Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO
VÀ DU LỊCH
-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3666/QĐ-BVHTTDL

Hà Nội, ngày 07 tháng 12 năm 2020

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN “TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO KHU VỰC VÀ TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2021 - 2030”

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH

Căn cứ Nghị định số 79/2017/NĐ-CP ngày 17 tháng 7 năm 2017 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch;

Căn cứ Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

Căn cứ Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

Căn cứ Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam;

Theo đề nghị của Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt kèm theo Quyết định này Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030”.

Điều 2. Giao Vụ Văn hóa dân tộc chủ trì, phối hợp với các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan tổ chức thực hiện Đề án.

Điều 3. Kinh phí thực hiện Đề án trích từ nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc tham gia ngày hội; kinh phí sự nghiệp của các ban, bộ, ngành Trung ương; kinh phí của địa phương đăng cai, các địa phương tham gia “Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” và kinh phí huy động từ các nguồn xã hội hóa, theo dự toán được duyệt và thực hiện theo quy định.

Điều 4. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày ký.

Điều 5. Chánh Văn phòng Bộ, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch, Tài chính, Vụ trưởng Vụ Văn hóa dân tộc, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, địa phương có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 


Nơi nhận:
- Như Điều 5;
- Bộ trưởng;
- Các Thứ trưởng;
- Các ban, bộ, ngành liên quan (để phối hợp);
- UBND các tỉnh/thành phố trực thuộc TW (để phối hợp);
- Các đơn vị thuộc Bộ VHTTDL (để thực hiện);
- Sở: VHTTDL, VHTT, VHTTTTDL, DL các tỉnh/thành
phố trực thuộc TW (để thực hiện);
- Lưu: VT, VHDT, Hng(150).

BỘ TRƯỞNG




Nguyễn Ngọc Thiện

 

ĐỀ ÁN

“TỔ CHỨC ĐỊNH KỲ NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN VĂN HÓA, THỂ THAO VÀ DU LỊCH VÙNG ĐỒNG BÀO CÁC DÂN TỘC THIỂU SỐ THEO KHU VỰC VÀ TOÀN QUỐC GIAI ĐOẠN 2021-2030”
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-BVHTTDL ngày   tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

Phần thứ nhất

SỰ CẦN THIẾT VÀ CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

I. SỰ CẦN THIẾT XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

Nước ta có 53 dân tộc thiểu số với số dân là 14.119.256 người, trong đó có gần 03 triệu hộ (chiếm 14,7% dân số cả nước)1, cư trú thành cộng đồng ở 54 tỉnh, thành phố, 503 huyện, 4117 đơn vị hành chính cấp xã, trong đó có 424 xã biên giới (tiếp giáp với Trung Quốc, Lào và Campuchia). Địa bàn cư trú chủ yếu ở vùng Tây Bắc, Đông Bắc, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ và Duyên hải miền Trung, chiếm 3/4 diện tích cả nước.

Văn hóa các dân tộc thiểu số Việt Nam rất đa dạng và là một bộ phận cấu thành nền văn hóa Việt Nam phong phú, đậm đà bản sắc. Tuy nhiên, cùng với xu thế hội nhập và phát triển, những luồng văn hóa khác nhau nhanh chóng xâm nhập vào đời sống xã hội ở vùng dân tộc thiểu số, gây ảnh hưởng và tác động không nhỏ tới văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số, đáng chú ý là nguy cơ mai một bản sắc văn hóa dân tộc ngày càng lớn.

Trước tình hình đó, trong những năm qua, Đảng và Nhà nước ta luôn có những chủ trương, chính sách nhằm ưu tiên, phát triển toàn diện vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo từng giai đoạn hội nhập và phát triển của đất nước. Trong đó phải kể tới Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, khóa IX về công tác dân tộc, xác định rõ quan điểm: “Phát triển toàn diện chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội và an ninh - quốc phòng trên địa bàn vùng dân tộc và miền núi; gắn tăng trưởng kinh tế với giải quyết các vấn đề xã hội, thực hiện tốt chính sách dân tộc; quan tâm phát triển, bồi dưỡng nguồn nhân lực; chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ dân tộc thiểu số; giữ gìn và phát huy những giá trị, bản sắc văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trong sự nghiệp phát triển chung của cộng đồng dân tộc Việt Nam thống nhất...”; Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa IX về công tác dân tộc trong tình hình mới và Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc đã cụ thể hóa các quan điểm, chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về công tác dân tộc, trong đó có việc tổ chức các hình thức giao lưu văn hóa, đó là: “Hỗ trợ bảo tồn, phát huy các lễ hội truyền thống tốt đẹp của đồng bào các dân tộc, định kỳ tổ chức ngày hội văn hóa thể thao dân tộc theo từng khu vực hoặc từng dân tộc ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số”; Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Hội nghị lần thứ chín Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước đã nêu: “Giữ gìn và phát huy di sản văn hóa các dân tộc thiểu số, nhất là tiếng nói, chữ viết, trang phục, lễ hội truyền thống, các giá trị văn hóa tích cực trong tôn giáo, tín ngưỡng”; Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030; Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế- xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030.

Triển khai công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã tổ chức nhiều hoạt động giao lưu văn hóa với nội dung phong phú, hình thức đa dạng, phù hợp với điều kiện ở từng địa bàn, từng vùng, đã được các cấp chính quyền từ Trung ương tới địa phương và đặc biệt là đồng bào các dân tộc hoan nghênh, đồng thuận và tích cực tham gia như: định kỳ tổ chức Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng: Tây Bắc, Đông Bắc, Miền Trung, Tây Nam Bộ; Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (19/4); Ngày hội, giao lưu văn hóa đối với từng dân tộc: Mông, Dao, Thái, Hoa, Mường, Chăm, Khmer,...; Giao lưu văn hóa mang tính chuyên đề như: Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính; Ngày hội trình diễn cây Nêu; Giao lưu văn hóa, nghệ thuật vùng biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia,...

Việc tổ chức Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số (sau đây gọi tắt là Ngày hội) gắn với hoạt động thông tin, tuyên truyền quảng bá, kiểm kê, lưu giữ văn hóa truyền thống của đồng bào dân tộc thiểu số đã góp phần to lớn trong việc tạo một môi trường văn hóa lành mạnh, vừa cải thiện đời sống văn hóa tinh thần, tạo điều kiện để đồng bào các dân tộc được giao lưu, trao đổi với nhau từ phong tục, tập quán, tiếng nói, chữ viết, ẩm thực, trang phục đến các làn điệu dân ca, dân nhạc, dân vũ… Sự hiểu biết này chính là cầu nối, gắn bó tình đoàn kết giữa các dân tộc, tạo nên sức mạnh, nguồn lực để phát triển nền văn hóa các dân tộc giàu bản sắc, góp phần xây dựng bản, làng, quê hương, đất nước ngày càng giàu đẹp, văn minh, xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước.

