Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ LÂM NGHIỆP
********

CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
********

Số: 364-LSCN

Hà Nội, ngày 19 tháng 9 năm 1991

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH ĐIỀU LỆ TẠM THỜI VỀ THIẾT KẾ KHAI THÁC GỖ, TRE, NỨA RỪNG TỰ NHIÊN

BỘ TRƯỞNG BỘ LÂM NGHIỆP

Căn cứ vào điểm 3, Điều 37, mục 3 chương IV của Luật Bảo vệ và phát triển rừng.
Căn cứ Nghị định số 196-CT ngày 11-12-1989 của Hội đồng Bộ trưởng quy định nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm quản lý Nhà nước của Bộ.
Xét yêu cầu về đổi mới công tác quản lý rừng và khai thác gỗ, tre, nứa hiện nay.
Theo đề nghị của ông Vụ trưởng Vụ lâm sinh công nghiệp rừng.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành theo Quyết định này bản "Điều lệ tạm thời về thiết kế khai thác gỗ, tre, nứa rừng tự nhiên" để áp dụng và thực hiện trong sản xuất kinh doanh rừng.

Điều 2. Bản Điều lệ này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01-10-1991. Những quy định trước đây trái với Điều lệ này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông Chánh Văn phòng, Vụ trưởng Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng, Cục trưởng Cục kiểm lâm, Thủ trưởng, Vụ, Ban, Viện trực thuộc Bộ, Hiệu trưởng các trường Đại học và Trung học lâm nghiệp, Tổng giám đốc các Liên hiệp Lâm - Nông - Công nghiệp, Giám đốc các Công ty, Các Tổng công ty và các Lâm trường, Giám đốc các Sở Lâm nghiệp, hoặc Sở Nông Lâm, Chi cục trưởng Kiểm lâm, Hạt trưởng Kiểm lâm thành phố, đặc khu trực thuộc Trung ương, chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này.

 

 

Phan Thanh Xuân

(Đã ký)

 

ĐIỀU LỆ TẠM THỜI
VỀ THIẾT KẾ KHAI THÁC GỖ, TRE, NỨA RỪNG TỰ NHIÊN
(Ban hành theo Quyết định số 364-LSCN ngày 19-9-1991)

Thiết kế khai thác gỗ, tre, nứa rừng tự nhiên (viết tắt là TKKT) là công việc cụ thể và cuối cùng của hệ thống điều tra quy hoạch, thiết kế cho một quá trình công nghệ để sản xuất và quy phạm khai thác bảo đảm tái sinh rừng, nhằm nâng cao hiệu quả kinh doanh rừng, quản lý chặt chẽ rừng khai thác và sản phẩm, đảm bảo cho rừng cung cấp lâm sản lâu dài, liên tục, ổn định.

Chương 1:

NGUYÊN TẮC CHUNG

Điều 1. Điều lệ này quy định nội dung việc lập, thẩm tra xét duyệt, kiểm tra thực hiện thiết kế khai thác, nhằm đạt các mục đích sau:

- Chuẩn bị đầy đủ kịp thời diện tích rừng cho kế hoạch khai thác hàng năm.

- Xây dựng được phương án khai thác hợp lý, khoa học với các nội dung kỹ thuật cụ thể tới từng lô, khoảnh rừng để làm cơ sở vững chắc cho việc định giá đấu thầu bán lô, cúp khai thác.

- Quy định các biện pháp lâm sinh phải thực hiện nhằm chấp hành nghiêm chỉnh quy trình, quy phạm khai thác, bảo đảm tái sản xuất mở rộng tài nguyên rừng.

Điều 2. Điều lệ này áp dụng cho tất cả các đối tượng rừng tự nhiên đưa vào khai thác hàng năm bao gồm cả rừng sản xuất và rừng phòng hộ và tất cả các thành phần kinh tế tham gia khai thác, bao gồm cả quốc doanh và ngoài quốc doanh. Đối với rừng trồng và rừng đặc dụng sẽ có quy định riêng.

Chương 2:

VIỆC LẬP HỒ SƠ THIẾT KẾ KHAI THÁC

Điều 3. Việc xây dựng các hồ sơ thiết kế khai thác phải do những tổ chức có đủ tư cách đảm nhiệm để đảm bảo chất lượng và tính pháp lý. Do đó, chỉ có các tổ chức sau đây mới được làm công tác này:

Các tổ chức thiết kế của Sở Lâm nghiệp (hay Sở Nông - Lâm nghiệp) Liên hiệp Lâm Nông - Công nghiệp, Lâm trường.

