BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN | CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM |
Số: 3670/QĐ-BNN-VPĐP | Hà Nội, ngày 07 tháng 9 năm 2016 |
QUYẾT ĐỊNH
PHÊ DUYỆT ĐỀ ÁN TRUYỀN THÔNG, THÔNG TIN TUYÊN TRUYỀN CHƯƠNG TRÌNH MỤC TIÊU QUỐC GIA XÂY DỰNG NÔNG THÔN MỚI GIAI ĐOẠN 2016-2020
BỘ TRƯỞNG BỘ NÔNG NGHIỆP VÀ PHÁT TRIỂN NÔNG THÔN
Căn cứ Nghị quyết số 100/2015/QH13 ngày 12/11/2015 của Quốc hội khóa XIII phê duyệt chủ trương đầu tư các Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020;
Căn cứ Nghị định số 199/2013/NĐ-CP ngày 26/11/2013 của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn;
Căn cứ Quyết định số 1600/QĐ-TTg ngày 16/8/2016 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016 - 2020;
Theo đề nghị của Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương,
QUYẾT ĐỊNH:
Điều 1. Phê duyệt Đề án Truyền thông, thông tin tuyên truyền Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 (sau đây gọi tắt là Đề án) với những nội dung chủ yếu sau đây:
1. Mục tiêu:
a) Mục tiêu tổng quát:
- Nâng cao nhận thức của các cấp ủy Đảng, chính quyền, cán bộ, đảng viên và các tầng lớp nhân dân về mục tiêu, nội dung và giải pháp của Chương trình mục tiêu quốc gia (MTQG) xây dựng nông thôn mới gắn với tái cơ cấu ngành nông nghiệp giai đoạn 2016-2020.
- Tạo sự đồng thuận của toàn xã hội về về vai trò, ý nghĩa, những kết quả và thành tựu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới đối với công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Qua đó thúc đẩy thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới và cuộc vận động Toàn dân đoàn kết xây dựng nông thôn mới và đô thị văn minh.
b) Mục tiêu cụ thể:
- Góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 đến năm 2020 có 50% số xã đạt chuẩn và không còn xã dưới 05 tiêu chí;
- 100% các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương xây dựng kế hoạch truyền thông, thông tin tuyên truyền hàng năm và triển khai có hiệu quả;
- Đào tạo được trên 3.000 lượt cán bộ các cấp (Trung ương, tỉnh, huyện) về nghiệp vụ truyền thông, thông tin tuyên truyền phục vụ xây dựng nông thôn mới;
- Phấn đấu trên 70% người dân khu vực nông thôn hiểu và đồng thuận về chủ trương, chính sách của Đảng và nhà nước về xây dựng nông thôn mới.
2. Yêu cầu:
- Truyền thông, thông tin tuyên truyền đầy đủ, kịp thời, hiệu quả và được tiến hành đồng bộ về chủ trương, đường lối của Đảng và Nhà nước về xây dựng nông thôn mới tới toàn xã hội;
- Nội dung, phương pháp và cách thức thực hiện phù hợp điều kiện thực tế của các cơ quan, đơn vị và địa phương cũng như đối tượng được tuyên truyền; Tuyên truyền có trọng tâm, tránh lãng phí, huy động thêm các nguồn lực khác theo hướng xã hội hóa nhằm góp phần đảm bảo thực hiện thành công nhiệm vụ truyền thông, thông tin tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới.
3. Phạm vi, thời gian và đối tượng thực hiện:
a) Phạm vi: Tất cả các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương; ưu tiên tập trung tuyên truyền ở khu vực nông thôn, nhất là ở các xã đặc biệt khó, xã biên giới, xã nghèo thuộc các huyện nghèo và các xã đang phấn đấu hoàn thành mục tiêu xây dựng nông thôn mới trong giai đoạn 2016-2020.
b) Thời gian thực hiện đề án: 5 năm, từ 2016 đến năm 2020.
c) Đối tượng của Đề án:
- Cán bộ triển khai Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hệ thống Văn phòng Điều phối nông thôn mới các cấp.
- Người dân nông thôn, các doanh nghiệp, hợp tác xã, tổ hợp tác và các đối tượng thụ hưởng khác từ Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới.