Triển khai thực hiện Quyết định số 4686/QĐ-BVHTTDL ngày 31 tháng 12 năm 2013 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch về việc phê duyệt Đề án tổ chức “Ngày hội giao, lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020” đã đạt được những thành công nhất định, góp phần quan trọng vào việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc nói chung, đặc biệt là các dân tộc thiểu số rất ít người nói riêng, xây dựng, tăng cường các hoạt động văn hóa cơ sở vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi; phát huy vai trò chủ thể văn hóa; nâng cao mức hưởng thụ văn hóa; quảng bá tiềm năng phát triển du lịch các địa phương. Tuy nhiên, bên cạnh đó vẫn còn tồn tại một số hạn chế, khó khăn trong việc tổ chức các Ngày hội. Do đó, việc xây dựng Đề án  “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch vùng đồng bào các dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030” là nhiệm vụ cấp thiết, có ý nghĩa chiến lược cần phải tiếp tục được thực hiện thường xuyên và lâu dài. Nhằm cụ thể hoá việc triển khai thực hiện các chủ trương của Đảng và Nhà nước trong tình hình mới của đất nước về bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số, nâng cao mức hưởng thụ văn hóa với phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, góp phần ổn định chính trị, trật tự an toàn xã hội.

II. CĂN CỨ XÂY DỰNG ĐỀ ÁN

1. Căn cứ pháp lý

- Nghị quyết số 24-NQ/TW ngày 12 tháng 3 năm 2003 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc;

- Nghị quyết số 33-NQ/TW ngày 09 tháng 6 năm 2014 của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Kết luận số 65-KL/TW ngày 30 tháng 10 năm 2019 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 24-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa IX) về công tác dân tộc trong tình hình mới;

- Kết luận số 76/KL/TW ngày 04 tháng 6 năm 2020 của Bộ Chính trị về việc tiếp tục thực hiện Nghị quyết số 33-NQ/TW của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước;

- Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Nghị quyết số 120/2020/QH14 ngày 19 tháng 6 năm 2020 của Quốc hội về phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi giai đoạn 2021-2030;

- Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc;

- Nghị quyết số 12/NQ-CP ngày 15 tháng 02 năm 2020 của Chính phủ triển khai thực hiện Nghị quyết số 88/2019/QH14 ngày 18 tháng 11 năm 2019 của Quốc hội về phê duyệt Đề án tổng thể phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi giai đoạn 2021 - 2030;

- Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ về Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam;

- Quyết định số 499/QĐ-TTg ngày 10 tháng 4 năm 2020 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình “Bảo vệ và phát triển các dân tộc thiểu số rất ít người giai đoạn 2021-2030”;

- Thông tư số 12/2014/TT- BVHTTDL ngày 10 tháng 10 năm 2014 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch quy định chi tiết thi hành một số điều của Nghị định số 05/2011/NĐ-CP ngày 14 tháng 01 năm 2011 của Chính phủ về công tác dân tộc.

2. Căn cứ thực tiễn

Thông qua việc tổ chức các Ngày hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo khu vực và toàn quốc giai đoạn 2013 - 2020 đã, đang đạt được những kết quả quan trọng, tuy nhiên vẫn còn có một số khó khăn hạn chế, cụ thể như sau:

2.1. Những kết quả đạt được

- Các cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đã có được những đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động văn hóa, nghệ thuật, thể dục thể thao quần chúng và đời sống văn hóa cơ sở, từ đó định hướng và xác định giải pháp khắc phục những yếu kém để văn hóa phù hợp với đời sống xã hội của từng vùng, miền trên cả nước;

- Giúp các địa phương chủ động trong việc xây dựng kế hoạch theo giai đoạn và hàng năm, đảm bảo việc tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa thiết thực, hiệu quả, góp phần bảo tồn và phát huy các giá trị văn hóa tốt đẹp của đồng bào các dân tộc thiểu số trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước;

- Đây là hoạt động mang tính xã hội, tính cộng đồng, gắn với đời sống lao động và sinh hoạt của nhân dân, đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng chính đáng của nhân dân và phục vụ yêu cầu nhiệm vụ chính trị của đất nước;

- Thông qua Ngày hội, các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc thiểu số được bảo tồn, tôn vinh, giới thiệu quảng bá rộng rãi, qua đó còn phát hiện được các tài năng kế cận để đào tạo, bồi dưỡng, khích lệ và khơi dậy sáng tạo các giá trị văn hóa mới, đồng thời để các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng có dịp gặp gỡ, giao lưu học hỏi kinh nghiệm trong việc bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống của mình. Bên cạnh đó, việc tổ chức giao lưu văn hóa nghệ thuật các tuyến biên giới Việt Nam - Lào và Việt Nam - Campuchia là dịp để các nghệ sĩ, nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng hai nước được tham gia giao lưu văn hóa, tạo thêm sự hiểu biết lẫn nhau, góp phần đưa quan hệ hữu nghị láng giềng tốt đẹp và hợp tác toàn diện vùng biên giới, nhằm ổn định trật tự, an toàn xã hội, an ninh quốc gia.

2.2. Những tồn tại, hạn chế

- Ngày hội mặc dù đã được tổ chức theo định kỳ 03 năm/lần, 05 năm/lần, nhưng kinh phí đầu tư cho hoạt động văn hóa, thể thao và du lịch ở cơ sở còn hạn chế, khó khăn. Cơ chế phối hợp chưa rõ ràng giữa các cơ quan Trung ương với các địa phương dẫn đến nhiều Ngày hội chưa được tổ chức đúng theo hình thức luân phiên định kỳ như: Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch khu vực Tây Nguyên, khu vực Đông Nam Bộ; Ngày hội văn hóa các dân tộc Hoa, Mường; Ngày hội giao lưu văn hóa tuyến biên giới Việt Nam - Campuchia…

- Công tác chỉ đạo từ Trung ương đến địa phương đôi khi thiếu kịp thời, chưa sâu sát. Nhiều địa phương chưa tổ chức được các hoạt động giao lưu văn hóa dân tộc trên địa bàn do chưa nhận thức một cách sâu sắc, đầy đủ về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của công tác văn hóa các dân tộc.

- Công tác tuyên truyền, quảng bá văn hóa truyền thống các dân tộc chưa được thường xuyên liên tục, còn tập trung ở bề nổi nên chưa thực sự tác động đến ý thức giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của người dân, đặc biệt là thế hệ trẻ - chủ thể, hạt nhân trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình.

- Các nội dung hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội nói chung chưa kết hợp được việc bảo tồn phát huy các giá trị văn hóa đặc sắc mang tính truyền thống với các giá trị văn hóa mới,… chương trình, nội dung chưa được chuẩn bị kỹ, còn biểu hiện sân khấu hóa, nhiều yếu tố văn hóa truyền thống mất dần yếu tố nguyên bản và theo xu hướng hiện đại. Việc tổ chức các hoạt động văn hóa dân gian ở hầu hết các tỉnh, huyện, thị xã tuy đã được tổ chức nhưng ở nhiều nơi nội dung thể hiện còn sơ sài, chất lượng chưa cao. Cán bộ có trình độ nghiệp vụ chuyên sâu trong lĩnh vực sưu tầm, phục dựng, tổ chức thực hiện các nghi lễ trong lễ hội, trình diễn nghệ thuật truyền thống tại địa phương còn nhiều hạn chế; do đó công tác định hướng, sưu tầm, bảo tồn và quảng bá các giá trị văn hóa truyền thống chưa phát huy hết hiệu quả.

