Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH ĐIỆN BIÊN
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/2017/QĐ-UBND

Điện Biên, ngày 27 tháng 12 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH MỨC HỖ TRỢ KHOÁN QUẢN LÝ BẢO VỆ RỪNG VÀ KHOANH NUÔI XÚC TIẾN TÁI SINH RỪNG TỰ NHIÊN KHÔNG TRỒNG BỔ SUNG TRÊN ĐỊA BÀN TỈNH ĐIỆN BIÊN

ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH ĐIỆN BIÊN

Căn cứ Luật Tổ chức Chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 ngày 19 tháng 6 năm 2015;

Căn cứ Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông lâm nghiệp;

Theo đề nghị của Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tại Tờ trình số 2594/TTr-SNN ngày 19/12/2017.

QUYẾT ĐỊNH:

Điều 1. Quy định mức hỗ trợ khoán quản lý bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung trên địa bàn tỉnh Điện Biên, cụ thể như sau:

1. Phạm vi điều chỉnh

Quyết định này quy định về các mức hỗ trợ khoán bảo vệ rừng và khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung trên địa bàn tỉnh Điện Biên theo Quyết định số 38/2016/QĐ-TTg ngày 14 tháng 9 năm 2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc ban hành một số chính sách bảo vệ, phát triển rừng và đầu tư hỗ trợ kết cấu hạ tầng, giao nhiệm vụ công ích đối với các công ty nông, lâm nghiệp.

2. Đối tượng áp dụng

Các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư thôn, bản thực hiện nhiệm vụ bảo vệ và phát triển rừng theo quy định của pháp luật trên địa bàn tỉnh Điện Biên.

3. Mức hỗ trợ

3.1. Khoán quản lý bảo vệ rừng: 300.000 đồng/ha/năm, trong đó chi phí lập hồ sơ giao khoán quản lý bảo vệ rừng là 50.000 đồng/ha/05 năm. Chi phí lập hồ sơ giao khoán quản lý bảo vệ rừng cụ thể theo các năm:

a) Năm thứ nhất (năm đầu thực hiện có thiết kế): 20.000đồng/ha.

b) Từ năm thứ 02 đến năm thứ 05: 7.500 đồng/ha/năm.

3.2. Khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung: 3.000.000 đồng/ha/6 năm, trong đó hỗ trợ cụ thể là 500.000đồng/ha/năm.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn có trách nhiệm:

- Hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan thực hiện lập hồ sơ và dự toán khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung theo các quy định hiện hành của nhà nước.

- Theo dõi, đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các quy định tại Quyết định này; tổng hợp báo cáo, đánh giá việc thực hiện các quy định tại Quyết định này theo quy định của pháp luật. Chủ trì, phối hợp với các Sở, ngành, đơn vị liên quan xử lý các khó khăn, vướng mắc phát sinh (nếu có); trường hợp vượt thẩm quyền, báo cáo, tham mưu cho UBND tỉnh xem xét giải quyết.

2. Sở Tài chính: Chủ trì, phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn hướng dẫn UBND các huyện, thị xã, thành phố chỉ đạo các tổ chức, hộ gia đình, cá nhân và cộng đồng dân cư có liên quan quản lý, sử dụng và thanh quyết toán nguồn kinh phí theo đúng quy định hiện hành.

3. UBND các huyện, thị xã, thành phố: chỉ đạo các phòng, ban chức năng, các đơn vị có liên quan trong tổ chức thực hiện các chương trình, dự án hỗ trợ khoán bảo vệ rừng, khoanh nuôi xúc tiến tái sinh rừng tự nhiên không trồng bổ sung theo quy định.

Điều 3. Quyết định này có hiệu lực thi hành kể từ ngày 06 tháng 01 năm 2018.

Điều 4. Chánh văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh; Giám đốc các Sở: Kế hoạch và Đầu tư, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chi cục trưởng Chi cục Lâm nghiệp; Chi cục trưởng Chi cục Kiểm lâm; Giám đốc các Ban quản lý rừng phòng hộ, rừng đặc dụng; Chủ tịch Ủy ban nhân dân các huyện, thị xã, thành phố; các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này./.

 

 

TM. ỦY BAN NHÂN DÂN
CHỦ TỊCH




Mùa A Sơn