4. Các nội dung chủ yếu:
a) Tuyên truyền chủ trương, đường lối, chính sách của Nghị quyết 26/NQ- TW của Hội nghị lần thứ 7 Ban Chấp hành Trung ương khóa X về nông nghiệp, nông dân, nông thôn và Kết luận 97 của Bộ Chính trị về tiếp tục triển khai thành công Nghị quyết 26/NQ-TW; Mục tiêu, nội dung, giải pháp và tổ chức thực hiện Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020.
b) Thông tin, tuyên truyền kết quả thực hiện phong trào thi đua Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới, xây dựng nông thôn mới gắn liền với tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần thúc đẩy và cụ thể hóa công nghiệp hóa, hiện đại hóa nông nghiệp, nông thôn; gắn xây dựng nông thôn mới với quá trình đô thị hóa và từng bước thích ứng với biến đổi khí hậu.
c) Thông tin, tuyên truyền về những thành tựu và kết quả thực hiện Chương trình nông thôn mới trên cả nước; những gương điển hình tiên tiến và mô hình sản xuất tiêu biểu trong xây dựng nông thôn mới; những sáng kiến và mô hình tiêu biểu về gìn giữ và bảo vệ môi trường.
d) Kịp thời phản ánh những khó khăn, vướng mắc và những bất cập, tồn tại trong quá trình triển khai Chương trình xây dựng nông thôn mới ở các địa phương trên cả nước.
5. Các nhiệm vụ chủ yếu:
a) Xây dựng khung và định hướng nội dung tuyên truyền:
- Xây dựng kế hoạch truyền thông, tuyên truyền hàng năm của Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương. Trên cơ sở đó có kế hoạch thực hiện cụ thể trong việc phối hợp với các cơ quan liên quan trong công tác truyền thông, tuyên truyền.
- Tăng cường hoạt động phối hợp giữa Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương với các tổ chức chính trị, xã hội, kinh tế, trong và ngoài nước.
- Xây dựng và thống nhất toàn hệ thống Văn phòng Điều phối trên cả nước về định hướng và kế hoạch khung truyền thông, thông tin tuyên truyền hàng năm.
b) Thực hiện hoạt động tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng:
- Tập trung tuyên truyền về những địa phương đạt chuẩn, phương pháp, cách làm nâng cao chất lượng các tiêu chí sau đạt chuẩn; những mô hình sản xuất tiêu biểu áp dụng quy trình kỹ thuật tiên tiến được công nhận; những mô hình liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị.
- Tuyên truyền về những cách làm hay, sáng tạo, những xã khó khăn có những nỗ lực đạt kết quả tốt của các địa phương, nhất là những nơi điều kiện khó khăn nhưng không ỷ lại, những giải pháp hiệu quả trong huy động nguồn lực ngoài ngân sách vào xây dựng nông thôn mới.
- Phản ánh những khó khăn, những bất cập tồn tại, những biểu hiện thiếu tích cực trong quá trình thực hiện Chương trình, nặng về thành tích, những bài học về thiếu dân chủ, hạn chế vai trò, sự tham gia của người dân; những kết quả đầu tư chưa hiệu quả, thiếu sự ủng hộ và đồng thuận của người dân, những ý kiến đề xuất nhằm tháo gỡ khó khăn.
- Tăng cường chất lượng nội dung thông tin, tuyên truyền về Phong trào trên các trang tin điện tử của các cơ quan thành viên Ban Chỉ đạo các cấp.
- Tổ chức họp báo định kỳ với các đơn vị truyền thông để cung cấp thông tin về thành tựu, kết quả thực hiện xây dựng nông thôn mới.
c) Xây dựng và quảng bá hình ảnh Nông thôn mới:
- Xây dựng biểu trưng của Chương trình MTQG xây dựng nông thôn mới để làm hình ảnh nhận dạng chương trình.
- Tổ chức một số cuộc thi về chủ đề nông thôn mới nhằm tạo nên hình ảnh nhận dạng chung của Chương trình.
- Thí điểm một số giải pháp tuyên truyền bằng một số ngôn ngữ phù hợp các nhóm đồng bào dân tộc thiểu số, kiều bào ở nước ngoài, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam.
d) Xây dựng và phát hành ấn phẩm tuyên truyền về nông thôn mới: Thực hiện truyền thông, thông tin tuyên truyền thông qua một số công cụ phổ biến như tài liệu nghiệp vụ, kỷ yếu, phim tài liệu, phóng sự, tờ rơi, tập gấp…
đ) Tăng cường hoạt động thi đua, tôn vinh cá nhân, tập thể tiêu biểu:
Đẩy mạnh các phong trào thi đua, khen thưởng động viên kịp thời những gương điển hình tiên tiến trong xây dựng nông thôn mới. Phối hợp tổ chức tôn vinh các tập thể, cá nhân tiêu biểu có nhiều đóng góp trong xây dựng nông thôn mới trên cả nước.
e) Nâng cao năng lực cán bộ các cấp về công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền trong xây dựng nông thôn mới:
- Tổ chức đào tạo, tập huấn về công tác truyền thông, thông tin, tuyên truyền cho các bộ làm nông thôn mới các cấp.
