Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH NINH THUẬN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2015/QĐ-UBND

Phan Rang-Tháp Chàm, ngày 24 tháng 6 năm 2015

 

QUYẾT ĐỊNH

BAN HÀNH QUY ĐỊNH VỀ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, TRÁCH NHIỆM THAM MƯU VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH NINH THUẬN

Căn cứ Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân và Ủy ban nhân dân ngày 26/11/2003;

Căn cứ Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật của Hội đồng nhân dân, Ủy ban nhân dân ngày 03/12/2004;

Căn cứ Luật Khiếu nại ngày 11/11/2011;

Căn cứ Luật Tố cáo ngày 11/11/2011;

Căn cứ Luật Tiếp công dân ngày 25/11/2013;

Căn cứ Luật Đất đai ngày 29/11/2013;

Căn cứ Nghị định số 75/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Khiếu nại; Nghị định số 76/2012/NĐ-CP ngày 03/10/2012 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tố cáo; Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Tiếp công dân; Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai;

Căn cứ Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo; Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính; Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân; Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh;

Theo đề nghị của Chánh Thanh tra tỉnh tại Tờ trình số 24/TTr-TTT ngày 14/5/2015 và Báo cáo thẩm định số 782/BC-STP ngày 08/5/2015 của Sở Tư pháp,

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Ban hành kèm theo Quyết định này Quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, trách nhiệm tham mưu và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận, gồm 6 Chương, 32 Điều.

Điều 2. Quyết định này có hiệu lực sau 10 (mười) ngày, kể từ ngày ký ban hành; thay thế Quyết định số 39/2013/QĐ-UBND ngày 09/7/2013 của Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quy định về tiếp công dân, xử lý đơn, trách nhiệm tham mưu và quy trình giải quyết khiếu nại, tố cáo, tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận.

Chánh Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh, Chánh Thanh tra tỉnh, Giám đốc các Sở, Ban, ngành; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thành phố; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các xã, phường, thị trấn, Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước căn cứ Quyết định thi hành./.

 

 

Nơi nhận:
- Như Điều 2;
- Văn phòng Chính phủ;
- Thanh tra Chính phủ;
- Cục Kiểm tra văn bản (Bộ Tư pháp);
- Thường trực Tỉnh ủy;
- Thường trực HĐND tỉnh;
- Chủ tịch và các PCT UBND tỉnh;
- Đoàn ĐBQH và HĐND tỉnh;
- TT. HĐND các huyện, thành phố;
- Cổng TTĐT tỉnh; TT TH-CB;
- VPUB: CVP, PVP ĐTĐ, NC;
- Lưu: VT, TCD. VMT

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Lưu Xuân Vĩnh

 

QUY ĐỊNH

VỀ TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, TRÁCH NHIỆM THAM MƯU VÀ QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO, TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH NINH THUẬN
(Ban hành kèm theo Quyết định số 37/2015/QĐ-UBND ngày 24/6/2015 của Ủy ban nhân dân tỉnh)

Chương I

NHỮNG QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh

Quy định này quy định về tiếp công dân, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh, trách nhiệm tham mưu và quy trình giải quyết khiếu nại, quy trình giải quyết tố cáo, quy trình giải quyết tranh chấp đất đai trên địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Những nội dung không quy định tại Quy định này được thực hiện theo quy định của pháp luật hiện hành.

Điều 2. Đối tượng áp dụng

Quy định này áp dụng đối với cơ quan hành chính nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập, doanh nghiệp nhà nước; người được giao nhiệm vụ tiếp công dân, xử lý đơn; người xác minh, người giải quyết khiếu nại, giải quyết tố cáo, giải quyết tranh chấp đất đai.

Chương II

TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN

Mục 1. TIẾP CÔNG DÂN

Điều 3. Tiếp công dân

1. Trách nhiệm tiếp công dân; quyền và nghĩa vụ của người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; việc tổ chức hoạt động tiếp công dân tại Trụ sở tiếp công dân, địa điểm tiếp công dân của cơ quan, tổ chức, đơn vị và điều kiện bảo đảm cho hoạt động tiếp công dân thực hiện theo quy định của Luật Tiếp công dân năm 2013, Nghị định số 64/2014/NĐ-CP ngày 26/6/2014 của Chính phủ quy định chi tiết một số điều của Luật Tiếp công dân.

2. Việc tiếp người đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh; tiếp nhận, phân loại, xử lý khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh trong quá trình tiếp công dân thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình tiếp công dân.

