THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ | CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 36-TTg | Hà Nội, ngày 06 tháng 2 năm 1993 |
QUYẾT ĐỊNH
VỀ VIỆC BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM.
THỦ TƯỚNG CHÍNH PHỦ
Căn cứ luật tổ chức Chính phủ ngày 30 tháng 9 năm 1992;
Để cụ thể hoá về tổ chức và hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, đồng thời quy định rõ nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Nay ban hành kèm theo Quyết định này bản Điều lệ về tổ chức và hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
Điều 2. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, các bộ trưởng, Thủ trưởng các cơ quan ngang Bộ, Thủ trưởng các cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban Nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.
| Võ Văn Kiệt (Đã ký) |
ĐIỀU LỆ
VỀ TỔ CHỨC VÀ HOẠT ĐỘNG CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 36-TTg ngày 6-2-1993 của Thủ tướng Chính phủ)
Chương 1:
NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG
Điều 1. Cục Hàng Không dân dụng Việt Nam trực thuộc Bộ Giao thông vận tải được thành lập theo Nghị định số 242-HĐBT ngày 30 tháng 6 năm 1992 của Hội đồng Bộ Trưởng.
- Tên giao dịch Quốc tế viết bằng tiếng Anh:
CIVIL AVIATION ADMINISTRATION OF VIETNAM
Viết tắt là: CAAV
- Cục Hàng Không dân dụng Việt Nam có tư cách pháp nhân, có con dấu ngân sách riêng, được mở tài khoản tại kho bạc Nhà nước, có trụ sở đặt tại Hà nội
Điều 2. Cục Hàng Không dân dụng Việt Nam là cơ quan quản lý Nhà nước về chuyên ngành Hàng Không dân dụng trong cả nước, bao gồm hoạt động hàng không dân dụng của các doanh nghiệp Nhà nước, của các tổ chức và cá nhân thuộc các thành phần kinh tế và của người nước ngoài tại Việt Nam.
Điều 3. - Cục hàng không dân dụng Việt Nam hoạt động theo những nguyên tắc sau:
1. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam chịu sự lãnh đao trực tiếp của Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải và chịu sự quản lý nhà nước trực tiếp của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ về những lĩnh vực có liên quan đến hoạt động Hàng không dân dụng.
2. Mọi hoạt động của Cục Hàng không dân dụng Việt Nam tuân thủ Hiến pháp và pháp luật của nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam, tôn trọng và chấp hành các công ước, điều lệ quốc tế về Hàng không do Chính phủ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam ký, tham gia hoặc cam kết thực hiện.
3. Cục Hàng không dân dụng Việt Nam đảm bảo sự bình đẳng trước pháp luật của mọi tổ chức, cá nhân thuộc mọi thành phần kinh tế kể cả tổ chức, cá nhân người nước ngoài hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng; quản lý Nhà nước đối với các doanh nghiệp trực thuộc Cục theo pháp luật.
4. Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam thay mặt Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải thực hiện chức năng quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng Việt Nam chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ và Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải về những công việc quản lý nhà nước chuyên ngành Hàng không dân dụng.
Cục trưởng Cục Hàng không dân dụng Việt Nam là người đứng đầu Cục Hàng không dân dụng Việt Nam, lãnh đạo Cục theo chế độ Thủ trưởng trên cơ sở đảm bảo nguyên tắc tập trung dân chủ .
Chương 2:
NHIỆM VỤ VÀ QUYỀN HẠN CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Điều 4. - Về kế hoạch:
1. Căn cứ vào đường lối, chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Đảng và Nhà nước, xây dựng chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển dài hạn, 5 năm và hàng năm của ngành Hàng không dân dụng Việt Nam để Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải xem xét trong tổng thể chiến lược quy hoạch, kế hoạch phát triển toàn ngành Giao thông vận tải trong cả nước trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt, và tổ chức thực hiện quy hoạch, kế hoạch đó.
2. Tham gia với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về xây dựng các phương án đầu tư trong nước và ngoài nước đầu tư vào Việt Nam nhằm phát triển ngành Hàng không dân dụng Việt Nam.
