Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH THANH HÓA

-------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 3681/QĐ-UBND

Thanh Hóa, ngày 18 tháng 10 năm 2010

 

QUYẾT ĐỊNH

PHÊ DUYỆT QUY HOẠCH MẠNG LƯỚI CÁC TRƯỜNG ĐẠI HỌC, CAO ĐẲNG, TRUNG CẤP VÀ DẠY NGHỀ TỈNH THANH HÓA ĐẾN NĂM 2020

CHỦ TICH UBND TỈNH THANH HÓA

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND các cấp ngày 26/11/2003;

Căn cứ Quyết định số 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007 của Thủ tướng Chính phủ, phê duyệt quy hoạch mạng lưới các trường đại học và cao đẳng giai đoạn 2006-2020;

Căn cứ Nghị định số 04/2008/NĐ-CP ngày 11 tháng 01 năm 2008, sửa đổi, bổ sung một số Điều của Nghị định số 92/2006/NĐ-CP ngày 07 tháng 9 năm 2006 của Chính phủ về lập, phê duyệt và quản lý quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội;

Căn cứ Quyết định số 3386/QĐ-UBND ngày 07 tháng 11 năm 2005 về việc Phê duyệt Đề cương nhiệm vụ Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; Quyết định số 3456/QĐ-UBND ngày 14 tháng 11 năm 2007 về việc Phê duyệt bổ sung Đề cương nhiệm vụ Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020 của Chủ tịch UBND tỉnh;

Xét đề nghị của Sở Giáo dục và Đào tạo tại Công văn số 9271/SGD&ĐT-GDCN ngày 18 tháng 6 năm 2010, về việc “trình duyệt Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020”, kèm theo báo cáo Thẩm định của Hội đồng thẩm định ngày 09/9/2009 và Báo cáo số 46 BC/HKH-TH ngày 05/4/2010 của Hội đồng phản biện Đề án Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Phê duyệt Quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020; với những nội dung chính sau:

1. Mục tiêu quy hoạch:

Xác định cơ cấu hệ thống mạng lưới và những Điều kiện bảo đảm phát triển các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề có quy mô, cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ phù hợp, đủ năng lực đáp ứng nhu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa và phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thanh Hóa đến năm 2020. Làm cơ sở cho việc hoạch định các chủ trương, chương trình, kế hoạch, dự án và chính sách đầu tư phát triển ngành giáo dục - đào tạo cho thời kỳ dài hạn, 5 năm và hàng năm.

2. Phạm vi quy hoạch:

- Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề thuộc sự quản lý trực tiếp của tỉnh Thanh Hóa.

- Các cơ sở đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề đóng trên địa bàn, không thuộc sự quản lý trực tiếp của tỉnh Thanh Hóa nhưng có vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực, tạo sự liên kết và động lực thúc đẩy hệ thống đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề của tỉnh phát triển.

3. Quan điểm quy hoạch:

- Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề phải phù hợp với Quy hoạch mạng lưới các trường đào tạo giai đoạn 2006 - 2020 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định 121/2007/QĐ-TTg ngày 27/7/2007.

- Quy hoạch mạng lưới trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề phải phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, ở từng vùng miền, đảm bảo có cơ cấu ngành nghề, cơ cấu trình độ một cách hợp lý. Gắn bó chặt chẽ đào tạo với quản lý và sử dụng nguồn nhân lực, đáp ứng yêu cầu hội nhập của tỉnh vào nền kinh tế chung của vùng Bắc Trung bộ, của cả nước, khu vực và quốc tế.

- Tập trung đầu tư một số trường trọng điểm, các ngành đào tạo mới mà nền kinh tế - xã hội của tỉnh đang và sẽ có nhu cầu; đồng thời đảm bảo khả năng liên thông giữa các loại hình và trình độ đào tạo.

- Các bước triển khai quy hoạch phải phù hợp với thực tế, đảm bảo chất lượng và ổn định để phát triển bền vững. Kết hợp trước mắt và lâu dài, xác định bước đi cụ thể, xác định rõ những vấn đề bức xúc, trọng điểm đầu tư, thứ tự ưu tiên.

4. Mục tiêu phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề:

Phát triển mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và xã hội hóa, đạt được những chỉ tiêu cơ bản sau:

4.1. Đến năm 2020 đạt 15 sinh viên/1 giảng viên cho các trường kỹ thuật, 5-7 sinh viên/1 giảng viên cho các trường năng khiếu, 20 sinh viên/1 giảng viên cho các trường khác.

