Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH
******

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 36/2000/QĐ-UB-VX

TP.Hồ Chí Minh, ngày 30 tháng 05 năm 2000 

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA UBND THÀNH PHỐ VỀ DUYỆT QUY HOẠCH PHÁT TRIỂN MẠNG LƯỚI NGÀNH VĂN HÓA THÔNG TIN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH ĐẾN NĂM 2010.

ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ HỒ CHÍ MINH

Căn cứ Luật tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 21 tháng 6 năm 1994;
Căn cứ Quyết định số 123/1998/QĐ-TTg ngày 10 tháng 7 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2020;
Căn cứ quy chuẩn xây dựng (phần quy định chung và quy hoạch xây dựng) ngày 14 tháng 12 năm 1996 của Bộ Xây dựng ban hành;
Căn cứ Thông báo số 811-TB/TU ngày 29 tháng 4 năm 1999 của Ban thường vụ Thành Ủy về quy hoạch phát triển cơ sở vật chất ngành Văn hóa thông tin đến năm 2010;
Theo đề nghị của Sở Văn hóa và Thông tin thành phố tại Tờ trình số 1900/CV-SVHTT ngày 22 tháng 9 năm 1999 và ý kiến của Kiến trúc sư trưởng thành phố tại Công văn số 13236/KTST-KT ngày 01 tháng 11 năm 1999;

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Phê duyệt quy hoạch phát triển mạng lưới ngành Văn hóa thông tin thành phố Hồ Chí Minh đến năm 2010 với nội dung chính như sau :

1. Mục tiêu nghiên cứu quy hoạch :

- Gắn chặt chiến lược xây dựng, phát triển văn hóa với chiến lược xây dựng phát triển kinh tế - xã hội của thành phố.

- Tập trung mục tiêu Văn hóa cho nhân dân, cơ sở phục vụ được đại đa số.

- Xây dựng cơ sở vật chất cho ngành Văn hóa thông tin theo dạng đa trung tâm, đa năng, triệt để khai thác những cơ sở vật chất hiện có và phát huy những mặt tích cực trong thời gian qua.

- Mục tiêu giữ đất cho quy hoạch cơ sở vật chất của ngành Văn hóa thông tin dài hạn đến năm 2010 và những năm tiếp theo.

2. Ranh giới và quy mô :

- Bao gồm toàn bộ phạm vi thành phố Hồ Chí Minh rộng 209.360,7 ha phân chia theo các nhóm :

Khu vực 12 quận nội thành cũ;

Khu vực 5 quận mới gồm các quận 2, 7, 9, 12 và Thủ Đức;

Khu vực 5 huyện gồm các huyện Hóc Môn, Củ Chi, Bình Chánh, Nhà Bè và Cần Giờ.

3. Các chỉ tiêu và nhu cầu sử dụng đất :

- Tiêu chuẩn sử dụng đất cho các công trình văn hóa đô thị cấp quận (quy mô dân số ³ 200.000 người) : 0,4 - 0,6 m2/người.

- Các công trình văn hóa giải trí cấp phường, xã : 0,1 m2/người.

- Phân bố chỉ tiêu cụ thể cho các loại công trình :

Nhà Văn hóa : 0,05 - 0,06 m2/người.

Cung văn hóa thiếu nhi : 0,05 - 0,08 m2/người.

Thư viện : 0,03 - 0,04 m2/người.

Nhà biểu diễn nghệ thuật : 0,07 - 0,10 m2/người.

Rạp biểu diễn chuyên ngành xiếc, rối : 0,02 - 0,06 m2/người.

Rạp chiếu phim : 0,05 - 0,1 m2/người.

Nhà truyền thống - bảo tàng - triển lãm : 0,1 - 0,15 m2/người.

- Tổng diện tích đất dành cho các công trình văn hóa thông tin chiếm 560 ha, đạt chỉ tiêu 0,56 m2/người (theo đồ án điều chỉnh quy hoạch chung thành phố Hồ Chí Minh đã được phê duyệt).

- Diện tích đất dành cho các hoạt động văn hóa khác gồm :

Xuất bản - in ấn : 20 - 30 ha trong các khu công nghiệp.

Phát hành sách : 5 ha trong khu dân cư và dịch vụ - thương mại.

Điện ảnh (xưởng phim) : 25 ha trong khu công viên cây xanh.

Bảo tàng (xây dựng mới) : 10 ha trong khu công viên cây xanh.

Trung tâm thông tin - triển lãm : 10 ha trong trung tâm thành phố.

Các loại hình khác : 30 ha.

