Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ TĨNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 37/2007/QĐ-UBND

Hà Tĩnh, ngày 26 tháng 09 năm 2007

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC BAN HÀNH QUY CHẾ THỰC HIỆN MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG VIỆC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH HÀ TĨNH

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức HĐND và UBND ngày 26 tháng 11 năm 2003;
Căn cứ Nghị định số 88/2006/NĐ-CP ngày 29 tháng 08 năm 2006 của Chính phủ về đăng ký kinh doanh;
Căn cứ Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu;
Căn cứ Quyết định số 75/1998/QĐ-TTg ngày 04 tháng 4 năm 1998 của Thủ tướng Chính phủ quy định về mã số đối tượng nộp thuế;
Căn cứ Thông tư Liên tịch số 02/2007/TTLT/BKH-BTC-BCA ngày 27 tháng 02 năm 2007  của Liên Bộ: Kế hoạch và Đầu tư – Tài chính – Công an;
Theo đề nghị của Liên ngành: Kế hoạch và Đầu tư; Cục thuế, Công an tỉnh Hà Tĩnh tại Tờ trình số 561/TTr LN-SKH-CT-CA ngày 05 tháng 9 năm 2007,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy chế thực hiện một cửa liên thông trong việc giải quyết thủ tục hành chính về thành lập doanh nghiệp tại tỉnh Hà Tĩnh.

Điều 2. Quyết định có hiệu lực sau 10 ngày kể từ ngày ban hành.

Chánh Văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư; Giám đốc Công an tỉnh; Cục trưởng Cục thuế tỉnh và Thủ trưởng các cơ quan liên quan chịu trách nhiệm thi hành quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Bộ Nội vụ;
- Bộ Tư pháp – Cục KT văn bản QPPL;
- Website Chính phủ;
- TT Tỉnh ủy, TT HĐND tỉnh;
- Các Sở: Tư pháp, Nội vụ;
- Website Hà Tĩnh (Sở BCVT);
- Trung tâm Công báo LT tỉnh, TTCNTT;
- Chánh, Phó VP/UB;
- Lưu: VT, CN, TH, TM, NC.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lê Văn Chất

 

QUY CHẾ

MỘT CỬA LIÊN THÔNG TRONG CÔNG VIỆC GIẢI QUYẾT THỦ TỤC HÀNH CHÍNH VỀ THÀNH LẬP DOANH NGHIỆP TẠI TỈNH HÀ TĨNH
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2007/QĐ-UBND ngày 26 tháng 9 năm 2007 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Hà Tĩnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Đối tượng áp dụng

1. Tổ chức, cá nhân đề nghị đăng ký kinh doanh; đăng ký thuế và khắc con dấu khi thành lập doanh nghiệp mới, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện hoặc thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh, nội dung đăng ký thuế, thay đổi mẫu dấu.

2. Các cơ quan trực tiếp giải quyết đăng ký kinh doanh; đăng ký thuế; khắc và quản lý con dấu bao gồm: Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh.

Điều 2. Phạm vi áp dụng

Quy chế này quy định cơ chế phối hợp giữa Sở Kế hoạch và Đầu tư với Công an tỉnh và Cục thuế tỉnh trong việc giải quyết các thủ tục:

1. Đăng ký và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy chứng nhận đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh; đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện của doanh nghiệp (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh).

2. Khắc và quản lý con dấu.

3. Đăng ký thuế và cấp giấy chứng nhận đăng ký thuế.

Các thủ tục hành chính: Bán hóa đơn, cấp Giấy phép kinh doanh,…(đối với trường hợp kinh doanh có điều kiện) chưa thực hiện theo quy chế này.

Điều 3. Nguyên tắc thực hiện

1. Đảm bảo thực hiện Một cửa liên thông tại một điểm trong quá trình giải quyết các thủ tục tiếp nhận hồ sơ đến trả kết quả đối với các công việc nêu tại Điều 2 của Quy chế này.

2. Các cơ quan liên quan thực hiện đúng chức năng theo quy định của pháp luật; đồng thời có trách nhiệm phối hợp giải quyết nhanh chóng các thủ tục theo quy định tại Quy chế này.