4.2. Đến năm 2020 có trên 80% giảng viên đại học và trên 60% giảng viên cao đẳng có trình độ thạc sĩ trở lên; có trên 50% giảng viên đại học và ít nhất 20% giảng viên cao đẳng có trình độ tiến sĩ.

4.3. Đến năm 2020 diện tích đất đai và diện tích xây dựng của các trường đạt chuẩn định mức quy định về diện tích tính bình quân/1 sinh viên, học sinh học nghề với mức tối thiểu như sau: 20m2 đất và 4m2 xây dựng cho 1 sinh viên.

4.4. Tiếp tục mở rộng hợp lý quy mô đào tạo đại học, cao đẳng (trong đó có cao đẳng nghề) trong tỉnh; phấn đấu đạt 250 sinh viên ĐH,CĐ/1 vạn dân vào năm 2015, trong đó 45% theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh và 350 sinh viên/1 vạn dân vào năm 2020, trong đó 50% theo học tại các trường trên địa bàn tỉnh.

4.5. Mở rộng mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề: Phấn đấu đến năm 2020 khoảng 70 đến 80% sinh viên các trường đại học, cao đẳng, trung cấp trong tỉnh theo học các chương trình nghề nghiệp - ứng dụng. Bảo đảm tính liên thông giữa các loại hình, các trình độ đào tạo. Đến 2020 phần lớn các cơ sở dạy nghề đào tạo theo bộ tiêu chuẩn kỹ năng nghề.

4.6. Không ngừng phát triển lực lượng lao động qua đào tạo của tỉnh để đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội. Phấn đấu đạt 45% lao động qua đào tạo vào năm 2015 và 60% lao động qua đào tạo vào năm 2020.

4.7. Mở rộng xã hội hóa giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề để đến năm 2020 có 35 - 40% học sinh, sinh viên học tại các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề ngoài công lập.

5. Phương án quy hoạch:

5.1. Mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề trên địa bàn Thanh Hóa đến 2020 sẽ có:

+ 5 trường ĐH, trong đó có 3 trường công lập thuộc tỉnh, 1 cơ sở ĐH công lập thuộc Bộ/ngành, 1 trường tư thục;

+ 5 trường CĐ, trong đó có: 3 trường thuộc Tổng công ty và các Bộ, ngành, 2 trường công lập địa phương;

+ 6 trường Trung cấp chuyên nghiệp tư thục thuộc tỉnh.

+ 8 trường cao đẳng nghề, trong đó có: 4 trường công lập, 4 trường tư thục;

+ 19 trường trung cấp nghề, trong đó có: 11 trường công lập, 8 trường tư thục;

+ 33 Trung tâm dạy nghề, trong đó có: 16 công lập, 17 tư thục;

+ 82 cơ sở có đào tạo nghề, trong đó có: 17 công lập, 65 tư thục.

5.2. Địa điểm đặt trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề và hình thức sở hữu:

- Các trường công lập:

+ Trường ĐH Hồng Đức; Trường ĐH Y Thanh Hóa; Trường ĐH Văn hóa - Du lịch trực thuộc tỉnh quản lý, địa điểm tại TPTH; Trường Đại học Công nghiệp TP. HCM - cơ sở Thanh Hóa, trực thuộc Bộ Công thương, địa điểm tại huyện Quảng Xương; Trường CĐ Thể dục - Thể thao, địa điểm tại TPTH; Trường CĐ Nông Lâm, trực thuộc tỉnh, địa điểm tại huyện Triệu Sơn; Trường CĐ Thương mại TW trực thuộc Bộ Công thương, địa điểm tại TPTH; Trường CĐ Tài nguyên - Môi trường miền Trung, thuộc Bộ TN-MT, địa điểm tại TX Bỉm Sơn.

- Các trường tư thục:

+ Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Nghi Sơn, địa điểm tại Khu kinh tế Nghi Sơn;

+ Trường CĐ Xây dựng, địa điểm tại TX Bỉm Sơn;

+ Trường TC Tuệ Tĩnh, Trường TC Bách Nghệ, Trường TC Y - Dược Hợp Lực, Trường TC VISTCO, Trường TC Đức Thiện, địa điểm tại TPTH; Trường TC Văn Hiến, địa điểm tại huyện Quảng Xương;

- Các cơ sở đào tạo khác: Trường Chính trị tỉnh - có đào tạo TCCN, thuộc tỉnh quản lý, địa điểm tại TPTH.

5.3. Địa điểm đặt trường dạy nghề và hình thức sở hữu:

- Trường CĐ nghề:

+ Có 4 trường công lập, phân bố như sau: TPTH, TX Bỉm Sơn, huyện Tĩnh Gia, huyện Ngọc Lặc.

