Hệ thống pháp luật
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...
Đang tải nội dung, vui lòng chờ giây lát...

ỦY BAN NHÂN DÂN
TỈNH BÌNH ĐỊNH
--------

CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
---------------

Số: 37/QĐ-UBND

Bình Định, ngày 06 tháng 01 năm 2017

 

QUYẾT ĐỊNH

VỀ VIỆC QUY ĐỊNH ĐỐI VỚI VIỆC RÚT KINH PHÍ BỔ SUNG TỪ NGÂN SÁCH TỈNH CHO NGÂN SÁCH CÁC HUYỆN, THỊ XÃ, THÀNH PHỐ

CHỦ TỊCH ỦY BAN NHÂN DÂN TỈNH

Căn cứ Luật Tổ chức chính quyền địa phương ngày 19/6/2015;

Căn cứ Luật Ngân sách Nhà nước ngày 25/6/2015;

Căn cứ Thông tư số 326/2016/TT-BTC ngày 23/12/2016 của Bộ Tài chính quy định về tổ chức thực hiện dự toán ngân sách nhà nước năm 2017;

Xét đề nghị của Sở Tài chính tại Văn bản số 4926/STC-QLNS ngày 30/12/2016,

QUYẾT ĐỊNH

Điều 1. Quy định đối với việc rút kinh phí bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố, với các nội dung cụ thể như sau:

1. Đối với việc rút kinh phí bổ sung từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã:

- Mức rút từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã hàng tháng không vượt quá 1/12 tổng mức bổ sung cân đối cả năm.

- Riêng các tháng trong Quý I, căn cứ yêu cầu, nhiệm vụ mức rút dự toán có thể cao hơn mức rút nêu trên và tổng mức rút dự toán cả Quý I không được vượt quá 30% tổng mức bổ sung cân đối cả năm.

2. Đối với việc rút kinh phí bổ sung có mục tiêu từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố:

a. UBND các huyện, thị xã, thành phố chịu trách nhiệm về việc rút dự toán từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố; trường hợp rút dự toán nhưng không sử dụng hết hoặc sử dụng không đúng mục tiêu thì phải hoàn trả ngân sách tỉnh trong phạm vi tối đa là 30 ngày. Đồng thời, mức rút tối đa bằng dự toán UBND tỉnh giao và phải đảm bảo các điều kiện để thực hiện rút dự toán bổ sung có mục tiêu như sau:

- Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu thực hiện các chế độ, chính sách, các nhiệm vụ có tính chất chi thường xuyên: Phải có quyết định phân bổ kinh phí của UBND huyện, thị xã, thành phố.

- Đối với kinh phí bổ sung có mục tiêu chi đầu tư và chi thường xuyên có tính chất đầu tư: Phải có quyết định giao kế hoạch vốn hoặc quyết định phân bổ kinh phí của UBND huyện, thị xã, thành phố và các thủ tục theo quy định.

b. Định kỳ hàng quý, UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm tổng hợp báo cáo UBND tỉnh thông qua Sở Tài chính về tình hình thực hiện kinh phí ngân sách tỉnh bổ sung có mục tiêu để thực hiện các chế độ, chính sách. Trường hợp các huyện, thị xã, thành phố không thực hiện chế độ báo cáo hoặc báo cáo không đúng và đầy đủ theo quy định, giao Sở Tài chính tổng hợp, báo cáo UBND tỉnh xem xét, tạm dừng cấp kinh phí bổ sung cho các huyện, thị xã, thành phố cho đến khi các huyện, thị xã, thành phố có báo cáo đầy đủ.

Điều 2. Tổ chức thực hiện

1. Sở Tài chính chủ trì, phối hợp với Kho bạc Nhà nước tỉnh thực hiện bổ sung kinh phí từ ngân sách tỉnh cho ngân sách các huyện, thị xã, thành phố; đồng thời, hướng dẫn cụ thể các cơ quan, đơn vị thực hiện theo quy định.

2. Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố có trách nhiệm chỉ đạo các cơ quan, đơn vị có liên quan thực hiện các quy định tại Điều 1 của Quyết định này theo đúng quy định.

Điều 3. Chánh văn phòng UBND tỉnh; Giám đốc Sở Tài chính; Giám đốc Kho bạc Nhà nước tỉnh; Chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố và Thủ trưởng các cơ quan, đơn vị có liên quan chịu trách nhiệm thi hành Quyết định này kể từ ngày ký./.

 

 

KT. CHỦ TỊCH
PHÓ CHỦ TỊCH





Phan Cao Thắng