Các đoàn, đội điều tra thiết kế của Viện điều tra quy hoạch rừng, Viện khoa học lâm nghiệp, trường Đại học và Trung học lâm nghiệp hoặc nông lâm.

Điều 4. Các căn cứ của công tác thiết kế khai thác:

- Quy phạm 02-QĐKT ngày 02-01-1988 của Bộ Lâm nghiệp về các giải pháp kỹ thuật lâm sinh áp dụng cho rừng sản xuất.

- Phương án điều chế rừng, luận chứng kinh tế kỹ thuật lâm trường được duyệt.

Điều 5. Nội dung chủ yếu của công tác thiết kế khai thác gồm:

- Xác định lô khai thác trên thực địa, phát đường ranh giới lô, khoảnh, đo đạc và lập bình đồ tỷ lệ 1/5.000 của khu khai thác, đóng mốc bảng lô, xác định rõ địa danh tên lô, khoảnh, tiểu khu theo mã số quy định.

- Xác định trữ lượng gỗ theo hồ sơ tài nguyên của phương án điều chế đơn giản.

- Đo đếm và xác định sản lượng gỗ khai thác của từng lô trong khu khai thác theo phương pháp đo đếm từng cây.

- Đóng dấu búa cây bài, chặt bao gồm cả cây khai thác lấy sản phẩm và các cây bài thải để vệ sinh và nuôi dưỡng rừng.

- Xác định số lượng sản phẩm sẽ lấy ra cho từng lô và cho toàn khu vực khai thác trong năm có phân loại theo nhóm gỗ (và tên loại gỗ phổ biến của từng nhóm) theo cấp kính.

- Thiết kế mạng lưới đường vận xuất, các kho tập trung gỗ cho toàn khu vực khai thác và tính toán cụ thể khối lượng công việc phải làm để hoàn thành công trình trên.

- Thiết kế dây chuyền công nghệ sẽ áp dụng cho khai thác, dự kiến trình tự khai thác các lô trong năm.

- Tính toán số công đầu tư cho một đơn vị sản phẩm (1m3 gỗ 1 Ste củi, 1 tấn nguyên liệu giấy...) ra tới bãi I (bao gồm các công tác nghiệp chính, tác nghiệp hỗ trợ, công lâm sinh, công quản lý).

- Quy định các biện pháp lâm sinh phải thực hiện trước và sau khai thác để đảm bảo tái sinh rừng. Tính toán khối lượng công việc phải làm về biện pháp lâm sinh cho từng lô.

Điều 6. Hồ sơ thiết kế khai thác bao gồm:

- Một bình đồ theo tỷ lệ quy định ở Điều 7.

- Một bản thuyết minh hồ sơ thiết kế khai thác bao gồm cả phần công nghiệp khai thác và các biện pháp lâm sinh.

- Các bảng, biểu tổng hợp theo quy định.

- Tờ xin phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác của đơn vị sở tại.

Điều 7. Nội dung hồ sơ để thẩm tra, xét duyệt chia ra hai loại:

1. Hồ sơ thiết kế khai thác từng khu khai thác hàng năm (khoảnh hoặc tiểu khu) mà đơn vị cơ bản để thiết kế là lô khai thác, gọi tắt là hồ sơ thiết kế cơ bản, bao gồm:

- Bình đồ thiết kế tỷ lệ 1/5000 đo đạc trực tiếp hoặc can vẽ từ bản đồ hiện trạng tài nguyên rừng các khu thiết kế của lâm trường đạt độ chính xác quy định.

- Bản thuyết minh hồ sơ thiết kế khai thác.

- Các bảng - biểu thiết kế cụ thể (biểu thiết kế sản xuất) theo đúng nội dung quy định của công văn hướng dẫn về thiết kế khai thác số 1331-CNR ngày 21-5-1987 của Bộ.

2. Hồ sơ thiết kế tổng hợp được tập hợp từ các hồ sơ thiết kế cơ bản của các khu khai thác trong từng lâm trường gọi tắt là hồ sơ thiết kế tổng hợp, bao gồm:

- Tờ trình và bản thuyết minh hồ sơ thiết kế theo đơn vị lâm trường, liên hiệp hoặc sở bao gồm các nội dung:

Tình hình tài nguyên rừng và các biện pháp về công nghiệp khai thác.

Các biện pháp lâm sinh sẽ tác động trên đối tượng rừng khai thác.

Dự kiến kế hoạch sản lượng gỗ lấy ra sẽ đưa vào chế biến trên địa bàn và từ đó có kiến nghị về khối lượng gỗ dự kiến xin xuất khẩu, khối lượng gỗ tròn bán đi cho các tỉnh khác.

