Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH HÀ NAM
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------

Số: 37/2014/QĐ-UBND

Hà Nam, ngày 03 tháng 09 năm 2014

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY CHẾ PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH HÀ NAM

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26 tháng 11 năm 2003;

Căn cứ Luật Bảo hiểm xã hội ngày 29 tháng 6 năm 2006;

Căn cứ Luật Bảo hiểm y tế ngày 14 tháng 11 năm 2008;

Theo đề nghị của Giám đốc Bảo hiểm xã hội tỉnh tại Văn bản số 804/TTr-BHXH ngày 21 tháng 8 năm 2014,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này “Quy chế phối hợp trong công tác thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh Hà Nam”.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực thi hành sau 10 ngày, kể từ ngày ký.

Điều 3. Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở, ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Thủ trưởng các đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

Nơi nhận:
- Cục KTVB - Bộ Tư pháp;
- BHXH Việt Nam; để báo cáo
- TT Tỉnh ủy, TTHĐND; để báo cáo
- Chủ tịch, các PCT UBND tỉnh;
- Như điều 3;
- VPUB: LĐVP(2), VX, CB;
- Lưu VT, VX.

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH
KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH




Trần Hồng Nga

 

QUY CHẾ

PHỐI HỢP TRONG CÔNG TÁC THỰC HIỆN PHÁP LUẬT VỀ BẢO HIỂM XÃ HỘI, BẢO HIỂM Y TẾ, BẢO HIỂM THẤT NGHIỆP TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH HÀ NAM
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2014/QĐ-UBND ngày 03 tháng 09 năm 2014 của Ủy ban nhân dân tỉnh Hà Nam)

Chương I

QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy chế này quy định trách nhiệm phối hợp của các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố trong công tác thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) trên địa bàn tỉnh.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy chế này áp dụng đối với các Sở, ban, ngành; Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố (gọi chung là các cơ quan, tổ chức) có liên quan đến chỉ đạo thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 3. Nguyên tắc phối hợp

Trên cơ sở chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và các quy định hiện hành, các cơ quan đơn vị liên quan phối hợp chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp đảm bảo sự thống nhất, không chồng chéo, hiệu quả.

Điều 4. Nội dung phối hợp

- Chỉ đạo triển khai thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp; giải quyết những vướng mắc phát sinh trong quá trình triển khai thực hiện.

- Phổ biến, cung cấp thông tin, tuyên truyền chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

- Phối hợp kiểm tra, thanh tra, xử lý vi phạm, giải quyết khiếu nại tố cáo trong việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp.

Chương II

QUY ĐỊNH CỤ THỂ

Điều 5. Bảo hiểm xã hội tỉnh

- Chủ trì tham mưu và chịu trách nhiệm trước Ủy ban nhân dân tỉnh về tổ chức thực hiện các chế độ BHXH, BHYT, BHTN cho các đối tượng quản lý trên địa bàn tỉnh theo quy định của pháp luật.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn tỉnh.

- Phối hợp với các Sở, ngành: Thanh tra, Lao động-Thương binh và Xã hội, Y tế, các cơ quan liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa nội dung thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN vào chương trình công tác thanh tra; thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.

- Tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh tổ chức sơ kết, tổng kết việc thực hiện pháp luật BHXH, BHYT, BHTN theo giai đoạn, theo chuyên đề..., đề xuất các cấp có thẩm quyền xử lý hành vi, vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; đồng thời đề xuất việc khen thưởng đối với tổ chức, cá nhân thực hiện tốt pháp luật BHXH, BHYT, BHTN.

Định kỳ 06, 01 năm báo cáo tình hình thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN về Ủy ban nhân dân tỉnh và Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 6. Sở Lao động - Thương binh và Xã hội

- Chủ trì, tham mưu giúp Ủy ban nhân dân tỉnh thực hiện chức năng quản lý nhà nước về BHXH, BHTN theo quy định của pháp luật.

- Chủ trì, phối hợp với Thanh tra tỉnh, Bảo hiểm xã hội tỉnh, Liên đoàn Lao động tỉnh và Ban Quản lý các Khu công nghiệp xây dựng kế hoạch thanh tra, kiểm tra liên ngành và xử lý vi phạm trong việc thực hiện các quy định của pháp luật về BHXH, BHTN theo thẩm quyền; tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh đưa nội dung thực hiện pháp luật về BHXH, BHTN vào chương trình, công tác thanh tra hằng năm.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; phối hợp các cơ quan tuyên truyền, cung cấp nội dung thông tin tuyên truyền về chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp.