- Ngày hội là cơ hội để Ban Tổ chức, đơn vị địa phương đăng cai và các địa phương tham gia huy động các nguồn lực xã hội hóa để tổ chức các hoạt động. Tuy nhiên, nhiều năm qua, chưa tìm được phương thức phù hợp để huy động do các địa phương đăng cai đều là các tỉnh miền núi, nguồn lực kinh tế còn khó khăn. Do đó, kinh phí tổ chức chủ yếu vẫn dựa vào nguồn ngân sách nhà nước. Cơ cấu giải thưởng cho các nội dung phải thực hiện theo văn bản hướng dẫn nên mức tiền thưởng cho các tập thể, cá nhân tham gia các ngày hội còn thấp, chưa tương xứng và thực sự động viên khích lệ được các nghệ nhân, nghệ sĩ tham gia.

- Trong khuôn khổ hoạt động Ngày hội, các đoàn tham gia đôi khi mang nặng tính chất thi đạt giải thưởng, chưa thật sự có những hoạt động đúng ý nghĩa giao lưu, học hỏi cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng.

- Văn hóa các dân tộc vừa phong phú, vừa đa dạng cả về nội dung và hình thức, có nhiều cơ hội, điều kiện thuận lợi để phát triển trong tình hình mới của đất nước nhưng cũng đứng trước nhiều nguy cơ, thách thức về phai mờ bản sắc, thậm chí mất bản sắc văn hóa truyền thống.

- Các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội chưa có nhiều sự đổi mới. Hoạt động quảng bá, xúc tiến du lịch tại các địa phương đăng cai Ngày hội chưa được quan tâm đúng mức và triển khai hiệu quả chưa cao.

2.3. Nguyên nhân

2.3.1. Nguyên nhân của kết quả đạt được

- Các chủ trương, đường lối, chính sách về công tác dân tộc đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã tạo được sự chuyển biến tích cực trong nhận thức của các ngành, các cấp thông qua việc cụ thể hoá các nhiệm vụ theo kế hoạch hàng năm.

- Đội ngũ cán bộ làm công tác văn hóa dân tộc ở các địa phương đa số đều có tinh thần trách nhiệm cao và nhiệt huyết trong quá trình thực hiện nhiệm vụ.

- Trên cơ sở, yêu cầu nhiệm vụ được giao và kế hoạch công tác cụ thể trong từng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã chỉ đạo việc tổ chức các hoạt động trong Ngày hội phù hợp (về ý nghĩa chính trị, văn hóa, về nội dung, hình thức, quy mô,..). Các địa phương chủ động trong việc tổ chức các Ngày hội, tại địa bàn cơ sở (tỉnh, huyện, xã, thôn, bản) do cấp ủy, chính quyền và ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch ở các địa phương chịu trách nhiệm xây dựng kế hoạch, chương trình và tổ chức thực hiện, đáp ứng nguyện vọng của đồng bào các dân tộc.

2.3.2. Nguyên nhân hạn chế

- Một số cơ chế, chính sách phục vụ phát triển sự nghiệp văn hóa, thể thao và du lịch chưa phù hợp với yêu cầu thực tiễn, kinh phí phân bổ cho tổ chức các Ngày hội còn thấp; cơ sở vật chất phục vụ cho tập luyện văn nghệ, thể thao cho các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng ở vùng đồng bào dân tộc thiểu số còn thiếu thốn và lạc hậu.

- Các tỉnh vùng dân tộc thiểu số còn nghèo, địa bàn rộng, mật độ dân cư thưa và không tập trung dẫn đến việc huy động lực lượng nghệ nhân tham gia các Ngày hội rất khó khăn. Chính sách đãi ngộ ở một số địa phương đối với cán bộ văn hóa cơ sở, nghệ nhân, nghệ sĩ người dân tộc thiểu số chưa thực sự thỏa đáng. Người có uy tín và các nghệ nhân cao tuổi ngày càng ít dần.

- Sự phối hợp giữa các ban, bộ, ngành Trung ương và các địa phương trong việc tổ chức Ngày hội đôi khi chưa được đồng bộ.

- Về kinh phí tổ chức Ngày hội chưa có quy chế, định mức quy định rõ ràng và thống nhất, đặc biệt là với các địa phương đăng cai; cơ cấu khen thưởng phụ thuộc vào điều kiện cụ thể của từng năm, từng địa phương. Kinh phí từ nguồn xã hội hoá cho việc tổ chức các Ngày hội vùng dân tộc thiểu số gần như không có.

- Trong xu thế hội nhập quốc tế hiện nay, sự giao thoa văn hóa diễn ra nhanh khiến cho việc bảo tồn các giá trị di sản văn hóa truyền thống chưa được kịp thời, việc tiếp thu văn hóa mới thiếu chọn lọc, dẫn đến văn hóa truyền thống của các dân tộc có nguy cơ mai một rất cao.

Phần thứ hai

NỘI DUNG CỦA ĐỀ ÁN

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

1.1. Đề án “Tổ chức định kỳ ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số giai đoạn 2021- 2030” nhằm hướng dẫn các địa phương quán triệt, nghiên cứu xây dựng kế hoạch, nội dung, chương trình các hoạt động đảm bảo quy mô, tần suất phù hợp, tránh tràn lan phô trương, lãng phí, đồng thời khích lệ đồng bào các dân tộc thiểu số bảo tồn, phát huy các giá trị văn hóa truyền thống trong quá trình hội nhập và phát triển đất nước.

1.2. Giúp cơ quan quản lý nhà nước từ Trung ương đến địa phương đánh giá khách quan về thực trạng hoạt động văn hóa nghệ thuật, du lịch, thể dục thể thao quần chúng và đời sống văn hóa cơ sở trong từng giai đoạn, từ đó định hướng và xác định giải pháp khắc phục những yếu kém, thúc đẩy văn hóa nghệ thuật quần chúng phù hợp với đời sống xã hội của từng vùng, miền trên cả nước.

1.3. Tiếp thu những tinh hoa văn hóa vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong quá trình sáng tạo, giới thiệu, quảng bá, tôn vinh những giá trị văn hóa đặc sắc vùng đồng bào dân tộc thiểu số tới bạn bè trong nước và quốc tế góp phần tăng cường giao lưu, hội nhập gắn với phát triển du lịch.

1.4. Là cơ sở để Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức Ngày hội mang tính thiết thực gắn với việc phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng và Nhà nước diễn ra hàng năm trong thời gian từ năm 2021 đến năm 2030; giúp các nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, vận động viên vùng đồng bào dân tộc thiểu số giao lưu văn hóa, học tập, trao đổi kinh nghiệm nhằm thắt chặt tình đoàn kết, gắn bó giữa các dân tộc, các địa phương trên cả nước xây dựng và phát triển đời sống văn hóa lành mạnh, tiến bộ.