+ Có 4 trường tư thục, phân bố như sau: TPTH, huyện Quảng Xương, huyện Thọ Xuân, huyện Tĩnh Gia.

- Trường TC nghề:

+ Có 11 trường công lập, phân bố như sau: TPTH (2); Quảng Xương (1); Hoằng Hóa (1); Nga Sơn (1); Nông Cống (1); Thọ Xuân (1); Bá Thước (1); Như Xuân (1); Thạch Thành (1); Vĩnh Lộc (1).

+ Có 8 trường tư thục, phân bố: TPTH (3); Tĩnh Gia (1); Thiệu Hóa (1); Đông Sơn (1); TX Sầm Sơn (1); Quảng Xương (1).

- 33 Trung tâm dạy nghề:

+ Có 16 TT dạy nghề công lập phân bố ở các huyện miền núi;

+ Có 17 TT dạy nghề tư thục phân bố chủ yếu ở TPTH (8), 2 thị xã và các huyện miền xuôi.

- Có 82 cơ sở có đào tạo nghề:

+ Có 17 cơ sở công lập (TPTH 14).

+ Có 65 cơ sở tư thục (TPTH 12), còn lại phân bố ở các huyện.

6. Quy mô và ngành nghề đào tạo của các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp:

6.1. Trường ĐH Hồng Đức: Tiếp tục đào tạo các ngành, nghề hiện có của trường mà xã hội đang có nhu cầu. Nâng cao tính chủ động của nhà trường trước nhu cầu phát triển của kinh tế - xã hội, tăng cường xây dựng đội ngũ cán bộ, giảng viên đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, dịch vụ đang liên kết đào tạo với các trường đại học khác (trong nước và nước ngoài). Tích cực triển khai đào tạo sau ĐH để đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cán bộ, giảng viên các trường trên địa bàn tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 15.000 sinh viên (SV).

6.2. Trường ĐH Y Thanh Hóa: Hoàn thiện nâng cấp đào tạo ở bậc ĐH các ngành truyền thống của trường (điều dưỡng, y, dược...), mở thêm một số ngành mới mà xã hội có nhu cầu: Bác sĩ đa khoa, hộ sinh,...đáp ứng nhu cầu cơ bản về nhân lực y tế trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 6.000 SV.

6.3. Trường ĐH Công nghiệp TP Hồ Chí Minh (Cơ sở Thanh Hóa): Đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ theo hướng nghề nghiệp ứng dụng, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 6.000 SV.

6.4. Trường ĐH Kinh tế - Công nghệ Nghi Sơn: Đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ, đặc biệt là các ngành liên quan đến chế biến dầu khí, cơ khí chế tạo, xây dựng... đáp ứng nhu cầu nhân lực trình độ cao của các khu công nghiệp và nhu cầu nhân lực của các vùng trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 6.000 SV.

6.5. Trường ĐH Văn hóa - Du lịch Thanh Hóa: Hoàn thiện, nâng cấp đào tạo sau đại học các ngành văn hóa, nghệ thuật, du lịch và dịch vụ, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 6.000 SV.

6.6. Trường CĐ Thể dục - Thể thao: Đào tạo các ngành TDTT, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 3.000 SV.

6.7. Trường CĐ Thương mại TW: Đào tạo các ngành kinh tế, thương mại, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 3.000 SV.

6.8. Trường CĐ Tài nguyên và Môi trường miền Trung: Đào tạo các ngành về tài nguyên, môi trường, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 3.000 SV.

6.9. Trường CĐ Xây dựng: Đào tạo các ngành kiến trúc, xây dựng,... đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 3.000 SV.

6.10. Trường CĐ Nông Lâm Thanh Hóa: Đào tạo các ngành Nông Lâm nghiệp, phát triển nông thôn, đào tạo để chuyển tiếp vào các đại học đối với các ngành khác đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 3.000 SV.

6.11. Trường TC Bách nghệ: Đào tạo các ngành kỹ thuật, công nghệ, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

6.12. Trường TC Tuệ Tĩnh Thanh Hóa (tên cũ là trường TC Lam Sơn Thanh Hóa): Đào tạo các ngành y, dược học cổ truyền, đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

6.13. Trường TC Y - Dược Hợp Lực: Đào tạo các ngành: Điều dưỡng, y sỹ đa khoa, hộ sinh, dược... đáp ứng nhu cầu nhân lực y tế trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

6.14. Trường TC Văn Hiến: Đào tạo các ngành tin học, kinh tế, y, dược... đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

6.15. Trường TC VISTCO: Đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

6.16. Trường TC Đức Thiện: Đào tạo các ngành kinh tế, kỹ thuật, công nghệ đáp ứng nhu cầu nhân lực trong và ngoài tỉnh. Quy mô đào tạo khoảng 2.500 SV.