Điều 4. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân

1. Công dân có yêu cầu gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh thì đăng ký với Ban Tiếp công dân tỉnh trước ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh tiếp công dân.

2. Ban Tiếp công dân tỉnh có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký của công dân, căn cứ vào nội dung vụ việc và thời gian đăng ký để phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cử người có trách nhiệm tham gia buổi tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Lãnh đạo, công chức của Ban Tiếp công dân tỉnh được từ chối tiếp người đến Trụ sở tiếp công dân tỉnh trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013.

3. Khi nhận được yêu cầu của Trưởng Ban tiếp công dân tỉnh thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm:

a) Cử người có trách nhiệm hoặc trực tiếp tham gia buổi tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

c) Tham gia giải thích, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương.

4. Thủ trưởng cơ quan Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Ban Tiếp công dân tỉnh, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng tại Trụ sở tiếp công dân tỉnh; xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Điều 5. Trách nhiệm của các cơ quan liên quan khi Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp công dân

1. Công dân có yêu cầu gặp Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố để khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh tại buổi tiếp công dân định kỳ của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố thì đăng ký với Ban Tiếp công dân huyện, thành phố trước ngày Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tiếp công dân.

2. Ban Tiếp công dân huyện, thành phố có trách nhiệm tiếp nhận đăng ký của công dân, căn cứ vào nội dung vụ việc và thời gian đăng ký để phối hợp với các cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan chuẩn bị hồ sơ, tài liệu liên quan đến nội dung khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh, cử người có trách nhiệm tham gia buổi tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

Lãnh đạo, công chức của Ban Tiếp công dân huyện, thành phố được từ chối tiếp người đến nơi tiếp công dân huyện, thành phố trong các trường hợp quy định tại Điều 9 Luật Tiếp công dân năm 2013.

3. Khi nhận được yêu cầu của Trưởng Ban Tiếp công dân huyện, thành phố thì người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị liên quan có trách nhiệm:

a) Cử người có trách nhiệm hoặc trực tiếp tham gia buổi tiếp công dân của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố;

b) Cung cấp thông tin, tài liệu về vụ việc khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh;

c) Tham gia giải thích, vận động, thuyết phục, có biện pháp để công dân trở về địa phương.

4. Thủ trưởng cơ quan Công an trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm thực hiện hoặc phối hợp với Ban Tiếp công dân huyện, thành phố, cơ quan, tổ chức, đơn vị có liên quan áp dụng các biện pháp bảo đảm trật tự công cộng tại Trụ sở tiếp công dân huyện, thành phố; xử lý người có hành vi vi phạm theo quy định của pháp luật.

Mục 2. TIẾP NHẬN, PHÂN LOẠI, XỬ LÝ ĐƠN DO CƠ QUAN, TỔ CHỨC, CÁ NHÂN GỬI ĐẾN

Điều 6. Tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh

Việc tiếp nhận, phân loại, xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2014/TT-TTCP ngày 31/10/2014 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh.

Điều 7. Trách nhiệm tham mưu xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh

1. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

2. Giám đốc Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh giao Chánh Thanh tra hoặc Chánh Văn phòng Sở, Ban, ngành tham mưu xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Sở, Ban, ngành.

3. Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giao Văn phòng Hội đồng nhân dân - Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

4. Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã giao cán bộ Văn phòng tham mưu xử lý đơn khiếu nại, đơn tố cáo, đơn kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến Ủy ban nhân dân, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã.

5. Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành cấp tỉnh, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tự mình xử lý hoặc giao cán bộ thuộc quyền tham mưu xử lý đơn khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh do cơ quan, tổ chức, cá nhân gửi đến cơ quan mình.

Chương III

GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Mục 1. TRÁCH NHIỆM THAM MƯU GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Điều 8. Trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành, Thủ trưởng đơn vị sự nghiệp công lập, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước căn cứ nội dung, tính chất vụ việc khiếu nại để tự mình thụ lý, thẩm tra xác minh hoặc giao cán bộ, công chức, viên chức do mình quản lý trực tiếp thẩm tra xác minh và kiến nghị giải quyết đối với khiếu nại thuộc thẩm quyền.

Điều 9. Trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

1. Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành Quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại, có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố có thể giao Chánh Thanh tra huyện, thành phố tham mưu giải quyết theo quy định pháp luật.