2. Yêu cầu

2.1. Các hoạt động tham gia Ngày hội phải được chọn lọc và mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc, địa phương, vùng, miền; đảm bảo chất lượng, nội dung nghệ thuật, tính dân tộc, tính hiện đại, tính cộng đồng, tính đa dạng phong phú, độc đáo và có tính tuyên truyền giáo dục cao.

2.2. Đảm bảo nội dung hoạt động trọng tâm, có chương trình, mục tiêu cụ thể, kết nối với các hoạt động, chương trình quốc gia, vùng miền, địa phương.

2.3. Lực lượng chính tham gia các Ngày hội phải do nghệ nhân, nghệ sĩ, diễn viên, nhạc công,... là người dân tộc thiểu số tham gia với tư cách là chủ thể văn hóa; là dịp gặp gỡ, giao lưu văn hóa, trao đổi học hỏi kinh nghiệm trong xây dựng đời sống văn hóa ở cơ sở và thực hiện Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” trên các địa bàn.

2.4. Các nội dung hoạt động của Ngày hội tạo không khí vui tươi, phấn khởi, an toàn, tiết kiệm, không phô trương lãng phí đồng thời phong phú, đa dạng, ấn tượng, giàu bản sắc dân tộc, gắn với chương trình phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục, y tế, an ninh quốc phòng, xoá đói giảm nghèo của vùng miền, ở các địa phương,... nêu cao tinh thần bình đẳng, đoàn kết, tôn trọng, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ giữa các dân tộc.

2.5. Phối hợp chặt chẽ, triển khai đồng bộ các hoạt động tuyên truyền, cổ động trên các phương tiện thông tin đại chúng trước, trong và sau Ngày hội; quảng bá rộng rãi về nội dung hoạt động, các hình ảnh trong Ngày hội đến công chúng, đặc biệt là công chúng trên địa bàn diễn ra Ngày hội để đồng bào đến xem, cổ vũ, động viên các nghệ nhân, diễn viên quần chúng, đồng thời trực tiếp tham gia các hoạt động giao lưu văn hóa, văn nghệ.

II. ĐỐI TƯỢNG VÀ PHẠM VI CỦA ĐỀ ÁN

1. Đối tượng tham gia

- Các nghệ nhân, diễn viên, vận động viên quần chúng vùng đồng bào dân tộc thiểu số.

- Tùy theo thực tế, tính chất, quy mô của từng Ngày hội có thể thống nhất mời một số địa phương trong nước và quốc tế tham gia giao lưu.

2. Phạm vi thực hiện Đề án

Từng dân tộc, khu vực và toàn quốc.

III. NHIỆM VỤ CỦA ĐỀ ÁN

1. Các Ngày hội, nội dung hoạt động và quy trình tổ chức

1.1. Tên gọi và định kỳ tổ chức

1.1.1. Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc thiểu số theo vùng, miền

- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc;

- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc;

- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền Trung;

- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên;

- Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Nam Bộ.

* Định kỳ tổ chức: 03 năm/lần

1.1.2. Ngày hội văn hóa các dân tộc

- Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Mường;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Thái;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Mông;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Dao;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay;

- Ngày hội văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều.

* Định kỳ tổ chức: 05 năm/lần

*Ghi chú: Ngày hội văn hóa một số dân tộc khác (nếu đủ điều kiện tổ chức, phù hợp với tình hình thực tế) cũng thực hiện tổ chức định kỳ 05 năm/lần.

1.1.3. Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (ngày 19/4)

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam thực hiện theo Quyết định số 1668/QĐ-TTg ngày 17 tháng 11 năm 2008 của Thủ tướng Chính phủ; Quyết định số 5248/QĐ-BVHTDL ngày 17 tháng 12 năm 2008 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

1.1.4. Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

* Định kỳ tổ chức: 05 năm/lần.

1.1.5. Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch các tỉnh vùng biên giới

- Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào;

- Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Campuchia.

* Định kỳ tổ chức: 05 năm/lần.

* Ghi chú: Ngày hội, giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Trung Quốc (nếu đủ điều kiện tổ chức và phù hợp với tình hình thực tế) cũng thực hiện tổ chức 05 năm/lần.

1.1.6. Ngày hội, giao lưu, liên hoan văn hóa nghệ thuật tiêu biểu

- Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái;

- Liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân) của các dân tộc thiểu số Việt Nam;

- Ngày hội trình diễn cây Nêu;

- Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam.

* Định kỳ tổ chức: 05 năm/lần

* Ghi chú: Các Ngày hội, giao lưu, liên hoan đối với loại hình nghệ thuật truyền thống đặc trưng, tiêu biểu của các dân tộc khác (nếu đủ điều kiện tổ chức, phù hợp với tình hình thực tế) cũng thực hiện tổ chức theo định kỳ 05 năm/lần.

1.2. Khung nội dung các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội

1.2.1. Hoạt động văn hóa, nghệ thuật truyền thống

- Liên hoan nghệ thuật truyền thống;

- Trình diễn trang phục dân tộc truyền thống;

- Giới thiệu lễ hội, nghi thức văn hóa dân gian truyền thống;

- Trình diễn nghề thủ công truyền thống các dân tộc;

- Nghệ thuật múa dân gian;

- Trình diễn các đặc trưng văn hóa, nghệ thuật tiêu biểu của các dân tộc;

- Biểu diễn các loại hình nghệ thuật truyền thống (Dân ca, dân nhạc, dân vũ, diễn tấu cồng chiêng, nhạc cụ truyền thống, …);

- Không gian văn hóa trưng bày, triển lãm giới thiệu các mặt hàng thủ công, mỹ nghệ, sản phẩm văn hóa đặc trưng, ẩm thực, không gian trải nghiệm các hoạt động cho khách du lịch của các dân tộc;

- Tổ chức, biểu diễn chương trình văn hóa nghệ thuật của các đoàn phục vụ đồng bào các dân tộc thiểu số tại cơ sở (địa phương đăng cai bố trí từ 03-05 địa điểm).

1.2.2. Hoạt động thể thao quần chúng các dân tộc

- Thi đấu các môn thể thao truyền thống;

- Trò chơi dân gian các dân tộc.

1.2.3. Hoạt động du lịch

- Thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng: Kỹ năng tiếp đón và chia tay khách; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến, trình diễn ẩm thực truyền thống các dân tộc thiểu số Việt Nam; tìm hiểu về quy trình phục vụ khách tại các cơ sở homestay;

- Tổ chức các hoạt động xúc tiến quảng bá du lịch vùng đồng bào dân tộc;

- Tổ chức đoàn Famtrip khảo sát du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng tại địa phương.

1.2.4. Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái

- Hát Then, múa Then, tấu đàn Then (Then cổ, Then cải biên, ca khúc sáng tác được phát triển từ chất liệu Then);

- Triển lãm “Di sản văn hóa thực hành Then của các dân tộc Tày - Nùng - Thái ở Việt Nam”;

- Hội thảo chuyên đề.

