Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH QUẢNG NGÃI
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập – Tự do – Hạnh phúc
--------------

Số: 353/QĐ-UBND

Quảng Ngãi, ngày 18 tháng 8 năm 2009

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN THỰC HIỆN CHƯƠNG TRÌNH HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO NHANH VÀ BỀN VỮNG CỦA HUYỆN TÂY TRÀ GIAI ĐOẠN 2009 - 2020

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH QUẢNG NGÃI

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26/11/2003;
Căn cứ Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ về Chương trình hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững đối với 61 huyện nghèo;
Căn cứ Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở;
Căn cứ Thông tư 08/2009/TT-BNN ngày 26/02/2009 của Bộ Nông nghiệp - Phát triển nông thôn hướng dẫn thực hiện một số chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp và thủy sản theo Nghị quyết số 30a/2008/NQ-CP ngày 27/12/2008 của Chính phủ;
Căn cứ Công văn số 5786/BKH-KTĐP< ngày 04/8/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về góp ý thẩm tra Đề án giảm nghèo nhanh của huyện theo Nghị quyết 30a/2008/NQ-CP của Chính phủ;
Xét đề nghị của Ủy ban nhân dân huyện Tây Trà tại Tờ trình số 28/TTr-UBND ngày 12/5/2009 về việc xin thẩm định và phê duyệt Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Tây Trà giai đoạn 2009 - 2020;
Theo đề nghị của Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư tại Tờ trình số 593/TTr-SKHĐT ngày 29/6/2009 về việc phê duyệt Đề án hỗ trợ giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Tây Trà từ năm 2009 đến năm 2020
,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Đề án thực hiện Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững của huyện Tây Trà giai đoạn 2009 - 2020 với những nội dung chủ yếu sau đây:

A. MỤC TIÊU

I. MỤC TIÊU TỔNG QUÁT

Tạo sự chuyển biến nhanh hơn về đời sống vật chất, tinh thần của người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện, đảm bảo đến năm 2020 ngang bằng các huyện khác trong khu vực; tập trung vào 4 mục tiêu chính: Tổ chức sản xuất và hỗ trợ phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, theo hướng sản xuất hàng hoá, chuyển đổi cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất có hiệu quả theo quy hoạch, khai thác tốt các thế mạnh của huyện; Xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội phù hợp với đặc điểm của địa phương; Triển khai thực hiện đồng bộ các giải pháp giảm nghèo, đầu tư phát triển y tế, giáo dục; xây dựng xã hội nông thôn ổn định, giàu bản sắc văn hoá dân tộc; dân trí được nâng cao, môi trường sinh thái được bảo vệ; bảo đảm vững chắc an ninh, quốc phòng; Tổ chức đào tạo, nâng cao năng lực đội ngũ cán bộ cấp huyện, xã để làm cơ sở cho việc phát triển bền vững về lâu dài.

II. MỤC TIÊU CỤ THỂ

1. Mục tiêu đến năm 2010

Đạt mức tăng trưởng kinh tế 34,4%, thu nhập bình quân đầu người 3,077 triệu đồng/năm, độ che phủ rừng 40%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 1.000 triệu đồng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống còn 75%, bình quân mỗi năm giảm 5-7%; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt 44,4% (4/9 xã), tỷ lệ hộ sử dụng điện 85%; Tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện 20%, số lao động có việc làm thường xuyên đạt 50,3%, xoá toàn bộ nhà tạm; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới 11% (1/9 xã); Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 95%; tỷ lệ học sinh đi học tiểu học đúng độ tuổi đạt 100%; tỷ lệ phổ cập THCS đạt 100%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 47%.

2. Mục tiêu đến năm 2015

Đạt mức tăng trưởng kinh tế 19,5%, thu nhập bình quân đầu người 6,486 triệu đồng/năm, độ che phủ rừng 47%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 2.500 triệu đồng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 50%, bình quân mỗi năm giảm 4-6%; Tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã và thông suốt 4 mùa đạt 100%, tỷ lệ hộ sử dụng điện 100%; Tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện lên 40%, số lao động có việc làm thường xuyên đạt 55,9%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 44,4% (4/9 xã); Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 98%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 40%.