2. Chánh Thanh tra huyện, thành phố tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, thành phố đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

3. Trưởng Phòng Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

4. Khiếu nại không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này có nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của phòng, ban nào thì Thủ trưởng phòng, ban đó có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết.

Điều 10. Trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh

1. Trưởng phòng, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành cấp tỉnh tham mưu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh ban hành quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại, có trách nhiệm tham mưu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh giải quyết việc khiếu nại đó.

2. Chánh Thanh tra Sở, Ban, ngành tham mưu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết.

3. Chánh Văn phòng hoặc Trưởng Phòng Tổ chức tham mưu Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

Điều 11. Trách nhiệm tham mưu giải quyết khiếu nại thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

1. Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành Quyết định hành chính, thực hiện hành vi hành chính bị khiếu nại, có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết. Tuỳ từng trường hợp cụ thể, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh có thể giao Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu giải quyết theo quy định pháp luật.

2. Chánh Thanh tra tỉnh tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại lần hai đối với quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện, Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh đã giải quyết lần đầu nhưng còn khiếu nại hoặc khiếu nại lần đầu đã hết thời hạn nhưng chưa được giải quyết; tham mưu giải quyết tranh chấp về thẩm quyền giải quyết khiếu nại giữa các cơ quan, đơn vị thuộc phạm vi quản lý của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

3. Giám đốc Sở Nội vụ tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức.

4. Khiếu nại không thuộc quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này có nội dung thuộc trách nhiệm quản lý của Sở, ngành nào thì Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành đó có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết.

Mục 2. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI

Điều 12. Quy trình thụ lý, giải quyết khiếu nại

Việc thụ lý, xác minh, kết luận nội dung khiếu nại, ban hành, gửi, công khai quyết định giải quyết khiếu nại thực hiện theo quy định tại Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết khiếu nại hành chính (sau đây gọi tắt là Thông tư số 07/2013/TT-TTCP).

Điều 13. Thời hạn xác minh khiếu nại

1. Thời hạn xác minh khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần đầu không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài hơn nhưng không quá 35 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn xác minh khiếu nại không quá 35 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh có thể kéo dài hơn nhưng không quá 50 ngày, kể từ ngày thụ lý.

2. Thời hạn xác minh khiếu nại quyết định hành chính, hành vi hành chính lần hai không quá 35 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 50 ngày, kể từ ngày thụ lý.

Ở vùng sâu, vùng xa đi lại khó khăn thì thời hạn giải quyết khiếu nại không quá 50 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn giải quyết khiếu nại có thể kéo dài hơn, nhưng không quá 60 ngày, kể từ ngày thụ lý.

3. Thời hạn xác minh khiếu nại quyết định kỷ luật cán bộ, công chức không quá 20 ngày, kể từ ngày thụ lý; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh khiếu nại có thể kéo dài hơn nhưng không quá 35 ngày, kể từ ngày thụ lý.

4. Trong thời hạn quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 Điều này người có trách nhiệm xác minh, người ban hành quyết định xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh nội dung khiếu nại với người giải quyết khiếu nại.

Điều 14. Thời hạn giải quyết khiếu nại

Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo kết quả xác minh nội dung khiếu nại, người giải quyết khiếu nại tiến hành xem xét, tổ chức đối thoại với người khiếu nại, ban hành quyết định giải quyết khiếu nại.

Mục 3. ỦY QUYỀN THAM GIA TỐ TỤNG HÀNH CHÍNH

Điều 15. Ủy quyền tham gia tố tụng vụ án hành chính

Khi quyết định hành chính, hành vi hành chính của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh, Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố bị khởi kiện vụ án hành chính thì những người bị khởi kiện có thể ủy quyền cho cán bộ, công chức các cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý đại diện tham gia thực hiện quyền và nghĩa vụ tố tụng hành chính của mình tại Tòa án. Việc ủy quyền thực hiện theo quy định tại Điều 54 Luật Tố tụng hành chính.

Chương IV

GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Mục 1. TRÁCH NHIỆM THAM MƯU GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 16. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước.

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, Thủ trưởng cơ quan thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Thủ trưởng cơ quan thuộc Sở, Ban, ngành, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước ban hành quyết định thụ lý giải quyết tố cáo (sau đây gọi tắt là quyết định thụ lý) tiến hành xác minh, trong quyết định thụ lý phải thành lập Đoàn xác minh tố cáo hoặc Tổ xác minh tố cáo (sau đây gọi chung là Tổ xác minh) có từ hai người trở lên, trong đó giao cho một người làm Trưởng đoàn xác minh hoặc Tổ trưởng Tổ xác minh (sau đây gọi chung là Tổ trưởng Tổ xác minh).