3. Xây dựng các định mức kinh tế kỹ thuật thuộc chuyên ngành Hàng không dân dụng Việt nam để trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, ban hành và hướng dẫn tổ chức thực hiện các định mức ấy.
4. Duyệt kế hoạch sản xuất kinh doanh, giao vốn, chỉ tiêu hướng dẫn, đơn đặt hàng của Nhà nước cho các đơn vị trực thuộc theo quy định của Nhà nước; và kiểm tra giám sát các đơn vị trực thuộc sử dụng vốn có hiệu quả, đúng mục đích.
5. Chỉ đạo, hướng dẫn, kiểm tra các đơn vị trực thuộc trong việc xây dựng và thực hiện kế hoạch.
Điều 5. - Về tài chính, kế toán, thống kê và giá cả:
1. Hướng dẫn, chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện đúng chính sách, chế độ tài chính, kế toán theo quy định của Nhà nước.
2. Tổ chức và chỉ đạo công tác kế toán phù hợp với tính chất của từng doanh nghiệp, đơn vị sự nghiệp của ngành; kiến nghị việc bổ sung, sửa đổi chính sách, chế độ về công tác tài chính, kế toán của ngành.
3. Hướng dẫn các đơn vị trực thuộc lập kế hoạch thu chi tài chính, kế hoạch thu chi ngoại tệ và tổng hợp trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.
4. Quản lý tài sản, cơ sở vật chất và kinh phí được giao và các nghiệp vụ tài chính phát sinh trong hoạt động của Cục Hàng không dân dụng và các đơn vị trực thuộc.
5. Xây dựng chế độ thu lệ phí đăng ký tàu bay, lệ phí cấp các chứng chỉ và tài liệu hàng không, lệ phí cảng hàng không, sân bay, lệ phí quản lý bay, cước vận chuyển hàng không, giá cung ứng dịch vụ hàng không trình cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và chỉ đạo thực hiện việc thu các loại lệ phí nói trên và các khoản thu phát sinh khác, thay mặt Nhà nước cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam đóng góp kinh phí hàng năm cho tổ chức Hàng không dân dụng Quốc tế mà Việt Nam tham gia.
6. Kiến nghị với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền các phương án điều hoà vốn, điều tiết thu nhập đối với các đơn vị trực thuộc Cục và các nguồn kinh phí cấp cho Cục để hoạt động trong nước và đóng góp theo quy định với tổ chức Hàng không Quốc tế.
7. Được Bộ Giao thông vận tải uỷ quyền giao vốn cho các đơn vị trực thuộc và hướng dẫn kiểm tra các đơn vị thực hiện bảo toàn và phát triển vốn được giao.
8. Duyệt và tổng hợp quyết toán tài chính các đơn vị trực thuộc và báo cáo với cấp có thẩm quyền theo quy định hiện hành.
Điều 6. - Về xây dựng cơ bản:
Cục Hàng không dân dụng Việt Nam là chủ quản đầu tư đối với các công trình xây dựng về hàng không dân dụng giao cho Cục quản lý.
Điều 7. - Về tổ chức cán bộ, lao động, tiền lương:
1. Lập quy hoạch, kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng sử dụng đội ngũ cán bộ, nhân viên ngành hàng không dân dụng Việt Nam trình Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Xây dựng các chức danh, tiêu chuẩn cán bộ, nhân viên, biên chế, định mức lao động, chế độ chính sách lao động đặc thù ngành Hàng không dân dụng trình các Bộ chức năng duyệt và ban hành. Cục hướng dẫn và kiểm tra thực hiện.
3. Hướng dẫn, kiểm tra, thanh tra việc thực hiện các quy định của Nhà nước về an toàn lao động.
4. Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam đề nghị cấp có thẩm quyền bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các phó Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam, Tổng giám đốc và kế toán trưởng của Việt Nam Airlines; tổng giám đốc các cụm cảng hàng không, sân bay. Ngoài các chức danh nói trên Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam được bổ nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật đối với các chức danh còn lại trực thuộc Cục.
5. Xây dựng kế hoạch và tổ chức, chỉ đạo công tác đào tạo, huấn luyện đối với cán bộ, nhân viên trong ngành Hàng không dân dụng.