Điều 4. Địa điểm thực hiện

Tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư. Áp dụng đối với các đối tượng thực hiện đăng ký kinh doanh trên địa bàn tỉnh Hà Tĩnh. Riêng trường hợp các đối tượng đăng ký kinh doanh trong Khu Kinh tế Vũng Áng thì thực hiện việc đăng ký tại Ban quản lý Khu kinh tế Vũng Áng.

Chương II

TRÌNH TỰ, THỦ TỤC, THỜI GIAN THỰC HIỆN

Điều 5. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư làm đầu mối tiếp nhận hồ sơ vào tất cả các ngày làm việc trong tuần đối với các đối tượng quy định tại Điều 1.1; hồ sơ gồm:

1. Hồ sơ đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp; đăng ký hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện (theo hướng dẫn tại Thông tư 03/2006/TT-BKH ngày 19/10/2006 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư).

2. Hồ sơ đăng ký thuế (theo hướng dẫn tại Thông tư 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007 của Bộ Tài chính).

3. Hồ sơ khắc dấu và quản lý con dấu (theo quy định tại Nghị định 58/2001/NĐ-CP ngày 24 tháng 8 năm 2001 của Chính phủ về quản lý và sử dụng con dấu).

Điều 6. Cơ quan trả kết quả và nơi trả kết quả

1. Cơ quan trả kết quả:

- Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư trả kết quả gồm:

+ Giấy chứng nhận Đăng ký kinh doanh.

+ Giấy chứng nhận Đăng ký thuế.

- Công an tỉnh trực tiếp trả con dấu và Giấy chứng nhận đăng ký mẫu dấu.

2. Nơi trả kết quả:

Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư.

Điều 7. Thời hạn trả kết quả

Thời hạn thụ lý hồ sơ không quá 10 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ hợp lệ. Trả kết quả vào ngày thứ 4 hàng tuần (buổi sáng từ 8h đến 10h; buổi chiều từ 15h đến 17h).

Điều 8. Quy trình xử lý hồ sơ

1. Cuối mỗi ngày làm việc (16h đến 16h30), Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư chuyển hồ sơ đến Cục thuế (phòng Kê khai và Kế toán thuế) và Công an tỉnh (phòng PC13); hồ sơ gồm:

1.1 Cục thuế:

+ Tờ khai đăng ký thuế theo mẫu quy định và các bảng kê kèm theo đăng ký thuế (nếu có).

+ Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc giấy phép đầu tư nước ngoài tại Việt Nam, hoặc bản sao Quyết định thành lập.

1.2. Công an tỉnh: Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Giấy giới thiệu của Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Trong thời hạn 05 ngày làm việc, Cục thuế tỉnh gửi kết quả giải quyết việc đăng ký thuế (Giấy chứng nhận đăng ký thuế) vào giờ cuối ngày làm việc (16h – 16h30) cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư để trả cho doanh nghiệp.

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư hoàn trả hồ sơ đăng ký thuế còn thiếu (đã được ký và đóng dấu hợp pháp) cho cơ quan thuế sau khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký thuế cho doanh nghiệp vào cuối ngày làm việc.

3. Công an tỉnh chủ động xử lý công việc để trực tiếp trả kết quả cho các doanh nghiệp tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư theo quy định tại Điều 6, Điều 7 Quy chế này.

Chương III

TRÁCH NHIỆM CỦA CÁC CƠ QUAN LIÊN QUAN

Điều 9. Trách nhiệm của Sở Kế hoạch và Đầu tư

1. Tổ chức bộ phận tiếp nhận và trả kết quả thực hiện tại một địa điểm thuận tiện cho tổ chức, cá nhân.

2. Bố trí cán bộ Phòng Đăng ký kinh doanh đảm bảo năng lực, phẩm chất, đạo đức làm việc tại bộ phận tiếp nhận và trả kết quả giải quyết các thủ tục hành chính.

3. Niêm yết công khai các hồ sơ, giấy tờ tại địa điểm tiếp nhận hồ sơ, bao gồm:

3.1. Thủ tục quy định về đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, thành lập chi nhánh, văn phòng đại diện, thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo Hướng dẫn tại Thông tư 03/2006/TT-BKH.