- Phát triển hệ thống đào tạo tập trung, đào tạo từ xa qua Cổng thông tin điện tử của Chương trình.
6. Kinh phí thực hiện Đề án: Sử dụng kinh phí từ nguồn vốn ngân sách nhà nước bố trí thực hiện Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới hàng năm và huy động từ các nguồn lực hợp pháp khác.
7. Tổ chức thực hiện:
a) Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương:
- Chủ trì, xây dựng, trình Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương phê duyệt nội dung trọng tâm và định hướng truyền thông, thông tin tuyên truyền xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về tiến độ và kết quả thực hiện đề án.
- Bảo đảm việc cung cấp các thông tin cơ bản chính xác, kịp thời về kết quả thực hiện Đề án cho các cơ quan liên quan.
- Chỉ đạo, hướng dẫn các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào xây dựng nông thôn mới đối với hệ thống Văn phòng Điều phối cấp tỉnh.
b) Các cơ quan thuộc Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn:
- Các Vụ Tài chính, Kế hoạch: Chủ trì, phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương bảo đảm bố trí kinh phí trong dự toán ngân sách hàng năm cho việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ của Đề án theo quy định, đồng thời phối hợp kiểm tra, giám sát việc thực hiện Đề án.
- Các Tổng cục, Cục, vụ, Văn phòng Bộ, các viện, trường thuộc Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Trên cơ sở Đề án truyền thông này, xây dựng kế hoạch phối hợp thực hiện các hoạt động tuyên truyền về xây dựng nông thôn mới trong các hoạt động nghiệp vụ hàng năm và cả giai đoạn 2016-2020 của đơn vị.
c) Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương: Tham mưu Ban Chỉ đạo tỉnh, thành phố xây dựng kế hoạch tuyên truyền cho giai đoạn 2016-2020, tăng cường tổ chức các hoạt động thông tin, tuyên truyền về Phong trào.
d) Các tổ chức, cơ quan có Chương trình phối hợp với Văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương:
- Chủ trì, xây dựng kế hoạch 5 năm, tổ chức thực hiện các kế hoạch thông tin, tuyên truyền thực hiện Phong trào xây dựng nông thôn mới.
- Tổ chức triển khai, theo dõi, đôn đốc các cơ quan liên quan, các địa phương thực hiện đề án; tổng hợp, báo cáo Thường trực Ban Chỉ đạo về tiến độ và kết quả thực hiện đề án.
Điều 2. Quyết định này có hiệu lực kể từ ngày ký.
Điều 3. Chánh Văn phòng Bộ, Chánh văn phòng Điều phối nông thôn mới Trung ương, thủ trưởng các đơn vị liên quan thuộc Bộ, Văn phòng Điều phối nông thôn mới các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.
Nơi nhận: | KT. BỘ TRƯỞNG |
- 1 Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2 Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020
- 3 Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 31/2012/NQ-HĐND quy định cơ chế tài chính đầu tư thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013-2020
- 4 Quyết định 1600/QĐ-TTg năm 2016 phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do Thủ tướng Chính phủ ban hành
- 5 Nghị quyết 100/2015/QH13 phê duyệt chủ trương đầu tư Chương trình mục tiêu quốc gia giai đoạn 2016-2020 do Quốc hội ban hành
- 6 Nghị định 199/2013/NĐ-CP quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn
- 1 Nghị quyết 10/2017/NQ-HĐND quy định mức hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới giai đoạn 2016-2020 do tỉnh Kon Tum ban hành
- 2 Nghị quyết 05/2017/NQ-HĐND về định mức hỗ trợ vốn ngân sách Nhà nước thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới tỉnh Bến Tre giai đoạn 2016-2020
- 3 Nghị quyết 09/2017/NQ-HĐND bãi bỏ Nghị quyết 31/2012/NQ-HĐND quy định cơ chế tài chính đầu tư thực hiện nội dung thuộc Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2013-2020