3. Mục tiêu đến năm 2020

Đạt mức tăng trưởng kinh tế 10,6%, thu nhập bình quân đầu người 12,672 triệu đồng/năm, độ che phủ rừng 63%, thu ngân sách trên địa bàn đạt 6.200 triệu đồng. Giảm tỉ lệ hộ nghèo xuống dưới 30%; Tỷ lệ lao động nông thôn qua tập huấn, huấn luyện lên 50%, số lao động có việc làm thường xuyên đạt 60%; số xã đạt tiêu chuẩn nông thôn mới khoảng 77,8% (7/9 xã); Tỷ lệ trẻ em trong độ tuổi đi học mẫu giáo đạt 100%; Giảm tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi suy dinh dưỡng còn 30%.

B. NỘI DUNG HỖ TRỢ GIẢM NGHÈO

1. Nội dung và kinh phí hỗ trợ giảm nghèo được xác định tại phụ lục kèm theo Quyết định này (có Phụ lục 3A, 3B, 3C kèm theo).

2. Tổng nhu cầu vốn đến năm 2020: 4.296,253 tỷ đồng (không kể vốn tín dụng); trong đó:

- Vốn hỗ trợ của Trung ương: 4.271,393 tỷ đồng (kể cả ODA, Trái phiếu, công trái);

- Vốn huy động các tổ chức kinh tế, xã hội và nhân dân trong nước và nước ngoài: 24,860 tỷ đồng.

3. Kế hoạch vốn năm 2009: 296,853 tỷ đồng; trong đó:

a. Các Chương trình, dự án hiện hành: 47,523 tỷ đồng.

b. Vốn cho các chính sách mới theo Nghị quyết 30a: 249,330 tỷ đồng.

4. Kế hoạch vốn năm 2010: 566,421 tỷ đồng; trong đó:

a. Các Chương trình, dự án hiện hành: 90,470 tỷ đồng.

b. Vốn cho các chính sách mới theo Nghị quyết 30a: 475,948 tỷ đồng.

C. CƠ CHẾ THỰC HIỆN

1. Tiếp tục thực hiện các chế độ chính sách hiện hành về hỗ trợ trực tiếp cho người nghèo có sửa đổi, bổ sung theo hướng mở rộng đối tượng thụ hưởng và nâng mức hỗ trợ, mức đầu tư; nâng cao nhận thức, ý chí quyết tâm phấn đấu vượt nghèo để vươn lên làm giàu của chính hộ nghèo, xã nghèo; nâng cao năng lực của đội ngũ cán bộ tham gia công tác giảm nghèo; đề cao trách nhiệm tổ chức thực hiện Chương trình của các cấp, các ngành; tăng cường sự tham gia của người dân và giám sát đánh giá của cơ quan dân cử, các tổ chức chính trị, đoàn thể.

2. Ngoài những chính sách hỗ trợ giảm nghèo nhanh, bền vững theo quy định tại Nghị quyết 30a của Chính phủ và hướng dẫn của các Bộ, ngành Trung ương, yêu cầu các địa phương, các ngành, các cơ quan, đơn vị, tổ chức có liên quan tổ chức triển khai thực hiện tập trung vào các nội dung sau:

a) Hỗ trợ sản xuất, tạo việc làm, tăng thu nhập

a.1) Chính sách hỗ trợ thông qua khoán chăm sóc, bảo vệ rừng, giao rừng và giao đất để trồng rừng sản xuất:

- Giao khoán bảo vệ rừng, chăm sóc rừng trên toàn bộ diện tích rừng đặc dụng; rừng phòng hộ; rừng tự nhiên là rừng sản xuất có trữ lượng giàu, trung bình nhưng đóng cửa rừng (trừ những khu vực quá xa khu dân cư không thuận lợi cho người dân bảo vệ rừng, chăm sóc rừng).

- Xác định, hướng dẫn cho các hộ tận dụng đất ven sông suối ... để sản xuất nông nghiệp trong khu vực diện tích rừng nhận chăm sóc, bảo vệ và đất được giao để trồng rừng sản xuất (trên diện tích đất không có rừng tại những vị trí thích hợp).

