Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH LÂM ĐỒNG
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số : 36/2005/QĐ-UB

Đà Lạt, ngày 04 tháng 02 năm 2005

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH BẢN QUY ĐỊNH CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC CỦA SỞ XÂY DỰNG TỈNH LÂM ĐỒNG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH LÂM ĐỒNG

- Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng Nhân dân và uỷ ban Nhân dân ngày 26/11/2003;

- Căn cứ Thông tư liên tịch số: 01/2004/TTLT/BXD-BNV ngày 16/01/2004 của Liên bộ Bộ Xây dựng và Bộ Nội vụ, V/v Hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của cơ quan chuyên môn giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước ngành Xây dựng tại địa phương;

- Xét đề nghị của Sở Xây dựng tại tờ trình số: 768/TTr-XD ngày 03 tháng 11 năm 2004, V/v quyết định ban hành Bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Xây dựng;

- Theo đề nghị của Sở Nội vụ tỉnh Lâm Đồng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1: Ban hành kèm theo quyết định này bản quy định " chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức bộ máy của Sở Xây Dựng Lâm Đồng".

Điều 2: Bản quy định này có hiệu lực kể từ ngày ký, các quy định trước đây trái với quy định này đều không còn hiệu lực thi hành.

Điều 3: Các ông: Chánh văn phòng UBND tỉnh, Giám đốc Sở Nội vụ: Giám đốc Sở Xây Dựng Lâm Đồng, Thủ trưởng các Sở, ban, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thị xã Bảo Lộc và Thành phố Đà Lạt chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

T/M. UBND TỈNH LÂM ĐỒNG
CHỦ TỊCH




Huỳnh Đức Hòa

 

BẢN QUY ĐỊNH

CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ QUYỀN HẠN VÀ CƠ CẤU TỔ CHỨC BỘ MÁY CỦA SỞ XÂY DỰNG LÂM ĐỒNG
( Ban hành kèm theo quyết định số 36/2005/QĐ - UB ngày 04/02/2005 của Uỷ ban Nhân dân tỉnh Lâm Đồng)

A/ VỊ TRÍ, CHỨC NĂNG:

- Sở Xây dựng là cơ quan chuyên môn thuộc UBND tỉnh, có chức năng tham mưu giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước Ngành Xây dựng tại địa phương gồm các lĩnh vực: xây dựng, vật liệu xây dựng, nhà ở và công sở, kiến trúc - quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, hạ tầng kỹ thuật đô thị (hè đường đô thị, cấp-nước, thoát nước, chiếu sáng công viên cây xanh, rác thải đô thị, nghĩa trang, bãi đỗ xe trong đô thị).

Sở Xây dựng chịu sự quản lý về tổ chức, biên chế và hoạt động của UBND tỉnh; đồng thời chịu sự chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm tra về chuyên môn nghiệp vụ của Bộ Xây dựng các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý Nhà nước của Bộ.

B/ NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN:

1/ Trình UBND tỉnh ban hành các quyết định, chỉ thị về lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

2/ Trình UBND tỉnh quy hoạch phát triển, kế hoạch dài hạn, 5 năm và hàng năm, các chương trình, dự án, công trình xây dựng quan trọng thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở phù hợp với quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, quy hoạch vùng và quy hoạch phát triển ngành, chuyên ngành cả nước, chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện sau khi được phê duyệt;

3/ Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình thực hiện các văn bản quy phạm pháp luật, các chế độ chính sách, các quy chuẩn, tiêu chuẩn. định mức kinh tế - kỹ thuật thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật; tuyên truyền. phổ biến thông tin, giáo dục pháp luật về các lĩnh vực quản lý của Sở.

I/ VỀ QUẢN LÝ XÂY DỰNG:

1/ Trình UBND tỉnh quy định việc phân công, phân cấp và uỷ quyền quản lý đầu tư xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật;

Hướng dẫn việc kiểm tra thực hiện các quyết định của UBND tỉnh về phân công, phân cấp và uỷ quyền quản lý đầu tư xây dựng;

2/ Hướng dẫn, kiểm tra các tổ chức, cá nhân trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về đầu tư xây dựng công trình theo phân cấp và phân công của Uỷ ban Nhân dân tỉnh;

Chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện quản lý các dự án đầu tư xây dựng công trình do Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao;

Thẩm định và chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định thiết kế cơ sở các dự án đầu tư xây dựng công trình do Uỷ ban Nhân dân tỉnh giao;

3/ Hướng dẫn, kiểm tra công tác đấu thầu trong xây dựng (tư vấn, xây lắp, giám sát) đối với các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh theo quy định của pháp luật;

4/ Trình Uỷ ban Nhân dân tỉnh quy định việc phân cấp quản lý chất lượng công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Tỉnh;

- Giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về chất lượng công trình xây dựng của địa phương.

- Theo dõi, tổng hợp và báo cáo tình hình quản lý chất lượng công trình của các Bộ, ngành, tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng trên địa bàn.