7. Quy mô các cơ sở dạy nghề:

7.1. Các trường Cao đẳng nghề (CĐN):

- Trường Cao đẳng nghề Công nghiệp Thanh Hóa: Đào tạo các cấp trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề (CĐN, TCN, SCN) không quá: 5.000 học sinh, sinh viên (HS, SV) quy đổi.

- Trường Cao đẳng nghề Nghi Sơn: Đào tạo các cấp trình độ (CĐN, TCN, SCN) không quá: 5.000 HS, SV quy đổi.

- Các trường Cao đẳng nghề khác đào tạo theo chuyên ngành các cấp trình độ nghề không vượt quá 3.000 HS, SV quy đổi.

7.2. Trường dạy nghề cho lao động đi làm việc tại các nước Trung Đông, quy mô 10.000 người/năm, địa điểm đặt trường tại xã Quảng Tâm, huyện Quảng Xương (nguồn vốn đầu tư của Bộ Lao động TBXH).

7.3. Các trường Trung cấp nghề: Đào tạo theo chuyên ngành các cấp trình độ (TCN, SCN) không quá 2.000 học sinh quy đổi.

7.4. Các Trung tâm Dạy nghề: Đào tạo nghề trình độ sơ cấp nghề từ 800 - 1.000 học viên quy đổi.

8. Cơ cấu trình độ đào tạo đại học, cao đẳng, trung Cấp chuyên nghiệp và dạy nghề:

8.1. Năm 2015: Trong lực lượng lao động có 45% qua đào tạo với cơ cấu như sau: 1ĐH/2CĐ/3TCCN/4DN.

8.2. Năm 2020: Trong lực lượng lao động có 60% qua đào tạo với cơ cấu như sau: 1ĐH/2,1CĐ/2,5TCCN/4,4DN.

9. Cơ cấu ngành nghề đào tạo đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp và dạy nghề:

9.1. Dự kiến năm 2020 số lao động qua đào tạo trong khu vực nông nghiệp chiếm 30,4% tổng lao động xã hội và 44,7% lực lượng lao động ở khu vực nông thôn.

9.2. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong lĩnh vực công nghiệp và xây dựng tăng nhanh từ 27,5% năm 2010 lên 33,5% năm 2015 và 38,4% năm 2020.

9.3. Tỷ trọng lao động qua đào tạo trong lĩnh vực dịch vụ tăng từ 19,5% năm 2010 lên 24,4% năm 2015 và 31,2% năm 2020.

10. Phân kỳ kế hoạch phát triển mạng lưới đại học, cao đẳng đến năm 2020:

10.1. Các trường đại học công lập (do tỉnh quản lý):

- Trường Đại học Hồng Đức:

+ Tiếp tục đầu tư nâng cấp cơ sở vật chất, thiết bị, phát triển đội ngũ cán bộ, giảng viên đủ số lượng, chất lượng và các điều kiện đảm bảo chất lượng; mở thêm các ngành mới mà tỉnh có nhu cầu. Phấn đấu xây dựng Trường Đại học Hồng Đức trở thành một trường đại học đa ngành theo hướng nghề nghiệp ứng dụng và là trường đại học mạnh ở khu vực Bắc miền Trung.

+ Hỗ trợ các trường cao đẳng đào tạo chuyển tiếp (đào tạo liên thông).

+ Sau năm 2010 có kế hoạch, sáp nhập trường Trung cấp Thủy sản vào Trường Đại học Hồng Đức; thành lập phân hiệu của Trường Đại học Hồng Đức tại huyện Ngọc Lặc (dự kiến từ 2011-2015).

- Trường Đại học Y, Dược Thanh Hóa:

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ (cán bộ quản lý, giảng viên...), phát triển nội dung chương trình đào tạo mới theo nhu cầu phát triển nhân lực y tế trong tỉnh và khu vực.

+ Xây dựng và trình Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Y Thanh Hóa sớm trở thành trường Đại học Y, Dược Thanh Hóa.

- Trường Đại học Văn hóa - Du lịch Thanh Hóa:

+ Tiếp tục hoàn thiện cơ sở vật chất, thiết bị, chuẩn hóa đội ngũ (cán bộ quản lý, giảng viên...), phát triển nội dung chương trình đào tạo mới theo nhu cầu phát triển nhân lực Văn hóa - Du lịch trong tỉnh và khu vực.