1.2.5. Liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân) của các dân tộc thiểu số

- Trình diễn trang phục truyền thống;

- Trình diễn nghề dệt, thêu, vẽ trên trang phục truyền thống;

- Hội thảo chuyên đề.

1.2.6. Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số

- Hát dân ca, các làn điệu giao duyên, hát kể sử thi;

- Biểu diễn các tác phẩm mới dựa trên chất liệu dân ca, có nội dung ca ngợi Đảng, Bác Hồ, quê hương, đất nước, tinh thần lao động, tình yêu cuộc sống;

- Hội thảo chuyên đề.

1.2.7. Các hoạt động khác

Triển lãm đặc trưng văn hóa vùng, từng dân tộc, triển lãm thành tựu đổi mới của Việt Nam; hội thảo khoa học; tọa đàm, giao lưu về công tác bảo tồn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc giữa các đoàn tham gia Ngày hội; tổ chức trải nghiệm văn hóa các dân tộc thiểu số do Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức căn cứ vào tình hình cụ thể để quyết định.

2. Quy trình tổ chức

2.1. Để tổ chức Ngày hội theo yêu cầu kế hoạch khung của Đề án Ngày hội năm sau, từ tháng 6 hàng năm, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch dự kiến địa phương đăng cai và gửi văn bản đề nghị đăng cai tới Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố (nơi địa phương dự kiến đăng cai).

2.2. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố gửi văn bản xác nhận về Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.

2.3. Trên cơ sở văn bản xác nhận của địa phương đăng cai, Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với địa phương đăng cai và phối hợp, giao các cơ quan chức năng của Bộ và địa phương xây dựng Kế hoạch tổng thể và dự toán ngân sách (kinh phí) cho năm sau, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt.

2.4. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định tổ chức, trước khi diễn ra Ngày hội 06 tháng, đồng thời có văn bản thỏa thuận với các ban, bộ, ngành Trung ương, các địa phương thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, xây dựng các nội dung có liên quan để triển khai thực hiện.

2.5. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các địa phương có đoàn tham gia Ngày hội: Xây dựng kế hoạch tham gia, dự toán kinh phí và đăng kí với Ban Tổ chức về nội dung hoạt động, thành phần của đoàn tỉnh mình tham gia Ngày hội theo mục đích, ý nghĩa, yêu cầu, quy mô và các điều kiện đã được quy định.

2.6. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, phối hợp với địa phương đăng cai và các ban, bộ, ngành Trung ương cùng các địa phương tham gia tiến hành tổ chức Ngày hội theo Kế hoạch được duyệt.

2.7. Đánh giá, tổng kết sau khi kết thúc Ngày hội.

3. Khung quy chế tổ chức, cơ cấu giải thưởng và chấm giải

3.1. Khung quy chế tổ chức và cơ cấu giải thưởng

Căn cứ vào tình hình thực tế, tính chất, quy mô của từng Ngày hội, Ban Tổ chức xây dựng quy chế tổ chức cho phù hợp.

3.1.1. Đối với các hoạt động văn hóa truyền trống

- Trưng bày giới thiệu, quảng bá văn hóa truyền thống địa phương; trưng bày, giới thiệu ẩm thực truyền thống địa phương; liên hoan văn nghệ truyền thống, trình diễn trang phục dân tộc; trình diễn nghề dệt thổ cẩm; trình diễn, giới thiệu trích đoạn lễ hội, nghi thức sinh hoạt văn hóa truyền thống dân tộc; nghệ thuật múa dân gian; giải thưởng cho các nghệ nhân cao tuổi nhất và nhỏ tuổi nhất, ưu tiên cho các loại hình nghệ thuật biểu diễn truyền thống các dân tộc thiểu số rất ít người và một số loại hình nghệ thuật truyền thống có nguy cơ thất truyền; trình diễn, giới thiệu các đặc trưng văn hóa truyền thống theo khu vực và theo từng dân tộc,…;

- Cơ cấu giải thưởng trong khuôn khổ Ngày hội cho các nội dung, tiết mục tham gia bao gồm: giải A, giải B, giải C và giải Khuyến khích cho các tiết mục, trích đoạn (lấy điểm số từ cao xuống thấp theo cơ cấu giải thưởng đã được phê duyệt).

3.1.2. Đối với hoạt động thể thao truyền thống

- Tổ chức các môn thi đấu thể thao truyền thống của các dân tộc trên cơ sở lựa chọn số lượng các môn thi đấu tùy theo đặc trưng dân tộc, vùng, miền, khu vực;

- Cơ cấu giải thưởng trong khuôn khổ Ngày hội cho các nội dung thi đấu gồm: giải Nhất, giải Nhì, giải Ba.

3.1.3. Đối với hoạt động du lịch

- Thi trình diễn kỹ năng du lịch cộng đồng: kỹ năng tiếp đón và chia tay khách; kỹ năng thuyết minh, giới thiệu điểm đến; tìm hiểu về quy trình phục vụ khách tại các cơ sở homestay;

- Cơ cấu giải thưởng trong khuôn khổ Ngày hội cho các nội dung, tiết mục tham gia bao gồm: giải A, giải B, giải C và giải Khuyến khích cho các phần thi (lấy điểm số từ cao xuống thấp theo cơ cấu giải thưởng đã được phê duyệt).

* Khen thưởng

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xét tặng Bằng khen, Huy chương, Giấy chứng nhận cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia, tổ chức Ngày hội và các nội dung đạt giải theo cơ cấu giải thưởng trong khuôn khổ Ngày hội.

- Các ban, bộ, ngành Trung ương xét tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân có thành tích tham gia, tổ chức tuỳ thuộc quy mô, tính chất của từng Ngày hội.

3.2. Chấm giải

3.2.1. Đối với các hoạt động văn hóa truyền thống

Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch ban hành Quyết định thành lập Hội đồng nghệ thuật; thành viên của Hội đồng là các nghệ nhân, nghệ sĩ, nhà nghiên cứu, nhà quản lý văn hóa có chuyên môn, năng lực, am hiểu văn hóa dân tộc. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Hội đồng thẩm định nghệ thuật do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hoặc đơn vị tổ chức ban hành tùy thuộc quy mô, tính chất của từng Ngày hội.

3.2.2. Đối với các môn thể thao truyền thống, trò chơi dân gian:

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Thể dục thể thao) ban hành Quyết định thành lập Ban Trọng tài; thành viên của Ban là các nhà chuyên môn về thể dục, thể thao của Tổng cục Thể dục thể thao, các đơn vị thể thao của tỉnh đăng cai và các tỉnh tham dự Ngày hội. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và nguyên tắc làm việc của Ban Trọng tài do Tổng cục Thể dục thể thao hoặc đơn vị tổ chức ban hành tùy thuộc quy mô, tính chất của từng ngày hội.