- Toàn bộ các hoạt động lâm sinh khi triển khai thực hiện phải sử dụng nguồn lao động tại địa phương (không sử dụng lao động từ nơi khác đến) để giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người dân và góp phần nâng cao ý thức của người dân trong công tác quản lý bảo vệ rừng.

a.2) Chính sách hỗ trợ sản xuất

- Tổ chức, hướng dẫn, giúp đỡ cho các hộ gia đình thực hiện việc cải tạo đồng ruộng, cải tạo giống cây trồng vật nuôi, thâm canh, cải tạo vườn hộ.

- Khuyến khích phát triển chăn nuôi, mở mang nghề nghiệp, tùy theo điều kiện của địa phương phát triển kinh tế tư nhân, sản xuất vừa và lớn, phát triển nghề nghề phụ…

- Hỗ trợ tiền mua giống, phân bón cho việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi có giá trị kinh tế cao. Đối với hộ nghèo còn được hỗ trợ phát triển chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản và phát triển ngành nghề tiểu, thủ công nghiệp tạo thu nhập được vay vốn với lãi suất 0% (một lần), hỗ trợ 100% tiền vắcxin tiêm phòng các dịch bệnh nguy hiểm đối với gia súc, gia cầm.

a.3) Tăng cường, hỗ trợ cán bộ khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư, dịch vụ bảo vệ thực vật, thú y, vệ sinh an toàn thực phẩm cho các xã nghèo. Bố trí kinh phí khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư cao gấp 2 lần so với mức bình quân chung.

a.4) Khuyến khích, hỗ trợ các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư sản xuất, chế biến kinh doanh trên địa bàn huyện nghèo, xã nghèo.

a.5) Khuyến khích tạo điều kiện và có chính sách ưu đãi thu hút các tổ chức, nhà khoa học trực tiếp nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học công nghệ ở địa bàn.

a.6) Hỗ trợ đào tạo nghề, bồi dưỡng văn hóa, đào tạo định hướng…để lao động huyện nghèo và các xã nghèo, thôn nghèo tham gia xuất khẩu lao động.

b) Chính sách giáo dục, đào tạo, dạy nghề, nâng cao dân trí:

- Bố trí đủ giáo viên cho huyện nghèo, xã nghèo; hỗ trợ xây dựng nhà “bán trú dân nuôi”, nhà ở cho giáo viên ở thôn, buôn; tăng cường, mở rộng chính sách ưu đãi theo hình thức cử tuyển và theo địa chỉ cho học sinh người dân tộc thiểu số, ưu tiên các chuyên ngành nông lâm nghiệp, y tế, đào tạo giáo viên thôn, buôn, trợ giúp pháp lý để nâng cao nhận thức pháp luật.

- Tăng cường dạy nghề gắn với việc làm; đào tạo đội ngũ cán bộ chuyên môn, cán bộ y tế cơ sở cho con em ở các xã nghèo tại các trường đào tạo trong và ngoài tỉnh; ưu tiên tuyển chọn quân nhân hoàn thành nghĩa vụ quân sự là người địa phương để đào tạo, bổ sung cán bộ cho địa phương.

- Tổ chức tập huấn, nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ cơ sở về kiến thức quản lý kinh tế - xã hội; xây dựng và quản lý chương trình, dự án; kỹ năng xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch.

- Tăng cường nguồn lực thực hiện chính sách dân số và kế hoạch hóa gia đình. đẩy mạnh công tác truyền thông, vận động kết hợp cung cấp các dịch vụ kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số của các xã nghèo, thôn nghèo.

c) Chính sách cán bộ đối với huyện nghèo, xã nghèo:

- Thực hiện chính sách luân chuyển và tăng cường cán bộ về huyện nghèo, xã nghèo đảm nhận các cương vị lãnh đạo chủ chốt để tổ chức triển khai thực hiện chương trình.