+ Xây dựng và trình Dự án nâng cấp Trường Cao đẳng Văn hóa - Nghệ thuật Thanh Hóa sớm trở thành trường Đại học Văn hóa - Du lịch Thanh Hóa.

10.2. Trường đại học tư thục:

- Trường Đại học Kinh tế - Công nghệ Nghi Sơn, lập dự án thành lập khi có đối tác.

10.3. Trường cao đẳng công lập (do tỉnh quản lý):

Nâng cấp thành trường Cao đẳng Nông - Lâm trên cơ sở trường Trung cấp Nông - Lâm (giai đoạn 2011 - 2015);

10.4. Từ 2012 đến 2015, các trường trung cấp chuyên nghiệp tư thục nếu đủ Điều kiện sẽ lập đề án nâng cấp thành các trường cao đẳng tư thục.

10.5. Hệ khác: Trường Chính trị tỉnh: Thực hiện nhiệm vụ chính trị do Tỉnh ủy và UBND tỉnh giao.

11. Phân kỳ kế hoạch phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo nghề đến năm 2020:

- Trường cao đẳng nghề: Đến năm 2015, có 6 trường, trong đó: công lập (3), ngoài công lập (3); đến năm 2020 có 8 trường, trong đó: công lập (4), ngoài công lập (4).

- Trường trung cấp nghề: Đến năm 2015 có 17 trường, trong đó: công lập (8), ngoài công lập (9); đến năm 2020 có 19 trường, trong đó: công lập (8), ngoài công lập (11).

- Trung tâm dạy nghề: Đến năm 2015 có 29 trung tâm, trong đó: công lập (18), ngoài công lập (11); đến năm 2020 có 33 trung tâm, trong đó: công lập (18), ngoài công lập (15).

- Các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp có dạy nghề: Đến năm 2015 có 9 trường, trong đó: công lập (5), ngoài công lập (4); đến năm 2020 có 9 trường, trong đó: công lập (5), ngoài công lập (4).

- Các cơ sở khác có dạy nghề: Đến năm 2015 có 54 cơ sở, trong đó: công lập (19), ngoài công lập (35); đến năm 2020 có 71 cơ sở, trong đó: công lập (22), ngoài công lập (49).

12. Các nhóm giải pháp thực hiện Quy hoạch:

12.1. Đa dạng hóa nguồn đầu tư, mở rộng nguồn tài chính cho các cơ sở đào tạo.

- Tăng tỷ lệ đầu tư ngân sách hàng năm cho cơ sở vật chất, trang thiết bị của các nhà trường.

- Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục, có chính sách và biện pháp huy động sự đóng góp từ phía người sử dụng lao động thông qua việc thành lập quỹ hỗ trợ đào tạo do các tổ chức, cá nhân, các doanh nghiệp đóng góp; có chính sách ưu đãi tín dụng từ Quỹ hỗ trợ phát triển của nhà nước; có chính sách ưu đãi thuế đối với các cơ sở giáo dục ngoài công lập.

- Thu hút các nguồn vốn ODA và FDI đầu tư cho giáo dục đại học và cao đẳng; tranh thủ nguồn viện trợ không hoàn lại của nước ngoài, các tổ chức quốc tế và các tổ chức phi chính phủ; xây dựng chính sách tạo Điều kiện thuận lợi cho các tổ chức, cá nhân người nước ngoài và người Việt sống ở trong nước và ngoài nước tham gia đầu tư các cơ sở đào tạo tại Thanh Hóa.

- Tận dụng và sử dụng có hiệu quả dự án “Tăng cường năng lực đào tạo nghề” thuộc chương trình mục tiêu quốc gia để hỗ trợ đầu tư tăng cường cơ sở vật chất cho các cơ sở đào tạo nghề; hỗ trợ xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề và chương trình dạy nghề; hỗ trợ dạy nghề cho nông dân, người tàn tật, đồng bào dân tộc thiểu số.

- Thực hiện giao quyền tự chủ cho các cơ sở đào tạo theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP của Chính phủ, cùng với giao quyền tự chủ về tuyển dụng, sử dụng đội ngũ giáo viên.

- Thí điểm và từng bước mở rộng mô hình đào tạo theo cơ chế chia sẻ kinh phí đào tạo giữa nhà nước và doanh nghiệp (mô hình đào tạo kép).