Điều 17. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố

Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố ban hành quyết định thụ lý, căn cứ nội dung, tính chất vụ việc tố cáo để giao Chánh Thanh tra huyện, thành phố hoặc Thủ trưởng cơ quan chuyên môn thuộc Ủy ban nhân dân huyện, thành phố xác minh nội dung tố cáo.

Điều 18. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh

Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh ban hành quyết định thụ lý, căn cứ nội dung, tính chất vụ việc tố cáo để giao Chánh Thanh tra hoặc Trưởng phòng nghiệp vụ thuộc Sở, ban, ngành, Thủ trưởng đơn vị trực thuộc xác minh nội dung tố cáo.

Điều 19. Tố cáo thuộc thẩm quyền giải quyết của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh

Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh ban hành quyết định thụ lý, căn cứ nội dung, tính chất vụ việc tố cáo để giao Chánh Thanh tra tỉnh hoặc Giám đốc Sở, Thủ trưởng Ban, ngành cấp tỉnh xác minh nội dung tố cáo.

Mục 2. QUY TRÌNH GIẢI QUYẾT TỐ CÁO

Điều 20. Quy trình thụ lý, giải quyết tố cáo

Việc tiếp nhận, thụ lý, xác minh, kết luận về nội dung tố cáo, việc xử lý tố cáo của người giải quyết tố cáo và việc công khai kết luận nội dung tố cáo, quyết định xử lý hành vi vi phạm bị tố cáo thực hiện theo quy định tại Thông tư số 06/2013/TT-TTCP ngày 30/9/2013 của Thanh tra Chính phủ quy định quy trình giải quyết tố cáo (sau đây gọi tắt là Thông tư số 06/2013/TT-TTCP).

Điều 21. Thời hạn xác minh tố cáo

1. Thời hạn xác minh tố cáo không quá 45 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo; đối với vụ việc phức tạp thì thời hạn xác minh không quá 75 ngày, kể từ ngày thụ lý giải quyết tố cáo.

2. Trong trường hợp người có thẩm quyền giải quyết tố cáo gia hạn thời hạn giải quyết thì thời hạn xác minh có thể kéo dài hơn nhưng không vượt quá số ngày được gia hạn.

Điều 22. Thời hạn báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo

Trong thời hạn quy định tại Điều 21 Quy định này, Tổ trưởng Tổ xác minh phải báo cáo bằng văn bản về kết quả xác minh nội dung tố cáo với người ra quyết định thành lập Tổ xác minh. Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh nội dung tố cáo phải báo cáo bằng văn bản với người giải quyết tố cáo về nội dung tố cáo được giao xác minh.

Điều 23. Thời hạn giải quyết tố cáo

Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày, kể từ ngày Tổ trưởng Tổ xác minh có báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo (trường hợp người giải quyết tố cáo thành lập Tổ xác minh), Thủ trưởng cơ quan, đơn vị được giao nhiệm vụ xác minh có báo cáo kết quả xác minh nội dung tố cáo (trường hợp người giải quyết tố cáo giao Thủ trưởng cơ quan, đơn vị thuộc quyền quản lý xác minh nội dung tố cáo), người giải quyết tố cáo tiến hành kết luận nội dung tố cáo, xử lý tố cáo theo quy định tại Điều 24 và Điều 25 Luật Tố cáo.

Điều 24. Thời hạn xác minh, thời hạn giải quyết tố cáo về hành vi mà pháp luật về xử lý vi phạm hành chính có quy định về thời hạn giải quyết khác với quy định tại Điều 21 của Luật Tố cáo

Trường hợp pháp luật về xử lý vi phạm hành chính quy định về thời hạn giải quyết khác với quy định tại Điều 21 của Luật Tố cáo thì thời hạn giải quyết tố cáo không được vượt quá thời hạn xử lý vi phạm hành chính theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính.

Căn cứ vào thời hạn giải quyết tố cáo theo quy định của pháp luật về xử lý vi phạm hành chính, người có thẩm quyền giải quyết tố cáo quy định thời hạn xác minh nội dung tố cáo cho phù hợp.