- Bản đồ tổng hợp các khu thiết kế trong năm của lâm trường, liên hiệp hoặc Sở, tỷ lệ 1/100.000, lập một lần để theo dõi diễn biến khai thác nhiều năm. Bản đồ phải ghi chú rõ ràng khu vực khai thác theo đúng mã số đã quy định (khoảnh, phân khoảnh, tiểu khu, phân trường, lâm trường). Các bảng, biểu tổng hợp trình duyệt theo quy định của Bộ bao gồm:

- Biểu tài nguyên và khu vực khai thác.

- Biểu sản phẩm khai thác.

- Biểu các công trình cần xây dựng.

- Biểu các chỉ tiêu kinh tế kỹ thuật áp dụng.

Chương 3:

THẨM TRA, XÉT DUYỆT THIẾT KẾ KHAI THÁC, MỞ, ĐÓNG RỪNG, CẤP GIẤY PHÉP KHAI THÁC

Điều 8. Tất cả các diện tích khai thác đều phải có thiết kế được duyệt mới được cấp giấy phép khai thác. Do đó các Sở, Liên hiệp, Lâm trường phải tổ chức xét duyệt cho các lâm trường hoặc đơn vị mình quản lý xong trước tháng 6 và lập hồ sơ tổng hợp trình Bộ duyệt vào tháng 6-7 năm trước (theo lịch cụ thể từng năm) sau đó Bộ sẽ ban hành quyết định mở rừng cho khai thác.

Điều 9. Phân cấp thẩm tra xét duyệt thiết kế khai thác có hai cấp như sau:

1. Các Sở Lâm nghiệp (hoặc nông - lâm nghiệp) chịu trách nhiệm thẩm tra xét duyệt hồ sơ thiết kế khai thác cho các Liên hiệp, lâm trường thuộc tỉnh quản lý.

Các Liên hiệp, lâm trường Trung ương chịu trách nhiệm thẩm tra xét xét duyệt hồ sơ thiết kế khai thác cho các đơn vị cho diện tích khai thác thuộc mình quản lý.

2. Bộ Lâm nghiệp thẩm tra xét duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tổng hợp của các Sở Lâm nghiệp (hoặc nông - lâm nghiệp) các đơn vị trực thuộc Bộ.

Điều 10. Sau khi thẩm tra, phê duyệt hồ sơ thiết kế khai thác tổng hợp của các Sở, Liên hiệp, lâm trường Trung ương, Bộ Lâm nghiệp sẽ ra quyết định cho phép mở rừng để khai thác hàng năm vào đầu quý IV năm trước.

Điều 11. Căn cứ vào hồ sơ thiết kế khai thác được Bộ phê duyệt và quyết định cho phép mở rừng để khai thác hàng năm, giám đốc Sở Lâm nghiệp (hoặc nông - lâm nghiệp), Tổng giám đốc Liên hiệp, giám đốc lâm trường Trung ương, cấp giấy phép khai thác cho các đơn vị trúng thầu khai thác.

Điều 12. Quyết định cho phép mở cửa rừng để khai thác chỉ có giá trị hàng năm, nghĩa là từ 01-01... đến 31-12... của năm ký quyết định cho phép. Hết thời hạn cho phép, toàn bộ diện tích rừng mở ra cho khai thác trong năm đều phải làm thủ tục đóng cửa rừng.

Trường hợp: Diện tích rừng được phép khai thác trong năm, nhưng chưa khai thác, nếu muốn tiến hành khai thác trong năm sau thì phải tổng hợp theo biểu tài nguyên như hồ sơ thiết kế khai thác quy định, lấy xác nhận của Hạt kiểm lâm địa phương kèm theo tờ trình gửi lên cấp phê duyệt xin phép mở cửa rừng lại để tiếp tục khai thác cho năm sau.

Chương 4:

TỔ CHỨC THỰC HIỆN VÀ KIỂM TRA

Điều 13. Tất cả các đơn vị khai thác trong và ngoài quốc doanh phải nghiêm chỉnh thực hiện theo đúng hồ sơ thiết kế khai thác đã được phê duyệt. Khi tổ chức đấu thầu bán lô, cúp (bán cây đứng) chủ rừng phải công bố hồ sơ các diện tích thiết kế đã được phê duyệt để các đơn vị khai thác có căn cứ mua lô, cúp. Chủ rừng phải ký hợp đồng với đơn vị trúng thầu và giao hồ sơ thiết kế các lô, cúp và giấy xác nhận các lô, cúp đó đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt cho đơn vị trúng thầu.

Trong quá trình thực hiện, chủ rừng phải thường xuyên tiến hành kiểm tra, giám sát việc thực hiện thiết kế khai thác và quy trình quy phạm.