6. Chỉ đạo công tác bảo vệ nội bộ ngành.
7. Thành lập, sáp nhập, giải thể các cơ quan giúp việc Cục trưởng, các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục Hàng không dân dụng Việt Nam.
8. Kiến nghị với Chính phủ việc thành lập, sáp nhập, giải thể các doanh nghiệp hàng không dân dụng theo pháp luật và quy định của Chính phủ.
Điều 8. - Về pháp chế:
1. Xây dựng các dự án luật, các văn bản dưới luật thuộc chuyên ngành Hàng không dân dụng để Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải trình Chính phủ, Quốc hội hoặc Bộ trưởng Bộ giao thông vẩn tải ban hành theo thẩm quyền. Cục trưởng hướng dẫn tổ chức thực hiện.
2. Tham gia hoặc soạn thảo, đàm phán, kiến nghị việc ký kết, sửa đổi, gia hạn, bãi bỏ những điều ước quốc tế về Hàng không dân dụng để trình Chính phủ phê duyệt.
3. Ban hành theo thẩm quyền những tiêu chuẩn, định mức kinh tế, kỹ thuật, nghiệp vụ về hàng không dân dụng.
4. Tổ chức việc tuyên truyền, giáo dục pháp luật đối với cán bộ, nhân viên trong ngành Hàng không dân dụng và trong nhân dân.
5. Phê duyệt điều lệ về tổ chức và hoạt động của các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
6. Chỉ đạo, giám sát việc ký kết hợp đồng với nước ngoài về Hàng không dân dụng theo đúng pháp luật của nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam và pháp luật quốc tế.
7. Hợp tác quốc tế về pháp luật Hàng không dân dụng.
8. Trực tiếp hoặc phối hợp với các cơ quan chức năng giải quyết các tranh chấp pháp lý trong hoạt động Hàng không dân dụng trong nước và Quốc tế.
Điều 9. - Quan hệ Quốc tế:
1. Xây dựng các phương án chiến lược và chính sách phát triển quan hệ quốc tế về các lĩnh vực Hàng không dân dụng trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.
2. Đề xuất với Nhà nước việc tham gia (hoặc không tham gia) các tổ chức Quốc tế, các công ước quốc tế về Hàng không dân dụng, quan hệ với các tổ chức Hàng không quốc tế.
3. Được uỷ quyền thay mặt Chính phủ Việt Nam ký kết các điều ước Quốc tế về Hàng không dân dụng theo đúng pháp luật Việt Nam và pháp luật Quốc tế.
4. Quản lý các dự án mà Quốc tế tài trợ cho ngành Hàng không dân dụng. Tham gia với các cơ quan có thẩm quyền việc cấp giấy phép hợp tác đầu tư với nước ngoài trong lĩnh vực Hàng không dân dụng.
5. Tham gia các hội thảo, hội trợ quốc tế về hàng không dân dụng, triển lãm, quảng cáo, mời các đoàn nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam và cử các đoàn Việt Nam ra nước ngoài công tác theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
6. Phối hợp quản lý các tổ chức hàng không dân dụng nước ngoài hoạt động tại Việt Nam.
Điều 10. - Về vận tải Hàng không:
1. Xây dựng chiến lược về phát triển về phương tiện vận tải hàng không, không ngừng đổi mới, hiện đại hoá phương tiện vận chuyển cả chất lượng và số lượng, mở rộng thị trường hàng không với thế giới
2. Thu nhập, nghiên cứu các thông tin về thị trường vận tải hàng không, phát triển các đường bay thương mại, đưa ra các dự báo định hướng để các doanh nghiệp hàng không làm căn cứ xây dựng kế hoạch phát triển vận tải và dịch vụ hàng không.