Tổng nhu cầu : 100 ha.

Trên đây chưa tính đến các khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, các khu bảo tồn, di tích lịch sử - văn hóa, rừng sinh thái,.v.v...

4. Định hướng phát triển ngành Văn hóa thông tin thành phố đến năm 2010 :

4.1. Lĩnh vực xuất bản, in ấn, báo chí, phát hành sách :

- Tổ chức lại hệ thống phát hành sách, báo trên địa bàn thành phố cho phù hợp, hình thành các trung tâm phát hành sách tại các huyện và quận mới thành lập.

- Bố trí tập trung một số cơ sở in ấn lớn trong khu công nghiệp, tạo điều kiện cho phát triển và quản lý ngành in, đảm bảo môi trường, môi sinh.

4.2. Lĩnh vực bảo tồn, bảo tàng :

- Tiếp tục nghiên cứu lập danh mục các di tích lịch sử, văn hóa, kiến trúc, các khu vực sinh thái, danh lam thắng cảnh để có biện pháp bảo vệ; tôn tạo giữ gìn, đầu tư nâng cấp và đưa vào khai thác với mục đích gắn giáo dục truyền thống với yêu cầu tham quan du lịch trong và ngoài nước.

- Về bảo tàng :

Đầu tư nâng cấp Bảo tàng Cách mạng trở thành Bảo tàng thành phố Hồ Chí Minh mang tính tổng hợp về tự nhiên, lịch sử, văn hóa, con người của thành phố, gắn với lịch sử và văn hóa đất nước Việt Nam.

Nâng cấp Bảo tàng Hồ Chí Minh - Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng Tôn Đức Thắng, Bảo tàng Lịch sử Việt Nam - thành phố Hồ Chí Minh, Bảo tàng chứng tích chiến tranh, Bảo tàng mỹ thuật, Bảo tàng phụ nữ Nam bộ.

Nghiên cứu để từng bước xây dựng mới các bảo tàng chuyên ngành về khoa học - kỹ thuật, nghệ thuật sân khấu, dân tộc học,...

4.3. Lĩnh vực điện ảnh, biểu diễn nghệ thuật :

- Hình thành một phim trường với quy mô bước đầu 25 ha (mở rộng 50 ha) tại quận 9.

- Cải tạo, nâng cấp các rạp hát, rạp chiếu phim thành các cụm hoạt động nghệ thuật tổng hợp.

- Từng bước đầu tư xây dựng một số rạp biểu diễn nghệ thuật chuyên ngành (rạp xiếc, múa rối và múa rối nước).

- Cải tạo, nâng cấp sân bóng đá Hoa Lư thành sân khấu ngoài trời quy mô 10.000 chỗ kết hợp với hoạt động bóng đá.

- Chuyển trụ sở Công ty xổ số kiến thiết thành Nhà hát giao hưởng vũ kịch thành phố, bố trí một rạp hát có vị trí và quy mô tương xứng tại đường Trần Hưng Đạo để làm trụ sở Công ty xổ số kiến thiết.

4.4. Lĩnh vực thông tin, quảng cáo :

- Củng cố và phát huy các đội thông tin lưu động quận- huyện

- Hình thành Trung tâm triển lãm thành phố tại số 158 E-D, đường Đồng Khởi, quận 1.

- Bố trí lại mạng lưới quảng cáo chung và quảng cáo điện tử.

4.5. Lĩnh vực thư viện :

- Mở rộng và nâng cấp mạng lưới thư viện trên các địa bàn quận -huyện.

- Có kế hoạch xây dựng mới một hệ thống thư viện hiện đại. Trước mắt nâng cấp cơ sở vật chất, tăng cường thêm trang thiết bị và tư liệu cho Thư viện khoa học tổng hợp thành phố nhằm tăng khả năng phục vụ độc giả thành phố và khu vực.

4.6. Lĩnh vực mỹ thuật :

- Hình thành trung tâm trưng bày mỹ thuật mang tính thương mại và giáo dục.

- Tu sửa các tượng đài đang có trên địa bàn thành phố.

- Xây dựng mới một số tượng đài (bao gồm tượng lịch sử, danh nhân, nghệ thuật, trang trí, các biểu tượng,....) tại các quảng trường, khu trung tâm, nút giao thông quan trọng, công viên và những nơi có cảnh quan đẹp.

4.7. Lĩnh vực văn hóa cơ sở, công viên và khu vui chơi giải trí :

- Đầu tư xây dựng các công viên như :

Khu bảo tồn sinh thái rừng Sác.