- Chỉ đạo các đơn vị trực thuộc thực hiện tốt công tác bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp; theo dõi quản lý chặt chẽ, chính xác đối tượng tham gia bảo hiểm y tế do ngành quản lý, đảm bảo không trùng lặp.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan giải quyết vướng mắc khiếu nại, tố cáo có liên quan đến thực hiện chính sách pháp luật bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp

Điều 7. Sở Y tế

- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh, tham mưu với Ủy ban nhân dân tỉnh chỉ đạo, triển khai thực hiện chính sách pháp luật BHYT trong khám bệnh, chữa bệnh; xây dựng kế hoạch, tổ chức thanh kiểm tra việc thực hiện pháp luật về bảo hiểm y tế tại các cơ sở khám chữa bệnh BHYT; tham mưu UBND tỉnh đưa nội dung thực hiện pháp luật về BHYT vào chương trình công tác thanh tra.

- Chủ trì, phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và Sở Tài chính xây dựng khung giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh trình UBND tỉnh trình HĐND tỉnh thông qua; đối với các dịch vụ kỹ thuật mới, dịch vụ kỹ thuật chưa có khung giá y tế do liên Bộ: Y tế, Tài chính ban hành, Sở Y tế chủ trì, phối hợp các ngành liên quan xây dựng giá trình UBND tỉnh phê duyệt kịp thời, làm căn cứ thanh toán BHYT.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện pháp luật bảo hiểm y tế; chỉ đạo các cơ sở khám chữa bệnh nâng cao chất lượng khám chữa bệnh và y đức của đội ngũ y, bác sỹ và nhân viên y tế.

Điều 8. Sở Tài chính

- Bố trí ngân sách hỗ trợ mức đóng BHYT, BHTN cho các nhóm đối tượng theo quy định.

Điều 9. Sở Kế hoạch và Đầu tư, Cục Thuế tỉnh

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội, các đơn vị có liên quan tuyên truyền việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN cho các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân khi đến xin cấp đăng ký kinh doanh, mã số thuế; đồng thời cung cấp danh sách doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân đăng ký kinh doanh và mã số thuế, doanh nghiệp phá sản, giải thể, tạm ngừng hoạt động, hoạt động trở lại cho Bảo hiểm xã hội để triển khai thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 10. Sở Giáo dục và Đào tạo

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội thực hiện công tác tuyên truyền và hướng dẫn thực hiện BHYT học sinh hằng năm; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc làm tốt công tác giáo dục vận động học sinh thực hiện nghiêm luật BHYT, đảm bảo quyền lợi BHYT cho học sinh, thực hiện tốt công tác thu, nộp bảo hiểm, lập dự toán, quản lý, sử dụng hiệu quả, quyết toán quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu đúng quy định.

- Phối hợp với các ngành liên quan tổ chức thanh tra, kiểm tra việc quản lý, sử dụng và quyết toán quỹ chăm sóc sức khỏe ban đầu.

Điều 11. Sở Nội vụ

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh trong việc giải quyết chế độ bảo hiểm xã hội đối với cán bộ, công chức, viên chức của tỉnh quản lý và đối tượng khác có liên quan đến việc thu nộp, tiền lương, tiền công và thời gian tham gia BHXH, BHTN.

Điều 12. Sở Thông tin và Truyền thông

- Chủ trì, phối hợp Ban Tuyên giáo Tỉnh ủy định hướng thông tin cho các cơ quan báo chí tuyên truyền về các nội dung liên quan đến việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; tuyên truyền sự lãnh đạo, chỉ đạo của tỉnh về công tác thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trên Cổng Thông tin điện tử tỉnh Hà Nam.

- Hỗ trợ nghiệp vụ cho Bảo hiểm xã hội tỉnh và các đơn vị liên quan thực hiện công tác truyền thông chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 13. Sở Tư pháp

- Phối hợp với các sở ngành: Bảo hiểm xã hội tỉnh, Lao động - Thương binh và Xã hội và Y tế thực hiện tuyên truyền phổ biến pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN; thực hiện các chương trình, đề án hỗ trợ pháp lý cho doanh nghiệp, ưu tiên việc hỗ trợ pháp lý về BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 14. Thanh tra tỉnh

- Phối hợp với các đơn vị liên quan tham mưu với UBND tỉnh đưa nội dung chấp hành pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN vào chương trình công tác thanh tra hằng năm; thực hiện kế hoạch thanh kiểm tra và giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến BHXH, BHYT, BHTN.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các cơ quan liên quan tham mưu Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý vi phạm pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân theo thẩm quyền.

