Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2001/QĐ-BVHTT

Hà Nội, ngày 5 tháng 7 năm 2001

 

QUYẾT ĐỊNH

V/V BAN HÀNH QUY CHẾ HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN

- Căn cứ Luật Xuất bản ngày 07/7/1993;

- Căn cứ Nghị định 81/CP ngày 8/11/1993 của Chính phủ về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Bộ Văn hoá - Thông tin;

- Theo đề nghị của ông Cục trưởng Cục Xuất bản.

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Ban hành kèm theo quyết định này Quy chế hoạt động phát hành xuất bản phẩm.

Điều 2. Quy chế này có hiệu lực sau 15 ngày kể từ ngày ký và thay thế “ Quy chế về tổ chức và hoạt động phát hành xuất bản phẩm” ban hành theo Quyết định 2501/QĐ-CXB ngày 15/8/1997. Các quy định trước đây của Bộ Văn hoá - Thông tin trái với quy chế này đều bãi bỏ.

Điều 3. Các ông (bà) Chánh văn phòng Bộ, Chánh Thanh tra Bộ, Cục trưởng Cục Xuất bản, Giám đốc Sở Văn hoá - Thông tin các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, các tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

KT.BỘ TRƯỞNG BỘ VĂN HOÁ - THÔNG TIN
THỨ TRƯỞNG




Phan Khắc Hải

 

QUY CHẾ

HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2001/QĐ-BVHTT ngày 5 tháng 7 năm 2001 của Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1.

Phát hành xuất bản phẩm là hoạt động thuộc lĩnh vực văn hoá tư tưởng, không phải là hoạt động đơn thuần kinh doanh, thông qua phổ biến xuất bản phẩm phục vụ nhiệm vụ chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội góp phần nâng cao dân trí, nâng cao đời sống tinh thần của nhân dân và mở rộng giao lưu văn hoá quốc tế.

Xuất bản phẩm (kể cả xuất bản phẩm nhập khẩu) quy định tại quy chế này bao gồm: sách, tài liệu, tranh, ảnh, áp phích, catalô, tờ rời, tờ gấp, lịch các loại, bản đồ, át lát, bản nhạc, cờ , khẩu hiệu, câu đối, cuốn thư, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình thay sách hoặc kèm theo sách.

Điều 2.

Hoạt động phát hành xuất bản phẩm bao gồm: phân phát, mua, bán, xuất khẩu, nhập khẩu, cho thuê xuất bản phẩm được xuất bản ở trong nước và nước ngoài.

Các loại hình tổ chức phát hành xuất bản phẩm gồm:

1- Doanh nghiệp (doanh nghiệp nhà nước hoạt động công ích, doanh nghiệp nhà nước hoạt động kinh doanh, công ty cổ phần, công ty TNHH, công ty hợp danh, doanh nghiệp tư nhân);

2- Tổ chức hoạt động sự nghiệp do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền thành lập, hoạt động theo kế hoạch ngân sách của cơ quan chủ quản;

3- Hộ kinh doanh: cá thể;

4- Tổ chức, cá nhân thực hiện phát hành xuất bản phẩm không thu tiền theo kế hoạch, chương trình đã định.

Điều 3.

Tổ chức, cá nhân hoạt động phát hành xuất bản phẩm phải thực hiện các quy định của Luật Xuất bản, Nghị định 79/CP ngày 06/11/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản, các văn bản pháp luật khác có liên quan và những điều quy định cụ thể tại quy chế này.

Điều 4.

1- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh xuất bản phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Cơ quan cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh có trách nhiệm gửi bản sao giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh cho cơ quan quản lý văn hoá - thông tin cùng cấp quy định tại Điều 20 Luật Doanh nghiệp ngày 12/6/1999.

2- Tổ chức, cá nhân hoạt động kinh doanh phát hành xuất bản phẩm là đơn vị có thu phải có văn bản đăng ký với Sở Văn hoá - Thông tin sở tại.

Chương II

HOẠT ĐỘNG PHÁT HÀNH XUẤT BẢN PHẨM

Điều 5

Tổ chức, cá nhân hoạt động phát hành xuất bản phẩm phải có đủ các điều kiện sau đây:

1- Là công dân Việt Nam đủ 18 tuổi trở lên, có năng lực hành vi dân sự đầy đủ; không có tiền án, tiền sự về các tội phạm an ninh quốc gia, truyền bá xuất bản phẩm đồi truỵ; không thuộc đối tượng bị pháp luật cấm kinh doanh.

2- Tốt nghiệp trung học cơ sở trở lên và có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức pháp luật về phát hành xuất bản phẩm do các cơ quan có chức năng đào tạo chuyên ngành văn hoá thông tin cấp.

Người đứng đầu tổ chức phát hành xuất bản phẩm là đơn vị sự nghiệp, doanh nghiệp Nhà nước phải có bằng đại học phát hành xuất bản phẩm hoặc đại học xuất bản. Nếu tốt nghiệp đại học khác phải có giấy chứng nhận bồi dưỡng kiến thức quản lý phát hành xuất bản phẩm do các cơ quan có chức năng đào tạo chuyên ngành văn hoá thông tin cấp.