3.2.3. Đối với các hoạt động về du lịch

Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (Tổng cục Du lịch) ban hành Quyết định thành lập Ban Giám khảo; thành viên của Ban là các nhà chuyên môn về lĩnh vực du lịch của Tổng cục Du lịch, mời cá nhân các đơn vị của tỉnh đăng cai và các tỉnh tham dự Ngày hội. Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, nguyên tắc làm việc của Ban Giám khảo do Tổng cục Du lịch hoặc đơn vị tổ chức ban hành tùy thuộc quy mô, tính chất của từng Ngày hội.

IV. GIẢI PHÁP THỰC HIỆN

1. Giải pháp về chỉ đạo, điều hành

Tăng cường, nâng cao nhận thức, hiệu quả lãnh đạo, chỉ đạo và tổ chức thực hiện của các ban, bộ, ngành Trung ương; các địa phương, đoàn thể và nhân dân; các tổ chức, cá nhân đối với công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số gắn với việc phát triển kinh tế, văn hóa - xã hội ở địa phương.

2. Giải pháp về tuyên truyền và quảng bá

Các bộ, ban, ngành Trung ương, các địa phương và cơ quan thông tấn, báo chí đẩy mạnh công tác tuyên truyền, giáo dục, quảng bá về giá trị văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Phát huy sức mạnh tổng hợp của các cơ quan tuyên truyền, các loại hình tuyên truyền. Các cơ quan báo chí Trung ương và các địa phương, cơ quan quản lý nhà nước, chính quyền các địa phương, các bộ, ban, ngành, đoàn thể chủ động tham gia vào việc tuyên truyền, quảng bá những giá trị văn hóa truyền thống các dân tộc thiểu số trên các trang thông tin điện tử và triển khai thực hiện Đề án.

3. Giải pháp về cơ chế, chính sách

- Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách phù hợp với tình hình thực tiễn đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi;

- Có cơ chế phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan lãnh đạo, chỉ đạo, quản lý công tác dân tộc. Đề cao cơ chế phối hợp với các địa phương để việc triển khai thực hiện các chính sách về dân tộc nói chung, về hoạt động Ngày hội nói riêng được đồng bộ và hiệu quả, tránh chồng chéo;

- Có cơ chế, chính sách đặc thù đối với các nghệ nhân, nghệ sỹ, già làng, trưởng bản, người có uy tín trong việc giữ gìn, trao truyền các giá trị văn hóa truyền thống cho thế hệ trẻ;

- Cơ chế hỗ trợ, động viên, khuyến khích các địa phương tham gia các hoạt động Ngày hội.

4. Giải pháp về phát triển nguồn nhân lực

- Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ quản lý văn hóa, thực hiện tốt công tác chuẩn hóa cán bộ theo tiêu chuẩn chuyên môn, nghiệp vụ công chức, viên chức ngành văn hóa, thể thao, du lịch. Ưu tiên đào tạo và sử dụng đội ngũ cán bộ văn hóa, thể thao, du lịch là người dân tộc thiểu số;

- Nâng cao nhận thức về việc bảo tồn và phát triển văn hóa là nhiệm vụ quan trọng, thường xuyên của các cấp ủy Đảng, chính quyền, các ngành, đoàn thể. Hằng năm bố trí kinh phí đầu tư cho các hoạt động văn hóa, nhất là công tác bảo tồn, phát huy văn hóa truyền thống của các dân tộc thiểu số. Tổ chức mở các lớp tập huấn nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ cho đội ngũ cán bộ trong lĩnh vực văn hóa, nhất là ở cấp cơ sở;

- Tạo điều kiện tốt nhất để các thế hệ trẻ người dân tộc thiểu số có nhiều cơ hội tham gia, thể hiện, học hỏi các giá trị văn hóa truyền thống.

5. Giải pháp về nguồn lực

- Bố trí nguồn kinh phí phù hợp để triển khai có hiệu quả các hoạt động Ngày hội theo Kế hoạch được phê duyệt;

- Phát huy tối đa nguồn kinh phí xã hội hóa cho các hoạt động văn hóa dân tộc.

Phần thứ ba

KINH PHÍ VÀ TỔ CHỨC THỰC HIỆN

I. KINH PHÍ

Kinh phí tổ chức Ngày hội được thực hiện từ các nguồn sau:

1. Nguồn ngân sách nhà nước của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch hàng năm phân bổ cho các đơn vị trực thuộc tham gia Ngày hội.

2. Kinh phí sự nghiệp của các ban, bộ, ngành Trung ương hỗ trợ, khen thưởng.

3. Kinh phí địa phương đăng cai tổ chức; kinh phí các địa phương tham gia Ngày hội do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương cấp.

4. Kinh phí vận động tài trợ theo hướng xã hội hoá do địa phương đăng cai vận động.

II. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì xây dựng Đề án, phối hợp với các cơ quan, đơn vị liên quan triển khai thực hiện Đề án.

- Chỉ đạo các địa phương tham gia Ngày hội ban hành Quyết định tổ chức, thành lập Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức, Hội đồng nghệ thuật, Ban trọng tài, Ban Giám khảo; ban hành cơ cấu giải thưởng trước khi diễn ra Ngày hội; Quyết định khen thưởng, tặng bằng khen, giấy chứng nhận giải thưởng, huy chương cho tất cả các nội dung trong khuôn khổ Ngày hội theo quy mô tổ chức.

2. Các ban, bộ, ngành Trung ương

2.1. Đề nghị Ban Tuyên giáo Trung ương, Ban Dân vận Trung ương, Hội đồng Dân tộc của Quốc hội

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, tổ chức thực hiện các nội dung của Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của cơ quan.

2.2. Ủy ban Dân tộc

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức Ngày hội, chỉ đạo các địa phương liên quan; khen thưởng, động viên các đoàn tham gia ngày hội.

2.3. Bộ Thông tin và Truyền thông, Thông tấn xã Việt Nam

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo các địa phương, các cơ quan báo chí chủ động tổ chức tuyên truyền các nội dung liên quan đến Đề án phù hợp với tình hình thực tế, tính chất đặc thù của các vùng, miền, các dân tộc thiểu số.

2.4. Đài Truyền hình Việt Nam, Đài Tiếng nói Việt Nam, Thông tấn xã Việt Nam

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội truyền hình, truyền thanh trực tiếp Lễ khai mạc Ngày hội để tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những giá trị của văn hóa các dân tộc thiểu số. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục, thời lượng phát sóng phù hợp để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trước, trong và sau các Ngày hội.

2.5. Bộ Tư lệnh Bộ đội Biên phòng

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch tổ chức, chỉ đạo các địa phương liên quan, khen thưởng, động viên các đoàn tham gia theo quy mô, tính chất của từng Ngày hội.

2.6. Bộ Công an

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, các địa phương đảm bảo công tác an ninh, trật tự trước, trong và sau Ngày hội.

3. Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

3.1. Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố đăng cai Ngày hội

Tham gia là Phó Trưởng Ban Chỉ đạo, Trưởng Ban Tổ chức Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chỉ đạo, xây dựng Kế hoạch tổng thể triển khai thực hiện Ngày hội. Đảm nhiệm về kinh phí tổ chức: Chương trình lễ khai mạc, bế mạc, báo cáo tổng kết đánh giá kết quả chung, công tác tuyên truyền quảng bá tại địa phương, phóng viên báo chí, phát thanh, truyền hình, đón tiếp khách Trung ương, tỉnh bạn và chuẩn bị các điều kiện cơ sở vật chất phục vụ các hoạt động của Ngày hội. Khen thưởng cho các tập thể, cá nhân đã có thành tích tham gia và tổ chức Ngày hội. Đảm bảo an ninh trật tự, phòng chống cháy nổ, an toàn thực phẩm, vệ sinh môi trường và an toàn giao thông trên địa bàn. Huy động có hiệu quả nguồn lực xã hội hóa tại địa phương để tổ chức Ngày hội.

- Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch, Sở Văn hóa và Thể thao, Sở Du lịch các tỉnh, thành phố đăng cai là cơ quan thường trực, đầu mối của Ban Tổ chức Ngày hội, có trách nhiệm tham mưu, đề xuất xây dựng kế hoạch tổ chức Ngày hội với Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xem xét, quyết định.

3.2. Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố tham gia Ngày hội

Tham gia là thành viên Ban Chỉ đạo các Ngày hội. Phối hợp với Bộ Văn hóa, Thể Thao và Du lịch chỉ đạo các Sở: Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du lịch; Văn hóa và Thể thao; Du lịch tham gia triển khai nhiệm vụ của Đề án và Kế hoạch tổng thể Ngày hội. Bố trí nguồn kinh phí cho đoàn của địa phương mình tham gia các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội. Chỉ đạo công tác tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trong khuôn khổ Ngày hội tại địa phương.

3.3. Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Sở Văn hóa, Thông tin, Thể Thao và Du lịch; Sở Văn hóa và Thể thao; Sở Du lịch các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

Chủ động tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch trực tiếp triển khai thực hiện các nội dung, như:

- Tổ chức đoàn nghệ nhân, vận động viên, diễn viên quần chúng tham gia đầy đủ các nội dung trong khuôn khổ Kế hoạch tổ chức Ngày hội đã được phê duyệt.

- Chịu trách nhiệm bố trí nguồn kinh phí tổ chức tập luyện, dàn dựng, đi và về, ăn, nghỉ của các thành viên trong đoàn.

- Chủ động làm việc với Ban Tổ chức để tổ chức các hoạt động mà đoàn đăng ký, thực hiện giao lưu với các đơn vị tham gia và đơn vị tỉnh đăng cai.

- Tổ chức các hoạt động trước, trong và sau Ngày hội phục vụ quần chúng nhân dân tại địa phương về kết quả luyện tập, tham gia Ngày hội xây dựng đời sống văn hóa cơ sở, phong trào thể dục, thể thao quần chúng và xúc tiến quảng bá du lịch ở địa phương.

Căn cứ vào Đề án này, các đơn vị, địa phương liên quan báo cáo cơ quan chủ quản chuẩn bị kinh phí, nội dung tham gia Ngày hội để đạt kết quả cao nhất.

4. Các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch

4.1. Vụ Văn hóa dân tộc

- Là đơn vị đầu mối, chủ trì hướng dẫn triển khai thực hiện Đề án, xây dựng kế hoạch, kinh phí; tổ chức phối hợp với cơ quan chức năng của các ban, bộ, ngành Trung ương, địa phương, các cơ quan, đơn vị trong và ngoài Bộ triển khai thực hiện các nhiệm vụ cụ thể của Đề án; theo dõi tổng hợp, tổng kết báo cáo. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

- Tổng hợp kế hoạch hàng năm, thống nhất với Vụ Kế hoạch, Tài chính để cân đối, bố trí nguồn ngân sách thực hiện Kế hoạch hàng năm theo nhiệm vụ Đề án.

4.2. Tổng cục Thể dục Thể thao

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai các hoạt động thể dục, thể thao theo nội dung Đề án và chức năng, nhiệm vụ được giao.

4.3. Tổng cục Du lịch

Chủ trì, phối hợp hỗ trợ, hướng dẫn các địa phương tham gia Ngày hội về chuyên môn, nghiệp vụ du lịch theo đề nghị của địa phương trong khuôn khổ Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.4. Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam

Chủ trì, phối hợp với các đơn vị, địa phương có liên quan triển khai các hoạt động trong khuôn khổ kế hoạch tổ chức Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.5. Vụ Kế hoạch, Tài chính

Tổng hợp nhu cầu kinh phí tham mưu lãnh đạo Bộ gửi Bộ Tài chính đưa vào kế hoạch hàng năm để triển khai thực hiện các nhiệm vụ đảm bảo theo kế hoạch của Đề án. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.6. Văn phòng Bộ

Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc thực hiện các nhiệm vụ được Lãnh đạo Bộ phê duyệt; hướng dẫn các thủ tục hành chính, bố trí cơ sở, vật chất và điều kiện cần thiết để các đơn vị tham gia Đề án hoàn thành nhiệm vụ. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.7. Vụ Thi đua, Khen thưởng

Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và các đơn vị liên quan thuộc Bộ tham mưu, trình Bộ trưởng tặng Bằng khen cho các tập thể, cá nhân và phối hợp xây dựng cơ cấu khen thưởng cho các hoạt động của Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.8. Cục Văn hóa cơ sở

Tham gia là thành viên Hội đồng thẩm định nghệ thuật trong khuôn khổ Ngày hội. Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc chỉ đạo và hướng dẫn Trung tâm Văn hóa các tỉnh, thành phố chuẩn bị tốt chương trình nội dung tham gia Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.9. Cục Nghệ thuật biểu diễn

Chủ trì, phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và địa phương đăng cai góp ý, thẩm định kịch bản lễ Khai mạc và chương trình nghệ thuật phục vụ lễ Khai mạc, lễ Bế mạc Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.10. Cục Di sản văn hóa

Tham gia là thành viên Hội đồng thẩm định nghệ thuật trong khuôn khổ Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.11. Cục Hợp tác quốc tế

Tham gia là thành viên Ban Tổ chức với tư cách phiên dịch cho Ban Chỉ đạo, Ban Tổ chức Ngày hội. Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc và địa phương đăng cai xây dựng kế hoạch tổ chức, lập danh sách khách mời và mời đại biểu quốc tế tham gia theo quy mô, tính chất của từng Ngày hội. Trực tiếp triển khai các nhiệm vụ liên quan đến nội dung Đề án theo chức năng, nhiệm vụ của đơn vị.

4.12. Bảo tàng Văn hóa các dân tộc Việt Nam và Trung tâm Triển lãm Văn hóa Nghệ thuật Việt Nam

Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để trực tiếp triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch được phân công.

4.13. Các cơ quan báo chí của Bộ

- Phối hợp với Vụ Văn hóa dân tộc, địa phương đăng cai tổ chức Ngày hội tuyên truyền, quảng bá giới thiệu những giá trị của văn hóa các dân tộc thiểu số. Xây dựng các chuyên trang, chuyên mục phù hợp để tuyên truyền, quảng bá các hoạt động trước, trong và sau các Ngày hội;

- Căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của đơn vị để trực tiếp triển khai các nhiệm vụ theo Kế hoạch được phân công.