Công viên Lịch sử - văn hóa các dân tộc.

Công viên đô thị Nam Sài Gòn.

Thảo cầm viên mới của thành phố tại quận 9.

Công viên hồ Vĩnh Lộc tại huyện Bình Chánh.

- Đầu tư xây dựng mới các trung tâm văn hóa tại 5 quận mới và các quận - huyện chưa có trung tâm văn hóa đủ tiêu chuẩn, nâng cấp trung tâm văn hóa các quận- huyện khác.

- Hình thành mạng lưới các cụm văn hóa phục vụ liên phường ở các quận mới và liên xã ở các huyện.

5. Quy hoạch xây dựng đợt đầu (đến năm 2005) :

5.1. Công trình đã có chủ trương đầu tư :

- Tầng hầm đền Bến Dược.

- Khu tưởng niệm Ngã Ba Giồng.

- Nhà tưởng niệm cầu Bến Nọc.

- Trung tâm triển lãm thành phố.

- Trường quay ngoại cảnh 8 ha (quận 4).

- Nâng cấp bảo tàng Hồ Chí Minh-Chi nhánh thành phố Hồ Chí Minh.

- Trung tâm sinh hoạt văn hóa quận Gò Vấp.

5.2. Công trình đầu tư mới bằng nguồn vốn ngân sách :

- Khu tưởng niệm các Vua Hùng (công viên lịch sử văn hóa dân tộc).

- Khu bảo tồn sinh thái rừng Sác (huyện Cần Giờ).

- Tượng đài Thống Nhất tại Công viên 30/4.

- Bảo tàng chứng tích chiến tranh.

- Rạp xiếc thành phố.

- Nhà thông tin báo chí thành phố.

- Trung tâm văn hóa các quận 6, 8, 9, 12 và huyện Cần Giờ.

- 12 cụm văn hóa liên phường, liên xã.

- Trung tâm văn hóa thành phố.

5.3. Công trình đầu tư mới bằng nguồn vốn huy động và liên doanh liên kết :

- Phim trường thành phố.

- Trung tâm trưng bày mỹ thuật thành phố.

- Dự án khu vui chơi, giải trí Nam Sài Gòn; dự án liên hợp thể thao Láng Le và công viên hồ Vĩnh Lộc (huyện Bình Chánh).

- Rạp chiếu phim hiện đại.

- Mạng lưới cửa hàng sách.

Điều 2. Việc quản lý theo quy hoạch phát triển mạng lưới ngành Văn hóa thông tin trên địa bàn thành phố Hồ Chí Minh cần lưu ý những vấn đề sau:

- Cần tiến hành kiểm tra, thống kê những cơ sở vật chất của ngành hiện đang sử dụng sai mục đích, kém hiệu quả, bị xuống cấp và đề xuất biện pháp thu hồi, thanh lý hay chuyển đổi để tạo nguồn vốn đầu tư cho các công trình có phương án khả thi được duyệt.

- Cần nhanh chóng xây dựng phương án giữ đất theo quy hoạch được duyệt. Về lâu dài, đất được xác định để xây dựng các công trình văn hóa nhưng giai đoạn trước mắt có thể cho thuê khai thác vào các mục đích khác có thời hạn phù hợp.

Điều 3. Sở Văn hóa và Thông tin thành phố chịu trách nhiệm phối hợp với Kiến trúc sư trưởng thành phố, các sở - ngành liên quan và Ủy ban nhân dân các quận - huyện tiến hành nghiên cứu các chương trình đầu tư, các dự án xây dựng cụ thể nhằm thực thi có hiệu quả quy hoạch được phê duyệt.

Điều 4. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân thành phố, Giám đốc sở Văn hóa và Thông tin thành phố, Kiến trúc sư trưởng thành phố, Giám đốc sở Kế hoạch và Đầu tư thành phố, Giám đốc sở Tài chánh - Vật giá thành phố, Giám đốc sở Địa chính - Nhà đất thành phố, Giám đốc sở Xây dựng thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân các quận - huyện và các sở - ngành liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 


Nơi nhận :
- Như điều 4
- Bộ Văn hóa thông tin
- Thường trực Thành Ủy
- TT/HĐND.TP
- TTUBND.TP
- Ban TTVH/TU
- Ban VHXH HĐND.TP
- Viện Quy hoạch xây dựng TP
- VPUB : CPVP
- Tổ DA,ĐT, VX
- Lưu

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN THÀNH PHỐ
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH/THƯỜNG TRỰC




Lê Thanh Hải