- Kinh phí đầu tư đến năm 2020 (VNĐ);

Đối với các trường ĐH, CĐ:

+ Từ ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa: Từ năm 2011 đến năm 2015: 555,28 tỷ (bình quân mỗi năm 111,06 tỷ); Từ năm 2016 đến năm 2020: 928,10 tỷ (bình quân mỗi năm 185,62 tỷ).

+ Từ các Bộ ngành, tổng công ty: Từ năm 2011 đến năm 2015: 257,71 tỷ (bình quân mỗi năm 51,54 tỷ); từ năm 2016 đến năm 2020: 430,75 tỷ (bình quân mỗi năm 86,15 tỷ).

+ Từ chủ sở hữu các trường ngoài công lập: Từ năm 2011 đến năm 2015: 515,42 tỷ (bình quân mỗi năm 101,74 tỷ); từ năm 2016 đến năm 2020: 861,49 tỷ (bình quân mỗi năm 172,30 tỷ).

Đối với các cơ sở dạy nghề:

+ Từ ngân sách Nhà nước tỉnh Thanh Hóa: Từ năm 2011 đến năm 2015: 584.31 tỷ (bình quân mỗi năm 116,86 tỷ); từ năm 2016 đến năm 2020: 798,38 tỷ (bình quân mỗi năm 159,68 tỷ).

+ Từ chủ sở hữu các trường ngoài công lập: Từ năm 2011 đến năm 2015: 584.31 tỷ (bình quân mỗi năm 116,86 tỷ); từ năm 2016 đến năm 2020: 798,38 tỷ (bình quân mỗi năm 159,68 tỷ).

12.2. Phát triển đội ngũ giảng viên, giáo viên, cán bộ quản lý giáo dục:

- Tiếp tục thực hiện Chỉ thị 40/CT-TW của Ban Bí thư Trung ương về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục; Quyết định số 09/2005/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về xây dựng, nâng cao chất lượng đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục.

- Bổ sung số lượng, nâng cao chất lượng giảng viên đại học, cao đẳng để đạt định mức quy định về tỷ lệ sinh viên/giảng viên đối với các trường đại học, cao đẳng, các nhóm ngành nghề đào tạo. Bằng cách:

+ Ưu tiên tuyển dụng những sinh viên tốt nghiệp đại học loại giỏi đi đào tạo sau đại học ở trong nước và nước ngoài. Đẩy mạnh việc thực hiện Đề án của tỉnh về liên kết đào tạo với các trường đại học nước ngoài để bổ sung và nâng cao chất lượng đội ngũ giảng viên đại học, cao đẳng (kể cả các trường công lập và tư thục) và tham gia các chương trình đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ khoa học ở nước ngoài bằng nguồn vốn ngân sách nhà nước, quỹ học bổng của các tổ chức quốc tế, v.v...

+ Quan tâm đào tạo, bồi dưỡng giảng viên cho các ngành hiện còn phải liên kết với các trường ngoài.

+ Có chính sách thu hút các giảng viên đại học, cao đẳng có trình độ cao về công tác tại tỉnh. Xây dựng chính sách thu hút, sử dụng các nhà khoa học, các cán bộ khoa học kỹ thuật đang công tác tại các đơn vị trong tỉnh, trong nước và ngoài nước tham gia giảng dạy ở các trường đại học, cao đẳng.

+ Mở rộng hình thức hợp đồng với chuyên gia, cán bộ kỹ thuật, thợ bậc cao của các doanh nghiệp làm giáo viên thỉnh giảng cho các cơ sở dạy nghề.

+ Tập trung đầu tư phát triển công tác đào tạo sau đại học tại trường Đại học Hồng Đức để tăng cường khả năng và tính chủ động đáp ứng nhu cầu đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ cho đội ngũ giảng viên của các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

12.3. Tăng cường cơ sở vật chất.

- Chính sách đất đai:

+ Ưu tiên tạo Điều kiện về đất đai ở những vị trí thuận lợi để xây dựng các cơ sở đào tạo theo quy hoạch.

+ Thực hiện các chính sách ưu đãi về sử dụng đất, thuế đất cho các cơ sở giáo dục đào tạo và dạy nghề ngoài công lập hoạt động theo cơ chế phi lợi nhuận theo tinh thần Nghị định 69/2008/NĐ-CP; công khai hóa, đơn giản hóa thủ tục giao đất, cho thuê đất.

- Tăng cường cơ sở vật chất:

+ Nghiên cứu xây dựng các cơ chế tạo Điều kiện cho các trường chủ động khai thác các nguồn lực đầu tư nhằm đổi mới cơ sở vật chất kỹ thuật, trang thiết bị; tăng cường năng lực và nâng cao chất lượng hoạt động của thư viện ở các trường, hình thành hệ thống thư viện điện tử kết nối các trường trong tỉnh.