III. KẾ HOẠCH KHUNG CÁC NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN CỦA ĐỀ ÁN (Phụ lục Ban hành kèm theo Đề án).

Trong quá trình triển khai thực hiện Đề án, các cơ quan, đơn vị, địa phương liên quan thấy cần bổ sung, sửa đổi quy mô, nội dung, hình thức để phù hợp với thực tế hoạt động văn hóa, nghệ thuật vùng đồng bào dân tộc thiểu số trong từng giai đoạn cụ thể báo cáo Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch xem xét, quyết định./.

 

PHỤ LỤC

KẾ HOẠCH KHUNG TỔ CHỨC NGÀY HỘI, GIAO LƯU, LIÊN HOAN
(Kèm theo Quyết định số   /QĐ-BVHTTDL ngày   tháng 12 năm 2020 của Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

TT

Ngày hội, giao lưu, liên hoan và dự kiến các tỉnh/thành phố đăng cai

Thời gian tổ chức gần nhất

Thời gian tổ chức từ 2021 đến 2030

Quy mô tổ chức

2021

2022

2023

2024

2025

2026

2027

2028

2029

2030

1

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Bắc

- Năm 2022: tỉnh Phú Thọ

Năm 2019 (lần thứ XIV)

 

x

 

 

x

 

 

x

 

 

Các tỉnh khu vực Tây Bắc

2

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Đông Bắc

- Năm 2021: tỉnh Lạng Sơn

Năm 2018 (lần thứ X)

x

 

 

x

 

 

x

 

 

x

Các tỉnh khu vực Đông Bắc

3

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc miền Trung

- Năm 2021: tỉnh Bình Định

Năm 2018 (lần thứ II)

x

 

 

x

 

 

x

 

 

x

Các tỉnh khu vực miền Trung

4

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Tây Nguyên

- Năm 2021: tỉnh Kon Tum

 

x

 

 

x

 

 

x

 

 

x

Các tỉnh khu vực Tây Nguyên

5

Ngày hội văn hóa, thể thao và du lịch các dân tộc vùng Nam Bộ

Năm 2006 (lần thứ I)

 

 

x

 

 

x

 

 

x

 

Các tỉnh/thành khu vực Nam Bộ

6

Ngày hội văn hóa dân tộc Chăm

- Năm 2024: tỉnh Tây Ninh

Năm 2019 (Lần thứ V)

 

 

 

x

 

 

 

 

x

 

Các tỉnh có đồng bào dân tộc Chăm sinh sống

7

Ngày hội văn hóa dân tộc Dao

- Năm 2022: tỉnh Thái Nguyên

Năm 2017 (lần thứ I)

 

x

 

 

 

 

x

 

 

 

Các tỉnh/thành có đồng bào dân tộc Dao sinh sống

8

Ngày hội văn hóa dân tộc Khmer Nam Bộ

- Năm 2022: tỉnh Sóc Trăng

Năm 2017 (lần thứ VII)

 

x

 

 

 

 

x

 

 

 

Các tỉnh/thành có đồng bào dân tộc Khmer sinh sống

9

Ngày hội văn hóa dân tộc Mường

- Năm 2025: tỉnh Phú Thọ

Năm 2020 (lần thứ II)

 

 

 

 

x

 

 

 

 

x

Các tỉnh/thành có đồng bào dân tộc Mường sinh sống

10

Ngày hội văn hóa dân tộc Bru-Vân Kiều

- Năm 2025: tỉnh Quảng Trị

 

 

 

 

 

x

 

 

 

 

x

Các tỉnh có đồng bào dân tộc Bru-Vân Kiều sinh sống

11

Ngày hội văn hóa dân tộc Thái

- Năm 2024: tỉnh Sơn La

Năm 2019 (lần thứ II)

 

 

 

x

 

 

 

 

x

 

Các tỉnh có đồng bào dân tộc Thái sinh sống

12

Ngày hội văn hóa dân tộc Mông

- Năm 2021: tỉnh Lai Châu

Năm 2016 (lần thứ II)

x

 

 

 

 

x

 

 

 

 

Các tỉnh có đồng bào dân tộc Mông sinh sống

13

Ngày hội văn hóa dân tộc Sán Chay

- Năm 2024: tỉnh Tuyên Quang

 

 

 

 

x

 

 

 

 

x

 

Các tỉnh có đồng bào dân tộc Sán Chay sinh sống

14

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam - Lào

- Năm 2022: tỉnh Thanh Hóa

Năm 2017 (lần thứ II)

 

x

 

 

 

 

x

 

 

 

Các tỉnh khu vực biên giới Việt Nam - Lào, mời một số tỉnh của nước bạn Lào tham gia giao lưu

15

Ngày hội giao lưu văn hóa, thể thao và du lịch vùng biên giới Việt Nam- Campuchia.

- Năm 2023: tỉnh Bình Phước

Năm 2012 (lần thứ I)

 

 

x

 

 

 

 

x

 

 

Các tỉnh khu vực biên giới Việt Nam - Campuchia, mời một số tỉnh của nước bạn Campuchia tham gia giao lưu

16

Ngày Văn hóa các dân tộc Việt Nam (thực hiện theo Quyết định số 5248/QĐ-BVHTDL ngày 17/12/2008 của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch)

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

 

Các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương

17

Liên hoan nghệ thuật hát Then, đàn Tính của các dân tộc Tày - Nùng - Thái

- Năm 2021: tỉnh Sơn La

Năm 2018
(lần thứ VI)

x

 

 

 

 

x

 

 

 

 

Các tỉnh/thành có nghệ thuật hát Then, đàn Tính

18

Liên hoan trình diễn trang phục (truyền thống, cách tân) của các dân tộc thiểu số Việt Nam.

- Năm 2023: TP Hà Nội

Năm 2011
(lần thứ I)

 

 

x

 

 

 

 

x

 

 

Các tỉnh/thành có đồng bào dân tộc thiểu số (tổ chức theo khu vực)

19

Liên hoan dân ca các dân tộc thiểu số Việt Nam

- Năm 2026: tỉnh Hà Giang

 

 

 

 

 

 

x

 

 

 

 

Các tỉnh/thành có đồng bào dân tộc thiểu số (tổ chức theo khu vực)

20

Ngày hội trình diễn cây Nêu

- Năm 2023: tỉnh Đắk Lắk

Năm 2017
(lần thứ I)

 

 

x

 

 

 

 

x

 

 

Các tỉnh vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nghi lễ trình diễn Cây Nêu

21

Ngày hội văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người

- Năm 2025: tỉnh Điện Biên

 

 

 

 

 

x

 

 

 

 

x

Các tỉnh có đồng bào dân tộc thiểu số có số dân dưới

10.000 người sinh sống (tổ chức chung cho các dân tộc)

Tổng số

 

5

4

4

6

4

4

6

4

4

6

 

 



1 Theo kết quả Tổng điều tra dân số và nhà ở năm 2019, tính đến ngày 01/4/2019.