Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HẬU GIANG
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 36/2013/QĐ-UBND

Vị Thanh, ngày 25 tháng 11 năm 2013

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH PHÂN CẤP QUẢN LÝ VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HẬU GIANG

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của HĐND, UBND ngày 03 tháng 12 năm 2004;

Căn cứ Luật Viên chức ngày 15 tháng 11 năm 2010;

Căn cứ Nghị định số 27/2012/NĐ-CP ngày 06 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ Quy định về xử lý kỷ luật viên chức và trách nhiệm bồi thường, hoàn trả của viên chức;

Căn cứ Nghị định số 29/2012/NĐ-CP ngày 12 tháng 4 năm 2012 của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức;

Căn cứ Nghị định số 41/2012/NĐ-CP ngày 08 tháng 5 năm 2012 của Chính phủ Quy định về vị trí việc làm trong đơn vị sự nghiệp công lập; Xét đề nghị của Giám đốc Sở Nội vụ,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định phân cấp quản lý viên chức trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Nội vụ; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Trần Công Chánh

 

QUY ĐỊNH

VỀ PHÂN CẤP QUẢN LÝ VIÊN CHỨC TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HẬU GIANG
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36/2013/QĐ-UBND ngày 25 tháng 11 năm 2013 của UBND tỉnh Hậu Giang)

Chương 1.

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng

1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về phân cấp thẩm quyền tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức trong các đơn vị sự nghiệp công lập trên địa bàn tỉnh Hậu Giang.

2. Đối tượng áp dụng

a) Các sở, ban, ngành tỉnh; UBND cấp huyện.

b) Đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh.

c) Đơn vị sự nghiệp trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh, thuộc Chi cục trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh; thuộc UBND cấp huyện và cơ quan chuyên môn cấp huyện.

Điều 2. Nội dung phân cấp quản lý

1. Phân cấp quản lý viên chức: là sự phân định thực hiện chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền, trách nhiệm của các sở, ban, ngành tỉnh; UBND huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, phù hợp với năng lực, điều kiện thực tế của tỉnh Hậu Giang, nhằm đạt mục tiêu chung là nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý Nhà nước.

Trong phạm vi nhiệm vụ, thẩm quyền được phân cấp các cơ quan, đơn vị tăng cường quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm đối với công việc của mình được cấp có thẩm quyền giao; đồng thời, tổ chức quản lý, sử dụng viên chức theo thẩm quyền và theo quy định pháp luật góp phần bảo đảm sự thống nhất quản lý từ cấp tỉnh đến cấp huyện và đơn vị sự nghiệp công lập.

2. Đơn vị sử dụng viên chức: là đơn vị có thẩm quyền quản lý chuyên môn nghiệp vụ đối với viên chức, bố trí phân công, giao việc phù hợp với vị trí việc làm gắn với tiêu chuẩn chức danh, tuyển dụng, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, thực hiện các chính sách, chế độ theo quy định pháp luật.

3. Nội dung phân cấp: tuyển dụng, hợp đồng lao động; tiếp nhận, điều động, biệt phái, thay đổi chức danh nghề nghiệp; nâng bậc lương; bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, thăng hạng chức danh nghề nghiệp; nghỉ hưu, thôi việc; khen thưởng, kỷ luật; hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm; lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ viên chức.

Điều 3. Các nguyên tắc quản lý viên chức

1. Bảo đảm sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản Việt Nam và sự thống nhất quản lý của Nhà nước.

2. Bảo đảm quyền chủ động và đề cao trách nhiệm của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập.

3. Việc tuyển dụng, sử dụng, quản lý, đánh giá viên chức được thực hiện trên cơ sở tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp, vị trí làm việc và căn cứ vào hợp đồng làm việc.

4. Thực hiện nguyên tắc tập trung dân chủ, chế độ trách nhiệm cá nhân và phân công, phân cấp rõ ràng.

5. Thực hiện bình đẳng giới, các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với viên chức là người có tài năng, người dân tộc thiểu số, người có công với cách mạng, viên chức làm việc vùng sâu, vùng xa, vùng dân tộc thiểu số và chính sách ưu đãi khác của Nhà nước đối với viên chức.

Điều 4. Các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp của viên chức

Hoạt động nghề nghiệp của viên chức là việc thực hiện công việc hoặc nhiệm vụ có yêu cầu về trình độ, năng lực, kỹ năng chuyên môn, nghiệp vụ trong đơn vị sự nghiệp công lập theo quy định của pháp luật. Viên chức phải tuân thủ các nguyên tắc trong hoạt động nghề nghiệp:

1. Tuân thủ pháp luật, chịu trách nhiệm trước pháp luật trong quá trình thực hiện hoạt động nghề nghiệp.

2. Tận tụy phục vụ nhân dân.

3. Tuân thủ quy trình, quy định chuyên môn, nghiệp vụ, đạo đức nghề nghiệp và quy tắc ứng xử.

4. Chịu sự thanh tra, kiểm tra, giám sát của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền và của nhân dân.

Chương 2.

NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN TRONG QUẢN LÝ VIÊN CHỨC

Điều 5. Trách nhiệm và quyền hạn của Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND cấp huyện

1. Tuyển dụng viên chức, hợp đồng lao động:

a) Thực hiện việc tuyển dụng viên chức đối với các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc gồm:

- Xây dựng kế hoạch tuyển dụng, đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt và tổ chức thi hoặc xét tuyển viên chức;

- Thẩm định kế hoạch tuyển dụng viên chức của các đơn vị sự nghiệp trực thuộc được giao quyền tự chủ.

- Đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt kết quả trúng tuyển viên chức;

- Quyết định tuyển dụng viên chức và giao cho người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập ký kết hợp đồng làm việc đối với những người trúng tuyển viên chức.

b) Ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ về thực hiện chế độ hợp đồng lao động một số loại công việc trong cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp.

2. Tiếp nhận, điều động, biệt phái, thay đổi chức danh nghề nghiệp đối với viên chức:

a) Đề nghị Sở Nội vụ quyết định tiếp nhận viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh; viên chức ở các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh sang công chức ở các cơ quan hành chính thuộc cơ quan, đơn vị.

b) Quyết định điều động, biệt phái, thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức thuộc thẩm quyền quản lý, giữa các cơ quan, đơn vị trực thuộc đối với viên chức có chức danh nghề nghiệp hạng III trở xuống.

c) Đề nghị Sở Nội vụ thỏa thuận tiếp nhận, điều động viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh và ngược lại.

d) Đề nghị Sở Nội vụ thỏa thuận tiếp nhận, điều động viên chức từ sở, ban ngành; huyện, thị xã, thành phố trong tỉnh sang đơn vị sự nghiệp công lập thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Nâng bậc lương:

a) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở lên;

b) Quyết định nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng III trở xuống (gửi báo cáo về Sở Nội vụ để theo dõi).

c) Quyết định nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng III trở xuống sau khi có ý kiến thỏa thuận của Sở Nội vụ.

4. Bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp, thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức:

a) Báo cáo cơ cấu ngạch viên chức, thống kê viên chức; đề xuất cơ quan có thẩm quyền phân bổ chỉ tiêu thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức hàng năm.

b) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với viên chức đạt yêu cầu sau khi hết thời gian tập sự.

c) Quyết định bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp và xếp lương viên chức từ hạng III trở xuống sau khi có ý kiến của Sở Nội vụ.

d) Lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định cử viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp từ hạng II trở lên;

5. Nghỉ hưu, thôi việc:

a) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền thông báo và quyết định nghỉ hưu, thôi việc theo quy định đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.

b) Thông báo nghỉ hưu, quyết định nghỉ hưu, quyết định thôi việc đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

6. Hướng dẫn các đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc đánh giá, xếp loại viên chức hàng năm.

7. Khen thưởng, kỷ luật:

a) Đề nghị cơ quan có thẩm quyền xử lý kỷ luật đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.

b) Quyết định xử lý kỷ luật đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

c) Thực hiện các nội dung khen thưởng theo quy định của pháp luật.

8. Lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ viên chức theo quy định.

Điều 6. Trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập thuộc UBND tỉnh

1. Lập thủ tục và trình cơ quan có thẩm quyền các nội dung về công tác viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.

2. Phân công nhiệm vụ, bố trí việc làm, thực hiện việc nhận xét, đánh giá, chế độ, chính sách theo quy định đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

3. Thực hiện thống kê và báo cáo thống kê viên chức theo quy định; đề xuất chỉ tiêu và đề nghị cơ quan có thẩm quyền cử viên chức dự thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp.

4. Xây dựng kế hoạch, kết quả tuyển dụng viên chức đề nghị Sở Nội vụ phê duyệt. Tổ chức tuyển dụng viên chức theo kế hoạch.

5. Lập thủ tục đề nghị cơ quan có thẩm quyền quyết định:

a) Nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung, nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.

b) Giải quyết chế độ nghỉ hưu, thôi việc đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên.

c) Điều động viên chức đến công tác tại các cơ quan hành chính trong tỉnh.

6. Quyết định các nội dung:

a) Tuyển dụng, ký kết hợp đồng làm việc đối với những người trúng tuyển viên chức; bổ nhiệm chức danh nghề nghiệp đối với những người tập sự đạt yêu cầu sau thời gian tập sự; chấm dứt hợp đồng trong trường hợp người tập sự không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên.

b) Nâng bậc lương thường xuyên, phụ cấp thâm niên vượt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng III trở xuống.

c) Nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng III trở xuống sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Nội vụ.

d) Thông báo và ban hành quyết định nghỉ hưu, thôi việc, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

e) Tiếp nhận công chức các cơ quan hành chính trong và ngoài tỉnh đến công tác tại đơn vị sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Nội vụ.

f) Tiếp nhận viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp trong và ngoài tỉnh về đơn vị sau khi có ý kiến thỏa thuận bằng văn bản của Sở Nội vụ.

g) Điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác giữa các bộ phận, tổ chức thuộc đơn vị đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

h) Bổ nhiệm, xếp lương, chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng III trở xuống sau khi có ý kiến của Sở Nội vụ.

i) Ký kết, chấm dứt hợp đồng lao động theo Nghị định số 68/2000/NĐ-CP ngày 17 tháng 11 năm 2000 của Chính phủ.