3. Chỉ định các doanh nghiệp vận chuyển hàng không (kể cả quốc doanh và ngoài quốc doanh) được quyền kinh doanh trên các đường bay thương mại; cấp giấy phép khai thác bay vận tải thường xuyên và không thường xuyên đối với các doanh nghiệp vận chuyển hàng không trong và ngoài nước theo đúng pháp luật của Việt Nam và pháp luật quốc tế, thực hiện đúng hiệp định, bảo vệ quyền lợi và chủ quyền quốc gia nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
4. Quản lý và phê duyệt các hợp đồng và vận chuyển, dịch vụ hàng không của các doanh nghiệp hàng không.
5. Phê chuẩn giá cước vận chuyển hàng không của các doanh nghiệp vận chuyển hàng không quốc gia.
6. Xây dựng chính sách bảo hộ các doanh nghiệp vận tải hàng không của Việt Nam để Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải trình thủ tướng Chính phủ quyết định.
7. Kiểm tra, thanh tra việc chấp hành các quy định của pháp luật về vận tải hàng không.
8. Ban hành các mẫu chứng từ vận chuyển hàng không, biểu tượng và trang phục cho cán bộ, nhân viên của các hãng hàng không.
Điều 11. - Về an toàn Hàng không:
1. Xây dựng các tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm, biện pháp bảo đảm an toàn hàng không dân dụng.
2. Thanh tra tàu bay quốc tế vi phạm an toàn trên lãnh thổ Việt Nam, đồng thời khuyến cáo đến Hàng không các nước có liên quan.
3. Thanh tra, kiểm tra, xử lý các vụ việc vi phạm các quy định về an toàn đối với nhân viên bay (kể cả nhân viên bay nước ngoài do các hãng hàng không của Việt Nam thuê.
4. Thực hiện việc đăng ký và quản lý sổ đăng bạ tàu bay dân dụng.
5. Cấp, gia hạn, thu hồi, huỷ bỏ, đình chỉ đăng ký, chứng chỉ, bằng, giấy phép, tài liệu liên quan tới an toàn trong hoạt động hàng không dân dụng.
6. Cấp phép về việc sản xuất, chế tạo, cải tiến, bảo dưỡng, sửa chữa tàu bay và các trang thiết bị của tàu bay dân dụng
7. Tạm thời đình chỉ việc khai thác tàu bay dân dụng, cảng hàng không, sân bay dân dụng, các trang thiết bị hàng không không đúng các quy định tiêu chuẩn về an toàn hàng không.
8. Tổ chức điều tra tai nạn hàng không và các vụ việc vi phạm an toàn hoạt động về hàng không.
9. Thanh tra, kiểm tra việc thực hiện giám định sức khoẻ cho nhân viên bay, nhân viên kiểm soát không lưu, công tác dịch tễ trên tàu bay thương mại (kể cả tàu bay nước ngoài đậu qua đêm ở Việt Nam).
10. Phổ biến các thông tin về an toàn Hàng không.
Điều 12. - Về an ninh hàng không:
1. Thay mặt Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải thống nhất với Bộ nội vụ, Bộ quốc phòng biên soạn quy chế an ninh hàng không dân dụng Quốc gia trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt và tổ chức thực hiện.
2. Phê duyệt và tổ chức kiểm tra quy chế an ninh hàng không của các cảng hàng không, sân bay và các doanh nghiệp hàng không.
3. Quan hệ, hợp tác với các tổ chức về an ninh hàng không quốc tế trong lĩnh vực nghiệp vụ và các biện pháp đảm bảo an ninh hàng không.
4. Phối hợp với các cơ quan của Bộ nội vụ, Bộ quốc phòng, Chính quyền địa phương bảo đảm an toàn cho các chuyến bay chuyên cơ (trong nước và quốc tế), tham gia xử lý và giải quyết kịp thời các vụ vi phạm an ninh chính trị, trật tự, an toàn xã hội trong khu vực cảng hàng không, sân bay theo quy định của pháp luật.
5. Cung cấp thông tin về an ninh hàng không, phối hợp với các cơ quan Nhà nước có liên quan tổ chức đào tạo, huấn luyện an ninh hàng không.
Điều 13. - Về quản lý bay dân dụng:
1. Tổ chức quản lý và khai thác đường hàng không và không phận được phân công trong vùng trời Quốc gia và vùng thông báo bay (FIR), hợp đồng chặt chẽ trong việc giao nhận, điều hành tàu bay giữa các FIR Việt Nam với các FIR của các Quốc gia lân cận trong vùng.