+ Tập trung đầu tư hiện đại hóa trang thiết bị phòng học, giảng đường; nâng cao chất lượng các hoạt động dịch vụ cho sinh viên. Đầu tư cải tạo, nâng cấp và xây dựng mới các khu ký túc xá sinh viên.

+ Từng bước hỗ trợ hình thành phát triển các cơ sở thực nghiệm công nghệ trong các trường đại học, cao đẳng trên địa bàn tỉnh.

+ Ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động và quản lý dạy nghề: Xây dựng các phần mềm phục vụ giảng dạy, học tập và quản lý dạy nghề; xây dựng giáo án điện tử; xây dựng hệ thống mạng thông tin về dạy nghề.

+ Khuyến khích các cơ sở dạy nghề nghiên cứu, sản xuất thiết bị, phương tiện, đồ dùng dạy nghề.

12.4. Giải pháp về quản lý.

- Xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ để phát triển công tác giáo dục đào tạo, tạo động lực cho các trường đại học, cao đẳng, trung cấp và dạy nghề, cán bộ, giảng viên và học sinh, sinh viên.

- Phân cấp triệt để và hợp lý nhằm phát huy tính tự chủ và tự chịu trách nhiệm của các cơ sở đào tạo.

- Cải cách các thủ tục, quy trình thành lập và hoạt động của các cơ sở giáo dục nằm trong sự phân cấp quản lý của tỉnh theo hướng đơn giản, hợp lý.

- Triển khai đại trà công tác đánh giá và kiểm định chất lượng giáo dục và đào tạo; công khai hóa kết quả kiểm định công nhận chất lượng đào tạo tại các cơ sở, tăng cường sự giám sát của đồng nghiệp và cộng đồng.

- Xây dựng Trung tâm dự báo nhu cầu nhân lực nhằm cung cấp thông tin về nhu cầu nhân lực, đổi mới công nghệ trong sản xuất kinh doanh, tăng cường năng lực và nâng cao vai trò công tác lập kế hoạch nhân lực; kiểm soát thị trường lao động, tiến hành dự báo quy mô, trợ giúp các trường Điều chỉnh cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo của đội ngũ lao động, giúp các cơ sở đào tạo gắn bó chặt chẽ với các đơn vị sử dụng nhân lực, với công tác quy hoạch phát triển ngành, nâng cao hiệu quả và tính kinh tế của nhà trường nhằm thỏa mãn yêu cầu nhân lực cho sự nghiệp công nghiệp hóa - hiện đại hóa của tỉnh.

- Nghiên cứu cải tiến phương pháp phân bổ kinh phí theo hướng cấp phát kinh phí theo chương trình mục tiêu, xây dựng quỹ nâng cao chất lượng đào tạo và cấp trực tiếp cho người hưởng thụ một cách công bằng, không phân biệt công lập hay tư thục. Nâng cao hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

- Nghiên cứu xây dựng cơ chế giám sát việc sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn ODA, hình thành chính sách thu hút các nguồn vốn FDI, trợ giúp các cơ sở đào tạo từng bước hoàn thiện cơ sở vật chất, kỹ thuật nâng cao chất lượng và hiệu quả đào tạo.

- Xây dựng và hoàn thiện các cơ sở pháp lý rõ ràng, minh bạch nhằm thu hút sự đóng góp của các doanh nghiệp thuộc tất cả các thành phần kinh tế để mở rộng quy mô đào tạo.

- Cải tiến và hoàn thiện chính sách học phí đáp ứng nhu cầu đào tạo đảm bảo chất lượng và phù hợp với khả năng người học; sử dụng học phí như một công cụ Điều tiết quy mô, vùng miền và cơ cấu ngành nghề đào tạo.

- Cải tiến và hoàn thiện chính sách học bổng, chính sách tín dụng học đường, áp dụng linh hoạt đối với tất cả học sinh, sinh viên công lập và ngoài công lập.

- Nghiên cứu vận dụng cơ chế tài chính theo tinh thần Nghị định số 43/2006/NĐ-CP về Quy định quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm về thực hiện nhiệm vụ, tổ chức bộ máy, biên chế và tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Nghị định số 53/2006/NĐ-CP về chính sách khuyến khích phát triển các cơ sở cung ứng dịch vụ ngoài công lập.

