Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ GIÁO DỤC
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 361-QĐ

Hà Nội, ngày 02 tháng 4 năm 1984

 

QUYẾT ĐỊNH

CỦA BỘ GIÁO DỤC SỐ 361-QĐ NGÀY 2-4-1984 BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TỔ CHỨC HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CƠ SỞ VÀ PHỔ THÔNG TRUNG HỌC

BỘ TRƯỞNG BỘ GIÁO DỤC

Căn cứ các Nghị định số 19-CP ngày 29-1-1966 và số 6-CP ngày 7-1-1981 của Hội đồng Chính phủ quy định nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Giáo dục;
Căn cứ Thông báo số 380-V10 ngày 3-2-1983 của Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng đồng ý để Bộ Giáo dục, Tổng cục Thể dục thể thao, Trung ương Đoàn thanh niên công sản Hồ Chí Minh phát động cuộc vận động lớn về rèn luyện thân thể, giáo dục đạo đức, xây dựng nếp sống mới bằng tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng từ cơ sở đến toàn quốc năm 1982-1983;
Theo đề nghị của các đồng chí Vụ trưởng Vụ I, Vụ giáo dục phổ thông cấp I-II, Vụ giáo dục phổ thông cấp III và sau khi đã thoả thuận với đồng chí Tổng cục trưởng Tổng cục Thể theo và Ban Bí thư trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1

Nay ban hành Điều lệ tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng cho học sinh các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học kèm theo Quyết định này.

Điều 2

Điều lệ này áp dụng cho tất cả các trường phổ thông trong cả nước kể từ ngày ký và ban hành.

Những quy định trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3

Các đồng chí Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Chánh văn phòng, thủ trưởng các đơn vị trực thuộc Bộ Giáo dục, Giám đốc các Sở giáo dục chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

Nguyễn Thị Bình

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ

TỔ CHỨC HỘI KHOẺ PHÙ ĐỔNG CHO HỌC SINH CÁC TRƯỜNG PHỔ THÔNG CƠ SỞ VÀ PHỔ THÔNG TRUNG HỌC
(Ban hành kèm theo Quyết định số 361-QĐ ngày 2-4-1984 của Bộ Giáo dục)

Hoạt động thể dục thể thao của học sinh các trường phổ thông trong nhiều năm qua đã được tổ chức sôi nổi ở hầu hết các địa phương trong cả nước, góp phần tích cực vào việc giáo dục, đào tạo thế hệ trẻ phát triển toàn diện, xây dựng nếp sống văn hoá tươi vui lành mạnh trong nhà trường, bước đầu phát huy tác dụng tích cực của nhà trường vào đời sống xã hội.
Để nâng cao chất lượng phong trào thể dục thể thao của tuổi trẻ, góp phần thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng Cộng sản Việt Nam lần thứ V, Nghị quyết của Bộ Chính trị về cải cách giáo dục, Bộ Giáo dục, Tổng cục Thể dục thể thao, Trung ương Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh nhất trí ban hành Điều lệ Hội khoẻ Phù Đổng cho học sinh các trường phổ thông cơ sở và phổ thông trung học trong các nước.

Điều 1

Hội khoẻ Phù Đổng các cấp phải thể hiện mục đích, yêu cầu sau đây:

1- Kết hợp chặt chẽ với cuộc vận động giáo dục chính trị tư tưởng, rèn luyện đạo đức cách mạng cho học sinh của ngành giáo dục, phong trào Hành quân theo bước chân những người anh hùng của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh và phong trào Nghìn việc tốt của Đội thiếu niên tiền phong Hồ Chí Minh, giáo dục thế hệ trẻ truyền thống anh hùng của dân tộc, tinh thần yêu nước, yêu chủ nghĩa xã hội, ý chí kiên cường bảo vệ độc lập, tự do của Tổ quốc, ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần làm chủ tập thể, đoàn kết, trung thực, quyết tâm vươn tới giành thành tích toàn diện.

2- Tổng kết động viên phong trào tập thể dục thể thao trong học sinh. 3- Tuyển chọn được những mầm non có năng khiếu để bồi dưỡng xây dựng đội ngũ vận động viên ưu tú nòng cốt của địa phương và của cả nước.

Điều 2

Đối tượng tham gia:

Tất cả thanh, thiếu niên học sinh từ 18 tuổi trở xuống đang học trong các trường phổ thông cơ sở, phổ thông trung học đều được tham gia thi đấu từ cơ sở đến trung ương, nếu có đủ các tiêu chuẩn về sức khoẻ và chuyên môn.

Điều 3

Nghi thức và nội dung tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng các cấp được áp dụng thống nhất như sau:

a) Nội dung:

1- Hoạt động thể dục thể thao:

- Diễu hành theo đội hình,

- Đồng diễm thể dục,

- Thi đấu điền kinh học sinh phổ thông cơ sở (4 môn).

- Thi đấu các môn thể thao phổ biến và điền kinh học sinh phổ thông trung học,

- Bơi lội, cơ quốc tế, bóng bàn thiếu niên nhi đồng,

- Thể dục nghệ thuật,

- Các môn thể thao truyền thống ở địa phương như vật, đá cầu v.v...

2- Quân sự:

- Kỹ thuật quân sự phổ thông,

- Hành quân cắm trại,

- Trò chơi quân sự.

(Theo nội dung đã được quy định trong chương trình giáo dục quân sự phổ thông).

3- Văn nghệ quần chúng, hoạt động xã hội:

- Múa, hát tập thể.

- Sinh hoạt chủ đề.

b) Nghi thức:

- Phải có cờ và phù hiệu Hội khoẻ Phù Đổng.

- Cờ Tổ quốc, ảnh Hồ Chủ tịch treo nơi cao nhất ở nơi tổ chức hội khoẻ.