3- Có trụ sở giao dịch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xác nhận.

Điều 6.

Nghiêm cấm các hành vi sau đây:

1- Kinh doanh, lưu hành các xuất bản phẩm sau:

a) Có nội dung cấm đã được quy định tại Điều 22 Luật Xuất bản.

b) Xuất bản phẩm xuất bản, nhập khẩu trái phép.

c) Xuất bản phẩm có quyết định đình chỉ in, cấm lưu hành, thu hồi, tịch thu, tiêu huỷ.

2- Kinh doanh xuất bản phẩm thuộc loại lưu hành nội bộ, xuất bản phẩm không có hoá đơn chứng từ hợp pháp, xuất bản phẩm không in đầy đủ các thông tin quy định tại Điều 12 Nghị định 79/CP ngày 06/11/1993 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Xuất bản.

3- Lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong việc thanh tra, kiểm tra để cản trở hoạt động hợp pháp của các cơ sở phát hành xuất bản phẩm.

Điều 7.

Doanh nghiệp nhà nước, tổ chức hoạt động sự nghiệp phát hành xuất bản phẩm có trách nhiệm phát hành các xuất bản phẩm trợ giá, đặt hàng của Nhà nước đến các đối tượng theo quy định.

Điều 8.

Xuất bản phẩm xuất khẩu, nhập khẩu nhằm mục đích kinh doanh thực hiện theo quy định sau đây:

1- Tổ chức nhà nước muốn trực tiếp nhập khẩu xuất bản phẩm phải được Bộ Văn hoá - Thông tin cho phép. Danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu phải được Cục Xuất bản - Bộ Văn hoá - Thông tin chấp nhận trước khi nhập khẩu. Người đứng đầu tổ chức được trực tiếp nhập khẩu xuất bản phẩm phải chịu trách nhiệm về nội dung xuất bản phẩm nhập khẩu.

2- Tổ chức, cá nhân không có chức năng trực tiếp nhập khẩu xuất bản phẩm mà có nhu cầu nhập khẩu phải ký hợp đồng uỷ thác với tổ chức có chức năng nhập khẩu trực tiếp xuất bản phẩm, đồng thời chịu trách nhiệm về nội dung của xuất bản phẩm nhập khẩu. Hợp đồng uỷ thác phải đúng với danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu đã được Cục Xuất bản chấp nhận.

3- Đơn xin nhập khẩu xuất bản phẩm phải ghi rõ xuất xứ của xuất bản phẩm bao gồm: tên; địa chỉ của cá nhân, tổ chức bán xuất bản phẩm ở nước ngoài; tên nước và kèm theo danh mục xuất bản phẩm nhập khẩu.

Danh mục xuất bản phẩm xin nhập khẩu phải dịch ra tiếng Việt, có đầy đủ các tiêu chí: tên xuất bản phẩm, thể loại, tác giả, nhà xuất bản, tóm tắt nội dung, số bản nhập khẩu và phải được thủ trưởng cơ quan chủ quản ký duyệt.

4- Tổ chức, cá nhân có đăng ký kinh doanh nhập khẩu xuất bản phẩm được trực tiếp xuất bản phẩm ra nước ngoài.

Xuất bản phẩm xuất khẩu là các xuất bản phẩm không thuộc loại cấm kinh doanh, lưu hành quy định tại Điều 6 quy chế này.

Điều 9.

Việc xuất khẩu, nhập khẩu xuất bản phẩm phi mậu dịch được thực hiện theo quy định riêng.

Điều 10.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài có trụ sở và thường trú tại Việt Nam chỉ được phát hành xuất bản phẩm của tổ chức và cá nhân mình khi được Bộ Văn hoá - Thông tin Việt Nam cho phép.

Chương III

KIỂM TRA VÀ XỬ LÝ VI PHẠM

Điều 11.

1- Cục Xuất bản là cơ quan giúp Bộ trưởng Bộ Văn hoá - Thông tin thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm trong phạm vi cả nước.

2- Sở Văn hoá - Thông tin là cơ quan giúp Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động trực thuộc trung ương thực hiện nhiệm vụ quản lý Nhà nước đối với hoạt động phát hành xuất bản phẩm tại địa phương.

3- Thanh tra chuyên ngành văn hoá - thông tin có trách nhiệm kiểm tra việc thực hiện quy chế này.

4- Việc hướng dẫn, thanh tra, kiểm tra hoạt động phát hành xuất bản phẩm phải thực hiện theo đúng chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn do pháp luật quy định.

Điều 12.

Khi cơ quan quản lý Nhà nước có thẩm quyền kiểm tra, thanh tra thì tổ chức, cá nhân hoạt động phát hàng xuất bản phẩm phải có trách nhiệm báo cáo tình hình kinh doanh và xuất trình các giấy tờ, chứng từ liên quan.

Tổ chức, cá nhân hoạt động phát hành xuất bản phẩm vi phạm pháp luật và những quy định trong quy chế này thì tuỳ theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm sẽ bị phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật.

Điều 13.

Tổ chức, cá nhân có công phát hiện và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm quy chế này thì tuỳ theo mức độ sẽ được khen thưởng theo quy định của Nhà nước.