3.2. Thủ tục quy định về đăng ký thuế cho doanh nghiệp thành lập mới theo hướng dẫn tại Thông tư số 85/2007/TT-BTC ngày 18/7/2007.

3.3. Trình tự, thời hạn giải quyết các thủ tục hành chính, lệ phí (thu hộ lệ phí) và các nội dung khác về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc con dấu.

4. Thực hiện việc giao, nhận hồ sơ và trả kết quả giải quyết thủ tục hành chính theo đúng thời gian quy định tại Quy chế này.

Điều 10. Trách nhiệm của Cục Thuế tỉnh

1. Cử cán bộ làm công tác tiếp nhận và giao trả hồ sơ cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư.

2. Cung cấp các giấy tờ có liên quan đến đăng ký thuế cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư để cung cấp cho doanh nghiệp làm thủ tục.

3. Hướng dẫn trình tự, thủ tục, ghi chép trên tờ khai đăng ký thuế cho cán bộ bộ phận một cửa tại Sở Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất hướng dẫn cho doanh nghiệp.

4. Thực hiện cấp mã số thuế và bàn giao giấy chứng nhận đăng ký thuế cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng thời gian quy định.

5. Lưu hồ sơ đăng ký thuế của các doanh nghiệp đã cấp mã số thuế để phân công quản lý doanh nghiệp cho các cơ quan thuế thực hiện.

6. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của tổ chức, cá nhân về đăng ký thuế.

Điều 11. Trách nhiệm của Công an tỉnh

1. Hướng dẫn trình tự, thủ tục và cung cấp các mẫu giấy tờ có liên quan đến khắc dấu cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư để thống nhất hướng dẫn cho các doanh nghiệp.

Thông báo giá phí, lệ phí các loại con dấu cho Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư để thông báo cho các doanh nghiệp.

2. Đôn đốc các cơ sở có chức năng khắc dấu đảm bảo thời gian cấp dấu cho doanh nghiệp, lưu chiểu dấu mới và thu hồi dấu cũ (nếu doanh nghiệp thay đổi mẫu dấu).

3. Bố trí cán bộ để trả kết quả tại Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư theo đúng thời gian và địa điểm đã quy định tại Quy chế này.

4. Phối hợp với Sở Kế hoạch và Đầu tư để giải quyết kịp thời những vướng mắc, khiếu nại của tổ chức, cá nhân về cấp giấy phép khắc dấu.

Điều 12. Trong quá trình giao nhận hồ sơ của doanh nghiệp, Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả - Sở Kế hoạch và Đầu tư, Công an tỉnh, Cục thuế tỉnh phải mở sổ sách giao nhận, ghi chép từng loại hồ sơ và ký giao nhận để theo dõi, tránh thất lạc hoặc làm mất hồ sơ của doanh nghiệp.

Chương IV

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 13. Khen thưởng, kỷ luật

Cán bộ công chức, viên chức thực hiện việc giải quyết thủ tục hành chính có thành tích trong công việc thực hiện nhiệm vụ thì được xét khen thưởng theo quy định của Nhà nước; Cán bộ công chức, viên chức vi phạm pháp luật, vi phạm Quy chế này hoặc không hoàn thành nhiệm vụ được giao thì tùy theo từng tính chất, mức độ vi phạm sẽ bị xử lý theo quy định của Pháp luật.

Điều 14. Điều khoản thi hành

Ủy ban nhân dân tỉnh giao Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư, Giám đốc Công an tỉnh, Cục trưởng Cụ thuế tỉnh có trách nhiệm chỉ đạo, phối hợp tổ chức thực hiện tốt Quy chế này, kịp thời giải quyết những khó khăn, vướng mắc, khiếu nại của tổ chức, cá nhân về đăng ký kinh doanh, đăng ký thuế và khắc con dấu cho doanh nghiệp.

Quá trình thực hiện nếu có vấn đề cần điều chỉnh, bổ sung cho phù hợp với tình hình thực tế của địa phương và quy định của pháp luật; Sở Kế hoạch và Đầu tư chủ trì trao đổi thống nhất với các ngành có liên quan, báo cáo, đề xuất và trình Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét, quyết định./.