- Tổ chức thực hiện việc giám định chất lượng công trình xây dựng, giám định các sự cố công trình xây dựng của địa phương theo phân cấp và phân công của Uỷ ban Nhân dân tỉnh;

5/ Cấp, thu hồi các loại chứng chỉ, giấy phép theo quy định của pháp luật; cấp, thu hồi giấy phép xây dựng theo uỷ quyền của UBND Tỉnh, hướng dẫn UBND cấp huyện, xã, trong việc cấp, thu hồi giấy phép xây dựng thuộc thẩm quyền của UBND cấp huyện, xã;

6/ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện các quy định của pháp luật về điều kiện năng lực hoạt động xây dựng, năng lực hành nghề, tổng hợp tình hình, năng lực hơn động xây dựng, năng lực hành nghề của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động xây dựng trên địa bàn tỉnh;

7/ Hướng dẫn và tổ chức thực hiện việc quản lý, sử dụng, lưu trữ hồ sơ tài liệu khảo sát, thiết kế xây dựng và hồ sơ hoàn công công trình xây dựng của tỉnh theo quy định của pháp luật;

8/ Trình UBND tỉnh ban hành bộ đơn giá XDCB tại địa phương, thông báo giá vật tư VLXD đến chân công trình;

Trình Bộ Xây dựng sửa đổi, bổ sung hoặc cho phép áp dụng định mức kinh tế - kỹ thuật mới hoặc đặc thù cho các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh.

II/ VỀ QUẢN LÝ VẬT LIỆU XÂY DỰNG:

1/ Trình UBND tỉnh các cơ chế chính sách khuyến khích phát triển công nghiệp vật liệu xây dựng:

2/ Phối hợp với các cơ quan có liên quan kiểm tra, theo dõi tổng hợp tình hình đầu tư, khai thác sản xuất vật liệu xây dựng của các tổ chức, cá nhân trên địa bàn, tìm hiểu, phổ biến và hướng dẫn sử dụng các loại VLXD mới, công nghệ mới;

3/ Hướng dẫn, kiểm tra việc sử dụng vật liệu hợp chuẩn trong các công trình xây dựng thuộc thẩm quyền quản lý của Tỉnh.

III/ VỀ QUẢN LÝ NHÀ Ở VÀ CÔNG SỞ

1/ Giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý Nhà nước về nhà ở và công sở;

2/ Hướng dẫn, kiểm tra, đánh giá và tổng hợp tình hình đầu tư phát triển, quản lý khai thác, sử dụng quỹ nhà thuộc SHNN và công sở trên địa bàn, hướng dẫn việc thực hiện thiết kế mẫu, thiết kế điển hình, chế độ bảo hành, bảo trì nhà công vụ, công sở của các cơ quan, tổ chức tại địa phương;

3/ Tổ chức thực hiện việc điều tra, thống kê về hiện trạng nhà ở, công sở, tổng hợp tình hình đăng ký, cấp quyền sở hữu nhà và đề xuất bố trí, chuyển giao công sở trên địa bàn;

4/ Giúp UBND tỉnh tổ chức thực hiện các cơ chế, chính sách về quản lý và phát triển thị trường nhà ở.

IV/ VỀ QUẢN LÝ KIẾN TRÚC, QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐÔ THỊ, QUY HOẠCH XÂY DỰNG ĐIỂM DÂN CƯ NÔNG THÔN:

1/ Trình UBND tỉnh việc phân công, phân cấp quản lý kiến trúc, quy hoạch xây dựng đô thị, quy hoạch xây dựng điểm dân cư nông thôn, quy hoạch xây dựng khác thuộc thẩm quyền quản lý của địa phương;

2/ Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh phê duyệt theo thẩm quyền hoặc chuẩn bị hồ sơ để UBND tỉnh trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt các đề án phân loại và công nhận loại đô thị, các đồ án quy hoạch xây dựng vùng trong tỉnh, quy hoạch xây dựng đô thị và các đồ án quy hoạch xây dựng khác theo quy định của pháp luật, chịu trách nhiệm về kết quả thẩm định các đồ án do Sở chủ tư thực hiện;

- Phê duyệt các đồ án quy hoạch xây dựng chi tiết theo uỷ quyền của Uỷ ban Nhân dân tỉnh;

- Hướng dẫn, kiểm tra UBND cấp huyện, xã, trong việc tổ chức lập, thẩm định, phê duyệt và quản lý các đồ án quy hoạch xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn trên địa bàn theo phân cấp, bảo đảm phù hợp, thống nhất với quy hoạch xây dựng chung đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt;

3/ Quản lý và chịu trách nhiệm về kiến trúc, quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt tại địa phương, gồm: phối hợp tổ chức công bố quy hoạch xây dựng đã được phê duyệt; tổ chức quản lý các mốc giới, chỉ giới xây dựng, cất xây dựng. Cung cấp thông tin về kiến trúc, quy hoạch xây dựng, giới thiệu địa điểm, thẩm định phương án kiến trúc cho các dự án đầu tư xây dựng;

4/ Hướng dẫn, kiểm tra việc khai thác, sử dụng đất xây dựng đô thị, điểm dân cư nông thôn theo quy hoạch xây dựng được duyệt, giúp UBND tỉnh thống nhất quản lý quy hoạch xây dựng hai bên đường giao thông (gồm quốc lộ, đường liên tỉnh, đường liên huyện, liên xã, đường sắt) theo quy định của pháp luật;

5/ Hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện quy định của pháp luật về điều kiện hành nghề kiến trúc sư và quyền tác giả đối với tác phẩm kiến trúc trên địa bàn.

