không qua tài khoản), người nhận phải có nghĩa vụ tự chứng minh mình đúng là người nhận được chỉ định trong Lệnh chuyển tiền.

- Chấp nhận và thanh toán đầy đủ, kịp thời đối với các khoản chuyển Nợ có uỷ quyền hợp lệ; Phải bồi thường thiệt hại cho người thụ hưởng do không thanh toán đúng hạn các khoản Nợ đó. Mức được bồi thường giới hạn trong phạm vi số tiền phải trả và tiền phạt chậm trả theo quy định hiện hành.

- Xác nhận với người phát lệnh khi đã nhận được tiền đối với những khoản chuyển tiền giá trị cao nếu người phát lệnh yêu cầu.

- Hoàn trả số tiền chuyển nhầm cho mình mà mình không phải là người nhận được chỉ định trong Lệnh chuyển tiền hoặc số tiền chênh lệch do sai sót chuyển thừa.

Chương 4:

TRANH CHẤP VÀ XỬ LÝ TRANH CHẤP

Điều 26: Khi xẩy ra do sai sót và chậm trễ trong chuyển tiền điện tử, người bị thiệt hại gửi trực tiếp đơn yêu cầu (nêu rõ nguyên nhân) người hoặc Ngân hàng gây ra thiệt hại đối với mình (có thể uỷ quyền cho Ngân hàng phục vụ mình thực hiện). Thời hạn khiếu nại tối đa là 3 tháng kể từ ngày người nhận lệnh nhận được Lệnh chuyển tiền.

Trong thời gian 10 ngày từ khi nhận được đơn yêu cầu bồi thường của người bị thiệt hại, người hoặc Ngân hàng nhận đơn phải giải trình rõ các lý do gây ra sai sót và chậm trễ. Nếu là do lỗi của người hoặc Ngân hàng nhận đơn, thì người đó hoặc Ngân hàng đó phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại và trong vòng 1 tháng kể từ khi nhận được đơn phải hoàn thành trách nhiệm bồi thường của mình.

Điều 27: Trong trường hợp không đồng ý với quyết định giải quyết của chi nhánh thuộc hệ thống Ngân hàng nào, thì người bị thiệt hại có quyền gửi đơn yêu cầu bồi thường lên Tổng giám đốc, Giám đốc của Ngân hàng đó. Trong thời gian một tháng từ khi nhận được đơn của người bị thiệt hại, Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng bị khiếu nại phải có công văn trả lời người khiếu nại.

Trong trường hợp vẫn không đồng ý với quyết định giải quyết của Tổng giám đốc, Giám đốc Ngân hàng thì người bị thiệt hại có quyền đề nghị Thống đốc Ngân hàng Nhà nước giải quyết. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước sẽ xem xét và ra quyết định xử lý trong phạm vi quyền hạn của mình và trong vòng 15 ngày sau khi có quyết định của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, các bên có liên quan phải thi hành quyết định này.

Điều 28: Những hành vi vi phạm Quy chế này, tuỳ theo tính chất mức độ mà có thể bị xử lý hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Chương 5:

ĐIỀU KHOẢN THI HÀNH

Điều 29: Tổng giám đốc, Giám đốc các Ngân hàng thương mại có trách nhiệm hướng dẫn và tổ chức thực hiện trong hệ thống của mình theo đúng các quy định của Quy chế này.

Thủ trưởng các Vụ, Cục và đơn vị trực thuộc Ngân hàng Nhà nước, Giám đốc chi nhánh Ngân hàng Nhà nước tỉnh, thành phố trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, có trách nhiệm hướng dẫn và giám sát thực hiện Quy chế này.

Đối với Kho bạc Nhà nước nếu tham gia chuyển tiền điện tử qua Ngân hàng thì cũng phải tuân thủ các quy định trong Quy chế này.

Điều 30: Việc sửa đổi, bổ sung Quy chế này do Thống đốc Ngân hàng Nhà nước quyết định.