Điều 15. Công an tỉnh

- Chỉ đạo, các đơn vị nghiệp vụ thực hiện công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh thực hiện các nội dung phối hợp công tác theo Quy chế phối hợp giữa Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm và Bảo hiểm xã hội Việt Nam, trong phòng chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật góp phần bảo vệ trật tự quản lý kinh tế và đảm bảo trật tự an toàn xã hội tại các đơn vị thuộc hệ thống Bảo hiểm xã hội Việt Nam.

Điều 16: Ban Quản lý các Khu công nghiệp

- Tuyên truyền, phổ biến, tư vấn và giải đáp các chế độ, chính sách của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN trong phạm vi quản lý.

- Phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước trong việc thanh tra, kiểm tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo liên quan đến việc thực hiện chế độ, chính sách pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân hoạt động trong khu công nghiệp.

Điều 17. UBND các huyện, thành phố (gọi chung là UBND cấp huyện)

- Thực hiện chức năng quản lý nhà nước trên địa bàn trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN theo quy định của pháp luật.

- Phối hợp với Bảo hiểm xã hội tỉnh và các sở, ngành, chỉ đạo triển khai thực hiện có hiệu quả chính sách pháp luật BHXH, BHYT, BHTN trên địa bàn và giải quyết vấn đề vướng mắc, phát sinh trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện.

- Tăng cường công tác thông tin tuyên truyền về thực hiện pháp luật về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp trên địa bàn.

- Chỉ đạo các cơ quan chuyên môn tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý vi phạm, giải quyết vướng mắc trong việc thực hiện pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 18. Ngân hàng nhà nước

- Chỉ đạo các chi nhánh Ngân hàng Thương mại, tổ chức tín dụng thực hiện việc buộc trích tiền từ tài khoản tiền gửi của người sử dụng lao động để nộp tiền BHXH chưa đóng, chậm đóng và tiền lãi phát sinh.

- Phối hợp với các ngành có liên quan, xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và hoạt động ngân hàng đối với các chi nhánh Ngân hàng Thương mại và tổ chức tín dụng vi phạm việc chấp hành các quy định tại Thông tư Liên tịch số 03/2008/TTLT-BLĐTBXH-BTC-NHNN ngày 18/02/2008 của Liên Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.

Điều 19. Liên đoàn Lao động tỉnh

- Phối hợp thực hiện công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật trong hệ thống Công đoàn và trong công chức, viên chức, công nhân, người lao động; tham gia quá trình triển khai, tổ chức thực hiện các chế độ, chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN và hoạt động kiểm tra, giám sát, đảm bảo quyền lợi chính đáng, hợp pháp cho người lao động.

- Chỉ đạo Công đoàn các cấp tham gia kiểm tra, giám sát việc thực hiện chế độ, chính sách BHXH, BHYT, BHTN ở các cơ quan, doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh.

Điều 20. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh

- Chỉ đạo, hướng dẫn các tổ chức thành viên thực hiện công tác thông tin, tuyên truyền về mục đích, ý nghĩa của chính sách an sinh xã hội và các quy định của pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN.

- Tham gia giám sát việc thực hiện chính sách, pháp luật về BHXH, BHYT, BHTN của các tổ chức, cá nhân có trách nhiệm giải quyết những vướng mắc hoặc giải pháp nhằm thực hiện tốt công tác BHXH, BHYT, BHTN.

Điều 21. Tổ chức thực hiện

- Giao Bảo hiểm xã hội tỉnh chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Lao động-Thương binh và Xã hội, hướng dẫn kiểm tra việc thi hành Quy chế.

- Trong quá trình thực hiện Quy chế này, nếu có vướng mắc, các cơ quan tổ chức, Ủy ban nhân dân các cấp kịp thời phản ánh về Bảo hiểm xã hội tỉnh để báo cáo Ủy ban nhân dân tỉnh xem xét giải quyết./.