Điều 2. Tổ chức thực hiện Quy hoạch:

- Các ngành chủ quản trường chủ trì và chỉ đạo các trường trực thuộc Ngành trên cơ sở Quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, Chiến lược phát triển ngành, xác định nhu cầu đào tạo của ngành mình và của xã hội từ đó xây dựng Quy hoạch phát triển trường đến năm 2020 trình cấp có thẩm quyền phê duyệt.

- Sở Giáo dục và Đào tạo tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án, đề án phát triển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp trong quy hoạch. Đề xuất cơ chế chính sách trong việc đào tạo nhân lực có trình độ đại học, cao đẳng, trung cấp chuyên nghiệp cho miền núi và cử tuyển. Phối hợp với Sở Nội vụ xác định số lượng, cơ cấu đội ngũ giáo viên, chỉ đạo công tác bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên.

- Sở Kế hoạch và Đầu tư: Chịu trách nhiệm lập Kế hoạch và xác định nguồn vốn, phân kỳ đầu tư xây dựng cơ sở vật chất cho các trường, xác định trường trọng điểm đầu tư của từng kỳ kế hoạch. Phối hợp với Sở Giáo dục và Đào tạo và Sở Lao động - Thương binh và Xã hội xác định danh mục cơ cấu ngành nghề và trình độ đào tạo, hình thức đào tạo, số lượng đào tạo, phân công, phân cấp trong đào tạo, tránh chồng chéo giữa các trường; xây dựng đề án thành lập Trung tâm dự báo nhu cầu phát triển nguồn nhân lực tỉnh Thanh Hóa, trình Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh trong năm 2010.

- Sở Nội vụ: Xây dựng những cơ chế chính sách hợp lý nhằm thu hút, đào tạo và sử dụng nhân lực có trình độ cao (thạc sỹ, tiến sỹ) nhằm tăng cường đội ngũ cán bộ giảng dạy cho các trường đại học, cao đẳng của tỉnh. Phân cấp quản lý cho những cơ sở đào tạo theo Nghị định 43/2006/NĐ-CP ngày 25/4/2006 của Chính phủ. Xác định kế hoạch xây dựng đội ngũ cán bộ quản lý, giảng viên, giáo viên một cách đồng bộ, đảm bảo chuẩn chất lượng cho từng trường theo Chỉ thị số 18/2001/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ, về một số biện pháp cấp bách xây dựng đội ngũ nhà giáo của hệ thống giáo dục quốc dân.

- Sở Tài chính chịu trách nhiệm và phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư cân đối các nguồn tài chính chi cho công tác đào tạo, phân bổ kinh phí một cách hợp lý, từng bước chỉ đạo các trường mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác đào tạo theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa và theo phân kỳ đầu tư có trọng điểm.

- Sở Lao động - Thương binh và Xã hội tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo triển khai thực hiện quy hoạch mạng lưới các cơ sở dạy nghề; phối hợp với các Sở, ngành, địa phương, đơn vị có liên quan xây dựng và trình cấp có thẩm quyền phê duyệt, triển khai thực hiện các dự án, đề án phát triển các trường cao đẳng nghề, trung cấp nghề, trung tâm dạy nghề... trong quy hoạch. Đề xuất cơ chế chính sách trong việc đào tạo nhân lực có trình độ cao đẳng nghề, trung cấp nghề, sơ cấp nghề của địa phương. Phối hợp với Sở Nội vụ xác định số lượng; cơ cấu đội ngũ giáo viên, công tác đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ giáo viên dạy nghề.

- Sở Khoa học - Công nghệ chủ trì phối hợp với các Sở có liên quan (trước hết là các Sở chủ quản trường và Sở Giáo dục và Đào tạo) chỉ đạo công tác nghiên cứu khoa học trong các trường, tiến tới hình thành các Trung tâm nghiên cứu và chuyển giao Khoa học - Công nghệ phù hợp với chức năng, nhiệm vụ và thế mạnh ở từng trường.

- Sở Tài nguyên - Môi trường chủ trì phối hợp với các sở ngành, các địa phương và các cơ sở đào tạo xây dựng quy hoạch đất đai và không gian giáo dục và đào tạo.

- Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố căn cứ vào chức năng, nhiệm vụ của mình tổ chức triển khai quy hoạch một cách hiệu quả, đặc biệt là các chủ trương chính sách xã hội hóa.

Điều 3. Quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký.

Các ông (bà): Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Giáo dục và Đào tạo, Lao động - Thương binh và Xã hội, Nội vụ, Tài chính, Tài nguyên và Môi trường; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố, Thủ trưởng các ngành và các cơ sở giáo dục có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ
CHỦ TỊCH




Vương Văn Việt