Điều 25. Giải quyết tố cáo có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay

Việc giải quyết tố cáo hành vi vi phạm pháp luật về quản lý nhà nước trong các lĩnh vực có nội dung rõ ràng, chứng cứ cụ thể, có cơ sở để xử lý ngay thực hiện theo quy định tại Điều 33 của Luật Tố cáo.

Chương V

GIẢI QUYẾT TRANH CHẤP ĐẤT ĐAI

Điều 26. Hoà giải tranh chấp đất đai

Hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định tại Điều 202 Luật Đất đai năm 2013 và thủ tục hòa giải tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định tại Điều 88 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Đất đai (sau đây gọi tắt là Nghị định số 43/2014/NĐ-CP).

Điều 27. Giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013

1. Thẩm quyền giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp đương sự không có Giấy chứng nhận hoặc không có một trong các loại giấy tờ quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều 100 của Luật Đất đai năm 2013 thực hiện theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 203 Luật Đất đai năm 2013.

2. Thủ tục giải quyết tranh chấp đất đai thực hiện theo quy định tại Điều 89 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

3. Căn cứ để giải quyết tranh chấp đất đai trong trường hợp các bên tranh chấp không có giấy tờ về quyền sử dụng đất; cưỡng chế thi hành quyết định giải quyết tranh chấp đất đai, quyết định công nhận hòa giải thành thực hiện theo quy định tại Điều 91 Nghị định số 43/2014/NĐ-CP.

Điều 28. Trách nhiệm tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai

1. Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện, thành phố có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố.

2. Sở Tài nguyên và Môi trường có trách nhiệm tham mưu Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh.

Điều 29. Thụ lý giải quyết tranh chấp đất đai

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được yêu cầu giải quyết tranh chấp đất đai, người có thẩm quyền giải quyết tranh chấp ban hành quyết định thụ lý giải quyết việc tranh chấp.

2. Quyết định thụ lý giải quyết việc tranh chấp phải nêu rõ nội dung tranh chấp; họ tên, địa chỉ người đề nghị giải quyết việc tranh chấp, người bị tranh chấp; cơ quan được giao tham mưu giải quyết nội dung tranh chấp, thời gian thực hiện.

Điều 30. Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai

1. Quy trình giải quyết tranh chấp đất đai áp dụng theo quy định tại các Điều 8, 10, 11, 12, 13, 14, 15, 16, 18 và khoản 1 Điều 20 Thông tư số 07/2013/TT-TTCP ngày 31/10/2013.

2. Khi Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương quy định về quy trình giải quyết tranh chấp đất đai thì thực hiện theo quy định của Chính phủ, Bộ, ngành Trung ương.

3. Căn cứ quy định của pháp luật, kết quả xác minh nội dung tranh chấp, người giải quyết tranh chấp ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.

Điều 31. Thời hạn hòa giải tranh chấp đất đai, thời hạn xác minh, tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai, thời hạn giải quyết tranh chấp đất đai

1. Hòa giải tranh chấp đất đai tại Ủy ban nhân dân cấp xã không quá 45 ngày, kể từ ngày nhận được đơn yêu cầu giải quyết tranh chấp.

2. Thời hạn xác minh, tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai.

a) Xác minh, tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố không quá 35 ngày, kể từ ngày thụ lý;

b) Xác minh, tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai thuộc thẩm quyền của Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh không quá 50 ngày, kể từ ngày thụ lý.

c) Đối với các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa, vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn thì thời gian xác minh, tham mưu giải quyết tranh chấp đất đai quy định tại điểm a và b khoản này được tăng thêm 15 ngày.

d) Trong thời hạn quy định tại điểm a, điểm b và điểm c khoản này, Thủ trưởng cơ quan được giao tham mưu giải quyết nội dung tranh chấp phải báo cáo bằng văn bản với người có thẩm quyền giải quyết về kết quả xác minh nội dung tranh chấp.

3. Trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có báo cáo kết quả xác minh nội dung tranh chấp, người giải quyết tranh chấp đất đai tiến hành xem xét, ban hành quyết định giải quyết tranh chấp.

Chương VI

TỔ CHỨC THỰC HIỆN

Điều 32. Tổ chức thực hiện

Giám đốc các Sở, Thủ trưởng các Ban, ngành cấp tỉnh; Chủ tịch Ủy ban nhân dân huyện, thành phố, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã; Thủ trưởng các đơn vị sự nghiệp công lập, Giám đốc Doanh nghiệp Nhà nước và các tổ chức, cá nhân liên quan có trách nhiệm tổ chức thực hiện Quy định này./.