- Có chế độ hỗ trợ và chế độ đãi ngộ thỏa đáng để thu hút, khuyến khích trí thức trẻ về tham gia tổ công tác tại các xã nghèo.

d) Chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng ở các thôn, xã nghèo:

- Đẩy nhanh thực hiện qui hoạch các điểm dân cư ở những nơi có điều kiện; nâng cao hiệu quả đầu tư.

- Sử dụng nguồn vốn đầu tư phát triển trong cân đối ngân sách hàng năm, vốn trái phiếu Chính phủ, vốn từ các chương trình dự án để đầu tư cho các công trình kinh tế - xã hội tại xã nghèo và thôn nghèo.

e) Triển khai đúng tiến độ việc hỗ trợ về nhà ở cho hộ nghèo theo quy định tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ.

3. Các Sở, Ban ngành phối hợp, hỗ trợ Ủy ban nhân dân huyện Tây Trà cụ thể hóa Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện Tây Trà từ năm 2009 đến năm 2020 đã được phê duyệt, bằng các chương trình, dự án đầu tư phát triển trên địa bàn huyện; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì, phối hợp với các Sở, ban, ngành liên quan lựa chọn, phân khai vốn đầu tư cho các Dự án để tạo điều kiện cho huyện Tây Trà triển khai đạt được các mục tiêu đã đề ra.

D. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Thời gian thực hiện Chương trình là 12 năm từ năm 2009-2020.

2. Phân công trách nhiệm

a. Trách nhiệm của các Sở, ngành:

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực các Chương trình giảm nghèo, chủ trì phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thực hiện, theo dõi, đánh giá hiệu quả Chương trình; Căn cứ hướng dẫn của Trung ương xây dựng và hướng dẫn thực hiện Đề án xuất khẩu lao động; trình ban hành chính sách hỗ trợ học nghề và xuất khẩu lao động ở các huyện nghèo; chỉ đạo ưu tiên đầu tư các cơ sở dạy nghề, tổ chức đào tạo nghề gắn với việc làm và xuất khẩu lao động.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt Đề án giảm nghèo nhanh và bền vững của 6 huyện nghèo. Chủ trì phối hợp với Sở Tài chính, các Sở Ban, ngành và UBND huyện bố trí, lồng ghép các nguồn vốn đầu tư phát triển hàng năm cho các huyện. Nghiên cứu, đề xuất, sửa đổi các quy định về quản lý, đầu tư và đấu thầu cho phù hợp với năng lực của các huyện.

- Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư, Sở Lao động - Thương binh và Xã hội và các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cân đối, phân bổ vốn sự nghiệp; nghiên cứu cụ thể hóa cơ chế tài chính phù hợp với tình hình đặc thù và năng lực tổ chức thực hiện ở các huyện nghèo trong tỉnh.

- Ban Dân tộc: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu UBND tỉnh cụ thể hóa, hướng dẫn triển khai thực hiện có hiệu quả các chương trình, chính sách dân tộc hiện có như: Chương trình 135, Chính sách 134, Trung tâm cụm xã, Quyết định số 32/2007/QĐ-TTg và Quyết định số 33/2007/QĐ-TTg, Chính sách trợ giá trợ cước và Đề án phát triển nguồn lực vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu chỉ đạo hướng dẫn việc quy hoạch sản xuất; quy hoạch bố trí dân cư; chính sách hỗ trợ phát triển sản xuất trên địa bàn các huyện nghèo.

- Bộ chỉ huy quân sự tỉnh: Chủ trì, phối hợp với Sở Y tế và các địa phương liên quan tổ chức đào tạo, tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho y, bác sĩ, cán bộ y tế cơ sở; xây dựng trạm xá quân dân y kết hợp; phối hợp với Tỉnh Đoàn vận động thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc huyện nghèo, để tạo nguồn cán bộ cho địa phương; phối hợp với Sở Lao động - Thương binh và xã hội, các trường dạy nghề để đào tạo nghề đối với bộ đội xuất ngũ và lao động của địa phương; phối hợp với Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch, Công an tỉnh, Bộ chỉ huy Bộ đội Biên phòng tỉnh và các địa phương tổ chức hành quân dã ngoại làm công tác vận động quần chúng, hoạt động văn hóa, văn nghệ, giúp nhân dân xây dựng nếp sống mới, bảo đảm an ninh chính trị và an toàn xã hội trên địa bàn.