V/ VỀ QUẢN LÝ HẠ TẦNG KỸ THUẬT ĐÔ THỊ:

1/ Trình UBND tỉnh quy định việc phân cấp quản lý khai thác công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị thuộc thẩm quyền quản lý của tỉnh;

2/ Trình UBND tỉnh các cơ chế, chính sách huy động các nguồn lực, khuyến khích xã hội hoá việc đầu tư phát triển, quản lý vận hành, khai thác và cung cấp các dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị;

3/ Hướng dẫn, kiểm tra, tổng hợp tình hình quản lý đầu tư xây dựng, sửa chữa các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị trên địa bàn theo phân cấp của UBND tỉnh.

4/ Chịu trách nhiệm thực hiện các nhiệm vụ về quản lý đầu tư xây dựng các công trình hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật và phân công của UBND tỉnh;

5/ Phối hợp hướng dẫn, kiểm tra việc thực hiện vệ sinh, môi trường đô thị trên địa bàn;

6/ Chủ trì thẩm định, trình UBND tỉnh các loại đơn giá, phí giá dịch vụ hạ tầng kỹ thuật đô thị theo quy định của pháp luật;

7/ Hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của các dịch vụ công thuộc các lĩnh vực quản lý của Sở; quản lý và chỉ đạo hoạt động đối với các tổ chức sự nghiệp thuộc Sở;

8/ Giúp UBND tỉnh quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế tập thể và kinh tế tư nhân các hội và tổ chức phi Chính phủ hoạt động trong các lĩnh vực quản lý của Sở theo quy định của pháp luật;

9/ Giúp UBND tỉnh chỉ đạo, hướng dẫn UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước về Ngành Xây dựng;

10/ Thanh tra, kiểm tra việc thi hành pháp luật, giải quyết khiếu nại, tố cáo, chống tham nhũng, tiêu cực và xử lý các vi phạm pháp luật về các lĩnh vực thuộc thẩm quyền quản lý Nhà nước của Sở theo quy định của pháp luật,

11/ Báo cáo định kỳ 6 tháng, một năm và đột xuất tình hình thực hiện nhiệm vụ về các lĩnh vực được phân công cho UBND tỉnh, Bộ Xây dựng và các cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật;

12/ Quản lý tổ chức bộ máy, biên chế cán bộ-công chức-viên chức theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND Tỉnh, tổ chức đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn nghiệp vụ và phát triển nguồn nhân lực Ngành Xây dựng tại địa phương;

13/ Quản lý tài chính, tài sản được giao và tổ chức thực hiện ngân sách được phân bổ theo quy định của pháp luật và phân cấp của UBND tỉnh;

14/ Thực hiện các nhiệm vụ khác theo sự phân công của UBND tỉnh.

C/ CƠ CẤU, TỔ CHỨC BỘ MÁY, BIÊN CHẾ CỦA SỞ XÂY DỰNG:

1/ Sở Xây dựng có Giám đốc Sở và không quá 03 Phó giám đốc Sở;

2/ - Giám đốc Sở là người đứng đầu Sở, chịu trách nhiệm trước UBND tỉnh về các hoạt động của Sở;

- Phó giám đốc Sở là người giúp Giám đốc Sở phụ trách một hoặc một số lĩnh vực công tác và chịu trách nhiệm trước Giám đốc Sở về nhiệm vụ được phân công theo quy định của pháp luật;

3/ Các phòng, ban giúp việc Giám đốc Sở có:

- Văn phòng;

- Thanh tra;

- Phòng quản lý quy hoạch-kiến trúc;

- Phòng quản lý xây dựng;

- Phòng quản lý nhà;

- Phòng kinh tế - kế hoạch.

Mỗi phòng ban có Trưởng phòng và 01 Phó trưởng phòng. Trường hợp cần thiết không quá 02 Phó trưởng phòng.

4/ Sở có đơn vị sự nghiệp trực thuộc do UBND tỉnh quyết định theo đề nghị của Sở Xây dựng và Sở Nội vụ;

5/ Biên chế của Sở Xây dựng thuộc biên chế quản lý Nhà nước do UBND tỉnh giao hàng năm, biên chế của các phòng, ban giúp việc thuộc Sở do Giám đốc Sở xem xét quyết định trong tổng số biên chế của UBND tỉnh giao;

6/ - Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Giám đốc Sở theo tiêu chuẩn chức danh do Bộ Xây dựng ban hành và quy định của Đảng và Nhà nước về phân cấp quản lý cán bộ, công chức;

Việc bổ nhiệm, miễn nhiệm Phó giám đốc Sở, Trưởng phó phòng và tương đương thuộc Sở Xây dựng thực hiện theo tiêu chuẩn chức danh quy định hiện hành của Đảng, Nhà nước và phân cấp quản lý cán bộ, công chức hiện hành./.