2. Tổ chức và quản lý các cơ quan không lưu, cơ quan tìm kiếm cứu nguy về hàng không dân dụng.
3. Hiệp đồng chặt chẽ với các cơ quan, đơn vị của Bộ quốc phòng để quản lý và bảo vệ vùng trời.
4. Cấp phép bay cho các chuyến bay dân dụng, xử lý kịp thời các vi phạm trong hoạt động bay dân dụng trong hành lang bay được quy định cho hàng không dân dụng và không phận được phân công, đình chỉ bay đối với lái trưởng tàu bay dân dụng Việt Nam hoặc nước ngoài có hành vi vi phạm quy tắc không lưu và các quy định quản lý vùng trời, quản lý bay. Cấp phép bay cho các chuyến bay đặc biệt và khẩn cấp theo quy chế phối hợp với Bộ quốc phòng.
5. Tổ chức biên soạn và xuất bản tập san hàng không (AIP) Việt Nam.
6. Phát hành các loại bản đồ, hoạ đồ hàng không và các tài liệu khác liên quan đến quản lý bay dân dụng trong lãnh thổ Việt Nam.
7. Tổ chức soạn thảo các văn bản về không lưu, không báo, thông tin hàng không, dẫn đường hàng không, khí tượng hàng không, tìm kiêm cứu nguy và điều tra tai nạn trong lĩnh vực hàng không dân dụng.
8. Chỉ đạo việc quy hoạch việc thiết kế hệ thống thông tin dẫn đường và việc mua sắm trang thiết bị phục vụ cho quản lý bay.
9. Là cơ quan thường trực của Uỷ ban quốc gia về tìm kiếm cứu nguy và điều tra tai nạn hàng không, chủ trì việc tổ chức, chỉ đạo công tác tìm kiếm cứu nguy và cứu nạn tàu bay dân dụng.
10. Soạn thảo quy chế bảo vệ bí mật quốc gia về thông tin, thông báo các chuyến bay của Nhà nước, chuyên cơ, quy chế và bảo vệ bí mật chỉ huy ở các ACC của ngành hàng không dân dụng để trình cấp có thẩm quyền quyết định hoặc tự ban hành theo thẩm quyền và tổ chức thực hiện.
11. Tổ chức thanh tra, kiểm tra, xử lý việc thực hiện quy tắc không lưu và các quy định về quản lý bay.
12. Cung cấp thông tin về quản lý bay trong ngành.
Điều 14. - Về quản lý cảng hàng không, sân bay dân dụng.
1. Lập quy hoạch, kế hoạch, chính sách phát triển hệ thống cảng hàng không, sân bay của quốc gia để Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải trình Thủ tướng phê duyệt.
2. Xây dựng quy trình, quy phạm, tiêu chuẩn thiết kế xây dựng, khai thác, bảo dưỡng, sửa chữa cảng hàng không, sân bay trình các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.
3. Chỉ đạo công tác quản lý Nhà nước về hàng không dân dụng tại các cảng hàng không, sân bay, quản lý đất đai, mặt nước thuộc sân bay dân dụng theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, phối hợp với các chính quyền địa phương việc thu hồi, phá bỏ hoặc ngăn cấm việc xây dựng, lắp đặt trang thiết bị, trồng cây chăn nuôi trong khu vực cảng hàng không sân bay và làm ảnh hưởng đến an toàn bay và gây ô nhiễm môi trường.
4. Phối hợp các cơ quan, đơn vị của Bộ quốc phòng và địa phương để quản lý, khai thác các sân bay dùng chung.
5. Thực hiện việc đăng ký và quản lý sổ đăng bạ sân bay dân dụng Việt Nam.
6. Cấp, gia hạn, thu hồi, huỷ bỏ, đình chỉ giấy phép khai thác cảng hàng không, sân bay, tạm thời đóng cửa các cảng hàng không, sân bay trong vòng không quá 24 giờ.
7. Tổ chức thực hiện công tác tìm kiếm cứu nguy, cứu nạn tại cảng hàng không, sân bay.
8. Xử lý hành chính đối với các hành vi vi phạm pháp luật về quản lý cảng hàng không, sân bay và các khu vực lân cận theo quy định của pháp luật.