- Phải có khẩu hiệu (được treo ở nơi thi đấu). Khoẻ để học tập tốt, sẵn sàng xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

- Có diễu hành biểu dương lực lượng.

- Có chương trình văn hoá thể thao.

- Tổng kết biểu dương khen thưởng phong trào.

- Chuyển giao cờ Hội khoẻ Phù Đổng cho đơn vị có trách nhiệm tổ chức lần tới (ở Trung ương).

c) Chu kỳ và thời điểm tổ chức:

- Hội khoẻ Phù Đổng cấp trung ương tổ chức 3 năm 1 lần.

- Hội khoẻ Phù Đổng cấp tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc trung ương tổ chức 2 năm 1 lần.

- Hội khoẻ Phù Đổng cấp huyện, quân, thị xã tổ chức 1 năm 1 lần.

- Hội khoẻ Phù Đổng tại trường học tổ chức mỗi năm 1 lần vào học kỳ 2 của năm học.

Điều 4

Tổ chức, chỉ đạo:

Hệ thống chỉ đạo từ trung ương đến cấp huyện, quận, thị xã là Ban chỉ đạo các cấp:

a) Ban chỉ đạo trung ương:

- Đồng chí Thứ trưởng Bộ Giáo dục, Trưởng ban;

- Đồng chí Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thể dục thể thao, Phó trưởng ban;

- Đồng chí Bí thư Trung ương Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh,

Phó trưởng ban;

- Đồng chí Phó chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương nơi đăng cai tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc, Phó trưởng ban.

Ban chỉ đạo chỉ định Ban thư ký là bộ phận giúp việc gồm cán bộ quản lý cấp vụ của 3 ngành giáo dục, thể dục thể thao, Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh.

Đại biểu của Bộ Giáo dục trong Ban thư ký làm nhiệm vụ thường trực.

b) Ban chỉ đạo tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương:

- Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân, Trưởng ban;

- Đồng chí Giám đốc Sở Giáo dục, Phó trưởng ban thường trực;

- Đồng chí Giám đốc Sở Thể dục thể thao, Uỷ viên;

- Đồng chí Bí thư Đoàn thành niên cộng sản Hồ Chí Minh tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, Uỷ viên.

Ban chỉ đạo chỉ định cán bộ giúp việc.

c) Ban chỉ đạo cấp quận, huyện, thị xã:

- Đồng chí Phó Chủ tịch Uỷ ban nhân dân quận, huyện, thị xã, Trưởng ban;

- Đồng chí Trưởng phòng giáo dục, Phó trưởng ban thường trực;

- Đồng chí Trưởng phòng thể dục thể thao, Uỷ viên;

- Đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh quận, huyện, thị xã, Uỷ viên.

Mỗi lần tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng ở cấp nào, Ban chỉ đạo cấp đó chỉ định Ban tổ chức và Ban trọng tài để điều hành công việc hàng ngày của hội khoẻ.

Hội khoẻ Phù Đồng ở trường do đồng chí Hiệu trưởng phụ trách, một đồng chí Phó hiệu trưởng thường trực, có sự tham gia của đồng chí Bí thư Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh, đồng chí Tổng phụ trách Đội thiếu niên tiền phong và đồng chí giáo viên thể dục thể thao hoặc giáo viên kiêm nhiệm.

Trong quá trình chỉ đạo Hội khoẻ Phù Đổng phải rất tiết kiệm, tránh phô trương hình thức, chạy theo thành tích, bảo đảm thực hiện tốt mục đích, yêu cầu đã nêu ở Điều 1, bảo đảm an toàn tuyệt đối trong thi đấu, nhất thiết không để ảnh hưởng xấu đến việc giáo dục tư tưởng và đạo đức cho học sinh, đến kết quả học tập và các mặt hoạt động khác của nhà trường.

Điều 5

Khen thưởng và kỷ luật:

Khen thưởng ở cấp trung ương và tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương được xét theo hai loại:

a) Đơn vị (đoàn thể thao):

- Ở tỉnh, thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương đơn vị tính điểm là huyện, quận, thị xã và trường phổ thông trung học.

- Ở trung ương đơn vị tính điểm là tỉnh, thành phố, đặc khu.

Bằng khen và cờ Đơn vị xuất sắc tặng cho đơn vị có tỷ lệ trường tiến hành Hội khoẻ Phù Đổng từ 80 đến 100% và thành tích thi đấu thể theo được xếp toàn đoàn.

Cờ tặng đơn vị có phong trào phát triển khá, có tỷ lệ trường tiến hành Hội khoẻ Phù Đổng từ 60% đến 80% và thành tích thi đấu thể thao được xếp hạng nhì và ba.

b) Cá nhân:

Tặng huy chương vàng, bạc, đồng cho các vận động viên được xếp nhất, nhì, ba.

Mỗi huy chương vàng được tính 4 điểm, huy chương bạc 2 điểm, huy chương đồng 1 điểm, là cơ sở để tính điểm toàn đoàn.

Vận động viên, huấn luyện viên, cán bộ trọng tài nào vi phạm Điều lệ ảnh hưởng xấu đến mục đích, ý nghĩa Hội khoẻ Phù Đổng thì bị truất quyền tham gia hội khoẻ, nếu nghiêm trọng có thể bị thi hành kỷ luật.

Điều 6

Tổ chức thực hiện:

Trước mỗi lần tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng toàn quốc, Ban chỉ đạo trung ương triệu tập hội nghị cấp cao nhất của ba ngành giáo dục, thể dục thể thao, đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh để thống nhất những vấn đề thuộc nội dung và phương thức tiến hành hội khoẻ, lựa chọn tỉnh hoặc thành phố có trách nhiệm tổ chức Hội khoẻ Phù Đổng lần tới.