- Sở Xây dựng: Chủ trì phối hợp với các Sở, ngành nghiên cứu, cụ thể hóa pháp luật về xây dựng phù hợp với đặc thù và năng lực tổ chức thực hiện ở các huyện nghèo; Thường trực giúp UBND tỉnh xây dựng, trình Trung ương phê duyệt đề án cấp kinh phí hỗ trợ cho số đối tượng là hộ gia đình có công cách mạng và hộ nghèo không thuộc diện 134 và vùng đô thị, thuộc diện hỗ trợ theo Quyết định 167/2008/QĐ-TTg, ngày 12/12/2008 của Thủ tướng Chính phủ về chính sách hỗ trợ hộ nghèo về nhà ở.

- Sở Giao thông Vận tải: Hướng dẫn qui hoạch phát triển giao thông trên địa bàn các huyện nghèo; Phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu ưu tiên bố trí vốn để đầu tư các tuyến tỉnh lộ và giao thông đến trung tâm xã phục vụ phát triển kinh tế và đời sống nhân dân trên địa bàn các huyện nghèo.

- Sở Giáo dục và Đào tạo: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan hướng dẫn thực hiện các chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh ở huyện nghèo; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn xây dựng cơ sở vật chất cho các trường học đạt tiêu chuẩn.

- Sở Y tế: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan tham mưu triển khai thực hiện chính sách ưu đãi về y tế; phối hợp với Sở Tài chính, Sở Kế hoạch và Đầu tư tham mưu UBND tỉnh ưu tiên bố trí vốn cho các dự án đầu tư xây dựng bệnh viện huyện, bệnh viện đa khoa khu vực, các trạm y tế xã ở 6 huyện đạt tiêu chuẩn Quốc gia, tăng cường chỉ đạo công tác dân số và kế hoạch hóa gia đình để nâng cao chất lượng dân số của huyện nghèo.

- Sở Nội vụ: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan trình, ban hành chính sách luân chuyển, tăng cường cán bộ chủ chốt cho các xã; chính sách ưu đãi đặc thù, khuyến khích thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại các xã thuộc huyện nghèo.

- Sở Công thương: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành liên quan triển khai thực hiện chính sách khuyến nông, chính sách thu hút đầu tư phát triển các ngành công nghiệp và hướng dẫn xúc tiến thương mại, quảng bá, giới thiệu sản phẩm của các huyện nghèo.

- Sở Khoa học và công nghệ: Tham mưu đề xuất việc nghiên cứu, ứng dụng và chuyển giao công nghệ; nghiên cứu phát triển các loại cây trồng, vật nuôi có hiệu quả, phù hợp với điều kiện đặc thù của từng huyện nghèo.

- Sở Tư pháp: Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành thực hiện chính sách hỗ trợ pháp lý cho người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số nhằm nâng cao nhận thức, hiểu biết pháp luật.

- Chi nhánh Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Chi nhánh Ngân hàng Chính sách xã hội: Chỉ đạo hướng dẫn thực hiện chính sách tín dụng ưu đãi đối với hộ nghèo, hộ sản xuất kinh doanh và các doanh nghiệp, hợp tác xã, trang trại đầu tư phát triển sản xuất kinh doanh trên địa bàn các huyện nghèo.

- Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh và các tổ chức thành viên gồm: Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh, Hội Nông dân Việt Nam tỉnh, Tỉnh Đoàn, Hội Cựu Chiến binh Việt Nam tỉnh… chỉ đạo các cấp hội cơ sở tổ chức tốt công tác tuyên truyền, vận động hội viên và toàn dân hướng ứng, tham gia các cuộc vận động hỗ trợ, giúp đỡ các huyện nghèo giảm nghèo nhanh và bền vững. Đoàn thanh niên cộng sản Hồ chí Minh tổ chức tốt cuộc vận động phong trào thanh niên, trí thức trẻ tình nguyện đến công tác tại các xã thuộc huyện nghèo.

b. Trách nhiệm của cấp huyện:

- Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững giai đoạn 2009 - 2020 huyện: chịu trách nhiệm chỉ đạo và trực tiếp tổ chức triển khai thực hiện toàn bộ các nội dung của đề án. Phân công trách nhiệm cụ thể cho từng thành viên Ban chỉ đạo chịu trách nhiệm theo lĩnh vực quản lý chuyên ngành.

- Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội: Là cơ quan thường trực Ban chỉ đạo thực hiện Đề án giảm nghèo của huyện có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các cơ quan liên quan, tham mưu cho Ban chỉ đạo và UBND huyện rà soát, xây dựng kế hoạch hàng năm về thực hiện các chính sách đầu tư, hỗ trợ giảm nghèo bền vững. Theo dõi, đánh giá và tổng hợp báo cáo theo quy định. Trực tiếp thực hiện các đề án, kế hoạch về lao động, việc làm, các chính sách xã hội khác thuộc lĩnh vực quản lý.

- Phòng Tài chính - Kế hoạch: Có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan và UBND các xã tham mưu cho UBND huyện, BCĐ huyện xây dựng kế hoạch hàng năm theo phân kỳ đầu tư của đề án, báo cáo UBND tỉnh và các ngành của tỉnh bố trí nguồn lực đầu tư. Phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn, triển khai, giám sát việc đầu tư các chương trình, dự án thành phần.

- Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Phòng Tài nguyên - Môi trường, các ngành liên quan, UBND các xã tham mưu cho UBND huyện xây dựng quy hoạch phát triển nông lâm nghiệp, chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, các vùng sản xuất chuyên canh, các vùng nguyên liệu; xây dựng kế hoạch và tổ chức thực hiện các chương trình, dự án thành phần về nông, lâm, ngư nghiệp, bảo quản, chế biến nông lâm sản, chương trình nông dân và nông thôn.

- Phòng Công Thương: Có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã rà soát, xây dựng quy hoạch phát triển cơ sở hạ tầng, quy hoạch các trung tâm cụm xã và các điểm dân cư tập trung phù hợp với đặc thù của địa phương. Hướng dẫn các quy định của pháp luật về quản lý quy hoạch, quản lý chất lượng các công trình xây dựng. Hướng dẫn thực hiện chính sách khuyến công, thu hút đầu tư phát triển công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp và dịch vụ, xúc tiến thương mại quảng bá giới thiệu sản phẩm. Chủ trì, tổ chức triển khai thực hiện đề án xoá nhà tạm cho các hộ nghèo trên địa bàn huyện ngay trong năm 2009.

- Phòng Tài nguyên - Môi trường: Có trách nhiệm chủ trì phối hợp với Phòng nông nghiệp và PTNT, các ngành liên quan và UBND các xã, thị trấn rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phân bổ sử dụng đất cho sản xuất nông nghiệp, các công trình hạ tầng cơ sở và sắp xếp dân cư, bảo vệ và sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên, bảo vệ môi trường trên địa bàn huyện.

- Phòng Giáo dục và Đào tạo: Có trách nhiệm phối hợp với phòng Nội vụ và các ngành liên quan hướng dẫn các chính sách ưu đãi đối với giáo viên, học sinh, bố trí đủ giáo viên cho các cấp học, rà soát và quy hoạch phát triển mạng lưới trường lớp, nhà bán trú dân nuôi, trường dân tộc nội trú và đội ngũ viên chức giáo dục. Tham mưu việc thực hiện các chương trình đầu tư, hỗ trợ cơ sở vật chất cho các trường học; lập kế hoạch đào tạo theo hình thức cử tuyển, theo địa chỉ.

- Phòng Y tế: Có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan rà soát quy hoạch phát triển mạng lưới y tế cơ sở. Đề xuất, tham mưu cho UBND huyện và Sở Y tế về xây dựng Trung tâm y tế dự phòng, các Phòng khám khu vực, các trạm y tế cơ sở đạt chuẩn quốc gia.