9. Cung cấp các thông tin về thiết lập, quản lý, khai thác cảng hàng không, sân bay.
Điều 15. - Về khoa học và công nghệ:
1. Xây dựng, hoàn thiện hệ thống tiêu chuẩn, quy trình, quy phạm trong ngành hàng không dân dụng và chỉ đạo thực hiện.
2. Tổ chức nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ trong ngành hàng không dân dụng.
3. Tổ chức hội đồng khoa học và công nghệ cấp ngành.
4. Hợp tác với các tổ chức khoa học và công nghệ trong và ngoài nước trong việc phát triển ngành.
5. Tổ chức thông tin khoa học và công nghệ hàng không.
Điều 16. - Trong lĩnh vực thanh tra:
1. Lập kế hoạch thanh tra và tổ chức thực hiện việc thanh tra trong ngành theo quy định của pháp luật.
2. Thực hiện công tác xét khiếu tố trong ngành.
Chương 3:
TỔ CHỨC CỦA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM
Điều 17. - Tổ chức của Cục hàng không dân dụng Việt Nam bao gồm:
1. Bộ máy giúp việc cục trưởng gồm có phòng, ban.
2. Các đơn vị sự nghiệp: Trường hàng không Việt Nam, Viện khoa học hàng không Việt Nam, tạp chí hàng không, Y tế hàng không, Trung tâm quản lý bay, các cụm cảng hàng không, sân bay: miền Bắc, miền Trung và miền Nam. Nhiệm vụ cụ thể, biên chế, quy chế hoạt động và bổ nhiệm, miễn nhiệm cán bộ của các phòng, ban, các đơn vị sự nghiệp do Cục trưởng quyết định.
Kinh phí các đơn vị sự nghiệp trực thuộc Cục hàng không dân dụng Việt Nam do ngân sách Nhà nước cấp thông qua Cục hàng không dân dụng Việt Nam và kinh phí tự bổ sung qua các nguồn thu hợp pháp.
3. Các doanh nghiệp Nhà nước do Cục trực tiếp quản lý.
Điều 18. - Cục trưởng và các phó Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam do Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm theo đề nghị của Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải và Bộ trưởng - Trưởng ban Ban tổ chức - cán bộ Chính phủ.
Cục trưởng là người đứng đầu Cục hàng không dân dụng Việt Nam, lãnh đạo Cục theo chế độ thủ trưởng, các phó Cục trưởng giúp việc Cục trưởng theo phân công của Cục trưởng và chịu trách nhiệm trước Cục trưởng; khi Cục trưởng vắng mặt, một phó Cục trưởng được Cục trưởng uỷ quyền thay mặt Cục trưởng lãnh đạo Cục.
Chương 4:
QUAN HỆ GIỮA CỤC HÀNG KHÔNG DÂN DỤNG VIỆT NAM VỚI CÁC CƠ QUAN NHÀ NƯỚC
Điều 19. - Cục hàng không dân dụng Việt Nam được quan hệ trực tiếp với các Bộ, cơ quan ngàng Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Uỷ ban nhân dân các địa phương để xử lý các vấn đề có liên quan trong việc thực hiện nhiệm vụ của mình.
Điều 20. - Cục làm việc trực tiếp với các cơ quan, tổ chức liên quan và chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về công tác được giao. Đối với các cơ quan giúp việc Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Cục hàng không dân dụng Việt Nam có quan hệ phối hợp theo chức năng quản lý Nhà nước nhằm tăng cường hiệu lực quản lý Nhà nước trong toàn ngành giao thông vận tải và thực hiện chế độ báo cáo với Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải về mọi mặt hoạt động của Cục.
Chương 5:
ĐIỀU KHOẢN CUỐI CÙNG
Điều 21. - Điều lệ này có hiệu lực từ ngày ban hành.
Bộ trưởng Bộ giao thông vận tải, Cục trưởng Cục hàng không dân dụng Việt Nam, các Bộ trưởng thủ trưởng cơ quan ngang Bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Điều lệ này.