7. Khen thưởng, kỷ luật:

a) Thực hiện các nội dung khen thưởng theo quy định của pháp luật.

b) Quyết định xử lý kỷ luật đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

8. Lập, quản lý, lưu trữ hồ sơ viên chức theo quy định.

Điều 7. Trách nhiệm, quyền hạn của người đứng đầu đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc các sở, ban ngành tỉnh; UBND cấp huyện

1. Đối với các đơn vị sự nghiệp công lập được giao quyền tự chủ:

a) Xây dựng và tổ chức thực hiện kế hoạch tuyển dụng người làm việc theo khung số lượng người làm việc theo vị trí việc làm của đơn vị đã được Sở Nội vụ và cơ quan quản lý cấp trên (sở, ban ngành tỉnh; UBND cấp huyện) thống nhất phê duyệt.

b) Quyết định việc tuyển dụng, tiếp nhận, điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm, từ chức, nâng bậc lương, thay đổi chức danh nghề nghiệp, ký kết, chấm dứt hợp đồng làm việc, nghỉ hưu, thôi việc, đánh giá, khen thưởng, kỷ luật, lập hồ sơ viên chức và thực hiện chế độ, chính sách đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định (trừ người giữ chức vụ lãnh đạo do cấp trên bổ nhiệm).

2. Đối với đơn vị sự nghiệp công lập chưa được giao quyền tự chủ:

a) Điều động, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, miễn nhiệm đối với các chức danh cấp trưởng, cấp phó các bộ phận, tổ chức trực thuộc và báo về cơ quan quản lý cấp trên để theo dõi.

b) Phân công nhiệm vụ, bố trí việc làm, thực hiện việc đánh giá, xếp loại viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định.

c) Ký kết hợp đồng làm việc đối với những người trúng tuyển viên chức sau khi được Sở Nội vụ phê duyệt kết quả tuyển dụng.

d) Chấm dứt hợp đồng làm việc trong trường hợp người tập sự không đạt yêu cầu sau thời gian tập sự hoặc bị xử lý kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên sau khi có ý kiến thống nhất của cơ quan quản lý cấp trên.

e) Điều động, biệt phái, chuyển đổi vị trí công tác giữa các bộ phận, tổ chức thuộc đơn vị đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý.

f) Quyết định xử lý kỷ luật, chấm dứt hợp đồng làm việc đối với viên chức thuộc thẩm quyền quản lý theo quy định của pháp luật.

Điều 8. Trách nhiệm, quyền hạn của Giám đốc Sở Nội vụ trong việc tham mưu, giúp UBND tỉnh quản lý viên chức

1. Phối hợp với các đơn vị có liên quan tổ chức thi hoặc xét thăng hạng chức danh nghề nghiệp đối với viên chức từ hạng IV lên hạng III.

2. Quyết định các nội dung:

a) Phê duyệt kế hoạch, kết quả tuyển dụng viên chức các đơn vị sự nghiệp công lập.

b) Tiếp nhận viên chức công tác tại các cơ quan, đơn vị ngoài tỉnh và viên chức công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh sang công chức ở các cơ quan hành chính trong tỉnh.

c) Nâng bậc lương thường xuyên, nâng bậc lương trước thời hạn, phụ cấp thâm niên vuợt khung đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II.

d) Nghỉ hưu đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp hạng II (trừ các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý của cấp trên).

3. Thỏa thuận để Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan ban, ngành tỉnh, Chủ tịch UBND cấp huyện, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp thuộc UBND tỉnh quyết định:

a) Điều động, biệt phái công chức đến công tác tại đơn vị sự nghiệp công lập thuộc tỉnh.

b) Tiếp nhận, điều động viên chức từ sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố này sang sở, ban ngành, huyện, thị xã, thành phố khác trong tỉnh.

c) Tiếp nhận, điều động viên chức công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập ngoài tỉnh về công tác tại các đơn vị sự nghiệp công lập trong tỉnh và ngược lại.

d) Nâng bậc lương trước thời hạn đối với viên chức giữ chức danh nghề nghiệp từ hạng III trở xuống.

e) Thay đổi chức danh nghề nghiệp viên chức hạng III và thăng hạng chức danh nghề nghiệp viên chức từ hạng IV lên hạng III.

4. Thanh tra, kiểm tra việc thi hành các quy định của pháp luật về quản lý viên chức trong đơn vị sự nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Chương 3.

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 9. Giám đốc Sở, Thủ trưởng cơ quan, ban, ngành tỉnh; Chủ tịch UBND huyện, thị xã, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp thuộc tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Quy định này trong phạm vi cơ quan, đơn vị và địa phương mình.

Điều 10. Giám đốc Sở Nội vụ có trách nhiệm hướng dẫn theo dõi và kiểm tra, thanh tra việc thực hiện Quy định này. Trong quá trình thực hiện có khó khăn, vướng mắc (do vượt thẩm quyền) báo cáo, đề xuất UBND tỉnh xem xét, bổ sung, sửa đổi cho phù hợp./.