Khi khai thác xong, chủ rừng tổ chức nghiệm thu đánh giá kết quả thực hiện, đối chiếu với hồ sơ thiết kế khai thác, lập biên bản và làm thủ tục đóng cửa rừng theo quy định của Bộ.

Điều 14. Các cơ quan được giao trách nhiệm phê duyệt thiết kế khai thác ra quyết định mở rừng, đóng rừng, cấp giấy phép khai thác đều có quyền kiểm tra, giám sát việc thực hiện các hồ sơ thiết kế khai thác đã được phê duyệt.

Nội dung kiểm tra bao gồm:

Yêu cầu xuất trình.

Hồ sơ thiết kế khai thác đã được duyệt, quyết định mở rừng, giấy phép khai thác.

Kiểm tra hiện trường khai thác, đối chiếu hồ sơ thiết kế với hiện trường.

Kiểm tra việc chấp hành quy trình quy phạm trong khai thác.

Điều 15. Hệ thống kiểm tra gồm hai cấp như sau:

1. Các Sở Lâm nghiệp (hoặc nông - lâm nghiệp) có trách nhiệm kiểm tra tất cả các đơn vị có rừng khai thác trên địa bàn tỉnh (kể cả Trung ương, địa phương và mọi thành phần kinh tế).

2. Bộ Lâm nghiệp (Vụ Lâm sinh công nghiệp rừng, Cục Kiểm lâm phối hợp với ban thanh tra Bộ, Vụ khoa học kỹ thuật) có trách nhiệm kiểm tra các Sở Lâm nghiệp (hoặc nông - lâm nghiệp) các đơn vị trực thuộc Trung ương.

Điều 16. Hàng năm phải tổ chức kiểm tra định kỳ và tuỳ theo tình hình cụ thể sản xuất của từng địa phương, cơ sở, có thể tổ chức kiểm tra đột xuất.

Về kiểm tra định kỳ:

Ở cấp Bộ: Tối thiểu mỗi năm một lần cho một số đơn vị trọng điểm.

Ở cấp Sở: Tối thiểu 6 tháng một lần cho một số đơn vị trọng điểm.

Điều 17. Sau khi tiến hành kiểm tra, giữa đoàn kiểm tra và đơn vị được kiểm tra phải lập biên bản kiểm tra ghi rõ nội dung sau:

Những ưu điểm, khuyết điểm của đơn vị trong quá trình khai thác, khai thác có thiết kế được duyệt, có giấy phép khai thác không, khai thác có đúng hồ sơ thiết kế khai thác không? Có đúng lô, khoảnh, tiểu khu? Có thực hiện nghiêm chỉnh các quy định theo hồ sơ thiết kế như chặt đúng cường độ cho phép, chặt đúng cây bài chặt? Tỷ lệ lợi dụng cây đứng? Thực hiện các biện pháp lâm sinh trước và sau khai thác?

Trường hợp có sự vi phạm như khai thác ngoài lô, khoảnh, tiểu khu được phép khai thác, chặt không đúng cây cho phép chặt, chặt vượt quá cường độ cho phép của hồ sơ thiết kế thì phải ghi rõ vào biên bản tên lô, khoảnh, tiểu khu và diện tích khai thác trái phép, số lượng cây và khối lượng gỗ chặt trái phép.

Các kiến nghị về khen thưởng hoặc xử lý của đoàn kiểm tra. Trường hợp vi phạm nặng, đoàn kiểm tra có quyền tạm thời đình chỉ khai thác, báo cáo ngay lên cấp trên để xử lý kịp thời.

Ý kiến của thủ trưởng đơn vị được kiểm tra.

Chương 5:

KHEN THƯỞNG VÀ XỬ PHẠT

Điều 18. Mức độ và hình thức khen thưởng:

- Đối với các đơn vị và cá nhân chấp hành nghiêm chỉnh điều lệ này thì tuỳ theo mức độ có thể đề nghị khen:

Giấy khen của Sở.

Giấy khen hoặc Bằng khen của Bộ, Tỉnh.

- Đối với đoàn kiểm tra có công phát hiện những vụ vi phạm lớn, xử lý thu hồi được tài sản cho Nhà nước thì có thể được xét trích thưởng theo chế độ hiện hành của Nhà nước.

- Trường hợp đoàn kiểm tra xử lý sai thì tuỳ theo mức độ nặng nhẹ mà xử phạt theo chế độ hiện hành.

Điều 19. Mức độ xử phạt

Tuỳ theo sự vi phạm nặng nhẹ trong quá trình khai thác có thể xử lý các mức độ sau:

Xử phạt hành chính

Truy cứu trách nhiệm hình sự.