- Phòng Nội vụ: Có trách nhiệm phối hợp với các ngành liên quan, xây dựng kế hoạch triển khai và hướng dẫn thực hiện chính sách đào tạo, luân chuyển và tăng cường cán bộ chủ chốt cho cơ sở. Tổ chức thực hiện chính sách ưu đãi, khuyến khích, thu hút trí thức trẻ, cán bộ chuyên môn kỹ thuật về làm việc tại địa phương, xây dựng quy hoạch đào tạo dài hạn, ngắn hạn và tập huấn nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ từ huyện đến cơ sở.

- Trạm Khuyến nông: Có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã, thị trấn xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư; xây dựng Trung tâm khuyến nông thành nơi chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân.

- Ban quản lý rừng phòng hộ: Có trách nhiệm phối hợp với UBND các xã, xây dựng kế hoạch và triển khai thực hiện việc giao rừng cho cá nhân, hộ gia đình chăm sóc bảo vệ; thực hiện kế hoạch trồng rừng phòng hộ trên địa bàn.

- Cơ quan Quân sự huyện: Phối hợp với Công an huyện và các ngành liên quan tổ chức rà soát, xây dựng kế hoạch, đăng ký nhu cầu với Bộ chỉ huy quân sự tỉnh để cử đối tượng đi đào tạo nâng cao trình độ chuyên môn nghiệp vụ cho lực lượng y, bác sỹ, cán bộ y tế cơ sở, bộ đội xuất ngũ tại các cơ sở đào tạo của Bộ Quốc phòng.

- Phòng Văn hoá - Thông tin: Chủ trì phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã tham mưu cho UBND huyện rà soát, xây dựng quy hoạch, kế hoạch phát triển ngành văn hóa - du lịch, mạng lưới truyền thông trên địa bàn huyện. Hướng dẫn Đài Truyền thanh - Phát lại truyền hình huyện tổ chức tuyên truyền sâu rộng các nội dung và ý nghĩa của Đề án đến toàn thể cán bộ và nhân dân trong huyện. Tham mưu cho UBND huyện xây dựng các thiết chế văn hoá cơ sở, góp phần giữ gìn bản sắc văn hóa các dân tộc, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân, làm động lực để thúc đẩy phát triển kinh tế, xã hội.

- Văn phòng HĐND và UBND: Chủ trì, phối hợp với các ngành liên quan, UBND các xã tham mưu cho UBND huyện quản lý và chỉ đạo thực hiện các chính sách đối với đồng bào vùng dân tộc, miền núi, như: Chương trình 134, 135, Quyết định 33 và các chính sách khác có liên quan, đảm bảo hiệu quả. Chịu trách nhiệm chính về phối hợp với cơ quan Thường trực Ban chỉ đạo Chương trình giảm nghèo nhanh và bền vững huyện, Phòng Tài chính-Kế hoạch trong việc tham mưu cho UBND huyện xây dựng kế hoạch hàng năm, 5 năm.

c. Trách nhiệm của cấp xã:

Phối hợp chặt chẽ với các ngành chức năng rà soát, xây dựng kế hoạch đầu tư, hỗ trợ hàng năm theo thứ tự ưu tiên trình UBND huyện thẩm định và xem xét phê duyệt; chủ động và phối hợp tổ chức thực hiện kế hoạch hàng năm của Đề án trên địa bàn quản lý. Tăng cường công tác tuyên truyền, vận động nhân dân thực hiện tốt các nội dụng và mục tiêu của đề án.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc các Sở: Lao động Thương binh và Xã hội, Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Giao thông Vận tải, Nông nghiệp - Phát triển nông thôn, Nội vụ, Công Thương, Y tế, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Khoa học - Công nghệ; Trưởng Ban Dân tộc; Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh; Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp - Phát triển nông thôn Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi; Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội Chi nhánh tỉnh Quảng Ngãi; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện Tây Trà; Thủ trưởng các Hội, đoàn thể tỉnh và các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. UỶ BAN NHÂN DÂN
 CHỦ TỊCH




Nguyễn Xuân Huế